Cõi Người Truyện 8


Truyện 8
Phượng hà



ôi gặp Phượng Hà bên bờ biển Móng Cái, Quảng Ninh. Bãi tắm Trà Cổ sáng nay chìm trong nắng vàng, sánh đặc như mật ong. Từng đợt gió biển đẩy sóng xô bờ bọt tung trắng xóa. Càng về trưa khách càng đông, phần lớn là người nước ngoài.

Dưới tán ô bằng vải bạt, có đôi vợ chồng và một đứa bé chừng lên năm, người đàn bà thon thả, duyên dáng, môi trái tim phớt hồng, đôi mắt như hai giọt nước, mũi thẳng, khuôn mặt trái xoan đang đùa vui với thằng bé. Người chồng ngồi chiếc ghế bên cạnh. Ngực nở, các bắp thịt cuồn cuộn, mặt chữ điền, vầng trán rộng, anh ta xoài người, dang rộng hai cánh tay ghì cả mẹ lẫn con vào lòng, anh ta bảo:



- Thôi! Ta xuống bơi, bơi như ngày nào vượt sông biên giới ấy.

Người vợ gõ nhẹ vào trán chồng, nở nụ cười mãn nguyện, phô đều hàng răng trắng như hạt lựu.

Tôi ngồi gần, cũng dưới tán ô bằng vải bạt cách chỗ vợ chồng ấy độ vài sải tay. Trong đầu tôi đang dự tính xin gia đình ấy một kiểu ảnh để đưa vào tạp chí, với dòng chú dẫn: "Gia đình bền vững" và xin riêng cô ta một kiểu để đưa lên trang bìa của tạp chí.

Vừa lúc ấy, có chiếc U oát trườn đến, dừng lại ngoài đường nhựa. Cánh cửa xe mở, từ trong xe bước ra một anh chàng sĩ quan mang quân hàm màu xanh lá cây, cấp bậc Đại úy, đang rảo bước tiến về phía đôi vợ chồng đang ngồi. Người chồng buông hai mẹ con ra, ngoảnh về phía người sỹ quan đang tiến lại gần, người chồng cất tiếng hỏi:

- Có việc gì đó Khanh?

Người sỹ quan tiến lên mấy bước, đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ chào, theo nghi thức quân nhân rồi thưa:

- Báo cáo thủ trưởng Bộ tư lệnh xuống kiểm tra đột xuất, mời thủ trưởng về tiếp.

Người đàn ông nghe vậy liền cười nói:

- Hôm nay chủ nhật mà các cụ nhà ta cũng chịu khó nhỉ? - Đoạn ngoái sang người vợ anh ta bảo: - Em và con ở lại hóng mát, đợi anh quay lại đón.

Người vợ liền hỏi:

- Anh đi lâu không?

- Cùng lắm là trước bữa ăn trưa, anh sẽ đến đón hai mẹ con em về.

Anh vừa nói vừa đứng lên, mặc chiếc áo sơ mi trắng, bỏ vào trong quần ka ki màu cỏ úa. Đoạn ngồi lại vào ghế đi đôi bít tất cũng màu lá cây, chỉ có đôi giày màu đen.

Anh đứng lên đi theo người sỹ quan, còn ngoảnh lại vẫy tay chào hai mẹ con, bà vợ nhìn theo đầy luyến tiếc và cảm thông.

Với ý định từ trước, tôi trao cho cô tấm thẻ phóng viên và đề nghị:

- Cô cho tôi kiểu ảnh vừa ý, để đưa lên bìa

tạp chí.

Nghe vậy cô ta bảo một cách hốt hoảng:

- Em tên là Phượng Hà! Chuyện ấy không được đâu! Anh mà đưa hình em lên mặt báo sẽ làm giảm uy tín của tạp chí!

Tôi bảo:

- Cô không nên khiêm tốn thế?

- Anh nhầm thật rồi! Đó là anh mới biết ngoại hình của em thôi! Chứ anh đâu có biết cuộc đời chìm nổi bèo bọt của đời em nó trôi dạt như thế nào? Khi thấy hình em trên tạp chí, những người đã thông thuộc đời em, họ sẽ bình phẩm, lúc ấy em biết chui vào đâu bây giờ!

Tôi liền nói:

- Em nói gì anh không hiểu? Chẳng phải em là vợ của đồng chí cán bộ quân sự vừa rồi ấy sao? Đồng chí đại úy đã gọi chồng chị là thủ trưởng, vậy chồng chị chí ít cũng là cấp tá, có khi là tướng

cũng nên.

Phượng Hà xởi lởi trả lời:

- Thượng tá đó.

Tôi lại tiếp:

- Thế vợ của một sỹ quan cao cấp nơi chốn biên thuỳ lên mặt báo lại sợ người ta bình phẩm, chuyện lạ?

- Đúng vậy! Chuyện của cuộc đời em là ba chìm bảy nổi, mười chín lênh đênh, chứ không phải là chín lênh đênh đâu! Chuyện nó dài lắm, chồng tôi là ân nhân của đời tôi đấy. Nhờ anh mà tôi được sống lại, nay có một gia đình hạnh phúc, lại làm chủ một xưởng may, chuyện là thế này.

Ngày em ở cô nhi viện, được đi học một lớp thợ may, hết khoá học, em được xí nghiệp may tư nhân nhận vào làm. Làm ở đấy chừng hơn ba tháng. Vào giữa hè, con ông chủ đang học đại học về nghỉ, vào thăm xưởng may gặp em, anh ta mê em như điếu đổ.

Những ngày đầu mới về nhà chưa gặp em, anh ta la cà quán xá suốt ngày, ít khi có mặt ở nhà. Từ khi gặp em, anh ta cứ thường xuyên có mặt la cà ở phân xưởng em lao động. Anh ta dúi cho em một bức thư tỏ tình. Không biết từ nguồn tin nào mà anh ta biết em không cha, không mẹ, chẳng có nơi nương tựa. Em đọc thư mà nước mắt giàn giụa. Anh ta là sinh viên năm thứ ba Tổng hợp văn nên viết rất mùi mẫn, chạm đúng nỗi đau tận đáy lòng em. Anh hẹn em cùng đi xem phim ở rạp, gặp nhau anh sẽ tâm sự nhiều. Em nhận lời. Từ đó hết ca lao động, chúng em tay trong tay dạo quanh phố phường. Nhiều bạn gái mừng cho em, nhưng cũng không ít bạn gièm pha. Anh ấy lại đề nghị cho anh được báo cáo với gia đình. Em đắn đo bảo:

- Anh hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ đi, thân phận em không xứng đáng làm dâu gia đình anh đâu!

Anh ta bảo:

- Anh đã quyết, gia đình không thể từ chối được, vì anh là đứa con độc nhất. Toàn sản nghiệp của gia đình, đến khi ông bà già yếu anh phải đứng ra quản lý. Cùng lắm, ta nhờ chính quyền can thiệp bằng cách đi đăng ký kết hôn, buộc gia đình phải đồng thuận.

Những ngày ấy chúng em sống bên nhau thật êm đềm, anh nâng niu trân trọng tình cảm của em. Không hề hé lộ một ý đồ lợi dụng nào. Vì thế em càng thương yêu anh thật lòng.

Ngày giỗ ông nội anh ấy, anh kéo em đến gia đình giới thiệu, nhưng em không dám đến. Hôm ấy anh đề xuất chuyện của chúng em. Toàn gia đình không ai đồng ý, trừ người anh con ông bác là luật sư, bảo:

- Tình yêu không có biên giới, không tuổi tác không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo.

Ấy vậy mà chẳng có ai đồng tình, họ bảo:

- Đó là thứ tình yêu trong tiểu thuyết, thực tế không môn đăng hộ đối, chênh lệch kiến thức, cách biệt về đẳng cấp, mù quáng, bồng bột, nhất thời. Khi bộc lộ hết mọi khoảng cách, nhận thức, trong cư xử, trong sinh hoạt sẽ xảy ra sự ngán ngẩm, đi đến tan vỡ gia đình.

Không biết bằng cách nào anh ta rút từ ngân quỹ một số tiền lớn, bảo em làm đơn xin nghỉ việc một tháng. Mê muội thế nào ấy, em lại làm theo.

Được nghỉ, anh dẫn em đi mua sắm quần áo, giày dép, đồ nữ trang, toàn những thứ đắt tiền mà đời em chưa bao giờ dám mơ đến. Anh bảo:

- Em thấy cần gì nữa, anh sẽ sắm cho em.

Khi nào em biết lái xe máy, có bằng, anh sẽ mua tặng em chiếc xe đắt tiền nhất. Anh đề nghị ra Hà Nội học lái xe, và làm sao có bầu về ép gia đình tổ chức cưới.

Anh nghĩ có buồn cười không! Vừa thơ ngây, nhẹ dạ, dại dột vừa choáng ngợp với vật chất, em đã thuận tình theo anh ra Hà Nội. Ra đến Hà Nội, ăn uống ở nhà hàng, ngủ khách sạn. Được bọn cò mồi biết chúng em có nhu cầu học lái xe. Một anh chàng trông dáng vẻ lịch sự, tươm tất, hứa sẽ tìm chỗ tin cậy cho em học lái xe, chỉ cần hai tuần lễ là có bằng. Giá trọn gói cũng phải chăng, khi nào cầm được bằng, anh ta mới nhận tiền. Thế là ban ngày học lái xe, đêm về hôm thì đi xem phim, hôm xem ca múa nhạc, sinh hoạt với nhau như hưởng tuần trăng mật. Hết tháng mà chẳng có dấu hiệu gì bầu bĩnh cả.

Ngày về nhà đi bằng xe máy loại sang, giấy tờ đăng ký mang tên em, đoạn nào đường thoáng, đẹp, dễ đi, anh trao tay lái cho em. Cứ thế dềnh dàng hai ngày mới về đến nhà.

Khi gia đình phát hiện được anh đã thông đồng với người giúp việc giả mạo chữ ký bố, rút tiền với lý do mua sắm hệ máy khâu mới, bố anh quyết định bắt anh phải đi du lịch để tách chúng em ra. Đồng thời ở nhà ông chạy thủ tục cho anh ta đi du học luôn thể.

Trước lúc ra đi anh hứa với em, dù biển có cạn, non có mòn, cũng về với em, và chỉ có em trong tâm trí anh mà thôi.

*

* *

Năm sau, vào dịp hè, anh về, dắt theo cô gái quê ở Sài Gòn, cùng du học bên ấy, giới thiệu với gia đình là bạn gái của anh ta và tìm mọi cách tránh mặt em.

Trước sự bội bạc một cách hèn hạ, trắng trợn của anh ta, em buồn chán, bán xe bỏ xưởng may đi lang thang cho khuây khỏa. Không ngờ lại gặp Tó ở bến xe. Tó là người môi giới cho em đi học lái xe ở Hà Nội, nay tình cờ phiêu bạt về đây. Tó biết rất rõ tình cảm của chúng em. Nay lại biết sự bội bạc của người tình nên rủ em đi du lịch Trung Quốc cho quên hết sự đời. Tó bảo:

- Em có chừng nào góp chừng ấy, còn lại Tó bao tất.

Tó đánh đúng vào tâm lý em, nên em chẳng đắn đo liền theo hắn.

Cửa khẩu Móng Cái hầu như đã quá thông thuộc với Tó, nên chúng tôi qua cửa khẩu một cách dễ dàng. Qua đất Trung Quốc, vào thành phố Đông Hưng, Tó mua vé xe đi đến một thành phố khác sâu trong nội địa. Theo linh cảm, em thấy xe đang chạy về phía Tây, vì đằng trước xa xa toàn là núi rừng bạt ngàn. Đêm ấy nghỉ lại khách sạn đắt tiền. Sáng hôm sau em thức dậy nhìn quanh chẳng thấy hắn ta đâu. Em ra mở cửa phòng, cửa phòng bị khóa chặt, phải đến gần tám giờ, em nghe có tiếng chân người đến gần, có tiếng tra chìa khóa vào ổ, tim em lúc này hồi hộp lo lắng. Cửa mở một người đàn ông đẫy đà, mập ú ụ, bụng phệ, râu ria cắt tỉa kiểu cánh, anh ta lên tiếng:

- Em là Phượng Hà phải không?

Không đợi em trả lời, y liền nói tiếp:

- Anh cũng là đồng hương với Tó. Tiền trả khách sạn anh đã thanh toán đầy đủ; em thu xếp theo anh, anh đưa em đến điểm du lịch mới.

Nghe thế em liền hỏi:

- Thế anh Tó đâu?

- Anh ấy có điện về gấp, vì lúc ấy em đang ngủ say, nên anh ấy có để lại cho em lá thư này.

Người ấy rút từ túi áo ngực tờ giấy khổ a bốn được gấp lại nhiều lần, trao cho em.

Em cầm tờ giấy đọc từng dòng mà lòng quặn thắt. Trong thư, lời lẽ hoa mỹ, nhưng em thừa biết là Tó đã bán em, biết vậy nhưng giờ đây em tứ cố vô thân, thân gái dặm trường, đành lòng phải theo anh ta. Lúc này trong đầu em đang rối bời, mung tung trăm mối vò xé ngổn ngang. Em đề nghị với anh ta:

- Đi với anh, ăn mặc thế này như con ngố, anh đưa em ra chợ sắm sanh quần áo cho hợp với chốn phồn hoa đô hội này.

Thế là anh ta chấp nhận áp tải em ra chợ. Đến quầy bán quần áo, em chọn bộ sang nhất của người Hoa. Y liền chi trả không chút đắn đo. Em bước ra khỏi quầy, y khen nức nở, nào là người đẹp trong mộng, tiên nữ giáng trần, em cười chiếu lệ để lấy lòng y. Đến quầy mỹ phẩm em chọn toàn thứ đắt tiền, hắn ta thanh toán nhẹ nhàng không tỏ ra xót xa gì cả, điều đó chứng tỏ anh ta không phải là ông chủ lớn thì cũng là một tay lái buôn cỡ bự.

Vừa đi em vừa liếc tìm toa lét. Khi thấy, em đề nghị với hắn cho em đi toa lét. Em trao túi xách của em cho hắn giữ, trừ ví tiền và giấy tờ tuỳ thân.

Vừa đi em vừa tính toán kế sách. Rất may vừa bước vào khu toa lét, em thấy một chị lao công chuẩn bị ra về. Em ra hiệu đổi áo quần cho chị, chị cứ đứng ngô nghê, em liền cởi áo em ra đưa cho chị và em cởi áo của chị mặc vào cho mình, chị ta cứ đứng như phỗng. Em liền cởi chiếc nhẫn một chỉ đang đeo ở tay trao cho chị, lúc ấy chị mới vui vẻ bằng lòng.

Mặc áo quần lao động tươm tất, em chỉ lên chiếc mũ trên đầu chị, chị hiểu ý, chị tự lật mũ chụp lên đầu em. Đồng thời em cúi xuống nhặt cái chổi có cán vác lên vai, xách cái xô nhựa màu đỏ ung dung vượt qua mặt anh ta một cách dễ dàng.

Đi ra góc nhà đã khuất hẳn, em bỏ xô, đặt chổi, nhằm hướng bến xe, em vội vàng mua vé xe quay lại Đông Hưng.

Hắn ta chờ lâu sốt ruột, đành liều mạng lao vào khu toa lét dành cho nữ. Vừa lọt qua cửa, thấy môt người mặc áo quần giống em, nhưng người thấp hơn. Chị ta đang say ngắm chiếc nhẫn và vuốt ve tà áo, thân áo. Hắn ta xấn đến nhìn rõ mặt và tỉnh người ra là đã bị lừa.

Hắn tức tốc gọi điện cho bọn đàn em ở bến xe Đông Hưng đón lỏng em, và gọi cho hai thằng trông rất bợm trợn cùng hắn chạy ra bến xe. Cả ba người nhảy lên chuyến xe sau đuổi tìm em.

Lúc này em nghĩ, thế nào nó cũng đuổi theo, chặn đường tìm em ở bến xe Đông Hưng và cửa khẩu Móng Cái. Nên em xin lái xe cho em xuống giữa đường, khi thấy xa xa lá cờ của đồn biên phòng mà lúc em đi với Tó đã để ý. Xuống xe em tìm đường đi về phía lá cờ.

Dò hỏi người lái xe chuyến trước. Nó tả hình dáng, kiểu cách ăn mặc, người lái xe cho nó biết: Có một hành khách như chúng nó mô tả đã xin xuống dọc đường, đoạn Sần Mai.

Chúng liền thúc xe quay lại, đến đoạn Sần Mai nó thấy bóng em thấp thoáng giữa vừng đồi trọc đồng không mông quạnh, không có bóng người, cách đường cái hơn một cây số. Ba thằng cùng xuống xe, hai thằng đồ đệ cắm đầu chạy theo em. Còn nó lạch bạch chạy như chú vịt đẻ đã ăn đầy diều chậm chạp theo sau.

Đến bờ sông em lấy túi ly lông đã chuẩn bị sẵn. Cho ví và giấy tờ tuỳ thân vào túi, đút vào túi ngực rồi lao xuống sông.

May cho em là thời ở cô nhi viện, em được tập bơi trong đội hình bơi lội của đội tuyển thiếu nhi thành phố. Nhưng vì đi bộ gấp, đường dài nên lúc xuống nước người cứ rã rời ê ẩm.

Khi thấy bóng hai tên trên bờ, em mới dồn hết sức lực để vượt sông. Hai thằng mới đến liền nhào xuống sông đuổi theo em.

Lúc này trên bờ sông phía Việt Nam đang có đội tuần tra của bộ đội biên phòng, họ quan sát thấy cuộc đuổi bắt, đoán chắc có chuyện chẳng lành. Anh nhóm trưởng đưa ống nhòm, vũ khí và quần áo dài cho đồng đội, anh liền lao xuống nước.

Hai thằng đuổi theo, thằng bơi nhanh, khỏe qua đến cách bờ độ năm chục mét, nó chỉ cách em một thân người, Thằng thứ hai bơi sau, đến giữa sông bị chuột rút chìm nghỉm. Cách bờ độ ba chục mét thằng bơi nhanh túm được chân em, kéo em lại làm em sặc, uống nước đầy bụng, đã ngạt thở. Vừa lúc ấy anh lính biên phòng ra đòn vào mặt thằng kéo chân em, nó buông tay vuốt mặt, tay đã đầy máu, nó đành bỏ em bơi quay lại.

Người lính biên phòng dìu em vào bờ, vác sấp em lên vai chạy dọc bờ sông. Mồm em ộc nước, người mềm như dải khoai héo.

Anh ta đặt em xuống bãi cỏ, làm hô hấp nhân tạo, cứu sống em. Người lính cứu sống em năm xưa chính là chồng em bây giờ đấy.

Nghe xong chuyện Phượng Hà kể tôi thầm khen:

- Tôi rất cảm phục mưu trí tài tình của chị. Là lính trinh sát như tôi, bây giờ là một phóng viên, chắc gì đã nghĩ đến kế sách ấy.

Phượng Hà bảo:

- Anh quá khen, em cũng từng tự hỏi: Tại sao em lại làm được như vậy?

Tôi bảo tiếp:

- Như vậy tôi càng cần xin hai mẹ con cô một kiểu ảnh. Và chờ anh ấy trở lại đón chị, tôi xin một kiểu ảnh toàn gia đình.

Chị lại nói tiếp:

- Anh chưa biết hết nỗi cơ cực của đời em đâu! Nếu chỉ có vậy thì đời em hạnh phúc lắm rồi!

Ngày em mới chào đời, người sinh ra em đã dứt tình, ném em vào đống rác. Hình như là định mệnh, em lại được chị công nhân làm vệ sinh nhặt được, họ đem em cho cô nhi viện.

Đằng đẵng hơn chục năm trời chẳng biết dây mơ rễ má, giọt máu của đời mình từ đâu ra. Đùng một cái, năm em mười một tuổi có một đôi vợ chồng người nước ngoài đến làng S.O.S xin em về làm con nuôi. Họ bảo sẽ tài trợ cho cô nhi viện ba mươi ngàn đô. Khi quay lại họ sẽ mang theo đủ thủ tục pháp lý của nước họ để đón em về. Chuyến đi này, trước lúc họ về nước, họ gửi lại ba ngàn đô để làm tin.

Cái tin em được làm con nuôi người nước ngoài loan đi rất nhanh. Thế là có hai người đàn bà đến cô nhi viện nhận em là con của họ. Họ gặp vợ chồng người nước ngoài gây khó dễ. Người nước ngoài họ rất bình tĩnh, họ đề nghị với làng S.O.S kết hợp xác minh, thẩm định bằng ADN.

Trong hai bà có một bà đến nhận em là con, nói đúng ngày sinh tháng đẻ, chỗ bỏ rơi và đặc điểm gần chỗ kín của em, có cái bớt bằng đồng xu màu đỏ và một nốt ruồi cạnh cái bớt cũng màu đỏ.Thế là với lòng hào phóng, vợ chồng người nước ngoài rút ví tặng cho bà ta năm trăm đô.

Bà ta nhận được số tiền, tưởng như trời cho ấy, bà ta phởn chí, vội vàng rời cô nhi viện đầy bao toan tính, liền bị một chiếc xe con loại sang cán phải.

Bà ta được đưa vào bệnh viện, xác định bị chấn thương sọ não. Người lái chiếc xe con ấy là một ông chủ lớn. Ông nhận trách nhiệm chu cấp mọi chi phí điều trị cho bà, và nhận nuôi bà suốt đời. Đổi lấy tránh khỏi bị trách nhiệm hình sự phải tù tội.

Sau vụ tai nạn giao thông người ta đồn ầm ĩ cả lên, dân tình họ bảo: Người đàn bà ấy là bồ ruột của ông ta và không biết có phải là...



Đôi vợ chồng người ngoại quốc về nước mãi mà không thấy sang. Nghe đâu cả vợ và chồng đều bị nhiễm virút gì đó rất nguy hiểm từ Châu Á. Chính quyền bản địa đang đưa hai ông bà vào nhà bảo trợ xã hội điều trị và an dưỡng.

Sầm Sơn, hè 2009

 

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86917


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận