Chương 19 Rồng Con Cùng Hổ Lớn Viếng Bệnh An Định Hầu Đinh Hạng Lang quay về hướng hoàng hậu Kiều Quốc dập đầu vái lạy:
- Nhi thần xin thỉnh tội bất hiếu với mẫu hậu! Mong mẫu hậu tha thứ cho nhi thần!
Hoàng hậu vội vàng dìu nó đứng dậy:
- Con nào có làm điều gì lỗi đạo với ta!
Đinh Hạng Lang ngậm ngùi đáp:
- Nhi thần là phận làm con lại không phụng dưỡng cho mẫu hậu đến trăm tuổi, là một tội! Nhi thần làm con, lại khiến mẫu hậu vì nhi thần sầu não phiền muộn, là tội thứ hai! Nhi thần làm con, lại ra đi trước mẫu hậu, là tội thứ ba! Ba tội này không phải là tội bất hiếu của nhi thần thì còn là gì nữa! Xin mẫu hậu tha thứ tội cho nhi thần!
Đinh Hạng Lang nước mắt chảy dài trên mặt mà dập đầu chín cái tạ tội. Hoàng hậu cuống cuồng đáp:
- Con không được nói lời xằng bậy! Con sao có thể đi trước mẫu hậu cho được!
Đinh Hạng Lang đáp:
- Từ xưa đến nay, chuyện tranh đoạt ngai vị khiến anh em tàn sát lẫn nhau! Hoàng huynh công trạng nhiều hơn nhi thần, các quan văn võ ủng hộ cho hoàng huynh cũng nhiều hơn nhi thần! Bây giờ phụ hoàng bế truất, hoàng huynh nhất định sẽ sanh oán hận! Người mang ơn nghĩa của hoàng huynh cũng sẽ sanh oán hận! Họ không thể oán hận phụ hoàng được, sẽ trút tất cả lên đầu nhi thần! Ví như có kẻ nghĩ, phụ hoàng vì yêu thương nhi thần mà phế bỏ tước thế tử của hoàng huynh, nhi thần chết đi, phụ hoàng sẽ phải trả lại ngai vị cho hoàng huynh mà thôi!
Hoàng hậu kinh hãi quát:
- Kẻ nào dám nghĩ điều xằng bậy đó, mẫu hậu sẽ giết kẻ đó!
Đinh Hạng Lang thở dài:
- Ví như có kẻ khác lại nghĩ, để nhi thần chết trong tay hoàng huynh, phụ hoàng vì đau lòng nhất định sẽ trị tội bất nhân, vậy đồng loạt cả nhi thần cùng hoàng huynh không thể làm thái tử được! Ngai thái tử sẽ vào tay ai? Chẳng phải sẽ rơi vào hoàng tử Đinh Toàn hay sao?
Hoàng hậu Kiều Quốc cùng Ngô Nhật Khánh kêu lớn tiếng sợ hãi:
- Chuyện này…!
Đinh Hạng Lang nói:
- Kẻ đầu tiên nghĩ là kẻ thân cận với hoàng huynh! Kẻ thứ hai nghĩ, là kẻ thân cận với Dương phi! Hai thế lực này, mẫu hậu cùng phò mã không sao chống lại được! Phụ hoàng càng không để dạ mà phòng! Có phải là nhi thần đã vào chổ chết rồi hay không?
Hoàng hậu Kiều Quốc cùng Ngô Nhật Khánh tự nhiên đổ mồ hôi lạnh khắp người. Đinh Hạng Lang nhìn cả hai rồi cười nhẹ mà nói:
- Sau cuộc tranh giành này, dầu được dầu mất, mẫu hậu cùng phò mã nhất định sẽ bị các thế lực kia làm hại để củng cố địa vị của họ! Tất cả cũng chỉ vì nhi thần mà thôi! Nhi thần nếu còn sống, sẽ càng làm cho mẫu hậu cùng phò mã lâm nguy! Chi bằng nhi thần chết đi, mọi chuyện tự nhiên lắng xuống! Không còn nhi thần, tự nhiên họ chẳng sợ bị mẫu hậu đe dọa! Số mạng nhi thần chết đi là hợp lẽ nhất! Không oán trách ai được!
Hoàng hậu Kiều Quốc giận dữ đáp:
- Con là hoàng tử của Đại Cồ Việt! Là thái tử Đại Cồ Việt! Tương lai con sẽ kế vị bệ hạ để coi quản mười đạo chín châu khắp! Kẻ nào dám mưu hại con nhất định phải bị tru diệt vì tội phản nghịch! Ta không để bất kỳ ai động đến con của ta!
Bà ta hướng về Ngô Nhật Khánh, ra lệnh:
- Mau chuẩn bị xa giá! Ta phải về thượng kinh để nói với bệ hạ! Xã tắc này vẫn là của bệ hạ! Không thể để loạn thần tặc tử âm thầm lén lút thao túng sau lưng ngài được!
Đinh Hạng Lang nghe vậy không khỏi nghĩ thầm trong bụng:
- Mẫu hậu cùng phò mã cũng lén lút sau lưng phụ hoàng làm nhiều chuyện, há chẳng phải tự mắng chính mình đó ư?
Hoàng tử Đinh Hạng Lang lên tiếng:
- Mẫu hậu xin về thượng kinh trước! Nhi thần phải lên Quỷ Môn Quan một chuyến!
Hoàng hậu cùng Ngô Nhật Khánh không khỏi giật mình. Hoàng hậu hỏi:
- Con lên Quỷ Môn Quan làm gì?
Đinh Hạng Lang đáp:
- Nhi thần đã xin được chỉ dụ của phụ hoàng, nhân An Định Hầu đang dưỡng bệnh, nhi thần muốn lên thăm ông ấy!
Ngô Nhật Khánh do dự hỏi:
- Ngài định nhờ cậy vương hầu ư?
Đinh Hạng Lang đáp:
- Ta lên để chữa bệnh cho An Định Hầu! Lúc này nhất định ông ấy hoang mang lắm!
Ngô Nhật Khánh liếc nhìn hoàng hậu Kiều Quốc. Hoàng hậu khẽ gật đầu. Ngô Nhật Khánh liền nói:
- Đường lên Quỷ Môn Quan vừa xa vừa hiểm trở, để thần hộ giá hoàng tử!
Đinh Hạng Lang xua tay:
- Phụ hoàng đã ra lệnh cho tổng quản điện Vĩnh Tường là Đinh Phúc hộ tống ta rồi! Đinh Phúc là chổ quen biết với An Định Hầu, tính của hắn lại chu toàn tỉ mỉ nên ta nhất định không gặp chuyện gì! Phiền phò mã đưa thuyền về Đại La! Giờ này Đinh Phúc đang dẫn tùy tùng đợi ta ở đó!
Hoàng hậu Kiều Quốc đăm chiêu rồi đáp:
- Nên chuẩn bị ít lễ vật để tặng cho An Định Hầu! Vương hầu bị bệnh dầu thật hay giả, chúng ta cũng không thể ngó lơ được!
Ngô Nhật Khánh cúi đầu vái lễ rồi vội vàng đi chuẩn bị. Lát sau, chiến thuyền nhổ neo xuôi dòng Hồng Hà hướng về thành Đại La.
Bấy giờ ở châu Ái, Nam Việt Vương đang nổi cơn thịnh nộ lôi đình. Đinh Hiến đứng hầu không dám lên tiếng can ngăn. Hiển nhiên, việc Đinh Tiên Hoàng Đế toan ra chiếu chỉ đổi ngôi thế tử đã lọt vào tai Nam Việt Vương Đinh Liễn. Nam Việt Vương ban đầu không tin là thật, nên cho người về thượng kinh mua chuộc mấy tên thái giám để nghe ngóng tình hình. Mười tên thái giám đều báo cùng một tin về chiếu chỉ đổi ngôi thế tử vào tay Đinh Hạng Lang. Nam Việt Vương nghe xong không kềm được giận dữ.
Đinh Hiến chờ Nam Việt Vương nguôi ngoai mới nói:
- Xin thế tử bớt giận! Bệ hạ còn chưa ra chiếu chỉ! Mọi chuyện vẫn chỉ là lời đồn!
Nam Việt Vương quát lớn:
- Sao ông có thể ngây thơ đến vậy! Rõ ràng phụ hoàng đã có ý đó nên mới thầm để lọt tin tức ra ngoài hòng dò xét chủ ý các quan văn võ! Ví như đây không phải là sự thật, phụ hoàng cùng Thái Sư sao có thể để lời đồn này thoải mái lan đi được!
Đinh Hiến trầm giọng:
- Bẩm thế tử, bệ hạ còn chưa ra chiếu chỉ!
Nam Việt Vương toan mắng Đinh Hiến một trận. Tuy nhiên, ông ta thấy Đinh Hiến nét mặt vẫn thản nhiên, liền hỏi:
- Chuyện đã là sự thật, chiếu chỉ chưa ra thì cũng như đã ra rồi, có gì là khác biệt?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, khác biệt ở chổ chiếu chỉ vẫn chưa ra! Dầu là sự thật, bệ hạ chưa viết chiếu bố cáo thiên hạ thì sự thật đó chưa được kiểm chứng! Thái tử chẳn thấy rõ quyền hư bên trong ư?
Nam Việt Vương hít mấy hơi dài trấn tỉnh thần trí. Ông ta ngồi xuống ghế lớn ngẫm nghĩ rồi nói:
- Phụ hoàng muốn dò ý các quan lại nên cố tình để lộ chuyện đổi ngôi thế tử ra ngoài! Phụ hoàng còn do dự chưa viết chiếu bố cáo thiên hạ, là vì chưa biết bao nhiêu người sẽ ủng hộ chuyện này!
Đinh Hiến thì thầm:
- Bốn vị khai quốc công thần hiển nhiên sẽ đồng ý theo sự lựa chọn của bệ hạ! Tuy nhiên, phần đông các quan lại đều nợ ơn của ngài! Họ tuy không phản đối ra mặt nhưng lòng dạ đã ngấm ngầm bất mãn! Chỉ cần để họ đồng loạt lên tiếng, bệ hạ sẽ phải cân nhắc mà không đưa ra chiếu chỉ!
Nam Việt Vương lắc đầu:
- Đây chỉ là cách kéo dài thời gian mà thôi! Phụ hoàng một khi đã quyết, sẽ không dễ dàng thay đổi!
Đinh Hiến đáp:
- Vì vậy, người lên tiếng phản đối phải là người có trọng lượng khiến tất cả quan lại, kể cả các vị khai quốc công thần đều e dè! Khi đó bệ hạ không thể làm ngơ được! Bệ hạ vì do dự chuyện này thành ra vẫn để ngỏ việc hạ chiếu! Bằng không, đổi ngôi thế tử đã được công bố từ lâu, đâu còn là lời đồn đãi như bây giờ!
Nam Việt Vương gật đầu:
- Phải lắm! Tuy nhiên, tìm đâu ra người có trọng lượng như vậy bây giờ?
Đinh Hiến đáp chắc nịch:
- An Định Hầu Đinh Quan Viễn!
Nam Việt Vương vừa bình tâm tĩnh trí lại bừng bừng lửa giận:
- Ông…ông hồ đồ rồi hay sao? Ngay lúc này tại sao ông tự nhiên hồ đồ đến vậy?
Nam Việt Vương Đinh Liễn mắng liên hồi không dứt. Đinh Hiến chỉ im lặng lắng nghe:
- An Định Hầu dằn mặt ta nơi ngõ Thúc Độ, chẳng phải tâm ý đã rõ ràng đó sao? Ông ta muốn cảnh báo, nếu ta dại dột động binh, ông ấy sẽ dẫn quân về phạt! Ông ấy cứu Đinh Biên, truyền khẩu dụ gia phong Trần Biền từ một tướng quân giữ thành nhỏ lên Chinh Nam Đại Tướng Quân, khác gì để một con dao sau lưng của ta! An Định Hầu đã không ưa ta, làm gì có chuyện đồng ý để ta làm thế tử!
Đinh Hiến đợi Nam Việt Vương mắng cho hả cơn giận, mới lên tiếng:
- Bẩm, ngài đã nhầm lẫn!
Nam Việt Vương quát:
- Ta lầm lẫn lúc nào?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, ngài lầm lẫn giữa ý của bệ hạ và ý của An Định Hầu!
Nam Việt Vương ngơ ngác hỏi:
- An Định Hầu rõ ràng làm theo ý của phụ hoàng, ông ta hiển nhiên đã đồng tình, còn phân biệt ý riêng ý chung gì nữa!
Đinh Hiến lắc đầu:
- An Định Hầu đem quân về cứu Định Biên, là ý của bệ hạ, cũng là ý muốn của ông ta! Gây chuyện với ngài ở ngõ Thúc Độ, là ý riêng của ông ta, không phải là ý của bệ hạ! Trần Biền được giữ ấn thống soái phía nam là do bệ hạ truyền dụ! Con dao bọc hậu này là ý của bệ hạ, An Định Hầu chỉ nhận lệnh thi hành! Nói rõ ràng, chuyện đề phòng ngài, phần lớn đều là chủ ý của bệ hạ mà ra! Hạ quan quả quyết, An Định Hầu không bao giờ tán đồng việc đổi ngôi thế tử!
Nam Việt Vương ngơ ngác:
- Ông dựa vào đâu lại quả quyết như vậy?
Đinh Hiến đáp chắc nịch:
- Dựa vào tâm bệnh của ông ấy!
Nam Việt Vương giật mình, hỏi:
- An Định Hầu có tâm bệnh gì?
Đinh Hiến đáp:
- Tâm bệnh của ông ta chính là Tự Chủ!
Lúc này Nam Việt Vương liền kéo Đinh Hiến ngồi xuống bên cạnh. Đinh Hiến vội vàng nói:
- Hạ quan sao có thể ngồi cùng ngài cho được!
Nam Việt Vương hừ nhạt:
- Ta cho phép! Ông mau mau nói rõ tâm bệnh của An Định Hầu để ta tường tận!
Nam Việt Vương kéo mạnh tay. Đinh Hiến buộc phải ngồi xuống bên cạnh. Nam Việt Vương hỏi:
- Vì sao ông lại biết được tâm bệnh của vương hầu?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, chuyện này chỉ cần bình tâm suy ngẫm sẽ thấy được! Bệ hạ trong quá trình dẹp loạn sứ quân đã thâu nạp nhiều tướng lãnh quy thuận! Các tướng lãnh đó đều cùng bệ hạ đánh dẹp nội loạn! Chỉ có An Định Hầu cách biệt! Ông ta từ khi đầu vào trướng bệ hạ, đến khi khai triều lập quốc, vẫn chỉ đóng ở ải bắc! Ngày trước khi còn làm thuộc tướng của Kiều Công Tiễn, ông ấy cũng đóng ở ải này! Bây giờ làm An Định Hầu quyền cao chức trọng đương triều, ông ấy cũng không khác trước! Trong lòng ông ta, ngoại xâm là vấn nạn quan trọng nhất!
Nam Việt Vương gật đầu:
- Phải lắm! Trong lòng An Định Hầu chỉ luôn đau đáu chuyện ngoại xâm! Ông ta nhiều phen liều mạng chống Tống toàn ở thế lấy ít địch nhiều! Nếu là kẻ khác nhất định đã chết đến mấy mươi lần!
Đinh Hiến nói tiếp:
- Ông ta khi bị bắt nhất mực thà chết chứ không theo bệ hạ! Nhưng lúc hay tin Kiều Công Tiễn mượn quân nhà Tống quay lại chiếm ải, ông ta đã xin được làm tướng tiên phong chống trả! Từ lúc đó, trong lòng ông ta đã không còn coi trọng ai sẽ là bệ hạ, ai sẽ là chủ tướng! Ông ta chỉ quan tâm đến thái bình mà thôi! Ông ta thấy bệ hạ sẽ mang lại thái bình vì vậy ông ta đi theo! Bệ hạ muốn trị nạn kiêu binh mà phong cho ông ta chức An Định Hầu, lại gia ân tiếp kiến miễn dùng đại lễ! Ông ta đều nhận! Ông ta càng nhận trọng ân của bệ hạ, những khai quốc công thần càng ái ngại, những thuộc tướng đầu hàng càng yên tâm cống hiến! Bệ hạ đặt ông ta làm nước cờ chính để giữ an triều đình! Ông ta thừa biết, cho nên cung cúc tận tụy không dám chểnh mảng!
Nam Việt Vương liền hỏi ngang:
- Ta nghe lời thám thính, ông ta từ Định Biên về lại thượng kinh đã xin thượng hoàng gia phong ông ấy coi quản bốn trăm dặm đất từ Quỷ Môn Quan đến Ứng Kê, không có lệnh truyền thì không được tự động về triều! Như vậy có khác gì là giam lỏng ông ấy!
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, An Định Hầu muốn đứng ngoài chuyện đổi ngôi thế tử! Vương hầu không những cam chịu bị giam lỏng mà còn tự nhiên đổ bệnh! Mấy mươi năm chinh chiến thập tử nhất sanh, ông ấy không bệnh, lại ngay lúc yên bình thịnh trị này mà đổ bệnh! Là tâm bệnh bộc phát khiến phải bệnh! Ông ta căn ngăn việc đổi ngôi không được, thì chỉ đành đứng ngoài đau đớn nhìn vào!
Nam Việt Vương trầm ngâm:
- Dầu ta làm thái tử, ta cũng chưa chắc sẽ trọng dụng ông ta! Vậy ông ta tại sao không ủng hộ cho Đinh Hạng Lang, biết đâu sẽ được trọng dụng, yên ổn địa vị về sau? Hà cớ gì lại can ngăn chuyện thượng hoàng đổi ngôi?
Đinh Hiến cảm khái đáp:
- Hạ quan vì điểm này càng kính nể An Định Hầu! Vương hầu không quan tâm ai sẽ làm thế tử! Ông ấy can ngăn không phải vì lòng riêng yêu hay ghét! Việc đổi ngôi này hậu hoạn trùng trùng, trong thì làm triều đình chia bè phái, ngoài thì khiến ngoại xâm có cớ đánh vào! Vì hai cái họa trong ngoài này nên vương hầu nhất mực can ngăn! Xin thái tử tạc dạ, ông ấy chỉ cầu quốc thái dân an khiến nội lực quốc gia cường thịnh hòng mau mau thoát khỏi ách kềm kẹp của nhà Tống! Bệnh của ông ấy là từ hai chữ Tự Chủ mà ra!
Nam Việt Vương thở dài:
- Ta cũng biết đến hai cái họa này! Tuy lòng ta oán hận việc thượng hoàng phế vương vị của ta, nhưng thật tâm, ta lo âu nhất là chuyện nhà Tống sẽ mượn cớ gây chiến! Thái bình chưa được mười năm, Đại Cồ Việt quốc lực chưa cường thịnh, họa binh đao lúc này tai hại trăm bề!
Đinh Hiến ngấm ngầm nghĩ bụng:
- Nếu thật sự chỉ vì chuyện ngoại xâm, thế tử làm sao giận dữ như vậy được? Hiển nhiên, giận dữ vì mất vương vị là hơn cả!
Nam Việt Vương thấy Đinh Hiến im lặng, liền hỏi:
- Nếu vương hầu vì không can ngăn được chuyện đổi ngôi mà đứng ra ngoài, ta cần gì phải nhờ ông ta lên tiếng?
Đinh Hiến đáp:
- Hạ quan xin nói thẳng! Bệ hạ còn do dự chưa ra chiếu vì e ngại! Bệ hạ e ngại ai? Là e ngại bốn đại thần khai quốc Định Quốc Công, Ngoại Giáp Công, Nội Giáp Công, Thái Sư? Không phải, bốn người này nhất định vì bệ hạ mà ủng hộ Đinh Hạng Lang! Bệ hạ e ngại Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn ư? Không phải, binh lực của Lê Hoàn tuy nhiều, nhưng binh mã đó vốn là của bệ hạ! Bệ hạ hiệu triệu, binh mã nào dám không nghe? Vậy thì bệ hạ còn e ngại ai ngoài An Định Hầu Đinh Quan Viễn!
Nam Việt Vương ngẫm có lý bèn hỏi dồn:
- Vì sao lại phải e dè An Định Hầu!
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, vì binh mã của vương hầu và vì hàng binh hàng tướng trong Đại Cồ Việt! An Định Hầu đang có bảy vạn binh mã! Trong bảy vạn đó, có ba vạn đã sống chết theo ông ta từ lâu! Đó là ba vạn quân giáp đầu hổ! Bọn họ chỉ coi An Định Hầu là chủ tướng! Còn nhớ vào năm Thái Bình thứ nhất, tức Đinh triều năm thứ ba, bệ hạ muốn mượn ba vạn quân hổ đầu của vương hầu giao cho Định Quốc Công Nguyễn Bặc để đánh châu Quan Tế ở đạo Lâm Tây! An Định Hầu lập tức giao quân, nhưng chỉ nửa ngày sau, bệ hạ phải ra chỉ để An Định Hầu đánh Quan Tế thay Định Quốc Công! Vì ba vạn quân đó không hề nghe lệnh của Định Quốc Công Nguyễn Bặc! Vương hầu dẫn ba vạn hổ đầu quân dẹp loạn châu Quan Tế trong hai ngày, chém gần vạn quân nổi loạn, bắt hàng binh hơn bốn vạn! Ông ta dâng biểu tha chết cho bốn vạn quân đó, hiển nhiên là có bốn vạn người mang ơn! Bệ hạ không dám nhận hàng binh đành chia đôi cho ông ta hai vạn, hai vạn còn lại chia đều cho bốn vị khai quốc công thần coi quản!
Nam Việt Vương gật gù:
- Binh mã Đại Cồ Việt trên dưới ba mươi vạn! Trong đó có chừng mười vạn là hàng binh hàng tướng được thu nạp trong suốt quá trình phụ hoàng dẹp loạn sứ quân! An Định Hầu cũng là hàng tướng! Ông ấy có địa vị cao nhất nên vô tình cũng là chủ tướng tinh thần của tất cả hàng binh hàng tướng còn lại! Nếu ông ấy hiệu triệu, từ bảy vạn quân đang có sẽ thành mười bảy vạn quân! Ông ta có ý làm phản thì mưu hại khôn kể!
Đinh Hiến đáp:
- Chính phải! Vì vậy bệ hạ phải e dè ông ta! Ông ta cũng biết nỗi e dè này nên tự nguyện giam lỏng mình để bệ hạ khỏi phải nặng lòng!
Đinh Hiến ghé tai Nam Việt Vương nói nhỏ:
- Bẩm, xin ngài đừng quên! Tâm bệnh của An Định Hầu là đất nước tự chủ, dân tộc tự cường. Ai đánh vào được tâm bệnh này sẽ tự nhiên có ông ta trong tầm tay! Bệ hạ đánh vào tâm bệnh của vương hầu, vương hầu cúc cung tận tụy mười năm dài phục vụ! Ngài nếu…!
Đinh Hiến thuận gió đẩy thuyền bàn mưu lớn. Nam Việt Vương sớm đoán trước liền giận dữ quát:
- To gan! Ngươi xúi ta làm loạn ư?
Đinh Hiến vội vàng quỳ xuống:
- Bẩm, kẻ nào ra tay trước sẽ chiếm được tiên cơ! Lẽ nào ngài đợi kẻ khác đến giết mình ư?
Nam Việt Vương gằn giọng:
- Hồ đồ! Kẻ nào dám đến giết ta?
Đinh Hiến liền nói:
- Trong cuộc tranh giành này ai sẽ là người thủ lợi nhất! Xin ngài minh xét! Chính là hoàng tử Toàn của Dương phi đó! Theo lý nếu phê trưởng lập thứ thì phải đến lượt hoàng tử Đinh Toàn của Dương phi mới đến hoàng tử Hạng Lang của Kiều hậu! Bệ hạ lại bỏ qua thứ tự mà chọn Hạng Lang, lẽ nào Dương phi không có lòng oán hay sao? Nhưng bà ta vẫn im lặng không hề lên tiếng hay có động tĩnh gì! Ngài không thấy lạ ư?
Nam Việt Vương nghe lời này không khỏi bàng hoàng:
- Phải lắm! Lý ra Dương phi cũng sẽ oán hận không kém gì ta! Vì sao bà ấy vẫn không hề có hành động nào? Bà ta muốn ngư ông đắc lợi ư?
Đinh Hiến thấy Nam Việt Vương đã chịu nghe theo liền vội vàng tiếp lời:
- Phe hoàng hậu Kiều Quốc càng bày nhiều việc! Phía ngài càng giận dữ đáp trả! Rốt cuộc chỉ có Dương phi là chiếm lợi! Vì vậy bà ta không cần hành động! Hoàng tử Hạng Lang và ngài tranh đoạt đến kẻ sống người chết thì chỉ có hoàng tử Đinh Toàn thản nhiên được ngồi lên ngai thái tử mà thôi!
Nam Việt Vương vội ra hiệu cho Đinh Hiến đứng dậy, mà nói:
- Phải lắm! Bà ta có Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn chống lưng với mười vạn binh mã! Chừng đó quân lực, bà ta hiển nhiên không sợ bất kỳ kẻ nào làm hại Đinh Toàn được!
Đinh Hiến liền thêm:
- Ngoại trừ An Định Hầu!
Nam Việt Vương gật đầu:
- Phụ hoàng định đổi ngôi thế tử, vô tình chia triều chính làm ba! An Định Hầu tự nhiên thành lưỡi đao bén! Người nào có được ông ấy, được ông ấy ủng hộ thì người đó ngồi ngai thế tử! Nhất định bây giờ phe nào cũng muốn lôi kéo vương hầu! Chúng ta phải nhanh hơn mới được! Ông mau mau cùng ta lên ải bắc một phen!
Đinh Hiến mừng rỡ cúi đầu vái lễ:
- Ngài thật sáng suốt! Hạ quan xin cáo lui để chuẩn bị!
Đinh Hiến vội vã rời Nam Việt Nhị Cung đi về nhà riêng ở phía đông. Ông ta dặn dò thân thuộc vài chuyện rồi một mình đi vào thư phòng. Thư phòng này có hai cửa sổ, một cái hướng về nam, một cái hướng về bắc. Đinh Hiến đến bên cửa phía bắc với lấy sợi dây kéo mạnh. Tức thì mấy chục con chim bồ câu được nhốt bên ngoài được xổ lồng bay loạn bốn phía. Lúc này, Đinh Hiến mới thả một con bồ câu trắng bay đi. Con bồ câu trắng nhằm hướng Hoa Lư mà sải cánh.
Đinh Tiên Hoàng Đế dựng triều đã được bảy năm. Hoàng đế tuy chưa hề ra chiếu chỉ về chuyện lập thế tử nhưng quan văn tướng võ đều ngầm hiểu ngôi vị đó thuộc về Nam Việt Vương Đinh Liễn. Từ xưa đến giờ, lập trưởng làm thế tử đã thành thông lệ. Chưa kể Nam Việt Vương về trị loạn trong nước hay lãnh mệnh đi sứ đều có công lao vô kể. Thành thử, tin đồn Đinh Tiên Hoàng Đế lập hoàng tử út Đinh Hạng Lang làm người kế đế vị về sau không khác gì sấm dội giữa trời quang. Bá quan ngoài mặt không biểu lộ nhưng đều thầm bàn luận sau triều. Các quan lại trong triều tiện bề nghe ngóng nên không cần bàn tới. Các tướng lãnh đồn trú ở xa hay các quan tri phủ, tri huyện bên ngoài thượng kinh không có tai vách mạch rừng nên hoang man tột độ. Bọn họ liền thi nhau bỏ tiền của mua chuộc thái giám, tỳ nữ trong cung để hóng hớt. Đám thái giám tỳ nữ này thân phận thấp bé, làm sao có thể nghe được chuyện nghị sự. Vì vậy chúng bèn hè nhau phao tin loạn lên, một thành mười, mười thành trăm, đến tai các văn quan võ tướng ở ngoài đã ra ngàn vạn chuyện. Duy có một điểm chúng đã nói giống nhau như đúc, ngôi vị thế tử đã được Đinh Tiên Hoàng Đế trao cho Đinh Hạng Lang.
Những quan lại chính trực nghiêm minh đối với chuyện phế trưởng lập thứ ngồi ngai thế tử thì chỉ bàn về hậu hoạn, vận nước. Những phe ô hợp xu nịnh thì nơm nớp lo sợ chuyện thay đổi thế tử sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Vì vậy bọn này để phòng ngừa, bèn vội vàng tìm cách thân cận với hoàng tử Đinh Hạng Lang, hiển nhiên là thông qua hoàng hậu Kiều Quốc cùng phò mã Ngô Nhật Khánh. Ban đầu, Kiều hậu có thế lực yếu nhất so với Dương phi và Nam Việt Vương Đinh Liễn. Tin đồn lan đi, bà ta tự nhiên có phe cánh đông đảo. Bốn vị khai quốc công thần là Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Thái Sư Lưu Cơ, Ngoại Giáp Công Đinh Điền, Nội Giáp Công Trịnh Tú trong một ngày đều nhận được chỉ triệu về kinh nghị sự. Hoàng đế gặp riêng bốn công thần trong điện Kiến Xương, bàn bạc hơn hai canh giờ mới tàn cuộc. Không cần nghe cũng biết, nhất định là bàn về ngôi vị thế tử.
Hoàng hậu Kiều Quốc cố cài thái giám hầu hạ để dọ thám nhưng không thành bèn bỏ vàng bạc ra mua chuộc lính canh. Không may bọn lính canh này đều là hầu cận của Thái Sư Lưu Cơ. Bọn chúng vẫn nhận tiền bạc nhưng âm thầm mật báo với Thái Sư. Thái Sư Lưu Cơ bèn thì thầm chỉ cách đối đáp. Hoàng hậu Kiều Quốc đang hoan hỷ chờ nghe tin tức, ai dè cả mười tên lính hầu nhận tiền đều chỉ nói một câu, bệ hạ cùng bốn đại thần đang bàn về việc nội cung can gián vào chuyện triều chính. Hoàng hậu tức thì tím mày tím mặt biết ngay là Lưu Cơ đang nhắc khéo. Vừa mất tiền oan, còn bị khiển trách, tuy trong lòng hoàng hậu Kiều Quốc hậm hực nhưng cũng đành nuốt xuống để tranh thủ sự ủng hộ của bốn đại thần về sau.
Lúc này, tổng quản thái giám điện Vĩnh Tường Đinh Phúc đã đưa hoàng tử Đinh Hạng Lang đi cách Đại La được mười dặm. Hắn đang ung dung uống trà tán hưu tán vượn với bọn thái giám cấp trong điện, tự nhiên nhận được chỉ dụ Đinh Tiên Hoàng Đế. Hắn nghe chỉ dụ lệnh hộ tống hoàng tử Đinh Hạng Lang thăm bệnh An Định Hầu thì cứ tưởng mơ. Đinh Phúc ở điện Vĩnh Tường đã dò la không ít chuyện quan trọng. Hắn còn đang đau đầu tìm cách mật báo đến tai vương hầu. Cho nên nhận chỉ dụ, hắn như mở cờ trong bụng. Tuy nhiên, Đinh Phúc là kẻ nhanh nhạy. Hắn tự biết không phải vô cớ Đinh Tiên Hoàng Đế lại chỉ định mình đưa hoàng tử đi. Hiển nhiên bên trong đều có tính toán. Khắp Đại Cồ Việt có ai chẳng rõ Đinh Phúc là thân cận bậc nhất của An Định Hầu. Trong lúc tin đồn trao ngôi thế tử cho Đinh Hạng Lang đang như sấm dậy bốn phía, Đinh Phúc đưa Đinh Hạng Lang đi khác nào công khai với thiên hạ, An Định Hầu đã đồng ý chuyện trên. Đinh Phúc hiểu chuyến đi này mang lại cho An Định Hầu nhiều rắc rối. Tuy nhiên, một là hắn không thể kháng chỉ, hai là hắn có chuyện cấp thiết cần báo cho vương hầu, thành ra dầu lường được hậu quả, hắn vẫn ngoan ngoãn nhận chỉ hộ giá không chút do dự.