Và thế là Wilbur trở về nhà với đống phân yêu dấu trong nhà kho khu chuồng. Và trở về thì trở về thật là kỳ khôi. Quanh cổ thì nó đeo một cái mề đay danh dự và trong mõm thì nó giữ một cái bọc trứng nhện. Chẳng có nơi nào bằng ở nhà, Wilbur nghĩ trong lúc cẩn thận để năm trăm mười bốn đứa con chưa nở của Charlotte vào một góc an toàn. Mùi khu chuồng dễ chịu thật. Bầy cừu và bầy ngỗng bạn nó rất vui khi thấy nó trở về.
Bầy ngỗng đón chào nó một cách ầm ĩ.
“Chúc-chúc-chúc mừng!” chúng kêu lên. “Giỏi lắm.”
Ông Zuckerman lấy cái mề đay từ cổ Wilbur và treo nó lên một cái đinh phía trên chuồng lợn, chỗ mà những khách thăm có thể kiểm tra được. Bản thân Wilbur cũng có thể ngắm nghía bất cứ lúc nào nó muốn.
Trong những ngày sau đó, nó đã rất hạnh phúc. Nó đã lớn bổng lên. Nó không còn lo lắng về việc bị giết nữa, bởi nó biết rằng ông Zuckerman sẽ để nó sống lâu hết mức có thể. Wilbur thường xuyên nghĩ về Charlotte. Một ít sợi tơ của cái mạng nhện cũ của chị vẫn còn treo trên ngưỡng cửa. Ngày nào Wilbur cũng đứng và ngắm cái mạng nhện trống không, rách nát, và một cục to đùng lại dâng lên nghẹn họng nó. Chẳng bao giờ có ai có được một người bạn như vậy – tình cảm đến thế, thủy chung đến thế, và khéo léo đến thế.
Những ngày thu mỗi lúc một ngắn hơn, Lurvy mang những cây bí và bí ngô từ trong vườn vào và xếp chúng trên sàn khu chuồng để chúng không bị chết cóng trong những đêm giá rét. Những cây thích và cây cáng lò ngả sang màu sáng và gió rung chúng giật chúng khiến chúng làm rơi từng chiếc lá một xuống mặt đất. Dưới những cây táo dại trên đồng cỏ, những quả táo hồng nhỏ phủ thành lớp dày trên mặt đất, và lũ cừu nhá chúng và lũ ngỗng nhá chúng và lũ cáo thì ban đêm đến ngửi chúng. Một đêm, ngay trước Giáng sinh, tuyết bắt đầu rơi. Tuyết phủ lên trên nhà và chuồng và đồng và rừng. Trước đó Wilbur chưa bao giờ nhìn thấy tuyết. Sáng ra, nó ra ngoài và dũi tuyết thành đống trong sân cho sướng. Fern và Avery tới, kéo theo một cái xe trượt. Chúng trượt theo con đường nhỏ và ra cả cái ao đóng băng ngoài đồng cỏ.
“Trượt là thứ vui nhất trên đời,” thằng Avery nói.
“Thứ vui nhất trên đời ư,” Fern tuyên bố, “chính là lúc mà vòng đu quay dừng lại còn Henry với em thì ở trên cái giỏ cao nhất và Henry làm cho cái giỏ lắc qua lắc lại và bọn em có thể nhìn thấy tất tật mọi thứ cách đó xa hàng dặm rồi hàng dặm rồi hàng dặm.”
“Trời ạ, em vẫn còn nghĩ đến cái vòng đu quay cũ rích đó hả?” thằng Avery nói với vẻ ghê tởm. “Cái Hội chợ đã qua được hàng tuần rồi lại hàng tuần rồi cơ mà.”
“Em lúc nào cũng nghĩ đến nó,” Fern nói và phủi tuyết ra khỏi tai cô.
Sau Giáng sinh cái nhiệt kết giảm xuống mười độ dưới không. Cái lạnh ngự trị thế giới. Đồng cỏ ảm đạm và băng giá. Giờ thì lũ bò ở lại trong chuồng suốt, trừ những buổi sáng có nắng chúng mới ra ngoài và đứng tránh gió ở chỗ đống rơm trong sân quây khu chuồng. Để được bảo vệ, bầy cừu cũng ở gần khu chuồng luôn. Khi nào khát, chúng sẽ ăn tuyết. Bọn ngỗng thì cứ quanh quẩn trong sân như bọn con trai quanh quẩn quanh hiệu thuốc vậy, và bà Zuckerman cho chúng ăn ngô và củ cải để cho chúng phấn khởi.
“Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn nhiều!” bọn chúng luôn nói vậy, mỗi khi thấy thức ăn được mang đến.
Templeton cũng chuyển chỗ ở vào trong nhà khi mùa đông tới. Cái tổ chuột của gã ở dưới máng lợn quá là lạnh, nên gã thiết kế cho gã một cái tổ ấm cúng ở đằng sau những thùng đựng ngũ cốc bên trong khu chuồng. Gã lót tổ bằng những mảnh báo bẩn cùng giẻ rách, và bất cứ khi nào gã tìm thấy một thứ đồ rẻ tiền hay một món lưu niệm nào đó là gã tha về và trữ ở đó. Gã tiếp tục viếng thăm Wilbur mỗi ngày ba lần, đúng vào bữa ăn, và Wilbur luôn giữ lời hứa. Wilbur để gã chuột ăn trước. Cho đến khi nào Templeton không thể nào nhồi thêm được miếng nào nữa vào mồm, khi đó Wilbur mới ăn. Hậu quả của việc ăn quá độ này là Templeton to đùng ra và béo hơn bất kỳ con chuột nào bạn thấy trên đời. Gã to đùng ngã ngửa. Gã to như một con chuột chũi non vậy.
Một ngày kia con cừu già nói chuyện với gã chuột về hình thể của gã. “Anh sẽ sống lâu hơn,” cừu già nói, “nếu anh ăn ít đi.”
“Ai muốn sống dai mãi mãi nào?” gã chuột cười nhếch mép. “Tôi bản tính tự nhiên là một kẻ ăn nhiều và trong thú vui ăn uống thì tôi đây thật chẳng bao giờ biết thỏa.” Gã vỗ vỗ vào bụng, ngoác mồm cười con cừu già, và lần lên gác để nằm.
Suốt mùa đông Wilbur trông chừng bọc trứng của Charlotte như thể nó canh gác chính con của nó vậy. Nó đã khoét một chỗ đặc biệt trong đống phân để đặt cái bọc, ngay cạnh hàng rào ván gỗ. Vào những đêm quá lạnh, nó nằm sao cho hơi thở của nó có thể sưởi ấm cái bọc. Với Wilbur, không gì trên đời quan trọng bằng cái vật nhỏ tròn này – không gì bằng hết. Nó kiên nhẫn chờ đợi mùa đông qua đi và sự xuất hiện của lũ nhện con. Cuộc sống luôn luôn phong phú và bình ổn khi mà ta đang chờ đợi một cái gì đó xảy đến hoặc nở ra. Mùa đông rút cuộc cũng hết.
“Hôm nay tôi nghe thấy tiếng ếch nhái,” cừu già nói vào một buổi tối. “Nghe nào! Bây giờ có thể nghe được tiếng chúng rồi đấy.”
Wilbur đứng im và dỏng tai lên. Từ ngoài ao vọng đến, như một dàn đồng ca ầm ĩ, tiếng kêu của hàng trăm con ếch con nhái nhỏ.
“Mùa xuân rồi,” cừu già nói vẻ suy tư. “Lại một mùa xuân nữa.” Khi bà ấy đi khỏi, Wilbur nhìn thấy một con cừu con đi theo đằng sau. Nó chỉ mới sinh ra được vài giờ.
Tuyết tan và chảy. Suối và mương sủi bọt và chảy róc rách với dòng nước đổ về.
Một con chim sẻ ức sọc bay đến và hót. Ánh ngày mạnh hơn, bình minh sớm dần. Hầu như mỗi sáng ra lại có một con cừu mới trong đàn cừu. Ngỗng cái đang ngồi trên chín quả trứng. Những sợi tơ sót lại cuối cùng của cái mạng nhện cũ của Charlotte đã bay đi và biến mất.
Vào một buổi sáng nắng đẹp, sau bữa sáng, Wilbur đứng ngắm cái bọc quý giá của nó. Nó chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Và bởi nó đứng đó, nó nhận ra có cái gì đó chuyển động. Nó bước lại gần và nhìn chằm chằm. Một con nhện bé xíu đã bò ra khỏi cái bọc. Nó không to hơn một hạt cát, không to hơn một cái đầu đinh ghim. Người nó xám và có một sọc đen ở phía dưới. Chân nó màu xám và nâu vàng. Và nó trông giống y như Charlotte.
Wilbur run rẩy hết cả người khi nó nhìn thấy con nhện. Con nhện bé vẫy nó. Thế rồi Wilbur nhìn sát lại hơn nữa. Hai con nhện bé nữa đã bò ra ngoài và vẫy. Bọn chúng bò vòng vòng quanh cái bọc để thám hiểm cái thế giới mới. Rồi có ba con nhện con nữa. Rồi tám con. Rồi mười con. Lũ con của Charlotte cuối cùng đã xuất hiện.
Trống ngực Wilbur đập rộn. Nó bắt đầu kêu eng éc. Rồi nó phi vòng vòng, đá phân tung lên trên không. Rồi nó nhảy lộn ra đằng sau. Rồi nó chống hai chân trước xuống và dừng lại trước mặt lũ con của Charlotte.
“Xin chào!” nó nói.
Con nhện đầu tiên có nói chào, nhưng mà giọng của nó bé quá đến nỗi Wilbur chẳng nghe nổi.
“Chú là một người bạn cũ của mẹ các cháu,” Wilbur nói. “Chú rất vui khi được gặp các cháu. Các cháu khỏe chứ? Mọi thứ ổn chứ?”
Những con nhện bé giơ chân trước vẫy nó. Qua cách chúng hành động, Wilbur có thể nhận thấy chúng vui khi gặp nó.
“Chú có thể làm gì cho các cháu không? Các cháu có cần gì không?”
Những con nhện bé chỉ vẫy vẫy mà thôi. Nhiều ngày và nhiều đêm chúng bò chỗ này rồi chỗ kia, lên trên rồi xuống dưới, chỗ đó rồi chỗ nọ, và vẫy vẫy Wilbur, và thám hiểm ngôi nhà của chúng, và kéo theo đằng sau những sợi tơ mỏng manh. Bọn chúng có hàng tá rồi hàng tá. Wilbur không thể đếm chúng cho nổi, nhưng nó biết rằng nó có vô khối bạn mới. Chúng lớn lên khá nhanh. Chẳng mấy chốc mỗi con đã to như một viên đạn ghém. Chúng giăng những mạng nhện bé con ở gần cái bọc.
Rồi đến một buổi sáng yên tĩnh ông Zuckerman mở cánh cửa ở hướng Bắc ra. Một luồng gió ấm thổi nhè nhẹ qua nhà kho khu chuồng. Không khí có mùi đất ẩm, mùi gỗ vân sam, mùi mùa xuân dịu ngọt. Những con nhện con cảm nhận được làn gió ấm nổi lên. Một con nhện trèo lên trên đỉnh hàng rào. Rồi nó làm một việc khiến Wilbur ngạc nhiên quá thể. Con nhện đứng bằng đầu, chổng bộ nhả tơ lên trên trời, và nhả ra một đám mây tơ. Tơ nhện đã tạo thành một quả cầu. Trong lúc Wilbur dõi nhìn, con nhện rời khỏi hàng rào và bay lên trên không trung.
“Tạm-biệt!” con nhện nói và nó bay qua ô cửa.
“Đợi một phút đã!” Wilbur hét lên. “Cháu nghĩ cháu sẽ đi đâu chứ?”
Nhưng con nhện đã chẳng còn thấy đâu nữa. Rồi một con nhện con lại bò lên đỉnh hàng rào, đứng bằng đầu, tạo một quả cầu, và bay đi.
Rồi một con nhện khác. Rồi một con khác. Không trung đầy những quả cầu tí xíu, mỗi quả cầu mang theo một con nhện.
Wilbur muốn phát cuồng lên. Lũ con của Charlotte biến mất với tốc độ kinh hoàng.
“Quay lại đi, các cháu!” nó rống lên.
“Tạm-biệt!” bọn chúng kêu. “Tạm-biệt, tạm-biệt!”
Cuối cùng một con nhện bé cũng chầm chậm dừng lại và nói chuyện với Wilbur trước khi làm quả cầu.
“Có gió ấm là bọn cháu rời khỏi nơi này. Đây chính là thời điểm để chúng cháu lên đường. Bọn cháu đều là các nhà hàng không và bọn cháu sẽ đi ra thế giới ngoài kia để tự giăng mạng cho mình.”
“Nhưng đi đâu cơ?” Wilbur hỏi.
“Bất cứ nơi đâu gió cuốn bọn cháu đến. Cao, thấp. Gần, xa. Đông, Tây. Nam, Bắc. Cứ gửi mình cho gió, sướng đâu đi đó.”
“Các cháu đi cả ư?” Wilbur hỏi. “Các cháu không thể bỏ đi cả được. Chú sẽ bị bỏ lại một mình, không bè không bạn. Mẹ các cháu sẽ không muốn điều đó xảy ra đâu, chú cam đoan là như vậy.”
Không trung bây giờ đầy ắp những thợ lái khinh khí cầu đến nỗi nhà kho khu chuồng trông cứ như là bị một màn sương mù che phủ. Hàng tá các quả cầu cứ dâng lên cao, quay vòng, và trôi đi mất qua cánh cửa theo làn gió nhẹ. Những tiếng kêu “Tạm-biệt, tạm-biệt, tạm-biệt!” vọng đến tai Wilbur nhỏ dần. Nó không thể chịu đựng nổi khi nhìn cảnh này nữa. Nó đau buồn buông mình xuống đất và nhắm mắt lại. Bị lũ con của Charlotte bỏ rơi có khác nào sự cáo chung của thế giới. Wilbur khóc lóc cho đến khi ngủ thiếp.
Khi nó thức dậy trời đã là chiều muộn. Nó nhìn cái bọc trứng. Nó nhìn lên trên không. Các thợ lái khinh khí cầu đã đi sạch. Rồi nó sầu thảm bước đến chỗ ngưỡng cửa, nơi trước kia có cái mạng nhện của Charlotte. Nó đang đứng đó, nghĩ về chị nhện, thì nó nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ.
“Chào mừng!” giọng nói cất lên. “Cháu ở trên này.”
“Cháu cũng thế,” một giọng nói khẽ nữa cất lên.
“Cháu cũng thế,” giọng nói thứ ba cất lên. “Có ba chúng cháu ở lại đây. Chúng cháu thích chỗ này, và chúng cháu thích chú.”
Wilbur nhìn lên. Trên đỉnh khung cửa có ba cái mạng nhện đang được giăng ra. Trên mỗi mạng nhện, là một đứa con của Charlotte đang làm việc bận rộn.
“Chú có thể hiểu rằng,” Wilbur hỏi, “các cháu đã quyết định dứt khoát ở lại sống trong nhà kho khu chuồng này, và rằng chú sẽ có đến ba người bạn?”
“Đúng thế đấy ạ,” mấy con nhện nói.
“Tên các cháu là gì ấy nhỉ?” Wilbur hỏi, vui sướng đến phát run.
“Cháu sẽ nói tên cháu,” con nhện nhỏ đầu tiên trả lời, “nếu chú nói cho cháu biết tại sao chú phát run.”
“Chú phát run vì vui,” Wilbur nói.
“Vậy tên cháu là Vui,” con nhện đầu tiên nói.
“Tên đệm của mẹ cháu là gì?” con nhện thứ hai hỏi.
“A,” Wilbur nói.
“Vậy tên cháu sẽ là Aranea,” con nhện đáp.
“Thế còn cháu?” con nhện thứ ba hỏi. “Chú có thể chọn ra một cái tên rõ hay nào cho cháu - một cái không dài quá, không lố quá, và không ngốc quá?”
Wilbur nghĩ rất lung.
“Nellie?” nó gợi ý.
“Hay, cháu rất thích đấy,” con nhện thứ ba đáp. “Chú có thể gọi cháu là Nellie.” Nó duyên dáng thắt chặt vòng tơ vào cái nan tiếp theo của cái mạng nhện.
Lòng Wilbur tràn ngập hạnh phúc. Nó cảm thấy nó nên có một bài nói ngắn nhân dịp quan trọng này.
“Vui! Aranea! Nellie!” nó bắt đầu. “Chào mừng ở lại nhà kho khu chuồng. Các cháu đã chọn một ngưỡng cửa thiêng liêng để giăng mạng nhện của các cháu. Chú nghĩ chỉ có công bằng khi chú nói với các cháu rằng đời chú là thuộc về mẹ các cháu. Chú nợ mẹ các cháu chính cuộc sống này của chú. Mẹ các cháu thông minh, đẹp đẽ, và thủy chung như nhất. Chú sẽ luôn quý trọng ký ức về chị ấy. Với các cháu, là các con của chị ấy, chú muốn có một tình bạn, dài mãi mãi và mãi mãi.”
“Cháu cũng vậy đấy,” Vui nói.
“Cháu cũng thế,” Aranea nói.
“Cháu cũng thế nữa,” Nellie nói, nó đã cố bắt cho được một con muỗi nhỏ.
Đó là một ngày hạnh phúc đối với Wilbur. Và còn rất nhiều ngày hạnh phúc, thanh bình như thế nối tiếp.
Thời gian trôi qua, nhiều tháng và nhiều năm đến rồi đi, Wilbur không bao giờ không có bạn. Fern không còn đến khu chuồng đều đặn nữa. Cô bé đã lớn lên, và đã cẩn thận để tránh những trò trẻ con, như ngồi ở cái ghế vắt sữa cạnh chuồng lợn chẳng hạn. Nhưng con cái, cháu chắt và chút chít của Charlotte, năm này qua năm khác, đều sống ở ngưỡng cửa. Mỗi mùa xuân lại có những bé nhện mới nở ra thế chỗ cho kẻ ở trước. Hầu hết bọn chúng đều bay đi, trên những quả cầu. Nhưng lúc nào cũng có hai hoặc ba con ở lại và bắt đầu sắp dọn chỗ ở trên ngưỡng cửa.
Ông Zuckerman trong suốt những tháng ngày còn lại của mình khá quan tâm đến Wilbur, và con lợn thường xuyên được bạn bè cùng những người ngưỡng mộ đến thăm, bởi chẳng ai quên cái năm vinh quang của nó cũng như phép màu trên mạng nhện. Cuộc sống ở khu chuồng thật là tốt - ngày cũng như đêm, đông cũng như hè, xuân cũng như thu, ngày u ám cũng như ngày rực rỡ. Đây là nơi tốt nhất để sống, Wilbur nghĩ, cái nhà kho ấm áp dễ chịu này, với lũ ngỗng lắm mồm, với mùa vụ thay đổi, với mặt trời ấm nóng, với bầy sẻ bay qua bay lại, với bọn chuột sát cạnh, với lũ cừu tứ thời giống nhau, với những con nhện yêu quý, với mùi phân, và sự huy hoàng của tất cả.
Wilbur không bao giờ quên Charlotte. Cho dù nó yêu quý con cái rồi cháu chắt của chị nhện lắm, nhưng không một con nhện mới nào thay thế được vị trí của chị trong lòng nó. Chị nhện luôn ở riêng một chỗ. Ở đời chẳng mấy khi có được người vừa là bạn thiết vừa hay chữ đến thế. Chỉ có mỗi Charlotte.
- HẾT TRUYỆN -
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !