Chương 21 Chủ Tớ Bày Trò Ngăn Cản An Định Hầu trầm ngâm:
- Lẽ nào bà ấy toan tính chuyện ngư ông đắc lợi?
Đinh Phúc đáp:
- Hạ quan cũng đã nghĩ theo hướng này! Thành ra, hạ quan không tiếc tiền của ra mua chuộc hết thảy những tên thái giám nhỏ chuyên mua bán tin tức! Cuối cùng đã dò la ra một chuyện kinh thiên động địa!
Thác Hoa cùng An Định Hầu đều căng mắt chờ đợi. Đinh Phúc thấy vậy càng không dám rề rà. Hắn xuống giọng:
- Chuyện tranh ngai vị thế tử, tuy có ba phe là hoàng hậu Kiều Quốc cùng phò mã Ngô Nhật Khánh đứng về Đinh Hạng Lang, Dương phi cùng Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn đứng về Đinh Toàn, phe cuối cùng là Nam Việt Vương Đinh Liễn! Trong ba phe phái này, Nam Việt Vương thế mạnh, quân nhiều, địa vị cũng cao hơn cả! Chưa kể còn được rất nhiều tướng lãnh nợ ơn ngấm ngầm giúp đỡ! Phe hoàng hậu Kiều Quốc thì lại có lợi thế là do đích thân bệ hạ chấp thuận việc trao ngôi thế tử cho Đinh Hạng Lang! Một phe được bệ hạ chống lưng, một phe được quần thần ủng hộ! Chỉ có Dương phi là sức cô thế yếu nhất! Tuy được Thập Đạo Quân Lê Hoàn chống đỡ, nhưng tính ra, binh mã của Lê Hoàn đều là của bệ hạ! Một khi bệ hạ đã quyết, mười Lê Hoàn cũng vô phương làm gì được!
Thác Hoa nghe diễn giải đến đây đã hiểu ngay hàm ý trong lời của Đinh Phúc. Nàng ta liền thản thốt:
- Lẽ nào là mượn đao giết người?
Đinh Phúc gật đầu:
- Bẩm, phu nhân! Là mượn đao giết người!
An Định Hầu cau mày hỏi:
- Mượn đao giết người thế nào?
Đinh Phúc đáp:
- Bệ hạ nhất quyết trao ngôi thế tử cho Đinh Hạng Lang! Kẻ oán hận nhất chính là Nam Việt Vương Đinh Liễn! Người ở cùng phe cánh của Nam Việt Vương cũng sẽ oán hận! Nhưng bọn họ không thể oán hận bệ hạ được! Vì vậy, oán hận kia sẽ trút hết lên đầu phe cánh của hoàng hậu Kiều Quốc, hay nói đúng hơn là trút lên đầu hoàng tử Đinh Hạng Lang! Vì đây là nguyên do chính khiến Nam Việt Vương bị mất đi quyền lợi!
An Định Hầu cùng Thác Hoa gật đầu:
- Phải lắm!
Đinh Phúc nói tiếp:
- Hạ quan xin lấy một giả thuyết! Phỏng như có một kẻ thân cận với Nam Việt Vương, vì thấy chủ bị đối đãi bất công mà ngậm hận nên nảy ra một ý, còn Đinh Hạng Lang mới còn chuyện đổi ngôi thế tử, không còn Đinh Hạng Lang thì coi như hết chuyện! Hắn bèn liều mình giúp Nam Việt Vương giải hết âu lo!
An Định Hầu trừng mắt:
- Ngươi nói Nam Việt Vương toan bày chuyện bất nhân ư?
Đinh Phúc hạ giọng:
- Hạ quan không nói! Hạ quan đang đưa ra giả thuyết! Điều này hoàn toàn có thể xảy ra!
An Định Hầu cùng Thác Hoa ngẫm lại, phải gật đầu tán đồng với ý của hắn. Thác Hoa lên tiếng:
- Đinh công công nói phải lắm! Chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra! Nhưng nếu người đó quyết ra tay hạ sát Đinh Hạng Lang, dầu Nam Việt Vương không hề đồng ý, chuyện thành, tiếng oán cũng trút lên đầu Nam Việt Vương, chưa kể bệ hạ hết lòng yêu thích Đinh Hạng Lang, sao có thể đồng ý cho Nam Việt Vương ngồi ngai thế tử được? Đinh Hạng Lang nếu chết thì rõ ràng Nam Việt Vương cũng bị liên lụy!
Đinh Phúc liền đáp:
- Bẩm, phu nhân đã nói được đúng trọng điểm việc này! Ví như chuyện đã rồi, ai sẽ là người thích hợp để ngồi ngai thái tử?
An Định Hầu cùng Thác Hoa đồng thanh kêu lớn:
- Là hoàng tử Đinh Toàn!
Đinh Phúc bất giác rùng mình:
- Hạ quan lúc suy luận đến đây cũng phải sợ hãi! Vì vậy, hai phía hoàng hậu Kiều Quốc và Nam Việt Vương càng đấu đá với nhau nhiều càng tốt! Rốt cuộc chỉ có Dương phi được lợi mà thôi! Hạ quan đã điều tra được, người mà Dương phi cài bên cạnh Nam Việt Vương chính là Đinh Hiến!
An Định Hầu cau mày nói:
- Đinh Hiến! Đinh Hiến ư? Dường như lần trước ở cung Vĩnh Tường ngươi đã nói Dương phi cho người thân cận kẻ này! Rốt cuộc bà ta làm sao có thể mua chuộc Đinh Hiến? Hắn chẳng phải là rất được Nam Việt Vương coi trọng hay sao?
Đinh Phúc cười hề hề đáp:
- Hóa ra tên này có lòng yêu thích công chúa Bảo Ngọc từ lâu! Dương phi đã đánh vào điểm đó! Công chúa Bảo Ngọc là con của Dương phi! Bà ta chính miệng hứa hôn, Đinh Hiến làm sao có thể từ chối được?
Hắn cười chỉ vì đã nhắc đến công chúa Bảo Ngọc. Chuyện công chúa theo hoàng hậu Đan Gia lên Quỷ Môn Quan thăm bệnh đụng mặt Thác Hoa, đôi bên đối đáp ra sao đã thành giai thoại mua vui trong hậu cung. Qua miệng bọn cung nữ thái giám rỗi sự càng tăng thêm mấy lần li kỳ hấp dẫn. Đến Thác Hoa là đương sự nếu chịu ngồi nghe Đinh Phúc thuật lại cũng chẳng còn tỉnh táo biết đâu là lời mình nói, đâu là lời được miệng người khéo léo thêm thắt vào. Chỉ biết kết cục giai thoại nọ, Thác Hoa được suy tôn lên ngang hàng vị thánh mẫu oai phong chuyên trừng trị thói kiêu kỳ của công chúa.
Thác Hoa chẳng rỗi nghe chơi giai thoại trên, chỉ cần thấy điệu bộ có phần hả hê của Đinh Phúc khi nhắc về công chúa Bảo Ngọc đã đoán ra được phần nào. Nàng chớ hề kể chuyện trên lại cho An Định Hầu, sợ để tên Đinh Phúc trơn miệng nói ra, An Định Hầu biết lòng ghen tuông nhất định trêu chọc. Khi đó nàng xấu hổ chẳng giấu được mặt vào đâu. Nàng bèn hỏi Đinh Phúc bằng giọng khác lạ:
- Đinh công công đã điều tra Dương phi sai Đinh Hiến làm gì hay không?
Đinh Phúc sống nơi hậu cung nhiều hiểm trá, thuật đánh hơi thâm sâu chẳng kém đạo dùng binh của An Định Hầu. Hắn nghe vị An Định Hầu phu nhân kia tự dưng đổi giọng thì chẳng dại nhắc khéo chuyện cũ, lắc đầu đáp:
- Hạ quan không điều tra được! Nhưng mọi hành động của Nam Việt Vương dường như được Đinh Hiến dùng bồ câu báo về cho Dương phi! Hạ quan theo điểm này liền thử nghĩ ra một giả thuyết khác!
Đinh Phúc nói đến đây liền liếc mắt nhìn An Định Hầu chờ đợi. An Định Hầu thấy hắn ngần ngại, liền lệnh:
- Ngươi không cần e dè, ở đây không có người ngoài, ta cũng sẽ không bắt tội ngươi!
Đinh Phúc yên tâm bèn nói tiếp:
- Bệ hạ đã nhất định muốn truyền ngôi thái tử cho Đinh Hạng Lang, việc ra chiếu chỉ bố cáo thiên hạ là chuyện sớm hay muộn mà thôi! Bốn vị đại thần khai quốc cũng đã đồng thuận! Nam Việt Vương Đinh Liễn cùng Đinh Toàn không thể làm gì được! Cho nên, Dương phi muốn giành ngôi cho con trai Đinh Toàn của mình, cách vẹn toàn nhất là khích tướng cho Nam Việt Vương làm chuyện càn quấy, nếu Nam Việt Vương và Đinh Hạng Lang kẻ sống người chết thì càng tốt! Lệ xưa, anh em tàn sát lẫn nhau, kẻ nào sống cũng bị thiên hạ nguyền rủa! Khi đó, Đinh Toàn sẽ là người hợp lý nhất để ngồi lên ngai thái tử!
An Định Hầu giận dữ đập mạnh tay một cái. Chiếc bàn liền bị gãy làm ba bốn phần. Bao nhiêu ấm chén đua nhau rơi xuống sàn đá vỡ vụn. Đinh Phúc sợ hãi vội vàng đứng dậy cúi đầu không dám nhìn. Thác Hoa lo vương hầu nóng giận quá đỗi bèn nắm chặt tay ông cản lại. An Định Hầu hừ nhạt:
- Đinh Phúc to gan! Ngươi dám vu khống cho vương phi ư?
Đinh Phúc không dám đáp trả. Hắn biết An Định Hầu thù nhất là gieo tiếng oán sau lưng người khác. Hắn nhắm chừng ông ta chuẩn bị trút một cơn thịnh nộ lên đầu nên ngoan ngoãn chờ đợi. Ngờ đâu, An Định Hầu thở dài ngao ngán:
- Ta cũng đang lo sợ chuyện này!
Đinh Phúc mừng rỡ bèn đáp:
- Hạ quan tuy chưa tìm được bằng chứng Dương phi chỉ thị cho Đinh Hiến làm việc gì! Nhưng thật sự, Đinh Hiến ngày đêm đều ra sức kích động Nam Việt Vương! Hạ quan có ý, chúng ta cứ đứng ngoài cuộc đua tranh này là vẹn toàn hơn cả!
An Định Hầu quắc mắt:
- Ngươi nói cái gì?
Đinh Phúc liền quỳ sụp xuống dập đầu mà đáp:
- Vương hầu! Chúng ta can dự vào việc này nào có được lợi lộc gì! Nói thẳng thừng, chuyện tranh ngôi chỉ là chuyện trong nhà của bệ hạ! Phận làm thần tử, sao đủ sức mà xen vào! Ý bệ hạ đã quyết, đâu còn cách nào có thể thay đổi được! Chúng ta nếu dốc sức can ngăn, sẽ bị phe cánh của hoàng tử Đinh Hạng Lang để bụng thù oán, biết đâu về sau còn bị họ gây nhiều rắc rối!
Trong lòng Thác Hoa cũng có chung ý. Chỉ vì bản tánh An Định Hầu cương trực, một khi đã quyết định chuyện gì thì khó có thể một sớm một chiều làm lung lay được. Nàng thấy Đinh Phúc nói thuận đúng điều mình mong mỏi lập tức hùa theo. Thác Hoa cũng quỳ xuống dập đầu mấy cái. An Định Hầu giận quá đến run cả giọng:
- Nàng…ngươi…hai người một chủ một thần toan tính…làm khó ta hay sao?
Thác Hoa ngước nhìn An Định Hầu mà hỏi:
- Thiếp từ lúc theo ngài có đòi hỏi gì không?
An Định Hầu đã biết nàng ta đang tìm cách dẫn dụ, ngấm ngầm đề phòng nhưng vẫn đáp:
- Nàng chưa hề đòi hỏi ta điều gì!
Thác Hoa lại hỏi tiếp:
- Ngài có thật sự coi thiếp là phu nhân của ngài không? Hay chỉ vì tình thế bắt buộc nên nàng mới lập thiếp làm phu nhân?
Thác Hoa nói lời này nước mắt ngân ngấn khóe mi. Đôi mắt nàng vốn trong suốt như ngọc quý nên giờ đây không khỏi nhốt lòng người xuống đáy sâu thăm thẳm. An Định Hầu liền nói:
- Bụng Viễn ta lẽ nào nàng còn chưa hiểu? Ta thật lòng thật dạ coi nàng là phu nhân của ta! Đời này có nàng kề cận bên cạnh, ta còn dám ao ước điều gì hơn?
Đinh Phúc đã hiểu được hàm ý của Thác Hoa. Hắn thừa biết nàng ta đang đánh vào điểm yếu trọng tình cảm của An Định Hầu. Khả năng té nước theo mưa của hắn nhanh như chớp giật mưa sa. Hắn liền làm bộ thở dài, ca thán bằng giọng ảo nảo nhất hạng:
- Thông lệ các quan lại khi lập phu nhân đều tổ chức đại tiệc hai ngày mà bố cáo thiên hạ! Thân phận An Định Hầu phu nhân cao quý không kém gì hoàng hậu hay hoàng phi. Vậy mà phu nhân chỉ đi theo vương hầu không kèn không trống, cũng chẳng xe đưa kiệu rước! Phận làm tôi hầu như hạ quan phải rơi nước mắt động lòng!
Nói rồi hắn khóc hu hu ngon lành. Mấy năm dài ở cung cấm, so về miệng lưỡi hay nước mắt, hắn đều tu luyện lợi hại như nhau. Tiếng khóc của hắn khiến Thác Hoa tự nhiên cũng thấy ấm ức mà khóc theo. An Định Hầu nghe thê lương không chịu nổi bèn nói:
- Hai người kẻ tung kẻ hứng thật ra muốn yêu sách ta mà thôi!
Thác Hoa gạt lệ đáp:
- Thiếp không dám có yêu sách! Thiếp chỉ thỉnh cầu ngài! Thiếp theo ngài nào có mơ mộng quyền cao chức trọng? Điều thiếp mong mỏi là có thể hầu hạ ngài đến bạc đầu! Nhưng hôm nay ngài kiên quyết làm một việc phụ tình bất trung bất tín đến vậy! Thiếp làm sao có thể không ngăn cản ngài cho được!
Thác Hoa nói một lời đánh thẳng vào hai trọng tâm trong lòng An Định Hầu. Ông ta không khỏi ngần ngại, hỏi:
- Nàng đừng học theo tên Đinh Phúc dùng lời lẽ khiến ta phải do dự! Ta nào có làm chuyện phụ tình bất trung bất tín gì?
Thác Hoa thở dài đáp:
- Ngài là người có trí có dũng lẽ nào không thấy hay sao còn hỏi thiếp làm gì?
Đinh Phúc tức thì khóc lóc phụ họa:
- Chuyện phụ tình bất trung bất tín, vương hầu chẳng đời nào chịu làm! Ngài ấy chỉ vì chưa thấy được mà thôi! Xin phu nhân nói rõ, nếu ngài ấy không nghe, hạ quan sẽ học theo người xưa mà dùng cái chết can gián! Không để cho vương hầu lầm đường lạc lối được!
Đinh Phúc nói xong thì dập đầu liên tục mấy mươi cái. Thác Hoa cũng dập đầu vái theo. An Định Hầu lâm vào thế khó xử bèn giục:
- Nàng nói xem ta làm chuyện phụ tình bất trung gì!
Thác Hoa đáp:
- Ngài lập thiếp làm phu nhân nhưng lại chết trước thiếp! Bắt thiếp phải là quả phụ đến cuối đời đau khổ nhớ thương, chẳng phải ngài phụ tình thiếp là gì?
Thác Hoa vấn khéo, An Định Hầu một hai can thiệp chuyện đổi ngai thế tử là tự rước họa sát thân. An Định Hầu chưa kịp đáp thì Thác Hoa đã tiếp lời:
- Bệ hạ quyết định lập thái tử! Ngài một hai can thiệp vào khác gì trái ý bệ hạ, không bất trung là gì? Ngài lúc nào cũng nói tướng lãnh giữ ải không được can thiệp vào nội chính, hậu cung! Chuyện đổi ngôi thái tử không phải là chuyện nội chính, chuyện hậu cung thì còn là gì? Ngài chẳng phải nói mà không tự mình giữ lời, là bất tín đó sao? Đó chính là ba tội lớn!
Đinh Phúc chỉ đợi Thác Hoa dứt lời, lại khóc rống lên:
-Đúng là phụ tình bất trung bất tín!
An Định Hầu bị cả Thác Hoa lẫn Đinh Phúc hùa nhau khóc kể cũng có phần rối trí. Nhưng ông vẫn đáp:
- Nàng đã nói sai! Phận tôi thần thấy bề trên làm trái, không ngăn cản còn nghe theo là ngu trung! Ta thà làm kẻ phụ tình bất tín nhưng không thể làm kẻ ngu trung được!
Thác Hoa òa khóc:
- Vậy để thiếp chết đi cho ngài thoải mái làm trung thần!
Đinh Phúc òa theo phụ họa:
- Xin cho hạ quan theo cùng để có thể hầu hạ phu nhân nơi tuyền đài lạnh lẽo! Cứ để cho kẻ phụ tình phụ nghĩa này làm trung thần!
An Định Hầu bị kẹp giữa hai tiếng khóc không khỏi lúng túng. Lúc này Thác Hoa là khóc thật tâm nên vô cùng sầu thảm. Đinh Phúc phụ họa theo thê lương không kém. Chủ tớ tung qua hứng lại khiến An Định Hầu bị vây trong trận địa nước mắt. Thác Hoa thừa hiểu trong lòng vương hầu rất mực yêu thương mình. Thành thử, mỗi lần nàng đòi sống đòi chết dầu ông ta cương nghị đến mấy cũng phải động tâm thương xót. Nàng ngó thấy ánh mắt An Định Hầu đã có lo âu liền làm dữ lên như muốn đâm đầu vào cột tự vẫn. Thác Hoa chỉ kề cận An Định Hầu chưa đầy mấy tháng đã thấy được, Đinh Phúc hầu hạ ông ta tám năm ròng rã phải nhìn rõ ràng hơn ai hết. Hắn khóc hu hu nói:
- Hạ quan xin đi trước đây!
Hắn vái lạy mấy cái thì đứng dậy nhằm vào thân cột lớn gần đó mà lao đến. An Định Hầu thừa biết hắn chỉ giả vờ nhưng lại sợ đóng giả thành thật bèn đưa chân quét nhẹ một cái. Đinh Phúc không ngờ tới liền té đập mặt xuống nền đá đau thấu trời xanh. Hắn nằm dài dưới sàn khóc phận than thân kể khổ:
- Hạ quan thật là ngu ngốc! Ngày trước đi theo ngài chỉ mong được dựa hơi để tha hồ vơ vét tiền của! Nửa đời sau này không cần phải nghĩ ngợi nhiều! Bây giờ thì xong rồi! Đến chết cũng bị ngăn cản không được toại nguyện! Hạ quan thật là ngu ngốc!
An Định Hầu thấy hắn làm mình làm mẩy quá cỡ, liền quát:
- Ngươi chớ ăn nói hàm hồ! Nếu ngươi thật là loại người đó, năm xưa ta đã chém ngươi chết rồi! Ngươi có muốn ta chém thêm một đao?
Khi Đinh Tiên Hoàng Đế còn đi dẹp loạn mười hai sứ quân, Đinh Phúc là tướng dưới trướng sứ quân Nguyễn Khoan. Nhưng Đinh Phúc thường ngày cử chỉ thích nhẹ nhàng, miệng lưỡi giảo hoạt. Nguyễn Khoan đang lúc túng người nên mới giữ hắn lại, thật bụng chưa hề trọng dụng. Đinh Phúc không lấy làm phiền muộn. Hắn cứ ung dung ngày ngày điểm binh xong thì chui vào hậu viện mà chăm sóc cây cỏ, tán hưu vượn với bọn tỳ nữ. Đến khi Đinh Tiên Hoàng Đế thống lãnh binh mã vây công. Nguyễn Khoan thiệt hại quân tướng vô số, cực chẳng đã phải cho Đinh Phúc dẫn lính ra cản hậu để tìm đường rút. Tướng tiên phong của Đinh Tiên Hoàng Đế năm đó là Lê Hoàn, người sau này nắm đại quân Đại Cồ Việt hiệu Thập Đạo Đại Tướng Quân. Lê Hoàn cũng có bụng khinh khi Đinh Phúc, chẳng ngờ giao chiến hơn trăm hiệp vẫn không thắng được, còn bị lưỡi trường đao của Đinh Phúc mấy lần chém trúng. Đinh Phúc quyết tử cản hậu cho Nguyễn Khoan rút đi nên cứ cù nhây giao đấu hòng kéo dài thời gian. Thực dạ hắn chưa tung hết sức.
Đinh Tiên Hoàng Đế dẹp loạn sứ quân thắng như chẻ tre nhưng binh mã chết cũng nhiều vô kể. Thành ra sau này đi dẹp các sứ quân còn lại, hoàng đế dùng thông lệ rất tiện lợi hòng tránh hao nhân lực. Đôi bên cứ cử ba tướng ra giao chiến, bên nào thua hai trận thì ngoan ngoãn cởi giáp hàng phục. Nếu sứ quân nào đã thua mà còn bội ước tử thủ, Đinh Tiên Hoàng Đế mới cho quân công thành. Đinh Tiên Hoàng Đế dưới trướng có Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú, Lê Hoàn, toàn là các chiến tướng nhất hạng. Một người trong bọn họ có thể đơn thân chém giết cả trăm binh lính dễ như trở tay. Vì vậy, hoàng đế dùng cách trên đánh dẹp sáu sứ quân còn lại quả nhiên đỡ hao hụt binh tướng.
Binh lực Nguyễn Khoan chỉ có hai vạn, giữ ở Châu Lâm đất hẹp lại trống trãi bốn bề. Đinh Tiên Hoàng Đế kéo mười vạn quân đi dẹp xem như Nguyễn Khoan khó cầm cự nổi. Ngờ đâu theo lệ giao chiến, Đinh Phúc cầm chân đại quân hơn canh giờ. Đinh Tiên Hoàng Đế đoán chừng Nguyễn Khoan đã kịp chạy về nam nên đùng đùng nổi giận. Tuy nhiên, Lê Hoàn dẫu yếu thế nhưng chưa ngã ngựa, hoàng đế không thể bội ước đành cắn răng để xổng Nguyễn Khoan. Kết cuộc là qua hai trăm hiệp, Lê Hoàn không chịu nổi phải tháo lui. Bấy giờ, Nguyễn Bặc mới chạy ra giao chiến. Đinh Phúc đấu với Lê Hoàn hơn hai canh giờ theo lý sức lực đều đã thấm mệt, chẳng ngờ vẫn còn đánh được với Nguyễn Bặc hơn một trăm hiệp. Cuối cùng cả hai đều rơi xuống ngựa, xem như cùng hòa. Đinh Phúc đánh hai trận một thắng một hòa thì mừng hớn hở trong bụng. Hắn ước chừng các tướng lãnh còn lại của hoàng đế không mạnh hơn Nguyễn Bặc, Lê Hoàn được nên nắm chắc phần thắng. Nguyễn Khoan tuy không có lòng trọng dụng hắn nhưng vẫn cung phụng đầy đủ. Hắn cầm chân Hoàng Đế cho chủ tướng chạy đi xem như đủ đáp đền ơn nghĩa. Phen này hắn chỉ mong giữ được mạng, lại nắm chắc phần thắng trong tay nên càng hối thúc phía Đinh Tiên Hoàng Đế cử tướng thứ ba ra tiếp chiến.
Đinh Tiên Hoàng Đế thấy Đinh Phúc là tướng tài nhưng vì giận dữ nên chỉ muốn lấy mạng. Hoàng đế toan cử Đinh Điền ra. Phen đó, An Định Hầu có đi theo. Vương hầu biết ý hoàng đế định giết Đinh Phúc liền xin được ra đánh trận thay Đinh Điền. An Định Hầu tiếc tài nên trước đó đã giao kèo với hoàng đế, nếu Đinh Phúc bị bại sẽ làm thuộc tướng dưới trướng hầu, bằng như hắn không đồng ý thì cứ thả cho đi tùy thích. Đinh Đế nể nang nên thuận theo.
An Định Hầu bước ra, lại dõng dạc tuyên bố đình chiến một canh giờ. Ý ông ta muốn cho Đinh Phúc có thời cơ nghỉ ngơi để phục hồi sức lực. Các tướng của Đinh Tiên Hoàng Đế liền mắng thầm trong bụng. Phải biết, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn đều là bậc đại dũng sức lực hơn người. Cả hai thay phiên nhau đánh cũng không thắng được Đinh Phúc, đủ biết hắn thần lực phi thường, tài dùng trường đao cũng hiếm kẻ bì lại. Các tướng sợ Đinh Phúc có dịp nghỉ ngơi thì không còn tướng nào đơn thân đánh lại được. Vì vậy trong bụng cả bọn thi nhau rủa xả An Định Hầu. Hơn nữa, An Định Hầu toàn đóng ở biên ải, các tướng chưa lần nào tận mắt chứng kiến tài nghệ nên có phần xem thường. Bản thân Đinh Phúc được cơ hội trời cho như vậy dễ gì không chấp nhận. Hắn đoán thầm vị An Định Hầu đeo mặt nạ ngạ quỷ lạ lẫm kia cùng lắm còn thua cả Lê Hoàn nên hể hả trong dạ.
Chừng đã nghỉ ngơi đủ sức, Đinh Phúc tức thì cởi ngựa xông tới. Hắn muốn nhanh chóng kết thúc để rút lui thành ra dùng hết sức múa đao chém tới. Đao chưa đến nơi nhưng tiếng binh khí xé gió đã nghe ù ù như bão giật. Ngờ đâu, An Định Hầu vẫn chống trường đao đứng đợi. Đinh Phúc lao đến vừa tầm thì thấy trên trời có ánh chớp nhá lên. An Định Hầu đã vung trường đao chém xuống. Đinh Phúc là tay xài trường đao thiện nghệ không ngờ có người múa trường đao nhanh đến vậy nên chỉ còn nước hoành đao đón đỡ. Chỉ nghe keng một tiếng. Thanh trường đao của An Định Hầu gẫy làm hai đoạn. Riêng Đinh Phúc ngã nhào khỏi lưng ngựa nằm thẳng cẳng. Vốn trường đao của An Định Hầu không bì được với thanh trường đao của hắn. Cho nên, ông ta chém xuống khiến trường đao bị gẫy làm hai. Tuy Đinh Phúc nhờ đao tốt đỡ được đòn nhưng không khác gì bị núi lớn đè trúng. Hắn không cầm cự được, té khỏi lưng ngựa nằm bất tỉnh nhân sự.
Chư tướng Đinh Tiên Hoàng Đế kinh hãi không thốt nên lời. Chỉ có sĩ tốt mừng rỡ reo hò như sấm dậy. An Định Hầu một đao đánh bất tỉnh kẻ đánh bại cả hai chiến tướng Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, những kẻ có mặt đương trường chẳng ai không vừa nể vừa sợ, hết dám để bụng xem thường. Đinh Phúc nằm hơn nửa khắc mới giật mình tỉnh dậy. Hắn tức thì chạy đến bên ngựa An Định Hầu quỳ xuống xin làm thuộc tướng. An Định Hầu chém một đao, cứu được tướng tài lại thu phục lòng các tướng lãnh dưới trướng hoàng đế. Sau lần đó Đinh Phúc đã đem tặng thanh trường đao quý của mình tặng cho An Định Hầu. Chính là thanh trường đao có nước thép xanh lè mà vương hầu vẫn dùng đến tận bây giờ.
Đinh Phúc nghe An Định Hầu nhắc lại chuyện cũ, trong lòng không khỏi bồi hồi. Hắn nghĩ:
- Ta dùng hạ sách này để ngăn vương hầu, chẳng phải đã bội lại lời thề hàng phục ngày xưa đó ư?
An Định Hầu biết hắn phân vân, lại trừng mắt quát:
- Ngươi còn không mau đứng lên? Ba tên Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục đã làm ta phải mất ăn mất ngủ! Có phải ngươi muốn theo bọn chúng hay không?
Đinh Phúc về dưới trướng An Định Hầu thì bọn Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục đã theo hơn bốn năm. Vương hầu cực kỳ trọng dụng cả bọn. Tuy nhiên, Đinh Tiên Hoàng Đế chỉ cắt cho An Định Hầu bốn tướng dưới quyền. Ba tướng kia cộng thêm Đinh Thương là vừa đủ số. An Định Hầu quý tài của Đinh Phúc nhưng rõ ràng không thể vì hắn mà phải bỏ đi một tướng thân cận. Thành ra, ông bèn để Đinh Phúc coi ngó điện Vĩnh Tường, vốn được hoàng đế ban tặng trước đó. Đinh Phúc ngoan ngoãn coi quản điện Vĩnh Tường, dần dà lên chức tổng quản thái giám. Lâu dần, ai cũng chỉ biết Đinh Phúc là tổng quản thái giám mà quên mất đi trước đây, hắn cũng là dũng tướng thiện chiến sa trường.
Hiển nhiên ban đầu Đinh Phúc không chịu bị trói buộc trong cung cấm. Hắn năm lần bảy lượt mong An Định Hầu đưa ra biên ải để đánh trận. An Định Hầu đành phải nói rõ thiệt hơn. Đinh Phúc dầu không muốn cũng phải nghe theo. Để đỡ buồn chán, ngày ngày ở điện Vĩnh Tường, hắn ra sức chiêu nạp bọn cung nữ, thái giám để dò la chuyện thâm cung bí sử hòng vừa biết mà phòng cũng là để tán chuyện đỡ buồn. Dần dà hắn phát hiện nơi hậu cung của hoàng đế cũng đầy hung hiểm chẳng khác chốn sa trường khốc liệt. Chuyện trí trá xảy ra còn nhiều hơn thuật dùng binh. Hắn phởn chí liền đem hết trí tuệ dấn vào cuộc chiến không đao kiếm trên. Nhờ vậy, thuật lấy lòng người, khả năng biến chuyển theo tình thế, tài lươn lẹo của Đinh Phúc được thao luyện đến thượng thừa. Nói chẳng ngoa, An Định Hầu dùng binh đánh trận tài giỏi bao nhiêu thì chốn hậu cung của hoàng đế, thuật xử thế của Đinh Phúc thâm sâu bấy nhiêu. Hết thảy thói hư tật xấu, bí mật ngỡ như ném xuống tận đáy vực sâu vạn thước hay cán dao của từ hậu đến phi đều nằm gọn trong tay Đinh Phúc. Đến giờ đã được tám năm, chuyện của cả năm vị tổng quản thái giám trong hậu cung hoàng đế cộng lại cũng không bằng hắn, chuyện hắn biết thì phải năm trăm vị tổng quản như thế mới mong tham thấu được. Thêm việc thân cận với An Định Hầu, Đinh Phúc tự nhiên an nhàn làm một vị thái giám được tất cả mọi người nể sợ ra mặt.
Tự đáy lòng hắn thừa biết không thể bì được sự tin tưởng của An Định Hầu với Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục. Rốt cuộc, ba tướng kia cũng phản bội, hắn thấy tốt nhất không nên để vương sanh lòng nghi kỵ, đành thôi không đòi sống đòi chết hùa theo Thác Hoa.