Chàng Mù, Em Yêu Anh Chương 2


Chương 2
Thầy giáo môn chữ nổi

1

Sáng thứ tư vốn là thời gian thu âm chương trình phỏng vấn, nhưng Nhiếp Hy lại bảo Vô Yên không cần làm nữa vì đã chuẩn bị xong rồi.

“Phỏng vấn ai vậy ạ?”. Tang Vô Yên hỏi.

Nhiếp Hy cười: “Tạm thời bảo mật. Đợi đến lúc phát sóng là em biết ngay thôi mà”.

Tang Vô Yên nhìn Nhiếp Hy đang tỏ vẻ thần bí, hiếm khi thấy cô ấy vui như vậy, có thể thấy khách mời không phải là người nổi tiếng bình thường.

Có điều cô cũng chẳng quan tâm.


Để đối phó với vấn đề phỏng vấn xin việc, bắt đầu từ năm thứ ba, nhà trường mở hàng loạt các khóa học hướng dẫn xin việc. Học kì này mời giáo viên của học viện văn học đến dạy “Giao tiếp và cách nói chuyện”. Môn này có hai tiết buổi chiều, ai ngờ đến trường lại thấy trên bảng viết thầy giáo có việc đột xuất, đổi sang học tối.

Thầy giáo này tuy không bao giờ điểm danh nhưng giảng rất hay nên ít người trốn học.

Ví dụ có lần ở trên lớp thầy nói: “Nếu phân tích từ góc độ tâm lí học của các em, thì trong quá trình giao tiếp con người sẽ đối diện với ba nỗi sợ lớn là: sợ sự xa lạ, sợ người có địa vị cao và sợ đám đông. Mức độ sợ hãi mỗi người mỗi khác, tùy vào trải nghiệm của từng người, nhưng đều không thể tránh khỏi chúng. Khi các em phỏng vấn xin việc, phỏng vấn khi thi cao học, phỏng vấn khi thi công chức đều bao gồm cả ba nỗi sợ này nên nó mới trở thành trở ngại lớn cho nhiều người như vậy”.

Có bạn ngồi dưới hỏi: “Thưa thầy, khi đứng trước bọn em thầy có nỗi sợ đám đông không ạ?”.

Thầy cười: “Có. Ví dụ như bây giờ em đột nhiên đứng lên hỏi, tuy bề ngoài tôi tỏ ra bình thản nhưng trong lòng thì giật thót, sợ em hỏi câu nào khó trả lời”.

Sau khi tan học Tang Vô Yên về đến nhà mới chợt nhớ ra tối nay phát sóng chương trình phỏng vấn bí mật của Nhiếp Hy.

Cô vừa mở radio ra thì nghe thấy Nhiếp Hy nói: “Hôm nay chân thành cảm ơn anh Nhất Kim đã dành chút thời gian đến tham gia chương trình của chúng tôi”.

“Không có gì”.

Một giọng nam trầm thấp, nghe rất hay trả lời Nhiếp Hy.

Là Nhất Kim!

Tang Vô Yên tròn mắt nhìn Trình Nhân.

“Là Nhất Kim sao?”. Tang Vô Yên hỏi Trình Nhân.

“Ừ”. Trình Nhân đáp.

“Có điều hình như chương trình kết thúc rồi”. Trình Nhân dội nước lạnh lên đầu cô.

“…”

Đây là lần đầu tiên Tang Vô Yên được nghe tin tức liên quan trực tiếp đến Nhất Kim. Tuy chỉ có ba chữ lạnh nhạt nhưng từ miệng người đàn ông tài hoa xuất chúng đó nói ra, lại mang một màu sắc kì diệu.

Anh ấy nói: Không có gì.

Một câu nói ngắn gọn không đầu không cuối như vậy khiến người ta tha hồ liên tưởng. Người đàn ông này cao hay thấp, béo hay gầy, kín đáo hay thích thể hiện… dường như tất cả đều không thể khẳng định được.

Tang Vô Yên nhìn chiếc radio, rất lâu sau cô gối đầu lên giọng nói đó đi vào giấc ngủ trong một tâm trạng lạ lùng.

Chiều ngày hôm sau, cô không có tiết, tầm đó vốn không phải giờ cao điểm nên trên chiếc xe bus 101 có rất ít người. Tang Vô Yên lên xe, ngồi xuống dãy ghế phía dưới cạnh cửa sổ.

Xe bus số 101 là chiếc xe chạy theo tuyến đường ngắm cảnh của thành phố A, từ khu vực dân cư đến khu danh lam thắng cảnh, đi qua một loạt các địa điểm nổi tiếng của thành phố, dân ở đây không hay đi tuyến này, một là vì đi vòng khá xa, hai là vì đắt hơn xe bus thông thường một chút.

Nhưng nếu như rảnh rỗi Tang Vô Yên thường ngồi trên xe, lượn một vòng khắp thành phố này. Phần lớn thời gian xe rất ít khách, chỉ lác đác vài người, cô lại thích ngồi một mình vừa nghe nhạc vừa nhìn ra ngoài cửa sổ ngẫm nghĩ sự đời, đó là một Tang Vô Yên hướng nội. Từ nhỏ cô đã rất nhút nhát khi gặp người lạ, mãi cho tới khi lớn lên vào đại học, tính cách của cô mới bắt đầu dần trở nên hoạt bát.

Chính trên chuyến xe này, Tang Vô Yên tình cờ nghe được chương trình phỏng vấn của Nhiếp Hy ngày hôm qua được phát lại.

Lúc này bên ngoài cửa sổ đang có mưa bay lất phất, mưa đầu thu có phần dai dẳng, nhờ sự gột rửa của nước mưa, không khí của cả thành phố cũng trở nên trong trẻo hơn.

Trên xe không đông, cô lại được nghe thấy giọng nam trầm đó lần nữa.

Lần này cô nghe rất rõ.

Đó là một giọng nam chín chắn, trầm thấp chậm rãi, có chút lạnh lùng. Mỗi khi Nhiếp Hy hỏi một câu, anh ta đều trầm ngâm một chút rồi trả lời khá đơn giản.

Anh ta rất kiệm lời.

“Tại sao anh lại đến với con đường viết nhạc và lời bài hát này, lúc nhỏ anh có mơ ước làm thơ không?”. Nhiếp Hy hỏi.

“Vô tình trồng liễu liễu mượt xanh, trước kia tôi chưa từng nghĩ tới”. Anh ta đáp.

“Anh Nhất Kim, có một cộng đồng fan đông đảo như vậy, tại sao anh lại từ chối xuất hiện trước công chúng?”. Nhiếp Hy hỏi.

“Giữ không gian riêng tư”.

“Chỉ vì lí do này ư?”.

“Vậy còn lí do nào khác nữa?”. Anh ta hỏi lại.

“Anh thành công trong lĩnh vực này như vậy, nhưng nghe nói anh còn làm nghề khác nữa, hay có thể nói viết nhạc và lời chỉ là nghề phụ của anh?”.

“Đúng vậy”.

Anh ta trả lời câu hỏi này không chút do dự. Hai chữ ngắn gọn cho người ta cảm giác anh ta khá tự tin vào khả năng của mình, còn Tang Vô Yên thì khẽ cười, có lẽ anh ta muốn khiêm tốn một chút, khi đó Nhiếp Hy hỏi liền một lúc hai câu, thế là anh ta không buồn nói nhiều, khẳng định luôn.

Sau đó là phần quảng cáo.

Hoặc…

Một lúc sau Tang Vô Yên nhìn ra ngoài cửa lại nghĩ.

Hoặc anh ta vốn là một người kiêu ngạo như vậy.

“Anh Nhất Kim, nghệ danh của anh có hàm ý gì không? Một sớm một chiều, nên mới lấy tên Nhất Kim? Hay là để kỉ niệm điều gì hay ai đó?”.

“Không, chỉ đơn giản là vì số nét ít thôi”. Anh ta lạnh nhạt nói.

Tang Vô Yên thấy khâm phục Nhiếp Hy quá, trò chuyện với một người cá tính như vậy mà vẫn có thể ung dung dẫn dắt chương trình, nếu là mình thì chắc chắn là xong rồi.

“Mấy tháng trước, có một fan nữ đã giả danh anh ở trên mạng, lúc đó sao anh không lên tiếng đính chính?”.

“Đầu mọc trên cổ người khác, họ nghĩ gì tôi không quan tâm”.

“Rất nhiều bài hát anh sáng tác đã làm không ít fan nữ cảm động, ví dụ như bài Trời cao trong xanh, Vỏ ốc Libya, trong đó có câu chuyện của bản thân anh không?”.

“Không, tôi…”.

Đây là câu dài nhất mà anh ta nói trong cả chương trình, nhưng lại bị tên trạm dừng xe bus át mất, sau đó rất nhiều người lên xe, người lái xe cũng tắt luôn radio.

Giọng nói của anh dần biến mất khỏi không gian quanh cô.

Trong lòng Tang Vô Yên dâng lên một cảm giác hụt hẫng mơ hồ.

2

Tang Vô Yên vừa ôn thi cao học vừa bận rộn chuẩn bị luận văn tốt nghiệp.

Thế là đến giữa kì mỗi người đều được phân công một nhiệm vụ thực tập. Nhóm Lí Lộ Lộ bị điều đến trại giam được đặc biệt giám sát ở ngoại ô thành phố A làm công việc điều trị tâm lí cho phạm nhân.

“Trại giam được đặc biệt giám sát là sao?”. Tang Vô Yên tò mò hỏi.

“Thì là trong đó toàn phạm nhân trọng tội từ mười lăm năm trở lên chứ sao”. Lí Lộ Lộ thản nhiên đáp.

Tang Vô Yên lập tức trợn mắt: “Đều là phạm nhân mắc tội giết người á?”.

“Không hẳn”. Lí Lộ Lộ khẽ cười: “Còn có bắt cóc, buôn bán ma túy, buôn lậu, cưỡng dâm nữa”.

“…”.

“May mà mấy cô nàng chân yếu tay mềm như cậu không phải đi, nếu không chắc sợ chết ngất mất”.

Đúng là như vậy, tổ của Tang Vô Yên là nhẹ nhàng nhất, tổ của cô được phân về một trường dành cho người khuyết tật trong thành phố. Trường này có một số đặc thù, phải sau Tết họ mới phải đến đó trình diện.

Ngày hôm đó, Tang Vô Yên đi nộp giấy tờ thực tập, khi cô từ văn phòng đi ra sân vận động đúng là lúc bọn trẻ học tiết hai.

Khi Tang Vô Yên đi qua một phòng học nhỏ ở tầng hai, cô nghe thấy một giọng nói rất quen.

Sau đó cô nhìn thấy người đàn ông đó qua cửa sổ.

Anh mặc áo sơ mi trắng đứng cạnh bục giảng, dáng vẻ rất nhàn nhã.

Bọn trẻ đang viết bài, anh cúi đầu, lặng lẽ không nói một lời.

“Thầy Tô!”. Một bé gái tết tóc hai bên gọi.

Hóa ra anh ta họ Tô, Tang Vô Yên khẽ cười, đứng lại nhìn họ.

Trong lớp anh không dùng gậy dẫn đường, tay anh lướt qua mấy chiếc bàn, chậm rãi bước tới bên cô bé đó, dường như anh quen thuộc với mọi thứ ở đây.

Anh cúi xuống nói gì đó rồi ngồi xổm bên cạnh chiếc bàn học nhỏ kiên nhẫn trò chuyện với bé gái. Giọng nói của anh hoàn toàn khác lúc ở trong thang máy, rất mềm mại và vui tươi, thậm chí cho người ta cảm giác hình như anh đang mỉm cười.

Cuối cùng cũng hết giờ, khi anh bước ra, Tang Vô Yên nãy giờ nhìn trộm ngoài cửa sổ do dự một chút bèn học theo bọn trẻ gọi: “Thầy Tô”.

Anh nhạy cảm quay lại, đôi mắt không có điểm dừng như xuyên qua người Tang Vô Yên, nhìn về một nơi rất xa xôi nào đó. Anh hỏi: “Chúng ta quen nhau sao?”.

Chỉ gặp mặt một lần, cô không hề mong anh sẽ nhớ.

“Hình như là không”.

Nghe vậy anh lại lộ ra vẻ thở phào nhẹ nhõm, sau đó một tay chống gậy, một tay bám vào lan can chuẩn bị xuống tầng một.

Tang Vô Yên thấy vậy bèn hỏi: “Anh muốn đi đâu? Có cần tôi giúp không?”. Lời vừa dứt cô đã thấy hơi hối hận, cô lại vô tình tỏ ra thương hại anh rồi.

Anh quay lại lần nữa, trầm ngâm một chút rồi thong thả nói: “Hình như tôi từng gặp cô, ở đài phát thanh”.

“Trong thang máy”. Tang Vô Yên bổ sung.

Lúc đó cô cũng tốt bụng nói năm chữ “Có cần tôi giúp không?”.

May mà trí nhớ của anh khá tốt, Tang Vô Yên nghĩ.

“Tôi là thực tập sinh, tên là Tang Vô Yên, còn thầy Tô?”.

“Tô Niệm Cầm”.

“Niệm Tình(*) á?”. Tang Vô Yên thấy ngạc nhiên nên hỏi lại.

_________

(*) Trong tiếng Trung phiên âm của chữ “tình” là “qíng” và

“cầm” là “qīn” đọc gần giống nhau.

“Không. Là Cầm”. Tô Niệm Cầm sửa lại phát âm của cô.

Cô là người phương Nam, trước kia thanh một và thanh hai của cô không rõ ràng nên ở đài phát thanh trường suốt ngày bị đài trưởng cắt tiết mục. Bây giờ cô đã nói chuẩn nhưng lại không nghe rõ người khác nói.

Dường như cảm thấy cô không hiểu, Tô Niệm Cầm bèn nói thêm: “Kim Y, Cầm(*)”.

Kim Y, Cầm?

Tang Vô Yên cười ngượng, môn ngữ văn của cô hơi kém, không biết thế nào là Kim Y, Cầm. Nhưng cũng ngại không tiện hỏi thêm, để tránh lộ ra sự thiếu hiểu biết của mình, cô đành tỏ ra đã hiểu.

Buổi tối, khi đang học thuộc lòng từ mới ở nhà, đột nhiên Tang Vô Yên nghĩ đến tên của anh.

Lâu lắm rồi cô không mở từ điển tiếng Trung, phải mất một lúc mới tìm thấy nó trong đống từ đồng âm.

Kim Y, Cầm.

Cô đọc phần giải thích, hóa ra nó có nghĩa là cái chăn.

“Niệm Cầm(**)? Vậy thì chắc chắn là hồi nhỏ nhà rất nghèo, không có chăn đắp”. Trình Nhân ngồi bên cạnh phân tích.

___________

(*) Chữ “cầm” có chữ “kim” bên trên, chữ “y” bên dưới.

(**) Niệm Cầm có nghĩa là nhớ đến, hoài niệm cái chăn.

 

“Thế nhỡ trước khi ra đời đã được đặt tên thì sao?”. Tang Vô Yên phản bác.

“Thế thì là trước khi kết hôn bố mẹ anh ấy rất nghèo, bố mẹ Trung Quốc nào chả thích đặt hi vọng vào tên của con cái”. Trình Nhân tiếp tục những phân tích chán ngắt của mình.

Cuối cùng Tang Vô Yên đầu hàng, không tiếp tục thảo luận vấn đề này với cô nàng thích dội nước lạnh lên đầu người khác như Trình Nhân nữa.

Tô Niệm Cầm.

Tang Vô Yên nằm trên ghế sofa ôm cuốn từ điển thầm đọc ba chữ đó, nhớ lại lúc hai người nói chuyện, bất giác mỉm cười.

Anh nói tiếng phổ thông rất chuẩn, nhưng chỉ riêng lúc đọc chữ “Cầm” trong tên mình là hơi lên cao ở âm cuối. Có lẽ anh là người ở đây, vì người thành phố A thường đọc thanh một thành thanh hai, thanh ba. Khi anh nói những chữ khác người ta không nhận ra giọng địa phương của anh, chỉ riêng khi đọc tên mình là không sửa được.

“Vô Yên”. Trình Nhân cắt ngang suy nghĩ của cô.

“Hở?”.

“Lau miệng hộ cái, sướng đến mức chảy cả nước miếng ra ngoài kia kìa”. Trình Nhân vừa nói vừa làm bộ đưa khăn giấy cho cô.

“…”.

3

Tuần kế tiếp, Tang Vô Yên giúp một đàn em trong trường nộp giấy tờ nên lại đến trường tiểu học đó. Vừa rồi tình cờ gặp anh chuẩn bị lên lớp trong văn phòng chủ nhiệm Uông.

“Tiểu Tang, cô đợi ở đây một lát, tan lớp tôi tới ngay”. Chủ nhiệm dặn dò.

“Vâng, không sao đâu, bác cứ đi đi ạ, cháu không vội”.

Chủ nhiệm Uông vừa đi khỏi thì tiếng chuông vào học vang lên. Tang Vô Yên nhìn quanh căn phòng, tìm một tập báo rồi ngồi xuống đọc.

Khu phòng học là một căn nhà bốn tầng theo kiến trúc kiểu cũ. Hành lang mỗi tầng ở giữa hai dãy phòng học, vì vậy nên rất chật hẹp, dễ có tiếng vang. Thông thường khi đang lên lớp hầu như tất cả các phòng học đều khép hờ cửa để tránh ồn ào.


Văn phòng của chủ nhiệm Uông lại ở trong cùng hành lang tầng bốn, cách phòng học khá xa vì vậy ở đây rất yên tĩnh.

Tập báo dày cộp đó toàn báo giáo dục, báo Đảng các cấp, không có tin tức giải trí, tin lá cải, vì vậy chỉ mấy phút Tang Vô Yên đã xem hết một lượt, rồi bắt đầu cảm thấy chán ngắt.

Cô ngước mắt nhìn đồng hồ treo tường, mới có bảy tám phút, thế là cô tựa cằm lên bàn làm việc ngủ lơ mơ. Tang Vô Yên thoáng nghe thấy tiếng đọc bài của bọn trẻ vọng tới, cô nằm bò ra mặt bàn, nhắm mắt lại.

Đang đọc gì thế nhỉ?

Hình như là bài Ngõ Ô Y của Lưu Vũ Tích: “Chu Tước cầu nay cỏ đã hoang, Ô Y ngõ nắng lúc đương tàn, Yến xưa vốn ngụ nhà Vương, Tạ; Nay hộ tầm thường cũng liệng sang(*)”.

____________

(*) Bản dịch của Trác Văn Quân@thivien.net.

Đột nhiên tiếng đàn dương cầm vang lên chen ngang vào giọng đọc thơ.

Tang Vô Yên tuy mù tịt về âm nhạc nhưng cũng biết đây là bài Ánh sao lấp lánh, một vài giai điệu đơn giản được ai đó nhẹ nhàng chơi một lượt, nhưng lần thứ hai lại biến thành những đơn âm ngắt quãng, lại còn lặp đi lặp lại mấy lần. Nghe một lần còn được, đằng này cô nghe người đó đánh như vậy ba, bốn lần, hơn nữa dường như người chơi không hề có ý định dừng lại.

Cô bực bội đứng dậy vuốt tóc sau đó nhìn đồng hồ treo tường lần thứ N+1, còn lâu mới đến giờ tan lớp…

Tang Vô Yên ra khỏi văn phòng, phát hiện ra tiếng đàn dương cầm phát ra từ phòng đàn ở đối diện, cửa phòng chỉ khép hờ chứ không đóng kín nên mới có tiếng vang ra ngoài.

Cô sợ bọn trẻ đang học đàn bên trong nên lặng lẽ bước tới bên khe cửa thò đầu vào nhìn. Không ngờ cảnh tượng bên trong hoàn toàn khác với tưởng tượng của cô, chỉ có một người ngồi trong phòng.

Và người đó chính là hình bóng thường xuyên vẩn vơ trong đầu Tang Vô Yên gần đây – Tô Niệm Cầm.

Tay trái của anh nhấn phím đàn, tay phải cầm bút viết gì đó lên một chiếc bảng con. Loại bảng này trong văn phòng của chủ nhiệm Uông cũng có, là bảng chữ nổi. Anh chau mày, vừa nhấn phím đàn vừa ghi chữ nổi. Nhìn bộ dạng của anh có vẻ như đang chuẩn bị bài giảng, có lẽ đang vắt óc suy nghĩ xem nên dạy bọn trẻ thế nào nhưng hình như đang gặp khó khăn.

Tô Niệm Cầm nhấn hai âm, ghi chép gì đó rồi chạm vào phím đàn, cảm thấy không đúng lại bất giác lắc đầu. Tang Vô Yên thấy anh làm đi làm lại vài lần, cuối cùng cũng hiểu ra tiếng đàn sốt ruột đó từ đâu tới.

Chỉ thấy hình như anh đã hết kiên nhẫn, bàn tay viết chữ càng lúc càng gấp, bút ấn càng lúc càng mạnh, cuối cùng mỗi nét bút đều như muốn rạch nát cái bảng.

Lần cuối cùng, Tô Niệm Cầm phát cáu, đập mạnh chiếc bút lên tấm bảng.

Tang Vô Yên giật cả mình, lập tức nhận ra người này rất nóng tính, ngồi một mình cũng nổi cáu được. Cô muốn chuồn ngay lập tức, tránh bị phát hiện đang nhìn trộm.

Nhưng…

Cô cũng muốn ở lại đây.

Đúng lúc này, bàn tay trái của Tô Niệm Cầm lướt qua phím đàn, từ phải sang trái rồi từ trái sang phải. Sau khi nhắm mắt giày vò cái đàn hai ba lần, những ngón tay của anh từ cứng ngắc bắt đầu trở nên mềm mại, thần sắc cũng trở nên hiền hòa.

Anh thở dài một tiếng, hai bàn tay đặt trên phím đàn, hơi dừng lại rồi thuần thục chơi một bản nhạc. Bản nhạc đó vô cùng trầm thấp và chậm rãi, mang hơi hướng nhạc Trung Quốc, lúc này được anh chơi bằng dương cầm lại có một cảm giác rất khác biệt.

Một bản nhạc rất hay, nếu điền lời phù hợp có lẽ sẽ càng hay hơn, khi Tang Vô Yên đang nghĩ như vậy thì đột nhiên một cơn gió thổi qua hành lang, làm rung cánh cửa phòng tập đàn.

Bản lề cánh cửa đã hơi cũ, phát ra tiếng “két…”.

Tang Vô Yên sợ anh phát hiện ra vội vàng giữ cánh cửa lại, không cho nó chuyển động nữa. Không ngờ Tô Niệm Cầm đã nghe thấy tiếng động, tiếng đàn ngừng bặt, anh quay đầu về phía Tang Vô Yên. Gương mặt anh nhìn về phía cô sau đó hơi nghiêng đầu.

Tang Vô Yên đột nhiên cảm thấy tức giận, gió thổi làm cánh cửa phát ra tiếng động vốn là một chuyện vô cùng bình thường, cô lại vẽ rắn thêm chân. Cô vội nín thở, đứng im không dám động đậy. Lúc này chỉ thấp thoáng nghe thấy tiếng bọn trẻ vẫn đang đọc bài Ngõ Ô Y ở đầu hành lang đằng kia, ngoài ra chỉ có tiếng gió, tiếng lá ngô đồng khô xào xạc dưới tầng một, và còn tiếng những cơn gió lạnh chen chúc qua hành lang.

Bỗng nhiên, Tô Niệm Cầm lạnh lùng hỏi: “Ai ở đó?”.

Câu nói này khiến Tang Vô Yên không kịp trở tay, liền vô thức trả lời: “Là tôi”.

Một câu trả lời được cả tỉ người Trung Quốc dùng với tần suất cao nhất, nhưng Tô Niệm Cầm lại nhíu mày, nói: “Cô là Tang…”.

Anh hơi dừng lại, Tang Vô Yên vội mừng rỡ tiếp lời: “Vô Yên, Tang Vô Yên”.

“Cô ở đây làm gì?”. Tô Niệm Cầm lại chậm rãi hỏi.

Thấy sắc mặt của anh đã tươi sáng hơn lúc một mình nổi cáu ban nãy nhiều, cô cũng thẳng thắn đáp: “Tôi ngồi trong văn phòng đối diện nghe thấy một bản nhạc hay nên tới đây xem sao”.

“Bây giờ tôi đã chơi xong rồi”. Anh nói.

“Sao cơ?”. Nhất thời cô chưa hiểu ý anh.

“Cô có thể đi được rồi”. Nói xong anh quay đi, lại cầm bút lên.

Tang Vô Yên sững người, không ngờ Tô Niệm Cầm hoàn toàn không cho cô cơ hội suy nghĩ, bồi tiếp thêm một câu: “Phiền cô đóng cửa vào”.

Tang Vô Yên máy móc đóng cửa lại, quay trở lại văn phòng, làm một loạt động tác như có ma xui quỷ khiến. Đến tận nửa phút sau, tiếng chuông tan học vang lên cô mới tỉnh ra liền nổi cáu: “Có gì ghê gớm đâu!”, dứt lời còn giơ chân đá cái ghế mây trước mặt một cái cho bõ tức.

4

Gần đến Giáng sinh, đài phát thanh muốn phát lại những chương trình kinh điển của năm đó. Tang Vô Yên ngồi trong phòng biên tập lại nghe thấy chương trình phỏng vấn Nhiếp Hy làm với người đó mấy tháng trước.

Cô tranh thủ đeo tai nghe vào nghe lại lần nữa.

“Không, chỉ đơn thuần vì ít nét thôi”.

Nghe đến câu này Tang Vô Yên lại âm thầm cười ngốc nghếch mất một lúc.

Xong việc bước từ đài phát thanh ra Tang Vô Yên thấy các đôi tình nhân đang chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Bỗng cô nghĩ tới Ngụy Hạo và Hứa Tây.

Thực ra trong đáy lòng cô còn xa mới bất cần như vẻ bề ngoài.

Thời gian bảo vệ luận văn tốt nghiệp bị đẩy lên sớm hơn, Tang Vô Yên cũng tới trường khuyết tật thực tập sớm hơn kế hoạch ban đầu. Vì cô chưa quen công việc ở trường nên được một cô giáo họ Lí hướng dẫn.

Có lúc, cô giáo Lí đi học hoặc đi dạy lớp thường, cô ngồi trong văn phòng ôn tiếng Anh.

Một ngày mưa nọ cô lại nhìn thấy Tô Niệm Cầm.

Mùa đông ở thành phố A rất ít khi có tuyết, nhưng lại thường mưa nhiều, có lúc ba bốn ngày liền trời không nắng. Tâm trạng của cô lại gần như gắn liền với thời tiết, nên lúc nào cũng ngán ngẩm. Đúng lúc cô đang nhìn ra ngoài cửa sổ ngơ ngẩn thì thấy ở đằng xa Tô Niệm Cầm và một cô gái trẻ đang che chung một chiếc ô.

Trời vẫn đang mưa. Một tay anh cầm ô, chiếc gậy dẫn đường được gập lại nằm trong bàn tay bên kia. Cô gái ở bên cạnh nhẹ nhàng đỡ cánh tay cầm ô của anh, dựa vào sự dẫn dắt của cô ấy, anh chầm chậm đi qua con đường nhỏ cạnh sân vận động tới khu phòng học.

Trong văn phòng ngoài cô ra còn có hai giáo viên đang sửa bài cho học sinh. Tang Vô Yên nhìn họ một cái, rồi ra mở cửa sổ như muốn hít thở không khí trong lành, thò đầu ra ngoài để nhìn cho rõ cử động của hai người đó. Động tác của họ rất thân mật nhưng không chút dư thừa, họ đi tới tầng một, thế là Tang Vô Yên chẳng nhìn thấy gì nữa. Cô đợi một lát thì thấy cô gái đó cầm một chiếc ô khác bước vào màn mưa, để lại một mình anh.

Biết anh sắp lên Tang Vô Yên lập tức đóng cửa sổ lại, bước tới bên bàn làm việc của cô giáo Lí ngồi ngay ngắn, cầm một cuốn tạp chí giáo dục giả bộ đang đọc. Cô giáo Ngô dạy nhạc ngẩng đầu lên nhìn Tang Vô Yên một cái, ánh mắt chạm phải cuốn tạp chí trong tay cô liền trở nên kì quái.

Lúc này Tang Vô Yên mới phát hiện ra mình cầm ngược sách. Thế là bèn cười ngu ngơ với cô Ngô một cái rồi vội vàng xoay sách lại.

Sau đó thỉnh thoảng cô lại liếc ra cửa rồi lại liếc cuốn tạp chí trong tay.

Anh đi thật chậm, mất mấy phút mới lên tới nơi, hơn nữa tiếng động rất nhẹ. Khi anh xuất hiện ở cửa văn phòng, hai cô giáo lần lượt chào hỏi anh: “Thầy Tô đến đấy à. Mưa to không thầy?”.

Tô Niệm Cầm gật đầu, chống gậy bước tới bàn làm việc của mình. Anh đặt gậy xuống, chiếc ô trong tay kia lại khiến anh khó xử.

Chiếc ô còn đang nhỏ nước, nếu cứ treo như thế sẽ làm bẩn nền nhà. Nếu mở ra, hết giờ học người đông sẽ gây cản trở cho người khác. Anh không quen thuộc với văn phòng này lắm, cũng không biết nên để ở đâu. Rõ ràng là anh không cố ý nhờ người khác giúp.

Hai cô giáo kia không nhận thấy tâm trạng của anh nhưng Tang Vô Yên thì khác.

Cô bước tới: “Thầy Tô, tôi giúp anh đặt vào thùng đựng ô nhé”.

Vốn anh cũng không biết trong phòng còn có người thứ tư, hơn nữa người này lại là người lần trước bị anh mắng.

Tang Vô Yên đưa tay cầm chiếc ô trong tay anh, không ngờ anh lại không định buông ra. Nhưng lời cô đã nói ra, lại còn trước mặt người khác nữa, vậy là cô không biết phải làm thế nào, buông không được mà giật cũng chẳng xong.

Hai người cứ giữ chiếc ô như thế được ba giây thì tiếng chuông hết tiết vang lên.

Nhìn gương mặt lạnh như băng của anh, Tang Vô Yên chợt cảm thấy mình đúng là đồ rỗi việc thừa hơi. Hai cô giáo kia đúng là khôn ngoan, chắc đã biết ngay từ đầu anh là một chiếc đinh sắt có thể lấy mạng người ta trong khoảnh khắc, nên mới dứt khoát không dây vào cho phiền phức.

Giây phút chuông hết tiết vang lên, từ hành lang vọng vào tiếng cười đùa của bọn trẻ, thấy sắp có người đi vào. Tang Vô Yên thầm nghĩ: Đếm đến ba, nếu anh ta vẫn như vậy mình sẽ quay đầu bỏ đi luôn.

Khi cô mới thầm đếm đến hai thì Tô Niệm Cầm đột nhiên thả tay ra, lãnh đạm nói: “Phiền cô”.

Hai chữ này làm Tang Vô Yên ngạc nhiên há hốc miệng, lí nhí đáp: “Không có gì”.

Sau đó cô về chỗ ngồi mới nhớ ra, có lẽ người này ngoài xấu tính còn rất sĩ diện. Nếu người khác nhìn thấy anh ta tranh đồ với một cô gái thì quả là mất mặt.

Cô Lí bước vào văn phòng, Tang Vô Yên vội vàng đứng lên đón. Không ngờ cô Lí lại nói với Tô Niệm Cầm: “Thầy Tô, ngại quá, tiết chữ nổi của thầy tôi muốn mượn mấy phút, nhà trường vừa có thông báo, phải nói cho học sinh chuyện nghỉ tết Dương lịch ngay, không có vấn đề gì chứ?”.

Trong trường cô Lí vốn có tiếng là thân thiện. Tuy Tô Niệm Cầm đi qua cả thành phố, đội mưa đến dạy một tiết này cũng không thấy khó chịu, bèn gật đầu nói: “Không sao”.

Cô Lí nhận được câu trả lời bèn cầm túi xách đi ra cửa, được nửa đường lại quay lại nói với Tang Vô Yên: “Tiểu Tang, ở đây không còn việc gì nữa đâu. Nếu cô có việc thì cứ về trước đi”.

“Vâng”. Tang Vô Yên nói.

Nhưng cô không hề có ý định đi về, ở trường không có giờ học. Vì đang thực tập nên cô cũng xin nghỉ ở đài phát thanh. Nếu bây giờ về thì cũng chỉ có một mình, yên tĩnh đến phát hoảng, thà ở trường cho náo nhiệt còn hơn.

Tang Vô Yên đợi tiếng chuông báo vào giờ vang lên lại quay về chỗ ngồi.

Bàn làm việc của Tô Niệm Cầm liền kề bàn của cô Lí, mặt đối mặt. Vì thế nên bây giờ hai người cũng đang mặt đối mặt.

Tang Vô Yên lại bắt đầu bò ra bàn suy nghĩ vẩn vơ. Còn Tô Niệm Cầm thì ung dung lấy một cuốn sách chữ nổi trong ngăn kéo ra, lật đến trang đã đánh dấu bắt đầu ngồi đọc. Hai bàn tay của anh đặt trên mặt sách, di chuyển từ trái sang phải theo một tiết tấu nhất định.

Hiện đang là tiết thứ tư, hai cô giáo vừa nãy đã lên lớp, những giáo viên không có giờ dạy cũng lần lượt về nhà. Trong văn phòng chỉ còn lại hai người họ. Tô Niệm Cầm không về là vì lúc nãy cô Lí nói chỉ xin mấy phút, không hề nói sẽ dùng cả tiết, vì vậy nếu cô ấy nói xong trước khi hết giờ, anh vẫn sẽ tiếp tục lên lớp.

Mưa lớn dần, nước mưa đập vào cửa kính vang khá to.

Tang Vô Yên ngồi không cũng tìm một cuốn sách trên bàn cô Ngô bên cạnh ra đọc. Cô Ngô dạy ngữ văn, chỉ có một cuốn sách ngữ văn tham khảo. Chỗ bị gấp đánh dấu chính là bài thơ Ngõ Ô Y của Lưu Vũ Tích, Tang Vô Yên từ nhỏ đã có hứng thú với thơ văn. Trước kia, ở nhà Ngụy Hạo thường mở băng cát xét ba trăm bài thơ Đường, kết quả cô ở nhà bên nghe đến thuộc lòng như cháo chảy, còn Ngụy Hạo thì không.

Bài Ngõ Ô Y cô cũng biết, chỉ có điều nhớ không chính xác lắm, thế là vừa đọc sách cô vừa bất giác đọc thầm: “Chu Tước cầu nay cỏ đã hoang, Ô Y ngõ nắng lúc đương tàn, Yến xưa vốn ngụ nhà Vương, Tạ; Nay hộ tầm thường cũng liệng sang”.

Vì hồi cấp ba cô học lớp tự nhiên, vào đại học học khoa tâm lí giáo dục, nhiều năm nay không động vào thơ văn, giờ đột nhiên nhớ lại một vài chuyện trong quá khứ, khó tránh khỏi có chút suy tư, thế là bất giác đọc lại lần nữa.

Giọng đọc của cô rất nhỏ, gần như đang tự nói một mình, nếu đứng cách mấy bước chân sẽ hoàn toàn không nghe thấy. Nhưng Tô Niệm Cầm ngồi đối diện với cô lại nghe thấy rất rõ. Khi cô lại đọc đến chỗ Ô Y ngõ nắng lúc đương tàn (Ô Y hạng khẩu tịch dương tà), cuối cùng anh không nhịn được nữa bèn nói: “Chữ này đọc là hà”.

“Hả? Gì cơ?”. Tang Vô Yên mơ hồ hỏi.

“Ô Y hạng khẩu tịch dương hà”.

“Rõ ràng là tịch dương tà mà”. Tang Vô Yên nhíu mày, định đưa sách ra trước mặt anh, cho anh nhìn tận mắt, trong sách rõ ràng viết là “tà” mà, nhưng tay vừa giơ lên cô lại lặng lẽ rụt về.

“Tôi biết là tà, nhưng trong câu thơ này nên đọc là hà”. Khi nói những lời này chân mày Tô Niệm Cầm hơi nhíu lại, gương mặt lộ vẻ kiêu ngạo.

Bình thường anh không phải là một người nhiều chuyện, lần này lại sửa cho Tang Vô Yên như vậy, có thể thấy nghe cô cứ đọc đi đọc lại chữ “tà” bên tai làm anh bất lực đến mức nào.

“Hả?”. Mặt Tang Vô Yên lập tức đỏ bừng, phân bua: “Không phải chứ? Hồi đi học tôi nhớ nó đọc là ‘tà’ mà”.

Nhưng Tô Niệm Cầm không thèm để ý tới cô nữa.

Học hành không cẩn thận, lần này xấu hổ quá đi mất, Tang Vô Yên cắn môi, vội vàng nói gì đó để giải vây.

“Hồi học năm hai tôi từng tới ngõ Ô Y này đấy”. Vừa nói cô vừa liếc nhìn Tô Niệm Cầm, phát hiện động tác đọc chữ nổi của anh chậm hơn lúc nãy nhiều, chắc là đang nghe cô nói. Thế là cô vội vàng lục lọi những chuyện thú vị về ngõ Ô Y trong kí ức.

“Nghe hướng dẫn viên nói tôi mới biết hóa ra Vương Hy Chi và Vương Hiến Chi chính là một trong hai nhà Vương, Tạ trong bài thơ. Hơn nữa Vương Hiến Chi phong lưu muốn chết luôn, lại còn làm ra cái gì mà qua phà”.

Tô Niệm Cầm bổ sung: “Gọi là bến Đào Diệp(*)”.

___________

(*) Tương truyền nhà thư pháp thời Đông Tấn Vương Hiến Chi

có một ái thiếp tên gọi Đào Diệp. Mỗi khi nàng qua lại hai bờ Tần

Hoài, Vương Hiến Chi đều rất lo lắng, thường ra tận bến phà tiễn

nàng, còn làm bài thơ Đào Diệp ca. Từ đó bến phà trở nên nổi tiếng,

lâu dần được gọi là bến Đào Diệp.

Không biết là vì hôm nay tâm trạng anh rất tốt hay là thực sự có hứng thú với những gì Tang Vô Yên nói, Tô Niệm Cầm lại phá lệ trò chuyện như người bình thường với cô.

Tang Vô Yên bật cười vui vẻ.

Còn tay Tô Niệm Cầm thì dừng hẳn lại không đọc chữ nổi nữa, anh ngẩng đầu lên, ánh mắt nhìn ra chỗ khác, không biết đang nghĩ gì mà hơi xuất thần. Một lúc lâu sau, sự chú ý của anh mới quay trở lại cuốn sách.

Không khí lại trở nên yên tĩnh, như thể cuộc nói chuyện vừa rồi chưa từng xảy ra. Sắp mười hai giờ, để tránh giờ cao điểm, Tang Vô Yên quyết định thu dọn đồ đạc chuồn về trước, khi xuống tầng một, cô ngước mắt nhìn trời, nghĩ ngợi một lúc rồi quay lại văn phòng.

Cô bước tới thùng đựng ô đặt trước cửa sổ, cầm ô của Tô Niệm Cầm lên, đặt bên cạnh tay anh: “Ô của anh tôi để đây nhé, đừng quên mang theo, trời vẫn còn mưa đấy”.

Cô là người để đồ cho anh, nếu cô không mang trả lại chắc chắn anh sẽ không tìm được.

5

Tang Vô Yên ở trường chưa được một tuần đã khá thân thiết với cô giáo Vương mới được phân về dạy năm ngoái.

“Anh ấy không phải là giáo viên ở chỗ chúng tôi”. Tiểu Vương nói vậy về Tô Niệm Cầm.

“Không phải sao?”.

“Cô giáo Trịnh dạy môn chữ nổi nghỉ đẻ, cô giáo Từ thì nghỉ hưu, nhà trường vốn định mời cô ấy ở lại dạy, nhưng cô ấy tới nhà con gái ở tỉnh ngoài chăm cháu ngoại, nên trường thiếu giáo viên. Sau đó hiệu trưởng Phí quen thân với thầy Tô, mời thầy về dạy luôn, xem ra phải dạy hơn nửa năm”.

“Thế anh ấy làm nghề gì? Không dạy ở những nơi khác sao?”.

“Tôi không biết”. Tiểu Vương lắc đầu: “Anh ấy chả bao giờ buôn bán chuyện gì với chúng tôi”.

“Ừ”.

“Nhưng mắt anh ấy như thế thì làm được gì nhỉ”. Tiểu Vương hỏi lại.

Tang Vô Yên nhún vai, xoay xoay chiếc bút bi trong tay còn đầu óc thì đã bay đến chỗ nào rồi.

Hồi tiểu học cô rất nhỏ con, học kì nào xếp hàng tập thể dục cũng đứng ở cuối hàng đầu tiên. Dù là tập thể dục giữa giờ hay học giờ thể dục, người đứng cạnh cô luôn là Hoàng Tiểu Yến. Hai đứa loắt choắt đứng cạnh nhau thành ra trông cũng ra dáng. Tình cờ nhà Hoàng Tiểu Yến ở rất gần nhà cô, luôn hẹn hò đi về cùng nhau nên mấy năm tiểu học lúc nào hai đứa cũng như hình với bóng.

Một năm, mỗi lần cô và Hoàng Tiểu Yến về nhà sẽ gặp một anh mù ở bến xe bus. Tuy hai mắt anh không nhìn thấy gì nhưng nó không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của anh. Vì anh rất đẹp trai, lại thân thiện hòa nhã nên thỉnh thoảng lại có người cùng đợi xe tới bắt chuyện với anh, hỏi thăm hay giúp anh việc gì đó, trong số đó có Hoàng Tiểu Yến.

Khác hẳn cô, Hoàng Tiểu Yến là một người rất giỏi bắt chuyện với người khác. Chỉ vài ngày là đã có thể trò chuyện rất thân thiết rồi.

Thực ra Tang Vô Yên cũng luôn muốn hỏi anh: “Nếu sinh ra đã bị mù, nếu người khác nói màu xanh hay màu đỏ anh có biết là màu như thế nào không?”. Giờ sinh học cô từng được học về bệnh mù màu, cô biết có người không phân biệt được màu đỏ và màu xanh, thấy hai màu giống hệt nhau.

Từ đó cô luôn rất tò mò, nếu mù bẩm sinh thì cảm nhận màu sắc thế nào nhỉ.

Nhưng Tang Vô Yên chưa bao giờ dám làm vậy. Từ đầu đến cuối, cô chưa từng nói với anh câu nào.

Tính cách Tang Vô Yên lúc nhỏ hơi khác bây giờ, ở nhà thì bô lô ba la chẳng sợ ai, nhưng cứ ra ngoài thì im thin thít. Các cô các chú ở xa hay bạn học, thầy cô giáo chỉ cần đột ngột hỏi cô điều gì đó khi cô chưa chuẩn bị tâm lí là tim cô sẽ lập tức đập thình thịch như trống trận, sau đó bắt đầu nói lắp.

Như mẹ cô nói thì chẳng phóng khoáng, chẳng dẻo miệng chút nào. Tóm lại một câu là không dễ thương.

Hoàng Tiểu Yến học lớp sáu đã có một bộ triết lí tình yêu của riêng mình – thích thứ gì thì phải dũng cảm mà tranh giành. Lúc đó trong lớp cũng có đứa yêu đương, mọi người đều chưa biết gì nhưng cứ thích mơ mộng, hễ có bạn gái nào chơi đùa với bạn trai là sẽ có tin đồn đang thích nhau.

Tang Vô Yên hơi hướng nội nhưng không ngốc. Cô biết Hoàng Tiểu Yến cũng có ý khác với anh mù đó.

Sau đó, Hoàng Tiểu Yến phải về trường dành cho con em công nhân cán bộ trong phân xưởng của bố cô ấy học cấp hai. Ngôi trường đó cách thành phố khá xa, Hoàng Tiểu Yến không thể kéo cô thuận đường đi qua bến xe bus đó nữa. Chỉ thỉnh thoảng Tang Vô Yên vẫn nhìn thấy anh mù đó, nụ cười trên môi anh không bao giờ thay đổi.

Khi Tang Vô Yên vào trường mới, lúc đầu mẹ cô còn nghe thấy cô thường xuyên nhắc tới Hoàng Tiểu Yến, chỉ là chuyện tổ của cô quét lớp, một bạn nam nào đó không chịu quét, làm mọi người trong tổ phải quét nhiều thêm, lại không dám mách cô giáo.

“Nếu là Hoàng Tiểu Yến thì chắc chắn đã không để yên như thế này”. Tang Vô Yên bẽn lẽn nói.

“Thế con đi mách cô đi”. Mẹ cô nói.

“Con á? Còn lâu con mới đi”.

Hay chuyện đến lượt cô thu vở bài tập, một bạn nào đó không nộp, cô nói với thầy giáo, kết quả bạn đó cả tuần liền mặt nặng mày nhẹ với cô.

“Nếu là Hoàng Tiểu Yến chắc chắn sẽ ra mặt bênh con”. Tang Vô Yên lại bắt đầu lảm nhảm một mình.

Nhưng rồi số lần Tang Vô Yên nhắc về Hoàng Tiểu Yến ít dần. Trường hai đứa cách xa nhau, hồi đó không nhiều nhà có điện thoại, ít liên lạc, cũng ít gặp mặt, tình bạn tích lũy suốt sáu năm dường như cũng nhạt dần theo thời gian. Cuối cùng Tang Vô Yên cũng quên xin mẹ tiền tiêu vặt trước khi tháng sáu tới để mua quà sinh nhật cho Hoàng Tiểu Yến.

Mãi cho tới một ngày, Tang Vô Yên và mẹ cùng đi mua giày, gặp mẹ Hoàng Tiểu Yến ở cổng. Mặt mẹ Hoàng Tiểu Yến vô cùng tiều tụy, khi Tang Vô Yên gọi cô ấy, cô ấy đang đợi đèn xanh, nhìn Tang Vô Yên một lúc lâu mới mỉm cười. Chắc chỉ cảm thấy quen mặt nhưng không nhớ Tang Vô Yên tên gì.

“Cháu chào cô, cháu là Tang Vô Yên, bạn học tiểu học của Tiểu Yến ạ”.

“Ồ, cháu lớn hẳn lên nhỉ”. Mẹ Hoàng Tiểu Yến gật đầu rồi mỉm cười với mẹ cô.

Bố mẹ hầu như đều như vậy, luôn cảm thấy con mình khó nuôi còn con người khác sao mà lớn nhanh thế.

“Tiểu Yến có khỏe không ạ, lâu lắm rồi cháu không gặp bạn ấy”. Tang Vô Yên lại hỏi.

Không hỏi còn đỡ, vừa hỏi mẹ Hoàng Tiểu Yến mãi không nói gì, mắt đã đỏ sọc.

“Tiểu Yến…”. Cô ấy quay mặt đi: “Tiểu Yến bị ốm”. Vừa dứt lời nước mắt đã rơi lã chã.

Hoàng Tiểu Yến bị ung thư não.

Phát hiện ra từ ba tuần trước, đã gửi lên Bắc Kinh điều trị. Lần này mẹ Hoàng Tiểu Yến về là để mượn tiền.

Sau khi chia tay cô ấy, Tang Vô Yên đã đi được mấy mét lại quay đầu lại, nhìn thấy mẹ Hoàng Tiểu Yến vội vã đi trong dòng người, dần dần không thể phân biệt là bóng dáng nào nữa.

Trước kia, Tiểu Yến thường nói: “Đau đầu quá”.

Khi Tang Vô Yên ăn vạ ở nhà cũng thường nghe thấy mẹ mách bố: “Con gái anh gào to đến mức làm em đau hết cả đầu”. Vì vậy cô không hề biết đau đầu là như thế nào, cũng không thực sự hiểu ung thư não là bệnh gì.

Nhưng đứa trẻ mười mấy tuổi lại biết rằng, ung thư là bệnh chết người.

Về đến nhà cô rất buồn, bố mẹ gọi ăn cơm mấy lần cũng không nghe thấy. Cuối cùng bố cô bế cô ra bàn ăn mới phát hiện mặt cô đã giàn giụa nước mắt.

Bố mẹ nhìn nhau rồi cùng thở dài.

Cuối tuần sau đó, bố Tang Vô Yên cùng cô đến nhà Hoàng Tiểu Yến, đúng lúc bà nội cô ấy đang nấu cơm. Tang Vô Yên được bố nhắc nhở liền đưa phong bì cho bà, hỏi thăm vài câu rồi ra về.

Trong phong bì có năm trăm tệ.

Lúc đó, đối với nhà họ Tang có người bị liệt lâu ngày nằm trong phòng bệnh đặc biệt mà nói, năm trăm tệ đã là một số tiền không nhỏ. Nhưng sau này mỗi lần Tang Vô Yên nhớ lại chuyện này đều cảm thấy quá ít, quá ít…

Một năm sau, Hoàng Tiểu Yến trở lại thành phố B. Tang Vô Yên vô cùng vui mừng, còn người lớn thì đều biết phẫu thuật không có tác dụng gì, tế bào ung thư đang tiếp tục di căn.

Cảnh tượng ngày hôm đó Tang Vô Yên còn nhớ mãi.

Tan học cô tới nhà Hoàng Tiểu Yến. Nhà họ Hoàng ở trên tầng bảy một tòa nhà nằm sát mặt đường trong một khu chợ. Tang Vô Yên đeo cặp sách thở hổn hển chạy một mạch lên tầng bảy, nhìn thấy Hoàng Tiểu Yến đang ngồi xổm trước cửa nhà quạt bếp tổ ong, buổi trưa bếp tắt giờ vẫn chưa cháy, cả hành lang nồng nặc khói cay xè.

Một tay Hoàng Tiểu Yến quạt lửa, một tay bịt mũi, cay đến nỗi chảy nước mắt.

“Tiểu Yến!”. Tang Vô Yên gọi.

Hoàng Tiểu Yến nghe thấy quay đầu lại, nhìn thấy Tang Vô Yên bèn bật cười. Cùng lúc đó, một người đàn ông trung niên ở trong nhà thò đầu ra, trong tay cẩn thận bế một đứa trẻ. Tang Vô Yên từng gặp người đàn ông trung niên này, đó là bố của Hoàng Tiểu Yến, còn đứa bé kia thì cô không quen.

“Đây là em gái tớ, mới được hai tháng thôi”. Hoàng Tiểu Yến cười.

Tang Vô Yên trợn tròn mắt, hỏi: “Em ruột á?”. Cô biết bố Hoàng Tiểu Yến là công nhân một xưởng quặng, sinh vượt mức sẽ bị mất việc.

“Tất nhiên là em ruột rồi, không lẽ hai chị em tớ không giống nhau sao?”. Hoàng Tiểu Yến nói.

Tang Vô Yên ăn cơm và ở nhà Hoàng Tiểu Yến chơi đến tối muộn, mãi tới khi bố mẹ đến đón mới lưu luyến ra về. Khi xuống tầng một, mẹ cô đột nhiên nói: “Làm bố mẹ như vậy cũng thật quá đáng, con bé còn chưa làm sao mà đã sinh đứa thứ hai rồi”.

Bố cô liếc nhìn con gái rồi ra hiệu cho vợ đừng nói tiếp nữa.

Nhưng chỉ một câu nói đó và gương mặt tươi cười gầy gò vàng vọt chỉ còn da bọc xương dính than trong hành lang lúc nãy cùng khắc nung trong kí ức của Tang Vô Yên.

Một ngày nhiều tháng sau đó, Tang Vô Yên ở nhà nhận được tin Hoàng Tiểu Yến đã qua đời.

Đó cũng là một ngày trời mưa rả rích không dứt như thế này.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38119


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận