Chẳng có thư từ gì cả. An-ca chán nản bước ra khỏi bưu điện và dừng lại ngắm dòng người đang đi lại tấp nập trên vỉa hè. Cô muốn được hòa vào dòng người đó, rồi đi đến đâu thì đẹn, đi mãi mãi để được cảm thấy thanh thản, thoát khỏi cái cảnh sống buồn tẻ trong căn phòng bé tí, chật chội mà cô đang nương náu. “Mình nhớ là vườn bách thú ở đâu rất gần đây thôi – cô nghĩ – Sao lại không đi xem mấy chú gấu con ngộ nghĩnh, suốt ngày cứ ì à ì ạch trèo lên trèo xuống mấy cái cầu tuột bằng bê tông nhỉ?”. Nhưng cô cố thắng những điều đang cám dỗ mình, vì sợ những cuộc gặp mặt không ngờ, không cần thiết. Ra khỏi nhà để đến bưu điện thế này cô cảm thấy đã liều lĩnh lắm rồi. Chớ có dại dột lao đầu vào nguy hiểm mà làm gì, vì nhỡ ra một cái mà chạm trán với Vich-to hay với đám bạn nào đó trong cái băng của gã thì tính mạnh coi như đi đứt. Cô cũng bắt đầu hiểu rằng cái lối sống buông thả đã gây cho cô đủ mọi thứ lôi thôi và bây giờ đành phải cắn răng mà chịu đựng. Nhưng dẫu sao cô cũng phải trả thù đến nơi đến chốn cái kẻ đã dám đánh đập cô. Lúc này mà chạm trán hắn thì sẽ ra sao đây? Đã thế lại còn cảnh sát nữa chứ? Chắc chắn là người ta đang cố tìm chỗ tiền đó. Biết làm gì với nó đây? Khoản tiền đâu phải ít…
Suy tính kỹ lưỡng tất cả những chuyện đó, cô thấy mình nên trở về nhà. Cô biết là bây giờ ở nhà chẳng còn ai nữa. Dô-xca đang trực ở tổng đài điện thoại thành phố cho đến nửa đêm. Bà mẹ thì chưa đi làm về. Sẽ phải xuống bếp hâm lại món thịt ninh hôm qua còn thừa và đun nước pha trà. Sau đó, cứ thử mở ti vi xem có tiết mục gì không. Vì không quen chuyện nội trợ nên cái cảnh cô vừa vẽ ra trước mắt đó chẳng có sức hấp dẫn mấy.
Ngoài phòng treo áo vắng tanh. An-ca bước qua cửa quay, vào đến một gian phòng không rộn lắm nhưng sạch sẽ. Sau cái quầy dài nằm dọc theo bức tường hông của căn phòng, có một cô bán hàng đang đứng không. Chỉ có hai chiếc bàn con đang bận khách, còn bao nhiêu đều trống.
Cô ngồi xuống, mở thực đơn ra và bắt đầu thầm đọc. Ngay lúc ấy trên đầu cô vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ, lịch sự một cách quá đáng.
- Thưa cô, cô dùng gì, xin cứ bảo ạ?
An-ca ngẩng lên. Trước mặt cô là một anh hầu bàn mặc áo bu-dông trắng bằng vải gai. Khuông mặt tươi cười đó, An-ca thấy quen quen, nên cô mìm cười đáp lại, rồi hỏi:
- Nom anh quen quá. Có điều tôi không nhớ là đã gặp ở đâu.
- Ở Bri-xtôn đấy ạ, cách đây ít lâu tôi vẫn làm ở đó.
- À, tôi nhớ ra rồi, ông là Di-u-tếch. Sao lại chuyển đến đây thế?
Nét mặt Di-u-tếch ỉu xìu ngay
- Bọn chúng đẩy tôi đi đấy, quân chết giẫm. Chúng nói tôi thu lạm tiền của khách… Thôi, mặc xác chúng, muốn nói gì thì nói. Uống đẫy vào rồi kiếm chuyện, chẳng cho ai làm ăn gì sất!
- Tôi hy vọng là ông chẳng phải ở đây ;âu. Vì Bri-xtôn đâu phải là cái hang chuột.
- Vâng, dĩ nhiên… Bây giờ tự dưng cô hóa thành như một bà quả phụ nhỉ?... Ai có thể ngờ được thế. Cô có cho tôi biết được không: kẻ nào đã gây nên thế? Cơ sự thế nào vậy?
Những câu hỏi kỳ lạ ấy làm cô sợ. Sao ông ta lại nói đến chuyện góa phụ nhỉ? Có chuyện gì xảy ra vậy? Khó khăn lắm cô mới giữ được hơi thở bình thường.
- Ông muốn nói đến Vich-to phải không? Chúng tôi chia tay nhau rồi… Lâu nay tôi có gặp lại đâu… - cô nói rất khẽ, cảm thấy mặt tái đi.
- Ra cô chưa tin sao? – Di-u-tếch cúi người xuống, rồi hạ giọng – Anh ta bị giết, cách đây hình như hai ba ngày rồi.
- Chết rồi ư? Vích-to! Trời ơi! Có lẽ người ta đồn bậy hay sao ấy, chứ có thấy báo chí đả động gì đén chuyện ấy đâu.
- Bậy gì nữa, báo hơi đâu đưa tin riêng về từng vụ. Một thằng bạn của Vích-to có ghé đến chỗ anh ta. Nhưng cửa đã bị niêm phong. Có điều, cả khu nhà đang kháo ầm lên về chuyện đó… Nhờ bà con hàng xóm mà cậu này hay tin đấy.
- Khủng khiếp quá! Khó mà tin được – An-ca cảm thấy choáng váng như sắp ốm – Ông Di-u-tếch, tôi chẳng còn nuốt nổi một thứ gì nữa đâu. Ông chỉ cho một cốc vốt-ka và tách cà phê thôi nhé.
Thấy mặt cô gái tái nhợt, người hầu bàn vội trở gót quay đi và chỉ một phút sau đã mang những món cô gái vừa đặt tới. Rồi, khi cô gái vừa lấy tiền ra trả và châm thuốc hút, thì ông ta liền tiến ngay sau bức bình phong, dùng che lối vào của gian bếp. Ông ta gật gật mấy cái liền để gọi cô bán hàng lại và bảo khẽ:
- Va-xka, cô trông chừng hộ tôi mười lăm phút nhé! Tôi đảo lại đằng kia tí rồi về ngay đấy – và không đợi cô kia trả lời, ông ta đã cởi phăng ngay chiếc blu-dông trắng ra, khoác áo vét-tông vào.
- Được, nhưng phải nhanh chân lên đấy. Muốn “cua” con bé kháu khỉnh kia chứ gì?
- Đâu dám. Ruột gan tôi còn ở chỗ khác kia. Tôi sẽ quay lại ngay đấy – Ông ta đẩy cái bình phong cho hẹp lại một chút nữa và nhìn vào phòng ăn.
Thấy An-ca đã đứng lên, ông ta liền ba chân bốn cẳng lao ra cổng. Rồi không để lỡ một giây, ông ta theo sát cô, trà trộn trong đám đông, nhưng cố không để cho mái tóc màu sáng mất hút khỏi tầm mắt.
PHẦN 17
- Từ giờ trở đi chắc tôi chằng còn được yên thân lấy một phút nào nữa đây? – bà dì của An-ca vừa lầu bầu, vừa đưa Vưđ-ma vào phòng khách. Từ cái hôm con bé hư thân ấy trốn đi đến giờ, không hôm nào là hôm không có người đến đây.
Chẳng buồn để ý đến lối tiếp đón đó, Vưđ-ma cứ chắp tay sau lưng, thản nhiên đi đi lại lại trong phòng, chăm chú ngắm những pho tượng sứ bé bé, xinh xinh bày la liệt khắp nhà.
- Những đồ chơi be bé kia, nom thế chứ bây giờ có giá lắm đấy – anh nói bâng quơ.
Bà chủ nhà hằn học nhìn khách và đáp lại bằng một giọng châm chọc khá độc địa.
- Ông thông thạo những khoản ấy lắm nhỉ?
- Cách đây ít lâu, tôi có điều tra một vụ mất trộm đồ sứ, bởi thế cũng biết được chút ít – Vưđ-ma cười.
- Thế ông đến đây để bồi bổ thêm những kiến thức về đồ sứ chăng?
- Ồ không. Tôi đến đây vì một chuyện còn quan trọng hơn nhiều.
- Thế có thật là thiếu tôi thì ông không thể nào giải quyết nổi cái công việc quan trọng ấy phải không? Đây là lần thứ tư tôi phải tiếp những vị khách bất đắc dĩ rồi đấy.
- Thật vậy sao? Thế nghĩa là đã có những ba người quấy quả bà rồi kia ư? Họ là những ai vậy? À, có lẽ ta hãy ngồi xuống tí đã, may ra câu chuyện mới đỡ bớt cái vẻ căng thẳng vừa rồi.
- Đã thế, xin mời ông ngồi – Gịong bà chủ đã có chiều dịu bớt. Lòng tò mò và ý muốn trò chuyện đã thắng thế. Bà cũng ngồi ngay xuống trước mặt thiếu tá Vưđ-ma – Xin ông cứ thẳng thắn, tôi nghe đây, ông thiếu úy ạ…
- Thiếu úy là cái anh hôm nọ, còn tôi là thiếu tá cơ – Vưđ-ma cười – Vì ăn mặc thường phục thế này, dĩ nhiên là rất khó đoán.
- Ví thử ông có mặc quân phục vào, tôi cũng chỉ biết gọi ông là thiếu úy thôi. Tôi không thạo lắm về các loại quân hàm. Nhưng thôi, ông đã muốn gọi là thiếu tá thì tôi cũng xin vâng là thiếu tá. Vậy thưa ông thiếu tá, ông muốn gì ở tôi nào?
- Thế này bác nhé: đầu tiên, ta hãy nói đến ba cuộc viếng thăm trước đây đã, vì bác chưa trả lời tôi câu hỏi ban nãy. Tại sao tôi lại là người thứ tư?
- Vì người đầu tiên tìm đến đây là anh thiếu úy bên cảnh sát – bà chủ bắt đầu kể - Tiếp đến là một thằng cha rất khả nghi, tôi có thèm nói với gã câu nào đâu. Rồi lại một anh thanh niên đến nữa, mặt mũi, tính nết dễ thương đáo để. Anh ta ăn nói cởi mở, niềm nở lắm kia.
- Thế anh ấy hỏi những gì ạ?
- Thì cũng như hai người kia: An-ca hiện ở đâu?
- Chà, nếu thế thì tôi đúng là người thứ tư thật, vả lại cũng đến để hỏi bác chính cái câu ấy đấy.
- Vậy thì tôi cũng chỉ biết trả lời, hệt như đã trả lời ba người kia thôi: tôi không biết!
Vưđ-ma nhìn thẳng vào mắt bà già. Bà không chịu đựng nổi cái nhìn ấy nên quay mặt đi.
- Bác không biết thì kể cũng gay cho An-ca đấy… Đây đâu phải là chuyện truy nã cô cháu của bác, mà là chuyện cứu mạng cho cô ấy. Bác biết đấy, cảnh sát chẳng những có nhiệm vụ khám phá các vụ phạm tội và đề nghị truy tố bọn tội phạm, mà còn phải giúp đỡ mọi người, bảo vệ tính mạng cho mọi người nữa. Bây giờ chắc bác rõ cả rồi phải không ạ?
- Thế hóa ra… tính mạng con bé đang bị đe dọa sao? – Bà cụ hồi hộp khi nghe xong những lời Vưđ-ma vừa nói.
- Một khi ta đã biết rõ một nguy cơ nào đó, thì cái nguy cơ ấy không còn đáng sợ nữa, vì ta đã có thể phòng trước. Chỉ khi không biết kia mới gay go, bác ạ. Chúng tôi có dò biết được đôi điều về nguyên nhân của mối đe dọa ấy, nhưng tai họa từ đâu đến thì chưa nắm được gì. Và cả bao giờ thì tai họa ấy giáng xuống nữa, cũng chưa biết. Vì thế, chúng tôi đang cần những gì giúp chúng tôi tiếp xúc được với cô An-ca của bác, trước hết là để giúp cô ấy tránh cái tai họa kia. Còn những gì khác nữa thì chuyện đó còn tùy ở mức độ cô ta liên quan đến vụ này.
- Nghe ông nói mà tôi bủn rủn cả người. Tôi lo quá, ông ạ! Cả cái anh thanh niên dễ thương đến đây cũng nói là An-ca đang gặp chuyện rủi ro. Vì thế, nên tôi đã – bà cụ bỗng im bặt và buồn bã nhìn thiếu tá.
- Vì thế, nên bác đã nói cho anh chàng ấy biết những điều mà bác không hề hé răng với bất cứ ai, đúng thế không nào?
- Vâng, đại để là thế… - Rồi bà xoay xoay chiếc nhẫn đeo trên ngón tay và bứt rứt – Khi con bé cháu nó thú thật là đã cắt đứt với cái gã nhân tình gì đó của nó và trốn đi, tôi chỉ đinh ninh trong bụng là nó muốn trốn cái thằng này. Nhưng sau đó, cậu thiếu úy của các ông đến đây tìn thì tôi đã lo lo. Tới lúc cái thằng cha khả nghi kia vào mặt lại, rồi tiếp đó là cái anh chàng thanh niên dễ thương thì tôi đâm hoảng… Vì thế tôi có nói cho anh ấy bíêt chỗ nương náu của con bé cháu. Nghe xong, anh ấy c4ung cho hay: An-ca đang có nguy cơ đến tính mạng…
- Làm sao mà anh ấy biết được địa chỉ của bác hả?
- Tôi cũng chẳng hỏi nữa.
- Anh ấy tên là gì ạ?
Bà cụ đưa cả bàn tay lên che miệng và nhìn Vưđ-ma bằng đôi mắt mở to.
- Chết thật! Tôi quên mất rồi. Anh ấy có nói họ tên đấy, nhưng tôi quên biến mất…
Vưđ-ma cười
- Thôi, biết làm sao được… Thế anh ấy còn nói gì nữa không hả bác?
- Nhắc tới chuyện đó, tôi chết từng khúc ruột, ông thiếu tá ạ… Nhưng cơ sự đến nông nổi này rồi thì cũng chẳng giấu mà làm gì… Con bé lấy trộm của anh ấy…
- Lấy trộm ư? – Vưđ-ma chồm hẳn người về phía cụ - Lấy mất bao nhiêu tiền?
- Nó có lấy tiền đâu. Anh ta mất là mất cái áo măng tô với cái xắc bằng da, để trong phòng cô vợ chưa cưới, vì có anh nào đó, đại để là thế, đưa nó vào căn phòng ấy, ăn ngủ gì đó với nhau.
- Anh ấy chỉ nói đến chiếc măng tô với cái xắc thôi sao? – Trong giọng nói của Vưđ-ma thoáng chút ngờ vực.
- Vâng, dĩ nhiên. Chứ ông còn đòi gì nữa. Đầu đuôi thế này đây.
Rồi bà thuật lại những gì A-na-tôn Xar-na kể với mình. Và lại một câu đố nát óc nữa mỗi lúc một lớn dần lên trong óc Vưđ-ma.
- Thế bác đã cho anh ấy biết những gì?
Bà cụ nhắc lại đầy đủ những gì mình đã nói với Xar-na bằng một giọng đầy lo âu.
- Xem ra tôi đã dại dột khi đem kể hết với anh thanh niên những chuyện đó, phải không? Nhưng trông mặt mũi, thì anh ta là người tử tế. Anh ấy hứa sẽ báo cho An-ca biết chuyện cô ta đang bị truy lùng. Có điều tôi không hiểu vì sao anh ấy lại biết được chuyện đó.
- Chính tôi nữa, tôi cũng không biết, phải chi có ai đó giải đáp giúp cho câu hỏi ấy thì tốt quá bác nhỉ? – Và Vưđ-ma chấm dứt buổi trò chuyện với bà dì của An-ca.
Từ biệt bà cụ, thiếu tá đi ngay đến Nô-vô-li-ki. Anh tìm cái hiệu uốn tóc phụ nữ mà Ur-ba-ny-ac đã mách cho trong cuộc hỏi cung. Ông Vát-xláp chỉ có hai khách hàng. Bởi thế ông dễ dàng đưa thiếu tá vào căn phòng nhỏ bên trong cửa hiệu để tiếp chuyện. Ông thợ uốn tóc vẫn còn trẻ trung lắm nên tóc tai bôi sáp thơm bóng nhẫy, mặt bầu bĩnh và trên môi không lúc nào tắt nụ cười mãn nguyện. Ông đảo mắt nhìn nhanh tấm giấy chứng minh mà Vưđ-ma chìa cho ông, rồi mời thiếu tá ngồi xuống chiếc ghế dựa đặt cạnh một chiếc ghế nữa dành cho chính mình, trịnh trọng ngồi xuống. Gương mặt ông không hề giấu giếm vẻ tò mò.
- Tôi có thể giúp ích được gì cho ông đây, thưa thiếu tá? – ông chủ hiệu mở đầu trước.
- Tôi muốn nhờ ông cho biết một vài điều về một cô khách hàng của ông – Vưđ-ma đi thẳng vào đề, không màu mè gì – Nhưng câu chuyện giữa chúng ta xin ông giữ kín cho.
- Vâng, cố nhiên! – ông Vát-xláp cúi đầu, ra cách hứa sẽ giữ đúng lời dặn – Nhưng về cô khách hàng nào thế ạ?
- Ông vẫn thường uốn tóc, đúng hơn là trước đây cơ, ông vẫn thường uốn tóc cho cô An-ca El-mer phải không? Cái cô người dong dỏng cao, tóc vàng, xinh đẹp ấy mà.
- Xin gượm cho một tí… El-mer ư… - ông Vát-xláp nhíu trán và khuôn mặt bầu bĩnh lộ rõ vẻ suy nghĩ hết sức căng thẳng.
- Trong đám thế tục vẫn gọi là An-ca Trắng.
- Chắc là tôi có biết đấy – rồi ông thợ uốn tóc bỗng vỗ đùi đánh đét một cái – Thôi, tôi nhớ ra rồi… Phải, cô ấy vẫn thường đến làm đầu ở đây, cùng với cô bạn gái, vốn là khách quen lâu nay của hiệu chúng tôi.
- Có thế chứ - Vưđ-ma đắc ý gật đầu – Thế cô bạn ấy tên gì?
- Uây-xka-y-a. Cô này thì tôi biết rõ lắm vì là bạn của một cô thợ làm ở hiệu chúng tôi. Có điều tôi chưa rõ ông muốn hỏi điều gì…
- Nói chung là hết thảy những gì ông biết về cô El-mer.
Ông Vát-xláp nín thinh đến cả phút đồng hồ.
- Những gì tôi biết ư? – ông ta nhắc lại, ra chiều đang ngẫm nghĩ ghê lắm – Thực tình, tôi chẳng biết gì nhiều nhặn lắm đâu. Của đáng tội, khi làm việc, chúng tôi quả có hay trò chuyện với khách hàng thật đấy, nhưng nghe tai này lại sang tai kia, thành ra chẳng còn nhớ được mấy.
- Thì cũng như ong hút mật vậy thôi, biết đâu, chỉ một giọt cỏn con nhưng rốt cuộc vẫn được cả một bộng mật đầy – Vưđ-ma hít một hơi dài.
- Ông ví von đắt thật – nụ cười lại hửng sáng trên mặt ông thợ uốn tóc – Tôi xin thử nói nhé: cô ấy cặp bồ với một anh chàng mang biệt hiệu là Táo Xanh. Có lần, anh chàng đã vào tận hiệu chúng tôi tìm cô An-ca đấy.
- Cô ấy ở chung nhà với anh chàng kia à?
- Địa chỉ anh ta thì tôi không biết, nhưng cô An-ca có lần bảo là nhà ở xa, mãi tận Ô-khô-ta kia. Tên đường cô ấy không nói.
- Thế bạn gái của cô ta, cô Uây-xka-y-a ấy mà, chắc cũng ở đâu đó trong khu Ô-khô-ta hả?
- Khoản ấy thì Kri-zti-na rành hơn tôi. Họ là bạn của nhau mà. Cô ấy đang làm ngoài kia. Tôi mời cô ta vào gặp ông nhé.
- Được thôi, ông gọi giúp cho.
Ông Vát-xláp để thiếu tá ngồi lại trong phòng, còn mình thì vội vàng ra ngoài, và chỉ một lát sau, đã dắt theo vào một cô gái, mặc áo blu trắng, mặt dài dài, khô khan, mắt không linh hoạt mấy, môi thì mỏng dính nhưng tô son rất khéo léo. Cô nhìn Vưđ-ma bằng cặp mắt bình phẩm rồi tựa một bên vai vào khugn cửa ra vào và im lặng đứng chờ người ta hỏi chuyện.
- Tôi nghe nói hình như cô quen với cô Uây-xka-y-a thì phải?
- Vâng. Chúng tôi là bạn của nhau.
- Trước khi hỏi tiếp, có lẽ ta nên làm quen với nhau tí nhỉ? Xin tự giới thiệu: tôi là thiếu tá Vưđ-ma, công tác ở Tổng cục công an.
Cô gái liền mỉm cười, vẻ hơi bối rối, phô ra hai hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp.
- Tôi là Kri-xti-na Kna-pich. Như ông biết đấy, tôi làm ở hiệu uốn tóc này.
- Thế nhà cô ở tận đâu kia?
- Gần ngay đây thôi ạ. Đường Pa-vy-a, nhà số hai.
- Cô cũng biết cả cô An-ca El-mer nữa chứ?
- Biết ạ. Cô ấy là bạn của Dô-xka.
- Ý kiến của cô về cô El-mer ra sao? Vì tôi chỉ quan tâm đến cô ấy thôi.
Kri-xti-na nhún vai:
- Tôi biết nói thế nào đây nhỉ? Cô ta tiêu xài hoang phí lắm, mà cũng chẳng buồn giấu giếm, che đậy gì. Rất được nam giới hâm mộ nhưng chuyện đó thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả: cô ấy rất chi là xinh đẹp.
- Chà, thế thì hơi ít đấy – thiếu tá thở dài – Cô vẫn gặp cô ấy luôn chứ?
- Cũng chẳng thường lắm đâu ạ. Thỉnh thoảng chúng tôi có đi xem chiếu bóng. Còn nghỉ hè thì cô ấy mới đưa tôi với Dô-xka về Da-lê-sy-e Gur-nô-e chơi. Ở đấy, An-ca có ông chú. Ông cụ đã nghỉ hưu nên rất thích thú mỗi lần chúng tôi ghé về thăm. Ông cụ cũng thích nhấm nháp cùng mấy chị em chúng tôi một cốc vốt-ka con con. Chúng tôi thường hưởng những ngày hé đầy th1u vị ở đó. Thỉnh thoảng, còn giở những trò đùa tếu ra nữa. Ông cụ có tòa nhà tuyệt lắm, vườn thì rộng thênh thang, tha hồ mà tắm nắng.
- Cô có nhớ địa chỉ của ông ấy không?
- Nhớ chứ: đường Prô-men, số nhà 39.
- Các cô chắc ahy đến các tiệm ăn lắm nhỉ?
- Tôi chỉ hay đi ăn hiệu với Dô-xka thôi, còn cả ba chị em thì năm thì mười họa mới đi một lần.
- Thế chắc cô cũng biết cả người yêu của cô El-mer đấy nhỉ? Cái anh tên là Táo Xanh ấy mà.
Kri-xti-na nhún vai:
- Tôi không biết anh này.
- Còn cô, đã có người yêu chưa? – Vưđ-ma tủm tỉm cười.
- Người yêu thì chưa, nhưng chồng thì có đấy.
- Anh ấy làm ở đâu vậy?
- Giữ áo choàng ở tiệm Giai điệu…
- Lương bổng chắc hậu lắm nhỉ. Có thể chúc mừng anh chị được chứ? Này, thế còn Uây-xka-y-a? Hẳn đang sống độc thân chắc?
- Chị ấy ở với mẹ ạ. Đường Gi-ma-lư, nhà số 5.
- Có lẽ ta tạm dừng ở đây thôi. Cảm ơn cô nhé.
Vưđ-ma từ biệt ông Vát-xláp rồi ra xe. Tuy đã gần tối rồi, nhưng anh vẫn quyết định đến thẳng đường Gi-ma-lư, hy vọng gặp được ở đó cái cô An-ca đã khổ công tìm kiếm suốt từ mấy bữa nay.
Gi-ma-lư là một hẻm nhỏ, gối đầu lên đường Ra-tu-sốp. Vưđ-ma tìm ngay được căn nhà số năm chẳng khó khăn gì. Nhà đã cũ kỹ lắm rồi, nhưng cao đến ba tầng. Thiếu tá hơi lấy làm lạ: trước cổng đã có một chiếc xe nhãn hiệu Warazawa của Tổng cục công an, còn trên vỉa hè thì một đám đông đang trò chuyệt hết sức sôi nởi với một anh cảnh sát.
Vưđ-ma bảo người lái xe đỗ lại để anh đi bộ một quãng ngắn nữa rồi chậm chạp tiến về phía căn nhà định đến.