Lại nói Nam Việt Vương Đinh Liễn sau khi bị An Định Hầu nơi ngõ Thúc Độ làm nhục, về đến Ái Châu đã đùng đùng nổi cơn thịnh nộ. Đinh Hiến chờ Nam Việt Vương nguôi giận mới từ tốn nói:
- Bẩm thế tử! An Định Hầu không tự nhiên trước ba quân làm như vậy! Là lời nhắn nhủ đến ngài!
Nam Việt Vương đang cơn thịnh nộ, quát:
- Hắn nhắn nhủ điều gì?
Đinh Hiến đáp:
- Nếu thế tử động binh thì ông ta sẽ âm thầm đem quân đến Ái Châu mà dẹp loạn. Thế tử suy xét, An Định Hầu dẫn quân từ Quỷ Môn Quan đến thành Định Biên đi qua không biết bao nhiêu địa phận các tướng lãnh khác. Sao ông ta lại để ba vạn dấu chân ngựa nơi ngõ Thúc Độ? Hạ quan nhẩm tính ông ta mất hai ngày hành quân đến Định Biên. Hai ngày đều có mưa lớn sao chỉ mỗi ngõ Thúc Độ dẫn vào Ái Châu mới có dấu chân ngựa?
Nam Việt Vương đập bàn quát:
- Ông ta chỉ là hàng tướng được phụ hoàng trọng dụng đã không còn coi ai ra gì! Nhưng ta làm sao lại phải động binh mà ông ta đề phòng?
Nam Việt Vương quát xong liền giật mình im lặng. Đinh Hiến lúc này mới hỏi:
- Thế tử thật sự không hiểu ý An Định Hầu hay sao?
Nam Việt Vương hít một hơi dài đáp:
- Không! Không! Ông ta không phải chỉ nhắn gởi. Ông ta đã biết chuyện phụ hoàng muốn đổi ngôi thế tử rồi!
Nam Việt Vương nghiến răng :
- Ta sao lại quên điều này. Phụ hoàng trọng dụng ông ta nhưng cũng nghi ngờ ông ta. Càng nghi ngờ lại càng trọng dụng. Chuyện đổi ngôi thế tử An Định Hầu phải là kẻ rõ hơn ai hết! Ta sao lại quên điều này!
Đinh Hiến liền ghé sát tai Nam Việt Vương mà nói:
- An Định Hầu về kinh ngụ tại điện Vĩnh Tường. Một ngày lần lượt các hoàng hậu không đích thân đến thăm viếng cũng tự tay gởi quà mừng!
Nam Việt Vương hỏi ngay:
- Ý ông ta thế nào?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, không đồng ý cũng không tán thành nhưng có một chuyện rất lạ!
Nam Việt Vương hỏi dồn:
- Là chuyện gì?
Đinh Hiến đáp:
- Bệ hạ đãi tiệc mừng công. An Định Hầu ngay tại buổi yến đã đánh chết hai ba viên tướng của phò mã Ngô Nhật Khánh, rõ ràng đã có ý không phục tùng việc Đinh Hạng Lang lên ngôi thế tử. Tuy nhiên, Dương phi mời ông ta sang cung Lạc Hoa. Ông ta trở về mặt mũi rất khó coi. Sau đó nghe động tĩnh từ cung Lạc Hoa thì dường như Dương phi đã lôi kéo được An Định Hầu về phía mình!
Nam Việt Vương giật mình:
- Lẻ nào lại có chuyện như vậy? An Định Hầu thường ghét chuyện bè phái. Ông ta nhất định không theo Dương phi để ngồi cùng thuyền, bên trong có gì mờ ám chăng?
Đinh Hiến lại nói:
- Thế tử còn nhớ cái lưỡi của Trần Biền?
Nam Việt Vương gật đầu:
- Ta đã nghĩ tới! Trần Biền cắt lưỡi chỉ là phụ. Việc chính là muốn nhắn đến An Định Hầu !
Đinh Hiến nói:
- Thế tử suy xét. Tên Trần Biền kia lục được trong xác Dương Văn Báo một phong thư. Hắn coi xong mới hoảng sợ cắt lưỡi. Dương phi vì sao có thể ép An Định Hầu về phía mình?
Nam Việt Vương vỗ trán một cái, đáp:
- Phải lắm! Phong thư kia thật sự viết gì? Dương phi ép được An Định Hầu vì bà ta nắm trong tay chuyện mà vương hầu không muốn cho ai biết!
Đinh Hiến cười mỉm thì thầm:
- Nếu chúng ta cũng nắm được điểm yếu của vương hầu thì tự nhiên ông ta sẽ lại ngả về phía chúng ta! So về thực lực lẫn địa vị, Dương phi không thể sánh được với thế tử!
Nam Việt Vương cười hà hà:
- Phải lắm! Phải lắm! Chủ ý của ngươi rất hay. Ngươi mau mau tìm mọi cách phải có được phong thư đó cho ta!
Đinh Hiến dạ lớn rồi lui ra ngoài sắp xếp. Nam Việt Vương một mình ngồi lại trong phòng lớn đăm chiêu suy tính.
Chuyện đổi ngôi thế tử là một biến cố lớn, các sử gia đời sau đều ngán ngẫm cho rằng, Đinh Tiên Hoàng Đế đã tính sai nước cờ dẫn đến sự suy tàn triều đại. Chính sử viện dẫn không rõ ràng nhưng từ ngàn xưa, phế trưởng lập thứ đã có tiền lệ không tốt cho triều cang. Nếu nói Đinh Tiên Hoàng Đế vì yêu chiều Hạng Lang mà cho lên ngai thế tử thì không hợp lý. Hạng Lang còn nhỏ, công lao lại không bằng Nam Việt Vương, được lòng tướng lãnh công thần cũng không bằng Nam Việt Vương. Đinh Tiên Hoàng Đế yêu chiều có chăng là mấy phần nể nang hoàng hậu Kiều Quốc mà ra. Tuy nhiên, ngựa tốt chạy ngàn dặm cũng phải có một bước hụt vó, chiến tướng đánh trăm trận tất phải có lần bại binh. Chỉ là trong vòng chưa tới nửa tháng, việc đổi ngôi thế tử dầu chưa được đem ra thảo luận tại điện Kiến Xương nhưng từ hậu cung đến khắp kinh thành đều râm ran bàn tán.
An Định Hầu lưu lại trong điện Vĩnh Tường năm ngày đều được Đinh Phúc nghe ngóng tin tức khắp nơi mà bẩm lại. Ông ta chỉ biết thở dài ngao ngán cứ trông ngóng tin từ biên ải. Thông thường mỗi bận về kinh, An Định Hầu ở lại không quá ba ngày. Nhưng lần này lại được sắc phong nên gần bảy ngày vẫn chưa thể dẫn quân về Quỷ Môn Quan, trong lòng ông ta nóng như lửa đốt. Đinh Phúc lại coi đây là dịp may hiếm hoi nên càng hết lòng phục vụ. Hắn làm thái giám đã lâu nên cũng quen thủ đoạn. Ngày ba buổi, hắn đều đích thân bưng bê các món ngon cho An Định Hầu cùng Thác Hoa ăn uống. Suốt bảy ngày liền không hề lặp lại món nào, vương hầu tuy đầy bụng lo âu nhưng cũng phải mở miệng khen hắn tận tụy.
Đến ngày thứ bảy, trời chưa sáng, Đinh Phúc đã vội vàng gõ cửa. An Định Hầu liền thức dậy gọi vào. Đinh Phúc hối hả nói:
- Bẩm, cách đây hơn một canh giờ có thám mã gởi tin cấp báo từ biên ải!
An Định Hầu hỏi:
- Có phải binh Tống đã đánh ải Ứng Kê?
Đinh Phúc liền đáp:
- Trần Biền báo tin nhà Tống cử mười vạn quân đang cách ải Ứng Kê không quá ba ngày đường!
An Định Hầu mừng rỡ nói:
- Mau mau chuẩn bị. Bề trên nhất định sẽ cho triệu ta đến thương nghị! Ta nội trong sáng nay sẽ được rời khỏi kinh thành!
Đinh Phúc cúi đầu vái lễ quay đi ra ngoài. An Định Hầu liền mặc giáp phục vào. Ông chưa kịp đánh thức Thác Hoa dậy thì bên ngoài đã có tiếng chân người rộn rã. Lát sau nghe giọng nói:
- Bẩm An Định Hầu! bệ hạ có khẩu dụ triệu kiến ngài đến điện Kiến An nghị luận!
An Định Hầu liền mở cửa. Đỗ Thích cùng vài thái giám cấp dưới đang đứng chờ. Vương hầu vội vàng theo Đỗ Thích đến điện Kiến An. Đinh Tiên Hoàng Đế cùng Lưu Cơ đã ở đó. An Định Hầu tham kiến Đinh Đế rồi nói:
- Thần nghe biên ải có chuyện!
Đinh Tiên Hoàng Đế gật đầu:
- Thám mã mới báo về, triều Tống cử đại quân chuẩn bị đánh Ứng Kê! Ông nên chuẩn bị lên biên ải để phòng bị! Nếu nguy cấp, ta sẽ cho Nguyễn Bặc ở Đại La hợp quân cùng ông mà chống địch! Ta lệnh cho ông phải tức tốc hành quân nội trong một ngày về đến Quỷ Môn Quan!
An Định Hầu cúi đầu nhận mệnh liền quay đi ra ngoài không nói thêm gì. Lưu Cơ chờ ông ta đi khỏi mới nói:
- Nhà Tống vừa mới thua người Khiết Đan một trận lớn phải cắt đất giảng hòa. Lấy đâu ra mười vạn quân để công đánh Đại Cồ Việt?
Đinh Tiên Hoàng Đế thở dài:
- Tin báo chỉ là giả, ông ta muốn mau chóng rời khỏi kinh thành. Ông ta đã không muốn can dự vào việc đổi ngôi thế tử thì ta giữ lại cũng không ích gì. Ông ấy muốn đi cứ để cho ông ấy đi. Tuy nhiên ta nghe tin An Định Hầu đã về cùng phe với Dương phi!
Lưu Cơ đáp:
- Bẩm, thần cũng đã nghe chuyện này!
Đinh Tiên Hoàng Đế trầm ngâm:
- Trần Biền cắt lưỡi. An Định Hầu lại chịu theo Dương phi. Tất cả cũng từ phong thư kia mà ra. Nam Việt Vương chắc cũng đã cho người đi tìm phong thư đó. Ngươi mau mau không được chậm trễ. Ta thật sự muốn biết phong thư đó viết gì. An Định Hầu cuối cùng đã giấu ta chuyện gì!
Lưu Cơ cười đáp:
- Xin bề trên an tâm! Chuyện lá thư kia sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ được biết!
Đinh Tiên Hoàng liền lắc đầu:
- Không được! Nếu chờ mấy tên nội thám kia thì Nam Việt Vương hoặc những người khác cũng đã biết. Ta muốn lấy bức thư đó và hạn chế những người biết đến nội dung càng ít càng tốt!
Lưu Cơ cúi đầu nhận mệnh không nói thêm điều gì nữa.
An Định Hầu rời điện Kiến An lập tức cho gọi tập hợp binh mã. Ông về đến điện Vĩnh Tường đã thấy Đinh Phúc chuẩn bị xa giá chờ sẵn. An Định Hầu đẩy cửa bước vào phòng, thức ăn cũng được bày lên. Thác Hoa cười nói:
- Chúc mừng ngài đã được rời khỏi kinh thành!
An Định Hầu ngao ngán đáp:
- Ta đã tính sai một nước cờ! Bệ hạ thường nghe tin biên ải có biến đều suy tính rất lâu. Giờ lại triệu ta đến chỉ nói vài câu rồi cho đi. Không phải lòng bệ hạ đã không tin chuyện này rồi đó sao!
Thác Hoa gật đầu nói:
- Lòng đã không tin nhưng vì không thể giữ lại nên cũng đành cho ngài đi!
An Định Hầu vội vàng ngồi xuống ăn uống:
- Mau mau! Ta phải về Quỷ Môn Quan gấp! Nhất định bây giờ, cả thế tử Nam Việt Vương lẫn bệ hạ đều muốn lấy phong thư mà Trần Biền đang giữ!
Thác Hoa nói:
- Dầu ngài có hủy phong thư đó đi. Trần Biền tướng quân trung thành không nói ra bí mật thì vẫn còn Dương phi biết!
An Định Hầu nghiến răng đáp:
- Bây giờ Dương phi còn cần ta để bảo vệ Đinh Toàn trong chuyện tranh giành vương vị. Chỉ cần về đến nơi ta hủy hết mọi chứng cứ, Dương phi không thể làm gì được nữa. Tuy nhiên, chuyện ta giấu binh ở ngoại thành Đại Lý chỉ có ta và Lê Mục biết. Giờ thêm nàng và Trần Biền. Vậy thì làm sao Dương phi lại có thể biết được chính xác?
Thác Hoa giật mình hiểu ra:
- Trong các tướng lãnh của ngài có người âm thầm cấu kết với hậu cung?
An Định Hầu gật đầu đáp:
- Các tướng lãnh theo ta không mười năm thì cũng đã bảy tám năm. Ta thật sự không nghĩ ra kẻ nào lại muốn phản ta!
Thác Hoa im lặng không đáp. Cả hai ăn uống chừng nguội một chén trà thì vội vã lên đường.
An Định Hầu ra ngoài cung điện thấy Đinh Thương tập hợp thiết kỵ chờ đợi. Vương hầu ra hiệu rồi dẫn quân đi đường vòng âm thầm rời khỏi kinh thành tránh gây kinh động đến dân chúng. Đến ngoại ô lại gặp Lý Hoan chờ sẵn, An Định Hầu không nói một lời để các tướng kiểm điểm binh mã, nhằm hướng bắc mà đi thẳng.
Ải Ứng Kê nằm ở tận cùng phía bắc Đại Cồ Việt. Nơi này núi đồi trùng điệp vô tình tạo thành sự hung hiểm địa lý. Hơn năm mươi dặm dài dẫn đến trước cửa ải Ứng Kê đều chỉ là một đường độc lộ nhỏ hẹp giữa hai bên vách đá thẳng đứng. Ải Ứng Kê như một cái cổ chai nằm giữa Đại Cồ Việt và các vương triều hùng mạnh phương bắc. Chính dựa vào điểm địa hiểm này khiến bao lần nhà Tống muốn đem binh thu phục các nước phương nam đều gặp đại bại. Tích truyền một sử quan thời Tần Chiêu Vương đã đến được đây. Y ròng rã nghiên cứu quan ải suốt ba tháng ròng rồi ngửa mặt than trời mà khắc lên vách đá hai hàng chữ:
Trời cao không phú
Tần được nam quan
Thời gian mưa nắng phai nhạt chỉ còn độc lại hàng chữ Tần được nam quan. Nhiều sử gia đời sau vẫn còn phân vân cứ nghĩ đây là biên giới nước Tần ở phương nam.
Phía dưới ải Ứng Kê là Quỷ Môn Quan. Sở dĩ mang tên này vì trên đường vắt ngang qua ải có ngọn núi đá to lớn hình thù kỳ dị như cái sọ người. Quỷ Môn Quan có rừng sâu nước độc, địa thế thích hợp cho việc phục binh đánh úp. Vào năm Thái Bình thứ nhất dưới triều Đinh Tiên Hoàng Đế, nhà Tống mang mười vạn quân công phá Ứng Kê cuối cùng phải chôn thây phân nửa binh sĩ tại đây. Đến giờ, thỉnh thoảng mưa lớn còn trôi chảy ra đầu lâu với xương người trắng hếu. Quỷ Môn Quan cùng ải Ứng Kê đã hợp thành hệ thống chiến lũy liên hoàn ngăn chặn bộ binh tràn xuống từ phía bắc. Nếu người Tống tự hào có Vạn Lý Trường Thành ngăn cản bước chân rợ Hung Nô, Đột Quyết thì Đại Cồ Việt cũng tự hào về hai ải quan trọng trên. Triều nhà Đinh có địa hiểm lại được An Định Hầu quen tử thủ giữ thành nên trong suốt mười năm niên hiệu Thái Bình, hết thảy các cuộc chinh phạt lớn nhỏ của nhà Tống đều bị đánh bại.
Thác Hoa ở Chân Lạp chỉ quen đồng bằng sông lớn không có nhiều núi cao vực sâu. Nàng lần đầu thấy quan ải cách trở hùng vỹ thì há hốc miệng mà nhìn. Bọn Lý Hoan, Đinh Thương một ngày nghe An Định Hầu nói nàng ấy là quân sư, bây giờ lại thành phu nhân cho rằng Thác Hoa rất được yêu chiều nên đều nhất mực cung kính diễn giải rõ ràng địa thế. Thác Hoa hơn nửa ngày tai nghe không dưới một trăm chổ hung hiểm mà chốn nào cũng được An Định Hầu cho người cải tạo gia cố thì trong lòng càng mến phục. Nàng ta mặc kệ giữa ba quân vòng tay ôm chặt lấy lưng vương hầu. Ông ta phải đằng hắng mấy lần nàng ta mới bẽn lẽn buông tay. Chư tướng ai cũng muốn cười nhưng sợ uy đành phải bấm bụng quay nhìn chổ khác như không thấy.
Chừng đến sụp tối đã trông rõ Quỷ Môn Quan trước mặt. Thác Hoa ngước nhìn ngọn núi hình sọ người trong lòng không khỏi kinh động. Nàng ta nhìn thấy đường đi nhỏ hẹp một bên sát chân núi lớn, một bên lại là đầm lầy lau sậy cao hơn đầu người biết chắc đã được An Định Hầu cho gia cố để tiện phòng thủ, ngừa ải Ứng Kê bị công phá. Đoàn người ngựa đi chừng năm dặm đến cổng một thành đá lớn. Tên đội trưởng gác thành thấy có kỵ mã liền hô to:
- Không biết là đạo quân nào? An Định Hầu có khẩu dụ, tất cả những ai muốn thông quan phải có quân lệnh đầu hổ. Không biết đạo quân dưới thành có lệnh đó hay không?
Lý Hoan thấy Thác Hoa còn lạ lẫm nên muốn chứng tỏ vị thế của An Định Hầu để lấy lòng bèn hô lớn:
- Ta là Tả Tướng Quân Lý Hoan phụng mệnh bệ hạ đem quân ra Ứng Kê chống ngoại xâm. Các ngươi còn không mau mau mở thành!
Tên đội trưởng tất nhiên là biết Lý Hoan. Tuy vậy, hắn vẫn đáp:
- Lý tướng quân thứ lỗi! Không có lệnh đầu hổ dầu là ai cũng không được đi qua. An Định Hầu đã có khẩu dụ, kẻ nào tự ý quá quan chém ngay tại chổ! Xin Lý tướng quân đừng làm khó!
Thác Hoa nghe vậy liếc nhìn thấy An Định Hầu đeo mặt nạ ngạ quỷ mở miệng cười đắc ý. Vương hầu gật gù:
- Tên Lý Phương này chỉ biết lệnh không cần biết người, chỉ nhìn lệnh không cần nhìn người. Khá lắm!
Lý Hoan cười hì hì quay lại nói:
- Xin cho mạc tướng mượn quân lệnh đầu hổ! Quân lệnh đầu hổ của mạc tướng không may hành quân quá vội đã để quên ở Ứng Kê Quan!
Thác Hoa biết Lý Hoan nói vậy để lấp liếm việc An Định Hầu bí mật cho người đến chổ hắn lấy đi lệnh bài. An Định Hầu liền rút trong giáp trụ ra một cái thẻ bằng đồng bọc bạch kim có tạc hình đầu hổ đang nhe nanh. Lý Hoan đón lấy rồi chạy lên gần cổng thành đá nói:
- An Định Hầu đang dẫn binh! Mau mau mở cửa!
Tên đội trưởng Lý Phương thấy quân lệnh đầu hổ có bọc bạch kim liền vội vàng hô người dóng liền bảy hồi trống rất trịnh trọng. Lát sau từ trong thành, có đoàn người ngựa dẫn đầu là Lê Mục chạy ra. Tất cả đều xuống ngựa xếp thành hai hàng cúi đầu nghênh đón. An Định Hầu cười hà hà rồi cho tất cả miễn lễ. Hầu gia dìu Thác Hoa xuống ngựa rồi nói:
- Đây là phu nhân của ta! Các ngươi từ giờ thấy nàng như là thấy ta tuyệt đối không được khinh mạn vô phép. Nếu không ta sẽ theo đúng quân luật mà xử, không dung thứ cho bất kỳ kẻ nào!
Cả bọn đều đồng loạt khom mình hô lớn:
- Cung nghinh An Định Hầu phu nhân về ải! Cung chúc phu nhân cùng An Định Hầu đầu bạc răng long!
Bọn lính tráng quen chinh chiến nên lời lẻ không êm tai như Đinh Phúc nhưng thật lòng chúc tụng. Thác Hoa mặt đỏ hồng cứ ôm tay An Định Hầu đi vào trong. Thành đá này chu vi chừng mấy chục mẫu vuông. Thác Hoa vào thành đã thấy có gần trăm dân chúng xếp hàng chào đón. An Định Hầu chỉ cười đáp lễ rồi nhanh chóng đi thẳng vào quân trướng. Lý Hoan tức tốc thúc giục thay ngựa chiến. An Định Hầu để Đinh Thương cùng một vạn thiết kỵ ở lại giữ thành, còn bao nhiêu binh lính cùng tướng lãnh đều rút lên hết Ứng Kê. Chỉ tội nghiệp Thác Hoa không quen hành quân liên tục. Nàng ngồi sau ngựa ôm chặt lấy An Định Hầu rồi ngủ gục lúc nào không hay biết. Chỉ nhớ khi tỉnh dậy đã thấy được nằm trên giường êm trong phòng lớn, bên ngoài đã có hai tỳ nữ đứng hầu. Hai tỳ nữ nghe tiếng gọi liền vội bước vào. Một nàng cúi đầu nói:
- Bẩm phu nhân, An Định Hầu đang ở đại doanh họp cùng các tướng lãnh!
Thác Hoa chỉ ừ một tiếng rồi hỏi đường. Một tỳ nữ lập tức dẫn đi. Thác Hoa đi vòng vèo mấy đoạn hành lang đều thấy cứ năm sáu chục bước thì có lính đứng gác nghiêm cẩn. Bọn lính thấy nàng liền khom người vái lễ trịnh trọng. Thác Hoa vốn là công chúa nên cũng quen nghi lễ. Nàng định ừ đáp nhưng ngẫm thấy đường còn dài không biết sẽ phải ừ ba nhiêu cái nên chỉ ra hiệu miễn lễ rồi đi. Cuối cùng cũng đến một cổng lớn, hơn hai mươi tên lính mang giáp đầu hổ liền vội vàng chận lại. Cả bọn hành lễ với Thác Hoa mà nói:
- An Định Hầu đang mật sự với chư tướng, xin phu nhân đứng chờ!
Một tên khác vội vàng chạy vào trong. Lát sau, hắn trở ra cung kính nói:
- An Định Hầu có khẩu dụ cho mời phu nhân!
Bọn lính dạt ra hai bên nhường đường. Thác Hoa bước vào trong lại thấy Lê Mục, Lý Hoan đang đứng hầu bên ngoài. Hai tướng thấy nàng thì cúi mình cung kính. Thác Hoa cười nói:
- Các vị đừng quá đa lễ!
Lý Hoan cười hì hì đáp:
- An Định Hầu đang nói chuyện với Trần Biền bên trong! Xin phu nhân đợi bên ngoài!
Thác Hoa chưa kịp nói thì nghe tiếng An Định Hầu sang sảng vọng ra. Lý Hoan vội vàng dạ lớn một tiếng. Thác Hoa đi thẳng phía trước chừng một trăm bước chân đã đến phòng. Nàng gõ cửa rồi bước vào. Bọn Lý Mục, Lê Hoan biết An Định Hầu đang có chuyện cơ mật nói riêng với Trần Biền. Nhưng hai tướng thấy Thác Hoa được vào nghe thì biết vị trí nàng trong lòng vương hầu rất lớn. Hai tướng không ai nói ai tự nhiên kính trọng Thác Hoa thêm mấy phần.
An Định Hầu đang ngồi trên ghế cao bọc da hổ đặt ở giữa phòng. Ông thấy Thác Hoa liền ra hiệu cho nàng đến ngồi cạnh bên. Thác Hoa yên vị xong mới nhìn một viên tướng đang ngồi bên trái. Người này chừng bốn mươi tuổi, khuôn mặt trầm nghị không biểu lộ cảm xúc gì. Thác Hoa đoán chừng đây chính là viên tướng Trần Biền đã tự cắt lưỡi. Trần Biền khẻ liếc nhìn An Định Hầu dò ý. Hắn chờ ông ta khẽ gật đầu mới đứng dậy hướng về Thác Hoa khom mình vái lễ:
- Mạc tướng Trần Biền, là Trung Tướng giữ ải Ứng Kê xin tham kiến An Định Hầu phu nhân!
Thác Hoa giật mình ngơ ngác:
- Trần tướng quân…tướng quân không phải đã tự cắt lưỡi rồi?
An Định Hầu nói:
- Bí mật này chỉ có nàng và ta biết. Đến Lý Hoan, Lê Mục cùng các tướng lãnh khác vẫn cho rằng Trần Biền đã cắt lưỡi. Chuyện này không được tiết lộ ra ngoài!
Thác Hoa không khỏi tò mò hỏi:
- Trần tướng quân không phải đã lục được một phong thư đọc xong liền cắt lưỡi hay sao?
Trần Biền đáp:
- Bẩm phu nhân, mạc tướng đọc phong thư thì biết bên trong quân lính có nội gián nên liền nhanh tay cắt lưỡi một kẻ tử trận gần đó để che mắt!
Thác Hoa tấm tắc khen:
- Tướng quân thật nhanh nhạy. Vừa truyền được lời đến An Định Hầu lại khiến kẻ nội gián kia không dám manh động!
An Định Hầu đem quân về nam dẫn theo cả Lý Hoan, Lê Mục, Đinh Thương, riêng Trần Biền phải ở lại coi ải. Thác Hoa thầm tính chuyện về nam và chuyện giữ ải đều quan trọng như nhau. Nàng cho rằng so bì bốn tướng lãnh dưới trướng An Định Hầu, Trần Biền phải có điểm hơn người. Bây giờ được đối diện với họ Trần, Thác Hoa ngầm hiểu so bì trí óc, hắn có phần hơn hẳn Lý Hoan, Lê Mục, Đinh Thương. Thành ra, An Định Hầu rất coi trọng Trần Biền.
An Định Hầu hỏi:
- Ngươi đã điều tra được kẻ nào chưa?
Trần Biền đáp:
- Bẩm, mạc tướng từ lúc có được phong thư thì ngày đêm đều rà soát binh sĩ. Tuy nhiên vẫn chưa tra ra được!
An Định Hầu hỏi tiếp:
- Nội dung bức thư ngoài ngươi còn ai từng đọc qua?
Trần Biền đáp:
- Từ lúc lấy được phong thư, mạc tướng luôn giữ trong người. Đến mạc tướng cũng chỉ dám đọc một nửa nội dung. Nhất định không còn kẻ nào biết!
An Định Hầu liền chau mày:
- Còn đám thuộc tướng của Dương Văn Báo, biết đâu có kẻ nào trong số đó từng được đọc qua phong thư?
Trần Biền đáp chắc nịch:
- Chắc chắn không còn ai! Tất cả thuộc tướng của Dương Văn Báo ba phần đều tử trận. Chỉ còn lại hai người. Mạc tướng lấy được phong thư, trên đường lui binh đã tự tay giết đi hai người đó. Thành ra dầu có biết cũng đã không còn ai sống để mà nói!
Thác Hoa nghe Trần Biền nói thì phục thầm tính hành xử cẩn trọng của hắn. Thuộc hạ thường bị cách hành xử của chủ tướng làm ảnh hưởng. Thác Hoa đoán chừng cách ra tay tàn nhẫn trên của Trần Biền học được ít nhiều từ An Định Hầu. Nàng ngẫm lại, An Định Hầu không chỉ dùng trí tuệ hay oai dũng hơn người để đe nẹt đối phương. Kẻ khác khiếp đảm có lẻ phần đông chính từ cách hành xử tàn bạo. Nàng càng ngẫm, càng đoán vị phu quân trời phối này nhất định gây oán hận rất nhiều người, tự nhiên lo thầm trong bụng.