Chương 20 Ép Trâu Kéo Cày Dò Ý Đinh Phúc Mật Tấu Chuyện Gì Đinh Phúc tự nghĩ bên cạnh An Định Hầu còn có thêm vị An Định Hầu phu nhân là Thác Hoa, hai trí tuệ siêu việt ấy sẽ dễ dàng giải được cái thế do Đinh Tiên Hoàng Đế áp đặt. Cho nên nhận chỉ dụ, thu xếp binh mã lên đường, Đinh Phúc cứ nhởn nhơ không chút lo lắng, chuyên tâm hộ tống hoàng tử Đinh Hạng Lang đến Quỷ Môn Quan thăm viếng An Định Hầu.
Đoàn người ngựa đi thêm chừng ba dặm cách thành Đại La tự nhiên bên đường có tiếng trâu ọ liên hồi. Hoàng tử Đinh Hạng Lang tò mò liền ra hiệu dừng lại. Đinh Phúc vội vàng cưỡi ngựa đứng che chắn phía trước lộng trướng, vừa để bảo vệ hoàng tử vừa dễ dàng quan sát tình hình. Hóa ra dưới khoảng ruộng nhỏ bên đường, một lão nông đang ra sức ép trâu con vào chổ đặt lưỡi cày. Con trâu mẹ thấy vậy đứng trên bờ kêu lên liên tục. Lưỡi cày vừa to vừa nặng. Lão nông đặt lên lưng trâu con khiến nó không chịu nổi phải khụy xuống. Đinh Phúc thấy lão nông làm chuyện quái lạ bèn nói:
- Ông lão, cày thì to, trâu con lại nhỏ, làm sao có thể cho nó vác được!
Lão nông không thèm đáp, tiếp tục tìm cách đặt lưỡi cày lên lưng con trâu. Bốn năm lần như vậy đều thất bại, tuy nhiên, ông lão vẫn kiên trì làm. Đinh Phúc phải kêu lớn, lão nông mới giật mình quay lại.
Lão nông nhìn thấy đoàn người ngựa đông đúc vẫn thản nhiên như không. Lão hướng về phía hoàng tử Đinh Hạng Lang vái một cái lấy lệ. Mấy tên lính theo hầu toan quát nạt, Đinh Hạng Lang liền xua tay ngăn cản. Nó ngồi trong trướng vái lại ông lão mà hỏi:
- Vì sao lão bá đã biết chuyện không thể mà vẫn làm?
Lão nông đáp:
- Con trâu mẹ ngày càng già yếu! Lão không thể cứ bắt nó mãi cày bừa! Trâu con tuy nhỏ nhưng phải chịu gánh vác thay! Trước sau gì cũng đến lượt nó, cho nên lão đành tập cho nó quen chuyện cày bừa!
Lão nông đã hơn năm mươi nhưng tóc chỉ lâm râm điểm bạc. Đinh Phúc thấy thân thể lão cường tráng không khỏi chột dạ. Hắn chăm chú nhìn lão nông một lúc liền giật nảy người:
- Không phải là Ngoại Giáp Công Đinh Điền đây sao? Ngoại Giáp Công giả lão nông để làm gì?
Đinh Phúc là tổng quản thái giám điện Vĩnh Tường. Đây lại là nơi hay bày yến tiệc trọng đãi quần thần. Vì vậy quan lại trong triều hay tướng lãnh các châu huyện ngoại vi đều thường ghé qua tham dự. Đinh Phúc có trí nhớ rất tốt. Chỉ cần để hắn gặp mặt một lần thì hai ba mươi năm sau vẫn nhớ rõ mồn một. Ngoại Giáp Công Đinh Điền thường ngày bận bịu chính trị, hiếm khi ghé cung Vĩnh Tường dự tiệc, thậm chí đến các quan lại đồng liêu muốn diện kiến cũng khó. Tuy nhiên cách đây năm năm, Đinh Tiên Hoàng Đế đã bày tiệc thưởng cho An Định Hầu ở điện Vĩnh Tường, đúng dịp Ngoại Giáp Công Đinh Điền vừa tuần du một chuyến về triều cũng đã cùng tham dự. Đinh Phúc đã tự tay châm rượu cho ông ta nên không sao quên được.
Riêng Đinh Hạng Lang từ bé đến giờ ít khi tiếp xúc với các đại thần. Thành thử, hoàng tử không sao biết mặt Ngoại Giáp Công tròn méo thế nào. Nó thấy lão nông nói có hàm ý sâu xa, bèn đáp:
- Nếu việc trước sau cũng phải làm thì thà làm từ bây giờ! Ta thấy trâu mẹ to lớn nhất định có sức mạnh! Trâu con tất cũng mang thần khí vượt trội!
Lão nông cười đáp:
- Lão chỉ sợ cố quá sẽ làm trâu con đuối sức mà chết! Nhất thời không thể khiêng được đá lớn, không thể đốn được cây to! Chỉ sợ trâu con nhút nhát không cày nổi một đường cày!
Đinh Hạng Lang lúc này đã hiểu ra thâm ý của lão nông. Miếng ruộng lão nông muốn cày khác gì là Đại Cồ Việt. Cái cày lớn nọ chính là triều chính nhà Đinh. Hiển nhiên, con trâu non kia ám chỉ thái tử tuổi nhỏ không gánh vác nổi. Tuy Đinh Hạng Lang mới năm tuổi nhưng trí tuệ tinh nhạy vô cùng. Nó đoán thầm nếu lão nông không phải là bậc đại thần thì cũng là hạng cư sĩ trí tuệ uyên bác. Nó liền đáp:
- Trâu non dầu có thần khí nhưng không thể lập tức cày bừa giỏi được! Ví như ông lão nâng phụ một tay, dần dà trâu non sẽ kéo được cày! Bằng không, mỗi ngày ông lão cho trâu non tập từng bước một, nhanh thì ba ngày, lâu thì bảy ngày, tự thân nó cũng cày được một đường ngay thẳng!
Đinh Hạng Lang nói lời này hàm ý muốn nhờ lão nông giúp một tay, đồng thời cũng bày tỏ chính kiến bản thân không hề e sợ. Lão nông liền cười mỉm:
- Lời nói phải lắm!
Lão tức thì quay lại nâng lưỡi cày lên cho con trâu non đứng vững. Lão một tay vịn lưỡi cày, một tay vỗ nhẹ cho trâu non bước đi. Quả nhiên, con trâu non kéo được đoạn đường cày hơn ba bốn chục bước chân. Đất ruộng ở đây vừa khô vừa nhiều đá sỏi. Lão nông tay nâng lưỡi cày vừa lớn vừa nặng lại có thể kéo đi một khoảng dài. Bọn lính theo hầu hoàng tử Đinh Hạng Lang không khỏi kính nể về sức mạnh cơ bắp của lão. Hoàng tử Đinh Hạng Lang ngồi trong trướng vái lễ rồi ra hiệu tiếp tục hành trình. Đinh Phúc kềm cương chờ xa giá của hoàng tử đi trước một đoạn mới bước xuống vái lão nông:
- Ngoại Giáp Công lâu ngày không gặp vẫn giữ được sức hổ trong người! Hạ quan kính phục! Chúc phúc cho ngài luôn cường thân kiện thể để giữ phúc cho Đại Cồ Việt!
Lão nông sớm đoán Đinh Phúc đã nhận ra từ trước nên gật gù:
- Quả nhiên là lời đồn không sai! Đinh công công chỉ gặp ta một lần mà vẫn nhớ được, trí nhớ thật tốt! Phen này ngài lên Quỷ Môn Quan nhớ chuyển lời thăm hỏi của ta đến An Định Hầu. Ta thật bụng muốn thăm ông ấy nhưng công vụ quá bận rộn đành phải khất lại!
Trong lúc lão nông cùng hoàng tử Đinh Hạng Lang đối đáp, Đinh Phúc đã hiểu được thâm ý chuyện ép trâu thử cày. Hắn tự tính toán tốt nhất cứ giả ngốc đứng ngoài cuộc. Thành ra Ngoại Giáp Công nói xong, Đinh Phúc chỉ chào hỏi đủ lễ rồi lên ngựa chạy đuổi theo đoàn hộ tống hoàng tử, trong bụng thầm nghĩ:
- Ngoại Giáp Công đã lộ mặt để dò xét! Xem chừng các công thần khai quốc đều có ý đỡ đần hoàng tử ngồi ngai thế tử! Hoàng hậu Kiều Quốc hẳn là người vui sướng nhất!
Hoàng tử Đinh Hạng Lang chờ Đinh Phúc cưỡi ngựa theo kịp liền hỏi:
- Lão nông đó là đại thần nào trong triều?
Đinh Phúc không ngờ hoàng tử cũng đã nhận ra chân tướng nên có chút giật mình. Hắn vội đáp:
- Bẩm, là Ngoại Giáp Công Đinh Điền!
Hoàng tử thở dài:
- Ông ta có ý muốn phò tá ta rồi đó!
Đinh Phúc cứ vờ như không hiểu. Hắn chỉ cười hì hì đáp:
- Ngoại Giáp Công quyền cao chức trọng! Ông ta muốn phò tá ngài thì ba vị đại thần khai quốc còn lại cũng sẽ phò tá ngài! Là chuyện đáng mừng!
Đinh Hạng Lang thở dài mấy bận:
- Bọn họ cũng như mẫu hậu, đều vô tình ép ta chết đó thôi!
Đinh Phúc ngạc nhiên, nói:
- Các vị ấy sao lại ép ngài chết?
Đinh Hạng Lang xua tay:
- Đinh công công là người có trí tuệ! Ta cũng không khờ dại gì! Chuyện như vậy, Đinh công công hẳn đã nghĩ ra, còn cố tình giả ngây ngô trước mặt ta làm chi? Khác gì tỏ ý chê khinh ta nhỏ dại!
Lần này Đinh Phúc kinh hãi đến đờ người trên lưng ngựa. Hắn kêu thầm trong bụng:
- Đây…đây là đứa trẻ năm tuổi đó ư?
Vốn Đinh Phúc ở điện Vĩnh Tường dò la được một chuyện hệ trọng. Hắn theo chuyện này suy luận ra âm mưu lớn bên trong. Rốt cuộc, việc tranh ngai thế tử cũng chỉ là phe Nam Việt Vương và phe hoàng hậu Kiều Quốc đấu đá với nhau. Đinh Phúc nghĩ đủ bề đều thấy chỉ có Dương phi thu được nhiều lợi hơn cả. Hắn càng nghĩ càng thông suốt tự nhiên ái ngại cho hoàng tử Đinh Hạng Lang, đến nổi đã hơn một lần tự oán:
- Đổi ngai thế tử khác gì ép Đinh Hạng Lang vào chổ chết!
Tất nhiên hắn giấu kín chuyện này trong lòng. Nào ngờ lại bị hoàng tử nói đúng ngay bụng dạ, hỏi sao Đinh Phúc không kinh sợ cho được. Hắn lại lẩm bẩm thêm:
- Hoàng tử chỉ là đứa trẻ con năm tuổi nhưng trí tuệ đã hiếm có! Là phúc cho triều đình hay là họa cho bản thân hoàng tử đây?
Đoạn đường gần trăm dặm lên Quỷ Môn Quan, Đinh Phúc chỉ suy nghĩ điều này. Hắn chẳng thể nào tự trả lời được bèn lẩm bẩm:
- Chỉ có An Định Hầu mới biết phúc hay họa mà thôi! Ta cứ hỏi ông ấy là xong!
Đinh Phúc đã căn dặn một tên lính hầu phi ngựa chạy trước báo tin. An Định Hầu hay chuyện không khỏi ngơ ngác:
- Hoàng tử Đinh Hạng Lang thăm bệnh ta ư?
Thác Hoa nhìn nét mặt ông ta bần thần, bèn hỏi:
- Ngài bây giờ là trọng tâm cho các phe cánh lôi kéo, chuyện này có gì đâu lạ thường! Hoàng đế cho Đinh Phúc theo hộ tống hoàng tử, rõ ràng có ý gán ghép ngài đã đứng về một phe ủng hộ Đinh Hạng Lang làm thế tử! Ngài lẽ nào không hiểu hay sao?
An Định Hầu xua tay:
- Chuyện này ta tất nhiên là hiểu! Nhưng theo mật báo của Đinh Phúc, hoàng tử tự mình đề xuất với bệ hạ để lên biên ải thăm ta! Nếu là chủ ý của hoàng hậu Kiều Quốc, thì hoặc là bà ta tự thân đi, hoặc là nhờ phò mã Ngô Nhật Khánh, không đời nào bà ta lại để đứa con nhỏ dại của mình phải chịu đường xa khó nhọc!
Đến lượt Thác Hoa ngơ ngác hỏi:
- Đứa con nhỏ dại ư? Hoàng tử Đinh Hạng Lang sao là đứa con nhỏ dại được?
Thác Hoa chỉ biết Nam Việt Vương Đinh Liễn tuổi cũng đã gần bốn mươi. Nàng thầm tính các hoàng tử khác dầu ít dầu nhiều cũng phải trên dưới hai mươi tuổi. Cho nên An Định Hầu nói hoàng tử Đinh Hạng Lang là đứa con nhỏ dại, khiến Thác Hoa không khỏi ngạc nhiên. An Định Hầu biết nàng chưa rành về các hoàng tử nên diễn giải:
- Hoàng tử Đinh Hạng Lang chỉ là đứa bé bốn, năm tuổi! Không phải là đứa con nhỏ dại của hoàng hậu Kiều Quốc thì là gì? Để một đứa bé lên thăm bệnh ta, thật sự là chuyện quái lạ! Ta nghe đồn đãi, hoàng tử tuy tuổi nhỏ nhưng trí tuệ vượt trội! Xem ra hôm nay đã có dịp kiểm chứng!
Lúc này, Lý Phương đến bên ngoài cửa bẩm báo:
- Bẩm An Định Hầu cùng phu nhân, có tin thám báo từ châu Ái!
An Định Hầu đáp:
- Mau đưa vào đây!
Lý Phương dạ lớn rồi quay trở ra ngoài. Sau chuyện ba tướng Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục mưu phản, Lý Phương vô tình trở thành người được tin cậy. Hắn không có tật xấu gì đáng kể, lại gan dạ trung thành, vương hầu cùng Thác Hoa đều ưng ý. Vì vậy, chuyện canh gác bố phòng quanh trướng hầu đều để Lý Phương quản. Lý Phương một bước được cân nhắc lên mấy bậc, trong lòng vô cùng cảm kích. Hắn tự biết sau chuyện ba tướng tạo phản, An Định Hầu cùng phu nhân để bụng phòng ngừa. Vì vậy, bất kể là lời ăn tiếng nói hay cư xử, hắn đều minh bạch rõ ràng để tránh bị ngờ vực. Về điểm này, An Định Hầu cùng Thác Hoa càng thêm quý trọng Lý Phương hơn trước.
Một lúc sau Lý Phương quay lại đã dắt theo một kẻ ăn mặc y phục thường dân dính đầy bụi bẩn. Kẻ này bước vào trong tức thì tự đóng chặt cửa lại. Hắn vái lễ với Thác Hoa xong liền đến sát An Định Hầu mà báo:
- Nam Việt Vương Đinh Liễn đang trên đường đến Quỷ Môn Quan để thăm bệnh ngài!
An Định Hầu cùng Thác Hoa đều sửng sốt nhìn hắn:
- Nam Việt Vương ư?
Hắn gật đầu rồi nói tiếp:
- Cách đây một ngày ở Cung Lạc Hoa xảy ra chuyện lạ!
An Định Hầu liền hỏi:
- Chuyện lạ gì?
Tên thám thính đáp:
- Vào buổi chiều, vào buổi trưa có hai con chim câu bay về cung Lạc Hoa! Một con bay từ hướng bắc! Một con bay từ hướng nam! Nhẩm tính hành trình, con bay từ hướng bắc là sau khi Định Quốc Công cùng Thái Sư về đến Đại La! Con chim bay về từ hướng nam là trước khi Nam Việt Vương lên đường!
An Định Hầu gằn giọng:
- Nam Việt Nhị Cung ở châu Ái của Nam Việt Vương đã có người của Dương phi cài ư?
Tên thám thính đáp:
- Chuyện này thuộc hạ chưa kiểm chứng được! Tuy nhiên trên đường đến đây, ở ngoại vi thành Đại La phát hiện một xác chết! Tên này trong người có mang thẻ quân của Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn, thuộc hạ đoán chừng là thám thính bị phát hiện nên giết đi! Hắn có thể là kẻ đã thả con bồ câu bay về từ hướng bắc!
An Định Hầu hỏi ngay:
- Trên đường về đến Đại La, Định Quốc Công cùng Thái Sư có bàn việc gì hệ trọng hay không?
Tên thám thính đáp:
- Thuộc hạ dò được, cả hai chỉ nói chuyện đổi ngựa!
Hắn liền đem đoạn đối thoại của Định Quốc Công Nguyễn Bặc cùng Thái Sư Lưu Cơ mà thuật lại. Thác Hoa nghe dứt, cười mỉm:
- Thảo nào Nam Việt Vương phải đích thân lên Quỷ Môn Quan để thăm bệnh vương hầu!
An Định Hầu ra hiệu. Tên thám thính vái chào rồi vội vàng đi ra ngoài. Thác Hoa chưa kịp mở miệng bàn việc, Lý Phương đã tức tốc quay trở lại:
- Bẩm An Định Hầu cùng phu nhân! Xa giá của hoàng tử Đinh Hạng Lang đến rồi!
Thác Hoa nhìn vương hầu định hỏi. Ông ta biết ý liền đứng dậy nói:
- Không cần! Chỉ là đứa bé năm tuổi, không nhất thiết phải bày trò trí trá với nó làm gì! Ta cùng nàng mau ra nghênh đón xa giá!
Từ cổng phía nam vào đến trướng An Định Hầu cũng hơn một ngàn bước chân. Lúc đưa An Định Hầu về dưỡng bệnh, Thác Hoa đã cho tôn tạo thành con đường độc lộ duy nhất. Hai bên dựng tường cao bằng gỗ. Hoàng tử Đinh Hạng Lang ngồi trong lộng trướng ngó nhìn quanh cứ gật đầu liên tục. Đinh Phúc định hỏi nhưng nghĩ lại thì im lặng. Khi đoàn người ngựa của hoàng tử đến nơi, đã thấy An Định Hầu, Thác Hoa cùng ba trăm lính đầu hổ đợi sẵn. Mọi người đều đồng thanh hô lớn rồi quỳ xuống vái lễ. Riêng An Định Hầu cùng Thác Hoa chỉ đứng cúi đầu. Hoàng tử Đinh Hạng Lang ra hiệu miễn rồi đường bệ bước xuống khỏi trướng.
An Định Hầu cùng Thác Hoa thấy hoàng tử tuy chỉ là đứa trẻ năm tuổi nhưng trán cao, mắt sáng, vương khí ẩn hiện trên mặt. Cả hai không khỏi khen thầm trong bụng. Đinh Phúc liếc mắt nhìn đầy dè chừng. Vương hầu ngó thấy không khỏi ngạc nhiên. Nhưng ông cũng biết ý nên chau mày ra hiệu. Thác Hoa thấy chủ tớ ngầm truyền tin, bụng bảo dạ:
- Chỉ là đứa trẻ bốn tuổi thì việc gì phải sợ!
Hoàng tử Đinh Hạng Lang bước đến trước mặt An Định Hầu mà hỏi:
- Người này nhất định là vị vương hầu lừng lẫy của Đại Cồ Việt! Ta hôm nay cũng đã có thể gặp được ngài!
An Định Hầu vái lễ:
- Hoàng tử đã quá lời! Ta chỉ là tướng giữ ải làm gì có chiến công nào đáng kể mà lừng lẫy! Các vị đại thần khai quốc như Định Quốc Công, Thái Sư, Ngoại Giáp Công, Nội Giáp Công, Thập Đạo Đại Tướng Quân mới thật là đại danh lừng lẫy, chiến công hiển hách!
Đinh Hạng Lang cười mỉm:
- Không có ngài bán mạng canh chừng họa ngoại xâm ở ải bắc, các đại thần kia có rảnh tay mà cùng phụ hoàng lập chiến công hay không? Các vị công thần dành chiến công hiển hách ngoài sáng. Phần ngài lập nhiều chiến công hiển hách trong bóng tối, đạo Lâm Tây, đạo Đông Hải, đạo Hoan Châu vì đâu bình yên? Châu Vĩnh Lộc, châu Quan Tế, châu Nghệ Xương, châu Thái Bình do đâu thịnh trị? Thành Định Biên ở phía nam trước cách ải Phiên Môn hơn một ngàn dặm đất nay đã vượt quá Phiên Môn năm trăm dặm là do đâu? Rõ ràng không chỉ nhờ phụ hoàng giỏi dùng người! Việc này ta và ngài đều biết rõ, không cần phải bàn thêm!
Đinh Hạng Lang nói luôn một lèo các chiến dịch thảo phạt do An Định Hầu âm thầm ra tay. Nhiều trận, vương hầu dẹp loạn khi nó còn chưa thành hình. An Định Hầu nghĩ thầm trong bụng:
- Lời lẽ này của một đứa bé năm tuổi ư? Thảo nào Đinh Phúc sợ hãi mà dè chừng!
Đinh Hạng Lang quay về hướng Thác Hoa mà nói:
- Bái phục!
Thác Hoa ngơ ngác:
- Không biết ngài bái phục chuyện gì?
Đinh Hạng Lang đáp:
- Đường dẫn đến đây hai bên dựng tường cao phòng ngừa biến loạn! Nhất định trên hai bờ tường đó có giấu cung nỏ! An Định Hầu tính tình thoáng đạt sẽ không tính toán được những điều chi ly đến vậy! Chuyện này chỉ có thể do phu nhân nghĩ ra thôi! Chỉ một đoạn đường chưa tới ngàn bước chân mà tính toán kỹ lưỡng đến vậy, hiển nhiên, mấy ngày vương hầu nằm bệnh, phu nhân còn tính toán chu toàn cho quan ải biết bao! Không khỏi phải kính phục phu nhân!
Thác Hoa tròn mắt chăm chăm nhìn Đinh Hạng Lang. Nàng cùng An Định Hầu đều có chung suy nghĩ:
- Đứa bé này muốn khoe trí tuệ ư? Hay là nó đoán trước được ta đã có lòng xem thường nên mới bộc lộ một chút óc phán đoán?
Thác Hoa nghĩ vậy, bèn cung kính vái lễ:
- Chỉ nhờ được học ở An Định Hầu, không dám nhận lời khen của hoàng tử!
Đinh Hạng Lạng cười mỉm vái lễ lại, đáp:
- Phu nhân không học cái này ở An Định Hầu! Tánh tình vương hầu cương liệt! Nếu là ông ấy, nhất định sẽ không dựng hai bức tường cao và chắc chắn đến vậy! Khi An Định Hầu dùng binh luôn tính nước phản công nên không bao giờ tự chặt chân của mình! Hai bức tường này tuy có thể mai phục quân địch nhưng cũng tự cản bước tiến của binh sĩ khi xung trận! An Định Hầu không đời nào làm như vậy! Đó là vì vương hầu đây đã quen nhiều năm kiêu dũng trên lưng ngựa, cho dù có đối đầu với một trăm quân địch hay mười vạn quân địch đều không đổi sắc mặt! Người kiêu dũng nên bày binh cũng tính thế kiêu dũng, không quen yếm trá nhỏ nhặt!
Lời này dầu nói với Thác Hoa nhưng thật ra là để An Định Hầu nghe thấy. An Định Hầu tâm tư có phần rúng động. Đinh Hạng Lang đánh trúng trọng tâm dùng binh của ông ta như thể đã theo sát bên cạnh rất lâu năm. Hiển nhiên, Đinh Hạng Lang chủ ý vẫn không muốn để An Định Hầu xem thường mình chỉ là đứa trẻ năm tuổi. Đinh Phúc cũng đoán được tâm trạng An Định Hầu lúc này nên khẽ nháy mắt. An Định Hầu liền cười hà hà:
- Hoàng tử đã quá lời! Ta sao có thể nhận nổi được!
Đinh Hạng Lang hướng về An Định Hầu mà xá một cái:
- Ta tạ lỗi với ngài trước, đã đem phiền phức đến cho ngài!
An Định Hầu vờ ngạc nhiên hỏi:
- Hoàng tử đem phiền phức gì đến cho ta?
Đinh Hạng Lang đáp:
- Ngài lòng đã muốn đứng ngoài! Ta lại nhờ Đinh Phúc hộ giá, khác gì để thiên hạ hiểu lầm ngài đang ủng hộ ta! Phải khiến ngài bị thêm nhiều người oán ghét, chưa kể tỵ hiềm ở triều đình! Nhưng ta biết Đinh Phúc cũng nóng lòng gặp ngài nên mới nhờ hắn dẫn đường! Xem như ta gây rắc rối cho ngài, đồng thời cũng giúp cho ngài một việc!
Lần này, An Định Hầu, Đinh Phúc, Thác Hoa đều sửng sốt thần trí, không nói nên được lời nào.
Đinh Hạng Lang ngó màu trời đang chập choạng tối, bèn nói:
- Đường xa mệt nhọc, ta đành phải mượn trướng hầu của ngài mà ngã lưng! Xin vương hầu đừng trách!
An Định Hầu đáp liền:
- Không dám! Chỉ sợ ngài chê biên ải thô sơ mà thôi!
Nói rồi liền lệnh Lý Phương dẫn đường đến phòng chuyên dành cho thượng khách. Đinh Phúc toan bước theo hầu thì Đinh Hạng Lang đã xua tay:
- Ta chỉ là đứa trẻ năm tuổi, đầu cần phải hầu hạ nhiều! Không phiền Đinh công công! Công công không phải có nhiều chuyện muốn nói với vương hầu hay sao?
Cả bọn đều cứng họng không biết phải đối đáp thế nào, chỉ đành vái chào theo Đinh Hạng Lang. Chờ hoàng tử đi khuất, Đinh Phúc vội vàng theo An Định Hầu cùng Thác Hoa vào phòng riêng. Hắn ngó trước ngó sau rồi đóng chặt cửa mới thở phào nhẹ nhỏm:
- Con hồ ly nhỏ đã không có ở đây nữa! Nó đúng là con hồ ly chuyên nhìn thấu tâm cang người khác! Ai dám nói nó chỉ là đứa trẻ con cho được! Thật dễ làm người ta vừa nể vừa sợ!
An Định Hầu trầm ngâm:
- Trong bụng nó nghĩ chúng ta đều xem thường thành ra phải bộc lộ một chút trí tuệ để khiến chúng ta dè chừng! Tuy nhiên, ta vẫn chưa hiểu nguyên do vì sao hoàng hậu Kiều Quốc lại để nó đến thăm ta!
Đinh Phúc đáp:
- Chuyện lên thăm ngài là chủ ý của hoàng tử Đinh Hạng Lang, không phải của hoàng hậu! Trên đường hạ quan đưa hoàng tử đến đây, đã gặp Ngoại Giáp Công Đinh Điền giả làm lão nông mà nhắn nhủ!
Đinh Phúc vội vàng kể lại việc Ngoại Giáp Công Đinh Điền ép trâu non kéo cày. An Định Hầu cùng Thác Hoa nghe xong gật gù hiểu ra:
- Các khai quốc công thần đều ủng hộ Đinh Hạng Lang kế vị thái tử! Hoàng hậu Kiều Quốc nhất định là người vui mừng nhất!
Cả hai đồng lặp lại câu nói chẳng khác gì Đinh Phúc, rõ chủ tớ đều một lòng thông suốt. Đinh Phúc bất ngờ trầm giọng:
- E người vui mừng nhất phải là Dương phi ở cung Lạc Hoa!
Thác Hoa thấy nét mặt của Đinh Phúc nghiêm trọng, không khỏi ngạc nhiên:
- Vì sao Dương phi là người vui mừng nhất! Lẽ ra bà ấy phải sầu lo không dứt mới phải! Đinh Hạng Lang làm thế tử đối với bà ta cùng hoàng tử Đinh Toàn đều không có lợi lộc gì, chưa kể biết đâu còn bị nguy hại đến địa vị!
Đinh Phúc hạ giọng hỏi:
- Không biết người gác ngoài kia có thể tin tưởng được?
An Định Hầu biết ý liền gọi lớn:
- Ai đang đứng gác bên ngoài?
Bên ngoài liền có tiếng đáp trả, là quân giáp đầu hổ của doanh trại phía tây. An Định Hầu nói lớn:
- Các ngươi mau đi giữ chặt hai lối ra vào! Lý Phương về đến bảo hắn tuần tra cẩn thận! Nghiêm cấm kẻ nào đến gần hơn năm trăm bước!
Bên ngoài liền có tiếng dạ lớn, sau đó là tiếng bước chân vội vàng rút đi.
Đinh Phúc yên tâm liền ngồi xuống bên cạnh An Định Hầu cùng Thác Hoa. Hắn vái lễ với Thác Hoa mà hỏi:
- Theo phu nhân, vì sao Dương phi phải là người lo sợ?
Thác Hoa không cần nghĩ ngợi, đáp:
- Nếu bệ hạ phế trưởng lập thứ, đã bỏ Nam Việt Vương thì ngôi thái tử đúng ra phải đến phần của Đinh Toàn! Tuy nhiên, bệ hạ cũng bỏ qua luôn Đinh Toàn mà lập Đinh Hạng Lang! Điều này chứng tỏ lòng thiên ái của bệ hạ! Phần bánh bị giật mất, Dương phi sao có thể làm ngơ cho được!
Đinh Phúc đáp:
- Phu nhân nói phải lắm! Theo lý, Nam Việt Vương lo một, hoàng hậu Kiều Quốc lo mười thì Dương phi phải lo lắng gấp trăm lần! Tuy nhiên, bà ta lại án binh bất động! Trong lúc hoàng hậu Kiều Quốc không ngừng gầy dựng thanh thế, Nam Việt Vương không thôi tìm kiếm sự ủng hộ của các quan văn võ hàm ơn ngày trước, Dương phi vẫn điềm nhiên ngày ngày ngắm hoa ở cung Lạc Hoa, bình chân như vại! Chuyện này có phải là quái lạ hay không?