Ngày còn bé, cứ nghĩ ba là siêu nhân, mẹ là bà tiên. Giờ mới biết ba mẹ còn giỏi hơn cả siêu nhân với bà tiên. Vì hai người kia chỉ xuất hiện khi ra cần, còn ba mẹ bất cứ lúc nào cũng bên cạnh.
Ngày còn trong bụng mẹ:
Mẹ kể con nghe, con làm mẹ khó chịu thế nào. Thằng cu mới mấy tháng mà chòi đạp loin hoi, ba cười hết cỡ đặt tay lên bụng mẹ, cứ tấm tắc, “Thằng cu này lớn chắc làm cầu thủ đá banh”. Khi đó, mẹ đã hạnh phúc biết bao khi sinh linh trong cơ thể mình một lớn mạnh.
Ngày con chào đời:
Mẹ kể con nghe. Tối đó mẹ chuyển dạ, ba tất tả chạy đưa mẹ vào nhà bảo sanh, vậy mà thằng con cứng đầu, đến 10 giờ sáng mới chịu lọt lòng mẹ. Sau cơn đau banh da xẻ thịt, mẹ mệt mỏi nằm trên bàn sanh, vẫn ráng gượng nói cùng cô hộ lý, “Con tôi đâu?” để rồi nhìn thấy con đầy đủ tứ chi hình hài, cất tiếng khóc nằm bên cạnh mẹ, mẹ quên ngay cơn đau vừa trải qua để mang con đến với cuộc đời này.
Ngày con 5 tuổi:
Con nằm sấp, mẹ vút roi đánh vào mông, con đau, ghét mẹ ghê gớm. Mẹ kể con nghe, ngày đó đánh con chứ lòng mẹ đau gấp bội, nhưng con hư, lại là đứa cứng đầu, không đánh thấm thì chẳng bao giờ sợ. Giờ đây, con cảm ơn mẹ, vì những đòn roi mẹ đánh con lúc đó, êm ái và nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu lần những đòn roi mà cuộc sống đang quất vào con.
Ngày con 7 tuổi:
Mẹ dắt đi học về, con chèo nèo năn nỉ. Mẹ chiều con nên mua cuốn Đôrêmon tập 4, “Nôbita lạc vào xứ người tí hon”. Tối đó về con bỏ cơm ôm truyện, nhưng chỉ biết coi hình, nhờ mẹ đọc cho nghe. Mẹ cười nói, “Muốn đọc thì con phải học cách đọc”. Giờ con hiểu, kiến thức của cuộc đời này, là phải do chính ta tích góp và giữ làm của riêng cho mình, không thể nhờ vả ai cho được.
Ngày con 12 tuổi:
Con mê điện tử, mấy cái trò nấm đuôi, bắn Contra, bắn xe tăng ngày nào cũng đứng dưới hàng thèm thuồng được chơi. Con xin, mẹ chỉ nói rằng, “Nếu tháng sau không tụt hạng, mỗi tuần mẹ sẽ cho con đi chơi một lần 2 tiếng đồng hồ”. Giờ đây con mới biết, mẹ dạy con rằng, có những thứ trong đời này phải trả giá để có được nó, chính vì vậy mà phải biết trân trọng nó khi ta có được.
Ngày con 15:
Con quên mẹ, quên gia đình, lao đầu vào những cuộc vui bùng nổ của lứa tuổi ẩm ương. Khi đó mẹ cùng cha đi làm ăn xa, chẳng thể nào gần con để la trách. Mẹ gọi cho con, giọng nghèn nghẹn, nước mắt rơi mà cách hơn trăm cây số con vẫn nghe được. Lần đầu trong đời, con hiểu được sức mạnh từ giọt nước mắt của người đàn bà.
Ngày con 18:
Báo tin đậu đại học sau bao vất vả, mẹ cười, niềm vui lẫn sau bao lo toan… rồi tiền học phí, rồi tiền cho con… Đời mẹ sao luôn bọn bề, niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn.
Ngày con 20:
Thằng con trai thỉnh thoảng về thăm mẹ, vẫn giữ cái thói quen ngày còn con nít, ôm chầm lấy mẹ mỗi khi có thể. Có lúc mẹ ngồi, lật đật chạy đến sau lưng, bóp vai, đấm lưng. Mẹ cười, hỏi, “Lại muốn xin gì nữa đây cậu?”, con làm mặt giận, “Người ta thương mà nghi ngờ…”
Ngày con 22:
Cuộc sống nhiều đổi thay, nhà mở quán cơm để mưu sinh. Cha chở mẹ đi mua từng cái bàn, cái ghế. Cha cong lưng ôm nồi cơm lớn, mẹ dậy từ sớm kịp phiên chợ đêm. Ròng rã vậy mà mấy tháng đầu vẫn lỗ. Mẹ giấu tiếng thở dài vô đêm thườn thượt. Trời thương, vài tháng sau việc làm ăn khởi sắc, mẹ gọi điện về khoe, “May là mẹ hay đi chùa khấn vái.”
Ngày con 23:
Con đi lính, mẹ lo trăm bề. Thương thằng con trước giờ sung sướng, giờ vào chịu cực làm sao thấu. Gọi điện vào thăm, chưa kịp nói gì mẹ đã sụt sùi, “Thôi ráng, một năm rưỡi thôi rồi về với mẹ.” Hàng tuần, mẹ thu xếp để chạy lên thăm, nhìn con trong bộ đồ lính, mẹ cười, “Thôi kệ, vậy mà cứng cáp hơn, bớt cái bụng bia.”
Ngày con 25:
Cầm cuốn sách đầu tiên con viết trên tay, mẹ nâng niu lắm. Không nói không rằng, gia tài của mẹ giờ có thêm cuốn sách của con. Cái hộp thiếc bấy lâu nay mẹ giữ lại được mở ra, trong đó, mấy cái giấy khen từ ngày con còn học mẫu giáo, sổ liên lạc của năm cấp hai, cả bài văn đầu tiên con viết về mẹ được điểm mười… Mẹ bỏ sách vào, hơi chật, thừ người suy nghĩ, nói khẽ, “Cậu ráng sao, để tui mua cái kệ đựng riêng sách của cậu nghen.”
Tháng rồi…
Lấy lương xong, con mua tặng mẹ, cha mỗi người một cái điện thoại nho nhỏ, vì thấy cái của hai người đang xài đã cũ. Bẵng đi tháng trời nhìn lại, cả hai vẫn đang lụi cụi bấm bàn phím của hai cái điện thoại mòn lờn. “Con mua đồ tặng mà tía má chê đồ dỏm, không chịu xài phải hông, con buồn đó nha!”
“Thôi đi cậu, sáng mẹ đi chợ để lấy đồ bán, tay chân dơ lắm, xài dơ cái điện thoại con trai tặng mắc công uổng, tiếc…”
Con nghe xong mà mắt đỏ hoe.
Sao cả đời mẹ lúc nào cũng lo vẹn toàn mọi việc, đời này dài, tay ta không đủ rộng, ôm làm sao cho hết mấy mối bận tâm.
Có lần mẹ hỏi, “Không biết khi nào cậu mới chịu lớn để không ngồi ôm tui?”
Con trả lời, “Con mà có con, có cháu luôn thì vẫn cứ ngồi ôm mẹ, mẹ không trốn được đâu.”
Mẹ cười, đuôi mắt hằn rồi vết thời gian…
Muốn viết một cái gì đó về cha, nhưng rồi lại thôi, bởi đàn ông thường yêu thương một cách thầm lặng, không cần phô trương, hoa mỹ. Vậy nên chỉ nói một câu duy nhất, “Cảm ơn cha vì đã là cha con, một người cha tuyệt vời!”
Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !