Chinh Nhân Oán Ca Chương 14

Chương 14
Thác Hoa Kinh Hãi Hội Tướng Giữa Đêm

Tin quân Tống chuẩn bị công phá ải Ứng Kê lại bị giấu nhẹm trong toàn triều Đinh. Trừ những kẻ trong cuộc, các tướng lãnh từ công thần khai quốc đến quan lại các bộ đều không mảy may hay biết. Đinh Tiên Hoàng Đế hạ một thánh dụ để Định Quốc Công Nguyễn Bặc đang trấn thủ thành Đại La xuất hai vạn binh mã lên xung vào Ứng Kê. Thánh dụ chỉ nói là tặng cho An Định Hầu không hề đề cập việc quan ải có biến. Định Quốc Công nhận lệnh lập tức điều quân lính đưa đi. An Định Hầu nhận được cảm tạ không ngớt rồi theo các lộ phòng thủ mà xung quân lính vào những chổ thiếu người. Trong vòng ba ngày An Định Hầu tự nhiên lại nắm trong tay bảy vạn binh mã khiến không ít tướng soái các nơi khác sanh lòng hiềm khích.

An Định Hầu bất kỳ mật đàm cùng các tướng hay nghị sự dùng binh đều để Thác Hoa ngồi bên cạnh. Ban đầu chư tướng không quen nhưng sau thấy Thác Hoa đầu óc sắc bén, lại có tài điều binh không kém gì An Định Hầu thì tự nhiên khâm phục, bất kể chuyện lớn nhỏ gì cũng đều trình báo không dám để dạ khinh khi. An Định Hầu còn yêu chiều Thác Hoa hết mực. Nàng ta mở miệng nói điều gì, xin điều gì, kiến nghị điều gì, An Định Hầu đều tán đồng không chút do dự thêm. Thành ra chư tướng không ai là không kính trọng nàng.

An Định Hầu vẫn làm như việc quân Tống đánh ải là thật. Ông điều Trần Biền coi quản cửa chính, lại phân Lý Hoan, Lê Mục làm tướng tiên phong. Binh mã đều túc trực canh gác không chút chểnh mảng. Hai vạn quân mới được xung vào toàn là tân binh chưa từng kinh qua chiến trận đâm ra lơi là. Chỉ khổ cho Lý Hoan phải một ngày phải đánh trượng phạt hơn trăm tên làm gương mới răn đe được. Hắn điên tiết lên xin An Định Hầu chuyển hết số binh lính kia cho Lê Mục. Lê Mục ngán cảnh rèn tân binh liền từ chối lia lịa. An Định Hầu thấy hai tướng cứ đùn qua đẩy lại thì nổi giận quát mắng. Nếu không có Thác Hoa đỡ lời chắc chắn hai tướng đã bị khép trọng tội phạt trượng giữa ba quân. Trong mấy ngày, An Định Hầu phòng binh đều nghiêm cẩn đến hà khắc quá cở. Tất cả, từ hàng tướng như Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục đến hàng phó soái có chút sai sót đều bị ông ta phát thịnh nộ theo quân luật mà khép tội chểnh mảng. Thác Hoa phải lên tiếng xin tha liên tục, An Định Hầu mới nguôi ngoai chỉ quát nạt chiếu lệ.

Thác Hoa thừa biết thâm tâm An Định Hầu muốn đưa nàng lên vị trí quan trọng trong lòng chư tướng nên mới làm vậy. Nàng càng sung sướng chăm sóc ông ta chu đáo không dám cãi lại nửa lời. Nhanh chóng từ ba quân rầm rì đồn ra ngoài chuyện An Định Hầu nghiêm khắc, phu nhân An Định Hầu nhơn từ. Vì thế các tướng lãnh đến tiểu tốt có chuyện muốn xin xỏ đều gặp riêng Thác Hoa nhờ cậy chuyển lời giúp. Quân Tống còn chưa tới thì trên dưới quan ải đều đã bố phòng nghiêm ngặt đồng lòng đối địch.

An Định Hầu lại cho Thác Hoa tùy ý chọn trong binh mã một người để lập đội cận vệ riêng. Thác Hoa rà soát chọn lấy Lý Phương vốn là đội trưởng đang coi ngó cổng thành Quỷ Môn Quan. Lý Phương một bước được cân nhắc lên mấy bậc cảm kích không nguôi tận lòng ra sức. An Định Hầu cho hắn quản một ngàn quân đầu hổ tinh nhuệ coi ngó khắp nơi trong phủ hầu. Mỗi lần Thác Hoa có chuyện đi đâu, Lý Phương đều đích thân theo sau canh gác. Chư tướng không hiểu chuyện cho rằng An Định Hầu yêu chiều Thác Hoa quá mức nhưng nào hay, ông đề phòng trong quân ngũ có kẻ rắp tâm mưu phản mà hại đến nàng. Đêm nào vương hầu cũng chong đèn đến khuya tra xét vẫn không thể tìm được nội gián càng mất ăn mất ngủ. Thác Hoa nhiều lúc phải làm mình làm mẩy khóc lóc mấy bận, ông ta mới nhượng bộ chịu chợp mắt nghỉ ngơi.

Một đêm Thác Hoa đang say giấc thì bỗng nghe tiếng trống trận liên hồi liền giật mình thức dậy. Nàng ngơ ngác không thấy An Định Hầu nằm bên cạnh liền hoảng loạn gọi lớn. Tỳ nữ đứng hầu bên ngoài vội chạy vào đáp:

- Dạ bẩm phu nhân! Vương hầu đang thao lượt cùng các tướng!

Thác Hoa nghe vậy mới an tâm. Tỳ nữ kia đã quen được Thác Hoa thương yêu nên mới liếc nhìn Thác Hoa mà cười khúc khích:

- Vương hầu thật là quá đáng! Quân Tống đâu có đánh quan ải, sao ngài lại nỡ để phu nhân ngủ một mình đi thao tập cho đành!

Thác Hoa nghe xong liền chau mày hỏi:

- Làm sao ngươi biết quân Tống sẽ không đánh!

Tỳ nữ liền đến cạnh nàng thì thầm:

- Có một lần tỳ nữ đi ngang qua đám lính gác ở trướng quân đã nghe bọn chúng nói như vậy. Bây giờ quân lính đều biết chuyện sẽ không có địch tấn công nhưng chẳng qua không nói ra mà thôi!

Thác Hoa đột nhiên lẩm bẩm:

- Sao ta lại không nghĩ ra? Sao ta lại không nghĩ ra?

Nàng liền tháo một chiếc nhẫn ngọc đang đeo trên tay đưa tặng cho tỳ nữ. Tỳ nữ kia ngần ngại không dám lấy. Thác Hoa liền dúi vào tay tỳ nữ mà nói:

- Ta tặng cho ngươi. Ngươi có thể giúp ta một chuyện?

Tỳ nữ liền cúi người lắng nghe. Thác Hoa thầm thì nói:

- Ngươi mau chạy đến chổ vương hầu đang thao luyện binh mã mà nói, phu nhân tự nhiên trở bệnh mong vương hầu về xem xét! Xong việc thì món đồ này là của ngươi!

Tỳ nữ nghe cứ nghĩ phu nhân muốn làm nũng với An Định Hầu nên che miệng cười khúc khích. Nàng ta cầm lấy chiếc nhẫn, luôn miệng cảm tạ Thác Hoa rồi vội vã chạy đi.

An Định Hầu trước cổng thành Ứng Kê thao diễn bỗng nhiên nghe một tên lính hầu báo Thác Hoa đang lâm bệnh. Ông ta biết có điều khuất tất nên vội vàng cho ngừng thao luyện rút binh mã vào thành bố phòng nghiêm ngặt. An Định Hầu đi như bay về lại phủ. Ông xô cửa bước vào thấy Thác Hoa đang ngồi trên giường khuôn mặt sợ hãi. Ông vội bước đến cạnh bên mà hỏi:

- Ta nghe nói nàng bị bệnh!

Thác Hoa liền ôm chặt lấy An Định Hầu. An Định Hầu nghe nhịp tim nàng đập loạn biết có chuyện chẳng lành. Thác Hoa ôm vương hầu một lúc cho định thần mới gọi lớn. Lý Phương ngay lập tức đứng bên ngoài đợi. Thác Hoa ra lệnh:

- Lý tướng quân cho người canh gác chặt phủ hầu không cho bất kỳ ai tự tiện bước vào!

Lý Phương dạ lớn một tiếng rồi lập tức thi hành. Thác Hoa lúc này mới thì thầm nói:

- Thiếp vừa nghe một chuyện khiến thần vía hoảng loạn, phải giả bệnh che mắt chư tướng mà gọi ngài về!

An Định Hầu liền hỏi:

- Nàng nghe được chuyện gì?

Thác Hoa đem lời tỳ nữ kia mà kể lại. An Định Hầu nghe xong cũng giật mình:

- Chuyện này là thật?

Thác Hoa đáp:

- Đến tỳ nữ còn biết được thì tất cả sĩ tốt cũng đã biết! Ngài thấy có lạ không? Rõ ràng có người đã cố phao tin này trong ba quân!

Mấy ngày nay An Định Hầu canh cánh chuyện nổi loạn trong lòng nhưng không tìm được nút thắt, tựa bản thân đang đứng trước cổng lớn chẳng thể mở được. Lời Thác Hoa như thể chìa khóa để khai mở, An Định Hầu ngẫm nghĩ một lát liền nghiến răng căm phẫn:

- Giỏi! Giỏi lắm!

Thác Hoa nói tiếp:

- Kẻ tung tin đồn này không có ý muốn làm lộ việc ngài nhờ Trần Biền phao tin giả có địch đánh ải!

An Định Hầu gật đầu tán đồng:

- Điều hắn muốn là để binh sĩ biết không có chuyện giặc tấn công mà sanh lòng chủ quan!

Thác Hoa liền hỏi:

- Thông thường nếu chiến trận xảy ra ngài sẽ ở đâu mà điều binh?

An Định Hầu đáp:

- Ta sẽ cùng Đinh Thương đứng trên thành cao quan sát. Hai tướng Lê Mục, Lý Hoan sẽ ở dưới thành đợi lệnh! Trần Biền sẽ chỉ huy quân đầu hổ phòng hậu!

Thác Hoa kinh hãi run giọng:

- Bây giờ không có Đinh Thương ở đây có nghĩa chỉ một mình ngài đứng giữa binh mã của ba viên tướng kia!

An Định Hầu nghiến răng:

- Không sai! Ta vì biết lần này không có giặc nên chủ quan để Đinh Thương lại Quỷ Môn Quan!

Thác Hoa nói:

- Kẻ tung tin đồn kia muốn binh sĩ trong lòng không phòng bị để có biến bất ngờ sẽ không trở tay kịp. Chuyện binh Tống công thành là giả nhưng bây giờ đã là thật rồi!

An Định Hầu gật đầu:

- Trong ba tên Lý Hoan, Lê Mục, Trần Biền nhất định có kẻ làm phản!

Thác Hoa lại hỏi:

- Thông thường có chiến trận nếu tướng quân Đinh Thương không thể hành quân thì ai sẽ đi cùng ngài!

An Định Hầu đáp:

- Là Trần Biền! Lý Hoan, Lê Mục chỉ quen việc phục kích, cận chiến nhưng không giỏi quan sát trận thế như Đinh Thương, Trần Biền. Không có Đinh Thương ta nhất định sẽ dùng Trần Biền để cùng ra trận!

An Định Hầu nói vậy liền tự đấm tay vào thành giường một cái à lên:

- Thảo nào ta trước đây cứ thắc mắc vì sao Kiều Công Tiễn gửi thư cho ta cùng chư tướng nhưng lại không gửi thư cho Đinh Thương! Trong khi đó ngày trước, Đinh Thương luôn được Kiều công trọng thị!

Thác Hoa suy ngẫm rồi nói:

- Thiếp lần trước nghe ngài kể cũng đã thắc mắc nhưng không tiện bàn! Bây giờ thiếp đã suy đoán được! Kiều Công Tiễn sợ Đinh Thương sẽ đem thư kia mà dâng cho ngài! Lúc đó, ba tướng Lê Mục, Lý Hoan, Trần Biền cũng buộc phải dâng thư, như vậy chẳng phải là vỡ lỡ hết mọi chuyện hay sao?

Thác Hoa nhìn thẳng vào An Định Hầu, quả quyết:

- Nếu Kiều Công Tiễn viết thư nhờ ba tướng Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục mở cổng thành để có thể đưa đại quân vào. Việc khó thứ nhất là phải chờ đợi thời cơ thích hợp! Việc khó thứ hai là làm sao để ngài không có lòng phòng bị! Việc khó thứ ba, dầu ngài có lòng phòng bị cũng không thể làm gì được!

An Định Hầu đáp:

- Lời nàng rất đúng. Ta nhờ Trần Biền phao tin quân giặc đánh ải đã vô tình giúp họ Kiều giải đáp hai vấn đề khó trên. Ba tướng theo thói quen dùng người của ta sẽ giải quyết được vấn đề khó còn lại!

Thác Hoa nói tiếp:

- Lúc thiếp nghĩ ra chuyện này liền đem việc Dương phi biết ngài giấu binh mã riêng đối chiếu. Thiếp nghĩ ra được một chuyện!

An Định Hầu trầm tư rồi đáp:

- Kẻ để lộ việc giấu binh ở Đại Lý chỉ muốn Dương phi biết rồi tâu lên bệ hạ. Bệ hạ nhất định nổi giận mà tra hỏi ta. Ta bị dồn vào thế buộc phải tạo phản! Nhưng nếu như vậy sao kẻ đó không tấu thẳng lên bệ hạ mà phải thông qua Dương phi làm gì?

Thác Hoa đáp:

- Vì lỡ như bệ hạ không muốn giết ngài hoặc không thể giết ngài. Ngài quay về cùng lắm chỉ oán hận Dương phi chứ không ngờ trong tướng lãnh có kẻ làm phản!

An Định Hầu lắc đầu:

- Không thỏa! Lúc Trần Biền cắt lưỡi ta vẫn còn ở Định Biên chưa về đến kinh thành. Nếu ba tướng kia muốn ép ta thì Trần Biền không cần làm chuyện cắt lưỡi!

Hầu gia nói xong liền à lên:

- Không! Không! Trần Biền làm vậy chính là muốn ta đề phòng Dương phi! Ta trong lòng vốn có nghi kỵ với Dương phi, khi biết bà ấy rõ chuyện giấu binh sẽ càng có ác cảm!

Thác Hoa nói:

- Ngài nói không sai chút nào. Không biết ai lại có thể suy tính việc này kỹ lưỡng đến vậy. Nếu tỳ nữ của thiếp không phải vô tình nghe thấy rồi nói ra, thiếp cũng không sao phát hiện được!

An Định Hầu liền đứng dậy gọi lớn. Lý Phương lập tức chạy vào. An Định Hầu nói:

- Ngươi đi truyền khẩu dụ của ta đến các tướng lãnh, nửa canh giờ sau họp tại đại doanh!

Lý Phương cúi đầu nhận mệnh. An Định Hầu đích thân ra ngoài phủ hầu sắp xếp lính cận vệ canh phòng nghiêm ngặt rồi mới quay trở lại. Thác Hoa nằng nặc đòi đi theo nhưng ông ta nghiêm giọng từ chối. Trong lòng Thác Hoa lo âu tột độ cũng đành phải ở lại hầu phủ khóc kể sướt mướt.

Lý Hoan, Lê Mục, Trần Biền vừa mới từ nơi thao luyện binh mã trở về ngồi chưa ấm chổ thì nhận được lệnh triệu tập của An Định Hầu. Chư tướng ai cũng không hiểu chuyện gì nhưng vẫn giáp phục chỉnh tề đến doanh trướng. Ba tướng đến nơi thì vẫn chưa thấy An Định Hầu bèn ngồi xuống chờ đợi. Bọn họ đưa mắt nhìn nhau dò xét, tuyệt nhiên vẫn im lặng không hé miệng nói điều gì. Các tướng đợi đến gần nửa canh giờ trong lòng càng bất an. Lê Mục bắt đầu liếc mắt nhìn hai tướng còn lại đầy ẩn ý. Lý Hoan chỉ khẻ hừ một tiếng. Trần Biền thì thản nhiên ngồi đợi. Lê Mục dường như nóng ruột nên dùng ngón tay gõ xuống mặt bàn gỗ phát ra âm thanh cộp cộp. Lý Hoan liếc nhìn trước sau rồi cũng gõ xuống bàn mấy cái. Trần Biền nghe thấy liền gõ thêm mấy cái nữa. Lập tức hai tướng kia ngồi yên.

An Định Hầu thong thả cho chư tướng đợi thêm một lúc mới chậm rãi đến doanh trướng. Vừa bước đến cửa, một tên lính đầu hổ đã chạy ra thi lễ rồi ghé sát tai thì thầm. An Định Hầu nghe xong liền cho hắn lui đi. Ông ta điềm nhiên bước vào trong. Ba tướng thấy vương hầu vội vàng cúi đầu hành lễ. An Định Hầu ra hiệu cho miễn rồi ngồi xuống ghế lớn đặt ở giữa phòng. Chư tướng thấy An Định Hầu cởi bỏ mặt nạ ngạ quỷ tự nhiên kinh động trong lòng. Phải biết trong đám tướng lãnh dưới trướng, ngoại trừ Đinh Phúc và Đinh Thương, cả bọn chẳng có ai dám nhìn khuôn mặt âm dương của An Định Hầu. Vì thế, bất kể hội họp bình thường hay mật nghị, An Định Hầu vẫn đeo mặt nạ tránh làm các tướng khiếp đảm. Lệ đó đã giữ gần mười năm nay không hề có đổi khác. Nay chư tướng thấy An Định Hầu phá lệ không khỏi kinh hãi thầm đưa mắt nhìn nhau hội ý.

Lý Hoan liền lên tiếng hỏi:

- Không biết có chuyện gì mà ngài lại gấp gáp cho triệu bọn mạc tướng!

An Định Hầu thản nhiên nhìn Trần Biền, ra lệnh:

- Ngươi lấy được phong thư của Dương phi trong xác Dương Văn Báo! Ngươi cũng đã đọc qua phân nửa! Bây giờ mau đọc lại cho chư tướng nghe nội dung!

Trần Biền ngước nhìn thấy vương hầu vẫn đang chờ đợi thì trong lòng bất an. Lý Hoan, Lê Mục nghe vậy cũng chờ Trần Biền mở miệng. Lúc này An Định Hầu nhìn hai tướng, mắt nổi hung quang hỏi:

- Trần Biền đã bị cắt lưỡi! Các ngươi đều biết! Ta bắt hắn đọc thư, các ngươi vẫn không ngạc nhiên hay sao?

Chư tướng đều biến sắc mặt. An Định Hầu gầm lên:

- Là vì các ngươi đều biết Trần Biền không hề cắt lưỡi! Bọn phản nghịch này! Quỳ xuống hết cho ta!

Ba tướng thấy An Định Hầu nổi cơn thịnh nộ liền đứng dậy cúi gằm mặt. An Định Hầu cười nhạt:

- Hay lắm! Đến quân lệnh của ta các ngươi giờ đã không muốn chấp hành! Các ngươi đã mai phục được bao nhiêu đao thủ chờ ập vào mà giết ta?

Lý Hoan lập tức quỳ sụp xuống đáp:

- Xin vương hầu suy xét! Là bọn mạc tướng đã ép Trần Biền nói ra nên mới biết chuyện! Bọn mạc tướng không hề dám qua mặt ngài mà toan tính chuyện mờ ám sau lưng!

Lê Mục cũng quỳ xuống van xin. Chỉ Trần Biền vẫn cúi mặt đứng yên không động đậy. An Định Hầu không thèm đáp bèn tháo kiếm đang đeo bên hông xuống. Ông gõ kiếm lên mặt bàn phát ra những tiếng cộp cộp rồi hỏi:

- Cái này có phải là, không biết vương hầu sao gọi chúng ta đến?

Lê Mục liền tái mặt ấp úng trong miệng không sao dám đáp.

An Định Hầu lại gõ thêm mấy tiếng cộc cộc hỏi:

- Cái này có phải là, ngươi đừng nôn nóng mà làm lộ việc?

Tới lượt Lý Hoan biến sắc cúi gằm mặt.

An Định Hầu gõ thêm mấy tiếng, hỏi:

- Cái này có phải là, hai ngươi đừng tự hù dọa mình?

Trần Biền cũng không dám đáp trả. Hiển nhiên ba tướng trên dùng ám hiệu để mật đàm đã bị An Định Hầu tường tỏ. Phải nói thêm, tên lính đầu hổ âm thầm theo dõi bên ngoài có trí nhớ cực tốt. Chư tướng gõ bao nhiêu cái, dừng lúc nào, dài ngắn thế nào đều được hắn ghi nhớ không sót. Lúc hắn báo lại, An Định Hầu dễ dàng đoán ra. Vốn ông ta thường khuyến khích các tướng dưới quyền tự đặt ra cách liên lạc với nhau qua ám hiệu, phòng lúc có chuyện cơ mật phải bàn trước ba quân cũng không sợ bị lộ. An Định Hầu chẳng can dự vào phương thức ám hiệu mật đàm nhưng tự bụng vẫn phải rành rẽ để ngừa. Bọn Lý Phương, Lê Mục không đủ tài trí để sáng tạo nên kiểu dùng tiếng gõ nói chuyện, riêng Trần Biền thì thừa sức. Hắn sáng tạo xong lại rủ Đinh Thương nhập bọn nhưng Đinh Thương lấy cớ hay giữ ải Quỷ Môn Quan không thường kề cận An Định Hầu như ba tướng trên nên thoái thác. Kể ra Đinh Thương tạo nên cách dùng tiếng gõ nói chuyện khá công phu. An Định Hầu thầm cho người nghe lén các tướng truyền tin nhau hơn tháng mới hiểu được. Từ đó ông ta vẫn làm như không hay biết nhưng các tướng gặp nhau nếu mật đàm điều gì đều chẳng thoát được.

Ba tướng Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục không ngờ bị An Định Hầu nắm rõ thuật mật đàm nên chỉ biết cúi đầu cam chịu. An Định Hầu điên tiết rút kiếm chém một nhát. Chiếc bàn bằng gỗ dày liền bị chẻ mất một góc lớn. Ông nhìn Lý Hoan mà nói:

- Giỏi lắm! Từ khi ta mới đầu vào trướng Kiều Công Tiễn, ngươi đã theo ta. Mấy trăm trận thì chưa nhưng cũng phải hơn bảy tám chục lần cùng sống chết. Ngươi cuối cùng cũng muốn làm phản ta? Ta ăn uống cũng ăn uống cùng ngươi, bổng lộc được thưởng cũng chia đều với ngươi, ngươi còn cho là ít?

Lý Hoan rơi nước mắt dập đầu lia lịa:

- Xin hãy giết mạc tướng đi!

An Định Hầu quay sang Lê Mục, gằn giọng:

- Ngươi ngày trước cùng theo Lý Hoan mà về với ta. So về đãi ngộ ta dành cho chỉ có hơn chứ không kém Lý Hoan. Thân thuộc của ngươi cũng một tay ta chăm sóc chu toàn. Ngươi có lần chê bổng lộc bệ hạ tặng các tướng lãnh ít. Ta trong bụng không vừa nhưng cũng viết tấu về thượng kinh xin bệ hạ. Các lộ tướng lãnh khắp nơi đều cười mai mỉa ta mà nói, An Định Hầu thì ra cũng chỉ là kẻ tầm thường! Một tháng sau đó cả Đại Cồ Việt, tấu chương về như mưa đều phê phán ta. Ta có mở miệng trách phạt ngươi? Tuy thứ bậc là vương hầu, hạ tướng, có bao giờ ta lại khinh khi các ngươi? Vì sao bây giờ ngươi lại muốn mưu phản ta?

Lê Mục không dám đáp trả chỉ đành dập đầu vái lạy.

Trần Biền cầm đầu cả bọn mưu phản. Hắn thấy hai tướng Lê, Lý đã khiếp sợ uy hầu, mới nói:

- Các ngươi sao lại sợ sệt! Đã dám làm thì dám chịu, cần gì van xin!

Trần Biền nhìn An Định Hầu, nói:

- Chính ta đã dụ bọn họ mưu phản. Ngài làm An Định Hầu bảy năm trong lòng đã không còn có chúa cũ! Kiều công ngày trước tận tình đối đãi với ngài, rốt cuộc ngài cũng vì vàng bạc của họ Đinh mà phản bội còn truy sát! Là ngài bất nghĩa trước. Ta chỉ học theo mà thôi!

An Định Hầu cười gằn:

- Nói hay lắm! Nói rất hay! Ta chính vì ngày xưa bất nghĩa trước nên không thể trách các ngươi hôm nay! Tuy nhiên, ta tha cho Kiều Công Tiễn một mạng đã xem như đủ đền đáp. Đối với ta, người họ Đinh hay người họ Kiều làm vua đều không quan trọng. Kẻ nào khiến thiên hạ thái bình, bách tính an lạc ta nhất định sẽ ủng hộ. Đinh Tiên Hoàng Đế so ân nghĩa không bì được với Kiều Công Tiễn dành cho ta. Tuy nhiên, bệ hạ biết lo cho muôn dân. Kiều Công Tiễn đến cùng cũng chỉ mơ ngôi cao phú quý, mượn tay giặc ngoài! Ta chính vì điều này mà phản hắn!

Trần Biền thản nhiên đáp:

- Là do ngài tự biên tự diễn! Ta không hề tán đồng. Chỉ là họ Đinh chiếm được thiên hạ, ta không thể không âm thầm dưới trướng ngài mà phục tùng!

Hắn quay lại quát nạt Lý Hoan, Lê Mục:

- Các ngươi còn không mau đứng lên cùng ta giết hắn! Khoanh tay đợi hắn chém đầu hay sao?

An Định Hầu liền cười một tràng ha hả:

- Trần Biền ơi là Trần Biền! Uổng cho ngươi nhịn nhục theo ta bao nhiêu năm!

Ông ta cười chưa dứt nghe bên ngoài có tiếng chân người chạy rầm rầm. Trần Biền cười nhạt:

- Ông đừng cho chỉ có một mình ông biết tính toán kỹ lưỡng! Ta đã ra lệnh giới nghiêm. Tất cả binh mã đều án binh bất động. Chỉ còn lính giáp đầu hổ của ta mà thôi. Ông không lẽ có thể một mình thắng được bảy trăm quân đầu hổ?

An Định Hầu cũng cười nhạt:

- Ngươi tính toán hay lắm! Nhưng ngươi nên nhớ, quân đầu hổ không phải chỉ một mình ngươi có!

Trần Biền chưa kịp đáp thì cửa phòng mở rộng. Đinh Thương một tay xách trường thương, tay kia xách ba cái đầu còn bê bết máu bước vào. Áo giắp hắn mặc trên người còn nhuộm đỏ máu đang chảy thành dòng. Hắn ném mấy cái đầu đó về phía Trần Biền, nói:

- Phó tướng của ngươi rất khá. Ta phải vất vả lắm mới chém đầu được!

Trần Biền thấy Đinh Thương liền như ếch thấy rắn. Hắn kinh động trong lòng, hai chân run rẩy không đứng vững được nữa. An Định Hầu ung dung:

- Mấy ngày trước ta đã âm thầm triệu Đinh Thương. Ta chỉ không ngờ là các ngươi quả nhiên dám mưu phản ta! Tính toán cũng thật chu toàn, kể cũng không uổng mười năm dài theo ta, trí tuệ các ngươi cũng tăng được mấy phần cặn kẻ!

Đinh Thương chắp tay hỏi An Định Hầu:

- Bẩm, không biết phải xử lý thế nào?

An Định Hầu đáp:

- Giải Trần Biền vào ngục, coi hắn cẩn thận! Đợi xong chiến sự sẽ luận tội!

Trần Biền biết không thể chống cự đành cúi đầu chấp nhận. Đinh Thương ra hiệu cho mấy tên lính giáp đầu hổ bước vào giải đi. An Định Hầu nhìn Lê Mục, hỏi:

- Mau nói! Chừng nào Kiều Công Tiễn sẽ cho quân tiến đánh?

Lê Mục lắp bắp đáp:

- Là..là tối mai, chỉ cần trên thành có lửa cháy sẽ tập kích bất ngờ!

An Định Hầu liền hỏi tiếp:

- Chuyện Dương phi biết, có phải là do ngươi nói?

Lê Mục cúi đầu không đáp. An Định Hầu đùng đùng thịnh nộ quát mắng rồi ra lệnh Đinh Thương tống giam cả hai tướng vào ngục tối.

An Định Hầu ra ngoài thấy bảy trăm lính giáp đầu hổ của Trần Biền đã bị trói gọn. Bọn lính này tuy theo Trần Biền nhiều năm nhưng đều không có lòng phản trắc với vương hầu. Nửa đêm cả bọn được lệnh đến vây trướng đại soái, ai ai cũng đều nghĩ có chuyện cơ mật cần canh gác cẩn thận. Ngờ đâu khi thấy Đinh Thương một mình đánh chết ba phó tướng, cả bọn mới biết đã bị Trần Biền lợi dụng làm phản với An Định Hầu.

Nguyên quân giáp đầu hổ đều đích thân một tay An Định Hầu huấn luyện từ lúc đầu vào trướng Kiều Công Tiễn. Ban đầu vốn có hai vạn người. Kẻ nào cũng dũng mãnh thiện chiến lại không hề sợ chết. Mấy lần, Kiều Công Tiễn mượn lấy quân đầu hổ đánh trận đều thắng lớn. Lúc Đinh Tiên Hoàng Đế dùng mấy chục vạn quân vây kín hai ải Quỷ Môn Quan và Ứng Kê, cũng chính nhờ An Định Hầu cùng đoàn quân này liều chết tử thủ khiến hoàng đế tổn hao binh lực vô kể. Kinh qua nhiều trận đại chiến, hai vạn quân đầu hổ cuối cùng chỉ còn bảy trăm. Sau này, An Định Hầu đã giao hết số quân chủ lực đó cho Trần Biền nhằm coi quản Ứng Kê.

Bảy trăm quân đầu hổ tuy nhất mực nghe lệnh Trần Biền nhưng đến cùng vẫn luôn trung thành tín cẩn với An Định Hầu. Thành ra cả bọn hay chuyện đều đồng loạt bỏ vũ khí để Đinh Thương trói gọn. Bằng không, Đinh Thương đâu dễ khống chế toàn cuộc được.

Nguồn: truyen8.mobi/t124473-chinh-nhan-oan-ca-chuong-14.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận