Chào Em, Như Hoa Ngoại truyện


Ngoại truyện
Lỗ Tự Ngọc

Từ nhỏ, tôi và chị tôi có một nỗi buồn chung: Tên gọi của chúng tôi.

Chị tôi tên Như Hoa, còn tôi là Tự Ngọc. Theo truyền thuyết, đó là kết quả bàn bạc của cha mẹ trong suốt ba ngày ba đêm, hy vọng chúng tôi như hoa như ngọc.

Ban đầu chúng tôi chưa cảm thấy tệ lắm, nhưng về sau bỗng xuất hiện bộ phim của Châu Tinh Trì có cô Như Hoa móc Lỗ mũi liên hồi, khiến mọi người khi nhắc đến tên của chị tôi đều không ngừng cười rũ rượi.

Kỳ thật tôi cũng muốn cười, ha ha...

Cũng may, chị tôi và tôi đều không có nhiều thời gian oán hận tên mình, nên chỉ có thể cười trừ vậy.

Lúc còn nhỏ, vào một mùa đông, chị tôi bán khoai lang chiên ở cổng một trường trung học.

Đương nhiên không phải trường học của chúng tôi, bởi vì chị sợ tôi sẽ bị bạn học chê cười.

Bán khoai lang chiên rất rẻ, chỉ hai đồng một miếng, vào giờ tan học có thể bán được hai mươi củ và chúng tôi sẽ thu được món lời bốn tệ, cũng đủ cho hai chị em tiêu xài trong ngày hôm sau.

Nhưng chị tôi bảo một ngày nhất định phải bán được bốn mươi củ, mới đủ thêm được bốn tệ để dành mua thuốc cho tôi. Tôi gật đầu, nghe lời chị.

Tôi biết bệnh của tôi chữa trị tốn rất nhiều tiền, mà dù có tiền cũng không thể trị cho dứt hẳn, nhưng tôi cứ làm, cũng chỉ vì nghe lời chị, để thêm được năm sống.

Lên cấp hai, chị tôi càng bận, buổi tối cũng không thể ở nhà học bài cùng tôi vì còn phải đến nhà người ta trông em bé - một cô bảo mẫu bé nhỏ.

Ba năm cấp hai, chị tôi làm bảo mẫu cho tổng cộng mười đứa nhỏ, đứa lớn nhất bảy tuổi, tối nào cũng đòi xuống sân chung cư đi dạo, mồi lần xuống thường đòi chị cõng trên lưng. Chị lúc ấy mới chỉ mười hai tuổi, vì ăn uống không đủ dinh dưỡng nên nhìn qua cũng không cao hơn so với đứa nhỏ bảy tuổi kia bao nhiêu. Bắt đầu từ lúc ấy tôi chợt hiểu, cảnh tượng địa chủ ác bá vẫn thường diễn trong ti vi đến giờ vẫn luôn tồn tại, mà một trong những đại diện tiêu biểu là đứa nhỏ bảy tuổi kia.

Nhưng đối với những chuyện ấy, chị tôi luôn luôn chỉ cười. Thời điểm đó tôi chưa hiểu được ý nghĩa của từ “lạc quan”, cũng không biết để có thể “lạc quan”, trên thực tế cần bao nhiêu cố gắng.

Trừ chuyện cố sức mà sống, tôi còn có thể làm gì? Tôi vẫn thích vẽ, chị nói tôi hoàn toàn kế thừa gene nghệ thuật của ba mẹ. Đúng thật, tôi luôn muốn đem suy nghĩ của mình, những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy, dùng ngòi bút và màu sắc đưa vào trong tranh.

Tôi có thể vẽ tất cả mọi thứ trên đời này, trừ chị.

Tôi không thể vẽ một bức chân dung tặng cho chị, nguyên nhân thì... tôi chỉ nói cho Văn Sơ nghe thôi.

Tôi có thể nhận ra, Văn Sơ chính là kỳ tích, kỳ tích trong cuộc đời chị.

Tôi thường quan sát Văn Sơ, tôi rất vui khi thấy ánh mắt cậu ấy hướng về phía chị. Dù tôi chưa biết thế nào là mùi vị của tình yêu, nhưng sự ấm áp tràn đầy trong ánh mắt của Văn Sơ kia, không phải yêu thì còn là gì?

Tôi rất kinh ngạc, một cậu trai như Văn Sơ phải dùng tâm tư gì mới có thể ngồi lọ mọ đan cả chiếc khăn quàng cho chị? Và tôi càng kiêu ngạo bởi chỉ chị tôi mới có thể khiến cho Văn Sơ khuất phục. Nhưng nguyên nhân vì sao Văn Sơ lại yêu chị, tôi chưa từng thấy khó hiểu bao giờ.

Xuất sắc như Như Hoa, ai có thể không yêu?

Mạng sống của tôi có từ ba mẹ, nhưng tôi sống được vì Như Hoa. Chị nói, Như Hoa kỳ thật không bằng hoa, chị là cây xương rồng. Trước đây, khi chị nói những lời này, nhất định là vì trong lòng không vui hoặc vì gặp chuyện gì khó khăn. Nhưng bây giờ thì khác, bây giờ chị ấy có thể tự tin đối mặt với sự thật rằng chị là một gốc xương rồng, không lấy chuyện không bằng hoa mà hổ thẹn, mạnh mẽ không khó, cái khó là thản nhiên thừa nhận nguyên nhân khiến mình trở nên mạnh mẽ.

Bây giờ, chị đã làm được, tôi vui thay cho chị.

Tôi sang Mỹ làm phẫu thuật ghép tim, ca mổ rất thành công. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết người tặng tim cho tôi là ai, có lẽ là lòng tốt của một người xa lạ, nhưng dù thế nào tôi cũng phải mang ơn người đó vì nhờ họ thì tôi mới có thể tiếp tục sống.

Khoảng thời gian đầu sau phẫu thuật là thời điểm quyết định tôi có thể sống tiếp được hay không. Chị tôi xin tạm nghỉ học một năm, cực nhọc ngày đêm chăm sóc tôi gần như một tấc không rời, cho nên so với các bạn, chị tốt nghiệp trễ hơn một năm.

Tôi không có quyền nói cảm ơn với chị, phương thức báo đáp duy nhất chỉ có là cố mà khỏe lên thôi. Trên giường bệnh, tôi làm bộ ngủ, vì muốn chị có thời gian nghỉ ngơi.

Nhưng tôi nghe thấy chị và Văn Sơ nói chuyện. Chị không ngừng kể chuyện ngày nhỏ của hai chị em, vừa kể vừa cười khẽ. Văn Sơ cũng cười theo, hắn còn trêu ghẹo chị hồi lâu, chế giễu cái ba lô siêu lớn của chị, chế giễu căn phòng nhỏ vạn năng và cái xe đạp rách của chị.

Nghe hai người nói chuyện, tôi cảm thấy từng nhịp đập của trái tim thay thế càng thêm mạnh mẽ, kiên cường. Chị tôi cuối cùng cũng có thể thản nhiên nói những chuyện như thế với người khác, cuối cùng đã không còn nói về mình bằng câu “tổng kết sơ bộ”: Như Hoa kỳ thật không bằng hoa.

Ai nói Như Hoa không bằng hoa, Như Hoa là loại hoa đẹp nhất trên đời này, như hoa tựa ngọc.

Trong hôn lễ của chị tôi và Văn Sơ, tôi tặng hai người món quà mà tôi đã mất một năm mới hoàn thành: Một bức chân dung của chị.

Tôi cuối cùng đã có tự tin vẽ chị, cuối cùng cũng có thể không vì chị mà đau lòng, cuối cùng cũng có thể tự tay vẽ nét mặt tươi cười của chị.

Trong bức vẽ, chị tôi quàng một cái khăn len kỳ quái, trên khăn gài một chiếc ghim thủy tinh hình tiểu thần tài Văn Sơ tặng, đó là hai món bảo bối quý nhất của chị, hai bảo vật không thể dùng tiền đong đếm.

Thật ra chị tôi rất đẹp, đẹp quá ngưỡng nét bút của tôi có thể diễn tả. Trong ánh mắt chị có một ánh sáng nhu hòa đặc biệt mà màu vẽ không thế diễn tả, loại nhu hòa này tôi nghĩ có tên là thiện lương. Nụ cười của chị có một sắc thái mà không thể dùng nét vẽ để mô tả, thứ này, tôi nghĩ tên là kiên cường.

Chị vịn tay tôi, chúng tôi cùng đi qua thảm đỏ, bên kia tấm thảm đỏ là Văn Sơ. Nụ cười của cậu ấy vẫn như xưa, rạng rỡ như ánh mặt trời.

Tôi đặt tay chị vào tay Văn Sơ, cậu ấy hỏi tôi: “Lỗ Tự Ngọc, cậu sinh tháng mấy?”.

“Tháng Tám, tôi sinh vào mùa hè.” Tôi trả lời.

“Tôi sinh tháng Ba.”

“Thế à, thì sao?”

“Tôi lớn hơn cậu.”

“Ừ.”

“Cho nên, cậu phải gọi tôi là anh rể.”

Tôi trầm mặc một lát, gọi cậu ta: “Anh rể”.

Đoạn đối thoại này đã xảy ra trong sáu năm trước, bây giờ lặp lại một lần nữa. Thật ra tôi muốn nói với cậu ấy, cho dù cậu không lớn hơn tôi, chỉ cần cậu cưới chị tôi thì nhất định sẽ là anh rể của tôi.

Nhưng rốt cuộc tôi không nói với cậu điều này, bởi vì không ai biết tiếng Trung của cậu vẫn kém cỏi như xưa. Mọi người đều đang cười, đều vì người mới mà vui mừng.

Người mới này, là chị gái tôi và anh rể.

- HẾT -

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/31614


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận