Chương 17 An Định Hầu Cười Hận Mượn Ngựa Tỏ Lòng Riêng An Định Hầu liền thành thật đáp:
- Thần đang định ra chỉ dụ cho Đinh Thương! Chẳng hay hoàng hậu có điều gì dặn dò thêm!
Hoàng hậu Đan Gia nhẹ nhàng nói:
- Ta chỉ muốn chắc chắn ngài không lơi lỏng phòng bị! Bao lâu nay ta chưa hề bàn đến chuyện điều binh khiển tướng! Chuyện đại sự của quốc gia ta càng không dám bàn tới! Lệ cũ, hậu cung không giao kết ngoại tướng! Tuy nhiên, lần này là chuyện tồn vong của triều đại, ta không thể trơ mắt đứng nhìn cho được! Ngàn dặm lên đây chưa hỏi han bệnh tình ngài một câu đã bắt ngài phải gánh vác trách nhiệm! Ngài đừng oán hận ta!
Hoàng hậu hàm ý đã biết rõ chuyện An Định Hầu giả bệnh để tránh liên đới trong việc thay ngôi thái tử. Thác Hoa cùng vương hầu khẽ đưa mắt nhìn nhau, trong lòng tự nhiên cảm kích hoàng hậu Đan Gia. Tuy vậy, hai bộ óc nhanh nhạy trong chớp mắt đã lờ mờ nhận ra sự thật to lớn ẩn giấu phía sau. An Định Hầu vẫn giữ giọng như thường, nói:
- Thần không hề dám oán thán hoàng hậu! Hoàng hậu có gì nhờ cậy xin nói rõ, thần dầu chết cũng nhất định dốc sức!
Thác Hoa liếc khẽ An Định Hầu một cái, trách thầm lời lẽ còn thiếu chút chân thành. Nàng thừa hiểu đấng phu quân của mình đang bày trò theo gió đưa thuyền hòng làm lộ chủ ý thật trong chuyện hoàng hậu Đan Gia lên ải thăm bệnh. Cái liếc của người đẹp sắc như dao thì cái liếc đáp của vương hầu lại nhanh hơn chớp mắt. Hai vợ chồng tước hầu đều thầm khẳng định phải dò cho ra âm mưu đang được khéo léo che đậy dưới lớp trướng nhân từ.
Hoàng hậu Đan Gia không sao phát hiện được hai cái liếc mắt trên. Bà ta vẫn giữ thái độ ôn nhu, nói:
- Ta biết Dương phi vẫn muốn dò la thực hư về bệnh tình của ngài, cho nên ta đã mang công chúa Bảo Ngọc, như là một cách để che mắt Dương phi! Không ngờ lại khiến An Định Hầu phu nhân một phen ghen hờn! Vô tình càng khiến Dương phi không thể nghi ngờ!
Thác Hoa bị hoàng hậu trách khéo không khỏi xấu hổ. Hoàng hậu bất chợt nghiêm nghị nhìn thẳng vào An Định Hầu mà hỏi:
- Ta nghe nói ngài đã đứng về phe của Dương phi, chuyện này có thật hay là không?
Thác Hoa đoán chừng việc An Định Hầu đến cung Lạc Hoa đã được phong phanh truyền đi. Hiển nhiên, nếu hoàng hậu Đan Gia tin thật thì bà ta không phải nhọc công đến tận đây để tra xét. Đây là chỉ phần dạo đầu cho việc quan trọng bà ta muốn phó thác cho An Định Hầu. Hoàng hậu chờ An Định Hầu trả lời. Bà ta sẽ theo cách trả lời để biết được lòng dạ mới nhờ cậy.
An Định Hầu không chút do dự đáp:
- Dương phi có lên tiếng muốn thần đứng về phía bà ta để bảo vệ hoàng tử Đinh Toàn! Tuy nhiên, thần đã nói rõ, chuyện đổi ngôi thế tử, thần nhất định không can dự!
Quả thật lúc ở cung Lạc Hoa, ông ta có hứa với Dương phi nếu biến loạn sẽ đem quân về kinh theo lệnh triệu của Đinh Tiên Hoàng Đế. Khi đó, là ông phục vụ cho hoàng đế, không phải phục vụ cho Dương phi. Dương phi cũng chỉ cần An Định Hầu bảo vệ an nguy cho hoàng tử Đinh Toàn. Tất nhiên, việc bảo vệ cho an nguy hoàng tử là chuyện phải làm. Thành ra, An Định Hầu chưa từng hứa sẽ ủng hộ Đinh Toàn lên ngôi. Nên bây giờ vương hầu có thể khẳng khái trả lời hoàng hậu Đan Gia không chút ngượng ngịu. Tuy có nhiều điểm trí trá nhưng phần lớn đều là lời thật tâm. Hoàng hậu Đan Gia thở phào nhẹ nhỏm như trút đi gánh nặng. Bà ta liền lấy trong người một hộp gỗ được sơn son bên ngoài đặt lên bàn, hỏi:
- Ngài có biết đây là gì không?
An Định Hầu lưỡng lự rồi đáp:
- Thần không biết!
Hoàng hậu Đan Gia nói:
- Đây là thuốc quý mà ta mang tặng cho ngài!
Hoàng hậu mở hộp gỗ. Bên trong là một lọ sứ hoa văn rất cầu kỳ. Bà ta ném lọ sứ xuống đất vỡ tan thành bốn năm mảnh. Chất thuốc chảy ra ngoài một lát sau chợt chuyển sang màu đen kịt, bốc mùi hăng hắc. Tất nhiên, là thuốc độc. Thác Hoa sợ hãi kêu lên:
- Hoàng hậu! Người…!
Hoàng hậu nắm lấy tay An Định Hầu mà nói:
- Tạ ơn trời đất! Ta đã tính nếu phát hiện ngài nói dối sẽ bắt ngài uống loại thuốc này! Thật lòng ta không muốn giết hại ngài, cho dù ngài đã đổi lòng dạ. Tuy nhiên, để ngài sống lại có hậu quả khôn lường được! Tạ ơn trời là ngài vẫn kiên trung một lòng! Ta chút nữa đã giết lầm ngài rồi!
An Định Hầu kinh qua trăm trận chưa có chuyện ghê ghớm nào chưa từng thấy qua. Nhưng lần này, ông bất giác cũng đổ mồ hôi ướt lưng. Ông thừa biết tính tình hoàng hậu Đan Gia rất mực nhơn từ. Không ngờ đến lúc cấp thiết, bà ta cũng có thể làm việc dùng độc hại người. An Định Hầu liền quỳ xuống nói:
- Mười năm trước, khi nhận sắc phong của bề trên, thần đã từng nói với hoàng hậu, sẽ là một vương hầu kiên định không theo bất kỳ phe cánh nào, cũng không ngã về về bất kỳ thế lực nào! Lời hứa đó đến nay, thần vẫn còn ghi nhớ, ngày đêm đều không dám quên! Khi đó hoàng hậu đã mở lòng nói lời trong bụng với thần, hoàng hậu có nhớ hay không?
Hoàng hậu Đan Gia đáp:
- Ta đã nói, phận làm vương phải biết đặt xã tắc lên đầu, phận làm tướng phải biết đặt kiên trung mà thờ phụng! Lúc gặp ngài ta đã biết, ngài nhất định là tôi trung của xã tắc Đại Cồ Việt này! Nhưng than ôi!
Hoàng hậu ôm mặt khóc tấm tức. Thác Hoa muốn dỗ dành bà nhưng liếc thấy ánh mắt nghiêm nghị của An Định Hầu bèn đứng im không dám cử động. Ánh mắt An Định Hầu nhìn Thác Hoa phần nghiêm nghị nhắc khéo giữ phận vua tôi là ít, phần nhiều là răn đe chớ nên can dự. Ý tứ rất rõ ràng, ông ta đã dần giở được tấm màn nhơn từ để trông rõ phía đằng sau. Thác Hoa khẽ gật đầu, trong bụng khen ông chồng mặt mũi xấu đến ma quỷ chẳng dám chê hờn nhưng trí óc chẳng có mấy tên đẹp mã bì lại cho kịp. An Định Hầu hiểu Thác Hoa đã nhận ra thâm ý, tự nhiên thầm khấn trời đất sao khéo phối cho bản thân người vợ quý hóa đến vậy. An Định Hầu cùng An Định Hầu phu nhân chỉ cần liếc nhau đã khiến đối phương biết nhau tường tận như có cùng suy nghĩ. Thuật nói chuyện ngầm này kể ra cao thâm hơn cách Trần Biền dùng tiếng gõ để trao đổi gấp vạn lần. Âu chim đại bàng quen đảo trời khuấy gió chẳng bao giờ kết đôi với chim sẻ chim sâu làm bạn trăm năm. Chồng anh minh hơn người tự nhiên vợ cũng khôn khéo vượt trội. Lẽ đời thường như thế, cổ kim đến nay hiếm tìm ra được ngoại lệ.
Hoàng hậu Đan Gia không thể nào địch nổi hai cái đầu siêu việt của vợ chồng An Định Hầu, nên cứ khóc kể thảm nảo. Một lúc sau, bà ta nâng An Định Hầu đứng dậy mà rằng:
- Than ôi! Người làm vương đã không còn để xã tắc làm trọng nữa rồi! Ta sao có thể không ngừa kẻ làm tôi sanh lòng phản trắc? Ngài chớ oán trách ta làm gì!
Thác Hoa nghe hoàng hậu có ý trách Đinh Tiên Hoàng Đế càng không dám dại dột hé miệng chen vào. Hoàng hậu Đan Gia trách tiếp:
- Ông ấy vì không muốn theo lệ phương Bắc đã lập lấy cả năm hoàng hậu! Than ôi! Trên đời này nào có chuyện trái đạo ấy được!
Hoàng hậu quay sang Thác Hoa, hỏi:
- Nàng có biết các quẻ trong Kinh Dịch hay không?
Thác Hoa liền đáp:
- Thần có biết! Quẻ đầu tiên là Thuần Càn tức lấy trời làm gốc, thuận theo đạo trời!
Hoàng hậu Đan Gia ngậm ngùi:
- Ông ấy muốn thoát khỏi lệ phương bắc mà lập một lúc đến năm hoàng hậu! Từ xưa đến nay làm gì có cái lẽ ấy? Đến hạng dân thường ong bướm cũng chỉ dám để một vợ cả đứng đầu mà lặng lẽ nạp thêm thiếp! Con nhạn, con én, con oanh cũng chỉ là trống là mái kết đôi! Con Phụng, con Hoàng cũng vẫn suốt đời một trống một mái! Đến như giống chu tước bạch đầu đời kiếp đều không rời, hễ có con nào không may chết yểu, con còn lại cũng tự vẫn theo! Hỡi ôi! Đến súc vật vô tri cũng biết theo lẽ tự nhiên của trời đất, hà cớ gì lại lập đến năm chánh thất? Lẽ nào không sợ con cháu ngàn đời sau dị nghị ư?
Hoàng hậu tự đấm ngực mình mấy cái mà than vãn. An Định Hầu cùng Thác Hoa đều hiểu là những điều ấm ức từ lâu trong lòng bà ta. Cả hai im lặng lắng nghe không dám can thiệp. Hoàng hậu lại rằng:
- Ông ấy đặt chảo dầu trước điện, nhốt hổ dữ trong củi, lẽ nào lại không biết trị quốc nghiêm minh là chưa đủ, cần phải lấy nhân nghĩa để thu phục lòng người! Ông ấy sao có thể học theo thói hung quân bạo tàn cho đặng! Hỡi ôi!
An Định Hầu không thể nín nhịn, vội đáp:
- Chuyện bề trên lặp năm hoàng hậu kể ra chỉ là việc trong nhà! Đạo trong nhà người khác, thần không dám can thiệp. Nhưng việc bề trên trọng hình, đặt chảo dầu, đem cũi nhốt hổ dữ đặt nơi chánh điện thì hoàng hậu oán thán có phần chưa thỏa đáng! Loạn mười hai sứ quân để lại cho thường dân lối sống theo kiểu mạnh được yếu thua, chẳng khác gì phường giặc cỏ, nạn trộm cướp hoành hành, lệ sống ngoài pháp luật thành thông lệ. Bề trên dựng nước buộc phải trọng hình mới răn đe bách tính vào khuôn khổ. Oán bề trên trọng hình hà khắc là đúng nhưng phải nói thêm nhờ vậy, cả Đại Cồ Việt mới mau chóng ổn định! Thành ra mấy lời quy kết bề trên như hung quân bạo chúa là lời nói sau rồi!
Ông nói ngớt lại nhìn Thác Hoa, sợ nàng không đuổi kịp ý mở miệng nhắc khéo thành hỏng chuyện. Ông thấy trong mắt vợ ánh lên như thể đang cười mỉm khen tặng, bèn an tâm. An Định Hầu đối với Đinh Tiên Hoàng Đế luôn một lòng trung kính. Hoàng hậu Đan Gia khéo quy kết trách hoàng đế quá độ, phỏng muốn thử An Định Hầu xử lý thế nào. Nếu ông ta lên tiếng phản bác theo bản tính xem như mọi chuyện đều diễn biến bình thường. Ngược lại ông ta im lặng, rõ ràng đã sớm đoán thâm ý của hoàng hậu. Quả nhiên, vương hầu phản bác ngớt, trên mặt hoàng hậu Đan Gia thoáng chút đắc ý. Tuy sự biến chuyển nhanh như chớp nhưng chẳng qua nổi hai đôi mắt của vợ chồng vương hầu.
Hoàng hậu khóc lóc một lúc liền nguôi ngoai. Bà ta lau khô nước mắt, trở lại vẻ mặt ôn hòa như cũ, lại nói:
- Bề trên vì lòng thương yêu Hạng Lang nên muốn nhường ngôi cho nó! Hiển nhiên, cha thương yêu đứa con nào thì ưu ái đứa con đó không có gì phải bàn cãi! Nhưng, quốc gia đại sự không phải một chuyện yêu ghét cỏn con trong gia đình! Người ở ngôi cao làm việc gì cũng đều phải suy tính thiệt hơn cặn kẽ! Trên ngôi thái tử chính là họa binh đao! Nhưng lòng ông ấy đã quyết, ta còn biết làm gì hơn! An Định Hầu nói xem, chúng ta có thể làm được gì?
An Định Hầu thấy hoàng hậu vẫn đưa đẩy chưa nói ra ý chính bèn chắp tay đáp:
- Ở đây không có người ngoài! Xin hoàng hậu trực ngôn! Thần cùng phu nhân nghe xong, sống để dạ, chết mang theo, tuyệt nhiên không lộ ra ngoài dù nửa lời!
Hoàng hậu Đan Gia yên tâm liền nghiêm giọng:
- Ta mong ngài bệnh giả thành thật! Như vậy là ổn thỏa nhất! Nếu ngài bị vướng vào cuộc tranh giành ngai vị thế tử, biên ải có biến thì phải làm sao đây?
An Định Hầu đã đoán trước được việc này. Tuy nhiên, ông nghe hoàng hậu nói xong, trong lòng tự nhiên biến động khác lạ. Hoàng hậu Đan Gia cố làm vẻ thản nhiên nhưng vương hầu kịp thấy một gợn nhỏ trong ánh mắt bà ta, như vợn mây thoáng ngang trời rồi mất hút. Thác Hoa cũng nhận ra, chỉ tờ mờ chưa hiểu rõ ngọn ngành thì tròn mắt nhìn An Định Hầu đứng thẳng dậy. Ông nói, giọng chẳng hề mang thành kính theo lối thường thấy khi đối đáp với hoàng hậu Đan Gia:
- Thần đã hiểu, xin lệnh bà yên lòng! Thần đang mang trọng bệnh trong người, không tiện hầu lệnh bà thêm! Mong lệnh bà lên đường bình an!
Thác Hoa nghe cung cách lạnh lùng của An Định Hầu không khỏi ngạc nhiên. Từ khắc này trong mắt An Định Hầu, hoàng hậu Đan Gia cũng như bao bà hậu khác, không hơn không kém. Chính hoàng hậu Đan Gia cũng giật mình ngơ ngác trước thái độ thay đổi nhanh chóng của An Định Hầu:
- Ngài…ngài gọi ta là lệnh bà ư? Ngài có ý đuổi ta đi đấy ư?
An Định Hầu thản nhiên đáp:
- Thần không dám có ý đó! Lệnh bà muốn thần bệnh thật, thần sẽ bệnh thật, ơn đức của lệnh bà ngày trước, thần hôm nay nhất định báo đền! Chuyện đổi ngai thế tử, thần có bị lôi ra chém giữa chợ cũng không nhúng tay vào! Lệnh bà hãy an tâm! Ân xưa, tình cũ, một lời đoạn đành! Sau, xin lệnh bà chớ gặp riêng thần, tránh để miệng thế gian đồn thổi chuyện không hay!
Ánh mắt hầu gia trở lại nghiêm nghị lạ thường. Thác Hoa ngó thấy tự nhiên thoáng sợ hãi. Hoàng hậu Đan Gia thở dài mấy lượt, biết bao nhiêu trí trá đều bị đôi mắt kia thấu tường tận, liền đứng dậy:
- Mong ngài sẽ giữ đúng lời đã hứa!
Thác Hoa toan quỳ xuống lạy tiễn hoàng hậu. An Định Hầu vội trừng mắt. Nàng ta kinh sợ theo ý ông ta chỉ đứng cúi đầu vái chào không dùng đại lễ. Hoàng hậu Đan Gia ngoái thấy, không khỏi hối hận trong lòng, ngậm ngùi bước đi. Thác Hoa đưa bà ra ngoài lại vái lễ cho đến khi hoàng hậu cùng công chúa Bảo Ngọc lên xe đi biệt.
Thác Hoa không nén nổi tò mò vội vàng quay trở lại vào phòng. Nàng nhìn thấy chiếc bàn gỗ đã bị vỡ tan tành làm mấy phần. Hiển nhiên là An Định Hầu nóng giận mà đánh vỡ. An Định Hầu đang ngồi trên giường, mắt nhìn chằm chằm vào lọ gốm đựng thuốc độc của hoàng hậu Đan Gia nằm lăn lóc dưới đất. Ông ta nghiến răng tháo bỏ chiếc mặt nạ ngạ quỷ đang đeo ném thẳng vào một góc, thở dài:
- Hỡi ôi! Cái ghế thái tử ấy thật đáng sợ! Nó khiến một người chưa bao giờ dùng đến thủ đoạn phải thành kẻ thủ đoạn cùng cực!
Thác Hoa biết An Định Hầu một lòng kính trọng hoàng hậu Đan Gia. Phen trước ở điện Vĩnh Tường, nàng nhận ra điều nhập nhằng nơi hoàng hậu, toan mở miệng bàn đã bị vương hầu cản lại nên vẫn nhớ trong bụng. Lúc này bao nhiêu trí trá nơi bà hậu này đều được bày rõ nhưng Thác Hoa chẳng dám lộng ngôn, lại vờ như chưa hiểu, hỏi:
- Trước giờ ngài vẫn cung kính với hoàng hậu, vì sao lại thay đổi thái độ nhanh đến vậy?
An Định Hầu đáp:
- Trước kia ta cho rằng hoàng hậu là người đáng tin cậy! Hóa ra bao năm nay chỉ vì cái ơn bà ấy cứu mạng ngày trước đã che mất cái nhìn của ta! Hôm nay ta đã thông suốt hết thảy! Nàng nghĩ thử xem! Ta vì sao lại đột nhiên thay đổi thái độ?
Thác Hoa vờ nhớ lại rồi đáp:
- Lúc ngài nghe hoàng hậu đề nghị xong thì thay đổi thái độ!
Thác Hoa lẩm bẩm một lúc như đang suy tính, kêu lên thành tiếng:
- Thiếp đã hiểu! Thiếp đã hiểu rồi! Hoàng hậu có điều nói dối chúng ta!
An Định Hầu gật đầu:
- Hoàng hậu đã biết ta giả bệnh để tránh bị can dự vào chuyện đổi ngôi thế tử! Dầu bà ta có đề nghị hay không, ta cũng sẽ giả bệnh! Việc gì bà ta nhọc công đi ngàn dặm đường chỉ để dặn dò một chuyện mà biết trước rằng ta đang làm? Ví như bà ấy không bày trò thuốc độc, ta nhất định sẽ không nghi ngờ!
Thác Hoa tiếp lời:
- Hoàng hậu hỏi ngài có liên kết với Dương phi hay không, sau đó lại bày ra thuốc độc, mục đích muốn đánh lạc hướng của ngài, để chứng tỏ bà ấy không có cùng phe cánh với Dương phi! Nhưng bây giờ nghĩ lại, rõ ràng hai vị lệnh bà này đã ngấm ngầm liên kết với nhau! Hoàng hậu dẫn theo công chúa Bảo Ngọc tuy nói là để không làm Dương phi ngờ vực, thật ra cũng chỉ muốn đánh lạc hướng của thiếp và ngài mà thôi! Nước tính thật khéo quá!
An Định Hầu cau mày nói:
- Bà ta luôn chứng tỏ đứng về phía Nam Việt Vương, thật ra điều bà ta muốn chính là ta chắc chắn không can dự vào chuyện đổi ngôi thế tử! Dương phi lập vây cánh thật đáng sợ! Trước hết là ép ta về cùng, sau lại còn cho người đi dò xét ý trong lòng ta thế nào!
Thác Hoa nhớ chuyện cũ, hỏi liền:
- Mấy đêm trước ở Ứng Kê, vì sao ngài thấy cờ hiệu của Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn liền bất tỉnh nhân sự? Ngài còn biết cả việc Kiều Công Tiễn sẽ không phát binh đánh ải! Thiếp thật tình không nghĩ ra được!
An Định Hầu chua chát đáp:
- Vốn Kiều Công Tiễn muốn mượn Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục để làm phản. Cuối cùng chuyện này để lọt vào tai Dương phi! Bà ta đã tương kế tựu kế nhờ Lê Hoàn âm thầm mang quân vòng theo cửa biển đón lõng cách Đông Môn mấy chục dặm mà giết sạch! Lê Hoàn để rơi lại lá cờ hiệu hàm ý nhắc nhở cho ta biết, ta dầu có cố gắng đến đâu cũng không tránh được tai mắt của họ rình rập! Ta vốn định cho người xóa sạch dấu vết số quân lính đóng ở ngoại thành Đại Lý! Sau này Dương phi có nói cũng vô phương còn đối chứng! Tuy nhiên, họ đã nhắc nhở ta rằng, không chỉ có Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục là kẻ phản loạn, trong hàng ngũ quân hổ đầu vẫn còn nhiều tai mắt của họ!
Thác Hoa kinh hãi:
- Làm sao Dương phi cùng Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn biết được chuyện Kiều Công mưu với ba tướng kia toan gây binh biến cho được?
An Định Hầu lắc đầu đáp:
- Ba tướng kia bày nhiều trò để che mắt ta nhất định không dại dột mở miệng với người khác! Ta và nàng khi về lại Ứng Kê cũng chỉ vô tình suy đoán được âm mưu trên! Đinh Thương là người biết chuyện này sau cùng! Cho nên chuyện Kiều Công Tiễn mưu toan đánh ải không thể do bất kỳ người nào trong chúng ta nói ra được! Dầu có nói, Lê Hoàn cũng không sao kịp điều động thủy quân! Bây giờ đang là mùa biển động, đi đường thủy phải mất năm ngày mới đến ải Đông Môn! Lúc ta và nàng ở điện Vĩnh Tường đã giáp mặt Lê Hoàn! Dầu sau đó hắn có gấp rút lên đường cũng không dễ dàng che giấu năm vạn quân lính khỏi mắt Định Quốc Công Nguyễn Bặc trấn thủ ở Đại La, coi quản luôn cả thủy lộ Hồng Hà! Chỉ có cách giải thích, Lê Hoàn đã mai phục quân lính từ trước để đón chờ Kiều Công Tiễn, trước cả khi ta mang quân về nam cứu Định Biên!
Thác Hoa thảng thốt thả người ngồi bịch xuống ghế:
- Vậy là lúc thương nhân kia đưa thư của Kiều Công cho ngài cùng ba tướng, Dương phi và Lê Hoàn đã biết! Bà ta làm sao mà biết được? Không lẻ nào thật sự có cả tai mắt bà ta bên phía Kiều Công hay sao?
An Định Hầu ngán ngẩm:
- Có thể là như vậy! Cũng có thể là tất cả những người thân cận bên ta đều là tai mắt của Dương phi! Bà ấy dùng cách này thật ác, khiến thần trí ta không thể nào tỉnh táo mà nhìn cho rõ ràng được! Bây giờ ta nhìn đâu cũng phải nghi ngờ! Nàng biết không! Ta mấy ngày nằm giả bệnh còn nghĩ ra một việc nữa!
Thác Hoa liền hiểu ngay ý của An Định Hầu. Nàng hỏi mớm:
- Có phải chuyện Dương phi nhằm ngay lúc này mới tìm cách lôi kéo ngài?
An Định Hầu gật đầu:
- Phải lắm! Nếu bà ấy muốn kéo ta cùng một phe sao lại canh ngay lúc ta cứu Định Biên xong trở về thượng kinh mới lôi kéo? Nguyên nhân chỉ có một! Chính là vì Trần Biền!
Thác Hoa thở dài:
- Trước giờ ngài chỉ có bốn đến sáu vạn quân, chưa thể bì lại bất kỳ các trọng tướng khác! Dầu có lôi kéo ngài cũng chưa chắc hữu dụng lúc cần thiết! Bà ta đợi ngài cứu Định Biên nhân tiện kiểm tra việc luyện quân của Trần Biền! Giờ lôi kéo được ngài thì Trần Biền vì mang ơn cũng nhất định theo cùng! Gộp binh mã của ngài cùng Trần tướng quân đã vượt trội binh mã của Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn! Bà ấy nắm hai mươi vạn quân trong tay, còn sợ ai dám động vào con trai trong cuộc tranh giành ngai thái tử? Hóa ra, chuyện bí mật luyện quân cũng bị bà ấy biết từ lâu!
An Định Hầu uất ức quá đành bật cười một tràng ha hả:
- Ta cao ngạo tự cho mình làm việc luôn tính trước sau gọn gàng, cuối cùng lại thành con tốt trong tay người khác, không sao có thể tự quyết được chuyện gì!
Thác Hoa nghe cũng chỉ biết ngậm ngùi.
Nàng ta liền nắm chặt lấy tay vương hầu cầu khẩn:
- Thiếp xin ngài hãy từ quan! Ngài làm thần bị bề trên nghi kỵ! Ngài làm tướng bị đồng liêu oán ghét! Vậy ngài cần gì phải luyến tiếc? Xin ngài hãy mau mau từ quan đi! Nếu hoàng đế không chịu thì thiếp sẽ lộ thân phận thật! Ngài sẽ thành tân vương phò mã của Chân Lạp, hoàng đế dù muốn dù không chẳng thể làm khó! Thiếp xin ngài mau mau từ quan!
Nàng khẩn thiết, thiếu điều muốn quỳ xuống dập đầu khấn vái. An Định Hầu cảm khái:
- Ngay lúc biến loạn cận kề, sao có thể chỉ vì an thân mà cáo quan cho được! Nếu bắt ta phải làm một kẻ an nhàn đợi chết già, ta thà bị tan xát dưới vó ngựa còn hơn! Nước sắp có loạn, bên ngoài còn có nước lớn nhìn ngó! Chỉ nghĩ đến đó ta tưởng chừng máu đều sôi sùng sục trong huyết quản! Tai đã nghe tiếng trống trận thúc quân vang rền! Ta sanh thời chiến loạn cũng muốn được chết theo kiểu chiến loạn! Nếu được chết giữa trăm vạn xác địch, thật sự ta có phúc phần biết bao nhiêu! Với thần lực của ta, tận mạng giết chết trăm người cũng dễ như trở tay! Chết vậy ngạo nghễ biết bao!
An Định Hầu quay sang bế Thác Hoa đang chau mày ủ mặt đặt vào lòng mà cười dịu:
- Chỉ có nàng là phải chịu thiệt thòi! Nhất định ta cùng nàng không thể như lời chúc của Đinh Phúc, răng long tóc bạc được!
Thác Hoa không kềm được bật khóc nức nở:
- Ngài vì sao cứ phải bán mạng? Ngài thật ngu ngốc! Ngài thật ngu ngốc!
Thác Hoa đang cơn hờn giận chẳng chút e dè trách mắng liên hồi. An Định Hầu cứ để cho nàng hả hê xong, mới gọi khẽ. Tiếng gọi chân tình nhỏ nhẹ nhất mà lần đầu trong đời ông ta thốt lên được:
- Em Hoa à!
Thác Hoa đang khóc thảm vẫn không khỏi giật mình nhìn An Định Hầu. Nàng ngơ ngác hỏi:
- Ngài…ngài gọi thiếp là gì?
Vương hầu tưởng nàng không nghe rõ liền gọi lại, giọng chân tình hơn vạn lần:
- Ta gọi nàng là em Hoa à!
Thác Hoa chẳng quen lối xưng hô trên, lại nghe giọng chồng khác lạ, không khỏi cười khanh khách:
- Ngài làm thiếp nổi hết gai óc!
An Định Hầu thấy phu nhân nguôi ngoai, càng gọi thêm mấy mươi lượt:
- Em Hoa à! Em Hoa à!
Ông gọi một tiếng, Thác Hoa cười một tiếng. Ông gọi một tràng, nàng cười khanh khách một tràng nhưng nghe chừng bụng dạ ngọt ngào vô kể. An Định Hầu nói thêm:
- Các công hầu khanh tước khác học theo lễ nghĩa phương bắc, thường gọi vợ thành phu nhân này nọ, ta nghe toàn sáo rỗng, không bì được cách gọi dân dã của người nước ta!
Thác Hoa nghe vậy, càng hỏi tới:
- Theo lối dân dã lẽ nào còn nhiều cách gọi ngoài lối xưng hô vợ chồng?
An Định Hầu hào hứng đáp liền:
- Nhiều vô kể! Trước đây ta hay thấy những thôn quê gọi bạn trăm năm thì có phần ngại ngùng, nhưng giờ ta gọi nàng thì nghe ngọt ngào thân thiết!
Thác Hoa ngẩng cao mặt nhìn ông ta nài nỉ:
- Ngài mau mau chỉ cho thiếp được tỏ tường!
An Định Hầu đáp:
- Ngoài gọi là chồng vợ thì có thể gọi là anh ơi, em ơi, hoặc giả mình ơi! Nếu để tỏ tôn kính thì chỉ cần gọi là chàng, là thiếp thì ổn thỏa!
Thác Hoa chưa được dạy lối xưng hô trên. Nàng thuận miệng, nhìn An Định Hầu âu yếm gọi:
- Chàng của thiếp ơi!
An Định Hầu cười liền một tràng ha hả:
- Làm gì có kiểu gọi rườm rà đến thế!
Thác Hoa thẹn đỏ mặt dỗi:
- Chàng chẳng nói gọi tôn kính là gì! Vậy thiếp không thèm tôn kính nữa!
Nàng lại âu yếm nhìn An Định Hầu, ngọt ngào gọi:
- Mình ơi! Mình của em ơi!
Giọng của Thác Hoa bình thường đã ngọt ngào, giờ nàng hạ giọng đem hết thảy yêu kính trong bụng thốt ra ngoài miệng ngọc. An Định Hầu nghe, ngỡ lọt vào bốn bề toàn mật ngọt hảo hạng. Nửa đời ông chinh chiến quen sống giữa làn tên đầu giáo, hơn trăm lần ngỡ chắc chết. Thành ra bản tính tự nhiên thô ráp chai sạn còn nhiều phần thô lỗ quá cỡ. Từ lúc có Thác Hoa, An Định Hầu tựa đáy sông nứt nẻ hứng đầy nước mát, tâm tính dần dần đổi khác. Ông cảm kích Thác Hoa, giờ nghe nàng dùng cả đáy lòng cất tiếng gọi, không sao kềm được ôm ghì lấy nàng hôn liền mấy cái. Hôn ngớt, ông lại hạ giọng thủ thỉ:
- Lúc gặp nàng ở thành Định Biên, ta đã biết trời ban cho phúc phần hiếm có! Ta chỉ nghĩ đem nàng về thượng kinh nhằm để từ chối hôn ước, sau sẽ giam lõng ở Ứng Kê vài năm! Đợi đến khi thích hợp, ta lại thả nàng đi! Ta thật lòng không nỡ giết nàng! Ngay từ đầu ta đã không nỡ! Nào ngờ, ta và nàng lại thành chồng vợ! Xem như cuối đời Đinh Quan Viễn này vẫn còn được trời cao đoái hoài!
Thác Hoa nghe lời này như thể lời trối tự nhiên khóc lớn.
An Định Hầu lại phải dỗ dành nàng:
- Nàng vừa thông minh, lại biết chiều lòng người! Nếu cho ta chọn, ta thà đánh đổi tất cả đều được cùng nàng sống đến mãn đời!
Ông cố lựa lời an ủi nhưng chẳng đào đâu ra được miệng lưỡi trơn tru như Đinh Phúc. Trong bụng Thác Hoa vẫn đầy hờn oán cũng đành nguôi ngoai để khỏi làm khó.
An Định Hầu đột ngột tự thán:
- Ta mười ba tuổi đã ra chiến trường! Mười lăm tuổi ta đã vác kiếm, vác dáo đi tham chiến! Chuyện sống chết từ lâu ta chẳng hề màng tới! Ta sống qua lúc loạn lạc chia cắt sứ quân! May mắn có được mấy năm thái bình thịnh trị! Sao có thể để cho lũ gian thần lộng quyền qua mặt bề trên mà làm loạn cho được! Ta dầu chết cũng phải tự tay chặt hết đầu bọn phản nghịch đó xuống mới nguôi được cái hận này! Bách tính nào có trông đợi ai làm thái tử, nào có trông đợi ai làm vua? Họ chỉ cần vị thái tử đó, vị vua đó đem lại cuộc sống thái bình cho họ đã là quá đủ! Hỡi ôi!
An Định Hầu tự đấm lên đùi mấy cái mà oán hận:
- Tại sao bề trên lại muốn đổi ngôi thái tử? Tại sao đã biết là họa binh biến mà vẫn làm?
Ông bi phẫn quá độ ngửa mặt thét vang sang sảng đánh động khắp bốn bề. Quân đầu hổ đứng gác bên ngoài không khỏi giật mình. Tuy nhiên, bọn họ đoán chừng An Định Hầu đã khỏe mạnh, trong lòng mừng rỡ khôn kể mau chóng truyền tai nhau tin mừng.
Lúc này, Định Quốc Công Nguyễn Bặc cùng Thái Sư Lưu Cơ đã về đến ngoại thành Đại La. Thái Sư Lưu Cơ tranh thủ khi đổi ngựa mà nói với Đinh Quốc Công:
- Ngài nên lựa cho ta con ngựa nào khỏe mạnh! Từ đây về đến thượng kinh còn một đoạn đường xa!
Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc trầm ngâm đáp:
- Ngựa của ta đều là ngựa chiến thượng hạng! Một con cũng như trăm con, không hề có khác biệt! Ngài chọn lấy con ngựa nào cũng được!
Lưu Cơ lại nói đầy ẩn ý:
- Ta muốn tặng một con ngựa cho bệ hạ! Bệ hạ đang muốn đổi lại con ngựa chiến vẫn thường hay đi! Không biết ngài có thể chọn giúp!
Nguyễn Bặc tức thì đáp:
- Vậy chỉ có nước ta lùa hết đàn ngựa về để bệ hạ tùy ý lựa chọn! Chúng ta là thần, không thể lấn quyền chọn giúp bệ hạ được! Bệ hạ chọn con ngựa nào! Chúng ta sẽ chọn con ngựa đó! Cho dù có là con ngựa què quặt yếu ớt! Chúng ta cũng phải cùng bệ hạ mà gánh vác!
Thái Sư Lưu Cơ nở nụ cười nhẹ chấp tay vái lễ:
- Ta phải về lại thượng kinh! Không biết ngài có muốn gởi gắm điều gì?
Nguyễn Bặc vuốt râu trầm tư đáp:
- Thanh kiếm ta đeo bên hông từ lúc theo bệ hạ dựng triều đại đến nay đã lâu chưa rút ra lần nào! Ta muốn rèn lại cho sắc bén!
Lưu Cơ cười lớn vái lễ. Nguyễn Bặc cũng cười hể hả vái đáp. Hai vị công thần đã thỏa bụng dạ nhau nên vội bái biệt, mỗi người một nẻo riêng lên đường.