Charlotte và Wilbur Chương 19


Chương 19
BỌC TRỨNG

Sáng hôm sau khi tia sáng đầu tiên bừng lên trên bầu trời và bầy chim sẻ thức dậy trên cây, khi lũ bò khua dây thừng và gà trống gáy và những chiếc ôtô buối sớm rì rầm trên đường cái, Wilbur thức dậy và tìm Charlotte. Nó nhìn thấy chị nhện ở trên cao trong góc gần phía sau chuồng của nó. Người chị hình như đã co lại sau một đêm. Bên cạnh chị, dính liền vào trần, Wilbur thấy một vật kỳ lạ. Nó là một loại bọc, hay là kén. Nó có màu quả đào và nhìn như thể được làm bằng kẹo bông.

“Chị dậy chưa, Charlotte?” nó nói nhẹ nhàng.

“Rồi,” tiếng trả lời vọng đến.

“Cái vật bảnh bao kia là cái gì thế? Có phải chị làm không?”

“Tôi làm đấy,” Charlotte trả lời bằng một giọng yếu ớt.

“Đó là đồ chơi hả?”

“Đồ chơi? Tôi không nói vậy đâu. Đó là bọc trứng của tôi. Magnum opus của tôi.”

“Tôi không hiểu magnum opus nghĩa là gì?” Wilbur nói.

“Tiếng La-tinh đấy,” Charlotte giải thích. “Nó có nghĩa là ‘tuyệt tác’. Cái bọc trứng này là tuyệt tác của tôi đấy – vật kỳ công nhất mà tôi từng làm ra.”

 “Có gì ở trong đó vậy?” Wilbur hỏi. “Trứng à?”

“Năm trăm mười bốn quả cả thảy,” chị nhện trả lời.

“Năm trăm mười bốn?” Wilbur nói. “Chị đang đùa phải không?”

“Không, tôi không đùa đâu. Tôi đã đếm kỹ. Tôi đã bắt đầu bằng cách đếm, và tôi cứ thế tiếp tục – cũng là một cách để cho đầu óc bận rộn.”

“Đúng là một bọc trứng đẹp đẽ hoàn hảo,” Wilbur nói và cảm thấy vui sướng như là chính nó làm ra cái bọc vậy.

“Vâng, nó đẹp thật,” Charlotte trả lời và vỗ nhẹ hai chân trước vào cái bọc. “Dù sao đi nữa, tôi có thể đảm bảo rằng nó rất chắc chắn. Nó được làm bằng chất liệu bền nhất mà tôi có. Nó còn không thấm nước nữa. Trứng ở bên trong sẽ được khô và ấm.”

“Charlotte,” Wilbur mơ màng nói, “có phải chị thật sự sẽ có năm trăm mười bốn đứa con?”

“Nếu không có chuyện gì xảy ra, thì đúng thế,” chị nhện nói. “Dĩ nhiên, chúng sẽ không xuất hiện trước mùa xuân năm tới.” Wilbur nhận thấy giọng của Charlotte nghe buồn bã.

“Điều gì khiến chị có vẻ buồn nản thế? Tôi ngỡ chị sẽ sung sướng kinh khủng về việc này chứ.”

“Ôi, đừng để tâm đến tôi,” Charlotte nói. “Tôi chỉ không còn mấy sức sống mà thôi. Tôi chắc tôi buồn là vì tôi sẽ không bao giờ được nhìn thấy các con tôi.”

“Chị nói chị sẽ không nhìn thấy các con là có ý gì vậy! Dĩ nhiên là chị sẽ thấy chúng. Chỉ đơn giản là đến mùa xuân tuyệt vời năm tới trong nhà kho khu chuồng năm trăm mười bốn con nhện con sẽ tràn ngập khắp cả. Và ngỗng cái cũng sẽ lại có một lứa ngỗng con nữa, và bầy cừu cũng sẽ có cừu con...”

“Có thể,” Charlotte nói nhỏ nhẹ. “Dù sao đi nữa, tôi cũng có linh cảm rằng tôi sẽ không được nhìn thấy kết quả của những cố gắng đêm qua. Tôi chẳng thấy khỏe tí nào. Tôi nghĩ tôi đang suy kiệt đây, cứ nói thật với cậu như vậy.”

Wilbur không hiểu từ “suy kiệt” nghĩa là thế nào và nó ghét phải làm phiền Charlotte giải thích. Nhưng nó lo lắng đến nỗi nó cảm thấy nó vẫn phải hỏi.

“Thế ‘suy kiệt’ có nghĩa là gì vậy?”

“Có nghĩa là tôi đang chậm chạp dần, thấy nặng nhọc vì tuổi tác. Tôi không còn trẻ nữa, Wilbur à. Nhưng tôi không muốn cậu lo lắng vì tôi. Ngày hôm nay là ngày trọng đại của cậu. Hãy nhìn mạng nhện của tôi xem – có sương sớm đọng nom nó đẹp đấy chứ?”

Mạng nhện của Charlotte nhìn không bao giờ có thể đẹp hơn khi nhìn vào buổi sáng đó. Mỗi sợi tơ giữ lại hàng chục hạt sương mai lấp lánh. Ánh sáng từ trời đông chiếu vào nó và khiến nó trở nên rõ ràng, toàn vẹn. Đúng là một công trình hoàn hảo về thiết kế và xây dựng. Chỉ trong vòng một hai giờ nữa, dòng người sẽ đều đặn diễu qua, ngắm nghía nó, đọc nó, và dòm xem Wilbur, và kinh ngạc trước phép lạ.

Trong lúc Wilbur xem xét mạng nhện, một đôi râu và một cái mặt nhọn xuất hiện. Templeton chầm chậm lê người qua chuồng lợn và buông mình xuống một góc.

“Tôi về rồi đây,” gã chuột nói bằng một giọng khàn khàn. “Đúng là đêm ra đêm!”

Gã chuột đã phình to gấp đôi so với kích thước thường nhật của gã. Bụng của gã to tròn như một cái lọ đựng thạch.

“Đúng là đêm ra đêm!” gã nhắc lại, khàn hết giọng. “Thế mới là đánh chén với lại ăn tiệc chứ! Thế mới gọi là ngốn chứ! Tôi hẳn đã xơi phần còn lại của ba mươi bữa trưa. Chưa bao giờ tôi lại thấy những đồ thừa như thế, mà tất cả đều đã nục đã nẫu bởi thời gian và cả ngày nóng nực. Ôi sao mà bổ béo, các bạn tôi ơi, sao mà bổ béo đến thế!”

“Anh không biết xấu hổ cho bản thân à,” Charlotte nói với vẻ kinh tởm. “Rồi anh sẽ biết thân anh ngay nếu mà anh bị rối loạn tiêu hóa cấp tính.”

“Đừng có lo cho cái dạ dày của tôi,” Templeton càu nhàu. “Nó có thể xử lý mọi thứ. À nhân tiện, tôi có tin xấu đây. Khi tôi đi qua cái con lợn bên cạnh – cái con tự gọi nó là Ông Cậu – tôi thấy có một cái thẻ xanh treo trước chuồng nó. Điều đó có nghĩa là nó đã giành giải nhất. Tôi đoán cậu bị hạ rồi, Wilbur. Cậu cứ nghỉ cho khỏe đi – chẳng có ma nào gắn mề đay cho cậu đâu. Hơn nữa, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Zuckerman sẽ đổi ý đối với cậu. Cứ chờ đến lúc ông ta thấy thèm thịt lợn tươi với giăm bông xông khói và thịt muối xông khói giòn! Ông ta sẽ mang dao tìm cậu, nhãi ạ.”

“Im đi, Templeton!” Charlotte nói. “Anh đã tọng và ních phát phì đến mức không biết mình nói gì nữa rồi. Đừng để ý đến anh ta nữa, Wilbur!”

Wilbur cố không nghĩ về những gì gã chuột nói. Nó quyết định nói sang chuyện khác.

“Templeton,” Wilbur nói, “nếu mà anh không trì độn như vậy, có lẽ anh đã nhận ra Charlotte đã có một bọc trứng. Chị ấy sẽ làm mẹ. Nói cho anh biết nhé, trong cái bọc trứng nhỏ màu quả đào ấy có năm trăm mười bốn quả trứng.”

“Đúng thế à?” gã chuột hỏi và nhìn cái bọc vẻ nghi ngờ.

“Vâng, đúng thế,” Charlotte thở dài.

“Chúc mừng!” Templeton thì thầm. “Đúng thật là một đêm!” Gã nhắm mắt lại, kéo một ít rơm lên người, và chìm ngay vào giấc ngủ say. Wilbur và Charlotte thấy sung sướng vì thoát được gã trong một lúc.

 

Vào chín giờ, xe tải của ông Arable lăn bánh vào trong khu Hội chợ và dừng lại trước chuồng Wilbur. Tất cả mọi người trèo ra ngoài.

“Nhìn kìa!” Fern kêu lên. “Nhìn mạng nhện của Charlotte kìa! Nhìn xem nó nói gì kìa!”

Mấy người lớn và trẻ con đang cầm tay nhau đứng ở đó, ngắm nghía cái chữ mới.

“KHIÊM NHƯỜNG,” ông Zuckerman nói. “Đó chẳng phải là chữ dành cho Wilbur bây giờ hay sao!”

Tất cả mọi người sung sướng vì thấy phép màu đã được lặp lại. Wilbur nhìn chăm chú vào mặt họ một cách yêu kiều. Nó trông hết sức khiêm nhường và biết ơn. Fern nháy mắt với Wilbur. Lurvy bận bịu ngay tức thì. Anh ta đổ một xô cám nóng vào máng, và trong khi Wilbur ăn bữa sáng thì Lurvy nhẹ nhàng gãi cho nó bằng một cái đũa nhẵn nhụi.

“Chờ một chút!” Avery kêu lên. “Nhìn này!” Thằng bé chỉ vào cái thẻ xanh trên chuồng của Ông Cậu. “Con lợn này đã giành giải nhất rồi.”

Nhà Zuckerman và nhà Arable nhìn chằm chằm vào cái thẻ. Bà Zuckerman bắt đầu khóc. Không ai nói câu nào. Họ nhìn chằm chằm vào cái thẻ. Rồi họ nhìn chằm chằm vào Ông Cậu. Rồi họ lại nhìn chằm chằm vào cái thẻ. Lurvy lôi ra một cái khăn mùi xoa to tổ bố và xỉ mũi rất mạnh – mạnh đến nỗi, thật thế, mấy người làm việc ở mãi trong tàu ngựa cũng nghe thấy.

“Cho con một ít tiền nhé?” Fern nói. “Con muốn ra ngoài kia chơi.”

“Con ở nguyên đấy không đi đâu hết!” mẹ cô nói. Lệ đã rân rấn trên mắt Fern.

“Mọi người khóc lóc chuyện gì mới được nhỉ?” ông Zuckerman hỏi. “Nhanh tay nhanh chân lên nào! Edith, mang nước sữa lại đây!”

“Đến giờ tắm rồi!” ông Zuckerman nói, vẻ phấn khởi. Ông và bà Zuckerman và Avery trèo vào trong chuồng Wilbur. Avery chầm chậm đổ nước sữa lên đầu và lưng Wilbur, và trong khi nước sữa chảy thành dòng xuống sườn và má nó, ông và bà Zuckerman chà xát mạnh lên lông với da của nó. Những người đi qua dừng lại xem. Chẳng mấy chốc cả một đám đông đã xúm lại. Wilbur đã trở nên trắng mịn tuyệt đẹp. Ánh nắng buổi sáng chiếu xuyên qua cái tai hồng của nó.

“Nó không to như con lợn bên cạnh,” một người đứng đó nhận xét, “nhưng nó sạch hơn. Tôi thích như vậy.”

“Tôi cũng thế,” một người khác nói.

“Và nó cũng khiêm nhường nữa,” một phụ nữ vừa nói vừa đọc chữ trên mạng nhện.

Tất cả mọi người đến thăm chuồng lợn đều có lời nói tốt về Wilbur. Tất cả đều trầm trồ cái mạng nhện. Và dĩ nhiên chẳng ai nhìn thấy Charlotte.

Đột nhiên một giọng nói vang lên trên loa phóng thanh.

“Làm ơn hãy chú ý!” giọng nói cất lên. “Xin ông Homer Zuckerman mang con lợn trứ danh của mình đến lều giám khảo ngay trước khán đài. Một giải thưởng đặc biệt sẽ được trao trong vòng hai mươi phút nữa. Mời tất cả mọi người đến dự. Làm ơn hãy cho lợn của ông vào hòm, và trình diện ngay ở lều giám khảo, thưa ông Zuckerman!”

Mất một lúc sau thông báo đó, nhà Arable và nhà Zuckerman lặng đi không ai nói hay làm được điều gì. Thế rồi thằng Avery nhặt lấy một nắm rơm và tung cao tít lên trời và hét lên một tiếng thật to. Rơm rơi lả tả xuống tóc Fern như là hoa giấy. Ông Zuckerman ôm ghì lấy bà Zuckerman. Ông Arable ôm hôn bà Arable. Avery ôm hôn Wilbur. Lurvy bắt tay tất cả mọi người. Fern ôm chầm lấy mẹ. Avery ôm chầm Fern. Bà Arable ôm chầm bà Zuckerman.

Ở trên đỉnh đầu, trong bóng tối của cái trần, Charlotte thu mình lại để không bị nhìn thấy, mấy chân trước của chị ôm lấy cái bọc trứng. Trái tim chị đang đập không được khỏe như thường lệ và chị cảm thấy mình đang kiệt sức và già cỗi, nhưng cuối cùng thì chị đã biết chắc chắn chị đã cứu sống được Wilbur, và chị cảm thấy thanh thản và mãn nguyện.

“Chúng ta không có tí thời gian thừa nào đâu!” ông Zuckerman kêu lên. “Lurvy, giúp một tay với cái hòm nào!”

“Cho con một ít tiền đi?” Fern hỏi.

“Con cứ đợi đấy!” bà Arable nói. “Con không thấy mọi người đang bận à?”

“Bỏ cái bình nước sữa rỗng vào trong xe tải đi!” ông Arable ra lệnh. Avery túm lấy cái bình và lao lên cái xe tải.

“Tóc em trông có được không?” bà Zuckerman hỏi.

“Trông ổn,” ông Zuckerman nói cấm cảu, ông đang cùng Lurvy đặt cái hòm xuống trước mặt Wilbur.

“Anh thậm chí còn chưa nhìn tóc em mà!” bà Zuckerman nói.

“Em hoàn toàn ổn rồi, Edith,” bà Arable nói. “Cứ bình tĩnh.”

Templeton, ngủ quay trong đám rơm, nghe thấy tiếng náo động liền tỉnh dậy. Gã không hiểu thật sự có chuyện gì xảy ra, nhưng khi gã nhìn thấy đám người đẩy Wilbur vào trong hòm gã liền quyết định bám theo ngay. Gã chờ cơ hội và đến lúc không có ai để ý bèn lẻn vào trong hòm và rúc kỹ dưới đám rơm ở tận đáy.

“Nào các chàng, ổn cả rồi!” ông Zuckerman kêu lên. “Đi thôi!” Ông cùng ông Arable và Lurvy và Avery túm lấy cái hòm và nhấc nó qua thành chuồng và cho lên xe tải. Fern nhảy lên xe và ngồi trên đỉnh hòm. Cô vẫn còn rơm vương trên tóc và nom vừa xinh vừa phấn khích. Ông Arable nổ máy. Tất cả mọi người lại trèo lên, và họ lái tới lều giám khảo ở phía trước khán đài.

Khi họ đi qua vòng đu quay, Fern ngước lên nhìn và cô bé ước gì mình được ngồi trên cái giỏ cao nhất và có Henry Fussy ở bên cạnh.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30058


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận