Một buổi trưa nọ Độc Cô Ngọc đã đi tới chỗ còn cách trăm dặm nữa là đã tới Võ Di rồi.
Trong hai ngày một đêm vừa qua, nửa quãng đường đầu bình yên vô sự nhưng đến nửa quãng đường sau thì gặp phải một việc khiến Độc Cô Ngọc phải ngừng chân lại.
Lúc ấy chàng đã đi vào đường núi, hai bên cây cối mọc um tùm, lối đi lại cong queo khúc khuỷu.
Đi hết đường núi lại đến đường cái quan. Con đường này bên trái là cánh đồng hoang cỏ mọc um tùm, cao hơn đầu gối người tạ Trong bụi cỏ người ta có thể trông thấy rất nhiều ngôi mộ như ẩn như hiện. Có ngôi còn mới, có ngôi đã đổ nát, quan tài và xương đã bật tung ra bên ngoài, trông thực là thê lương, bi đát.
Bên phải đường cái quan là ruộng nương xanh biếc. Dưới ánh nắng chỉ thấy những làn sóng mạ xanh rờn liên miên mấy dặm. Cảnh bên này làm cho người ta cảm thấy rất yên tĩnh và dễ chịu.
Độc Cô Ngọc thở dài và nghĩ bụng :
“Con đường này không khác gì là ranh giới của Âm Dương.”
Đột nhiên chàng nghe thấy có tiếng vó ngựa vọng tới, càng lúc càng gần, chỉ trong chớp mắt đã tới chỗ phía sau rồi. Chàng ngừng chân quay đầu lại nhìn, thấy hai con ngựa đi nhanh như gió phi tới, vó ngựa đá tung, cát bay mù mịt, chỉ trong thoáng cái, hai người ngựa đó đã đi xa, chỉ còn trông thấy hai cái chấm đen thôi.
Tuy hai người ngựa đó phóng rất nhanh, Độc Cô Ngọc đã trông thấy rõ hai con ngựa đó toàn đen. Hai người ngồi trên ngựa đều ăn mặc lối đạo sĩ, lưng đeo trường kiếm, chuôi tết bằng sợi chỉ vàng bay phất phới trước gió, hiển nhiên là người trong các đại môn phái.
Chàng vừa liếc nhìn thì hai con ngựa ấy đã đi xa rồi. Chàng liền cười khẩy một tiếng và nghĩ bụng :
“Món nợ này ta hãy ghi nhớ, thể nào cũng có ngày Độc Cô Ngọc này tìm đến tận cửa thanh toán.”
Không phải là chàng hẹp lượng, nhưng khi Thanh Thành tứ hữu sắp chết có trối trăn, vài lời đó đã ghi sâu vào trong đáy lòng chàng rồi. Huống hồ sau này chàng còn phải can thiệp với các đại môn phái để lấy lại cuốn Quy chân kinh Hạ. Việc này chàng không thể nào giải quyết bằng mồm mép được, thể nào cũng phải dùng võ lực mới xong.
Chàng phủi bụi ở trên đầu, mặt và người một hồi rồi mới lại đi tiếp. Không bao lâu, bên cánh đồng cỏ đã biến thành một con sông. Con sông này không đi theo con đường cái quan mà tiến về phía đông. Nước xanh biếc, sóng có ánh sáng lóng lánh, cá bơi ở dưới nước có thể trông thấy rõ. Và có dăm ba con chim nước bay đi lượn lại.
Chỗ cạnh nước lại có một khu rừng thông rất lớn. Bên lề rừng có hai căn nhà lá nho nhỏ, khói bếp đang bốc lên nghi ngút. Xa xa chàng đã thấy có khá nhiều người đi ra vào, có người đi bộ, có người dắt ngựa. Chàng vội tiến tới gần thì thấy trên cửa có treo một lá cờ đề ba chữ : Thập Lý Điếm. Chàng mới hay đó là một quán rượu sơ sài.
Độc Cô Ngọc đang cảm thấy đói bụng bỗng thấy trước mặt có tửu điếm, tinh thần rất phấn chấn, vội phi thân tới gần ngay.
Khi tới gần, chàng thấy bên ngoài có cột năm con ngựa cao lớn, hai đen, ba trắng.
Hai con ngựa đen chính là hai con ngựa của hai đạo sĩ cỡi hồi nãy. Còn ba con ngựa trắng trông rất cao quý, yên bạc, bàn đạp bằng vàng, không hiểu là ngựa của ai mà lại lịch sự đến như vậy?
Độc Cô Ngọc đánh liều đi vào trong tửu điếm, thấy trong đó có vài bộ bàn ghế bằng thủy trúc, tuy rất giản dị nhưng rất sạch sẽ và tao nhã.
Những khách đang ngồi trong đó toàn là võ lâm hào kiệt, người đi buôn và phu khuân vác.
Khách ngồi ở cái bàn đầu chính là hai đạo sĩ đã phóng ngựa qua Độc Cô Ngọc hồi nãy. Lúc này cả hai đều nhìn ra bên ngoài nên Độc Cô Ngọc trông thấy rõ mặt chúng. Một tên vừa cao vừa gầy, một tên vừa lùn vừa béo, đều để râu năm chòm dài xuống tận ngực, trông có vẻ đạo mạo lắm. Chàng đưa mắt nhìn chúng, chúng cũng nhìn lại chàng.
Cái bàn thứ hai kê ở cạnh cửa sau chỗ giáp sơn. Ba người khách ngồi bàn ấy là hai già một trẻ.
Người trẻ tuổi là một văn sĩ áo trắng, mày kiếm mắt sao, trông rất anh tuấn, cử chỉ lại rất tao nhã và còn có vẻ ung dung cùng cao quý nữa. Có lẽ là đồng bệnh tương lân, Độc Cô Ngọc vừa trông thấy thư sinh ấy đã có thiện cảm ngay, trong bụng còn khen ngợi thầm thư sinh ấy hoài.
Hai ông già đều mặc áo màu xám, râu chòm đen cũng dài xuống tận ngực, mắt của họ đều sáng quắc. Chỉ thoáng trông cũng biết hai ông già này là hai nội gia cao thủ rồi. Vẻ mặt của cả hai đều vênh váo, kiêu ngạo, nhưng đối với văn sĩ nọ thì lại rất cung kính, cứ rót rượu cho văn sĩ luôn.
Ngoài hai cái bàn ấy ra, Độc Cô Ngọc thấy các bàn khác cũng đều có khách ngồi chật ních. Tên phổ cây thấy chàng bước vào vội cúi đầu vái chào và nói :
- Tiểu điếm quá nhỏ lại được nhiều quý khách đến chiếu cố, tướng công đến chậm một bước nên đã hết chỗ ngồi. Xin mời tướng công hãy ngồi chờ tạm giây lát đã.
Độc Cô Ngọc nhận thấy tên phổ cây này không thạo nghề lắm nhưng ăn nói rất tao nhã nên chàng tủm tỉm cười, để ý nhìn y một lát nhưng không nói năng gì.
Lúc ấy văn sĩ áo trắng ngồi ở cạnh cửa sổ bỗng đứng dậy, chắp tay vái chào chàng và nói :
- Đường dài tửu điếm ít, nếu vị nhân huynh này không hiềm chật hẹp thì xin mời lại đây ngồi chung bàn với tiểu đệ.
Tuy bụng đã đói ran và đối với thiếu niên ấy đã có thiện cảm từ lúc đầu, nhưng Độc Cô Ngọc vẫn nhận thấy chưa quen biết người ta bao giờ, không tiện làm phiền người ta như thế nên chàng cũng chắp tay đáp lễ vừa cười vừa trả lời rằng :
- Cảm ơn huynh đài đã có lòng như vậy, nhưng vì tại hạ cũng chưa lấy gì làm...
Văn sĩ nọ vội đỡ lời :
- Xin thứ lỗi, tại hạ nói câu này hơi đường đột một chút. Nhân huynh không phải là người thường tục như vậy nên tại hạ sẵn lòng đón tiếp nhân huynh ngồi.
Thấy chàng nọ không những nhân phẩm tuấn tuyệt, ăn nói lại siêu tục, Độc Cô Ngọc cũng phải hổ thẹn thầm và bẽn lẽn đáp :
- Mới gặp gỡ ở nơi đây, tại hạ đâu tiện quấy nhiễu nhân huynh như thế.
Văn sĩ nọ cười ha hả đáp :
- Sao huynh lại nói là quấy nhiễu như thế. Chúng ta gặp gỡ nhau ở nơi đây đã là có duyên rồi. Tại hạ được hân hạnh mời nhân huynh ngồi uống chung một bàn đã cảm thấy an ủi vô cùng rồi.
Độc Cô Ngọc chắp tay vái một vái rồi nói tiếp :
- Không dám! Huynh đài đã có lòng như vậy, nếu đệ còn từ chối thì thật không biết điều, đành phải xin tuân lệnh.
Nói xong, chàng lớn bước đi tới trước bàn ấy. Văn sĩ tươi cười nói tiếp :
- Ngày hôm nay là ngày gì được gặp siêu nhân ở đây, tại hạ không uổng đi xa hàng trăm dặm như vậy.
Chàng vừa rảo bước tiến lên vừa nắm tay Độc Cô Ngọc kéo ngồi xuống ghế. Hai người nhường nhau một hồi, vì cả hai đều là người đẹp trai hiếm có nên những người có mặt tại đó đều chăm chú nhìn vào hai chàng. Cả hai đạo sĩ nọ cũng vậy.
Độc Cô Ngọc càng cảm thấy không yên thêm. Văn sĩ nọ hình như không trông thấy gì cả, chỉ mỉm cười hỏi :
- Nhân huynh quý tính đại danh là gì?
Độc Cô Ngọc đáp :
- Tại hạ là Đỗ Ngọc.
Chàng vừa nói xong, văn sĩ nọ chưa kịp nói thêm thì hai đạo sĩ nọ đã biến sắc mặt và cùng phi thân tới. Đạo sĩ vừa cao vừa gầy chắp tay vái chào Độc Cô Ngọc và hỏi rằng :
- Xin thứ lỗi, anh em bần đạo đường đột và thất lễ như thế này. Chả hay tiểu thí chủ này có phải họ Đỗ tên là Ngọc đấy không?
Văn sĩ áo trắng rất thản nhiên, còn hai ông già mặc áo xám thì mặt hơi biến sắc.
Độc Cô Ngọc rất ngạc nhiên, ngẩn người ra giây lát, chưa kịp trả lời thì văn sĩ nọ đã tươi cười và nói với hai đạo sĩ kia trước :
- Thất Cầm thân pháp danh bất hư truyền thật. Quả nhiên đã làm cho người thường tục phải kinh hoảng. Hai vị đạo trưởng đây có phải là Võ Đang song thần kiếm tiếng tăm đã lừng lẩy đấy không?
Hai vị đạo trưởng ngẩn người ra đáp :
- Không dám. Anh em bần đạo chính là Ngọc Hư và Thanh Hư đây. Xin hỏi đại danh của của thí chủ là chi?
Văn sĩ vừa cười vừa nói :
- Cổ nhân nói : Bóng cây và tên người, thật không sai chút nào. Kiếm thuật của hai vị đạo trưởng cái thế, đã chấn động võ lâm lâu năm. Tại hạ chỉ là một tiểu tốt trong võ lâm, mà không biết hai vị là ai thật là ngu dốt quá. Nhưng tại hạ chỉ là hậu bối mạt học, không có tên tuổi gì hết, không dám cảm phiền đến hai vị đạo trưởng hỏi tới.
Đạo sĩ vừa cao vừa gầy lườm văn sĩ một cái và vái một vái, hỏi tiếp :
- Thí chủ không muốn cho biết thì bần đạo cũng không dám cưỡng ép.
Nói tới đó, y quay lại hỏi Độc Cô Ngọc :
- Còn vị thí chủ này xin trả lời đi!
Độc Cô Ngọc đã đoán biết hai đạo sĩ này thể nào cũng là người của danh môn đại phái từ trước. Vừa rồi chàng lại thấy văn sĩ nọ nói toạc lai lịch của hai đạo sĩ ấy khiến cho chàng càng nhận thấy mình đoán không sai. Tuy chàng vẫn bất mãn đối với những người của danh môn chính phái nhưng lúc này đối phương lễ phép với mình như vậy, mình cũng phải tử tế lại với họ mới được.
Cùng vừa nghĩ vừa chắp tay đáp lễ và trả lời :
- Phải, tại hạ chính là Đỗ Ngọc, không hiểu hai vị đạo trưởng muốn chỉ giáo gì thế?
Đạo sĩ vừa gầy vừa cao chính là Ngọc Hư đạo nhân nghe thấy chàng trả lời nhanh nhẩu như vậy cũng phải hơi ngạc nhiên và hỏi tiếp :
- Phong Lôi phổ là vật báu trấn sơn của bổn phái, xin thí chủ trả lại cho anh em bần đạo chứ?
Văn sĩ với hai ông già áo xám nghe nói đều chăm chú nhìn vào Độc Cô Ngọc.
Thấy đối phương hỏi mình một câu vu vơ như vậy, Độc Cô Ngọc rất ngạc nhiên, trợn tròn xoe mắt lên, đáp :
- Tại hạ không hiểu đạo trưởng nói gì.
Ngọc Hư lại biến sắc mặt, nhưng chỉ thoáng cái thôi lại cười khì và nói tiếp :
- Đỗ thí chủ hà tất phải đùa giỡn như thế làm chị Năm ngày trước đây Đỗ thí chủ đến đạo quan của bổn phái biễu diễn thần công một phen, sau rồi lại còn lấy Phong Lôi phổ, vật báu trấn sơn của bổn phái đi. Trước khi đi, thí chủ còn dùng phấn để lại đại danh ở trên Thượng Thanh cung. Vì thế, Chưởng môn sư huynh của bần đạo mới phái nửa số đệ tử đi khắp bốn phương để tìm kiếm tung tích của Đỗ thí chủ. Không ngờ anh em bần đạo lại may mắn gặp gỡ thí chủ ở nơi đây.
Độc Cô Ngọc càng ngạc nhiên thêm và nghĩ bụng :
“Ta còn chưa lên núi Võ Đang đòi lại vật báu truyền gia, không ngờ các ngươi lại đi kiếm ta trước như vậy, thế là nghĩa lý gì?”
Nghĩ tới đó chàng cau mày lại, trả lời rằng :
- Xin đạo trưởng đừng có hiểu lầm như thế. Không những tại hạ chưa hề trông thấy Phong Lôi phổ, vật báu trấn sơn của quý phái là vật gì mà từ trước cho tới nay tại hạ chưa hề được may mắn lên tới núi Võ Đang lần nào. Sao lại...
Ngọc Hư trợn ngược đôi lông mày kiếm lên, đột nhiên xen lời nói :
- Xin thí chủ đừng có đùa giỡn như thế nữa. Thí chủ nên biết người mất vật báu không riêng gì phái Võ Đang chúng tôi. Còn bốn môn phái nữa là Thiếu Lâm, Nga Mi, Cống Lai và Hoa Sơn cũng đang cho người tìm kiếm thí chủ. Tuy bần đạo biết thí chủ công lực trác tuyệt du hí võ lâm nhưng nếu đụng chạm với năm phái chỉ e...
Độc Cô Ngọc cũng trợn ngược đôi lông mày kiếm lên ngắt lời đối phương nói tiếp :
- Đa tạ đạo trưởng đã nhắc nhở cho như vậy. Vàng thật không sợ lửa, nhưng tại hạ quả thật chưa hề lên qua các núi ấy, dù các phái ấy có cho người đi vấn tội cũng uổng công thôi.
Ngọc Hư lại cười khẩy nói tiếp :
- Lẽ dĩ nhiên rồi. Thí chủ đi lại ở trong các phái rất dễ dàng như thế, tất nhiên thí chủ có còn coi người của năm phái vào đâu đâu. Nhưng vật báu trấn sơn rất quan trọng, không ai chịu để nó lọt vào tay người ngoài cả. Bần đạo không dám lên tiếng nói hộ các phái khác, mà chỉ thấy mặt một phái Võ Đang chúng tôi thôi. Bần đạo nhất định không quản ngại hy sinh hết thảy, thề phải cướp lại cho kỳ được vật báu trấn sơn của bổn phái mới thôi. Mong Đỗ thí chủ đừng có coi thường chuyện ấy và xin hoàn lại cho, đừng để cho thiên hạ võ lâm lại đổ máu lần nữa.
Lời nói ấy không khác gì bảo Độc Cô Ngọc đừng có giả bộ làm như không biết gì như thế và nhất định không trả lại vật báu thì bắt buộc họ phải ra tay đấu với chàng và đổ máu ngay tại chỗ.
Độc Cô Ngọc nghe thấy thế, lửa giận bốc lên đùng đùng, xếch ngược đôi lông mày kiếm lên, đang định trả lời tiếp. Nhưng chàng nghĩ lại, chắc chuyện này thể nào cũng do sự hiểu lầm mà nên. Trước khi ta chưa đi học thêm võ công thì quả thật không nên gây hấn với họ làm chị Vì thế chàng cố nén lửa giận, gượng cười đáp :
- Xin đạo trưởng chớ có dùng võ lực mà uy hiếp như thế. Tuy tại hạ chỉ là một kẻ thư sinh, hơi biết một chút võ công thôi nhưng cũng không phải là kẻ hèn nhát. Quả thật tại hạ không hề làm việc đó, đạo trưởng hà tất phải...
Thanh Hư vẫn đứng yên ở cạnh đó, lúc này mới đột nhiên lạnh lùng xen lời nói :
- Đại trượng phu đã dám làm thì phải dám nhận trách nhiệm. Thí chủ đi lại trọng địa của năm phái một cách dễ dàng như thế, đâu có phải là người tầm thường, sao...
- Câm mồm.
Độc Cô Ngọc không sao nhịn được nữa, khẽ quát bảo như vậy và nói tiếp :
- Sao hai vị đạo trưởng lại cứ nhất định bảo là tại hạ đã làm việc đó?
Thanh Hư lạnh lùng đỡ lời :
- Không dám, nhưng dùng cục phấn viết lên tường lưu danh như thế khiến bần đạo không ngờ vực sao được.
Độc Cô Ngọc nghe nói cả giận cười khẩy một tiếng, nói tiếp :
- Võ Đang song thần kiếm danh trấn võ lâm có khác. Xem như vậy danh môn chính phái chẳng qua chỉ có thế thôi. Người ta nói quý tự cho mình là hiệp nghĩa, lời nói ấy quả thật không ngoa. Hai vị đã là người tu hành và còn lừng danh lâu năm, sao hai vị lại không phân biệt thị phi, không nhận định rõ ràng trắng đen như thế?
Sở dĩ tại hạ hết sức nhẫn nại không phải là vì sợ đại danh của hai vị đâu, vì tại hạ biết đó là sự hiểu lầm, nên không muốn để cho sự hiểu lầm đó càng ngày càng lớn thêm. Nếu hai vị cứ nhất định bảo việc đó là do tại hạ đã làm thật thì chỉ tùy ở như hai vị muốn sao cũng được.
Lời nói của chàng thật danh chính ngôn thuận, hào khí muôn trượng, khiến văn sĩ áo trắng đứng cạnh đó cũng phải động lòng và rất kính phục. Võ Đang song thần kiếm tiếng tăm lừng lẩy võ lâm lâu năm, khi nào lại chịu nổi để cho một hậu sinh tiểu bối nói mình ở trước mặt mọi người như thế? Hơn nữa, phái Võ Đang xưa nay vẫn là một đại môn phái đứng vào bực nhất bực nhì trong võ lâm hàng trăm năm nay, không một người nào dám vuốt râu cọp cả. Bây giờ không những bị người ta vào hẳn trong trọng địa của mình lấy Phong Lôi phổ, vật báu trấn sơn đi như thế và lại còn dám dùng phấn viết tên tuổi ở trên tường của Thượng Thanh cung, nơi cấm địa như vậy. Có khác gì người ta không còn coi phái Võ Đang ra gì nữa. Người của phái Võ Đang từ trên chí dưới đều coi việc đó là một sự đại sĩ nhục. Nếu hai người không phải vì khiếp sợ người đã lấy trộm vật báu có võ công kỳ tuyệt và hai người cũng không biết hai ông già áo xám đứng ở trước đây công lực thâm hậu tới mức độ nào?
Độc Cô Ngọc vừa nói xong, Võ Đang song thần kiếm đã biến sắc mặt. Ngọc Hư đạo sĩ trợn ngược đôi lông mày lên, hai mắt trợn tròn xoe, nghiêm giọng nói :
- Thí chủ ăn nói nhanh nhẩu lắm, anh em bần đạo rất lấy làm kính phục. Tuy người đi tu bổn tính là từ bi đạm bạc, không tranh dành danh lợi với ai nhưng Đỗ thí chủ khi người quá nỗi, bắt buộc chúng tôi phải lãnh giáo thí chủ một phen.
Nói xong y vái một vái, quay người đi ra bên ngoài luôn.
Lời nói của y rất phải, nếu không lấy lại được vật báu trấn sơn thì phái Võ Đang làm gì còn mặt mũi đứng ở trong võ lâm nữa?
Lúc ấy trong tửu điếm các tửu khách thường đã sợ bị mang vạ lây mà rút lui hết.
Còn lại dăm ba người võ lâm vẫn ngồi yên tại chỗ, hiển nhiên là họ muốn được xem trò vui.
Độc Cô Ngọc thấy hai đạo sĩ đã đi ra ngoài cửa rồi, biết câu chuyện ngày hôm nay dùng lời nói không sao giải quyết nổi và không thể nào tránh khỏi dùng vũ lực.
Chàng cũng tự biết mình lắm, dù đối phương là cao thủ hạng nhất, danh trấn võ lâm đi chăng nữa, chàng vẫn không hãi sợ. Đó là do tính kiêu ngạo trời sinh ra thúc đẩy chàng, nên chàng cũng lớn bước đi theo hai đạo sĩ ra bên ngoài ngay.
Văn sĩ áo trắng vẫn nắm cánh tay phải Độc Cô Ngọc, vừa cười vừa nói :
- Xin mời hai vị đạo trưởng hãy quay trở vào đã.
Hai đạo sĩ nghe nói liền ngừng chân, quay lại, chắp tay vái chào và hỏi :
- Thí chủ gọi anh em bần đạo quay trở lại như vậy có việc gì muốn chỉ giáo thế?
Văn sĩ áo trắng hớn hở cười và đáp :
- Không dám. Tại hạ đang có việc muốn thỉnh giáo.
Ngọc Hư đỡ lời :
- Hai chữ thỉnh giáo thì anh em bần đạo không dám. Thí chủ muốn hỏi gì xin cứ hỏi.
Hai lão đạo sĩ ấy thật không hổ thẹn xuất thân là người của một danh môn chính phái. Trong lúc tức giận như thế mà chúng vẫn giữ được phong độ.
Văn sĩ áo trắng vừa cười vừa nói tiếp :
- Nếu vậy xin mời hai đạo trưởng quá bước lại gần đây. Trên đời này làm gì có ai nói chuyện với nhau lại đứng cách xa như thế.
Hai đạo sĩ mặt đỏ bừng, hơi do dự một chút liền lớn bước tiến tới gần.
Văn sĩ áo trắng nhìn hai đạo sĩ ấy rồi mỉm cười nói tiếp :
- Tuy tại hạ mới gặp Đỗ huynh lần đầu, nhưng tại hạ đã nhận xét rất nhiều người rồi. Đôi mắt của tại hạ chắc cũng không đến nổi thiển cận đâu. Đỗ huynh đây là người rất văn vẻ, mặt lại có chính khí. Tuy hiểu biết võ nghệ nhưng chắc không khi nào lại bắt chước bọn kẻ trộm leo tường cậy cửa như thế đâu và cũng không khi nào Đỗ huynh đã làm mà không chịu nhận. Hai vị là đắc đạo cao nhân, có đôi mắt sáng suốt như thần, chắc không coi lời nói của tại hạ là vu vơ, nói láo chứ?
Văn sĩ ấy rất khéo ăn nói, và lời nói của chàng ta lại rất đắc thể khiến cho Độc Cô Ngọc không những phải kính phục mà còn rất cảm ơn là khác.
Thanh Hư cười khẩy một tiếng đỡ lời :
- Thí chủ cứ quá khen đấy thôi! Sự thực anh em bần đạo chỉ có đôi mắt trần tục thôi, nhưng thiết nghĩ người ta không thể nào đo lường bằng bề ngoài được.
Độc Cô Ngọc nghe thấy y nói lại nổi xung, xếch ngược đôi lông mày kiếm lên, đang định trả lời thì văn sĩ nọ đã cười khì một tiếng và nói tiếp :
- Đạo trưởng nói rất phải. Người ta không thể trông mặt mà bắt hình dong được.
Nhưng cổ nhân đã nói: bắt giặc thì phải bắt cả người lẫn tang vật, nếu chỉ căn cứ vào mấy chữ viết ở trên tường như thế mà đã vu cho người ta làm đạo tặc như vậy chả lẽ hai vị không sợ mang tiếng và không sợ làm mất hết danh dự của quý phái đã có bấy lâu hay sao?
Hai đạo sĩ hổ thẹn đến mặt đỏ bừng. Văn sĩ nọ vừa cười vừa nói tiếp :
- Câu chuyện đó giản dị lắm. Theo ngu kiến thì rõ ràng có người muốn vu oan giá họa cho Đỗ huynh. Nếu các đại môn phái vì vậy mà đổ tội cho Đỗ huynh, như vậy có phải là các đại môn phái đã trúng kế mượn dao giết người...
Độc Cô Ngọc nghe tới đó giật mình đến phắt một cái, Ngọc Hư lại lạnh lùng hỏi tiếp :
- Sao thí chủ lại biết đó là kế giá họa như vậy?
Văn sĩ lớn tiếng cười và đáp :
- Đạo trưởng hỏi như vậy rất phải. hai vị đạo trưởng là võ lâm danh túc, nghiên cứu võ học mấy chục năm, thể nào cũng cao minh hơn một kẻ mạt học hậu tiến này.
Tuy Đỗ huynh này là người có học võ khá cao siêu thật, nhưng tại hạ dám táo gan nói là chưa đủ tài ba vào trọng địa của các đại môn phái như thế. Hai vị cho lời nói của tại hạ có phải không?
Võ Đang song thần kiếm đã nổi tiếng lâu năm, có đôi mắt sáng như điện, sao lại không nhận xét ra được một người có công lực thâm hậu đến mức độ nào. Nhưng chỉ vì vừa rồi mới nghe thấy cái tên Đỗ Ngọc đã nổi giận mà mất lý trí ngaỵ Bây giờ chúng nghe thấy văn sĩ nọ nhắc nhở như vậy, vội để ý nhận xét lại Độc Cô Ngọc, chúng đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên, rồi cúi đầu xuống, có vẻ hổ thẹn vô cùng.
Chúng đã nhận thấy thư sinh áo trắng tự nhận là Đỗ Ngọc này chỉ trừ đẹp trai, phong lưu, nho nhã ra, quả thực không có tài ba mấy, tuyệt nhiên không phải là một cao nhân có thể ra vào nổi trọng địa của các đại môn phái và còn lấy được vật báu trấn sơn đi một cách dễ dàng như vậy.
Khốn nổi, hai đạo sĩ này lại là người cố chấp và kiêu ngạo bướng bĩnh. Chúng đã nổi danh lâu năm, nay đã hưng sự vấn tội, thậm chí sắp sửa ra tay bắt người như vậy, có khi nào chúng chịu nghe thiếu niên nọ chỉ một đôi lời mà đã bỏ đi ngay?
Hơn nữa, việc vật báu trấn sơn bị mất không phải là việc nhỏ, nay chúng đã tốn công đi khắp mọi nơi, nay đã kiếm thấy Đỗ Ngọc rồi khi nào chúng chịu buông tha cho chàng ta?
Huống hồ chúng còn nghi ngờ bề ngoài của Độc Cô Ngọc trông rất tầm thường, nhưng biết đâu chàng đã luyện tới mức thượng thừa, có thể giả bộ một người không biết võ công gì mấy?
Vì mấy lý lẽ trên, Ngọc Hư trầm ngâm giây lát rồi bỗng cười gằn mà đáp :
- Đa tạ thí chủ đã chỉ giáo cho như vậy, nhưng việc này quan trọng lắm, anh em bần đạo thừa lệnh của người Chưởng môn không dám...
Hai ông già áo xám thấy thế đều biến sắc mặt, hai đôi mắt bỗng sáng ngời, và dùng giọng mũi kêu hừ một tiếng.
Văn sĩ áo trắng vội xua tay, không để cho hai ông già ấy can thiệp vào mà vẫn tươi cười nói tiếp :
- Đạo trưởng nói rất phải. tại hạ cũng biết hai vị thừa lệnh dụ của người Chưởng môn, bất đắc dĩ mới phải làm như vậy. Đủ thấy việc này dùng lời lẽ không sao giải quyết n 2ba i. Nếu vậy, cao hiến của hai vị thì hai vị muốn sao?
Ngọc Hư ngẩn người ra, chưa kịp trả lời thì Thanh Hư đã cười khẩy xen lời nói :
- Anh em bần đạo mắt thịt người phàm, không sao nhận xét nổi công lực của Đỗ thí chủ thâm hậu...
Văn sĩ nọ đỡ lời :
- Chắc hai vị muốn thử thách một phen đã mới hài lòng phải không?
Hết chương 38. Mời các bạn đón đọc chương 39.