Ông anh trưởng phòng nhân sự bước ra, cầm xấp hồ sơ tuyển dụng cho vị trí Tư vấn viên quăng cái phẹp xuống bàn, phán câu xanh rờn:
- Ngu thì tao còn cứu được, chứ xấu thì thua!
Thấy ổng nói câu này đau, mà đúng!
Bây giờ cứ xấu thì coi như con người ta mất đi rất nhiều thứ, nhất là cái quyền lợi được ưu tiên trong cuộc sống.
Có lần bị công an thổi vô, đang đứng loay hoay trình bày đủ lý do, giấy tờ đủ loại, có bạn nữ xinh xinh cũng bị ngoắc vô cùng tội, quẹo trái không bật đèn tín hiệu. Thấy bạn nữ đứng õng õng ẹo ẹo, nói gì đó với anh công an, rồi leo lên xe phóng đi tuốt, chắc mừng đến mức quên luôn bật đèn xe mặc dù đã 7 giờ tối. Thấy thằng nhóc bên này đang đứng nhìn mắt chữ A mồm chữ O, anh công an già giải đáp thắc mắc: “Tại người ta đẹp, người ta được ưu tiên.”
Hay có lần lên xe bus đi công chuyện, xe chật ních, hết chỗ ngồi chỉ còn chỗ đứng đu dây như khỉ. Đang đứng lắc lư tận hưởng cảm giác trở về tổ tiên, xe dừng một tốp nữ sinh nhan sắc trên trung bình một chút bước lên, mấy anh đàn ông đang ngồi gấp báo, dừng điện thoại quan sát, rồi lại việc ai nấy làm. Xe dừng lần hai, chỉ có một cô nàng duy nhất bước lên, áo trắng xuyên thấu, váy đen ôm sát, giỏ xách hồng phấn xinh xinh, nước hoa ngọt đủ cho người ta tiểu đường. Lập tức hai ba tiếng gọi í ới, “Em em, ngồi đây nè em…”
Như công ty, lúc tuyển vị trí Tư vấn viên, dĩ nhiên điều kiện ưu tiên hàng đầu là ngoại hình dễ nhìn, bắt mắt. Chị trưởng phòng nhân sự nghĩ mãi, không biết khiếu thẩm mỹ nhìn gái của mình có bằng các anh không, bèn nhờ đâu ba anh của phòng nhân sự làm chọn lựa, cứ đưa hình ứng viên, hai người chọn thì cho một phiếu hẹn phỏng vấn. Cuối cùng người được chọn vô là một cô bé nghe nói từng đậu hoa hậu cấp trường, khiến mấy anh ú ớ, “Chị phải tuyển bé này để tạo cảm hứng cho cả công ty.” Thế mới thấy có vài trường hợp, hễ cứ đẹp là không bị lo đói.
Cái quan điểm, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không sai, nhưng ngày nay thì chưa chắc đúng trong mọi trường hợp. Dĩ nhiên khi gặp một người lạ mặt ở lần gặp đầu tiên, chẳng ai có thời gian hay hứng thú để mà giới thiệu gỗ mình tốt cỡ nào, nhưng chỉ cần nước sơn bóng loáng, không tì vết là đã ghi trước vài chục điểm. Có thể nhiều người phản bác, cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới là điều quan trọng, kiến thức cao siêu mới là điều cần thiết. Nhưng hỏi thiệt, ở 18 giây đầu tiên nhìn nhau, ai đủ khả năng bộc lộ tâm hồn lẫn phơi bày kiến thức! Còn vì sao là 18 giây mà không phải 17 hay 20, đơn giản tại thích số 18, thế thôi.
Có bữa ngồi nói chuyện với ông anh đạo diễn, ổng cần tìm một vai gái xấu thật sự để vào vai chính phim truyền hình, mà khổ cái tìm nổ con mắt không ra được cô nào. Dĩ nhiên vào vai chính nên diễn xuất phải tốt, mà diễn xuất tốt thì chỉ có diễn viên, mà diễn viên nhìn đi nhìn lại toàn người đẹp. Ngay như cái hồi thi vào Sân khấu Điện ảnh, người ta cũng phải chọn người có nhan sắc, chứ còn hơi hơi có nhan sắc cũng thôi rồi.
Hay như có người nói cái phim Cô gái xấu xí, rõ ràng nói về một cô xấu quắc cần câu, mà cũng phải tìm một người đẹp, hóa trang cho xấu vào vai chính, chứ còn tìm người xấu mà đóng phim thì mơ đi bưởi.
Ai mà nói “bề ngoài không quan trọng”, thề là người đó nói dối hoặc là người đó… không có bề ngoài. Bởi rõ ràng trong mấy bài giảng văn hồi phổ thông còn học, thầy cô nào cũng nhồi vào đầu học sinh cái câu, ở đời phải tìm đến cái đỉnh cao nhất là “chân, thiện, mỹ” chữ mỹ trong đó chẳng phải là đẹp thì là gì.
Dĩ nhiên, đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp bề ngoài, quần áo, gương mặt trang điểm, còn có cả cái đẹp thật sự từ bên trong. Ý là trong tâm hồn chứ không phải trong quần áo nhé. Nhưng ở đây, chỉ đủ thời gian bàn đến cái đẹp lồ lộ bên ngoài ai nhìn cũng thấy, còn cái bên trong, từ từ hậu xét.
Nói về cái đẹp, lại phải quy về cái chuẩn của cái đẹp. Mỗi thời đại thì cái chuẩn đó lại thay đổi xoành xoạch, xoèn xoẹt.
Như ngày trước, mắt thì phải to tròn, hai mí… nhưng cái đợt anh “Mưa” bên xứ Kim Chi nổi tiếng, là rộ lên phong trào đi dãn mí mắt từ hai còn một cho đẹp như thần tượng. Rồi hồi trước phụ nữ phải gầy nhom thì đẹp, người mẫu cô nào cô nấy cũng như bộ xương trong phòng thí nghiệm. Thế là các cô lo nhịn ăn để ốm, rồi khi kiểu bộ xương di động hết xinh, các cô lại chích mỡ vô người để cho mập lại. Thiệt kỳ công.
Nhưng cũng có nhiều tiêu chuẩn đẹp qua nhiều thế kỷ cũng không thay đổi, cụ thể như với cánh đàn ông thì cứ ngực to là đàn bà đẹp!
Chân lý nhiều khi đơn giản, nhưng không phải ai cũng nhận ra, thế nên đàn bà luôn đau đầu về nhan sắc là bởi vậy. Nhiều lúc cái việc làm đẹp của đàn bà chỉ do một mục đích duy nhất, cho đàn ông nhìn. Thế nên các anh làm ơn nhìn vài chỗ khác giùm để đỡ mất công người ta làm cho đẹp rồi phí.
Người ta bảo, không có người đàn bà đẹp, chỉ có người đàn bà không biết làm đẹp. Tới giờ nó biến thiên thành nhiều kiểu, thường nghe nhất là chỉ có người đàn bà làm hoài cũng không đẹp.
Công nghệ làm đẹp giờ phải nói siêu phàm, nhất là ở xứ sở Kim Chi, có dạo trên mạng té ngửa vì mấy cô ca sĩ, diễn viên đẹp lung linh đưa hình gốc lúc trước khi giải phẫu… người ta bắt đầu hoài nghi về vẻ đẹp, rồi cạnh khóe, “Lấy gái đẹp về mà cuối cùng đẻ con ra xấu quắc là hiểu rồi ha…” Đợt đó có cô nghệ danh “Nữ hoàng dao kéo” giận lắm, đập bàn cái rầm, hùng hồn tuyên bố, “Đẻ con có xấu thì cho nó phẫu thuật thẩm mỹ tiếp, lo gì!”.
Đừng tưởng đó là chuyện xứ người ta, giờ xứ mình cũng đâu có kém cạnh.
Có con bạn thân, nó duy mỹ đến mức lúc nào cũng cảm thấy mình chưa đủ đẹp, và muốn ở mọi góc độ thì mình đều phải “nhìn có vẻ đẹp”. Kiểu như sau mỗi bước chân đi, có thể dừng lại vài giây để nhìn xem ở góc độ này gương mặt đã đẹp chưa, thì nó cũng đã làm. Tiếc cái một ngày không đủ dài cho những việc đó nên thôi.
Mỗi lần café chung, câu đầu tiên ngồi xuống bàn nó không kêu nước, không chào, chỉ hỏi đúng câu: “Ê, hôm nay nhìn tao có đẹp hông bây?” mặc dù chán ngán đến tận cần cổ, nhưng cả đám đều phải ờ cho yên chuyện. Lỡ mà có ai trả lời sai chữ ờ, nó sẽ bắt đầu tra tấn bằng hàng loạt câu tiếp theo, “Mắt hơi lố mascara phải hông mậy, hay phấn dày quá, hay son tao lem, chết rồi tao nhớ canh kỹ lắm mà…”
Lúc nó vỗ bàn cái rầm, hét lên như Archimedes nói Eureka, cả bọn giật mình, ngơ ngác.
“Tao thiếu cái cằm!”
Vậy là vài tuần sau đã xách hơn chục triệu đi nhét dây gì đó cho cằm nhọn ra đôi chút, theo lời nó là “nhìn cho tự nhiên”. Sau đó chụp hình nó đều nghiêng nghiêng mặt để thấy mình đã có cằm.
Nói ra chẳng phải châm biếm, chẳng thấy đáng trách, chỉ thấy phục. Phục vì nó biết mình là ai, biết đâu là điểm mình chưa tốt và dám dũng cảm hoàn thiện bản thân mình bằng mọi cách nghĩ ra.
“Thà tao đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên! Đâu phải mày không thấy nhiều đứa xấu đau nên ế, mất cả tương lai?”
Câu này lại hoàn toàn đồng ý với nó. Nhớ có bà chị, nhan sắc không mặn mà cho lắm, phải thằng chồng vũ phu, nó cho ăn đòn thay cơm, nhiều bữa thấy xót, kêu bỏ cha cho rồi, chị thở dài cam chịu.
“Bỏ sao mà bỏ, xấu như chị, ai thèm lấy, giờ cứ coi như chịu đấm ăn xôi, có vì tương lai đám nhỏ…”
Ừ thì, đúng là đầu tư cho nhan sắc là đầu tư cho cả… tương lai!
Chuyện nhan sắc, nói mấy ngày hổng hết, mà ác cái càng nói càng buồn vì nhan sắc mình cũng dạng tầm trung trung xuống dưới…
Thôi thì ráng tự an ủi bằng câu, nó đẹp hơn mình thì dĩ nhiên mình xấu hơn nó, cũng là mình đã hơn.
Đúng là ngàn năm ôm một nỗi sầu tên nhan sắc!
Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !