Khi bọn họ vào trong Hội chợ, bọn họ có thể nghe thấy tiếng nhạc và nhìn thấy vòng đu quay to tướng đang quay trên bầu trời. Họ có thể hít được bụi của đường đua nơi cái xe rưới nước đang làm nó ẩm đi; và họ có thể ngửi thấy mùi thịt băm viên đang rán và nhìn thấy quả khinh khí cầu ở trên cao. Họ có thể nghe thấy bầy cừu kêu be be trong chuồng. Một giọng nói ông ổng cất lên từ loa phóng thanh: “Làm ơn chú ý! Ai đó có chiếc xe Pontiac, biển số H-2439, làm ơn lái xe ra xa kho chứa pháo bông!”
“Cho con một ít tiền nhé?” Fern hỏi.
“Cả con nữa?” Avery hỏi.
“Con sẽ thắng một con búp bê bằng cách quay bánh xe và nó sẽ dừng lại đúng con số thắng cuộc,” Fern nói.
“Con sẽ lái một máy bay phản lực và cho nó đâm vào một cái khác.”
“Cho con mua một quả bóng nhé?” Fern hỏi.
“Cho con mua một cái bánh kem với cả một cái bánh kẹp pho mát với cả một ít nước sô-đa mâm xôi nhé?”
“Các con cứ ngồi im đến lúc cho con lợn xuống xong đã,” bà Arable nói.
“Cứ để bọn trẻ tự đi chơi,” ông Arable gợi ý. “Cả năm mới có một lần Hội chợ.” Ông Arable cho Fern hai đồng hai lăm xu và hai hào. Ông cho Avery năm hào và bốn đồng năm xu. “Giờ thì chạy đi chơi đi!” ông nói. “Và nhớ là tiền đó để tiêu cả ngày. Đừng có mà tiêu hết vèo trong mấy phút. Và quay trở lại xe vào buổi trưa để cả nhà cùng ăn trưa. Và đừng ăn những thứ sẽ khiến các con bị đau bụng.”
“Và nếu hai đứa leo lên vòng đu quay kia,” bà Arable nói, “thì hãy bám chặt vào! Phải bám thật chặt vào. Nghe chưa?”
“Và đừng có bị lạc đấy!” bà Zuckerman nói.
“Và đừng có nghịch bẩn!”
“Đừng đùa nghịch cho phát nóng ra!” bà mẹ nói.
“Cẩn thận kẻo bị móc túi đấy!” ông bố cảnh báo.
“Và đừng chạy qua đường đua khi có ngựa phóng tới!” bà Zuckerman kêu lên.
Bọn trẻ đứa này nắm tay đứa kia nhảy chân sáo về hướng có vòng quay ngựa gỗ, về phía có tiếng nhạc tuyệt tác và cuộc phiêu lưu tuyệt hảo và sự phấn khích tuyệt diệu, tới trung tâm tuyệt vời nơi sẽ không có bố hay mẹ coi chừng chúng, chỉ đạo chúng, nơi chúng sẽ được sung sướng và tự do và làm bất cứ điều gì chúng muốn. Bà Arable đứng yên lặng và nhìn chúng đi xa dần. Rồi bà thở dài. Rồi bà hỉ mũi.
“Anh nghĩ mọi việc sẽ ổn cả chứ?” bà hỏi.
“À, rồi đến lúc chúng nó cũng phải lớn lên cả thôi,” ông Arable nói. “Và hội chợ là một nơi thích hợp để bắt đầu, anh nghĩ thế.”
Trong khi Wilbur được mang xuống và được ra khỏi cái hòm và vào trong một cái chuồng mới, đám đông tụ tập xung quanh để xem. Bọn họ nhìn chằm chằm vào dòng chữ LỢN TRỨ DANH NHÀ ZUCKERMAN. Wilbur nhìn lại và cố tỏ vẻ cực dễ thương. Nó rất vừa lòng với cái chuồng mới. Trong chuồng có cỏ mọc đầy, và được che khỏi ánh nắng bằng cái mái một mặt.
Charlotte, nhìn trước ngó sau, rồi bò ra ngoài cái hòm và trèo lên cái cột đến bên dưới mái nhà. Không một ai phát hiện ra chị ta.
Templeton, không muốn thò ra ngoài giữa thanh thiên bạch nhật, cứ nằm yên dưới lớp rơm trong đáy hòm. Ông Zuckerman đổ một ít váng sữa vào máng của Wilbur, vứt rơm sạch vào trong chuồng nó, rồi ông và bà Zuckerman cùng ông bà Arable đi về phía chuồng gia súc để xem lũ bò thuần chủng và ngắm nghía các thứ. Ông Zuckerman đặc biệt muốn xem máy kéo. Bà Zuckerman muốn xem một cái tủ lạnh. Lurvy cũng lang thang một mình, hy vọng sẽ gặp được bạn bè và làm gì đó vui vẻ trong hội chợ.
Ngay khi mọi người đi hết, Charlotte liền nói với Wilbur.
“Một điều rất hay là cậu không thể thấy cái tôi thấy,” chị ta nói.
“Chị thấy gì cơ?” Wilbur hỏi.
“Có một gã lợn ở trong chuồng kế bên và gã to khủng khiếp. Tôi sợ rằng gã to hơn cậu rất nhiều.”
“Có thể là anh ta lớn tuổi hơn tôi, và có nhiều thời gian để lớn hơn,” Wilbur gợi ý. Nó bắt đầu rân rấn nước mắt.
“Tôi sẽ hạ xuống và xem kỹ hơn mới được,” Charlotte nói. Rồi chị ta bò theo cái xà rầm cho đến khi sang hẳn chuồng bên cạnh. Chị ta buông mình xuống trên một sợi tơ cho đến khi treo lơ lửng trong không khí ngay trước mõm của con lợn to tướng.
“Tôi có thể biết tên anh được không?” chị ta hỏi, rất lịch thiệp.
Con lợn nhìn chị ta chằm chằm. “Không có tên nào cả,” con lợn nói bằng một giọng ồm ồm, thẳng thắn. “Cứ gọi tôi là Ông Cậu.”
“Được lắm, Ông Cậu,” Charlotte đáp lời. “Anh sinh vào ngày nào? Anh có phải là lợn xuân hay không?”
“Dĩ nhiên tôi là lợn xuân,” Ông Cậu trả lời. “Vậy chị nghĩ tôi là gì đây, gà xuân chắc? Ha ha – nghe hay đấy chứ, hả, bà chị?”
“Hơi hay thôi,” Charlotte nói. “Dầu vậy tôi từng nghe những thứ hay hơn nhiều. Rất vui được gặp anh, bây giờ thì tôi phải đi đây.”
Chị ta chầm chậm leo lên và trở lại chuồng Wilbur.
“Gã khẳng định mình là lợn xuân,” Charlotte kể lại, “và có thể đúng thế thật. Có một điều chắc chắn, là gã có một tính cách kém cuốn hút nhất. Gã suồng sã quá, ầm ĩ quá, và gã nói đùa nhạt hoét. Còn nữa, gã còn lâu mới có thể sạch được như cậu, về mặt dễ thương thì cũng vậy. Ngay trong một cuộc hỏi chuyện ngắn ngủi tôi đã thấy không ưa gã rồi. Dẫu sao, gã cũng sẽ là một con lợn khó bị đánh bại đấy, Wilbur, khi đã tính đến tầm vóc và cân nặng của gã. Nhưng có tôi giúp cậu, thì cũng không sao cả.”
“Vậy chị giăng mạng vào lúc nào mới được?” Wilbur hỏi.
“Cuối buổi chiều nay, nếu tôi không quá mệt,” Charlotte nói. “Những ngày này, ngay cả việc chẳng ra sao cũng khiến tôi mệt. Tôi dường như không còn sinh lực như trước kia nữa. Chắc tại tuổi tác, tôi nghĩ vậy.”
Wilbur nhìn bạn mình. Chị nhện trông hơi phồng to ra và có vẻ bơ phờ.
“Tôi rất khổ sở khi nghe chị nói rằng chị không được khỏe, Charlotte à,” nó nói. “Có thể nếu chị giăng một cái mạng và bắt vài con ruồi chị sẽ cảm thấy ổn hơn.”
“Có thể,” chị nhện nói, vẻ mệt mỏi. “Nhưng tôi cảm thấy y như là một ngày dài đang tàn.” Treo ngược người lên trần, chị nhện chìm dần vào giấc ngủ ngắn, bỏ mặc Wilbur đang hết sức lo lắng.
Suốt buổi sáng mọi người đều đi qua đi lại chuồng của Wilbur. Hàng tá rồi hàng tá người lạ mặt dừng lại nhìn chằm chằm vào nó và ngắm nghía bộ lông trắng trẻo óng mượt của nó, cái đuôi xoắn của nó, phong thái tử tế và ngời sáng của nó. Rồi bọn họ lại đi qua chuồng kế bên nơi có gã lợn to đang nằm. Wilbur nghe thấy nhiều người trầm trồ về tầm vóc to lớn của Ông Cậu. Nó không thể nào không nghe những trầm trồ ấy, và nó cũng không thể nào không lo lắng. “Mà bây giờ, Charlotte lại còn mệt nữa...” nó nghĩ. “Ôi, trời ơi!”
Suốt buổi sáng Templeton ngủ im lìm dưới lớp rơm. Trời càng lúc càng nóng dữ dội. Vào buổi trưa, cả hai nhà Zuckerman và Arable cùng quay về chuồng lợn. Rồi, một vài phút sau, Fern và Avery xuất hiện. Fern cắp một con khỉ búp bê trong tay và đang ăn kẹo lạc tẩm caramel. Avery có một quả bóng buộc vào tai và đang nhai táo ngâm đường. Bọn trẻ nóng phừng phừng và bẩn thỉu.
“Nóng nhỉ?” bà Zuckerman nói.
“Nóng kinh khủng,” bà Arable vừa nói vừa quạt bằng tờ quảng cáo tủ lạnh.
Bọn họ từng người một trèo lên cái xe tải và mở hộp đựng bữa trưa ra. Mặt trời tỏa hơi nóng lên tất thảy mọi thứ. Hình như không ai cảm thấy đói.
“Khi nào thì ban giám khảo có quyết định về Wilbur?” bà Zuckerman hỏi.
“Phải đợi đến mai,” ông Zuckerman nói.
Lurvy hiện ra, mang theo một tấm chăn thổ dân Da đỏ mà anh ta thắng được.
“Đây đúng là thứ mà chúng ta cần,” thằng Avery nói. “Một cái chăn.”
“Dĩ nhiên là thế rồi,” Lurvy trả lời. Và anh ta trải cái chăn phủ vắt qua hai bên thành xe để cho giống như một cái lều nhỏ. Lũ trẻ ngồi trong bóng râm, dưới cái chăn, cảm thấy dễ chịu hơn hẳn.
Sau bữa trưa, bọn chúng nằm dài ra và ngủ thiếp đi.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !