Cõi Người Truyện 6


Truyện 6
Cô đồng hương



gày còn lênh đênh trên sông nước, cuộc sống của gia đình Hương phụ thuộc vào cái tép, con tôm. Ngày ấy người ta thường gọi Hương là Hương thuyền chài.

Đó là những ngày còn vẹo sườn, nách cắp cái rổ to tướng, bên trong vài con chày, năm ba con chép bằng bàn tay, mớ cá nẹp. Người gầy nhom. Chân, đầu đi trước, lưng, đít theo sau. Mỗi khi gặp cơn gió mạnh hất ngược chiếc nón rách về gáy, để lộ mái tóc rối như tổ quạ. Mặt Hương mỏng mảnh, hố mắt sâu, nước da xanh xám vì nắng gió.

Bố mẹ hai bên vợ chồng Hương đều làm nghề chài lưới. Gặp buổi cá ế ẩm, khi mẹ chồng đang chào mời khách để bán cá thì con dâu lại chèo kéo, níu áo khách lại. Thế là mẹ chồng nàng dâu đấu khẩu đúng với nghĩa mồm mép hàng tôm, hàng cá. Cuộc chiến trên chợ lan dần ra mặt sông. Hai thuyền chòng chành, bố dùng sào đánh chửi con, con dùng sào gạt, đỡ, đánh lại bố. Từ dạo ấy mỗi thuyền mỗi bến.



Từ ngày đoạn sông này mở thêm cảng than, vợ chồng Hương có thêm nghề vét than từ các tàu, các sà lan do cần cẩu cẩu sót lại. Ban đầu, họ lót tay cho thuỷ thủ con cá, cút rượu. Dần dà con gà, két bia. Cao hơn bước nữa, vợ nhảy lên buồng lái "chuyện trò", dưới sông chồng tha hồ xúc than đem đổ cho các lò gạch ven sông. Chồng đem đi bán đổi chác chán chê, quay về đón vợ, xúc thêm năm ba tạ cứ như xúc cát bãi bồi vậy.

Ngoài nghề chài lưới, buôn than, bán cá, biết các thuỷ thủ lênh đênh trên sông nước dài ngày đang khao khát hàng "tươi sống", chồng Hương kiêm luôn.

Thuyền trưởng biết chuyện, triệu tập cán bộ thuyền viên lại chấn chỉnh, uốn nắn. Thuyền trưởng nhắc nhở:

- Các đồng chí phải giữ đúng kỷ luật sông nước, giữ đúng phẩm chất của cán bộ thuyền viên. Tuyệt đối không được làm phương hại đến uy tín của tàu, của công ty.

Nghe vậy các thuỷ thủ đưa mắt nhìn nhau đầy thách thức. Họ tìm gặp chồng Hương, bảo:

- Chú mày giúp bọn mình, đón cái ả từng đổ bệnh cho chú mày, đưa về đây. Bọn mình trả công hậu hĩnh.

Mới nghe, chồng Hương cứ tưởng bọn họ nói mát mình. Thấy vẻ mặt trang trọng, lời nói nghiêm nghị của họ, chồng Hương bảo:

- Thiếu gì hàng xịn, mà các anh tìm đến thứ phế phẩm ấy?

- Bọn mình cần độc trị độc, bọn mình trả công gấp đôi được chưa?

- Chuyện ấy nhỏ như con thỏ, em sẽ đáp ứng đúng yêu cầu của các anh.

Tối thứ bảy ấy, chồng Hương chở đến một nàng mặc quần zin, áo phông màu hồng, mặt đầy lấm tấm mụn. Nhận tiền, quay thuyền, hẹn giờ đến đón.

Đêm ấy thuỷ thủ tổ chức một cuộc nhậu, với lý do chào mừng đổi mới nề nếp sinh hoạt theo lệnh của thuyền trưởng. Họ dùng những mỹ từ bóng bẩy, ngon ngọt, nài ép, chúc tụng thuyền trưởng. Rượu vốt ka, với mộc tồn bảy món làm cho thuyền trưởng sa đà, say tuý luý, đến nỗi đứng không vững. Họ dìu thuyền trưởng về phòng.

Tuần sau thuyền trưởng đi tiểu tiện bị buốt, nhức không chịu nổi, phải nằm viện. Các thuỷ thủ thay nhau đến quà cáp thăm hỏi.

*

* *

Từ ngày bố con không nhìn mặt nhau, vợ chồng Hương đã dày lưng vốn, không những đủ tiền lên bờ mua nhà định cư, còn thừa, cho vay với lãi suất ba phân mỗi tháng. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay phất lên khá giả.

Từ ngày lên bờ, chồng Hương vắng nhà luôn, với lý do nhớ sông nước. Nhưng Hương đã biết, từ ngày Hương nhảy lên buồng lái làm "ngoại giao", chồng Hương đã "đầu tư" cho một thuyền khác, đã có con riêng.

Ngôi nhà giờ đây chao đảo còn hơn con thuyền gặp lúc sóng to, gió lớn trên sông! Một hôm Hương làm vườn, cuốc xới chạm phải cái sọ người, hàm răng còn nguyên, trắng toát, hoảng quá. Hương lấp đất lại, thường xuyên hương khói. Hương sợ, buồn bã, bâng khuâng, la cà sang làm quen với các nhà hàng xóm cho khuây khỏa. Từ ngày lên bờ, vợ chồng Hương chẳng đến nhà ai và chẳng có ai bước chân đến ngõ nhà Hương. Hôm nay Hương vào nhà ông Bảy, ông ngót nghét gần trăm tuổi. Thấy Hương đến ông niềm nở chào đón. Hương vừa ngồi yên chỗ ông liền bảo:

- May quá hôm nay cô sang nhà chơi, tôi đã mấy lần định sang nhà cô nhưng chưa sang được. Định sang báo cho cô biết trong vườn nhà cô, chếch trước mặt nhà, gần cây khế, có ngôi mộ của người con gái ở đó, lâu lắm rồi chẳng ai hương khói, nay đã phẳng lì rồi, tôi sẽ chỉ cho cô để cô lo hương khói cho người ta kẻo tội. Ngôi mộ ấy do ông Vạn đem chôn ở đấy. Mảnh đất ấy ngày trước chẳng có ai thèm để mắt đến. Bây giờ mới đúng là tấc đất,

tấc vàng.

Ngày ấy nhà ông Vạn ở ngoài đê. Đúng vào ngày rằm tháng tám, ông nhìn thấy xác người con gái trôi nổi quanh quẩn ở gần hàng tre nhà ông. Ông dùng sào đẩy ra nó lại dạt vào, lặp đi lặp lại mấy lần, vì ở đó có cái đập sinh ra vũng nước xoáy. Cho đây là cái điềm chẳng lành, có lẽ do tiền duyên có mắc mớ gì đây, ông vớt lên đem chôn vào đấy.

Nghe vậy Hương liền hỏi:

- Ông Vạn bây giờ ở đâu hở ông?

- Ông Vạn chết rồi, con cháu tản mác mỗi đứa mỗi nơi. Ngoài sông từ ngày mở bến bãi chẳng còn ai ở nữa.

*

* *

Đêm ấy Hương vặn ngọn đèn thật to, nằm nghĩ miên man, nhớ lại ngày còn bé theo bố neo thuyền giăng lưới ở mỏm Cồn Soi. Nước nguồn đổ về đục ngầu. Bố sai Hương vào xóm xin nước về nấu cơm. Trong xóm rìa bờ sông có gia đình đang than khóc thê thảm. Hương tò mò hỏi hàng xóm biết được gia đình ấy có người con gái tên là Loan bơi ra vớt củi bị nước cuốn trôi. Ngày ấy vào dịp tết Trung thu.

Hương ghép hai sự việc lại với nhau sao nó trùng hợp đến thế. Hương nghĩ: Ngôi mộ này đúng là mộ của chị Loan rồi. Hương mải nghĩ miên man rồi thiếp đi trong cơn mộng mị.

Trời sáng bạch, hơn tám giờ Hương vẫn còn mơ màng. Nghe tiếng chó cắn, rồi có người gõ cửa. Hương bật dậy, sửa sang lại quần áo, vuốt mái tóc ra mở cửa. Hương à lên một tiếng thật dài rồi bảo:

- Sao biết nhà mà lần vào?

Người gọi cửa đáp:

- Quả đất tròn mà, nhớ quá nên tìm đến!

Anh ta là thuỷ thủ. Qua một canh đỏ đen cháy túi, anh ta nợ như chúa chổm nên chẳng biết bấu víu vào đâu! Lúc này y mới nghĩ đến Hương. Còn Hương tâm trạng đang bất an vì ngôi mộ, phần vì chồng đang có mới nới cũ nên đón tiếp rất nồng nàn. Anh chàng thuỷ thủ nhìn thần sắc bơ phờ của Hương liền bảo:

- Chắc chồng neo thuyền bến mới, nới bến cũ rồi phải không?

Hương liền tường thuật lại chuyện cuốc phải sọ người nên ruột gan cứ rối bời. Nghe vậy chàng thuỷ thủ kể chuyện của anh chàng đâm thuê chém mướn dưới thời Tổng thống Thiệu, nay thành người giàu có, là con bạc cỡ bự. Anh ta giàu lên cũng nhờ làm vườn cuốc phải mộ cho Hương nghe. Hương nuốt từng lời, không để sót một chi tiết nào, anh ta kể rằng:

- Không biết tên móc nôi của y là gì, chỉ biết người ta gọi là Xăm, vì y có nhiều tiền, là con bạc lớn, nên người ta gọi y là anh cả Xăm. Có lẽ cái tên Xăm của y xuất xứ từ thân hình y, bắp chân, bắp tay, lưng, ngực, bụng đều được xăm những hình thù quái dị. Vì tranh chấp nhau địa bàn làm ăn đã xảy ra án mạng, y bị bắt vào tù. Vợ ở nhà theo tay đại ca của phe nhóm y vừa mới tham gia thanh toán. Được tin y chửi độc thề. Y bảo nếu trốn ra được y sẽ xử cả hai đứa. May cho y, thành phố được giải phóng, y được quân giải phóng trả tự do. Lập tức y tìm đến hang ổ gây nợ máu. Quân cảnh bắt

y nhốt tù. Phải đến năm năm, qua cải tạo y mới

được tha.

Về nhà cha mẹ không còn, mất vợ, anh em ruột thịt chẳng còn ai. Y ngán ngẩm, tính chuyện quay lại trại xin ở tù tiếp. Nhưng gặp sự cố không mong đợi, hóa ra lại là vận may cho đời y.

Ở trại, y được dạy dỗ làm vườn, lao động rất cần mẫn. Buồn tình y vác cuốc ra dọn vườn, chẳng may vấp phải ngôi mộ, y tính đến trưa vắng người y sẽ đem hài cốt ra thả trôi sông. Y tìm một bì xác rắn, mới cuốc mấy nhát đã gặp xương, y nhặt bỏ vào bao, khơi nhát sau lộ ra bọc giấy bóng trong đựng lọ pê-ni-xi-lin. Y tưởng có của quý trong đó nhưng mở bọc giấy bóng, bật nắp cao su thấy chỉ có tờ giấy, ghi tên Hân, quê quán, đơn vị, cấp bậc, chức vụ. Y biết ngay đây là hài cốt của quân giải phóng, vì quê quán ở miền Bắc, phiên hiệu đơn vị một thời Mỹ ngụy nghe đến là tránh đụng độ, y liền nghĩ đến mưu kế dùng ngôi mộ để kiếm tiền. Y ghi lại những thông tin cần thiết, xong thả lọ vào hố, đổ những nhảnh xương trong bao xác rắn vào, lấp đất lại, trồng cỏ rồi xách nước tưới.

Như trong giấy ghi phải còn hơn một tháng nữa vừa tròn mười năm ngày Hân hy sinh, y nghĩ chắc gia đình phải lấy ngày báo tử này làm giỗ. Tính sao chỉ còn ba ngày nữa là đến ngày ấy, y khăn gói ra ga, nhảy tàu trốn vé tìm về quê Hân. Dò hỏi mãi rồi cũng tìm đến nhà đúng vào ngày giỗ. Gia đình đang quần tụ đầy đủ cháu con. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, cỗ bàn, hoa quả chật kín.

Vai y khoác túi áo quần, tay giỏ hoa quả, tay hương nến, đầu đội mũ chìa, chân đi đôi giày khủng bố. Y mạnh dạn bước vào ngõ. Cả nhà nhìn ra ngỡ ngàng, mẹ của Hân và một cháu bé lon ton chạy theo bà ra chào đón. Y lễ phép đáp lại, tiến vào hàng hiên cởi giày, bỏ túi, tiến đến bàn thờ, đặt lễ vật còn có cả phong bì, cắm hoa vào bình, đốt hương khấn vái rì rầm, cả nhà hướng về y. Xong y quay lại bàn trà, lúc này mới lên tiếng.

- Thế này là thế nào? Thấy thờ ảnh anh, cháu lạnh cả người! Vì anh Hân và cháu vừa vào đây với nhau cơ mà. Thật sự cháu sợ lắm rồi! Cách đây ba ngày, cháu đang ngủ trưa, anh vào đánh thức cháu dậy bảo: Ngủ gì mà ngủ lắm thế! Đi ăn cỗ với Hân đi. Hơi xa đấy, chuẩn bị tiền tàu xe và quần áo để thay.

Thế là cháu răm rắp làm theo lời anh. Cháu mở hòm lấy tiền và quần áo, ra đến bến xe, anh bảo cháu lấy vé về tỉnh này. Lên xe anh ngồi cạnh cháu anh bảo: "Đường sá nhà cửa thay đổi nhiều quá nhận không ra." Bỗng dưng xe bị chết máy, phụ xe xuống sửa chữa, sửa xong xe chạy được hơn trăm cây số xe lại chết máy. Đoạn đường này rất gần ga xe lửa, anh bảo:

"Xe hỏng hoài thế này chậm mất, ta nên đi tàu thôi." Vào ga được nhà ga thông báo: Hai mươi mốt giờ ba mươi mới có tàu ra, anh lại kéo cháu quay lại xe. Lúc này xe đã chạy. Đón xe khác, xe này chạy được vài tiếng thì bị xịt lốp. Chờ vá xong, chạy được gần trăm cây số nữa anh bảo đến rồi, báo với nhà xe xin xuống. Chưa kịp báo thì xe lại xịt lốp. Anh dẫn cháu về đây, đến ngõ anh bảo nhà đây rồi.

Cả nhà nghe vậy đều ngồi im phăng phắc, mắt hướng về bàn thờ, bà cụ liền bảo:

- Đúng rồi! Đêm qua tôi nằm mơ thấy nó về, hỏi gì nó cũng không nói. Đúng là vong của nó dẫn đường cho anh đấy.

Nghe vậy y giả vờ tái mặt rùng mình.

Cỗ bàn ăn xong, y lễ phép xin gia đình trở về quê để lo hương khói cho anh ấy. Nghe vậy bà cụ liền cất tiếng hỏi:

- Cháu biết mộ của thằng Hân à! Gia đình đã đi tìm mấy nghĩa trang theo địa danh ghi trong giấy báo tử mà tìm chẳng ra.

Y lại nói tiếp:

- Cháu chắc chắn là mộ của anh ấy. Vì sáng ngày hôm ấy cháu làm vườn, cuốc phải ngôi mộ, cháu lấp lại thì trưa cháu thấy anh ấy.

Bà cụ lại bảo:

- Đúng là vong nó đã dẫn anh về đây để báo cho gia đình đấy ! Anh đã ra đây coi như con cháu trong gia đình. Nếu đúng như vậy, ngày mai tôi sẽ theo anh về, giờ anh đi tắm nghỉ ngơi, thay quần áo cho các em nó giặt cho kịp khô.

*

* *

Đoàn người xuống tàu vào lúc nhập nhoạng tối. Từ ga về nhà Xăm gần hai cây số. Gia đình thuê xe đưa về.

Nhà Xăm nội thất chả có gì, nhà cấp bốn. Việc đầu tiên y thắp hương lên bàn thờ. Sau đó y dẫn cả nhà ra vườn thắp hương ở mộ, y vào bếp đun nước pha trà mời gia đình. Bố trí bà cụ và người con gái ngủ một giường, giường còn lại hai người con trai. Y đi lang thang rồi quay về quán chợ ngủ ngồi.

Cả gia đình lạ nhà, lại thay nhau ra thắp hương liên tục trên mộ nên trằn trọc suốt đêm, đến gần sáng mới chợp mắt tí tẹo.

Tảng sáng y đã có mặt, gia đình gọi nhau dậy ra chợ sắm lễ.

Hài cốt được bọc trong vuông vải đỏ, thông tin trong lọ pê-ni-xi-lin làm cho gia đình phấn chấn, mừng rỡ khôn xiết. Toàn bộ được xếp gọn trong va ly. Trước lúc gia đình ra về gửi lại hai triệu nhờ Xăm xây hộ cái am để hương khói cho Hân và gửi thêm một triệu nhờ anh từ nay lo hương khói thay gia đình.

Bắt nguồn từ trò dựng chuyện bịp bợm ấy, dư luận đồn thổi ầm ĩ từ Nam ra Bắc. Họ phong cho Xăm là siêu năng ngoại cảm, người nhìn qua lòng đất, người nói chuyện được với người âm. Từ đó ngôi miếu nhà Xăm ngày nào cũng rậm rịch người đến dâng hoa quả, lễ tiền, cầu mong y xem vận mạng, duyên số, vận hạn, có cả ông lớn đánh xe công đưa bà lớn đến đặt lễ tiền triệu, nhờ xem vận hạn của chồng.

Từ đó một kẻ đâm thuê chém mướn, vào tù ra tội, mới học hết vỡ lòng, mà nay có cả những nhà chức sắc, người có học hàm học vị đến nhờ Xăm dẫn đường chỉ lối nên y mới có tiền xây nhà ba bốn tầng. Đêm đêm tìm đến sòng bạc, là con bạc cỡ bự, lắm người vị nể.

Chàng thuỷ thủ kể tiếp:

- Anh hỏi Xăm, thế khi người ta đến cầu xin đi tìm mộ đối phó ra làm sao?

Xăm bảo:

- Chuyện ấy khó chơi đấy. Phải tìm kế hoãn binh thôi, hẹn ngày thích hợp mới hiển linh, sau đó là tung tình báo đi dò la. Có cái đúng, cái sai. Nhưng trăm sự cứ đổ cho thánh thần là họ phải chịu.

Anh lại hỏi còn vận mạng tướng số thì sao?

Xăm nói tiếp:

- Tìm mấy quyển sách xem tướng số, học thuộc một vài quẻ, thuộc mấy sao, tuỳ theo trường hợp mà vận dụng, cứ phán bừa như thánh sống mà trúng ra phết. Cuộc sống nếu bình lặng, yên ắng thì hơi đâu người ta tìm đến thầy, đến thuốc làm gì? Vì vậy các vị đã đến xem không chứng này thì cũng tật nọ. Ví như lớp choai choai mới lớn chỉ có tình duyên trắc trở, nếu thấy ra dáng thư sinh chắc chắn là do học tài thi phận, nếu cứng tuổi thêm một ít là không tìm được việc làm hay đi lao động nước ngoài bị lừa đảo.

Gặp phải người đứng tuổi, xem tạng người, không chồng bỏ, chồng chê thì chỉ còn đường buôn bán thua lỗ. Gặp phải qúy bà đặt lễ lớn, y thị là các đức ông chồng gặp vận hạn, không tham nhũng bị phát giác thì cũng đấu đá tranh nhau ghế, nhất là giữa hai nhiệm kỳ.

Khi các cụ già đã tìm đến là bản thân các cụ có bệnh nặng, con cháu phụ bạc, hút hít. Tất tần tật cứ đổ cho do mồ mả là yên chuyện. Ai chẳng có bà cô xa linh thiêng lắm, ai chẳng có mộ ông, mộ bà cứ cho là động, đã chết ai đâu. Cứ ê a, khấn vái cho thân chủ nghe ta mời cậu Hoàng Bảy, Hoàng Ba, Hoàng Mười, gọi đến danh các thánh mẫu, mẫu thiêng, mẫu thượng ngàn, mẫu thoải, kết hợp xướng tên các quẻ: Vị tế, thiên địa lôi, các sao chiếu mệnh như Thái bạch, Kế đô làm cho họ rối tinh rối mù lên, rồi liên hệ chuyện nọ xọ chuyện kia họ cho là đúng, là linh nghiệm, thế là ổn rồi.

Những lời anh chàng thuỷ thủ kể, Hương liên hệ đến ngôi mộ vườn nhà mình và những toan tính

sắp đến.

Chàng thuỷ thủ sau chầu cơm no, rượu say, vay được tiền, toàn thân anh ta đã rệu rã, các khớp xương long ra ê ẩm. Còn Hương thỏa thuê, hớn hở, tâm trí đang tập trung suy nghĩ đến chuyện anh ta kể vừa rồi, điều gì có thể giúp cho Hương bày trò sắp đến.

*

* *

Chọn đúng vào ngày mười bốn tháng tám âm lịch, Hương sắm hoa quả, hương nến tìm đến nhà người nằm dưới mộ.

Cỗ bàn đã hạ, đang mời gọi, xếp người vào mâm, cả nhà đều nhìn ra ngõ, vì có một người đàn bà lạ lẫm, tay xách túi giấy bóng đựng đầy hoa quả. Tay cầm hương nến vào sân. Cả nhà yên ắng chờ đợi.

Cụ già và một bác đứng tuổi ra sân chào đón Hương. Hương chào đáp lễ, đặt nón, dép xuống hiên nhà, tiến đến bàn thờ sắp lễ, đốt hương khấn vái rất lâu. Gia đình rất sốt ruột. Khấn vái xong Hương quay lại hỏi gia đình?

- Thế cô ấy đâu rồi?

Ông cụ hỏi lại:

- Cô nào?

Hương liền thưa:

- Chị Loan mời cháu về ăn cỗ!

Nghe vậy cả nhà sửng sốt. Cụ già liền bảo:

- Hôm nay là ngày giỗ nó đây mà.

Nghe vậy Hương vờ ngã người, bủn rủn, sùi bọt mép, cả nhà lo lắng, đem dầu gió ra xoa, lấy khăn tay dấp nước nóng đắp vào trán cho Hương, lập tức Hương khỏe trở lại.

Vừa ăn cỗ, Hương vừa trình bày chuyện xảy ra thế này:

- Cách đây chừng một tháng, cháu làm vườn, xới phải cái sọ, hàm răng còn nguyên, rất trắng. Cháu hoảng quá liền lấp lại, đốt hương. Từ đó đến nay đêm nào cháu cũng thấy chị. Tối vừa rồi chị bảo với cháu, mình là Loan, mời Hương đi ăn cỗ với mình. Hai chị em dắt díu ra chợ sắm lễ, chợ đông, người chật ních, cháu lách người rất khó, chị len qua rất nhẹ nhàng. Hai chị em vừa đi vừa trò chuyện, đến ngõ chị bảo: "Nhà đây rồi!"

Cả nhà nghe chuyện lấy làm lạ. Ông cụ liền hỏi:

- Thế ngôi mộ ấy có từ bao giờ?

Hương bảo:

- Cháu không biết, cháu mua nhà đến ở, không biết trong vườn có mộ. Lúc xới xáo gặp phải, nhờ bác Bảy nhà ở cạnh nhà cháu, bác đã gần trăm tuổi, là người ở đây sớm nhất. Bác bảo: "Vào dịp rằm tháng tám cách đây phải gần hai chục năm, ông Vạn thấy xác một cô gái cứ dập dềnh ở dãy tre nhà ông ngoài bờ sông. Ông dùng sào đẩy ra nhưng xác vẫn quẩn vào, ông đẩy đi đẩy lại mấy lần vẫn thế. Ông nghĩ đây là tiền kiếp có duyên nợ gì đây. nên vớt lên đem chôn ở đấy.

Nghe vậy ông cụ à lên một tiếng rõ dài rồi bảo:

- Đích thị rồi? Đúng nó rồi!

Hương giả bộ ngơ ngác hỏi:

- Thế là thế nào hở Bác!

Ông cụ nói tiếp:

- Ngày mười bốn tháng tám năm ấy, thấy củi rều trôi về nhiều, nó là người tham việc, bơi ra vớt, nó là người bơi lội từ bé như con rái cá, vậy mà bị chìm. Chắc do có dây quấn vào chân nó. Gia đình đã thuê lưới rà, mà tìm chẳng thấy. Mai là rằm, ngày kia gia đình sẽ xuống chỗ cháu, nhà cháu ở làng nào?

Hương thưa:

- Nhà cháu ở làng Bùi. Cháu tên là Hương, đây xuống dưới cháu chừng năm cây số, đi về mạn tay trái, cách bờ sông hơn trăm mét. Gia đình chẳng cần hỏi, về làng Bùi cái nhà cao bốn tầng là nhà cháu.

Hương xin về, gia đình sắp đầy một làn hoa quả, xôi, chả, thịt gà, trà, rượu. Ông cụ bảo:

- Cháu về đặt lễ thắp hương hộ bác, ngày kia bác sẽ xuống.

Hương đi rồi, trong gia đình mỗi người một ý. Lớp thanh niên họ bảo:

- Chắc gì đã đúng mộ chị ấy, bây giờ lắm trò lừa đảo bịp bợm lắm, phải cảnh giác.

Các bà các cô lại bảo:

- Đúng trăm phần trăm rồi, ai rỗi hơi, vô công rồi nghề đi làm những chuyện động đến thánh thần, mồ mả tâm linh. Chắc cô ta có khả năng như trên đài báo nói là ngoại cảm đó sao? Chứng tỏ cô ta nói chuyện được với người chết.

Đến lúc này ông cụ mới lên tiếng:

- Thực hư thế nào ta phải đến tận nơi. Phải tìm gặp ông Bảy, ông Vạn lúc ấy mới có kết luận. Ngôi mộ ấy là có thật rồi, có phải của nhà ta không còn phải chờ xem. Qua ông Bảy và ông Vạn ta tìm hiểu, nếu đúng như chị Hương kể thì chắc chắn là mộ của nhà ta rồi. Lúc ấy ta xin gia đình dời về nghĩa trang làng, đặt cái lễ một vài trăm và một lễ xin thổ công ở đấy. Đợi tắt nắng ta mới khai quật. Không bàn luận gì nữa, việc nào vào việc ấy. Sáng mười sáu cháu nào không bấn công việc thì đi

với bác.

*

* *

Từ đó Hương xây ở chỗ phần mộ bốc đi một cái miếu bề thế. Rồi thiên hạ đồn đại miếu nhà Hương linh thiêng lắm. Hương có khả năng nhìn qua vật cản, chuyện trò giao tiếp với thần linh. Ngôi miếu nhà Hương ngày nào cũng có người đem hương hoa lễ vật đến nhờ xem tiền vận, hậu vận, sao hạn, tướng số, mấy nhà mất trộm cũng đến nhờ Hương tìm hộ.

Điều đáng nói các bà đến đây có cả công nhân, cô giáo, thậm chí có cả chức sắc cấp cao đến nhờ Hương xem vận hạn, đặt lễ từ một triệu đến chục triệu. Lại còn lên đồng, lập đàn, chạy đàn hai ba ngày tốn kém đến năm sáu chục triệu. Nhưng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa chẳng dòm ngó đến.

Thấy vậy, ông Bảy năm nay đã chín tám tuổi, suốt đời lao động cần mẫn có nhiều công trình nghiên cứu, than thở:

- Đúng là thằng sáng nhờ thằng mù dẫn đường. Quan chức, giáo viên từng dạy bảo thiên hạ lại đi nhờ đến đứa chưa thoát nạn mù chữ chỉ đường! Đời thật trớ trêu!

Trong cuộc sống người ta lầm tưởng rằng có một đấng tối cao nào đó định đoạt số phận của từng người. Nên người ta mới đi tìm, cầu xin, hối lộ thần linh ở tận đẩu tận đâu. Không tin vào sức lao động, tài trí và lương tâm của mình. Vì thế cuộc đời mới nhiều bức xúc làm sao! Hãy đợi đấy! Như trong truyện Tam Quốc:

Hồi sau sẽ rõ !!!

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86914


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận