Cõi Người Truyện 7


Truyện 7
Ông ngố



quê tôi, giờ đây nhiều người, nhất là lớp mới nhoai lên, họ thường gọi ông là ông ngố!

Có người lại bảo:

- Ông chẳng ngố chút nào, trái lại ông sắc sảo, thâm trầm và nhạy cảm. Bằng chứng: Đã một thời, mỗi lần ông ở thủ đô về thăm quê, cả làng, cả xã, cả huyện đến cả tỉnh đều lấy ông làm thần tượng của mình.

Ông từng lãnh đạo cơ quan tuyên huấn cấp cao. Vợ chồng ông sinh hạ được ba người con trai và hai người con gái. Cô con gái lớn là bác sỹ quân y, hy sinh ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Cô em út đi Tây, lấy chồng Tây, một giáo sư văn chương, cô là tiến sỹ văn học. Hai vợ chồng đang giảng dạy ở trường đại học nước ngoài.



Ba người con trai, hai anh đã hy sinh tại quê nhà. Người còn sống là một chính ủy của một trung đoàn chủ lực lừng danh. Đến ngày đất nước đổi mới anh ta đùng đùng bảo với ông:

- Con xin ra Đảng để đi làm kinh tế.

Ông chỉ vào mặt anh ta bảo:

- Mày làm thế là mày giẫm đạp lên thể xác và linh hồn của hai anh và chị của mày. Chưa nói đến Tổ quốc đến Đảng đâu nhé.

May thay cơ quan quản lý cấp trên của anh lại bảo:

- Việc anh làm kinh tế cứ việc làm, đất nước, Tổ quốc bây giờ đang cần những dũng sỹ, những tướng soái làm kinh tế.

Nhờ vậy, bây giờ anh ta là Tổng Giám đốc, bí thư Đảng ủy của một tổng công ty ngoài quốc doanh. Tổng công ty của anh ta được vinh hạnh nhận danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và bản thân anh ta là tổng giám đốc đầy tài năng và sáng tạo.

Người ta bảo ông ngố là hàm hồ, xách mé. Ông về hưu, chẳng còn địa vị, quyền lực gì nhưng hay căn vặn, uốn nắn, phê bình chỗ này chỗ nọ. Nơi nào người ta cũng nhận hứa sẽ sửa chữa nhưng họ nhận để lấy lòng ông mà thôi, việc đâu lại hoàn đấy, thậm chí còn tồi tệ hơn lúc chưa phê bình nữa là đằng khác.

Ngày ông về nghỉ hưu, tiêu chuẩn của ông có nhà cao cửa rộng, có chế độ chăm sóc, khám chữa bệnh ở bệnh viện thủ đô, ấy vậy, mà ông cứ về quê. Tuần này ông xuống bể tắm nắng, ngâm nước biển rồi dạo bước trên bờ cát mịn trầm ngâm suy ngẫm, tuần sau ông lên rừng, ngày ra suối nghe chim kêu vượn hót, tối ngủ bên bếp lửa bập bùng ở nhà sàn của bạn để cùng suy ngẫm chuyện đời.

Ông thường đến câu lạc bộ hưu trí, đọc báo, chơi tổ tôm, cờ tướng và thường liếc xéo sang quán nhà bà béo gần đấy. Quán bà ta có trên ba chục mét mặt đường, đứng từ sân câu lạc bộ hưu trí, nhìn chếch sang bên kia đường là thấy ô tô con, ô tô to, xe máy loại sang, lúc nào cũng tấp nập ngày đêm. Vì quán bà không chỉ phục vụ ăn uống mà còn cả tắm nóng lạnh, xông hơi, mát xa và thư giãn.

Ông mặc bộ pijama màu trứng sáo tóc cắt ngắn, bạc phếch, dựng đứng lởm chởm như những sợi cước, nước da hồng, cứ ngỡ ông bị huyết áp cao, nhưng không. Đôi mục kỉnh gọng vàng ôm sống mũi thẳng, chóp mũi to, đỏ. Đã ngoài tám mươi, dáng đi vẫn khoan thai, lưng thẳng. Khi ông đội chiếc mũ lưỡi trai của con nhà lính, những người đi sau ngắm ông cứ tưởng ông là một chàng trai ngoài tam tuần.

Sáng nay, sau một vòng đi bộ, ông vào quán bà béo ăn sáng, ông dừng chân ở câu lạc bộ. Lúc này toàn thấy các "cụ" non, thay cho chiếu tổ tôm là chiếu đánh "phỏm", thua được, cãi vã ầm ĩ nhau. Rõ chán! Rời chiếu tổ tôm ông sang bàn cờ tướng. Môn này một thời ông từng là kỳ thủ ở câu lạc bộ Thống Nhất, bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ông thấy họ sắp lại quân cờ, móc túi trao tiền cho nhau, thấy buồn, ông lại sang phòng đánh bóng bàn. Môn bóng bàn và cầu lông ông cũng biết võ vẽ, cũng say những quả giật, quả líp, quả gài, quả đập ngoạn mục. Ông ngắm các cầu thủ đầm đìa mồ hôi, nét mặt căng thẳng, lại thở dài bỏ đi vì họ cũng móc túi trao tiền cho nhau, những năm chục ngàn một hiệp, số tiền bằng tiền công lao động trong tám tiếng một ngày mà họ chỉ lao động có mười lăm phút. Ông càng ngán ngẩm.

*

* *

Lâu lắm rồi, hôm nay ông đến quán bà béo ăn cơm bữa trưa, vì bà lão lên chùa. Ông đang ăn, nghe xe đổ xịch ầm ĩ, nhìn ra thấy ba xe vừa to vừa dài loại xe siêu trường, siêu trọng. Lái xe vào tắm rửa xong, vào phòng ăn dành riêng cho nhà xe.

Ông đang ngồi uống nước, một anh trông chừng am hiểu luồn lạch liền bảo:

- Mới được già nửa đường.

Anh khác bảo:

- Nước sông công lính hơi đâu mà tính.

Ông ngố nghe vậy lòng dạ đã phừng phừng, liền bắt chuyện:

- Thời buổi kinh tế thị trường mà các chú cứ nói như thời bao cấp không bằng. Hình như gãi đúng chỗ ngứa. Người lái xe chẳng ngần ngại đáp:

- Ông nghĩ! Hàng chùa tặng cho tướng, chúng cháu chỉ việc chuyên chở theo lệnh, thời gian, lương lậu không phải lăn tăn. Chúng cháu chở mấy chuyến rồi, các lần trước làm không vừa ý tướng, bắt phá đi làm lại, chuyến này là chuyến thứ ba rồi đấy.

Ông ngố lại hỏi:

- Thế tháo bỏ công xá vật liệu mớ tài sản ấy đâu phải ít, thế ai chịu cái khoản ấy?

Anh lái xe trả lời:

- Chẳng ai chịu cả!

Ông ngố lại thắc mắc hỏi tiếp:

- Thời buổi bây giờ làm gì có chuyện ấy, các chú thấy lão này già rồi, các chú cho là lẩm cẩm, lú lẫn rồi, các chú nói đùa cho vui chứ gì!

Chú lái xe lại tiếp:

- Chúng cháu không đùa đâu, chúng cháu nói nghiêm chỉnh đấy. Không những nhà cửa, đình chùa mà cả đường đi nữa. Ngay giữa đồng bằng gần quốc lộ, tỉnh lộ, chứ có phải hải đảo, rừng núi biên thuỳ mà vẫn mở đường "quốc phòng" đi qua ngõ nhà tướng mới khiếp chứ!

Mấy chuyến gỗ trước cũng như mấy chuyến này, chở từ miền Tây Nam Bộ ra để dựng nhà thờ Bác Hồ ở trong khuôn viên nhà tướng, dựng chùa cho làng của tướng. Chúng cháu nói đúng sự thật. Nếu bác không tin, cháu xin mời bác lên xe, chúng cháu chở bác đến tận nơi để bác tận mắt nhìn thấy, sau này bác kể cho con cháu nghe, để chúng nó hiểu đất nước thân yêu của chúng ta có một thời như thế. Bác cứ đi với chúng cháu, không những miễn phí vận chuyển mà chúng cháu còn bao bác cả sinh hoạt dọc đường, độ năm ngày sau xe quay lại đây, chúng cháu trả bác đúng ở nhà hàng này.

- Các cháu lại đùa bác rồi. Nhưng mà lạ thật, sao các ông không đổi cho nhau nhỉ?!

Các chú lái xe nghe ông ngố nói vậy, ngơ ngác hỏi lại:

- Bác nói gì chúng cháu chịu chết, không hiểu gì cả.

Ông ngố lại tiếp:

- Cách đây mấy hôm, cũng có ba xe, như xe của các chú, nhưng chạy ngược chiều, cũng chở cho tướng, chở từ ngoài Bắc vào miền Tây Nam Bộ. Giá như hai ông đều là hàng tướng cả, tuy to nhỏ khác nhau thôi, sao họ không hoán vị đổi cho nhau thì đỡ khổ cho các chú, mà phương tiện xăng dầu tiết kiệm được biết bao nhiêu mà kể!

Nghe ông ngố nói xong cả sáu chú phụ, lái xe ôm nhau cười rũ rượi, hết cười họ bảo:

- Cụ khốt ta bít ơi! Cụ là người thượng cổ mất rồi! Cụ không thấy đất nước biến đổi từng ngày, tư duy cũng phải đổi thay cho kịp chứ cụ.

Nói xong họ chào ông ra xe. Một hồi còi vang lên inh ỏi, cuốn theo bụi mờ mịt, ông ngố nhìn theo đám bụi, lững thững ra về lòng nặng trĩu ưu tư, ông lên chùa tìm bà. Trên đường lên chùa phải qua đền, từ ngoài xa ông đã thấy từng dãy xe con sang trọng, bóng nhoáng, phải đến năm sáu chục chiếc, chen chúc nhau đỗ kín bãi.

Qua cổng đền, ông gặp Thơm. Thơm gọi ông bằng chú ruột. Thơm mặc bộ quần áo gụ kiểu cách, các khuy, cúc được thêu thùa bằng chỉ, vải màu gụ. Đầu Thơm tóc còn xanh, mặt tròn, râu ria lún phún, cắt tỉa tươm tất. Thơm mời ông vào thăm đền. Ông liền kéo Thơm ra gốc cây đại, bảo:

- Cháu ra đây chú hỏi chuyện này.

Hai người ngồi xuống phiến đá dưới gốc cây đại già, đến trên năm trăm tuổi, ông hỏi Thơm:

- Xe cộ nhà ai mà đông, mà sang vậy.

Thơm liền đáp:

- Xe của các quan chức cỡ bự cả đấy. Ngoài quan chức ra là các chủ bưởng đào vàng, các tay buôn hàng kín, các chủ nhà hàng, khách sạn cỡ lớn...

Ông lại hỏi:

- Họ đến lễ lượt có tốn kém lắm không!

Thơm thưa:

- Chủ yếu họ đến làm công đức để cầu tài cầu lộc, phần lớn các ông lớn tháp tùng các bà đi làm công đức. Chú có biết không? Họ làm công đức lớn lắm đấy, từ chục triệu đến trăm triệu! Mỗi lần họ đến đều nhờ cháu viết sớ dâng lễ, nên cháu biết được cung tiến và nguyện cầu của họ.

Ông chú lại hỏi?

- Thế sao cháu với cái bằng cử nhân văn hóa, đang làm trưởng phòng ở Sở lại chui vào đây?

Nghe vậy Thơm liền bảo:

- Chú tưởng vào cái chân này dễ lắm đấy ạ! Mấy chục người thi vào. Thi cả tài lẫn tiền ai thắng mới được trúng tuyển. Chú có biết thu nhập hàng tháng như thế nào không? Bình quân hai chục triệu một tháng, những tháng có lễ hội như hôm nay có thêm lộc nên lên đến ba bốn chục triệu, gấp chục lần lương giám đốc sở, chứ trưởng phòng như cháu là cái gì!

Nghe Thơm nói xong ông chú lại thở dài. Ông bảo:

- Trước đây chú từng tháp tùng những nhà lãnh đạo đi dâng hương, đâu có cảnh này.

Vừa lúc ấy trong đền có người ra tìm Thơm vào viết sớ.

Ông không lên chùa nữa, quay về nhà. Đến ngã ba thấy hai chiếc xe con đổ chổng kềnh ra vệ đường. Công an đang làm nhiệm vụ, một anh cầm sổ ghi ghi, chép chép, hai anh cầm thước dây, căng thước đo đường. Một anh cầm máy ảnh đang tí tách chụp ảnh các góc độ khác nhau. Ông ngố lại hỏi những người đang đứng vây quanh hiện trường.

- Người có sao không!?

Một cố gái mặc áo hở ngực, hở lưng nhanh nhảu trả lời:

- Hai tài xế, một xe ông, một xe bà, được đưa đi cấp cứu rồi! Xe trong đền ra tông phải xe đi vào đền, lễ vật tung tóe đầy đường đó, ông thấy không?

Ông ngố lại lủi thủi về nhà, bật ti vi xem thời sự.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86916


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận