Truyện 9 Cõi người - Mong có thi âm
Mỗi trang văn, chỉ là những hạt bụi li ti, hỗn sắc giữa chợ đời đầy nghiệt ngã. Tập truyện ngắn Cõi người của Thảo Thành Nam Anh Nguyễn Chí Thích lại là một hạt bụi đỏ, không chịu hòa lẫn với dòng chảy thực tại hay chịu xuôi theo chiều cuộn chảy của nó. Trước dòng đời phong ba bão táp, hạt bụi đỏ ấy dám lăn xả, vật vã để tìm cho mình một tia xoáy ngược, quyết giữ cho được màu sắc của riêng mình dù chỉ là một tia xạ ngược hay một góc độ quan chiêm qua thái độ sáng tạo dám nhìn thẳng vào vấn đề, nói lên tiếng nói của chính lòng mình bằng những dòng văn đầy ưu tư, trăn trở trước những kiếp người nhỏ bé đang từng ngày, từng giờ bị toan tính về vật chất chi phối làm huỷ hoại lương tri, nhân tính. Ông đã lang thang ngang dọc giữa cõi người kiếm tìm những tâm hồn đồng điệu hầu mong gánh vác, san sẻ một phần trách nhiệm xã hội góp phần loại trừ cái ác để bảo vệ cái Chân - Thiện - Mĩ ở đời.
Tập truyện Cõi người là tập hợp của mười truyện ngắn mang đậm hơi thở cuộc sống hiện tại. Mỗi truyện thể hiện một kiểu nhân vật khác nhau với những mâu thuẫn giằng xé, âm ỉ, nhưng có chung những mưu toan khó lường trước cám dỗ của ma lực đồng tiền, danh lợi và đối lập với tuýp người đó là một lực lượng hướng thiện đang chống chọi với cái ác. Ánh sáng và bóng tối lương tri là hai mảng chủ đạo làm nên hồn cốt, diện mạo và văn phong của toàn tập truyện. Ở đó, các nhân vật của Thảo Thành Nam Anh Nguyễn Chí Thích "chẳng cần tô vẽ hay trang điểm thêm gì", nó hiện hữu ngay giữa đời thường mà bạn đọc đã từng gặp đâu đó.
Vấn đề cốt lõi đã được tác giả khai thác ngay từ tiêu đề tập truyện, đó có thể là cõi người của những thân phận trong xã hội cũ, hay những con người đầy nhiệt huyết trong kháng chiến chống Mỹ khi trở lại cuộc sống thời bình đối diện với đời thực ra sao? Cuộc sống xã hội hiện đại với những thay đổi bất ngờ, chóng mặt đã làm họ thay đổi như thế nào để tồn sinh? Trước những cảnh chướng tai gai mắt luôn đập vào số phận, những nhân vật của Cõi người đã không hệ lụy mà rất tỉnh táo, ngẫm nghĩ, phán xét, quyết tâm đấu tranh đến tận cùng cho cuộc đời chung tươi đẹp ý nghĩa hơn.
Chỉ là một tế bào nhỏ bé trong xã hội, không phải là một lực lượng siêu nhiên mà cắt bỏ ngay đi những u nhọt của cuộc sống, các nhân vật trong cõi người đã tự tìm đến số mệnh của mình như một thứ duyên nghiệp, nhân quả ở đời, quằn quại đấu tranh với mọi thế lực, thậm chí cả chính bản thân mình để giành giật lấy chút ánh sáng chân lý.
Cuộc đấu tranh nóng bỏng, gay gắt nhất đó là cuộc chiến giữa thời bình. Thời bình mà lại có chiến? Cuộc chiến này thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Nó gần gũi đối với mọi người, thôi thúc mỗi người phải tìm hiểu căn nguyên. Cuộc chiến ấy diễn ra trong mối quan hệ với gia đình, với đồng nghiệp, với xã hội. Chỉ vì một chữ lợi mà họ bán rẻ lương tâm, bán rẻ tình mẫu tử, tình anh em... Đó là mặt trái của thời kinh tế mở cửa
Trong phạm trù gia đình chữ hiếu ngày nay đã không được đặt lên hàng đầu, nó phải đứng hàng thứ bao nhiêu sau cái lợi. Những đứa con tính toán vụ lợi trên thân xác của những người đã sinh thành ra chúng, bất chấp thủ đoạn, tình thủ túc nếu cản trở cái lợi của chúng là chúng có thể loại bỏ, trừ khử. Báo hiếu là truyện ngắn đề cập rất sâu sắc đến vấn đề đạo đức con người đang bị tha hóa trầm trọng cần được cảnh tỉnh.
Trong xã hội hiện đại tiền làm con người ta mờ mắt. Mọi âm mưu toan tính kiếm tiền không chỉ trên thân xác người còn sống để làm vụ "buôn người" qua biên giới kiếm lời như trong Phượng Hà mà còn kiếm trác trên thi thể người đã mất hóa thành xương - những người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc lại trở thành miếng mồi béo bở. Những kẻ bất nhân, những cô đồng phán láo đánh sâu vào tâm lí tâm linh của những con người bất hạnh để gieo rắc mê tín dị đoan dao động lòng người. Trong Cô đồng Hương bạn đọc lại tìm thấy một kiểu thủ đoạn mới gạt người vì tiền của một lớp người khác nữa trong xã hội.
Truyện của ông không chỉ hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc bởi bối cảnh thời gian xuyên suốt từ quá khứ xa xôi đến hiện tại mà bạn đọc sẽ thấy những nét đặc thù trong văn của ông để nhận thấy rằng đôi lúc ta lại thấy quen quen văn phong của Vũ Trọng Phụng với lời văn căm phẫn một xã hội lố lăng, kệch cỡm, một xã hội "thiếu nhân tính" đang hân hoan hạnh phúc, vụ lợi trước thân xác người đã sinh thành ra chúng như trong Hạnh phúc của một tang gia (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) ở trong Báo hiếu của Nguyễn Chí Thích. Hay đâu đó ta lại thấy ngòi bút của ông hao hao như anh trí thức nửa mùa Nam Cao - bậc thầy với tài phân tích tâm lí nhân vật ở nhiều góc độ đa chiều, phong phú đời sống nội tâm.
Các nhân vật của Nguyễn Chí Thích hiện lên mỗi người một vẻ. Nhân vật xuất hiện rất khách quan để bạn đọc tự nhận xét "Trông mặt mà bắt hình dong", hình dung ra diện mạo nhân vật gắn với tính cách ra sao để từ đó đưa ra lời định tội, phán xét thật công bằng.
Tồn Lé có một khuôn hình thật đặc biệt "mặt y rỗ, trán dô, răng chín sáu ba không, chân đi vòng kiềng. Người ngắn cụt lủn. Trong y bạ Tồn có số đo chiều cao một mét bốn hai" hay nhân vật Hương thuyền chài trong Cô đồng Hương: "Người gày nhom. Chân, đầu đi trước, lưng, đít theo sau. Mỗi khi gặp cơn gió mạnh hất ngược chiếc nón rách về gáy để lộ mái tóc rối như tổ quạ. Mặt Hương mỏng manh, hố mắt sâu, nước da xanh xám vì nắng gió".
Hình hài các nhân vật xuất hiện như một lực hấp dẫn buộc người đọc phải theo chân các nhân vật để thâu tóm nhân vật từ diện mạo đến con người.
Đa phần các nhân vật bóng tối trong Cõi người đều chung một mục đích hành động đó chính là danh lợi và vật chất. Các nhân vật hiện lên rất gai góc sừng xỏ đầu bò, đầu biếu, gian ngoan và những con người trong ánh sáng chính diện rất mong manh, ít ỏi nhưng không vì thế mà cúi đầu thất bại.
Dân gian ta cũng từng có câu: "Gieo nhân nào gặp quả nấy", "Gieo gió ắt gặp bão", "Ở hiền gặp lành". Một tấm lòng cao cả, một đức sáng sẽ làm con người ta giác ngộ để quay lại với cái thiện.
Các nhân vật phản diện trong Cõi người đều chịu hậu quả thích đáng phù hợp với quy luật tất yếu giống như những gì họ đã gieo cho người khác.
Huỳnh Tân Đảo trong Lệnh truy nã lợi dụng thời cơ bất chấp thủ đoạn vi phạm pháp luật, kết thúc truyện hắn bị cơ quan pháp luật phát lệnh truy nã với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quốc gia" hay Tân, vợ Đảo, gian dâm dẫn tới cái chết của đứa con trai, kết truyện mắc bệnh tâm thần vật vờ trong những câu hỏi: "Bằng thạc sĩ của tôi đâu? Con của tôi đâu?".
Một Tồn Lé lợi dụng chức tước lập mưu tính kế đưa người khác vào tròng cuối cùng phải ra hầu toà "ngồi đếm lịch tính năm trong trại"
Có những câu chuyện có cách kết thúc rõ ràng cái thiện được bảo vệ, cái ác bị khai trừ song cũng có cách kết thúc "bỏ ngỏ" để bạn đọc suy ngẫm phán xét. Cách kết thúc đầy sâu cay thâm thuý như chính bản thân tác giả cùng với cộng đồng người chưa thể xua tan hết những mây mù hắc ám đang vây kín bầu trời.
Bên cạnh đó vẫn còn những trang viết rất nhạy bén, đi sâu khai thác mối quan hệ tình cảm đồng chí, đồng đội qua các cuộc chiến. Khi đối diện cái chết, họ có nhau chia sẻ tình nghĩa thâm sâu, trở lại thời bình mối quan hệ tốt đẹp đó đã bị phá vỡ bởi chính dã tâm con người trước những kích thích tầm thường từ sự cám dỗ vật chất. Một Tồn Lé với những âm mưu nham hiểm "với trình độ lớp bốn hệ mười năm y đã mua được bằng thạc sĩ, được điều đi học trường chính trị tại chức làm lực lượng kế cận tương lai". Chỉ khái quát ngắn bằng một đoạn văn tả, bạn đọc đã hình dung được phần nào chân dung nhân vật chính Tồn Lé và nguyên nhân nào dẫn đến việc y đã phá bỏ đi tình đồng chí, đồng đội với người là ân nhân giúp hắn được như ngày nay.
Với lời văn đầy triết lí sâu xa để lên án những ngang trái trong xã hội, đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kiếp người lầm lạc, u mê không biết trân trọng đồng tiền chân chính, trí tuệ thực của con người chỉ theo đuổi cái bề nổi của cuộc sống như trong Cô đồng Hương: "Từ ngày sinh ra lừa đảo, chiếm dụng vốn, tham nhũng, làm giàu một cách bất ngờ được người đời trọng vọng, vinh danh. Những người nai lưng ra lao động trí óc hay chân tay, sống đạm bạc lại bị người đời khinh rẻ. Xã hội đánh giá tài năng đức độ, phẩm hạnh qua lăng kính đồng tiền bất chấp đồng tiền ấy xuất xứ từ đâu". Câu văn thâu tóm toàn bộ nguyên nhân mà con người mắc phải dẫn tới lầm đường lạc lối, lương tri bị xói mòn. Một câu văn đúc kết nỗi lòng trăn trở của Thảo Thành Nam Anh Nguyễn Chí Thích luôn khát khao, mong mỏi tìm đến những tri âm.
Có lẽ tìm đến thể văn xuôi để bộc bạch tâm sự cõi lòng mình Thảo Thành Nam Anh Nguyễn Chí Thích "Chưa lột tả đầy đủ bộ mặt thật của một cơ thể cùng nội tâm đang ruỗng nát lại được khoác một bộ dạng từ bi nhân ái hòng đánh lừa những ai nhẹ dạ cả tin hòng chiếm đoạt", song đó chưa hẳn là điều để bạn đọc không thấu hiểu cho ông. Những độc giả sáng suốt của chúng ta sẽ biết mình phải làm gì trước tâm nguyện của Nguyễn Chí Thích. Cõi người của mỗi chúng ta có rất nhiều điều cần phải nói, dám đưa ra ý nghĩ của mình đó đã là một bản lĩnh đáng kính. Mong rằng bạn đọc sẽ thấu hiểu.
Diệu Huyền