Đọc xong chú ngầm nghĩ :
- Chắc lão ta đến để truyền võ cho mình, ta thật muốn đến hồ Tuấn Mã để tìm thằng Trác Đặc Ba... để xem hắn là tay lợi hại đến thế nào cho biết.
Nghĩ đoạn, chú ngả lưng ra ngủ và đêm ấy lại chập chờn làm mấy giấc chiêm bao.
Sáng ngày hôm sau, Bố Đạt La Cung được lệnh của đức Đạt Lai, chắc có lẽ có người bắn tin cho đức Đạt Lai hay cái chết bí ẩn của Tạng Tháp, nên ngài không bằng lòng cho đúc tượng Kim Thân mà chỉ cho phép làm lễ an táng một cách trọng thể.
Thi hài của ông được chôn cất trong Bố Đạt La Cung và cất một ngôi nhà kỷ niệm nho nhỏ. Đức Đạt Lai thân hành viết ba chữ khắp lên ngôi nhà kỷ niệm đó, gọi là :
“Tạng Tháp Đường”.
Đêm ấy trời vừa chập choạng tối, Tâm Đăng đã vô cùng nôn nóng, chú đi đi lại lại trên Kim Nga điện để chờ Khúc Tinh.
Trong đầu chú vẫn quay cuồng mấy chữ :
- Trác Đặc Ba... hồ Tuấn Mã... Tàm Tang khẩu quyết...
Chú rất hối hận vì quyển sách này đã lọt vào tay mình một lần mà mình lại để cho nó mất đi.
Cảnh ngộ đau đớn của Bệnh Hiệp và Cô Trúc cùng cái chết bi thảm của Tạng Tháp đã gây ra trong lòng chú một mối căm thù Trác Đặc Ba đến tột đỉnh.
Còn đang nghĩ ngợi triền miên thì có tiếng vỗ tay khe khẽ, quay đầu nhìn lại thì quả thật là Khúc Tinh.
Không ngoài sự ước đoán của chàng, Khúc Tinh đến đây để ép chú học võ.
Nằn nì ép uổng lâu lắm, Tâm Đăng mới khứng, và Khúc Tinh hẹn ba ngày sau sẽ gặp nhau trên ngọn đồi Tiểu Bình cách Bố Đạt La Cung ba dặm đường.
* * * * *
Đồi Tiểu Bình.
Cách Bố Đạt La Cung ba dặm.
Tâm Đăng đến đó chờ đợi đã lâu mà không thấy Khúc Tinh đâu. Chú càu nhàu :
- Cứ theo lời ông ta bảo thì sẽ truyền cho mình môn Phi Châm Tú Chưởng gì đó, thật là chán.
Câu nói của chàng chưa dứt chợt có tiếng cười ha hả của Khúc Tinh :
- Tiểu hòa thượng, mi thật là vô lễ.
Tâm Đăng hổ thẹn đỏ bừng sắc mặt, thấy Khúc Tinh và Thiết Điệp từ trong ven rừng bước ra.
Khúc Tinh tiếp lời :
- Tâm Đăng, mi có biết Thiết sư bá có một môn võ công đắc ý nhất là gì chăng?
Tâm Đăng trả lời :
- Quả thật tôi chưa biết.
Khúc Tinh mỉm cười mà rằng :
- Thiết sư bá của mi có môn võ công gọi là Lộ Chu Chi Tinh, nghĩa là khinh công của bà ta khi vận dụng ra thì thân hình còn nhẹ hơn một hạt sương buổi sớm.
Và ông ta nói tiếp :
- Thiết sư bá của mi sẽ truyền môn võ nghệ này cho mi đêm nay.
Tâm Đăng quyết lời từ chối nhưng không sao được vì hai người ấy nằn nằn quyết một hai truyền lại cho Tâm Đăng.
Hai người phân công như vầy: canh hai Tâm Đăng học với Khúc Tinh, canh ba luân đến phiên Thiết Điệp.
Thế rồi ba thầy trò bắt đầu luyện võ.
Tâm Đăng lấy làm lạ vì môn võ của Khúc Tinh truyền lại bằng kim chỉ, ông ta thò tay vào túi rút ra một gói nữ công đoạn dạy cho Tâm Đăng vận nhãn quang lên mà thêu những đường chỉ nhỏ rức.
Việc làm tuy đơn sơ nhưng phí rất nhiều sức lực, thêu chưa được một đóa hoa mà Tâm Đăng mồ hôi vã ra như tắm.
Khúc Tinh cười rằng :
- Môn võ công Phi Châm Tú Chưởng này nếu mi học thành công thì nội lực sẽ tăng tiến bội phần, và đường võ của mi tung ra thảy đều khéo léo như người đàn bà may vá thêu thùa vậy.
Tâm Đăng thêu được một đóa hoa thì đã mãn canh hai, và từ xa xa tiếng trống canh trổ sang ba tiếng.
Thế là lại đến lượt Thiết Điệp dạy võ cho chú.
Tâm Đăng chán chường lắm, vì thật ra, đối với chú không còn hứng thú nữa, chú thấy rằng hễ người nào học võ thảy đều mang nhiều điều oan nghiệp, nhưng không biết từ chối thế nào cho được nên đành phải gắng gượng mà học.
Tâm tư đó Thiết Điệp đã đọc thấu, nhưng bà ta bất chấp, bảo với Tâm Đăng rằng :
- Bây giờ mi bắt đầu chú ý đây.
Nói đoạn thân hình của bà ta bay bổng lên mười mấy trượng, Tâm Đăng giật mình nhìn theo thì thân hình của bà ta đã rơi xuống trên cành cây bé nhỏ.
Mũi giày của bà đạp nhẹ lên hai chiếc lá non mơn mởn, và thân hình của bà lướt trong cơn gió lộng về đêm.
Ngón khinh công tài tình đó làm cho Tâm Đăng sững sờ kinh dị, hèn chi mà bà ta luận kinh với Điệp Bố mà rượu chưa tàn hơi nóng.
Gương mặt bà ta thật điềm đạm, dường như quên hẳn mình đang đứng trên chót vót ngọn cây. Thái độ bình tĩnh đó càng làm cho Tâm Đăng thán phục.
Chợt nghe bà ta bảo :
- Mi hãy tống về phía ta một chưởng xem sao.
Tâm Đăng nghe nói lấy làm thích thú lắm, vội xắn tay áo lên mà nói :
- Sư bá coi chừng, tôi phát chưởng đây!
Nói vừa dứt lời, Tâm Đăng tức tốc trổ ra một đòn Hoa Đăng Thổ Nhị, từ trong lòng bàn tay của chú có một luồng gió thổi mạnh về phía Thiết Điệp.
Đòn này chỉ dùng ba phần sức mạnh nhưng khí thế lẫy lừng có thể tan bia nát đá như chơi.
Nhưng luồng chưởng phong vừa thoát đi một nửa thì Thiết Điệp đứng trên ngọn cây cũng nhẹ nhàng thay đổi cung bộ và tống ra một chưởng.
Hai luồng sức mạnh giáp mối vào nhau giữa từng không vang lên một tiếng “Bốp” rợn người.
Khá khen cho Thiết Điệp, đứng trên ngọn cây chót vót, chỉ dùng hai chiếc lá khô làm điểm tựa mà không hề hấn.
Còn Tâm Đăng thì loạng choạng thối lui một bước.
Tâm Đăng cả khen :
- Thật là lợi hại.
Hết chương 19