Cõi Người Truyện 5


Truyện 5
Bão hiếu



ừ ngày ông Đồng mất, bà Đồng yếu hẳn. Bà đang ở nhà bác cả, đùng đùng thu gom quần áo cho vào cái bị cói, chống gậy, khoác bị sang ở nhà chú út.

Nhà chú hai ở cạnh nhà bác cả, chỉ cách nhau một giậu cúc tần. Từ ngày chú hai ra ở riêng chưa bao giờ bà bước chân đến ngõ, kể cả ngày khánh thành nhà mới, vợ chồng chú hai sang năn nỉ mời bà, bà cũng chẳng sang.

Bà thường chép miệng, than thở với xóm làng, bà con láng giềng rằng:

- Các cụ dạy có sai đâu: "Cây độc không trái, gái độc không con".

Cô con dâu lại thường phân bua với bà con lối xóm và chồng:

- Bà quê một cục, cực kỳ khó tính, chẳng biết đường nào mà chiều.



Mỗi lần bất chợt di chuyển chỗ ở từ nhà bác cả ở lưng chừng đồi giữa làng đến nhà chú út ở chân đồi rìa làng. Hai nhà cách nhau chừng non nửa cây số, bà tay bị, tay gậy, gặp ai cũng dừng lại chuyện trò thăm hỏi đôi câu, mệt đâu ngồi nghỉ đấy, có bận bà đi mất nửa ngày.

Cứ mỗi lần vợ chồng chú hai sang thăm, đang nằm ngoảnh mặt ra cổng, thấy bóng hai người lập tức bà quay ấp mặt vào tường, có lay gọi mỏi mồm bà chẳng trả lời.

Dần dà rồi người ta phát hiện được nguyên cớ bà di chuyển chỗ ở. Về sau vợ chồng chú hai có tấm quà miếng bánh nào biếu bà hay góp tiền... phải giấu bà, lúc ấy mới yên chuyện.

Từ dạo ấy trở đi bà ở riết nhà chú út. Vợ chồng bác cả, con cái phải thay phiên nhau đến thăm hỏi bà luôn.

*

* *

Làng Mật của bà Đồng nằm ven dãy đồi trọc. Nghe đến cái tên làng Mật người ta cứ lầm tưởng đến một làng bờ xôi ruộng mật, vườn tược xum xuê trù phú lắm. Nhưng không, nó hoàn toàn ngược lại. Làng bà ở ven chân đồi trọc, toàn đá là đá, cỏ hoang loáng thoáng mọc, thỉnh thoảng điểm một vài khóm sim, mua cằn cỗi.

Đằng trước làng có cánh đồng lúa nước còm cõi. Quanh năm dân làng sống bằng tiền bán mít, dứa, sắn, khoai. Vì nhà nào cũng có vườn rộng đến năm sáu sào Bắc Bộ. Những năm gần đây dân làng đua nhau trồng cây vải của xứ Thanh Hà - Hải Dương, bưởi Diễn, cam Canh... Nhưng bưởi Diễn cam Canh về đất này không còn hình hài mùi vị nữa, người ta đốn bỏ gần hết.

Chú hai tên là Núi, từng làm kế toán hợp tác xã nông nghiệp toàn xã. Người Núi bằng con nhái bén, một tay xách nhẹ. Vợ chú tên là Xuân mỏng mày hay hạt, co, eo thon thả, làm nghề chạy chợ. Bạn bè Núi thường hay trêu núi: "Cảm mái hại trống", Núi chỉ biết cười trừ.

Việc Núi bỏ hợp tác xã, nhảy vào làm kế toán của nhà máy lớn làm xôn xao cả huyện. Lúc này dẫu có bằng đại học chính quy hẳn hoi còn tốn bạc triệu vẫn khó lọt được vào nhà máy. Đằng này Núi vào làm kế toán phòng tài vụ của nhà máy nhẹ như lông hồng.

Chuyện chưa dừng ở đấy, Núi mới nhận chức kế toán của nhà máy chưa ấm chỗ đã được cắm đất xây nhà. Công nhân của nhà máy số đông ở nhà chung cư, ai có máu mặt lắm mới làm nhà riêng nhưng đều là nhà cấp bốn, thế đã là hơn người

lắm rồi.

Núi mới chân ướt chân ráo đã xây nhà ba tầng, có vườn hoa cây cảnh, cá chậu chim lồng rất bề thế. Khuôn nhà ở quê, hàng rào mặt đường trồng tre các phía còn lại bằng giậu cúc tần. Nay được đào lên phá bỏ xây lại bằng cọc bê tông cốt thép và tường gạch Tuy nen. Cổng ra vào bằng thép mạ, rộng như cổng các công sở hàng tỉnh.

Đến ngày được đề bạt lên chức phó phòng tài vụ, Núi lại mua xe con bạc tỷ. Lúc này Xuân nghỉ chạy chợ đi học lái xe. Thứ bảy chủ nhật vợ chồng Núi đánh xe về với danh nghĩa thăm mẹ, nhưng thực chất về thụ hưởng hương đồng gió núi của quê hương. Nhưng mẹ Núi khi thấy bóng hai người vẫn quay mặt vào tường như trước.

Núi làm trợ thủ đắc lực được ba đời giám đốc, đến đời giám đốc thứ tư, trưởng phòng nghỉ hưu. Trong hai phó phòng, một có bằng cử nhân kinh tế kế toán chính quy, một có bằng "bằng lòng", hai anh chạy đua vào chức trưởng phòng. Rốt cuộc Núi thắng.

Đến ngày có chủ trương chuyển đổi cổ phần hóa nhà máy thành công ty, đời giám đốc thứ tư tài hoa, rất trẻ, nể mặt người cầm rương hòm chìa khóa, kho quỹ của nhà máy lâu năm đã đề cử Núi giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị.

Lúc này ở quê nhà bà Đồng ốm nặng, vợ chồng Núi đánh xe về đón, đưa bà đi bệnh viện, bà vẫn quay mặt vào tường, nhất quyết không đi. Buộc lòng bà Xuân phải dúi tiền cho bác cả thuê tắc xi, bà mới chịu lên xe.

Đến bệnh viện chưa được bao ngày, bác sĩ người ta bảo: Thuốc thang hết tác dụng với bà. Gia đình nên đưa bà về để được gặp con cháu trước lúc đi xa.

Tại quán giải khát ở cổng bệnh viện đã có đầy đủ vợ chồng bác cả, vợ chồng Núi và vợ chồng chú út. Xuân nâng ly nước ngọt lên chiêu một ngụm dấp giọng, rồi lên tiếng:

- Vợ chồng bác cả, vợ chồng chú út quá vất vả với bà nhiều rồi. Giờ đến phiên vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi đón bà về phục vụ bà những ngày cuối để đỡ phải ân hận.

Nghe thế chú út liền đứng dậy thưa:

- Không được. Lúc bà yếu bà đã nói với em muốn được làm đám ở nhà em và được yên nghỉ ở nghĩa trang làng, bà chống gậy lên nghĩa trang chỉ sinh phần của bà, nằm bên trái mộ phần của ông.

Lúc này bác cả lại lên tiếng:

- Nói như hai chú thế là không được! Lúc bà còn sống, bà ở với vợ chồng anh nhiều hơn. Nay bà nằm xuống cũng phải lo đám cho bà tại nhà anh. Anh là con trưởng, đứng mũi chịu sào, nếu không bà con làng xóm người ta nhổ nước bọt vào mặt anh đấy.

Cả ba đôi chẳng đôi nào chịu đôi nào. Bà Xuân lên tiếng tiếp:

- Bác cả và chú út cứ nghĩ thử mà xem, thời buổi bây giờ là thời buổi nào?! Lo đám cho bà rồi, còn bốn chín, một trăm ngày nữa. Còn phải xây mộ cho bà tốn kém đâu phải ít. Ở quê mình bà con phúng viếng đông thật, nhưng thử hỏi mỗi phong bì được là bao? Trong lúc ở nhà máy, nhà em làm việc bạn bè đông đúc nhưng quá xa, người ta chỉ đi đại diện đến thôi, thiệt thòi biết bao nhiêu mà kể!

Vợ chồng chúng em đã từng mừng vui hay sẻ chia phúng viếng họ nhiều rồi. Lo đám bà ở nhà em gần nhà máy, anh Núi đang là chủ tịch hội đồng quản trị, các phòng ban, phân xưởng, bạn bè họ sẽ nể mặt, họ phải trả nợ.

Còn bà con chú bác ở quê, ra được người nào hay người ấy! Họ ra chắc còn tốn thêm báu gì! Lúc ấy gia đình ta không những đủ tiền trang trải ma chay mà còn làm bốn chín, một trăm ngày, xây mộ cho bà đàng hoàng, to, đẹp, có khi còn thừa không phải ít. Như thế có phải được mát mặt với thiên hạ không.

Nghe vậy bác cả đứng lên to tiếng bảo:

- Không được! Tôi biết chứ! Lo đám cho bà ở chỗ chú thím có thể gấp trăm lần ở quê. Thuyền to thì sóng to, thuyền bé thì sóng bé, vợ chồng chú thím khỏi lo. Cứ để anh đón bà về quê.

Nói để mà nói vậy thôi! Nói để cho hợp với lẽ đời là gia đình đã có bàn bạc. Thực chất mọi chuyện bà Xuân đã định đoạt cả rồi.

*

* *

Bà ta đã đến gặp tổ bảo vệ bệnh viện. Không ngờ chú tổ trưởng bảo vệ bệnh viện lại là người lái xe cho ông giám đốc đời đầu của nhà máy. Gặp lại Xuân anh ta cất lời khen:

- Chị vẫn trẻ, vẫn đẹp như ngày nào.

Xuân tủm tỉm cười đáp lại:

- Chú cứ động viên chị! Đã hơn hai chục

năm rồi còn gì! Gỗ đá cũng phải hao mòn huống hồ là chị!

Chú tổ trưởng bảo vệ lại lên tiếng:

- Ừ! Từ ngày đấy đến giờ cũng phải hơn hai chục năm rồi, nhưng chị vẫn như xưa chẳng đổi thay là bao.

Xuân cười sảng khoái bảo:

- Chú cứ hún chị.

Nhớ lại ngày ấy cách đây đã hai mươi mốt năm, nơi cửa hàng ăn uống phố huyện, Xuân đang đứng đợi lái xe và hành khách ăn trưa, để lên chuyến xe ấy ra Hà Nội lấy hàng. Tình cờ Xuân đứng dưới gốc cây cạnh chiếc xe con. Từ trong cửa hàng bước ra một người có dáng đi khoan thai, thong thả, tiến về nơi đỗ chiếc xe con, mở cánh cửa khoang sau chuẩn bị ngồi vào xe. Xuân tiến lại gần, vai khoác một túi xách bằng vải màu lam, tay cầm chiếc nón lá trắng của xứ Ba Đồn - Quảng Bình ve vẩy, mắt cười lúng liếng, miệng tủm tỉm nhỏ nhẹ:

- Anh có ra Hà Nội cho em quá giang chút đỉnh.

Người đàn ông dừng chân, nở nụ cười rất duyên bảo:

- Bông hoa đồng nội như em, ai trông thấy mà chẳng xao lòng. Anh sẵn sàng đón em đi cùng trời cuối đất chứ nói gì chỉ đến Hà Nội. Nhưng để giữ phép lịch sự cho phải đạo, em đợi chú kia kìa.

Người đàn ông giang tay chỉ về phía người đàn ông vừa đi vừa sỉa răng, cổ quàng cái ca-ra-vát màu đỏ rồi nói tiếp:

- Em ngỏ lời xin anh ta một tiếng, anh tin chắc trăm phần trăm anh ta sẽ gật đầu.

Người ấy vừa đến, Xuân cười nửa miệng mắt trao một đường quyền sắc lẹm. Xuân nói:

- Chào anh, em đợi mãi, chờ anh ra để xin anh cho em đi nhờ ra Hà Nội. Em định chờ xe khách nhưng họ kề cà quá, ăn uống lâu ơi là lâu mà em lại cần đi gấp.

Người đàn ông mới đến còn ít tuổi, thanh lịch, trang nhã cười đáp trả, nhưng mắt vẫn rọi về người đàn ông đứng cạnh xe nói:

- Em sẵn sàng giúp chị cả hai tay, nhưng phải được giám đốc em đồng ý mới có hiệu lực.

Bắt nguồn từ chuyến xe định mệnh ấy mà Núi được vào nhà máy một cách ngọt ngào. Người lái xe năm xưa như sực nhớ điều gì liền bảo:

- Hôm ấy chị bỏ mất một phiên chợ mà được bao nhiêu việc! Chị giỏi thật.

- Chú cứ đùa chị!

Người tổ trưởng bảo vệ bệnh viện lại tiếp:

- Em không đùa đâu! Giờ đầu em đã hai thứ tóc rồi, em thầm khen chị biết sử dụng quyền lực của mình để lo toan việc lớn cho chồng, không phải ai cũng làm được như vậy đâu. Cháu gái chắc giờ đây đã lớn lắm rồi nhỉ? Rồi nó cũng xinh đẹp, cũng tài ba như mẹ nó.

Xuân nói tiếp:

- Không giấu gì chú, nó sắp xây dựng gia đình rồi. Xinh thì nó có xinh nhưng cháu mắc phải bệnh thần kinh phân lập, nó ngớ ngẩn làm cho chị đau đầu vì nó.

- Em cũng nghe phong phanh như thế nhưng em không tin, giờ chị nói em mới chắc. Khi nào tổ chức cho cháu chị phải báo cho em biết nghe không. Anh ấy có chu cấp cho chị không?

Xuân nói tiếp:

- Chú là số một, biết chú ở đây là phải mời rồi. Tội nghiệp cho anh ấy, nếu không có anh ấy thì chị làm sao có được như ngày hôm nay. Phải nói tiền chồng lên bằng người mà vẫn không cứu được, chị vẫn thương tiếc anh ấy, người như vậy mà đoản thọ, tiếc quá. Thôi việc cũ ta gác lại, hẹn lúc nào thanh thản chị em ta lại hàn huyên. Bây giờ chị nhờ chú một việc.

- Việc gì hả chị?

Lâu ngày mới gặp lại chú, chú cầm lấy cho chị vui lòng.

- Ấy chết! Việc gì chị phải nói để em lượng sức xem em có làm được hay không cái đã.

- Việc này trong tầm tay của chú! Bà cụ mẹ anh Núi đang điều trị ở khoa ngoại. Chuyên môn người ta bảo hết khả năng cứu chữa rồi, chị đem về nhà phụng dưỡng được ngày nào hay ngày ấy. Anh em nhà anh Núi muốn đem về quê chị không đồng ý. Vì vậy chưa có ý kiến của chị thì chú đừng cho cụ ấy ra bất cứ xe nào. Bây giờ chị lên gặp giám đốc đây.

- Tưởng việc gì, chứ việc ấy chị cứ an tâm.

*

* *

Xuân vào phòng giám đốc với cái đánh mông điệu nghệ mắt đưa một đường xéo ngang sắc như dao bổ cau. Đã ngoài ngũ tuần mà cơ thể Xuân còn rực lửa. Đứng trước giám đốc Xuân hồ hởi thưa:

- Chào ông anh, em đến cầu cứu anh đây, anh ném phao cứu em với.

Người giám đốc dừng bút bảo:

- Mời cô ngồi, có chuyện gì mà cấp cứu thế?

- Không đến nỗi cấp cứu nhưng nó gay cấn lắm, chuyện là thế này: Mẹ chồng em nằm điều trị ở khoa ngoại, chuyên môn họ thông báo là hết khả năng điều trị rồi, cho bà về nhà phụng dưỡng. Nhưng nhà em khách khứa liên tục lại neo người nên đề nghị anh với quyền lực giám đốc, anh can thiệp với khoa ngoại cho bà nán lại khi nào sắp tịch rồi đưa về. Mọi chi phí từ giường bệnh, tiền thù lao, công xá của hộ lý, y tá, bác sỹ, gia đình xin thanh toán đầy đủ. Và đây là phần của anh, xong việc em xin hậu tạ tiếp.

Giám đốc liền lên tiếng:

- Việc điều trị, săn sóc bệnh nhân là trách nhiệm của chúng tôi, chị đừng làm thế này.

Giám đốc đẩy cái phong bì một cách ngập ngừng về phía Xuân. Xuân đứng dậy và nói:

- Xin cám ơn anh, xong việc em còn gặp lại.

*

* *

Tại làng Mật, gia đình bác cả, gia đình chú út cùng một số bà con họ hàng đang chụm đầu bàn tính. Bác cả bảo:

- Bà, bây giờ chỉ còn tính ngày nữa thôi! Bệnh viện bảo cho về. Tôi thuê xe vào đón họ lại ngăn lại bảo chờ giấy xuất viện, chẳng hiểu ra làm sao cả.

Nghe vậy vợ cậu út giãy nảy người đứng lên nói:

- Không phải do bệnh viênh đâu! Do trò láu cá của bà Xuân mà thôi. Bà Xuân muốn để bà chết hẳn ở bệnh viện rồi mới đưa về. Tôi còn nghe được chuyện bà Xuân bàn với bác Núi là khi đưa đám bà xong mọi thứ như bức trướng, phướn, liễn, câu đối, khăn tang đều đem đốt theo tất cả. Bà Xuân không muốn đưa bà về lúc còn sống vì không có người phục vụ, vả lại nhà bà ta khách khứa ra vào tấp nập nên đợi bà chết hẳn mới đem về lo đám.

Lúc này có một cụ ông tóc đã trắng như cước, đôi mắt vẫn còn sáng ẩn dưới vệt lông mày trắng như bông, cụ nói:

- Đến nước này càng biết rõ bụng dạ cái con Xuân. Thằng Núi đến lúc mẹ chết vẫn bị vợ sỏ mũi. Cái ngày ông nằm xuống nó tranh giành đất làm cho bà nổi giận, bà từ mặt nó. Lúc ấy chú lại bênh nó, đến nước này thì chú cũng hết chịu nổi rồi! Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, các cháu phải biết lùi một bước không thì cả cái làng này, cả huyện này người ta chửi cho. Cái gương tày liếc còn đó. Bố mẹ mới nằm xuống chỉ vì mấy đồng tiền phúng viếng mà anh em ruột rà máu mủ phải đâm chém nhau, lót lá dắt tay nhau ra đường cho thiên hạ họ cười vào mặt còn sờ sờ ra đấy. Thôi các cháu phải nghe chú, miễn sao mẹ các cháu mồ yên mả đẹp, là mát mặt chú cháu ta rồi.

Đến nước này bà vợ bác cả mới lên tiếng:

- Chú dạy thế là phải đạo rồi, con cháu phải nghe lời chú. Nhưng chú nghĩ lại mà xem các cụ đã dạy: "Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy". Không phải chúng cháu vì mấy đồng tiền phúng viếng đâu. Đây là lễ nghĩa, cái ngày bà Xuân đem xe đón bà đi bệnh viện, bà đã nói rồi còn gì, bà bảo: "Tao chẳng đi đâu hết, sống ở làng này chết cũng chết ở cái làng này... Chúng mày đã lăm lăm chờ ông ấy chết để chiếm đoạt đất, chiếm được đất rồi bây giờ chúng mày định lăm le lấy xác tao để kinh doanh, đời nào tao chịu. Tao thừa biết bụng dạ của chúng mày rồi."

Chú cứ nghĩ mà xem. Đến lúc bà ốm nặng như thế mà bà còn ôm hận, chú có thương bà không? Chú cứ để cho các cháu dùng luật rừng xử sự với bọn mất hết tính người ấy.

- Ấy chết! - Ông cụ lại nói gấp: - Thôi chú xin các cháu, cả làng, cả xã, cả huyện, cả tỉnh ai cũng biết bụng dạ, tâm địa con Xuân rồi. Chú xin các cháu.

*

* *

Tuy người chú hết lòng can ngăn nhưng không ngăn được. Mấy đứa con bác cả, chú út dùng gậy tre chờ sẵn ở ngã ba làng Mật, họ trốn trong quán giải khát chờ xe bà Xuân dẫn đường vọt qua là họ chặn xe cứu thương của bệnh viện lại, bắt chở bà vào làng Mật.

Việc này bà Xuân đã tính trước, đã phân công cho Núi làm việc với huyện phó Công an huyện. Tuy số quân rải ra trên đoạn đường này rất đông nhưng vì chủ quan, sự việc xảy ra quá đột ngột trở tay không kịp. Nhìn qua kính chiếu hậu bà Xuân cho xe quay lại, lúc này trên đoạn đường ùn tắc cả hai chiều. Xe xuôi ngược nối đuôi nhau dài đến ba cây số.

Nửa tiếng sau công an mới giải tỏa, áp tải đưa được xe cứu thương chở thi hài bà Đồng về nhà Xuân, Núi.

Đông Bắc mùa đông 2009

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86912


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận