Đinh Hiến kề miệng sát vào tai Đinh Phúc mà rỉ rả:
- Nhất định không có! Hạ quan xin lấy cái đầu cam đoan! Đây là vật mà Dương phi nhờ hạ quan lùng tìm! Hạ quan bỏ nhiều công sức mất hai năm ròng mới tìm ra được!
Đinh Phúc cho rằng lời trên có mấy phần thêm thắt để cường điệu nên cười nhạt:
- Ngài có thứ đồ quý giá như vậy chắc hẳn phải dâng cho Dương phi để lập công! Sao ngài còn đem tặng cho ta làm gì?
Đinh Hiến cười gượng:
- Nếu Nam Việt Vương hay tin hạ quan lén lút qua lại với Dương phi thì hạ quan khó bề sống nổi! Khi đó mười Dương phi cũng chẳng thể cứu được! Phàm là người đến khắc sống chết hiển nhiên phải lo an nguy cho bản thân trước! Chỉ cần ngài không hé miệng với Nam Việt Vương thì xem như đã giữ cái đầu của hạ quan!
Đinh Phúc nghe lời lẽ mấy phần hợp lý bèn gật gù:
- Chỉ cần ngươi không phá chén cơm của ta thì ta chẳng dư hơi đi đạp đổ chén cơm của ngươi làm gì! Mau nói xem báu vật đó là gì?
Đinh Hiến liền trịnh trọng lấy trong tay áo ra một hộp gỗ được bọc gấm bên ngoài. Y ngó trước nhìn sau cẩn thận mới mở nắp hộp gỗ để lộ một chiếc lọ làm bằng ngọc bích. Kẻ không rành các loại ngọc chỉ cần nhìn bề ngoài cũng tự biết là hàng thượng phẩm. Đinh Phúc là tổng quản điện Vĩnh Tường, mắt đã ngó qua không biết bao nhiêu châu báu cũng phải giật mình tròn mắt. Hắn ngửi được mùi hương thoang thoảng phát ra từ trong lọ ngọc thì nói:
- Đây là thứ son phấn gì phải dùng loại ngọc hảo hạng này để đựng?
Đinh Hiến liền đáp:
- Là Xuân Phấn!
Đinh Phúc trợn mắt:
- Xuân…Phấn? Nó…nó có thật ư? Ta còn nghĩ chỉ là lời đồn đãi! Phải chăng chính là thứ son phấn mà hoàng hậu Kiều Quốc đã dùng ngày trước?
Đinh Phúc nói xong thì tự động lấy tay bịt miệng mình lại. Hắn ngó trước nhìn sau kỹ lưỡng mới thở phào nhẹ nhỏm mà hạ giọng:
- Phải chăng là thứ son phấn hoàng hậu Kiều Quốc đã từng dùng?
Đinh Hiến gật đầu:
- Chính là thứ son phấn này!
Vốn Đinh Tiên Hoàng Đế có năm vị hoàng hậu. Trong số đó, hoàng hậu Kiều Quốc lớn tuổi nhất lại thua thiệt về nhan sắc so với các hậu còn lại. Tuy nhiên cách đây năm năm, không hiểu làm sao hoàng đế lại rất sủng ái hoàng hậu Kiều Quốc. Đinh Đế thường xuyên qua đêm tại cung Cẩm Tuệ. Chính trong thời gian này, hoàng hậu Kiều Quốc thụ hình nên hoàng tử Đinh Hạng Lang. Các hoàng hậu cùng phi tần khác không khỏi âm thầm ganh tị.
Năm đó Đinh Phúc cũng hồ nghi hoàng hậu Kiều Quốc có dị thuật gì đấy. Hắn bèn bỏ tiền của mua chuộc các tên thái giám ở cung Cẩm Tuệ dò la tin tức. Tuy nhiên, bọn thái giám thân cận hầu hạ hoàng hậu Kiều Quốc đều là bầy tôi sống chết vì chủ khó bề xoay chuyển. Còn đám thái giám Đinh Phúc mua chuộc chỉ là hạng phục dịch tầm thường chẳng thể biết được nhiều chuyện. Dẫu vậy, bọn chúng lại cùng báo một điểm giống nhau, hoàng hậu Kiều Quốc trước khi gần gũi Đinh Đế đều thoa một thứ son phấn lạ lùng. Đinh Phúc tâm cơ nhanh nhạy chắc rằng mấu chốt nằm ở thứ son phấn đó. Hắn càng không tiếc tay dò la. Lúc cậy thế lực An Định Hầu, lúc dùng tiền của rộng rãi, kết cuộc, Đinh Phúc cũng biết son phấn đó có tên là Xuân Phấn. Loại phấn này như một thứ mê dược khiến người khác giới ngửi phải đều động tình.
Đinh Phúc khám phá ra được sự việc trên bèn cười một trận ha hả thống chí. Hắn vốn cho rằng trên đời này chẳng thể có thứ mê dược lợi hại đến như vậy được. Nhưng kỳ thực về sau, hoàng hậu Kiều Quốc không còn Xuân Phấn thì Đinh Đế cũng lạnh nhạt dần chuyển ưu ái sang Dương phi vốn nhan sắc mặn mà bậc nhất.
Bây giờ, Đinh Hiến khẳng định một hai thứ đựng trong lọ ngọc là Xuân Phấn, Đinh Phúc mơ hồ hư thực. Hắn suy ngẫm rồi nói:
- Nếu đây đúng là thứ son phấn hoàng hậu Kiều Quốc đã từng dùng thì chí ít bà ta cũng phải có! Sao ngươi dám khẳng định đây là thứ độc nhất vô nhị?
Đinh Hiến cười đắc ý đáp:
- Ngài đã có chổ không biết!
Đinh Phúc liền hỏi:
- Là chổ không biết nào?
Đinh Hiến đáp:
- Năm xưa hoàng hậu Kiều Quốc bỏ tiền của nhờ một lão khất sĩ chế ra Xuân Phấn! Người khất sĩ tự biết là bí mật động trời nên đã liệu con đường thoát thân! Lão ta chỉ chế ra Xuân Phấn đủ dùng cho nửa năm rồi lấy cớ đi tìm hương liệu mà tẩu thoát!
Đinh Phúc gật gù:
- Thảo nào về sau hết Xuân Phấn, bệ hạ cũng không còn trọng thị hoàng hậu Kiều Quốc!
Đinh Hiến nói thêm:
- Lão khất sĩ này đã để hạ quan bắt được! Hạ quan đã ép y phải chế ra lọ Xuân Phấn đủ dùng trong một năm! Sau đó thì…
Đinh Hiến bỏ lửng câu nói cười mỉm hàm ý. Đinh Phúc tự hiểu lão khất sĩ đó nhất định đã chết mất xác. Đinh Hiến hạ giọng nói thầm:
- Ngài nghĩ xem nếu các hoàng hậu biết ngài có được thứ xuân dược thượng hạng này sẽ ra sao? Lệnh bà nào chẳng ao ước được bệ hạ chiếu cố, tự nhiên ngài sẽ được họ biệt đãi thoáng hậu!
Đinh Phúc nghe đến đây thì híp mắt cười tươi:
- Ngài đúng là đã tặng cho ta một món báu vật tốt!
Hắn chẳng màng đến chuyện lấy lòng các vị hoàng hậu. Hắn chỉ nghĩ, An Định Hầu cùng phu nhân đang thuở ân ái mặn nồng, nếu đem tặng Xuân Phấn để tăng thêm luyến ái, vương hầu cùng phu nhân vui vẻ biết bao.
Đinh Phúc tò mò mở nắp lọ ngọc. Hắn trút một ít lên tay xoa thử. Loại phấn này có màu hồng nhạt, khi thoa vào thịt da thì tan biến tức thì chỉ để lại mùi hương thoang thoảng. Hắn càng ngửi càng thấy máu dồn căng các huyết mạch, xuân khí lồng lộng. Hắn vội vàng cất lọ ngọc vào trong tay áo cười hể hả với Đinh Hiến:
- Được lắm! ngươi cứ yên tâm, ta sẽ giữ lời không hé miệng câu nào với Nam Việt Vương!
Đinh Phúc vội vã quay trở lại phòng của An Định Hầu lòng vui như mở hội.
Đinh Phúc bước vào phòng chỉ vái chào An Định Hầu chiếu lệ. Hắn bước đến cạnh Thác Hoa thì thầm. An Định Hầu thấy hắn nói một lúc khiến hai mắt Thác Hoa long lanh khẽ liếc nhìn mình mấy cái liền lấy làm lạ. Lát sau, Đinh Phúc trịnh trọng hai tay dâng lên lọ ngọc. Thác Hoa nhận lấy khen ngợi hắn không ngớt lời. Chẳng phải khen lòng dạ trung thành thì cũng là kẻ biết giữ đúng lễ nghĩa, ôi thôi toàn những lời rót mật vào tai người. An Định Hầu nghe xong càng thêm tò mò. Ông liền gặng hỏi một lúc, Đinh Phúc mới tận tình thuật lại. Hắn nói chưa dứt, An Định Hầu bật cười ha hả. Riêng Thác Hoa thẹn thùng dâng lên tận trong mắt, diễm lệ không sao tả xiết.
Trời đã gần nửa đêm, An Định Hầu dặn dò Đinh Phúc thêm vài việc rồi toan cho lui ra để nghỉ ngơi. Thác Hoa đang trầm tư suy ngẫm. Nàng ta bỗng nhiên cất tiếng hỏi An Định Hầu cùng Đinh Phúc:
- Ví như Nam Việt Vương toan động binh hoặc làm việc trái đạo, thì ông ta cần phải làm gì trước tiên?
An Định Hầu liền hỏi:
- Nàng đã nghĩ ra được chuyện gì?
Thác Hoa chau mày đáp:
- Ngài mau trả lời câu hỏi trên của thiếp! Thiếp chỉ nghĩ đến đấy nhưng không thông được!
Nàng quay sang Đinh Phúc mà hối thúc:
- Ngươi cũng mau trả lời giúp ta! Chẳng phải ngươi ngày đêm trông ngóng được về lại dưới trướng của vương hầu hay sao? Ta có thể nhân việc An Định Hầu bị bệnh mà xin bệ hạ kéo người về!
Đinh Phúc ngày đêm đều trông chờ chuyện này. Hắn không đợi Thác Hoa nói thêm, tức thì suy nghĩ. An Định Hầu thấy nét mặt khẩn trương của Thác Hoa đoán chừng đã lần ra được đầu mối quan trọng. Ông cũng liền giúp nàng nghiền ngẫm. Bất thần, An Định Hầu cùng Đinh Phúc đồng thanh kêu lên:
- Chinh Nam Đại Tướng Quân Trần Thành!
Thác Hoa thông suốt được mọi chuyện nên mừng rỡ:
- Đúng rồi, chuyện đầu tiên Nam Việt Vương cần làm là đối phó với Trần Thành! Trần Thành giữ Định Biên, nắm trong tay năm vạn binh mã như con dao chăm chăm thọc sau lưng châu Ái của Nam Việt Vương! Nam Việt Vương muốn tác quái thì phải đối phó Trần Thành trước tiên! Bọn người muốn lợi dụng Nam Việt Vương để thu lợi thì cũng sẽ xúi ông ta đối phó với Trần Thành để tiện bề hành sự! Trần Thành sắp nguy to rồi!
An Định Hầu liền lớn tiếng gọi:
- Lý Phương! Lý Phương đâu rồi?
Lý Phương vốn nhận lệnh coi ngó an toàn cho Đinh Hạng Lang và Nam Việt Vương Đinh Liễn. Hắn hiển nhiên là phải đi lại canh gác bên ngoài hai gian phòng này. Một tên lính đầu hổ nghe lệnh gọi liền vội vàng chạy đi thông báo. Phải gần nguội nửa chén trà, Lý Phương mới đứng bên ngoài cửa đợi lệnh:
- Bẩm, có mạc tướng!
An Định Hầu nói:
- Cho người cấp tốc cưỡi ngựa về Định Biên, truyền dụ của ta cho Chinh Nam Đại Tướng Quân Trần Thành phải phòng bị cẩn thận!
Lý Phương dạ lớn toan quay đi sắp xếp thì Thác Hoa đã gọi lại:
- Khoan đã! Ngươi đợi một lát! Tạm thời ngươi cứ lui ra ngoài canh gác trước!
An Định Hầu một hai bảo hắn đi, An Định Hầu phu nhân lại kêu hắn ở lại, Lý Phương do dự đứng yên ngoài cửa. Hắn hỏi:
- Mạc tướng phải nghe theo lệnh nào đây?
An Định Hầu đắn đo một lúc bèn nói:
- Ngươi tạm thời lui ra ngoài trước! Ta sẽ gọi sau!
Lý Phương dạ lớn rồi quay đi. Lúc này Thác Hoa mới nói:
- Nếu bọn họ muốn hại Trần Thành chỉ e người báo tin của chúng ta chưa đến nơi thì Trần Thành đã bị hại rồi! Khi đó sẽ ở thế bứt dây động rừng! Hơn nữa, tên Đinh Hiến kia chẳng ngờ chim bồ câu đưa thư đã lọt vào tay chúng ta!
Đinh Phúc cười hề hề vái lễ:
- Phu nhân nói phải lắm! Tạm thời tính mạng tướng quân Trần Thành vẫn an toàn, ít nhất là trước khi bọn người của Nam Việt Vương rời khỏi Quỷ Môn Quan! Hơn nữa, nếu Nam Việt Vương chiêu dụ được An Định Hầu thì cần gì phải động chạm đến Trần Thành làm gì? Nam Việt Vương đã biết Trần Thành là thân tín của ngài! Được ngài xem như đã được Trần Thành! Tên Đinh Hiến kia cũng không ngu ngốc đến nổi như vậy! Dương phi cũng không ngu ngốc đến vậy!
An Định Hầu trầm ngâm:
- Chẳng lẽ bắt ta phải vờ ưng thuận giúp Nam Việt Vương ư?
Thác Hoa đáp:
- Ngài không được ưng thuận cũng không được từ chối thẳng thừng! Muốn cứu Trần Thành không có gì tốt bằng chuyện đích thân ngài phải xuôi nam một chuyến để giải quyết! Chỉ e giờ này bệ hạ đã có lòng ngờ vực, ngài khó bề hành sự thoải mái như trước được!
An Định Hầu ngồi bịch xuống ghế thở dài ngao ngán:
- Như vậy Trần Thành phen này khó lòng sống nổi! Từ giờ ta càng phải thận trọng! Tên Đinh Hiến kia dùng chim câu đưa tin thực hiện kế hoạch sớm! Kế hoạch đó nhất định là mưu hại Trần Thành! Xem ra mạng của lão tướng này đều tùy thuộc vào thái độ hành xử của ta về ngai thế tử!
Thác Hoa cùng Đinh Phúc đều im lặng không đáp. Cả ba người đồng loạt tính kế trong đầu. Đến quá nửa đêm cũng chưa tìm ra cách gì khả quan, Đinh Phúc bái biệt về phòng trước. An Định Hầu cùng Thác Hoa đã thấm mệt nên vội đi nghỉ. An Định Hầu ôm người ngọc trong tay nhưng đầu óc rối như tơ vò. Thác Hoa muốn làm ông ta vui lòng liền đem Xuân Phấn mà Đinh Phúc dâng lên dùng thử. An Định Hầu âu lo phiền muộn nhưng ngửi phải Xuân Phấn khó kềm nổi lửa tình. Cả hai mặn nồng đến gần sáng mới phai nhạt xuân tính mà thiu thỉu ngủ.
Đêm hôm đó, Lý Phương túc trực canh gác bên ngoài hai phòng của Đinh Hạng Lạng và Nam Việt Vương Đinh Liễn không xảy ra bất kỳ chuyện gì. Cả phủ hầu ở Quỷ Môn Quan đều bình yên vô sự. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau đã xảy ra một chuyện long trời lở đất. Kẻ phát hiện đầu tiên là Lý Phương. Hắn tự thấy bản thân không sao tự định đoạt nổi bèn cho người phi ngựa cấp báo lên Ứng Kê. Đinh Thương nhận tin vội vã giao việc giữ ải cho các phó tướng rồi lên đường về Quỷ Môn Quan. Đinh Thương xem xét cũng tự biết bản thân khó bề ứng phó. Hắn cân đo nặng nhẹ rồi cho mười hai thám mã thay phiên nhau đưa tin về Hoa Lư. Vua tôi triều Đinh một phen đại loạn chẳng khác gì sấm giữa trời quang. Kẻ hay tin dầu thật lòng hoặc giả dối đều mấy phần sợ hãi đến run rẩy tay chân. Đinh Tiên Hoàng Đế trong một ngày giáng tám chiếu chỉ điều Định Quốc Công Nguyễn Bắc, Ngoại Giáp Công Đinh Điền hành quân tức tốc lên Quỷ Môn Quan hành sự.
Sự kiện này được quan sử bấy giờ chép đề, biến cố Quỷ Môn Quan. Đây là biến cố trọng đại bậc nhất của mười năm hưng thịnh triều nhà Đinh. Nói không ngoa, ví như chẳng xảy ra biến cố trên chưa chắc có chuyện hoán triều đổi vị về sau của nhà Đinh. Về sau vào thời nhà hậu Lý sanh biến loạn Trần Thủ Độ khiến không ít di sử thất lạc theo các tôn thất. Lại thêm cuối đời nhà Hồ có cái nạn ngoại xâm của vương triều phương bắc, sử sách mười phần hết chín đều bị thiêu đốt sạch sẽ. Cho nên về sau, biến cố Quỷ Môn Quan hầu như không còn nhắc đến. Tiếc thay, thực hư chẳng thể nào rõ được. Chỉ biết rằng tối hôm đó, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Công Đinh Điền đích thân áp tải bốn cổ xe ngựa lớn về Hoa Lư. Trên xe ngựa chở An Định Hầu Đinh Quan Viễn, An Định Hầu phu nhân Thác Hoa, Tổng Quản Thái Giám điện Vĩnh Tường Đinh Phúc, hoàng tử Đinh Hạng Lang. Bốn người này đều đã trúng độc hôn mê bất tỉnh nhân sự.
Bốn cổ xe ngựa về đến Hoa Lư, tự tay Đinh Tiên Hoàng Đế chỉ thị hết thảy thái y nội điện kiểm tra. Kết quả, An Định Hầu cùng phu nhân, Đinh Hạng Lang, Đinh Phúc đều cùng trúng một loại độc dược hiếm có. Chất độc này lại tìm thấy nhiều trên người của Thác Hoa và vương hầu. Các thái ý đều nhất trí như vậy làm nổ ra một cuộc tranh luận kéo dài hơn sáu ngày. Một bên cho rằng An Định Hầu vì muốn ủng hộ Nam Việt Vương nên ngầm ra lệnh Đinh Phúc hạ độc Đinh Hạng Lang. Sau đó, ba người này cũng uống thuốc độc hòng che mắt. Một bên lại cho rằng có kẻ muốn độc chết An Định Hầu cùng hoàng tử Đinh Hạng Lang. Hai bên tranh cải nảy lửa. Bên nào cũng đưa ra lý lẽ thuận tình nên khó bề phân giải. Riêng có một chi tiết, Nam Việt Vương Đinh Liễn vẫn an toàn không hề bị độc. Thành ra, mọi nghi vấn dần dà chuyển sang việc An Định Hầu muốn độc chết Đinh Hạng Lang. Chỉ là, An Định Hầu, An Định Hầu phu nhân, Đinh Phúc, Đinh Hạng Lang đều mê mang bất tỉnh nên không sao đối chứng cho rõ được.
Đinh Tiên Hoàng Đế bèn cho quân ngự lâm phong tỏa điện Kiến An rồi mời bốn vị khai quốc công thần Đinh Điền, Nguyễn Bắc, Trịnh Tú, Lưu Cơ vào nghị sự. Nghị sự từ sáng sớm đến tối mịt mới thống nhất được ý kiến. Nội Giáp Công Trịnh Tú là người lên tiếng sau cùng:
- Bẩm bề trên, chuyện này là Tái Ông Thất Mã, không hẳn là điềm xấu nhưng cũng chưa chắc là chuyện tốt!
Thái sư Lưu Cơ vuốt râu tán đồng:
- Ngài nói phải lắm! Căn bản bề trên nên dung hòa cả hai việc tốt xấu trong chuyện này mà ứng xử!
Đinh Tiên Hoàng Đế trầm tư đáp:
- Ta cũng đã nghĩ đến! Tuy nhiên, khó bề vẹn toàn cho được!
Định Quốc Công Nguyễn Bặc liền tấu:
- Binh lực của An Định Hầu tuy không nhiều nhưng thế lực của ông ta bao trùm hết thảy quan tướng Đại Cồ Việt! Chi bằng nhân cơ hội này giảm đi uy thế của ông ấy!
Ngoại Giáp Công Đinh Điền tiếp lời:
- Theo thần, trước lấy cớ An Định Hầu can dự vào việc hoàng tử Đinh Hạng Lang bị đầu độc mà quản thúc ông ta ở Thạch Xuyên! Sau đó giao việc trông hai ải Quỷ Môn cùng Ứng Kê cho Định Quốc Công Nguyễn Bặc! Binh mã của An Định Hầu chia làm hai, phần tân binh thì để Định Quốc Công quản, phần tướng lãnh theo vương hầu lâu năm thì lấy cơ bình ổn châu Quan Tế mà lệnh cho Đinh Thương đưa hết lên đấy!
Đinh Tiên Hoàng Đế đăm chiêu nét mặt do dự. Thái sư Lưu Cơ liền nói thêm:
- Tâm tư An Định Hầu vốn không hề ủng hộ chuyện giao ngôi thế tử cho Đinh Hạng Lang! Ông ấy có thể không chú tâm độc hoàng tử nhưng chưa chắc đã vô can! Ông ta vốn là nước cản việc tiến ngôi về sau của Đinh Hạng Lang! Chi bằng một nước cờ dẹp sạch rào cản để loại vương hầu! Xin bề trên đừng quên, Nam Việt Vương vẫn bình an vô sự không hề bị độc!
Đinh Tiên Hoàng Đế gật đầu:
- Ta nghĩ vẫn không thông chuyện này! Hà cớ gì An Định Hầu cùng phu nhân, cả Đinh Phúc cũng bị độc theo Đinh Hạng Lang nhưng Đinh Liễn vẫn vô sự! Việc này chẳng phải rõ ràng như ban ngày hay sao! An Định Hầu dầu không cố ý cũng chẳng thể cải chính được!
Nội Giáp Công Trịnh Tú chắp tay vái lễ:
- Xin bề trên lấy an toàn của hoàng tử Đinh Hạng Lang làm trọng! Chẳng những quản thúc An Định Hầu mà nhân tiện lấy cớ đó quản thúc cả Nam Việt Vương ở Châu Ái! Về sau chuyện Đinh Hạng Lang lên ngai thế tử sẽ thuận lợi hơn!
Đinh Tiên Hoàng Đế gật đầu:
- Nói rất phải! Cũng may chất độc chỉ làm hôn mê không gây hại nhiều đến tính mạng! Mau mau, truyền ý chỉ của ta!
Đinh Tiên Hoàng Đế tối hôm đó đồng loạt hạ ba chiếu chỉ. Chiếu chỉ thứ nhất sai Đinh Thương dẫn bốn vạn quân hổ đầu lên đạo Lâm Tây để trấn giữ. Chiếu chỉ thứ hai quản thúc An Định Hầu cùng phu nhân và Đinh Phúc ở đất Thạch Xuyên cắt hết binh quyền, tạm thời thu hồi tước hầu. Chiếu chỉ thứ ba khiển trách Nam Việt Vương rồi ra lệnh quản thúc ở châu Ái, đích thân Nội Giáp Công Trịnh Tú đến Nam Việt Nhị Cung kiểm điểm binh mã. Ba chiếu chỉ này bố cáo thiên hạ khiến không ít kẻ mừng thầm trong bụng. Hoan hỷ nhất vẫn là hoàng hậu Kiều Quốc cùng Ngô Nhật Khánh. Tuy nhiên, hoàng tử Đinh Hạng Lang đương mê mang bất tỉnh nên trong lòng hoàng hậu Kiều Quốc nửa chua xót nửa oán hận An Định Hầu không ngớt.
Đinh Thương cùng Lý Phương nhận thánh chỉ đã cơ hồ đoán ra sự tình bên trong. Cả hai nhìn nhau do dự nhưng vì không thể liên lạc với An Định Hầu nên vô phương đối sách bèn ngoan ngoãn nghe theo. Đinh Thương trước lúc điều binh lên đạo Lâm Tây đã kịp treo một chiếc lồng đèn vàng ở vọng gác phía tây làm ám hiệu. Định Quốc Công Nguyễn Bặc không chú ý đến. Ông ta kiểm tra binh mã rồi theo bài trí trước đây của An Định Hầu cùng Thác Hoa mà cắt đặt các vị trí trọng yếu. Uất hận nhất vẫn là Nam Việt Vương, vừa bị quản chế lại bị lấy mất một nửa binh quyền. Nội Giáp Công Trịnh Tú đến châu Ái kiểm điểm binh mã mới giật mình nhận ra Nam Việt Vương đã đào luyện hơn mười lăm vạn binh mã, toàn tráng niên ưu tú. Binh mã của Nam Việt Vương từ lâu đã vượt xa Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn. Trịnh Tú bèn lấy bốn vạn quân giao cho Chinh Nam Đại Tướng Quân Trần Thành ở Định Biên, giao bốn vạn quân sung vào trướng của Lê Hoàn và Ngoại Giáp Công Đinh Điền, lại cắt thêm ba vạn quân vào Hoa Lư. Nam Việt Vương từ chổ hùng cứ một cõi giờ chỉ nắm trong tay bốn vạn quân. Bao năm dốc lòng dưỡng quân một ngày đều tan thành mây khói, Nam Việt Vương khóc lóc đau đớn không sao kể xiết.
Nam Việt Vương vừa bị quản thúc ở châu Ái, trên có Hoa Lư dòm xuống, sau lưng lại bị Trần Thành nắm đại quân ở Định Biên phòng ngừa, xem như cá chậu chim lồng. Riêng An Định Hầu, Thác Hoa, Đinh Phúc được Thái Sư Lưu Cơ tự thân áp giải đến Thạch Xuyên. Thái sư sắp xếp mọi việc ổn thỏa mới an tâm quay về lại Hoa Lư. An Định Hầu, Thác Hoa cùng Đinh Phúc đều được hầu hạ chăm sóc cẩn thận nhưng phải hơn nửa tháng sau mới tỉnh lại được. An Định Hầu là người thức tỉnh sau cùng. Ông ta ngó thấy bài trí khác lạ so với phủ hầu ở Quỷ Môn Quan, lại thấy Thác Hoa cùng Đinh Phúc nét mặt tuy mừng rỡ nhưng ánh mắt đầy uất ức thì lờ mờ đoán chừng đã xảy ra chuyện trọng đại.
Thác Hoa cùng Đinh Phúc lựa lời kể lại sự việc đã xảy ra kèm theo chiếu chỉ quản thúc của Đinh Tiên Hoàng Đế. An Định Hầu nghe xong thay vì nổi giận hay sợ hãi tột độ lại bật tràng cười ha hả đến bọn lính gác bên ngoài cách hơn năm trăm bước chân giật mình ngơ ngác.