Bảy trăm quân giáp đầu hổ thấy An Định Hầu liền tự động hướng về ông ta cúi đầu. An Định Hầu ra lệnh cởi trói cho tất cả bảy trăm quân đầu hổ. Đinh Thương sợ cả bọn làm càn liền siết chặt trường thương phòng bị. An Định Hầu thản nhiên đứng giữa bảy trăm quân đầu hổ mà nói:
- Các ngươi theo ta đã lâu, kể về công lao về ơn nghĩa đều cao nặng khó lời phân giải! Bây giờ ta không truy cứu chuyện làm loạn đêm nay. Trong các ngươi, kẻ nào vẫn còn coi trọng Đinh Quan Viễn ta thì hãy quay lại về doanh quân xem như không có việc gì! Kẻ nào có lòng bất mãn với ta, cứ tự nhiên rời khỏi! Ta lấy thân phận là An Định Hầu cam đoan, không có bất kỳ người nào dám gây khó dễ!
Bảy trăm quân đầu hổ này căn nguyên cũng chỉ bị Trần Biền lợi dụng. Bọn chúng nghe An Định Hầu nói xong liền đồng loạt quỳ xuống đáp:
- Xin được về dưới trướng vương hầu, dầu sống dầu chết cũng không lời oán hận!
An Định Hầu cũng chỉ muốn thử lòng. Ông ta thấy bảy trăm quân đầu hổ đều nhất dạ xin theo thì cười ha hả ra hiệu miễn lễ. Phải biết, bất kỳ tướng lãnh nào cũng căm hận chuyện quân sĩ phản nghịch. Thường sau khi dẹp xong loạn, các tướng lãnh đều đem quân sĩ phản nghịch ra nghiêm trị. Nhẹ thì phạt trượng đày ải, nặng thì chém đầu thị chúng, vừa uy hiếp ba quân ngừa phản loạn về sau, lại còn làm yên lòng bản thân. Mấy vạn binh mã ở hai ải Ứng Kê cùng Quỷ Môn Quan đều biết, An Định Hầu hận nhất là những kẻ phản bội. Bảy trăm hổ đầu quân kia theo ông ta lâu ngày càng biết rõ điều đó. Tuy nhiên, cả bọn vẫn nhất mực xin theo, lòng có ý cam chịu để trách phạt.
An Định Hầu tất nhiên là người vui mừng nhất. Ông lập tức ban thưởng vàng bạc để yên lòng bảy trăm quân đầu hổ, lại phân phát ân điển cho toàn bộ binh mã dưới trướng. Tất cả binh lính sau này biết chuyện đều cảm kích tấm lòng của vương hầu, không còn ai màng đến mưu tính làm phản.
An Định Hầu liền điều bảy trăm quân đầu hổ về lại hầu phủ. Ông ta đích thân nắm giữ không giao quyền cho tướng soái khác, phòng ngừa lại có thêm một Trần Biền thứ hai làm loạn. Ông còn tự thân đến từng doanh trại kiểm điểm binh mã. Trong đêm, An Định Hầu cân nhắc lên hơn mười phó tướng tin cẩn chia nắm binh quyền, còn lại bao nhiêu binh mã thì giao hết cho Đinh Thương. An Định Hầu giấu nhẹm chuyện chư tướng mưu phản. Ông ra lệnh cấm binh lính tự ý rời khỏi thành, tăng cường bố phòng cẩn mật.
Xong mọi việc, ông ta lại nói với Đinh Thương:
- Lập tức cho quân thám thính dò la trong vòng ba mươi dặm có binh lính đồn trú hay không?
Đinh Thương vâng mệnh nhưng hỏi lại:
- Bẩm, không biết xử lý ba tướng kia thế nào? Giam lâu tất không ổn!
An Định Hầu đáp:
- Giữ Lý Hoan, Lê Mục lại! Riêng Trần Biền tối mai sẽ chém đầu trên cổng thành tế cờ!
Đinh Thương dạ lớn rồi đi sắp xếp.
An Định Hầu cùng lúc mất sạch ba tướng thân cận trong lòng vô cùng chua xót. Ông ta thở dài mấy bận lại tự thân đi kiểm tra phòng bị mới quay về phủ hầu.
Bảy trăm quân đầu hổ vướng vào cuộc bạo loạn ở đại doanh đã tập hợp trong phủ. Cả bọn thấy An Định Hầu liền quỳ xuống vái lễ. Vương hầu cười ha hả ra hiệu đứng lên. Ông hô lớn gọi người chuẩn bị cho sân sau một đống lửa lớn, theo đó bày biện ra mấy trăm ấm trà to. Bảy trăm quân đầu hổ nghe bày biện tự nhiên lại rộn ràng trong bụng. Vốn thuở trước, An Định Hầu đánh xong chiến sự đều hội họp chư tướng lẫn binh sĩ mà đãi rượu. Về sau, ông ta cai rượu nên thay bằng trà. Tuy nhã hứng bị giảm đôi chút nhưng binh sĩ đều hả hê ruột gan.
Thông thường xảy ra biến cố lớn như chuyện tướng lãnh phản loạn vừa rồi, An Định Hầu theo lý phải về thăm phu nhân mới phải. Tuy nhiên, ông lại biệt đãi quân lính trước khiến quân đầu hổ đều cảm kích bất tận.
Sân sau của phủ hầu rộng chừng hai mẫu vuông, lính hổ đầu theo An Định Hầu ra tới nơi đã thấy một đống lửa to đang cháy rực, ba trăm ấm trà lớn vẫn đang bốc khói nghi ngút. Cả bọn không ai bảo ai tự động cởi bỏ hết giáp phục lẫn binh khí chỉ để người trần đóng khố ngồi xuống. An Đình Hầu ngồi giữa cả bọn. Ông cũng tự cởi bỏ giáp, đóng khố, riêng vẫn đeo mặt nạ ngạ quỷ. An Định Hầu rót một chén trà lớn, lính hổ đầu làm theo. Ông ta giơ chén cao uống cạn, bảy trăm lính hổ đầu vái lễ cũng dốc sạch chén. Trà chừng mấy bận, An Định Hầu đưa mắt nhìn cả bọn. Ai nấy cũng đều ngang ngửa hoặc giả chỉ thua kém bản thân ông ta vài ba tuổi. Ông ta cất giọng hỏi:
- Các người so về dũng mãnh đều đáng được cân nhắc lên hàng tướng lãnh! Bao năm nay ta vẫn chỉ để các ngươi làm quân sĩ, hẳn các ngươi có chút oán hận ta đã bạc đãi!
Một người liền thưa:
- Bẩm, ngài không muốn cho chúng tôi làm tướng lãnh vì sợ chúng tôi cả đời cứ vướng vào nghiệp binh không rút chân ra được! Nỗi lòng của ngài, bọn tôi đều hiểu rõ, sao dám để dạ oán hận cho được!
An Định Hầu cười hà hà:
- Đúng là anh em tốt của ta! Chúa thượng nhiều phen bảo ta chọn người tài trong hàng ngũ quân đầu hổ thân cận để tiến cử lên hàng phó soái, tướng lãnh để trấn thủ các nơi khác. Ta kịch liệt phản đối chống lại chỉ dụ đã khiến chúa thượng phiền lòng không ít! Ta vô tình cản đi con đường tiến thân của các ngươi. Thâm tâm ta ăn năn vô kể. Hôm nay nghe được lời này, ta thật sự nhẹ nhỏm biết bao!
An Định Hầu thúc dục cả bọn uống cạn thêm mấy lượt trà. Ông nhìn cả thảy lính đầu hổ, cảm khái:
- Hai vạn quân đầu hổ ngày nào giờ chỉ còn bảy trăm người! Các người theo ta từ khi ta còn làm tướng dưới trướng Kiều Công đến khi ta làm An Định Hầu của chúa thượng, lâm trận đều lấy ít địch nhiều, hỏi sao không thương vong cho được! Chỉ vì ta bất tài vô dụng khiến nhiều anh em phải uống mạng! Lòng dạ ta nghĩ đến chuyện này đều đau như dao cắt!
An Định Hầu dứt lời đã chảy tràn hai dòng lệ ra ngoài chiếc mặt nạ ngạ quỷ. Bảy trăm lính hổ đầu không khỏi đồng cảm, nhớ lại đồng liêu năm nào, tự động cùng nhỏ lệ bi thương. Bất chợt, An Định Hầu thét lớn khiến bảy trăm quân đầu hổ đồng loạt ngước nhìn. Giọng vương hầu sang sảng:
- Tuy nhiên, thân nam nhi giữa thời loạn thế chỉ còn cách xả thân cho giang sơn xã tắc. Muôn ngàn nữ tử vô danh từ Trưng Thị, Triệu Thị, vô vạn hào kiệt áo vải của Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Lý Nam Đế, chưa kể ngàn vạn anh linh tiền nhân không tên tuổi. Bọn họ xả thân cho giang sơn xã tắc. Họ có hận không? Các ngươi có hận không? Những anh em đã khuất của chúng ta có hận hay không?
Bảy trăm quân đầu hổ nghe hào khí dâng bừng mặt tự động hô lớn đáp:
- Không hận, không hận!
An Định Hầu cười ha hả:
- Phải lắm! Có gì mà hận? Chiến loạn liên miên nếu chỉ là kẻ rụt đầu rụt cổ ngẩng lên sẽ thẹn với trời cao biết bao, cúi xuống nhục nhã với anh linh tiền nhân biết bao. Cùng lắm là chết, đem tráng chí bày ra một trận nghiêng trời đảo đất, chết cũng phải ngạo nghễ mà chết. Đại Cồ Việt nước nhỏ, binh yếu nhưng thần dân đều là kẻ ngạo nghễ hiên ngang không bao giờ cúi đầu trước cường quyền!
Bảy trăm hổ đầu quân đồng thanh hô to:
- Chết ngạo nghễ hơn hèn nhục cúi đầu!
An Định Hầu ngửa mặt cười ha hả:
- Mau mau, uống trà, uống thêm trà!
An Định Hầu vốn cần kiệm nên bất kể thức ăn hay đồ uống đều không ngon hơn hàng quân sĩ. Trà cũng không ngoại lệ. Trà thường pha vội trong ấm to hiển nhiên chẳng có hương vị gì ngon lành, nhưng bảy trăm quân đầu hổ uống lại như đang uống thứ rượu cay nồng, tráng chí bốc cao lên tận đầu.
An Định Hầu chậm rãi tháo bỏ chiếc mặt nạ ngạ quỷ ném xuống đất. Bảy trăm quân đầu hổ kinh sợ chỉ dám nhìn một lần rồi cúi gầm mặt xuống đất. An Định Hầu cười khà khà:
- Các ngươi năm mười bảy mười tám tuổi đã theo ta, đến giờ vẫn chỉ dám nhìn mặt ta một lần. Các ngươi phải cố nhìn, nhìn cho kỹ khuôn mặt âm dương ma quái của ta! Nhớ kỹ để sau này khi rời quân ngũ khi làm chuyện gì xằng bậy phải biết răn mình! Sau không còn ta ngày ngày giám sát, phàm các ngươi làm gì cũng tự biết cân nhắc đúng sai, nặng nhẹ!
Bảy trăm quân đầu hổ ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện, An Định Hầu đã nói tiếp:
- Các ngươi không ba mươi tám tuổi thì cũng là bốn mươi tuổi, đã nằm ngoài hạn tuổi quân dịch. Trước khi về thượng kinh diện kiến Đinh Tiên Hoàng Đế, ta đã gởi biểu tấu. Hoàng đế nhất định chuẩn cho ta. Biểu ta dâng chính là xin bảy trăm quân đầu hổ đã theo ta hai mươi năm được bãi lính về làm dân thường. Bây giờ các ngươi có thể sống cuộc đời các ngươi muốn sống, lấy vợ sanh con như bao kẻ khác. Các ngươi dù làm gì, dù sống ở đâu cũng không được quên một vạn chín ngàn ba trăm anh em quân đầu hổ đã nằm xuống. Sống sao cho đáng mặt với họ thì sống! Chiếu bãi quân độ chừng một tháng sau sẽ đến. Các ngươi nên chuẩn bị là vừa!
Bảy trăm quân đầu hổ nghe đến đây đều chảy dài nước mặt quỳ xuống vái lạy. Bọn họ trên dưới hai mươi năm theo vó ngựa An Định Hầu chinh chiến, tráng chí dẫu to lớn bao nhiêu đều bị thời gian bào mòn dần. An Định Hầu vốn đã tính đến đường cho họ rời bỏ quân dịch, thành ra ngày đêm không ngừng rèn luyện thêm mấy vạn lính hổ đầu mới để thay thế. Chỉ tiếc cách đây mười năm phải dẹp loạn ở đạo Lâm Tây, quân đầu hổ mới chưa dùng được, An Định Hầu đành phải dời lại ý định mà dùng họ. Nội loạn ở Lâm Tây dẹp xong thì đến Ai Lao, Đại Tống lấn ải, chiến chinh cứ thế tiếp nối đến tận bây giờ, An Định Hầu mới dứt khoát cho cả bọn rời quân ngũ.
An Định Hầu thúc giục cả bọn uống thêm mấy lượt trà rồi giải tán. Ông ta mặc lại giáp phục đi vào phủ hầu, trong lòng tưởng chừng đã bỏ được tảng đá nặng ngàn cân.
Thác Hoa thấy An Định Hầu bình yên thì mừng rỡ ôm chặt không muốn buông ra. An Định Hầu nghe nàng khóc kể liên hồi chỉ cười khà khà bế lên mà nói:
- Ta đã về, nàng tại sao không cười mà khóc? Nữ vương tương lai của Chân Lạp hùng mạnh lại mau nước mắt như vậy hay sao?
Thác Hoa biết ông ta trêu chọc nhưng cũng không còn lòng dạ nào hờn dỗi. Nàng cứ ôm chặt như sợ ông tự nhiên biến mất. An Định Hầu bế nàng vào phòng trong thấy trên bàn đã có lá thư vừa viết xong. Ông liếc nhìn chỉ toàn những nét ngoằn nghèo, liền hỏi, Thác Hoa đáp:
- Thiếp viết thư gởi về cho phụ hoàng của thiếp!
An Định Hầu tò mò nên nói:
- Ta không biết chữ Chân Lạp, nàng mau đọc cho ta nghe!
Thác Hoa cầm lấy bức thư mà đọc. Nội dung đại khái Thác Hoa muốn nhờ vua cha nếu nửa tháng sau không còn thấy thư báo tin về thì mau mau hợp lực cùng Chiêm Thành, Ai Lao mà tiến đánh Đại Cồ Việt. Thác Hoa đang đọc vanh vách tự nhiên dừng lại. An Định Hầu tò mò lại thúc giục. Thác Hoa ngượng đỏ mặt mà đọc:
- Nếu thượng hoàng tiến binh ra đến thượng kinh thì phò mã chắc đã không còn tại thế. Thần nữ nhất định cũng đã tự vẫn theo chàng. Xin thượng hoàng khi đó hãy xem xét. Nếu phò mã được chết toàn thây thì hãy chém hết đầu văn quan, võ tướng của triều Đinh đem tế lễ trước mộ chàng. Nếu phò mã đã bị cực hình phân thây thê thảm. Xin thượng hoàng hãy giết không chừa bất kỳ kẻ nào để tế vong hồn chàng. Sau đó xin hãy đưa thần nữ cùng phò mã về Chân Lạp chôn cùng một mộ! Ơn đức này của thượng hoàng, con kiếp sau nhất định đền đáp!
An Định Hầu nghe nàng đọc đến đoạn sẽ tự vẫn chết theo thì không còn màng gì nữa. Ông siết chặt nàng trong lòng, nói:
- Nàng thật dại ngốc! Dầu có chết, ta cũng cho người đưa nàng về lại Chân Lạp. Ta làm sao đành lòng nhìn nàng chết theo cho được!
Thác Hoa liền òa khóc nức nở:
- Không! Không! Nếu ngài chết, thiếp nhất định sẽ tự vẫn theo mà hầu hạ cho ngài, không bao giờ chịu chia lìa!
Trong lòng An Định Hầu chua xót vì bị ba tướng phản bội, giờ nghe được lời chân tình của Thác Hoa không khỏi xúc động. Ông cười mỉm dỗ dành nàng. Chỉ là bao năm ông quen chinh chiến, không được miệng lưỡi khéo léo, cuối cùng Thác Hoa không chịu được phải bật cười khanh khách vì lời vụng về.
Lúc này An Định Hầu lấy trong người ra một lệnh bài đầu hổ được nạm hoàng kim sáng rực. Ông ta đưa cho Thác Hoa, nói:
- Bảy trăm quân đầu hổ của Trần Biền giờ ta giao cho nàng! Từ ngày mai nàng hãy dùng số binh lính này làm thân tín! Vừa rồi bọn Trần Biền chỉ nghĩ đem quân đến vây khốn ta! Nếu bọn chúng vây bắt nàng trước rồi uy hiếp, ta thật sự không biết phải làm sao! Thành ra, để cho nàng nắm số binh lính thiện chiến này, ta sẽ an tâm hơn, khi có biến cũng không phải phân tâm lo lắng!
Thác Hoa vội rời khỏi lòng An Định Hầu quỳ xuống nhận lấy lệnh đầu hổ. Nàng làm như rất cung kính rồi bất ngờ đứng dậy hôn lên má vương hầu một cái. Bản tính An Định Hầu hay nghiêm nghị ít khi đùa giỡn. Từ lúc có Thác Hoa làm phu nhân, nàng lại luôn làm ra những chuyện nghịch ngợm bất ngờ khiến ông ta vô cùng thích thú. Cả hai vẫn đang lửa tình mặn nồng, thành thử Thác Hoa vừa đứng lên thì An Định Hầu cũng vòng tay ôm chặt lấy nàng mà áp má lên môi ngọc. Thác Hoa bị vương hầu đoán trước được ý định thẹn hồng cả khuôn mặt, chỉ biết giãy nãy không thôi.
Thác Hoa chợt nhớ ra chuyện quan trọng, liền hỏi:
- Ngài đã tra được thời gian Kiều Công Tiễn đánh ải chưa?
An Định Hầu đáp:
- Là tối mai!
Thác Hoa nói:
- Trận này nhất định họ Kiều không đem bốn vạn cũng đem theo năm sáu vạn quân tập kích!
An Định Hầu lắc đầu thở dài:
- Là mười vạn quân! Ít nhất cũng phải là chừng đó! Kiều Công Tiễn kéo ba tướng trên mưu phản ta, bày nhiều kỳ công đến thế thì dùng mười vạn quân vẫn là ít!
Thác Hoa giật mình:
- Không thể có được số binh mã nhiều như vậy! Nước Tống vừa thua mấy trận lớn, làm gì còn mười vạn quân dành cho Kiều Công Tiễn?
An Định Hầu đáp:
- Quân do thám báo về đều nói nước Tống thua trận, nhưng chưa có một người nào chứng kiến tận mắt. Tin đó không sớm không muộn lại nhằm ngay lúc này, thật khó tin cậy! Lúc ta ở Định Biên, có quân Tống bất ngờ đánh ải. Trần Biền đã âm thầm theo kế mà phục kích, dùng lửa đánh tan doanh trướng! Ta tin bên trong có điềm trí trá!
Thác Hoa không cần suy nghĩ đáp:
- Thiếp nghĩ chỉ là kế để che mắt việc Trần Biền liên lạc với Kiều Công Tiễn! Nhất định trong vòng ba mươi dặm hướng bắc sẽ có binh mã đồn trú!
An Định Hầu chợt thở dài nói:
- Ta tuy danh nghĩa có bảy vạn quân nhưng phải chia cho Quỷ Môn Quan hai vạn quân, chia thêm cho các ải lớn nhỏ phục binh thêm một vạn quân, tính ra chỉ còn bốn vạn lính tráng để chống địch! Giặc Tống có đến mười vạn, thật khó mà tính toán cho vẹn toàn!
Thác Hoa liền cười nói:
- Thiếp có một kế mọn!
Nàng thầm thì vào tai An Định Hầu. An Định Hầu chăm chú lắng nghe cứ gật đầu lia lịa. Tối hôm đó, vương hầu lẫn phu nhân đều tự thân đi sắp xếp, đến gần sáng cả hai mới quay về phủ hầu chợp mắt.
An Định Hầu không muốn Thác Hoa lao lực nên cố gắng dỗ dành cho nàng ngủ say. Sau đó, ông lặng lẽ rời khỏi phủ, một mình đến nơi giam giữ chư tướng. Quản ngục lâu nay vẫn là Đỗ Phước. Trước đây, Đỗ Phước coi quản kho tài bảo của một sứ quân. Sau chủ tướng thua Đinh Tiên Hoàng Đế mà tử trận, Đỗ Phước được tha nhưng hoàng đế thấy hắn có bề ngoài mập mạp lại thêm đi đứng rề rà nên khinh khi chẳng dùng. Chẳng ngờ lọt vào tai An Định Hầu, vương hầu cho liền xin thu nạp Đỗ Phước. Hoàng đế nể vương hầu nên đồng ý, An Định Hầu chờ vậy tự thân cưỡi ngựa đón Đỗ Phước lên ải. Đường đi ngàn dặm, cả hai cùng đi một ngựa, cùng ăn cùng uống, tính ra An Định Hầu trọng vọng Đỗ Phước vô kể. Đinh Tiên Hoàng Đế rất ngạc nhiên, thầm đoán đã để sổng mất một nhân tài. Dẫu vậy, hoàng đế cũng có biết tài Đỗ Phước nằm ở chổ nào.
Hoàng đế chê khinh Đỗ Phước rất đúng vì hắn chẳng có tài dùng binh cũng không phải hạng chiến tướng giỏi. Tuy nhiên, về việc chi tiêu tiền bạc, coi ngó kho lẫm, cai quản sĩ tốt, kê biên sổ sách, trên đời này không sao tìm được kẻ thứ hai như Đỗ Phước. Nhờ có hắn, An Định Hầu yên tâm về chuyện phát lương cho lính tráng. Kho lương thực, phòng hậu cần, khu ngục tối, chuyện dân vận lọt vào tay Đỗ Phước đều êm xuôi như nước chảy chổ trũng không xảy ra sơ sót nào. Cả việc nâng khống số lượng quân đầu hổ chết trận tấu về kinh thành, tự tay Đỗ Phước đã sắp xếp. Thái Sư Lưu Cơ giỏi toán số vẫn không sao phát hiện ra được. Ngay cả Dương phi chẳng có ngoại lệ. Bà ta tra sổ sách mấy phen đều chịu thua, chỉ vì nhớ đến chuyện mấy vạn gánh thóc đem lên ải bị hỏng mới tự suy luận ngược ra cớ sự.
Phàm người tài thích kẻ khác trọng dụng tài bản thân không bằng thích người khác biết tài mình thế nào. Thành ra, Đỗ Phước kính trọng An Định Hầu nhất mực, một dạ cẩn trung. Tuy An Định Hầu chẳng mấy khi hỏi han đến nhưng Đỗ Phước ngầm hiểu lối trọng dụng người ở xa của vương hầu nên chẳng hề chểnh mảng lơ là.
Vừa thấy An Định Hầu từ xa đi tới, Đỗ Phước lật đật chỉnh trang giáp phục đứng chờ. Hơn một trăm quân giáp đầu hổ xếp ngay hàng thẳng lối đồng loạt hô lớn:
- Tham kiến An Định Hầu!
An Định Hầu ra hiệu miễn lễ. Ông gọi Đỗ Phước đi lấy mấy vò rượu ngon. Mười năm dài Đỗ Phước mới lại nghe vương hầu đòi dùng rượu liền tròn mắt đứng nhìn. An Định Hầu thì thầm bên tai hắn mấy câu, hắn lập tức lật đật thúc giục người đi thu xếp. Lát sau vương hầu đi trước vào ngục, Đỗ Phước cho người khệ nệ ôm ba vò rượu theo sau. An Định Hầu ngồi giữa nơi tra khảo, Lý Hoan, Lê Mục nhìn thấy ông ta muốn vái chào nhưng lại xấu hổ đành cúi mặt xuống đất. An Định Hầu cho người để một vò rượu lên bàn rồi chia hai rượu còn lại cho Lý Hoan, Lê Mục. Ông ta đợi Đỗ Phước cùng mấy tiểu tốt rút hết ra ngoài mới mở nắp vò rượu giơ lên nói:
- Mười năm nay các ngươi đều biết ta không hề nhấp môi một giọt rượu. Tối nay ta sẽ phá lệ uống đưa tiễn các ngươi!
An Định Hầu ngửa cổ uống mấy ngụm lớn. Hai tướng cũng dốc rượu đổ vào miệng, nước mắt lưng tròng đáp:
- Đa tạ vương hầu đưa tiễn!
An Định Hầu đặt vò rượu xuống, nhìn Lý Hoan mà nói:
- Năm xưa chỉ vì thích chè chén, ngươi hai lần làm lỡ quân cơ khiến Kiều Công Tiễn bị bệ hạ đánh bại hai trận lớn. Ngươi nói xem, vì sao Kiều Công không trị tội ngươi?
Lý Hoan đáp:
- Kiều Công rất mực coi trọng mạc tướng! Ơn này mạc tướng không bao giờ quên!
An Định Hầu lắc đầu nói:
- Không phải! Không phải! Ngươi đã sai rồi!
Ông ta để mặc Lý Hoan ngẩng người chưa hiểu chuyện, nhìn sang Lê Mục, nói:
- Ngươi năm xưa cũng vì rượu uống quá mức đã không ngăn được lòng dục mà trêu ghẹo ái thiếp của Kiều Công. Vì sao Kiều Công không bắt tội ngươi?
Lê Mục đáp:
- Kiều Công lòng dạ rộng lượng không chấp mạc tướng lúc say rượu!
An Định Hầu xua tay:
- Không phải! Không phải!
Ông ta ngửa vò rượu uống thêm một ngụm lớn, lại nói:
- Ta khi đó trấn thủ Quỷ Môn Quan. Kiều Công thua trận đành rút về đó cố thủ. Bệ hạ cho người vây đánh liên tục, còn cho kêu gọi chiêu hồi. Tất cả tướng lãnh theo Kiều Công đều lén lút đầu hàng. Ta vẫn quyết tâm chống trả, các ngươi nói vì sao?
Lý Hoan, Lê Mục đưa mắt nhìn nhau rồi đáp:
- Vì vương hầu trung thành với Kiều Công!
An Định Hầu xua tay:
- Không phải! Không phải! Chỉ vì khi đó ta vẫn thấy trong mắt Kiều Công còn có bá tính thiên hạ! Sau, Kiều Công lén lút hàng Tống, ta đã kịch liệt phản đối. Trong mắt ta, các sứ quân kẻ nào làm hoàng đế cũng đều được, miễn coi trọng bá tính! Sau ta chịu hàng bệ hạ cũng là vì điều này!
An Định Hầu nghiến răng nói tiếp:
- Kiều Công tha tội cho các ngươi không hẳn là vì trọng tài. Lúc đó Kiều công bại binh như núi lỡ, lòng quân đều hoảng loạn giao động. Nếu Kiều Công còn phạt tội các ngươi nhất định sẽ kẻ ngao ngán mà tạo phản! Các ngươi đã hiểu chưa? Mau uống rượu!
An Định Hầu ngửa cổ uống một hơi dài. Hai tướng trong lòng nghi hoặc nhìn nhau dò xét. An Định Hầu thấy hai tướng còn chần chừ liền quát:
- Sao các ngươi không tiếp tục uống? Mau uống! Mười năm trước chẳng phải các ngươi không thể thiếu rượu mà sống hay sao? Mau mau uống cho ta!
Giọng An Định Hầu sang sảng dữ tợn. Hai tướng lật đật đưa vò rượu lên miệng mà nuốt ừng ực. An Định Hầu lại hỏi:
- Các ngươi theo ta không tính tình nghĩa, cũng phải kể công trạng. Các ngươi muốn được chết như thế nào?
Lý Hoan khẳng khái đáp:
- Xin cho mạc tướng một đao mà chết!
Hầu gia lập tức vỗ bàn nói:
- Hay lắm! Anh hùng hào kiệt phải như vậy! Chỉ là cái chết có gì mà sợ? Ta năm xưa cũng nói với Kiều Công, cùng lắm là chết, kiếp sau đầu thai lại tiếp tục trên lưng ngựa tung hoành! Nhưng Kiều Công không được như Lý Hoan ngươi. Đến cùng hắn vẫn coi trọng mạng sống để hạ mình cầu cứu giặc. Nhưng kẻ nhát gan đớn hèn như vậy, ta sao có thể mù quáng mà trung thành được!
Lý Hoan ú ớ không sao đáp lại. An Định Hầu ném vò rượu đang uống xuống đất. Vò rượu vỡ thành mấy mảng lớn. Hai tướng đều thấy bên trong chỉ là nước trà. An Định Hầu chỉ thẳng vào Lý Hoan, Lê Mục gằn giọng:
- Mười năm trước để giúp các ngươi cai rượu, ta cũng đã bỏ không dùng rượu. Đến tận bây giờ, ta vẫn tuyệt nhiên nói được làm được! Còn hai ngươi? Kiều Công ngày trước bán nước cầu vinh. Nhục nhã bao nhiêu năm Bắc Thuộc chưa đủ hay sao mà còn tính chuyện mượn tay giặc Tống? Các ngươi đều là chiến tướng sao đầu óc không hơn đứa trẻ lên ba! Các ngươi muốn trung thành? Được! Ta sẽ để cho các ngươi trung thành. Tối mai ta sẽ chính tay chặt đầu hai ngươi trước mặt Kiều Công! Ta muốn các ngươi nhìn thấy hắn có nhỏ giọt lệ thương tâm nào hay là không?
Lê Mục liền đánh liều lên tiếng:
- Vương hầu! Ông theo Kiều Công đi! Bệ hạ nghi kỵ ông. Triều thần cũng đều nghi kỵ ông! Ông còn bán mạng làm gì?
An Định Hầu hừ nhạt:
- Các ngươi mười năm theo ta hóa ra đầu óc vẫn không hơn trước! Chắc trong lòng các ngươi vẫn nghĩ ta ham mê công hầu khanh tước!
Lý Hoan, Lê Mục im lặng không đáp.
An Định Hầu cười nhạt:
- Các ngươi có biết tại sao Kiều Công Tiễn chỉ gởi thư cho các ngươi, riêng Đinh Thương hắn lại không gởi?
Lê Mục đáp:
- Vì Đinh Thương từ lâu trong lòng không còn có Kiều Công nữa!
An Định Hầu bật ra trận cười ha hả:
- Vậy chỉ có các ngươi trong mắt là còn Kiều Công? Đầu óc các ngươi không hơn đứa trẻ nít! Uổng cho các ngươi theo ta bao năm, tại sao không biết suy nghĩ thấu đáo? Có thật lòng là Kiều Công Tiễn vẫn coi trọng các ngươi?
An Định Hầu nhìn biết hai tướng bắt đầu hoang mang trong bụng. Ông im lặng một lúc mới hỏi:
- Có biết vì sao ta trọng dụng Đinh Thương hơn các ngươi?
Lý Hoan khẳng khái đáp:
- Đinh Thương so về võ nghệ thì thua kém nhưng hắn cầm binh đánh trận hơn hẳn bọn mạc tướng. Ngài tất nhiên phải trọng dụng hắn!
An Định Hầu thở dài đáp:
- Không hẳn chỉ là vậy! Hai ngươi cũng có điểm mạnh riêng. Chỉ là mười năm qua ta vừa phải giữ ải, lại còn giúp bệ hạ củng cố vương triều, thành ra không uốn nắn hai ngươi được!
An Định Hầu nhìn thẳng vào Lý Hoan mà nói:
- Ngươi tình tính ngay thẳng nhưng tùy tiện, rất dễ nổi nóng cũng rất dễ bị người dùng tình nghĩa chiêu dụ! Ta từ lâu muốn ngươi sửa chữa khuyết điểm này nhưng ngươi thật sự không hiểu! Cách đây sáu năm ta bắt ngươi đi giám sát chuyện tu bổ quan ải, ý muốn rèn cho ngươi tính cẩn trọng! Ngươi đã hành xử thế nào?
Lý Hoan nghe nhắc chuyện cũ liền cúi mặt không dám đáp.
An Định Hầu nói tiếp:
- Ngươi chỉ coi được một ngày rồi đùng đùng nửa đêm gặp ta đòi được sắp xếp nơi khác! Ta lại chuyển cho ngươi đi coi quản chuyện luyện binh rèn ngựa, mong ngươi học phép luyện binh cường mã tráng là phụ, cái ta mong muốn là ngươi sẽ tập được tính kiên nhẫn bớt đi hung bạo! Cuối cùng ngươi làm sao? Ngươi cũng chỉ coi quản được hai hôm rồi mượn cớ ở Khuất Động có quân phản loạn xin được đi đánh dẹp. Ngươi đi, tin thắng trận báo về giết được một ngàn người. Ta thật sự đau lòng không nói được. Ta tự biết khó sửa đổi ngươi nhất thời nên từ đó đến nay, đều để ngươi kề cận. Ngươi cuối cùng cũng chỉ như khúc gỗ bị người chiêu dụ!
Lý Hoan trong lòng chua xót xấu hổ tự nhiên bật khóc.
An Định Hầu quay sang Lê Mục, nói:
- Ngươi tính tình thì lại vội vàng, làm việc gì cũng muốn mau lẹ cho xong, thành ra cẩu thả. Ngươi về cơ trí hơn Lý Hoan nhưng về cách xử việc lại tệ hơn hắn bội lần. Ngày trước ta muốn ngươi coi quản Quỷ Môn Quan lại buộc ngươi phải mỗi ngày viết một bản trình về tình hình luyện quân cũng như kiểm tra ải. Ta muốn tập cho ngươi tính nghiêm cẩn, ngươi lại cho ta đang đày ải mà ngày đêm nhờ Trần Biền, Đinh Thương nài nỉ. Ta cuối cùng cũng đành gọi ngươi về lại. Ta để cho ngươi thân cận ta hơn mười năm ròng rã, lúc bàn quân cơ, lúc nghị sự binh pháp đều bắt ngươi im lặng lắng nghe rồi thuật lại. Vậy mà ngươi vẫn cho rằng đó là chuyện không cần thiết! Lê Mục ơi là Lê Mục, mười năm theo ta cuối cùng ngươi vẫn chỉ là tên võ dũng bị người khác lôi kéo mưu phản!
Lê Mục cúi gầm mặt không dám ngước nhìn lên.
An Định Hầu thở dài ảo nảo nói tiếp:
- Ta trọng dụng Đinh Thương vì hắn là kẻ có cơ trí lại biết hành sự chu toàn, cẩn trọng. Hắn lúc yên bình hay nguy biến đều biết tự phân nặng nhẹ! Kiều Công không gởi thư cho hắn vì sợ hắn sẽ phản đối kịch liệt. Hắn cơ trí tự nhiên sẽ nhìn thấy ngụy kế của Kiều Công! Còn bọn võ dũng các ngươi mở miệng nói trung thành với Kiều Công, ta hỏi, nếu mưu phản bị lộ tất nhiên các ngươi sẽ bị chém đầu. Kiều Công nếu cần các ngươi sao còn cho người loan tin chuyện quân Tống đánh ải là giả?
Hai tướng im lặng không đáp. An Định Hầu đập bàn quát:
- Hắn chính là muốn dù thành hay bại các ngươi cũng phải chết! Các ngươi chết đi rồi thì ta sẽ khó bề xoay trở kịp khi có biến loạn! Kiều Công cần là chiếm được quan ải, hắn không cần các ngươi! Các ngươi đã hiểu chưa?
Hai tướng giật mình nhìn nhau sửng sờ, trong lòng ngỗn ngang nghi hoặc.
An Định Hầu gọi lớn. Đỗ Phước vội vã chạy vào khom người chờ lệnh. An Định Hầu nói:
- Ngươi từ lúc này đến tối mai nhất định đem thức ăn ngon, rượu quý đến hầu hạ hai tên ngu muội này! Nếu có gì sai sót ta nhất định hỏi tội!
Đỗ Phước dạ lớn rồi lại hỏi:
- Không biết sau đêm mai, mạc tướng phải hầu hạ thế nào?
An Định Hầu gằn giọng:
- Sau đêm mai ngươi có muốn cũng không hầu hạ được. Thành ra từ bây giờ phải chu đáo!
Đỗ Phước hiểu ý vương hầu đã ngầm phán tội chết cho hai tướng. Hắn khom mình nhận lệnh không dám hỏi thêm. An Định Hầu lạnh lùng quay lưng bỏ đi. Lý Hoan, Lê Mục liếc mắt nhìn nhau dò xét bất chợt không kềm được thoái chí mà thở dài chán nản.