Chinh Nhân Oán Ca Chương 18

Chương 18
Bao Kẻ Toan Mưu Kế Không Qua Mắt Trẻ Con

Ngay khi Thái Sư Lưu Cơ từ biệt Định Quốc Công Nguyễn Bặc để về Hoa Lưu, hai lính hầu đồng loạt lẳng lặng tách khỏi hàng ngũ. Một người rẽ sang ngõ trái. Một người chạy về hướng phải. Cả hai tên lính hầu đi không cùng hướng nhưng đều đồng loạt cởi bỏ hết quân phục xuống để lộ quần áo thường dân bên trong. Không hẹn mà gặp, cả hai bước ra đường lớn liền đụng mặt nhau ngay một ngõ vắng. Tên lính hầu bên trái nhanh nhẹn hơn cả. Hắn phóng liền một mũi dao. Tên lính kia chưa kịp tháo chạy đã ngã gục xuống chết tại chổ. Tên lính hầu bên trái sợ bị chú ý, lập tức nhanh chân chạy mất. Ngờ đâu lát sau, tên lính bị trúng dao lồm cồm bò dậy. Hóa ra hắn tuy bị lưỡi dao đâm vào nơi hiểm yếu nhưng vẫn còn cầm cự được. Hắn vội vàng mở nắp túi vải thưa đang đeo bên hông. Một con chim bồ câu lập tức bay thẳng ra về hướng tây nam. Hắn dõi mắt nhìn theo chừng chưa đủ thời gian pha ấm trà thì cũng tắt thở.



Tên lính hầu phóng dao chạy về hướng nam chừng nửa dặm đã ra ngoại thành Đại La. Hắn đến bên một gốc cây có con ngựa được buộc sẵn. Hắn trèo lên ngựa tức thì nhằm hướng Đường Lâm mà ra roi. Chừng hơn hai mươi dặm, tên lính hầu tấp vào một bến đò nhảy lên một chiếc thuyền nan nhỏ. Chiếc thuyền này nhanh chóng đưa hắn ngược dòng Hồng Hà. Chớp mắt nhìn thấy thuyền chiến lớn, tên lính hầu đợi hai thuyền cập mạn nhau, vội vàng nhảy lên. Phò mã Ngô Nhật Khánh đã đợi sẵn nơi thuyền lớn. Ngô Nhật Khánh liền hỏi:

- Ngươi đã dò la được gì?

Tên lính hầu quỳ lễ rồi đáp:

- Bẩm, phò mã! Định Quốc Công cùng Đô Hộ Phủ Sĩ Sư dọc đường không hề trao đổi tin tức gì! Tuy nhiên khi đến ngoại thành Đại La, Thái Sư hỏi Định Quốc Công chọn ngựa để đi về thượng kinh! Hai bên trao đổi xong thì từ biệt!

Ngô Nhật Khánh cau mày:

- Thái Sư hỏi Định Quốc Công về đổi ngựa như thế nào?

Tên lính hầu thuật lại không thiếu không thừa một chữ. Ngô Nhật Khánh nghe xong liền nở nụ cười mãn nguyện. Tên lính hầu lại nói:

- Bẩm phò mã! Lúc thuộc hạ rời khỏi đoàn người của Thái sư đã phát hiện có một tên khác cũng trà trộn thám thính! Thuộc hạ đã giết hắn rồi! Chỉ vì sợ bị kẻ khác chú ý nên không sao lục soát được!

Ngô Nhật Khánh hừ nhạt:

- Nhất định là quân do thám của Dương phi! Ngươi có chắc là hắn đã chết rồi hay không?

Tên lính hầu đáp:

- Bẩm, chắc chắn đã chết!

Ngô Nhật Khánh gật đầu:

- Ngươi làm tốt lắm!

Ông ta liền ra lệnh ban thưởng cho tên lính hầu rồi vội vàng trở vào trong thuyền. Hoàng hậu Kiều Quốc đang ngồi bên trong, nét mặt đầy nôn nao. Ngô Nhật Khánh vái lễ nói:

- Chúc mừng mẹ! Phen này trời giúp họ Ngô ta rồi!

Hoàng hậu Kiều Quốc vội hỏi:

- Vì cớ gì mà con chúc mừng ta!

Ngô Nhật Khánh đem chuyện tên lính hầu thám thính thuật lại. Hoàng hậu Kiều Quốc lộ ngay nét hân hoan ra mặt:

- Hay lắm! Đúng là trời đã giúp ta!

Ngô Nhật Khánh nói thêm:

- Định Quốc Công phán chắc nịch, bệ hạ chọn ai thì sẽ thờ người đó! Thái Sư Lưu Cơ hiển nhiên cũng đồng tình! Chúng ta được bệ hạ cùng hai vị khai quốc công thần này ủng hộ, ghế thái tử nhất định phải vào tay em con!

Hoàng hậu Kiều Quốc liền xua tay:

- Không được! Chúng ta chưa thể chắc chắn như vậy! Nam Việt Vương Đinh Liễn bị phế ngôi vị thái tử tất nổi giận sẽ động binh! Chúng ta sức yếu làm sao đương đầu được? Trong khi đó, Dương phi đã kéo được Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn về cùng phe cánh! Chúng ta dầu địch lại được Nam Việt Vương cũng khó lòng chống nổi Dương phi!

Ngô Nhật Khánh cười xòa:

- Xin mẹ yên tâm! Binh mã khắp Đại Cồ Việt nào có là của riêng ai ngoài bệ hạ? Bệ hạ lên tiếng, chư tướng có ai dám kháng cự? Chưa kể Định Quốc Công có năm vạn! Thái Sư Lưu Cơ giữ gần hai vạn! Binh mã trong nội thành Hoa Lư cộng thêm binh lực ở Đường Lâm cũng đã năm vạn! Chừng ấy đã đủ thắng thế với Dương phi!

Hoàng hậu Kiều Quốc cắn môi lo âu:

- Chỉ sợ An Định Hầu Đinh Quan Viễn nhúng tay vào! Ông ấy giờ đây đã giữ bảy vạn quân, cộng thêm tài chinh chiến, ông ta về bên nào thì bên đó nhất định nắm lợi thế trong cuộc tranh ngôi vị thế tử này! Ta nghe phong phanh chuyện An Định Hầu ngã về phía Dương phi! Nếu là sự thật thì chúng ta nguy to! Khắp triều đình có ai không kính sợ ông ta! Đến bệ hạ cũng hai phần nể trọng! Ta thật sự vẫn sợ hãi!

Lúc này liền có giọng nói trong trẻo vang lên:

- An Định Hầu sẽ không can dự vào chuyện này! Xin mẫu hậu an tâm!

Thì ra có một đứa trẻ con đang từ sau thuyền đi lên. Đứa bé chừng bốn năm tuổi, trán cao mày sáng. Nó đi dáng đường bệ tỏa ra vương khí lồng lộng. Thật không sao nhìn ra được là đứa bé nhỏ tuổi.

Ngô Nhật Khánh thấy đứa bé vội vàng khom người hành lễ:

- Tham kiến thái tử!

Đứa bé liền nói:

- Phò mã đã nói sai rồi! Đệ chỉ là hoàng tử! Mãi mãi cũng chỉ là hoàng tử mà thôi!

Đứa bé đây chính là hoàng tử Đinh Hạng Lang. Đinh Tiên Hoàng Đế có tất cả ba người con trai. Con đầu là Nam Việt Vương Đinh Liễn, kế đến là hoàng tử Đinh Toàn, sau cùng chính là Đinh Hạng Lang. Hoàng hậu Kiều Quốc vốn là mẹ của phò mã Ngô Nhật Khánh. Sau, bà ta được Đinh Đế phong hậu mới sanh ra Đinh Hạng Lang. Đinh Hạng Lang cùng Ngô Nhật Khánh là chổ anh em cùng một mẹ khác cha.

Ngô Nhật Khánh nghe hoàng tử Hạng Lang nói vậy liền cười đáp:

- Bẩm, hiện thời ngài vẫn chỉ là hoàng tử! Chỉ cần bệ hạ đưa ra chiếu chỉ đổi ngôi, ngài nghiễm nhiên sẽ là thái tử, tương lai kế vị hoàng đế Đại Cồ Việt!

Đinh Hạng Lang chỉ cười mỉm lắc đầu. Nó đi đến thỉnh an rồi ngồi xuống bên cạnh hoàng hậu Kiều Quốc. Hoàng hậu thấy trên miệng con cứ điểm nụ cười nhẹ, khó hiểu quá đổi, bèn hỏi:

- Con vừa rồi nói An Định Hầu sẽ đứng ngoài chuyện tranh đoạt ngôi vị thái tử, là thật hay giả?

Đinh Hạng Lang đáp:

- Bẩm mẫu hậu! Là thật! Chuyện nay nhi thần không dám bịa đặt! Tuy nhiên cũng còn tùy vào cư xử của huynh trưởng Nam Việt Vương!

Ngô Nhật Khánh vái lễ hỏi:

- Thần chưa được thông suốt, xin nhờ hoàng tử khai giảng!

Đinh Hạng Lang cười mỉm. Nó nói:

- Ta với ngài tuy thân phận cách biệt nhưng thật ra là anh em một mẹ! Không có người ngoài, ngài chẳng nên giữ lễ làm gì!

Nó quay sang hoàng hậu mà đáp:

- Chuyện này là do nhi thần suy ra được! An Định Hầu tướng hổ tráng kiện, không sớm không muộn lại nhè ngay lúc phụ hoàng chuẩn bị hạ chỉ đổi ngôi thái tử mới đổ bệnh! Tuy bá quan đến thăm về nói lại rằng An Định Hầu vẫn mê mang bất tỉnh! Nhưng rõ ràng, trong bệnh có bệnh, là dùng bệnh thật để che bệnh giả! Dùng bệnh giả che bệnh thật!

Hoàng hậu nghe thật giả lẫn lộn, phải buột miệng hỏi tiếp:

- Bệnh thật bệnh giả như thế nào, con mau nói rõ!

Đinh Hạng Lang đáp:

- Bẩm mẫu hậu! Bệnh thật che bệnh giả, có nghĩa An Định Hầu thật sự có bệnh, nhưng ông ta đã qua khỏi từ lâu! Tuy nhiên, ông ấy lại giả vờ như vẫn lâm bệnh! Chính là tránh vướng vào chuyện tranh đoạt ngôi vị thái tử! Khi có biến nếu phụ hoàng ra chỉ dụ gọi, vương hầu sẽ cáo bệnh để thoái thác! Vốn An Định Hầu không quan tâm ai sẽ là thái tử! Ông ta chỉ bận tâm, người ngồi trên ghế thái tử đó có làm bách tính yên ổn hay là không! Trong mắt ông ta chỉ có bách tính, xã tắc! Nhi thần e đến cả phụ hoàng, ông ta cũng không coi trọng bằng an nguy Đại Cồ Việt!

Hoàng hậu Kiều Quốc cùng Ngô Nhật Khánh đồng loạt giật mình:

- Lẽ nào như vậy được? Bệ hạ rất trọng dụng ông ta kia mà!

Đinh Hạng Lang cười mỉm đáp:

- Mẹ cùng anh cả có điềm chưa hay! Phụ hoàng lúc nào cũng đề phòng An Định Hầu! Nhưng càng đề phòng, phụ hoàng lại càng trọng dụng! Càng trọng dụng lại càng thêm vạn phần đề phòng! Đó là thuật của đế vương sử dụng gươm sắc trong tay!

Hoàng hậu lắc đầu nói:

- Ta vẫn chưa hiểu được ý con!

Ngô Nhật Khánh đã biết trước đứa em khác cha của mình sớm bộc lộ trí tuệ vượt trội. Ngô Nhật Khánh không đủ tham thấu hết lời trên, đành vái lễ:

-    Xin nhờ hoàng tử khai giảng!

Đinh Hạng Lang không đáp, hỏi lại:

- Phụ hoàng sau khi dẹp loạn mười hai sứ quân thì người sợ điều gì nhất?

Ngô Nhật Khánh liền nói:

- Bệ hạ sợ nhất chuyện các thế lực khác còn cát cứ khắp nơi, nhất là ở đạo Lâm Tây, vùng Khất Động, núi Loan Bình ở đạo Hoan Châu, núi Bồng Lai tại đạo Đông Hải! Vì lẽ đó, trong mười năm dài, bệ hạ đã ra chỉ cho An Định Hầu đem quân đánh dẹp hết thảy!

Đinh Hạng Lang lắc đầu. Nó nói:

- Phụ hoàng không sợ nạn nội loạn cát cứ còn sót lại! Phụ hoàng sợ nhất là các tướng lãnh nắm binh quyền! Người nào càng nắm nhiều binh quyền, phụ hoàng càng sợ! Mẫu thân cùng phò mã hãy đếm thử, bốn vị đại thần khai quốc đang đóng quân ở đâu?

Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu đưa mắt nhìn nhau rồi vội vàng lẩm bẩm tính toán. Đinh Hạng Lang liền tiếp lời:

- Bốn vị công thần khai quốc từ Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Công Đinh Điền, Nội Giáp Công Trịnh Tú, Thái Sư Lưu Cơ đều vây quanh Hoa Lư! Vì sao, phụ hoàng lại bày ra cục diện đó?

Ngô Nhật Khánh không sao hiểu được bèn vái lễ nói:

- Thần ngu muội xin được nghe hoàng tử khai sáng!

Đinh Hạng Lang đáp:

- Phụ hoàng sau khi thống nhất thiên hạ dựng nên triều đại! Điều khiến người lo sợ nhất chính là sẽ tái diễn nạn sứ quân làm loạn! Vì vậy mới đặt ra lệ, ngoài các thống soái không có ai được phép tự chiêu mộ binh mã, bằng không sẽ chém chết toàn gia! Đếm lại triều đại chúng ta chỉ có một người được phép này! Đó chính là huynh trưởng Nam Việt Vương Đinh Liễn! Đến Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn, bốn vị khai quốc công thần và cả An Định Hầu, binh mã đều do chính tay phụ hoàng cung cấp và luân chuyển! Trong các người trên, Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn có binh lực nhiều nhất! Tuy nhiên nếu đếm kỹ, binh mã của bốn vị khai quốc công thần cộng lại cũng xấp xỉ với Lê Hoàn!

Ngô Nhật Khánh liền hiểu ra:

- Ý của hoàng tử, bệ hạ làm vậy là để đề phòng các tướng ư?

Đinh Hạng Lang không đáp, mà rằng:

- Mẫu hậu cùng phò mã nghĩ thử xem! An Định Hầu nắm quân ở ải bắc! Nam Việt Vương luyện quân ở châu Ái, không phải là hai gọng kềm trước sau Hoa Lư là gì! Bây giờ phụ hoàng lại phong cho Trần Biền làm Chinh Nam Đại Tướng Quân giữ lấy bốn vạn quân lính! Không phải đã để một lưỡi đao sau lưng Nam Việt Vương là gì! Nhưng lại chớ hề có lưỡi dao thứ hai dành cho An Định Hầu! Bụng dạ của phụ hoàng vì lẽ đó tự nhiên thêm phòng ngừa ngờ vực vương hầu!

Ngô Nhật Khánh nhìn hoàng hậu Kiều Quốc. Cả hai đồng loạt nhìn sang hoàng tử Đinh Hạng Lang. Không sao tin nổi đứa trẻ chỉ bốn năm tuổi đã nghĩ sâu rộng được mọi chuyện đến vậy. Hoàng tử Đinh Hạng Lang lại nói tiếp:

- Trong các tướng lãnh, chỉ có An Định Hầu là tách biệt! Ông ta không thân cận với ai cũng không ngã về phe cánh nào! Phụ hoàng tự nhiên sẽ trọng dụng ông ta mà thôi! Có những chuyện, phụ hoàng không thể đích thân làm, cũng không thể nhờ các tướng khai quốc công thần làm, thì An Định Hầu là người thích hợp nhất! Phụ hoàng dùng Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn như lưỡi gươm ngoài sáng, sử dụng An Định Hầu như lưỡi gươm trong tối! Hai lưỡi gươm này tất nhiên càng sắc bén càng tốt, nhưng tốt hơn hẳn là cả hai lưỡi gươm không thân cận nhau! Phụ hoàng vừa dùng vừa nghi ngờ, nhưng càng nghi ngờ lại càng dùng vì tình thế không còn lưỡi gươm nào khác có đủ sắc bén!

Ngô Nhật Khánh chấp tay vái lễ:

- Hoàng tử còn nhỏ nhưng trí tuệ đã vượt xa ngoài sức tưởng tượng! Thân nghiêng mình kính phục!

Đinh Hạng Lang cười xòa liền ra hiệu miễn lễ:

-    Phò mã đã tâng bốc quá mức!

Hoàng hậu Kiều Quốc lại hỏi:

- Con nói đã nói An Định Hầu dùng bệnh thật để che bệnh giả, hòng thoát khỏi liên đới trong việc tranh ngôi thái tử! Vậy còn chuyện ông ấy dùng bệnh giả để che bệnh thật thì như thế nào?

Đinh Hạng Lang liền đáp:

- Thưa mẫu hậu! An Định Hầu dùng chuyện giả bệnh để che đi căn bệnh thật trong tâm! Căn tâm bệnh này mới khiến ông ta khổ sở nhất!

Ngô Nhật Khánh vội hỏi:

- Xin cho thần được biết tâm bệnh của An Định Hầu là gì?

Đinh Hạng Lang chấm tay vào chén trà rồi viết lên mặt bàn hai chữ. Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu chăm chú nhìn:

- Tự Chủ! Tâm bệnh của ông ta là hai chữ Tự Chủ này ư? Lẽ nào ông ta có ý muốn thoát ly để làm chủ một phương!

Đinh Hạng Lang nghe thêm toàn là lời gièm pha ngờ vực An Định Hầu ham quyền cao chức trọng toan chuyện leo cao thành vương thành chúa. Nó ngán ngẩm lắc đầu, bèn nói:

-    Vương hầu đầu quân lúc nước còn loạn sứ quân! Mắt ông ấy thấy cảnh nội loạn điêu tàn. Tai ông ấy nghe đủ lời oán thán trách trời cao đất thấp. Tâm khảm ông ấy chịu cảnh triều đình hùng mạnh phương bắc chèn ép đất nam. Lâu ngày, những hờn nhục một nước yếu phải chịu khắc sâu vào An Định Hầu. Ông ấy muốn nước nam phải cường thịnh, chẳng cần cúi đầu trước phương bắc nhận hầu. Ông ấy muốn thấy dân đất nam an gia lạc nghiệp thành giàu mạnh hùng cường! Tự chủ ông ấy muốn không phải cho bản thân, là cho toàn thể dân tình đất Đại Cồ Việt này! Đầu vào trướng Kiều Công Tiễn, An Định Hầu khăng khăng xin thủ hai ải Ứng Kê và Quỷ Môn Quan. Đến khi chịu hàng dưới trướng phụ hoàng, vương hầu vẫn xin thủ hai ải trên! Giữ ải này thì phải đương đầu với giặc Tống! Binh lực chưa đến bốn vạn, năm nào cũng đương đầu ít nhất bảy tám vạn quân giặc, hung hiểm đến thế cớ gì An Định Hầu vẫn khăng khăng xin giữ ải?

Nó nhìn chăm chăm hoàng hậu Kiều Quốc cùng phò mã Ngô Nhật Khánh, thở dài:

-    Ông ấy thà chết giữa loạn quân, thân tan xác ngàn mảnh dưới vó ngựa giặc chứ không chịu nhìn cảnh nước mất nhà tan! Tráng chí ấy, đem so với hết thảy tướng lãnh toàn triều Đinh không hiếm nhưng ẩn ý thâm sâu bên trong, những điều An Định Hầu cắn răng chịu đựng, chẳng có tướng võ quan văn nào hiểu thấu! Than ôi, tội cho ông ấy lắm lắm!

Lời nói khác gì oán trách bụng dạ hoàng hậu Kiều Quốc cùng Ngô Nhật Khánh hẹp hòi. Hai mẹ con họ Ngô không khỏi thấy thẹn, càng nghĩ bản thân sống mấy mươi năm chẳng bì được đứa nhỏ mới ngó mặt trời chưa quá năm ngón trên một bàn tay, càng thêm thẹn.

Đinh Hạng Lang nói thêm:

- Phản Kiều Công Tiễn về với phụ hoàng, An Định Hầu chỉ xin giữ biên ải phía bắc, không hề tham gia cùng phụ hoàng bình định sứ quân! Sau khi khai mở triều đại, nhiều tướng lãnh công lao vượt bậc nhưng phụ hoàng lại phong cho ông ta làm tước hầu hưởng lộc vương ngang với hoàng huynh Đinh Liễn! Chức hầu ấy địa vị chẳng kém Thái Sư Lưu Cơ, còn có phần vượt trội! Nhiều người oán hận vì sao ông ta ít công lao lại được phụ hoàng trọng đãi như thế! Thật ra, ông ta công lao rất lớn, lớn vô kể!

Ngô Nhật Khánh gật đầu đáp:

- Hoàng tử diễn giải rất đúng! Ông ta canh giữ quan ải liều mạng với ngoại xâm để bệ hạ yên tâm bình định nội loạn! Ví như lần đó ông ta nghe theo Kiều Công Tiễn mà mở cổng thành cho giặc tràn xuống, bệ hạ khó bề có thể đánh dẹp hết các sứ quân được!

Đinh Hạng Lang thấy Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu Kiều Quốc đã tường tận nên nói tiếp:

- Ông ta làm vương hầu bị nhiều người ganh ghét! Ông ta càng đánh trận thành công, phụ hoàng càng đề phòng! Một chức vị mà bốn bề đều có nguy cơ như vậy, vì sao không bỏ đi mà vẫn cố gắng làm một An Định Hầu tốt? Chỉ là vì bụng kia quan tâm đến thái bình của Đại Cồ Việt mà thôi! Đại Cồ Việt có thái bình thì dân mới an gia lạc nghiệp nên giàu có, nước theo thế ấy sẽ cường thịnh, đến lúc thích hợp tự nhiên chẳng phải e dè triều đình hùng mạnh phương bắc trở nên tự chủ hoàn toàn! Ông ta phản Kiều Công Tiễn không phải đầu vào trướng phụ hoàng! Ông ta đầu vào muôn dân Đại Cồ Việt, đầu vào đất nam này! Trong mắt ông ta, ai làm hoàng đế cũng được, ai làm thái tử cũng được, miễn sao vị hoàng đế đó, vị thái tử đó mang lại thái bình cho Đại Cồ Việt, ông ta sẽ bán mạng phục vụ! Phụ hoàng vì nhìn ra tâm bệnh trên nên càng trọng dụng ông ta! Và cũng chính vì tâm bệnh đó, phụ hoàng nhất định sẽ đề phòng ông ta!

Hoàng hậu nghe vậy liền chen vào:

- Chúng ta đã nắm được tâm bệnh đó, tự nhiên sẽ kéo được ông ta về cùng phía! Có An Định Hầu giúp sức, ngai thái tử của con sẽ càng vững vàng!

Đinh Hạng Lang lắc đầu:

- Mẫu hậu đã không hiểu An Định Hầu! Ông ấy nhất định chỉ muốn ngai thái tử thuộc về hoàng huynh Nam Việt Vương Đinh Liễn mà thôi! Dẫu có lôi ông ấy ra chém hay tùng xẻo thì chính kiến trên chớ hòng đổi khác! Bất kỳ ai lên ngồi ngai thái tử trừ hoàng huynh, ông ta đều không tán đồng, là liều chết không tán đồng!

Hoàng hậu ngạc nhiên hỏi:

- Sao có chuyện như vậy được? An Định Hầu dẫn quân về nam cứu Định Biên đã dằn mặt Nam Việt Vương ở ngõ Thúc Độ! Chứng tỏ ông ta và Nam Việt Vương không hề có giao tình! Vì sao ông ta nhất định ủng hộ Nam Việt Vương làm thái tử?

Đinh Hạng Lang cứ nghỡ đã diễn giải đủ cho hoàng hậu hiểu, chẳng ngờ bà ấy vẫn bị sự ham mê quyền lực lấn át lý trí, đành đáp:

- Mẫu thân đã có chút nhầm lẫn! An Định Hầu ủng hộ hoàng huynh làm thái tử không phải vì thích hoàng huynh hay vì oán ghét con! Chỉ vì tâm bệnh đó thôi! Trên ngai thái tử chính là nguy cơ về nội loạn! Nếu ngai thái tử bị trao cho người khác sẽ sanh chuyện chiếm đoạt hơn thua! Hoàng huynh lúc đi sứ đã được triều Tống sắc phong, xem như kế vị phụ hoàng trong tương lai! Bây giờ phụ hoàng phế bỏ hoàng huynh khác gì chọc giận triều Tống! Họ từ lâu đã có ý tìm cớ đánh Đại Cồ Việt, bây giờ vô tình đã giúp họ công nhiên tiến quân! Thay ngôi thái tử, khiến trong nước chia rẽ sanh loạn, làm giặc bên ngoài đánh vào! Đại Cồ Việt sao có thể yên ổn cho được! Vì lẽ ấy, An Định Hầu kiên quyết chỉ muốn hoàng huynh làm thế tử là vậy!

Hoàng hậu Kiều Quốc liền ôm Đinh Hạng Lang vào lòng:

- Con tuổi còn nhỏ mà trí tuệ đã vượt xa! Thật sự là phúc phần hiếm có! Con làm thái tử nhất định thành thái tử anh minh nhất hạng! Sau này còn là một hiền quân công đức hiển hách!

Ngô Nhật Khánh cũng mừng rỡ cùng tán tụng:

- Hoàng tử Toàn cùng Nam Việt Vương không thể bì lại ngài cho được! Truyền ngôi thái tử cho ngài, chứng tỏ bệ hạ đã biết được tài của ngài!

Đinh Hạng Lang cứ để cả hai người tung hứng thỏa thê. Một lát sau, nó mới nói:

- Mẫu hậu cùng phò mã vì dành ngai vị cho con đã làm ra không ít chuyện! Tuy là có lòng tốt, nhưng vô tình đã đẩy con vào chổ chết! Con muôn đời cũng chỉ có thể làm một hoàng tử mà thôi, không sao làm thái tử được!

Hoàng hậu Kiều Quốc giật mình:

- Con chớ nói gỡ! Ta sao lại nỡ đưa con vào chỗ chết cho được!

Ngô Nhật Khánh cũng quỳ xuống nói:

- Xin ngài an tâm! Thần nhất định sẽ vì ngài mà liều mạng phục vụ! Không để bất kỳ ai làm hại đến ngài!

Đinh Hạng Lang thở dài buồn bả. Khuôn mặt hoàng tử đăm chiêu rõ ràng không phải là khuôn mặt của đứa trẻ bốn năm tuổi có được:

- Mẫu hậu cùng phò mã đã đưa con vào chổ chết rồi đó!

Đinh Hạng Lang nhìn Ngô Nhật Khánh mà hỏi:

- Ví như ta làm thái tử! Phụ hoàng không may trăm tuổi cởi hạc về trời! Ai sẽ coi quản triều chính đây?

Ngô Nhật Khánh liền đáp:

- Ngài làm thế tử, hiển nhiên ngài sẽ lên ngôi để coi quản việc triều chính!

Đinh Hạng Lang lại buồn bã hỏi tiếp:

- Ta còn nhỏ, không thể quản được hết mọi chuyện! Sẽ phải cân nhắc người để nhiếp chính cùng ta! Khi đó, ngoài mẫu hậu, ngài chính là người thứ hai san sẽ trách nhiệm đó!

Ngô Nhật Khánh hồ hởi đáp:

- Thần nhất định vì ngài mà tận lực!

Đinh Hạng Lang kêu lớn:

- Ngài còn chưa hiểu ư? Mẫu hậu trước đây là con dâu của họ Ngô, ngài lại mang họ Ngô! Hai người họ Ngô giúp dòng dõi nhà Đinh coi quản triều chính, vậy triều đình này là của người họ Đinh hay của người họ Ngô đây? Bá quan văn võ sẽ nghĩ gì đây?

Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu không khỏi kinh hãi:

- Chuyện này….chuyện này…!

Đinh Hạng Lang lại nói:

- Trong bá quan văn võ, mười phần hết chín tám đều từng nợ ơn của hoàng huynh Nam Việt Vương Đinh Liễn! Nếu ta lên ngôi cao, chẳng phải sẽ lạc lõng một mình giữa triều chính đó ư? Quần thần ai nấy cũng đều dè chừng ta, ta làm sao có thể trị nước cho được? Mẫu hậu cùng phò mã có nghĩ đến việc này hay chưa?

Hoàng hậu liền nói:

- Nhưng các vị công thần khai quốc như Định Quốc Công, Thái Sư, Ngoại Giáp Công, Nội Giáp Công nhất định sẽ ủng hộ cho con! Các vị ấy vì bệ hạ nhất định sẽ giúp con trị nước!

Đinh Hạng Lang lắc đầu chua chát:

- Hỡi ôi, mẫu hậu ơi! Bọn họ vì phụ hoàng mà phò tá nhi thần! Nhưng khi mẫu hậu cùng phò mã nhiếp chính, bọn họ sẽ nghĩ gì? Bọn họ sẽ cho rằng triều đình đang rơi vào tay người họ Ngô! Bọn họ còn có thật bụng giúp nhi thần hay không? Nhi thần lại không thể mời bất kỳ ai trong họ để nhiếp chính cùng, vì như vậy càng rối loạn triều chính! Mẫu hậu có hiểu chỗ khó xử của nhi thần hay không?

Đinh Hạng Lang không nhịn nổi khóc òa nức nở. Lúc này mới nhìn giống được đứa trẻ lên năm đang ấm ức mà khóc. Hoàng hậu không ngờ vô tình đã khiến đứa con nhỏ dại của mình phải sầu lo bộn bề nên rơi nước mắt theo:

- Mẫu hậu chỉ muốn con có thể kế thừa ngai vị của bệ hạ, nào có biết lại làm con khổ sở như vậy!

Hoàng tử khóc thỏa thê lại nói tiếp:

- Nhưng con chắc chắn không bao giờ được ngồi lên ghế thái tử! Cho nên mẫu hậu và phò mã không cần phải lo lắng về chuyện này! Mạng số con có lẻ chỉ được như vậy!

Nguồn: truyen8.mobi/t124600-chinh-nhan-oan-ca-chuong-18.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận