Người đứng đắn thì nói họ băn khoăn không biết con của kẻ ngốc thì có bị ngốc không. Có người nói không đâu, cha mẹ Trường Sinh ngoại trừ vô phúc bạc mệnh, lúc còn sống đều là những người bình thường, huống chi ông nội của Trường Sinh, sinh thời là người được kính trọng nhất thôn, cho dù sinh ra Trường Sinh ngốc khiến mọi người rất ngạc nhiên, nhưng không có nghĩa là nhà họ Hoắc từ Trường Sinh trở đi sẽ sinh ra toàn thế hệ ngốc. Có người lại nói chưa chắc, cho dù đứa trẻ sinh ra không ngốc, nhưng có một người cha ngốc như Trường Sinh, cũng chưa chắc sẽ không biến thành ngốc nghếch. Một ngày nào đó, cảnh tượng hai cha con nhà ngốc cùng ngồi dưới cây cổ thụ, ngơ ngác nhìn trời, trông cũng hay đó.
Những kẻ thiếu đứng đắn thì nói là đừng thấy Trường Sinh ngốc nghếch suốt ngày ngơ ngác thế mà đến đêm cũng biết mò vợ, còn làm cho người ta sinh con cho hắn nữa. Lại có có kẻ đùa cợt nói rằng không biết ai mò ai đâu, cho dù Trường Sinh ngốc nghếch nhưng ngoại hình không tệ chút nào nha. Suốt ngày ngủ chung túi ngủ với một người đàn ông như vậy, cho dù là tiểu thư khuê các da mặt mỏng cũng chịu không nổi phải vùng lên thôi. Cả đám người nghe xong cười ha ha, bàn tán vô cùng rôm rả từ chuyện con cái đến chuyện vợ chồng rồi chuyện phòng the nhà người ta.
Có khi đúng lúc Trường Sinh đi ngang qua, mọi người liền đón đầu hắn trêu chọc:
“Trường Sinh, vợ cậu có bầu à? Mấy tháng rồi?”
“Trường Sinh, sao lại ra đây? Vợ có bầu sao không ở nhà chăm sóc đi?”
“Trường Sinh, vợ cậu mang thai con trai hay con gái vậy?”
Đối với những lời này Trường Sinh vẫn hờ hững như không nghe thấy giống thường ngày, nhưng nếu có người hỏi: “Trường Sinh, sắp làm cha à?” Đôi mắt hắn bỗng nhiên sáng ngời, giống như là âm thanh từ trên trời lọt vào tai hắn khiến hắn như bừng tỉnh, cũng không nhìn là ai hỏi, chỉ cong miệng lẩm bẩm: “Ừ, Trường Sinh sắp làm cha.”
Chỉ một câu đơn giản như vậy nhưng làm cho người trong thôn đều thật sự kinh ngạc. Bởi vì từ nhỏ Trường Sinh đã lớn lên ở đây, ngoại trừ mấy người hắn chịu nhận biết thì chưa bao giờ trả lời câu hỏi của bất kỳ ai khác. Đồ ngốc mở miệng nói chuyện khiến người người trong thôn đều cảm thấy vô cùng mới mẻ, ngày nào cũng có người vì vui đùa hoặc tò mò hỏi Trường Sinh: “Trường Sinh, sắp làm cha à?”
Vì thế, ngày nào Trường Sinh cũng sẽ trả lời nhiệt tình, nhiều nhất là câu: “Ừ, Trường Sinh sắp làm cha.”
Ở bên kia, tin tức Hà Hoa có thai, làm cho chuyện Hạnh Hoa bỏ trốn vốn đang nặng nề cuối cùng cũng nhìn thấy ánh sáng, cả nhà họ Lý từ trên xuống dưới đều vui mừng. Vì biết nhà họ Hoắc vẫn chưa thu hoạch được gì từ miếng đất trên núi, cha Hà Hoa sai Đại Bảo khiêng lương thực tới nhà, nói là trong bụng Hà Hoa cũng là huyết mạch của nhà họ Lý, sợ bọn họ không nuôi nổi lại chết đói.
Hà Hoa biết tính tình cha cô như thế nào, chỉ sợ bà Tứ nghe được sẽ không vui. Bà Tứ cũng không phải là người bụng dạ hẹp hòi, gần nửa năm qua lại bà đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều. Trong lòng bà cũng không ngại, những lời nói ra đều là khoan dung độ lượng. Bà chỉ cười nói ở cùng một thôn nhiều năm như vậy, người nào ra sao còn không biết ư, cha cháu là kiểu người nói cho sướng miệng thế thôi, bề trên chờ ôm chắt nội như bà không thèm so đo với bề dưới chờ ôm cháu ngoại như ông ấy.
Về phần mẹ của Hà Hoa thì rất vui mừng. Vì Đào Hoa gả đi xa, lúc có thai bà không thường xuyên ở bên cạnh được, nay Hà Hoa ở sát bên, thực đúng là muốn làm hư cô luôn. Một ngày chạy qua nhà Hà Hoa ba bốn bận, khi thì đưa cái này, khi thì dặn dò cái kia, có khi chân trước vừa mới bước đi, chưa đầy một chén trà đã trở lại.
Hôm nay, bà lại đến chỉ để hỏi Hà Hoa có muốn ăn gì không, nói là trong nhà mới bán một ít lương thực, cha cô có chút tiền. Lúc này, chỉ cần Hà Hoa nói một câu, bất kể là ngọt bùi đắng cay gì cha cô cũng cho mua hết.
Hà Hoa nói: “Con cũng không đặc biệt thích ăn gì, người ta nói ăn chua là con trai, ăn cay là con gái, bây giờ con không muốn ăn chua, cũng không muốn ăn cay, cũng không biết là con trai hay con gái nữa… Mẹ, mẹ nói xem câu ăn chua là con trai, ăn cay là con gái có đúng không?”
Mẹ Hà Hoa giống như được rà trúng sóng, hai mắt sáng lên: “Đúng chứ, lời của các cụ sao không chuẩn chứ? Mẹ còn nhớ rõ lúc mẹ mang thai con, tuy là không cực thích ăn cay nhưng cứ ăn chua một chút là không chịu được, nôn ra liền. Lúc đó, bà nội con luôn tin vào câu ăn chua là con trai, ăn cay là con gái này, nói là lúc trước bà có mang, trong nhà khổ cực không có đồ ngon để ăn, suốt ngày đi hái táo dại chua lè trên núi ăn, kết quả sinh ra là ba đứa con trai. Vậy là, liền bảo cha con lên núi hái táo cho mẹ ăn, còn phải là loại táo xanh chua lét. Cha con vốn là đứa con rất hiếu thuận và nghe lời, đi hái một thúng táo, chẳng có lấy một trái chín nào, quả nào quả nấy xanh lè… Đừng nói ăn, chỉ cần nhìn thôi là mẹ muốn nôn rồi…”
Hà Hoa thắc mắc: “Bà nội con khó tính như vậy, bà bảo ăn mà mẹ dám không ăn ạ?”
Mẹ Hà Hoa cười: “Đương nhiên là không dám, mẹ ăn hết, không chừa một trái.”
Hà Hoa trừng lớn mắt, chưa kịp đau lòng cho mẹ, đã thấy mẹ cô nở nụ cười tươi rói: “Nhưng không phải mẹ ăn, tất cả là do cha con ăn.”
Hà Hoa ngẩn ra, mẹ Hà Hoa cười lớn: “Cha con thấy mẹ đáng thương quá, thế là lén ăn hết thúng táo kia sau lưng bà nội con, ăn mấy ngày liền, ăn đến xanh cả người… Bà nội còn cho là mẹ thích ăn, lại sai cha con đi hái nữa làm cho cha con sợ mất mật, dáng vẻ túng quẫn của ông ấy lúc đó bao nhiêu năm rồi mẹ chưa từng thấy lại…” Mẹ Hà Hoa nói xong liền cười khanh khách.
Hà Hoa nghe xong hơi ngạc nhiên, ngẩn người ra rồi bật cười: “Hóa ra cha con cũng yêu thương mẹ.”
Mẹ Hà Hoa nhớ lại chuyện khi trẻ, khuôn mặt cũng rạng rỡ lên mấy phần, nghe Hà Hoa nói như vậy lại trừng mắt, nói: “Thương chỗ nào, hai năm sau chẳng phải suýt nữa là cưới vợ bé rồi sao? Sau đó, mẹ có thai Đại Bảo, cuộc sống của cha mẹ mới coi như tạm ổn. Nào giống lúc mang thai con, gì cũng không thèm ăn, khi đó mẹ lại muốn ăn táo dại xanh kia…”
“Vậy là cha con lại đi hái cho mẹ.” Hà Hoa cười nói.
Mẹ Hà Hoa hừ một tiếng: “Lúc đó đã là vợ chồng già rồi, sao cha con có thể được như xưa nữa. Mẹ nói với cha con muốn ăn táo xanh, ông ấy nói mẹ động kinh tự dưng sinh chuyện. Mẹ nói ông còn nhớ chuyện năm đó mang thai đứa đầu lòng ông ăn táo xanh cho mẹ hay không? Con đoán cha con nói như thế nào?”
“Nói như thế nào ạ?”
Mẹ Hà Hoa: “Ông ấy nói: Cái thứ chua lè ấy mà ăn được sao? Bà là vương mẫu nương nương rồi đấy, tôi tại sao phải thay bà chịu tội thế chứ.”
Hà Hoa nghe mẹ cô nhại lại giọng điệu của cha thì bị chọc cười. Mẹ Hà Hoa thở dài, cũng lắc lắc đầu cười theo.
Ban đêm, Hà Hoa nằm trong túi ngủ lẳng lặng nhìn Trường Sinh, chồng cô đã mắt nhắm mắt mở từ lâu, có lẽ là sắp ngủ thật rồi. Hà Hoa nhìn hắn một lát, nghịch ngợm cong cong miệng, nhỏ giọng gọi: “Trường Sinh, ta muốn ăn táo trong núi…”
Trường Sinh mơ mơ màng màng lặng lẽ mở mắt, quay đầu nhìn cô: “Sao?”
Hà Hoa làm nũng nói lại lần nữa: “Ta muốn ăn táo trên núi.”
Trường Sinh dụi dụi mắt, xốc chăn đứng lên.
Hà Hoa túm hắn lại: “Đi đâu vậy?”
Trường Sinh thật thà: “Đi hái táo.”
Hà Hoa hé miệng cười, lại dúi hắn vào túi ngủ nằm xuống, dụi dụi vào người hắn: “Bây giờ chưa cần, ta muốn mười năm nữa cơ.”
“À?” Trường Sinh không hiểu được hết.
Hà Hoa cũng không giải thích, chỉ nói: “Chàng phải nhớ rõ lời này của ta, đến lúc con chúng ta mười tuổi tuổi, ta muốn chàng lên núi hái táo cho ta ăn… Không chỉ là mười tuổi, khi nó hai mươi tuổi, ba mươi tuổi cũng phải hái… Bốn mươi tuổi thì thôi… Lúc ấy, chàng đã là ông lão, bắt chàng lên núi hái táo thì thật là bắt nạt chàng quá… Vậy đi, đến năm ba mươi tuổi đi… Lúc con chúng ta mười tuổi, hai mươi tuổi, ba mươi tuổi chàng phải hái táo dại cho ta ăn… Nhớ chưa nào?”
Trường Sinh nghiêm túc ghi nhớ trong đầu từng câu từng chữ Hà Hoa nói, sau đó gõ nhẹ đầu mình: “Nhớ rồi.”
Bụng Hà Hoa ngày một lớn lên, trời cũng ngày một lạnh hơn. Bệnh của bà Tứ vốn là phải trở về nhà thầy Chu khám lại vào lúc đầu hè. Nhưng đầu tiên là gặp chuyện Trường Sinh bỏ đi mất, sau đó lại đến chuyện nhà cha mẹ Hà Hoa, sau cùng là chuyện Hà Hoa có thai, chuyện này tiếp chuyện kia kéo dài tới tận mùa đông. Đợi đến khi mọi chuyện đã trôi qua, thầy Chu mới ngượng ngùng nói chuyện với Hà Hoa, nhờ cô đi khuyên nhủ bà Tứ.
Bà Tứ vốn không muốn đi, thầm nghĩ bây giờ Hà Hoa càng ngày càng không tiện đi lại, chỉ sợ Trường Sinh chăm sóc cô không tốt. Hơn nữa, nhìn thấy trước mắt đã sắp qua năm mới, năm trước bà đã không có ở nhà, năm nay Hà Hoa lại có thai, bà chỉ muốn sum họp gia đình với hai cháu. Thầy Chu và Hà Hoa tận tình khuyên nhủ mấy ngày, nói là phải chữa bệnh điều dưỡng cho thật tốt, sau này muốn vui vầy cùng mọi người bao nhiêu năm cũng được.
Lần này Trường Sinh không giống như lần trước – cất hết giày dép không cho bà đi, trái lại còn vỗ ngực cam đoan nhất định sẽ chăm sóc tốt cho Hà Hoa, chờ bà nội trở về ôm chắt trai. Bà Tứ nhìn thấy Trường Sinh đã ra dáng làm cha, trong lòng rất vui mừng, đồng thời cũng khá an tâm. Sau đó lại đi tìm mẹ Hà Hoa, nhờ bà giúp đỡ, quan tâm chăm sóc giúp, mãi đến khi tuyết bắt đầu rơi mới cùng thầy Chu trở về quê.
Bà Tứ đi chưa được mấy ngày thì tuyết rơi rất lớn, trời càng trở nên lạnh hơn, Hà Hoa và Trường Sinh cũng giống như người trong thôn suốt ngày ở trong nhà, không ra khỏi cửa, cứ thế chờ ngày cuối năm. Nhưng chưa đến tháng chạp, nhà cha mẹ Hà Hoa lại xảy ra chuyện, là Đại Bảo viết đơn bỏ vợ, bỏ nha đầu béo.