Sáng hôm sau, Đinh Phúc đứng trước cửa phòng gõ liền mấy bận vẫn không nghe tăm hơi thì lấy làm lạ. Chờ thêm nửa canh giờ vẫn không thấy động tĩnh bên trong, Đinh Phúc hốt hoảng xô cửa bước vào. Trong lòng hắn cứ đinh ninh An Định Hầu gặp chuyện. Ngờ đâu, hắn đến cạnh giường thấy ông ta ôm gọn Thác Hoa trong lòng mà ngủ, liền vội vàng rón rén bước trở ra ngoài. Thật sự Thác Hoa đã dậy từ rất lâu. Chỉ là cựa quậy thế nào cũng không thoát được vòng tay của An Định Hầu, hơn nữa, Thác Hoa lần đầu tiên ngủ chung với nam nhân thẹn biết chừng nào. Nàng sợ làm ông ta thức dậy thì không biết phải làm sao nên cứ nhắm mắt giả vờ như đang ngủ cho êm chuyện. Đầu cứ vái trời khấn đất mong thoát khỏi hoàn cảnh tréo ngoe nhưng bụng dạ Thác Hoa lại hân hoan lạ. An Định Hầu cũng đã thức. Đinh Phúc vừa rón rén ra ngoài, ông ta vờ trở mình sang một bên buông Thác Hoa ra. Thác Hoa vội vàng bước xuống giường chỉnh lại trang phục. Nàng mở hé cửa thấy Đinh Phúc đang đứng hầu bên ngoài. Thác Hoa nói:
- Đinh tổng quản,ta muốn … tắm gội!
Đinh Phúc nghĩ rằng đêm qua đã có một trận mưa ân gió ái nên đã kêu gọi bọn tỳ nữ chuẩn bị sẵn nước nóng. Hắn nghe Thác Hoa lên tiếng liền vội vàng lớn tiếng gọi. Hai tỳ nữ đứng hầu gần đó nhanh chóng bước đến vài chào. Đinh Phúc ra lệnh:
- Hai ngươi phải hầu hạ An Định Hầu phu nhân chu đáo. Nếu làm phu nhân có gì không vừa ý thì đừng trách ta!
Đinh Phúc thường ngày dễ giải với bọn thái giám cấp dưới nhưng rất nghiêm khắc với tỳ nữ trong điện Vĩnh Tường. Vốn hắn nào phải là thái giám thật nên sợ lơ là sẽ động tình với các cung nữ thành ra luôn nghiêm khắc phòng ngừa. Hai tỳ nữ nghe Đinh Phúc ra lệnh cúi người dạ lớn rồi nói:
- Xin mời phu nhân đi lối này!
Thác Hoa bẽn lẽn đi theo hai tỳ nữ. Đinh Phúc chờ nàng đi khuất mới nhẹ nhàng vào phòng. An Định Hầu đã thức dậy đang thong thả uống trà. Đinh Phúc cười hì hì vấn an:
- Hôm nay nhìn sắc mặt ngài thật sự hồng hào tráng kiện!
An Định Hầu nghe tiếng cười biết thảy đầu óc hắn đương suy diễn điều gì. Ông chỉ cười đáp:
- Ta thấy ngươi mấy năm trong cung đã học được thuật tâng bốc. Đừng đoán bậy. Đêm qua chỉ là ta được ngon giấc hơn một chút! Mau mau chuẩn bị phòng tắm cho ta!
Đinh Phúc chỉ chờ vậy cúi người đáp:
- Hạ quan đã chuẩn bị từ lâu. Nước vừa đủ nóng, lại thêm hương sen, ngài sẽ rất thích thú!
Đinh Phúc liền đi trước dẫn đường. An Định Hầu thong thả theo sau. Đinh Phúc đến trước một phòng lớn có bốn năm tỳ nữ đang đứng hầu bên ngoài mà nói:
- Xin mời An Định Hầu!
An Định Hầu nghe hương sen thoang thoảng từ bên trong phòng tỏa ra ngoài liền gật đầu:
- Ngươi cũng biết lấy sen pha nước cho ta. Lâu rồi ta không ngửi được mùi này!
Mấy tỳ nữ nghe vậy liền che miệng cười. Đinh Phúc nghiêm giọng:
- Các ngươi bên ngoài phải đứng hầu cẩn thận. Không được làm phiền An Định Hầu!
Bọn tỳ nữ dạ lớn một tiếng nhẹ nhàng mở cửa. An Định Hầu hơn một ngày không tắm gội nên rất khó chịu trong người. Ông vội vàng bước vào trong, cởi hết áo ngoài rồi vén hai lớp rèm dài bằng lụa bước vào hồ tắm. Hơi nước bốc cao mang theo hương sen tươi mát. An Định Hầu hít mấy hơi dài khoan khoái ngồi xuống. Ông chưa kịp tắm thì giật thỏm người vội vàng nói:
- Là kẻ nào?
An Định Hầu miệng vừa nói tay liền túm lấy người đó lôi đến. Ông ta giật mình nhận ra Thác Hoa đang không một mảnh vãi che thân run rẩy. Ông liền hiểu là do Đinh Phúc bày trò muốn lấy lòng, vội quay mặt đi nói:
- Ta thật sự không biết nàng đang ở đây!
Thác Hoa sượng chín mặt đáp lí nhí:
- Thiếp cũng đoán là do Đinh Phúc!
An Định Hầu toan đứng dậy thì Thác Hoa vội nắm tay cản lại:
- Không được, nếu ngài bước ra lúc này thì tỳ nữ bên ngoài sẽ nghi ngờ…nghi ngờ việc thiếp là An Định Hầu phu nhân. Vừa rồi trên đường đến đây có một cung nữ cứ len lén nhìn thiếp dò xét!
An Định Hầu chưa kịp lên tiếng hỏi thì nghe bên ngoài cửa giọng Đinh Phúc quát nạt:
- Ngươi là tỳ nữ cung nào sao dám trà trộn vào đây?
Chỉ nghe tiếng đáp lí nhí rồi Đinh Phúc lại mắng mỏ một hồi lâu mới gọi hai tên thái giám đến lôi đi. An Định Hầu liền nói:
- Chắc là tỳ nữ cung Lạc Hoa!
An Định Hầu không dám ngoái lại nhìn đành ngồi quay lưng với Thác Hoa rồi tắm gội. Thác Hoa cũng im lặng không dám nói thêm một tiếng nào. Không biết là nước quá nóng hay sao mà cả hai đều ửng mặt. Chỉ là An Định Hầu nước da đen sạm nên chỉ thấy phần nửa mặt trắng tái đỏ. Riêng Thác Hoa thì mặt mũi cứ như trái đào chín mọng.
An Định Hầu tắm một chốc đã xong nhưng lại ngại không dám đứng lên. Thác Hoa thì càng ngượng ngùng hơn đâu thể mở miệng. Cả hai cứ thế ngồi ngâm mình trong bồn nước. Cuối cùng Thác Hoa đành thỏ thẻ:
- Ngài … ngài nhắm mắt lại đi!
An Định Hầu liền nhắm mắt lại. Thác Hoa rón rén đứng dậy bước lên trên. Nàng ta vội vàng mặc lại y phục. An Định Hầu chờ một lát lại nghe nàng nói:
- Thiếp xong rồi,ngài …ngài mở mắt ra đi!
An Định Hầu mở mắt nhìn thấy Thác Hoa đã đứng chờ trên tay đang cầm một tấm khăn lớn. Nàng cúi thấp đầu không dám ngước lên. Ông hiểu ý vội đứng lên cầm lấy mà lau người. Chợt Đinh Phúc bên ngoài hốt hoảng nói:
- Bẩm vương hầu, thái giám cung Lạc Hoa mang chỉ dụ của bệ hạ cho mời ngài sang hành cung Dương phi!
An Định Hầu thản nhiên đáp:
- Cuối cùng cái gì tới cũng phải tới. Cho truyền vào!
An Định Hầu mặc lấy quần áo bước lẹ ra ngoài. Thác Hoa theo sau không dám ngẩng cao đầu. Bọn cung nữ thấy hai người bước ra liền che miệng cười tủm tỉm. Thác Hoa thẹn quá đành vội vàng đi nhanh hơn không may va vào lưng An Định Hầu. Nàng ta không đau nhưng tự nhiên bật khóc thút thít:
- Thiếp tại sao … tại sao lại vì ngài mà chịu hổ thẹn như vầy?
An Định Hầu nghe nàng nói trong lòng cũng chùn xuống. Ông đáp:
- Vì ta nàng đã chịu không ít thiệt thòi!
Thác Hoa lau nước mặt hứ nhẹ:
- Nói không chút thành tâm. Là tại thiếp ngu ngốc bị ngài chiêu dụ!
An Định Hầu biết nàng đang nói lẫy nên cười trừ rồi vội vàng đi. Một thái giám tuổi tác ngoài năm mươi đang đứng chờ trước cửa phòng. Vừa thấy An Định Hầu, thái giám này liền cung kính quỳ chào:
- Hạ quan Trịnh Quý là tổng quản thái giám cung Lạc Hoa xin vấn an An Định Hầu cùng phu nhân!
An Định Hầu ra hiệu miễn lễ, hỏi:
- Ta nghe ngươi đem chỉ dụ của bệ hạ đến mời ta qua hành cung Dương phi?
Trịnh công công liền đáp:
- Bẩm, là sự thật! Xin mời ngài xem qua!
An Định Hầu xua tay:
- Không cần thiết, kẻ nào lại chán sống dám làm giả chỉ dụ của bệ hạ! Ta vào trong thay y phục sẽ theo ngươi sang cung Lạc Hoa!
An Định Hầu cốt cho Trịnh Quý thấy liền nắm tay Thác Hoa dìu bước vào phòng. Đinh Phúc vội vã đi theo chuẩn bị giáp phục cẩn thận. Hắn quen thói thường tự tay chăm sóc An Định Hầu từ ăn đến mặc, chừng nhớ ra đã có Thác Hoa, vội đứng yên ngoan ngoãn một góc. Thác Hoa đang ấm ức nhưng không dám làm mình làm mẩy liền tự tay mặc áo trong giáp ngoài cho An Định Hầu. Nơi phòng tắm nàng ta không dám liếc mắt nhìn nửa cái vì thẹn, giờ nhìn ra mới hay toàn thân An Định Hầu chẳng nơi nào lại không có chi chít các vết sẹo lớn nhỏ. Nhiều nơi, các vết sẹo chồng chất lên nhau, ước chừng thương tích cũ chưa lành đã bị thương tích mới. Thác Hoa ở Chân Lạp thường thay vua cha kiểm điểm binh mã, tướng lãnh kiêu dũng dạng nào cũng chẳng thiếu. Vua Chân Lạp hay bày yến lại bắt từng vị tướng cởi áo để khoe vết thương. Ai có nhiều vết thương nhất sẽ được trọng thưởng, khi là vàng bạc, lúc là đất đai. Thác Hoa đếm thầm các vết sẹo trên người An Định Hầu, tự nói:
- Ta đưa ngài ấy về ra mắt phụ hoàng, phụ hoàng phải tiêu tán hết phân nửa quốc khố mới đủ để ban thưởng!
Nàng tự nói chưa dứt lại đỏ ửng mặt lẩm bẩm:
- Ta…tự nhiên ta đòi đưa ông ấy về Chân Lạp làm…làm gì?
An Định Hầu vừa rồi biết Thác Hoa đầy bụng hờn dỗi chưa hề nguôi ngoai. Thường ngày ông ta nghiêm nghị hết mực nhưng đối với Thác Hoa càng lúc sanh ra nhiều yêu chiều. Ông nghe Thác Hoa lẩm bẩm tiếng được tiếng mất nào dám dây vào tránh các trận nước mắt, bụng không khỏi tính đường xoa dịu. Vào những lúc dầu sôi lửa bỏng như vầy, An Định Hầu mới thấy tài miệng lưỡi của Đinh Phúc quan trọng thế nào. Phải vào tay hắn, có là đức Thiên Mẫu, Địa Mẫu cũng mát ruột mát gan. Lúc Đinh Phúc mới làm chức tổng quản điện Vĩnh Tường, năm bà hậu của hoàng đế cùng mấy thứ phi đồng loạt gây sức ép để kéo hắn về cùng phía. Chẳng hiểu hắn ton hót điều gì, kết cuộc từ hậu đến phi chuyển sang bợ đỡ, còn lén lút tuồn tặng phẩm để lấy lòng. Trong một tháng hắn dâng sớ mật chép tặng phẩm hơn cả tiền nuôi năm vạn quân đầu hổ, An Định Hầu kinh hoảng vội viện cớ xin về triều để điều tra hư thực. Chừng mắt thấy, tai nghe tường thuật rõ ràng, cả chủ lẫn tớ đều cười đến rung cả điện. An Định Hầu không ưa kẻ miệng lưỡi giảo hoạt nhưng giảo hoạt vẫn giữ lòng trung, vẫn phân định đúng sai rạch ròi như Đinh Phúc thì thật quý. Thành ra, chủ tớ cách nhau hơn ngàn dặm nhưng An Định Hầu trọng Đinh Phúc hơn các tướng Lý Hoan, Lê Mục, Đinh Thương, Trần Biền.
An Định Hầu đợi Thác Hoa mặc xong giáp phục cho mình, liền nghiêm giọng nói lệnh với Đinh Phúc:
- Ngươi phải ở lại trông chừng phu nhân của ta cẩn thận. Nếu có sơ sót gì ta sẽ theo luật quân mà nghiêm trị! Tuyệt đối không dung tình!
Đinh Phúc là bậc thầy chuyện mua lòng khuê nữ. Hắn nghe An Đình Hầu lớn lệnh tự nhiên phụ họa ca theo hợp ý hết biết, kể về lòng thành hay sự kính trọng đều thừa thải. Thác Hoa nghe gọi thành phu nhân của ta, lại nghe Đinh Phúc xướng họa theo chủ, trong lòng thích lắm nhưng vẫn làm dỗi mà liếc mắt. An Định Hầu chỉ cười hà hà rồi bước ra ngoài. Trịnh Quý đã chuẩn bị kiệu trướng sẵn. An Định Hầu vừa an vị thì hắn liền nói lớn:
- Cung thỉnh An Định Hầu viếng cung Lạc Hoa!
Sáu tên cận vệ đồng loạt nhóm vai, trong phút chốc đã rời khỏi điện Vĩnh Tường.
Cung Lạc Hoa nằm sau điện Kính Thiên về hướng Tây. Từ điện Vĩnh Tường đi tự nhiên sẽ phải vòng vèo hết nửa giờ nhưng bọn cận vệ đều đi như bay trong chưa cạn một lượt trà đã đến. An Định Hầu liền thấy không ổn tuy nhiên vừa định nói thì một đoàn tỳ nữ thái giám đang khom lưng kính cẩn phía trước chờ đợi. Trịnh Quý ra hiệu dừng lại. Sáu tên cận vệ đồng loạt hạ trướng. Bọn tỳ nữ thái giám đang đứng hầu liền hô to:
- Cung nghinh An Định Hầu!
An Định Hầu chỉ ậm ừ cho cả bọn miễn lễ rồi bước xuống. Trịnh Quý kính cẩn đi trước dẫn đường vào phòng chính. An Định Hầu không mấy lần ghé thăm các hành cung của hoàng hậu hay quý phi nên rất cẩn trọng quan sát. Ông nhìn thấy bọn thái giám đứng hầu đều vai u thịt bắp liền biết là cận vệ giả dạng, đếm chừng cũng không dưới hai ba trăm tên. An Định Hầu thản nhiên đi, lòng tự nghĩ:
- Có gan trời ta cũng không tin các ngươi dám giết ta nơi hành cung này!
Trịnh Quý dừng trước một phòng lớn, mở cửa khom mình kính cẩn nói:
- Cung nghinh An Định Hầu!
An Định Hầu ừ cho phải phép bước liền vào. Bên trong chỉ có một mình Dương phi cùng vài tỳ nữ. Bà ta ra hiệu. Tất cả tỳ nữ vội vàng quỳ lễ lui sạch ra ngoài. Dương phi đợi trong phòng chỉ còn bà ta cùng An Định Hầu mới tươi cười nói:
- Không dễ gì mời được ngài ghé thăm hành cung! Ta thật bụng vô cùng vinh hạnh!
An Định Hầu thản nhiên hỏi:
- Không biết vì sao lệnh bà phải mượn chỉ dụ bệ hạ cho mời ta qua đây?
Dương phi đáp:
- Mấy ngày nay nghe tin ngài có phu nhân, con gái của ta đều khóa cửa phòng lại mà khóc lóc không ngừng, ta khuyên can thế nào cũng không được! Thân làm mẹ này đành phải cầu cạnh ngài giúp cho ái nữ bớt hờn!
Đầu dây mối nhợ khiến An Định Hầu can hệ với công chúa Bảo Ngọc thì phải kể tới năm năm trước đây. Hoàng đế có ít hoàng tử nhưng về công chúa thì cũng không phải hiếm muộn. Tuy nhiên, hoàng đế lại vô cùng cưng chiều Bảo Ngọc. Bì với các công chúa khác, Bảo Ngọc tuy có nhan sắc vượt trội nhưng trí óc lại không được lanh lẹ khôn khéo, có phần còn chân thật quá cỡ. Công chúa Bảo Ngọc yêu thích nhất là săn bắn. Năm đó, vùng núi ở đạo Lâm Tây xuất hiện một loạt mấy mươi loài chim lạ, công chúa Bảo Ngọc nài nỉ Đinh Tiên Hoàng Đế xin được đi săn. Đạo Lâm Tây bấy giờ còn nạn nội loạn, An Định Hầu nghe đòi hỏi của công chúa gởi tấu ngay về triều cản ngăn hết lời. Nhưng hoàng đế cưng chiều Bảo Ngọc vẫn bỏ ngoài tai lời can gián trên.
Đoàn tùy tùng đưa công chúa đi săn đông đảo hơn ngàn người, kết cuộc cả bọn để lạc mất công chúa trong ngọn núi thứ bảy của hệ thống hai mươi sáu núi liên hoàn Hoàng Liên Sơn. Công chúa không thông thuộc địa hình lần mò thế nào lại lọt vào tay quân phản loạn. Quân phản loạn vốn là tàn binh của các sứ quân trước đây bị Đinh Tiên Hoàng Đế thảo phạt, thành ra kẻ nào cũng oán hận hoàng đế vô kể. Công chúa Bảo Ngọc bị bắt, tai lại nghe chúng bàn luận đủ trăm ngàn kế hành hạ sợ hãi đến ngất xỉu, tự thầm phen này khó sống nổi. Có lẻ phúc phần nàng ta hưng vượng, hoặc giả An Định Hầu may mắn, chỉ trong hai ngày dầu không rành địa thế Hoàng Liên Sơn, ông ta vẫn tìm được công chúa. Công chúa tận mắt nhìn An Định Hầu một mình tung hoành đánh giết gần trăm quân phản loạn đã cảm phục vô kể. Về sau dẫu biết ông có dị tướng bộ mặt âm dương, công chúa không chê khinh còn yêu quý bội phần. Tình ý nữ nhi đã rõ, tiếc thay, An Định Hầu nào đoái hoài đến. Trong mắt ông ta, công chúa Bảo Ngọc không hơn đứa trẻ con là mấy.
Công chúa Bảo Ngọc hồi cung an toàn, việc đầu tiên nàng ta cầu xin chính là được gả cho An Định Hầu Đinh Quan Viễn. Đinh Đế có bụng trói buộc An Định Hầu nên đồng ý chớ do dự. Từ đó, hoàng đế bày nhiều cớ gán ghép khiến công chúa Bảo Ngọc đêm ngày ở cung Lạc Hoa nhưng hồn vía đều vởn vơ nơi biên ải phía bắc. Ngờ đâu An Định Hầu đùng đùng quay về bên cạnh có thêm một vị phu nhân, công chúa Bảo Ngọc tan tành giấc mộng xuân đã biến cung Lạc Hoa nơi nào cũng toàn nước mắt. Ôi thôi thê lương chẳng bút nào tả xiết.
An Định Hầu không khinh ghét gì công chúa Bảo Ngọc. Ông tự răn trong bụng tránh xa hậu cung nên dù có yêu thích công chúa cũng không dại gật đầu nhận hôn phối. Chưa kể năm xưa vì cứu công chúa đã khiến An Định Hầu trể mất binh vụ làm hỏng cuộc nghị đàm với các tộc trưởng của lộ Lâm Tây sau đó. Hậu quả, An Định Hầu phải đem quân hổ đầu đánh lên đạo Lâm Tây một trận lớn để đánh dẹp, thương vong vô kể. Chuyện có thể giải quyết bằng nghị đàm rốt cuộc phải dùng đến binh đao, tất cả cùng từ yêu cầu đi săn của công chúa Bảo Ngọc, An Định Hầu tất nhiên giận dữ vô kể. Từ đó, ông ta có thêm cớ xa lìa hậu cung của hoàng đế.
An Định Hầu phong Thác Hoa làm phu nhân, tự biết sẽ khiến công chúa Bảo Ngọc đau khổ cùng cực. Ngẫm lại, không khỏi thấy động lòng thương cảm, Dương phi chạm vào nổi thương cảm đó khiến An Định Hầu chỉ đành nói:
- Ta thật có lỗi với công chúa, mong lệnh bà lựa lời an ủi! Tuy nhiên nếu vì chuyện này thì có lẻ chưa cần phải mượn chỉ dụ của bệ hạ để triệu ta đến đây! Xin cứ nói thẳng!
Dương phi biết tánh An Định Hầu không ưa dông dài liền nói:
- Ngài đã mở lời thì ta cũng không giấu. Chỉ là dạo này trong cung phao đồn tin ngôi vị thế tử của Nam Việt Vương Đinh Liễn đang…
An Định Hầu vội gạt ngang:
- Xin lệnh bà thứ lỗi, ngoại tướng không được tự tiện bàn chuyện nội chính. Hậu cung càng không được bàn đến. Đó là lệ ngàn đời! Lệnh bà chớ phạm húy!
Dương phi tức thời bật cười khanh khách:
- An Định Hầu ơi là An Định Hầu! Ông vẫn một mực theo lệ cũ! hoàng hậu Kiều Quốc, hoàng hậu Đan Gia không phải là vì chuyện ngai thế tử mà đến ngài hay sao? Hoàng hậu Trinh Minh từ lâu không bao giờ thăm hỏi ngài cũng đã cho người mang quà đến tặng. Vậy tại sao ta không nói được?
An Định Hầu đáp:
- Là lệnh bà đã tự suy diễn! Ta vẫn chưa hề mở miệng bàn về chuyện nội chính với các hoàng hậu khác! Ta chỉ là ngoại tướng giữ ải không rành rẽ chuyện nội cung. Lệnh bà đã tìm nhầm người!
Dương phi thấy An Định Hầu kiên quyết thì càng cười rộ nói:
- Ngài không rành nội chính thì còn ai nữa? Chẳng phải ngài thân ở biên ải nhưng lòng lại ngóng nơi điện Kiến Xương hay sao? Đến Lưu Cơ, Đinh Điền cũng không biết nhiều nội chính bằng ngài.
An Định Hầu nghe Dương phi càng nói càng dẫn dắt vào chuyện chính sự. Ông ta không muốn để kẻ khác nghe thấy lại đồn đoán lắm điều hồ đồ liền đứng ngay dậy:
- Lệnh bà thứ lỗi! Ta phải về lại điện Vĩnh Tường! Xin cáo biệt!
Dương phi vội nói:
- Ngài muốn về, cung Lạc Hoa nhỏ bé không đủ giữ chân ngài. Nhưng ngài có biết họa của mình chưa?
An Định Hầu nhíu mày hỏi lại:
- Ta làm việc gì mà có họa?
Dương phi thong thả đáp:
- Từ ngàn xưa đến nay, chuyện vương quyền và thần quyền luôn có xung đột. Ngài đến bệ hạ còn phải nhân nhượng mấy phần thì các quan văn võ thế nào? Ngài uy quyền còn lấn cả bệ hạ thì sẽ có kết quả ra sao? Chắc không cần ta phải nói!
An Định Hầu đáp:
- Là do lệnh bà suy diễn, ta không muốn nghe! Nếu lệnh bà giữ ta lại chỉ vì những lời xuyên tạc, ta xin bái biệt!
Dương phi cười mỉm:
- Ta có chứng cứ ngài dám vượt quyền bệ hạ!
An Định Hầu liền quắt mắt hỏi:
- Là chứng cứ gì?
Dương phi thản nhiên đáp:
- Nói theo ngài, thông lệ từ ngàn xưa các tướng lãnh không được tự tiện vào nội cung. Giờ bệ hạ chưa cho chỉ dụ, ngài lại dám đường đột bước vào hành cung của ta, là phạm tội gì? Không là vượt quyền bệ hạ thì là gì?
An Định Hầu sa sầm nét mặt:
- Chẳng phải Trịnh Quý đã đem chỉ dụ bệ hạ đến mời ta?
Lúc này Trịnh Quý mới từ tốn bước vào. Hắn cười âm hiểm vái An Định Hầu một xá, nói:
- Hạ quan chưa hề nói là có chỉ dụ bệ hạ! Hạ quan chỉ mời ngài xem qua nhưng ngài lại không xem!
An Định Hầu nổi cơn thịnh nộ. Trịnh Quý đang cười đắc ý tự nhiên thấy bên cổ lạnh ngắt. Thì ra An Định Hầu đã rút phăng trường kiếm kê vào cổ hắn. An Định Hầu nghiến răng:
- Ngươi có tin ta giết ngươi ở đây đến bệ hạ cũng không làm khó dễ được ta?
Trịnh Quý không ngờ An Định Hầu dám ra tay nên tái xanh mặt nhìn Dương phi cầu cứu. Dương phi thản nhiên quay lưng lại. Lập tức bốn bên, gần trăm tên thái giám ùa ra. Kẻ nào trên tay cũng lăm lăm đao kiếm. Trịnh Quý liền đắc ý:
- Ngài có tin ngài chết ở đây bệ hạ cũng không làm khó dễ? Nhiều người mong ngài sống nhưng nếu ngài chết đi thì số người mừng thầm sẽ rất nhiều!
An Định Hầu cười gằn:
- Hay lắm! Vừa giả chỉ dụ vừa mưu hại trọng thần. Ta xem thử các ngươi tính toán như thế nào?
Trịnh Quý chưa kịp đáp liền kêu la thảm não. Hầu gia đã quét một cước đá trật chân hắn. Bọn thái giám lập tức xông vào. An Định Hầu cười hà hà:
- Tới đây! Tới hết đây!
An Định Hầu bình thường đã có sức mạnh hơn người, lại quen chinh chiến, bọn thái giám tuy đông nhưng không dễ gì áp sát được. An Định Hầu cứ ung dung bên tây một kiếm, bên đông một kiếm đã có mấy tên cụt tay cụt chân la hét thảm thiết. Được một hồi, bọn thái giám cung Lạc Hoa đã không dưới ba mươi tên trúng kiếm của vương hầu nằm la liệt dưới đất. An Định Hầu chống kiếm nhìn Dương phi mà nói:
- Ta thấy số thái giám này sẽ phải chết oan uổng!
Dương phi vẫn thản nhiên ngồi quay lưng, đáp:
- Ta cũng thừa người, ngài cứ tự tiện!
An Định Hầu không ngần ngại liền thẳng tay tàn sát. Bọn thái giám từng tên, từng tên một la thảm rồi nằm phơi xác. Phòng chính cung Lạc Hoa máu chảy tràn đến ngoài sân. Bọn thái giám còn lại không quá hai mươi người liền hè nhau liều chết cùng xông tới. Dương phi đang ngồi xoay lưng nghe nhiều tiếng thét thảm thì biết An Định Hầu đã giết sạch không còn chừa tên nào.
An Định Hầu chưa kịp lên tiếng, tai đã nghe tiếng bọn tỳ nữ hốt hoảng la to bên ngoài:
- Người đâu? mau bảo vệ Dương phi! Có kẻ vào cung giết người!
An Định Hầu hiểu ra bật cười ha hả:
- Hay lắm! Đem bọn chốt thí này dụ ta tàn sát, khi đó có thể thẳng thừng nói ta vào cung Lạc Hoa làm loạn, chứng cớ không thể chối cãi. Lúc đó ai còn quan tâm đến chỉ dụ giả mạo!
Bấy giờ, Dương phi mới quay lưng lại mà nói:
- Ngài cơ trí cũng rất nhanh nhạy. Tốt nhất bây giờ ngài nên theo phe ta. Nếu không, lát nữa quân cận vệ đến ngài sẽ khó mà chối cãi được!
An Định Hầu thản nhiên hỏi:
- Theo như thế nào?
Dương phi đáp:
- Ta muốn ngài ủng hộ việc đổi ngôi thế tử!
An Định Hầu cười nhạt mai mỉa:
- Là ủng hộ ai? Đinh Liễn Nam Việt Vương hay Đinh Hạng Lang?
Dương phi sa sầm nét mặt:
- Không lẻ chỉ hai người ấy mới có thể ngồi được ngai thế tử?
An Định Hầu đáp:
- Ta tạm thời chưa thấy còn có ai!
Dương phi nói:
- Con ta Đinh Toàn còn nhỏ tuổi, nhất định sẽ bị việc giành ngai thế tử này làm cho nguy hiểm. Ta muốn ngài giúp ta một tay che chở!
An Định Hầu hỏi:
- Che chở như thế nào?
Dương phi đáp:
- Chỉ cần ngài công khai ủng hộ con ta là được. Mọi việc còn lại ta sẽ tự lo liệu, không dám làm phiền ngài thêm!
An Định Hầu cười ha hả ngạo mạn:
- Lệnh bà sao lại nghĩ ta có thể đứng cùng phe? An Định Hầu ta thù nhất người khác kéo phe lập cánh. Ta làm sao có thể ưng thuận đây?
Dương phi gằn giọng:
- Ta khuyên ngài nên thận trọng! Bây giờ ngài đang tự ý làm loạn hành cung của ta. Nếu ta nhất định truy cứu tới cùng thì ngài sẽ phiền phức không nhỏ! Bệ hạ kiêng nể ngài đến đâu cũng khó lòng che chở cho đặng!
An Định Hầu xé một mảnh áo từ xác tên thái giám gần đó thản nhiên lau chùi sạch sẽ máu trên kiếm rồi đáp:
- Nếu lệnh bà không còn sống thì lấy ai truy cứu ta? Ta có thể nói bọn làm loạn đã vào cung mà sát hại. Ta một mình không cứu giá kịp! Lệnh bà chết, chính là cái chết không đối chứng!
Dương phi thấy đôi mắt giấu sau chiếc mặt nạ của hầu gia đầy sát khí liền kinh động:
- Ngài…ngài dám?
An Định Hầu thản nhiên:
- Có gì không dám, so với chuyện lệnh bà mạo chỉ dụ bệ hạ thì chuyện của ta đáng gì?
Dương phi cười khanh khách:
- Ta cược với ngài một chuyện. Nếu ta chết thì ngài nhất định không thể làm được chức An Định Hầu yên ổn. Chưa nói đến việc có thể thân bại danh liệt, bêu đầu giữa chợ! Ngàn đời bị bách tính phỉ nhổ, danh nhơ muôn thưở!
An Định Hầu thấy nét mặt Dương phi tự tin liền có chút kinh động tự hỏi:
- Lệnh bà dựa vào cái gì lại tự tin đến vậy?
Dương phi ung dung nói tiếp:
- Em kết nghĩa của ta là Dương Văn Báo đã tử trận, chắc ngài cũng đã hay tin.
An Định Hầu lờ mờ đoán ra ngọn ngành, gật đầu xác nhận:
- Quả nhiên ta đã nghe được tin này!
Dương phi nói tiếp:
- Trên người em kết nghĩa của ta có một phong thư, chắc rằng tướng lãnh của ngài đã tìm thấy. Không biết ngài đã được đọc chưa?
An Định Hầu im lặng không đáp. Dương phi được thể nói:
- Ta chắc ngài chưa được đọc. Nếu ngài về lại ải thì ta khuyên ngài nên giết ngay tên tướng lãnh lấy được phong thư đó! Bằng không dầu ta không chết thì ngài cũng khó mà sống được!
An Định Hầu hỏi:
- Vì đâu mà lệnh bà lại nói vậy?
Dương phi đáp:
- Nếu chỉ dựa vào việc giết mấy người trong cung Lạc Hoa rồi ép ngài đứng về phía ta, ngài nghĩ có phải là ta ngây thơ hay không? Ta hỏi ngài cách đây bốn năm, trong kiểm điểm binh mã báo về kinh sao lại hụt mất năm ngàn người?
An Định Hầu nghe liền chấn động trong lòng. Ông cố giữ nét mặt thản nhiên hỏi:
- Sao lại hụt mất năm ngàn người? Lệnh bà có nhầm lẫn gì không?
Dương phi cười đáp:
- Ngài không thừa nhận thì ta hỏi thêm, cách đây hai năm sao lương thực kinh thành viện trợ lên ải lại bị hư hỏng hết mấy chục vạn gánh thóc?
An Định Hầu đáp:
- Là do vận lương lúc mưa lớn nên phần nhiều đều bị ẩm mốc! Việc này đích thân Thái Sư Lưu Cơ đã tra xét! Lệnh bà muốn biết rõ thì nên tìm ông ta để hỏi!
Dương phi cười khanh khách:
- An Định Hầu ơi là An Định Hầu! Ngài thông minh quá nên cho thiên hạ đều là kẻ ngốc hay sao? Lúc đó nghe tin này ta biết liền có chuyện trí trá bên trong. Tuy nhiên, ngài không có gia thất, lại cần kiệm liêm chính, không thể có chuyện xén bớt lương thực bỏ túi riêng. Thành ra ta đoán, ngài nhất định đã đem lương thực để làm việc riêng!
Dương phi thấy An Định Hầu trầm ngâm không đáp liền nói:
- Lấy một lượng lớn lượng thực như vậy thì chỉ có một việc để dùng. Đó là nuôi quân! Ta liền tính toán lại thì đoán chừng, ngài nhất định có không dưới bốn năm ngàn quân đang giấu riêng. Tuy nhiên trừ tướng lãnh, binh mã của ngài đều do chính bệ hạ kiểm tra và xung thêm nếu có hao hụt. Ngài lấy đâu ra chừng đó người để giấu đi?
An Định Hầu tự biết không thể tiếp tục thản nhiên chối cải. Ông đành tra kiếm vào bao thở dài nói:
- Ta bao năm qua vẫn không nhìn ra trong cung Lạc Hoa có kẻ cơ trí không thua Lưu Cơ là mấy!
Dương phi biết đã nói đúng, cười đắc ý. Bà ta ung dung nhấp một ngụm trà, nói tiếp:
- Ta liền bí mật cho người sao chép lại các bảng kê quân lính mà ngài gởi về. Quả nhiên là ngài lợi dụng mấy năm trước quân Tống không ngừng đánh ải Ứng Kê mà nâng số lính thương vong lên. Trong vòng hai năm đã có không dưới ba ngàn quân. Ta đoán chừng đến nay, ngài hẵn dưỡng được không dưới năm sáu ngàn quân tinh nhuệ!
Dương Phi nhìn xoáy vào An Định Hầu nói:
- Cách thành lớn nước Đại Lý sáu mươi dặm về hướng nam có mấy thôn làng !
An Định Hầu nghe đến đây trong lòng căm phẫn đến tột độ không nói nên lời. May thay ông ta đang đeo mặt nạ ngạ quỷ, bằng không Dương phi ngó thấy sự biến đổi sắc mặt âm dương nhất định khiếp đảm tột độ.
Dương phi nói tiếp:
- Ngài dám lừa gạt bệ hạ tự giấu binh mã riêng. Lòng nghi kỵ của bệ hạ chắc ngài đã rõ. Ngài thử nghĩ chuyện này đến tai bệ hạ thì như thế nào?
An Định Hầu thở dài:
- Vậy lệnh bà muốn như thế nào?
Dương phi đáp:
- Ta chỉ cần ngài không được ủng hộ Đinh Liễn và Đinh Hạng Lang. Mọi việc cứ để cho ta lo liệu. Nếu có binh biến xảy ra, ngài nhất định sẽ bị triệu hồi về kinh. Khi đó, ngài sẽ hợp lực cùng ta mà đối phó với Đinh Liễn lẫn hoàng hậu Kiều Quốc!
An Định Hầu liền hỏi:
- Ngoài ta, trong các tướng lãnh còn ai cùng phe cánh?
Dương phi cười mỉm:
- Ngài nghĩ xem là ai?
An Định Hầu đáp:
- Thập Đạo Quân Lê Hoàn!
Dương phi cười mỉm:
- Hợp với binh mã của ngài thì tất cả phải gần mười sáu vạn quân, còn sợ kẻ nào làm hại đến Đinh Toàn con ta?
An Định Hầu liền đứng lên nói:
- Được, ta sẽ đứng ngoài việc tranh dành ngai thế tử. Lệnh bà có thể an tâm. Ta đã về lại điện Vĩnh Tường được chưa?
Dương phi đáp:
- Ngài cứ tự nhiên, còn chuyện ở đây ta sẽ lo liệu!
An Định Hầu thấy Dương phi đắc ý thì trong lòng bừng bừng lửa giận nhưng cũng đành cúi chào rồi đi ra ngoài. Lộng trướng đã chờ sẵn. An Định Hầu vội lên trướng quay về điện Vĩnh Tường, suốt dọc đường đi cứ mím môi cau có không sao tự nhiên được.