Chinh Nhân Oán Ca Chương 2

Chương 2
Năm Năm Bày Kế - Lòng Còn Âu Lo

Bấy giờ đang là năm Thái Bình thứ ba, tức Đinh triều năm thứ năm, Đinh Tiên Hoàng Đế dùng Hoa Lư định đô. Đinh Đế phong cho thái tử Đinh Liễn làm Nam Việt Vương coi quản đất Ái Châu, không ngừng rèn luyện binh mã tích trữ lương thực, xem như là Nam Đô để tiện bề coi quản phòng biến loạn về sau. Đinh Liễn dùng huyện An Lạc làm thủ phủ, lập nên Nam Việt Nhị Cung ngoài mặt dùng làm chốn nghỉ ngơi nhưng bên trong lại là nơi nghị chính bí mật. Đinh Tiên Hoàng Đế mỗi lần vi hành đều ghé vào đây luận sự. Đinh Liễn còn lập ra tám mươi trạm cưỡi ngựa truyền tin nối dài đến Hoa Lư để nhất cử nhất động của hai nơi đều có thể nắm được.

Tin thành Định Biên bị vây khốn lọt về An Lạc từ lâu. Hai ngày qua, Cung Thanh Viễn của Nam Việt Nhị Cung đã có hơn mười viên tướng giáp trụ chỉnh tề đăm chiêu ngồi ngóng đợi. Người nào cũng chăm chăm nhìn lên đại trướng. Nhưng Nam Việt Vương lại chỉ để hai gián quan đứng trông coi mà không ra nghị chính khiến võ quan ai ai cũng như ngồi trên lửa. Một gián quan tên Đinh Hiến lặng lẻ rút đi theo cửa bên rồi vội vàng hướng sang Cung Ninh Tịnh. Nam Việt Vương đương ngồi ung dung bên một hồ lớn câu cá. Ông ta nghe tiếng bước chân không thèm quay lại nhìn, hỏi:

- Chư tướng chắc như đang ngồi trên lửa?

Đinh Hiến đến cạnh Nam Việt Vương cung kính thi lễ đáp:

- Thái tử định việc như thần! Các tướng hai ngày nay cứ tụ hợp ở cung Thanh Viễn mà đòi gặp ngài. Theo hạ quan, Thái Tử nên ra chỉ dụ cho họ! Bắt chư tướng đợi e có kẻ biết lại dị nghị ngài chểnh mảng việc quân! Đồn về thượng kinh thành ra điềm không tốt!

Nam Việt Vương cười nhạt:

- Ba ngày trước, thám mã báo tin có mấy vạn quân đã đi ngang qua ngõ Thúc Độ, nếu không nhờ bất chợt có trận mưa lớn thì bọn quân thám thính cũng không thể hay! Ta đã sai hơn trăm tên lính ra đếm đúng ba vạn dấu chân ngựa nhưng trong vòng năm chục dặm đều không thấy tăm hơi gì. Ngươi nói xem là binh mã của kẻ nào?

Đinh Hiến trầm ngâm rồi đáp:

- Bẩm, ngoài Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn thì thái tử ngài chính là người thứ hai có thể đồng thời huy động được chừng đấy thiết kỵ. Tuy nhiên, để chỉ huy ba vạn thiết kỵ âm thầm đi qua ngõ Thúc Độ mà không ai hay thì hạ quan nhất thời không thể nghĩ ra!

Nam Việt Vương hỏi tiếp:

- Ngươi thật không nghĩ ra?

Đinh Hiến nhíu mày cẩn trọng đáp:

- Bẩm, hạ quan nghĩ ra một người nhưng nhất định người này không thể liều lĩnh điều quân về nam nên mới nói là nghĩ không ra!

Nam Việt Vương nhấp một ngụm trà, hỏi:

- Ý ông có phải là An Định Hầu?

Đinh Hiến đáp:

- Hạ quan chính là đang nghĩ đến ngài ấy! Nhưng phía Bắc có tin triều Tống đang tập hợp hơn năm vạn binh nhòm ngó Ứng Kê! Nên lúc này An Định Hầu vì cứu Định Biên mà đem quân nam hạ khác gì mở cửa cho địch tràn vào? Với cơ trí của An Định Hầu, ông ấy không bao giờ liều lĩnh như vậy!

Nam Việt Vương buông cần câu đứng lên nhìn Đinh Hiến mà nói:

- Ta cho ngươi biết, vốn thành Định Biên dầu có bị thiên binh vạn mã công phá được thì cũng sẽ tự động hai tay dâng lại cho Đại Cồ Việt! Thành Định Biên chắc chắn không bao giờ mất! Ngươi đã hiểu chưa?

Đinh Hiến nghĩ ngợi một lúc liền lên tiếng, hỏi:

- Hạ quan ngu dốt không biết ý thái tử muốn chỉ Trần Thành giỏi lo hậu sự hay còn ý gì khác?

Nam Việt Vương cười vang vỗ nhẹ vai Đinh Hiến mà đáp:

- Ta thích ông nhất ở điểm này! Chuyện gì không biết ông không bao giờ đoán bừa! Chuyện gì ông biết nhưng không thể nói ông liền làm như không biết! Đinh Hiến ơi là Đinh Hiến, ta mấy lần tiến cử ông cho phụ hoàng nhưng ngài lại do dự không dùng thật uổng cho cái tài của ông!

Đinh Hiến liền cúi người sát đất, nói:

- Thái tử quá đề cao hạ quan! Hạ quan dốt nát không thấu hư thực bên trong! Xin thái tử khai mở!

Nam Việt Vương cười xòa nâng Đinh Hiến đứng lên rồi thong thả nói:

- Thành Định Biên năm xưa do ta đánh bại Chiêm Vương mà cắt được đất ấy. Ta ban đầu không muốn dựng thành. Chiêm chúa thất trận ôm hận chết. Con cháu sau này của ông ta nhất định sẽ xua quân báo thù. Nếu có dựng thành thì ta kiến nghị nên dựng bên đây dòng Lam Thủy công thủ đều thuận tiện. Cả triều ai ai cũng tán đồng. Chỉ có An Định Hầu là đề xuất dựng thành ở Định Biên. Ngươi nói xem là vì sao?

Đinh Hiến đáp:

- Theo hạ quan, An Định Hầu muốn dựa vào địa thế hung hiểm của thành Định Biên để tiện bề phòng thủ lại còn có thể bảo vệ vùng châu thổ rộng lớn mặt phía nam dòng Lam Thủy. Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần như vậy thì tiện lợi nhất vẫn là dựa vào dòng Lam Thủy mà xây thành. Không cần phải đến gần ải Phiên Môn giáp đất Chiêm mà dựng. Khác gì chọc giận người Chiêm? An Định Hầu vẫn cương quyết muốn dựng thành lẻ nào định gây hấn?

Nam Việt Vương gật đầu tán đồng:

- Ta ban đầu cũng không nghĩ ra điều này. Nhưng khi ông ta nhất định tiến cử Trần Thành với phụ hoàng ta liền hiểu ra. An Định Hầu bề ngoài thô lỗ nhưng tâm cơ như cái tên Quan Viễn, nhìn rất xa!

Đinh Hiến liền vỗ tay một cái nói:

- Hạ quan đã hiểu! Ông ấy muốn mở rộng cương thổ! Phía tây giáp Ai Lao tuy không mạnh nhưng lại bị dãy Trường Sơn ngăn cản nhất định hao binh tổn tướng! Nếu có chiếm được cũng không thể giữ được. Chỉ có phía nam là thuận tiện! Tiến có thể đánh đến tận Quan, Ô, Lý, thoái có thể thủ cửa Phiên Môn. An Định Hầu tính kế này thật sự nhìn rất xa!

Nam Việt Vương thở dài:

- Phụ hoàng cùng ta mất bao công sức mới dẹp yên nội loạn! Nhưng Đại Cồ Việt ta đất hẹp dân ít, không thể chống đỡ được ngoại bang hùng mạnh đất đai phì nhiêu! Vét cạn hết tráng đinh thì bất quá chỉ bốn năm chục vạn là quá nhiều! Nếu có thể mở rộng đất đai thêm vài ngàn dặm cho dân an gia lạc nghiệp thì chỉ cần mươi năm, Đại Cồ Việt ta binh mã sẽ hùng mạnh gấp mấy lần. Đừng nói Chiêm thành, Ai Lao, đến triều Tống phương bắc cũng sẽ e dè. Nam tiến thật sự là chuyện trước sau cũng phải làm! Phụ hoàng đã nghĩ đến nhưng nước mới dựng không thể phân tâm quá nhiều!

Đinh Hiến liền hỏi:

- Phải chăng ý chúa thượng chính là lo không thể quang minh chính đại chiếm đất Chiêm?

Nam Việt Vương đáp:

- Chính là điểm này! Trong ba nước Ai Lao, Chiêm Thành, Chân Lạp thì Chiêm Thành là mối lo lớn nhất. Đại Cồ Việt không diệt Chiêm Thành tất sẽ bị Chiêm Thành diệt bỏ. Chúng ta ở cái thế dầu muốn hay không cũng buộc phải trừ bỏ cái họa này thì phương nam mới tạm yên ổn. Ba châu Ô, Lý, Quan của Chiêm Vương chỉ cần bảy tám vạn quân của ta không quá một tháng nhất định chiếm được!

Quân Chiêm Thành vốn tinh nhuệ, chính Nam Việt Vương đã có phen bị quân Chiêm vây khốn đến ngưỡng thập tử nhất sinh. Giờ đây, Nam Việt Vương nói dễ dàng chiếm ba châu của họ khiến Đinh Hiến không khỏi cho rằng ông ta đã khinh địch. Đinh Hiến vội lên tiếng can ngăn theo đúng chức vụ gián quan:

- Hạ quan e xua quân chiếm ba châu Ô, Quan, Lý sẽ khó khăn vô kể!

Nam Việt Vương liền cười hà hà:

- Không khó! Không khó! Ông có tin rằng ta xuất quân tiến đánh, Chiêm vương chẳng những không kháng cự còn cho rút quân nhường đất?

Đinh Hiến nghe vậy đoán thầm có ẩn khúc bên trong. Tuy nhiên, trí tuệ Đinh Hiến hạn hẹp dẫu mơ hồ đồn đoán nhưng không lần ra được đầu mối đành im lặng lắng nghe. Nam Việt Vương nói tiếp:

- Chiêm vương nhiều năm qua không ngừng xua quân đánh Đại Cồ Việt, nhiều thì năm vạn, ít thì một hai vạn quân có cả đường thủy lẫn đường bộ. Nước Chiêm hùng binh tầm bốn chục vạn, cớ gì lại chỉ đưa phần binh sĩ nhỏ nhoi ấy tiến công?

Đinh Hiến liền đáp:

- Bẩm, không diệt được hổ tất nhiên không nên tận sức! Dùng thuật quấy rối là thuận tiện nhất!

Nam Việt Vương gật đầu:

- Nói đúng lắm! Bản thân Chiêm vương thừa biết có dốc toàn lực chưa chắc đã thắng được Đại Cồ Việt thành ra hàng năm chỉ đem quân lính quấy phá theo kiểu được tấc đất nào hay tấc đất ấy. Nước Chiêm muốn chắc thắng thì phải kéo cả Ai Lao, Chân Lạp và Đại Tống vào cuộc. Nhưng vô phương vô cớ thì các nước trên không thể đồng loạt đánh Đại Cồ Việt được. Thành ra, ta một khi dại dột dẫn quân đánh chiếm ba châu Ô, Quan, Lý, Chiêm vương nhất định ngoan ngoãn dâng hai tay ba châu quận kia cho ta để có cớ hô hoán. Ta thành ra công khai chiếm đất Chiêm, ba nước Ai Lao, Chân Lạp cùng Đại Tống sẽ hợp với Chiêm Thành công kích Đại Cồ Việt. Binh mã của bốn nước ấy phải trên trăm vạn, Đại Cồ Việt nhất định không địch lại. Ông nói xem, tham ngàn dặm đất khiến nước mất nhà tan có đáng không?

Đinh Hiến đáp:

- Rõ ràng không đáng! Thái Tử thật sáng suốt, tương lai nhất định là đấng minh quân!

Nam Việt Vương lại nói tiếp:

- Nhưng An Định Hầu lại tính ra một kế vẹn toàn. Họa thì phải trừ, không trừ được một lần thì mỗi năm tiêu trừ một ít. Ta đã được cùng phụ hoàng và An Định Hầu mật đàm. Ông ta tính chỉ cần năm năm sẽ vững chắc được Định Biên. Khi đó người Chiêm vì thù cũ nhất định tiến quân quấy nhiễu. Ta sẽ danh chánh ngôn thuận mà phản kháng. Người Chiêm tiến công giỏi nhưng phòng thủ lại rất yếu kém, ngoài thủy quân thì không có gì đáng ngại. Nhất định Đại Cồ Việt ta càng đáng càng thắng lợi. Cứ mỗi lần thắng trận người Chiêm theo lệ cũ mà ký hòa ước cắt đất. Họ càng bị mất đất lại càng hăng tiến đánh. Mười năm sau thuận theo thế đó, hai châu Quan Ô sẽ thuộc về Đại Cồ Việt hợp tình hợp lẽ. Các nước khác không có lý gì mà bắt bẻ! Kế sách mười lăm năm này quả thật tính không thiếu bước nào. Dựng thành, tích lương, dưỡng quân rồi chờ cơ hội! Ta nghe An Định Hầu nói xong tâm thần cũng tự nhiên sợ hãi. Thảo nào ông ta trấn thủ Ứng Kê chỉ năm vạn quân mà bao năm qua triều Tống đánh lớn thua lớn đánh nhỏ thua nhỏ!

Đinh Hiến nghe xong cũng tấm tắc khen nhưng lại nói:

- An Định Hầu quả nhiên tâm tư hơn người, nhưng đã có điều không thỏa!

Nam Viện Vương quay lại hỏi:

- Không thỏa điểm nào?

Đinh Hiến đáp:

- Theo kế sách của An Định Hầu thì việc cần nhất là giữ được Định Biên. Định Biên yên ổn mới có thể tính được các bước tiếp theo. Nhưng Trần Thành dầu giỏi thủ thế nào cũng chỉ có một vạn quân không tinh nhuệ. Người Chiêm dùng thuật biển người tất Định Biên sẽ mất. Như vậy bao nhiêu tính toán cũng đổ sông đổ bể. Thái tử lúc đầu có nói Định Biên sẽ không bao giờ mất, hạ quan không hiểu được ý của ngài!

Nam Việt Vương cười lớn đáp:

- Không bao giờ mất không phải do ta nói. Do chính miệng An Định Hầu nói đó! Ông ta chắc rằng chỉ cần năm năm Định Biên sẽ vững như bàn thạch. Đến giờ cũng vừa y cái hẹn năm năm!

Đinh Hiến hiểu ra được mọi nguồn cơn liền kêu lên thành tiếng:

- Thảo nào! An Định Hầu nếu đã biết Định Biên sẽ không mất nhưng vẫn mạo hiểm dấn quân nam hạ. Cái chính không phải là cứu viện thành trì, ông ta muốn kiểm chứng?

Nam Việt Vương cười mỉm:

- Ngươi đã hiểu ra rồi! Ta thật tâm cũng muốn biết ông ấy dựa vào cái gì lại có thể chắc chắn như vậy. Tiếc rằng ngoài phụ hoàng, không còn ai biết An Định Hầu dùng cách nào để đảm bảo Định Biên sẽ vững vàng!

Đinh Hiến cười mỉm mà nói:

- Còn một người nữa nhất định biết!

Nam Việt Vương lắc đầu đáp:

- Có phải ngươi muốn nói đến Trần Thành?

Đinh Hiến đáp:

- Không sai, Trần Thành ít ra cũng biết được vài ba phần bên trong, chỉ cần chúng ta đem trọng ân hậu đãi người này sợ gì không nắm được!

Nam Việt Vương lại thong thả ngồi xuống tiếp tục câu cá, nói:

- Người này lúc mới đến đã cùng dân chúng đội gió đội mưa khai khẩn, ăn thì không ăn ngon hơn binh tốt, mặc cũng không mặc ấm hơn binh tốt. Lâm trận lúc nào cũng tiên phong liều chết. Ngươi nói xem bao nhiêu trọng lễ mới mua được lòng người này? Hơn nửa năm nay, ta lấy đủ cớ để tặng lễ, Trần Thành vẫn nhận nhưng quy hết vào kho thành Định Biên chớ hề rút rỉa một tấc riêng nào. Trần Thành thật sự là lão tướng quân anh hùng của Đinh triều ta! Ta sau này lên ngôi cao, nhất định trọng đãi ông ta thật hậu!

Nam Việt Vương nói vậy, đã có ý khiển trách Đinh Hiến. Đinh Hiến toan mở miệng nhưng tự nghĩ càng nói càng sai, lại khiến Nam Việt Vương thêm giận thì khó bề gánh nổi tội. Ông ta bèn trầm ngâm một hồi nghĩ ra câu tán thưởng:

- Thảo nào Định Biên có chuyện, Thái Tử vẫn điềm nhiên không lo lắng. Thì ra ngài đã biết trước An Định Hầu sẽ nam hạ! Trí tuệ của ngài khiến hạ quan bái phục vô cùng!

Nam Việt Vương không để lọt tai lời xu nịnh trên, chỉ đáp:

- Ngươi thay ta đến cung Thanh Viễn truyền chỉ dụ cho chư tướng quay về tập hợp sĩ tốt đợi mệnh. Không có lệnh của ta không được tự tiện hành động. Ngươi hãy thay ta tăng cường thám mã ở Định Biên, ta muốn biết nhất cử nhất động của An Định Hầu!

Đinh Hiến cúi người nhận khẩu dụ rồi vội vàng quay đi ra cửa chính. Đợi Đinh Hiến đi khuất, một tên quân thám thính y phục dính đầy bụi đất mới chạy vào dập đầu:

- Tham kiến Nam Việt Vương, thuộc hạ có được tin tức từ ải Ứng Kê!

Nam Việt Vương liền đứng phắt dậy:

- Có phải triều Tống đã tiến quân?

Tên thám mã đáp:

- Dạ bẩm, quân Tống vừa đến tập hợp ở Ô Phì cách Ứng Kê hai mươi dặm thì trung tướng giữ ải là Trần Biền đã bất ngờ nửa đêm đem một vạn quân dùng hỏa công tập kích. Kết cuộc thiêu rụi gần hết quân lương cùng một vạn quân Tống. Quân Tống đã vội vàng rút quân đi khỏi Ô Phì. Kẻ nào cũng hoảng sợ tột độ!

Nam Việt Vương cười mỉm:

- Thì ra An Định Hầu đã tính trước! Nên ông ta có thể an nhàn nam hạ!

Tên quân do thám tấu tiếp:

- Còn xảy thêm một chuyện kỳ lạ!

Hắn nói xong liền lấy trong ngực ra gói vải bốc mùi tanh tưởi dâng lên. Nam Việt Vương cau mày hỏi:

- Đây là cái gì?

Tên quân do thám đáp:

- Bẩm, là cái lưỡi của trung tướng trấn quan Trần Biền!

Nam Việt Vương kinh ngạc trợn mắt:

- Cái lưỡi của Trần Biền sao lại nằm trong tay ngươi?

Tên quân do thám liền ghé sát Nam Việt Vương mà nói:

- Phó tướng Dương Văn Báo không may tham gia phục kích quân Tống ở Ô Phì đã tử trận. Trần Biền trong khi kiểm xác lục được một phong thư. Ông ta mở ra xem xong liền hoảng sợ rút dao tự cắt lưỡi mình xuống. Chính thuộc hạ đã tận mắt thấy! Còn phong thư đấy viết gì, thuộc hạ không cách nào biết được!

Nam Việt Vương liền cho tên thám mã lui xuống không quên dặn qua phòng thu ngân nhận tiền thưởng. Ông ta đứng thất thần miệng lại lẩm bẩm liên hồi:

- Dương Văn Báo chẳng phải là nghĩa đệ của Dương phi đó sao? Tại sao tên trung tướng Trần Biền đọc xong phong thư lại hoảng sợ cắt lưỡi mình xuống? Nhất định trong phong thư đó có bí mật gì mà tên Trần Biền kia không gánh nổi mới làm vậy! Liên quan đến bè cánh hậu cung của phụ hoàng chăng?

Nam Việt Vương vội vã gọi lớn. Một viên cận vệ bước vào hành lễ:

- Thuộc hạ đang đợi lệnh!

Nam Việt Vương nói:

- Ngươi mau cưỡi ngựa truyền tin đến thượng kinh báo Ứng Kê có biến đề phòng hậu cung. Mau mau chuẩn bị ngựa, ta đến thành Định Biên!

Viên cận vệ cúi người vâng dạ rồi nhanh chóng lui đi. Nam Việt Vương chau mày tự nói:

- An Định Hầu, ta đến xem ông có nước tính nghiêng trời bạt đất gì!

Lúc này tại Thành Định Biên, các tướng soái đều kiểm điểm lại binh mã. Bọn lính giữ thành còn sống sót cứ tưởng sẽ được một trận tiệc tùng linh đình nên khi nghe An Định Hầu truyền dụ chỉnh đốn hàng ngũ đợi lệnh liền chưng hửng. Vài tên tiểu tốt oán hận:

- Không lẻ ngài ấy lại muốn truy đuổi quân địch? Chúng ta liều chết liều sống mới giữ được thành trì sao lại không ban thưởng chút hậu lộc? Ít ra cũng phải được nghỉ ngơi!

Bọn tiểu tốt hùa nhau to nhỏ truyền lời đi trong chốc lát cả thành không ít tiếng vào lời ra rất bất mãn. Một tên tiểu tốt quay sang hỏi viên phó tướng đang tự mình băng bó vết thương trên tay:

- Phan phó tướng, ông xem An Định Hầu hành xử thật lạ kỳ? Sao còn bắt chúng ta chỉnh đốn hàng ngũ? Ngài ấy không thấy chúng ta đã kiệt sức rồi sao?

Mấy tên tiểu tốt khác cũng nhao nhao kiến nghị. Tên phó tướng họ Phan điên tiết rút phắt thanh kiếm đeo bên hông ra. Hắn chém một nhát chẻ đôi cây cột gần đó to hơn một người ôm, quát lớn:

- Bọn nhát gan các ngươi kiến nghị cái gì? Lúc quân Chiêm đánh lấn lên Hoành Sơn, thường dân già trẻ lớn bé hơn năm trăm người tức tốc xung quân để cố thủ đều thành quỷ không đầu dưới chân Hoành thành. Những kẻ đó có ai kiến nghị không? Lúc thái tử Đinh Liễn trúng phục kích bị vây ở sông Lam Thủy, hơn một ngàn thủy quân liều chết để cứu mạng thái tử, bọn chuột nhát gan các ngươi có nghe họ kiến nghị không? Lại nói cách đây mấy năm, hơn mười vạn giặc Tống tràn xuống ải Ứng Kê, lúc đó giữ ải chỉ có năm ngàn quân hổ đầu. Mấy ngàn thường dân ở hai đạo Lâm Tây, Đông Hải tức tốc đầu quân chống giặc. An Định Hầu dùng đá lớn chèn cửa thành cùng vạn quân tử chiến đến không còn quá trăm người. An Định Hầu có than oán tiếng nào không? Mấy vạn tử sĩ có oán thán tiếng nào không?

Phó tướng họ Phan cầm kiếm chĩa vào đám sĩ tốt đang xếp hai hàng ngồi trước mặt thét lớn:

- Phan Liêm ta hận nhất những tên nhát gan! Bọn các ngươi tên nào không đủ dũng khí mau mau bước ra khỏi hàng ngũ mà ở lại giữ thành. Chúng ta chịu nhục trấn thủ hơn hai ngày giờ là lúc đòi lại tráng khí. Các ngươi đừng để tối nay truy sát địch lại bỏ chạy phải làm bẩn gươm của ta!

Mấy tên sĩ tốt thấy Phan Liêm thịnh nộ liền nhìn nhau im thin thít.

Bất chợt một tên lính mang giáp đầu hổ đến bên họ Phan nói:

- An Định Hầu có khẩu dụ truyền Phan phó tướng!

Phan Liêm vội vàng chỉnh đốn giáp phục rồi bước theo.

Trướng đại soái đang đông nghịt quân mặc giáp đầu hổ đóng bốn bên. Tuy đang nghỉ ngơi nhưng hàng ngũ rất chỉnh tề. Tất cả đều im lặng tay lăm lăm khí giới như chờ truyền lệnh. Bên trong trướng, An Định Hầu đang ngồi cùng hàng với Trần Thành, Đinh Thương. Lý Hoan cũng vừa thu quân về. Hắn mặc nguyên áo giáp còn dính đỏ máu tươi bước vào cúi chào An Định Hầu. Lý Hoan cười lớn nói với Trần Thành:

- Bọn chúng như đám dê con lạc đàn. Mạc tướng xua quân chém giết rất dễ dàng. Trần lão anh hùng, ta đếm chừng cũng giết hơn ba ngàn kẻ địch xem như thay ông đòi món nợ sĩ tốt giữ thành chết trận!

An Định Hầu vỗ bàn cái bốp nói:

- Giết hay lắm! Giết hay lắm! nhưng địch quân đang quyết tử tháo chạy ngươi làm cách nào khiến bọn chúng khiếp đảm mà có thể thoải mái chém giết?

Lý Hoan cười đáp:

- Bẩm vương hầu! Nhờ ơn ngài gọi sấm sét dọa nạt bọn chúng vỡ mật trước, mạc tướng nhân trời chậm choạng tối liền cho quân sĩ tên nào cũng lẩm bẩm nói những điều ma quái rồi xua ra chém giết. Bọn địch cứ tưởng ma quỷ hiện hình đuổi theo nên hồn vía nào cầm được binh khí mà chiến đấu. Quân giáp đầu hổ chúng ta kẻ nào cũng giống kẻ nào nên như đạo quân âm binh hiện hồn, đến Chế Tạc Man còn phải vắt chân lên cổ chạy, sĩ tốt sao còn đánh trận được?

An Định Hầu cười lớn luôn miệng khen liên hồi:

- Mấy năm nay ngươi về dũng khí hay cơ trí cũng đã tăng mấy phần. Ta nhất định tấu về thượng kinh để bề trên ban thưởng. Chỉ chờ tin tốt của Lê Mục thì chí ít năm năm tới, Định Biên sẽ có được chút yên bình. Giỏi lắm, ngươi mau quay về chỉnh đốn binh mã đợi lệnh ta!

Lý Hoan liền tuân mệnh lui xuống. Lúc này, An Định Hầu mới nhìn Phan Liêm mà hỏi:

- Ngươi là phó tướng Phan Liêm trấn thủ cổng thành chính phía nam?

Phan Liêm thấy An Định Hầu tuy vẫn đeo mặt nạ ngạ quỷ che nửa khuôn mặt nhưng đôi mắt sáng rực chiếu thẳng, bất giác rung động mà đáp:

- Chính là mạc tướng!

An Định Hầu bước tới gần Phan Liêm, khen:

- Ta nghe Trần Thành nói lúc cổng thành bị phá một mảng lớn, ngươi đã một mình nhảy ra cùng ông ấy liều mạng chém giết chặn địch. Ta không tin lắm nhưng lúc ngươi chỉ huy quân lính mở thành ra hợp công với ta thì rõ ràng một hổ tướng. Trên đường đến đây ta đã gặp em ngươi là Phan Kế. Các ngươi khá lắm! Khá lắm!

Phan Liêm liền đáp:

- Mạc tướng chỉ tận sức không dám kể công với ngài!

An Định Hầu nhìn Phan Liêm lại hỏi:

- Đám sĩ tốt chắc đang oán hận ta lắm?

Phan Liêm thản nhiên:

- Ngài chỉ muốn thử lòng binh lính nên tự khắc biết trước được! Đâu cần phải hỏi mạc tướng!

Trần Thành, Đinh Thương nghe vậy tự nhiên đồng loạt ngước nhìn Phan Liêm. An Định Hầu cười thích chí hỏi:

- Ngươi nói xem ta thử lòng người thế nào?

Phan Liêm đáp:

- Thành Định Biên là nơi trọng yếu phía nam, nếu để đám sĩ tốt nhục chí trấn giữ dù Trần đại soái có kiêu dũng thế nào thì thành mất cũng chỉ là chuyện sớm muộn. Chi bằng cứ nhân dịp mà loại ra những tên không ra gì để chỉnh đốn hàng ngũ!

An Định Hầu quay sang Trần thành cười ha hả:

- Ta xem một thành nho nhỏ của ông lại dưỡng ra phó tướng như Phan Kế, Phan Liêm đúng là phúc phần cho bề trên!

An Định Hầu thường ngày kiệm lời nhưng lúc khen thưởng những kẻ dưới đều chẳng tiếc tung hô. Duy phòng chuyện kiêu binh, An Định Hầu vẫn là khen đúng người đúng chuyện. Ông ta nói thêm vài câu khích lệ, lại nghiêm giọng:

- Trần Thành nghe khẩu dụ của Đinh Tiên Hoàng Đế!

Trần Thành vội vàng đến trước mặt An Định Hầu quỳ xuống. An Định Hầu nói lớn:

- Đinh Tiên Hoàng Đế có chỉ dụ, lão tướng Trần Thành nhiều năm trấn thủ thành Định Biên, công lao giữ gìn bờ cõi vỗ an trăm họ không sao đếm xiết, nay phong làm Định Nam Đại Tướng Quân, giữ ấn thống soái, coi quản toàn đạo Hoan Châu!

Trần Thành cúi đầu khấu tạ thiên ân. An Định Hầu dìu họ Trần đứng dậy, nói thêm:

- Hai ngày nữa thánh chỉ sẽ đến, bề trên mong Trần lão tướng quân sẽ ra sức giúp Đại Cồ Việt giữ vững hậu cứ phương nam này!

An Định Hầu quay sang Phan Liêm lại nói:

- Phan Liêm nghe khẩu dụ!

Phan Liêm vội vã quỳ xuống. An Định Hầu trầm giọng:

- Ta, An Định Hầu Đinh Quan Viễn thừa hoàng ân của Đinh Tiên Hoàng Đế ra chỉ dụ, Phan Kế kiêu dũng thiện chiến, Phan Liêm kiên cường giữ thành lại có công giết địch nay thăng hai anh em họ Phan lên hai cấp làm phó thống soái cho Trần Đại Tướng Quân để hợp sức trấn thủ phương nam! Ngươi mau mau chỉnh đốn binh mã. Ta sẽ xung thêm năm ngàn quân cho ngươi tùy nghi điều động!

Đinh Thương ngồi bên nghe An Định Hầu đọc khẩu dụ, không khỏi ngạc nhiên. Hắn theo An Định Hầu từ Quỷ Môn Quan hướng thẳng về thành Định Biên, ngang Hoa Lư chỉ dùng đường tắt chớ hề ghé vào kinh thành nửa bước, chẳng hiểu ông ta được hoàng đế truyền chỉ dụ lúc nào. Tuy nhiên, Đinh Thương theo An Định Hầu lâu năm, thường hiểu chủ tướng cùng hoàng đế hay mật nghị qua lại nên có thắc mắc cũng giữ trong bụng chớ hề để lộ ra ngoài nét mặt.

Phan Liêm được phong tước mừng rỡ dập đầu khấu tạ:

- Mạc tướng đội ơn An Định Hầu. Mạc tướng không mong chức tước trọng hậu chỉ mong được dịp quyết chiến sa trường đáp đền chúa thượng!

An Định Hầu cười hà hà dìu Phan Liêm đứng dậy:

- Ngươi là dũng tướng lại trẻ tuổi, nhất định không thiếu đất dụng võ. Ta cùng Trần Thành đã già, biên ải Đại Cồ Việt sau này phải trông cậy vào lớp tướng trẻ các ngươi đây!

Phan Liêm nghe lời nói ấm áp như thân thuộc tự nhiên rớt nước mắt:

- Xin chúa thượng cùng An Định Hầu an tâm! Mạc tướng sẽ không phụ hoàng ân!

An Định Hầu lại nói:

- Còn một việc nữa, ngươi mau mau đi xuống mật lệnh các phó tướng khác ghi chép lại những tên tiểu tốt vừa rồi oán thán, tập hợp bọn chúng thành một đội. Ta sẽ dùng bọn chúng vào việc khác. Những chốt nào hao hụt nhân mã hãy báo lên ta sẽ bổ sung. Thành này nằm trước mũi quân địch nên kẻ nào nhụt chí rất dễ bị lay động, là cái họa tiềm tàng nội loạn bên trong. Đại Cồ Việt ta bốn bề đều đang đối địch không thể dung nạp những tên sợ chết! Ngươi có hiểu ý ta không?

Phan Liêm đanh mặt đáp:

- Tâm tư của ngài mạc tướng rất rõ, chỉ không biết tập hợp bọn nhát gan vào một chỗ, mạc tướng e..

An Định Hầu cười xòa:

- Ngươi chớ lo. Bọn tiểu tốt này chỉ tham cầu được an thân để sống. Chúng sợ chết thì ta cho chúng làm quân công tu bổ hậu cứ. Con đường cái quan nối từ Ái Châu đến Định Biên đã hư hỏng nhiều cũng cần phải tu bổ để thuận tiện cho việc sau này. Ngươi với các phó tướng an bày xong xuôi thì hãy truyền khẩu dụ của ta cho ba quân nghỉ ngơi!

Phan Liêm vâng mệnh rồi thối lui ra ngoài.

An Định Hầu quay lại nhìn Đinh Thương, lệnh:

- Ngươi mau ra ngoài canh gác cho ta. Chu vi tám trăm thước quanh trướng đại soái không cho bất kỳ kẻ nào lai vãng. Nếu cần cứ giết không đợi lệnh ta!

Đinh Thương đứng dậy y lệnh điều động hơn hai ngàn quân hổ giáp chia làm tám hướng vây quanh bên ngoài còn y thì đích thân tuần tiểu liên tục.

Nguồn: truyen8.mobi/t95970-chinh-nhan-oan-ca-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận