An Định Hầu cười sang sảng khiến Thác Hoa cùng Đinh Phúc tự nhiên thấy sợ. Ông ta cười gần nguội một chén trà liền ôm ngực thổ huyết. Thác Hoa kinh hoàng toan đến đỡ thì ông ta đã xua tay. Ông tự đấm ngực chua chát:
- Đinh Quan Viễn ơi là Đinh Quan Viễn! Ngươi đến cùng cũng thua trí một người đàn bà! Đáng lắm! Đáng lắm! Chết như vầy không có gì phải hối tiếc!
Thác Hoa liền đỡ vương hầu ngồi xuống. Nàng ta chưa kịp lên tiếng thì Đinh Phúc biết ý vội vàng chạy ra ngoài chuẩn bị nước ấm cho An Định Hầu dùng. Nơi quản thúc An Định Hầu tuy cũng là cung điện hẳn hoi nhưng thiếu thốn trăm bề. Kẻ hầu người hạ cũng chẳng có lấy ai nói chi đến các vật dụng thông thường. Đinh Phúc tuy giỏi xoay trở nhưng phải mất gần hai khắc mới đem một thau đồng đựng nước cùng khăn sạch quay trở lại.
Lúc này An Định Hầu đã bình tâm. Ông rót trà ra một chén lớn. Trà ở đây mùi vị kém vô cùng nhưng ông ta mãi mê nghĩ nghợi nên uống liền một hơi chẳng để ý đến. Chừng qua ba bốn chén trà như vậy, An Định Hầu mới lên tiếng hỏi:
- Đây là nơi nào của đất Thạch Xuyên?
Đinh Phúc liền đáp:
- Bẩm, là quận Vị Châu!
Đất Thạch Xuyên nằm ở mé tây nam Hoa Lư cách chừng một trăm hai mươi dặm. Phía sau của Thạch Xuyên chính là châu Ái. Phía đông đi qua khỏi đất Mộc, đất Thủy là đến biển Đông. Phía tây chỉ cách ải Khâm Quan với Ai Lao có bốn mươi dặm. Ai Lao bao đời vẫn thường cho binh lính quấy phá bốn cửa ải thông với Đại Cồ Việt là Khâm Quan, Giao Tức, Cổ Bì, Bạch Trương. Trong đó, ải Khâm Quan bị nặng nề nhất. Vì vậy sau khi xưng đế dựng nước, Đinh Tiên Hoàng Đế đã chú tâm dùng đất Thạch Xuyên làm tiền đồn chống Ai Lao. Binh mã đồn trú nơi này bao giờ cũng hơn sáu vạn, lương thực, quân bị, ngựa chiến luôn đầy đủ phòng khi cấp bách. Tuy nhiên, từ đất Thạch Xuyên lên ải Khâm Quan dù chỉ bốn mươi dặm đường nhưng địa lý hằng hà cách trở. Do đó, thường khi quân Ai Lao quấy phá quan ải, binh cứu viện Đại Cồ Việt đến nơi thì chỉ còn một bãi hoang tàn.
Sau, thái sư Lưu Cơ dùng kế hỏa kỳ rất hiệu nghiệm. Hỏa Kỳ thật sự là cho dựng các đài lửa kéo dài từ Khâm Quan đến đất Thạch Xuyên. Cứ nửa dặm một đài thành nên tám mươi đài lửa. Thái sư Lưu Cơ còn đích thân cầm quân đánh thẳng qua khỏi Khâm Quan chiếm luôn hai mươi dặm đường núi cheo leo dựng thêm bốn mươi đài lửa tương tự vậy. Nếu bên Ai Lao động binh, các đài lửa này tức thì chong sáng. Đài sau thấy đài trước nổi lửa thì cũng làm theo. Cứ như vậy, quân Ai Lao chỉ cần mới cách ải Khâm Quan hai mươi dặm thì nơi đất Thạch Xuyên, binh mã Đại Cồ Việt đã hay tin cấp tốc lên đường. Quả nhiên kế này rất công hiệu, Ai Lao vẫn hay quấy hiễu nhưng chỉ dám đến cách Khâm Quan hai mươi dặm khiêu khích, chỉ cần thấy đài lửa đầu tiên thắp sáng thì rút lui. Hại binh lính đồn trú đất Thạch Xuyên một năm chẳng biết mấy bận cấp tốc hành quân vượt núi rồi quay về. Tuy có mệt nhọc nhưng đem so bì với chuyện đương trường chém giết thì vẫn thoải mái hơn nhiều. Cho nên chẳng kẻ nào không hớn hở. Bộ binh của đất Thạch Xuyên được coi là tinh nhuệ nhất Đại Cồ Việt cũng là lẽ ấy.
Đất Thạch Xuyên chỉ có hai quận. Một là Vị Xuyên. Một là Vị Châu. Binh lính Đại Cồ Việt đóng chính ở quận Vị Xuyên. Quận Vị Châu làm nơi đồn trú lương thảo cùng quân bị. Quận Vị Châu chỉ rộng một trăm dặm vuông. Nhà dân chưa quá ba trăm. Thái sư Lưu Cơ sau khi dựng hỏa kỳ đã cho xây ở Vị Châu một thành nhỏ gọi là Thạch Đài vô cùng vững chắc. Lưu Cơ muốn phòng hậu không may ải Khâm Quan thất thủ, quận Vị Xuyên mất thì vẫn còn một chốn cầm cự chờ viện binh từ hai nơi là Hoa Lưu và châu Ái. Chẳng ngờ giờ đây lại thành chổ giam lỏng An Định Hầu.
An Định Hầu cười chua chát:
- Giam lỏng ta ở Vị Châu, binh mã chưa tới năm trăm, bốn bề đều có đường thoát! Nhất định là ý của Ngoại Giáp Công Đinh Điền! Nếu là Lưu Cơ hay Trịnh Tú sẽ kiến nghị giam ta nơi đất Vị Xuyên binh nhiều ít đường tẩu thoát!
Đinh Phúc thở dài đáp:
- Hạ quan cũng nghĩ là kế của Ngoại Giáp Công! Người này tính toán thật sâu xa! Thảo nào bệ hạ giao cho ông ta coi ngó các châu quận khắp Đại Cồ Việt chưa tới năm năm nơi nào cũng đều vững chãi!
Thác Hoa buột miệng hỏi:
- Giam ở Vị Châu hay Vị Xuyên nào có khác gì? Đằng nào ngài cũng bị quản chế! Binh quyền của ngài đã bị cắt, tước hầu cũng bị đình gián tạm thời! Bệ hạ còn sợ ngài mưu toan chuyện phản nghịch ư?
An Định Hầu ngán ngẩm đáp:
- Là bề trên muốn ép ta vào chổ bất nghĩa, bất trung!
Thác Hoa chau mày nghĩ ngợi một lúc thì kêu lên:
- Thiếp đã hiểu! Nếu giam ngài ở quận Vị Xuyên binh lính coi ngó đông đúc thì những kẻ muốn giúp ngài khó bề ra tay! Giam ở Vị Châu binh lính ít, những kẻ muốn giúp ngài sẽ dễ dàng hơn! Bệ hạ chỉ cần cho người đón lỏng có thể giăng được mẻ lưới lớn!
Vương hầu cười gượng:
- Kẻ đến giúp ta nhất định là muốn đưa ta tẩu thoát! Ta dầu có đồng ý hay không cũng đều là tình ngay lý gian, khép vào tội kéo phe cánh làm loạn chẳng thể nào cải chính được!
Vừa lúc đó bên ngoài có tiếng một tên lính hầu:
- Có chỉ dụ bệ hạ triệu Đinh Quan Viễn, Đinh Phúc, Thác Hoa!
Lính hầu gọi thẳng tên không hẳn vì thiếu tôn trọng. Chỉ vì Đinh Đế đã ra chỉ tạm thời đình chức hầu, hắn có muốn cũng không dám dùng ba chữ An Định Hầu để gọi.
An Định Hầu hừ nhạt:
- Nhất định là muốn khảo tra chuyện hoàng tử bị độc! Chúng ta cũng nên chuẩn bị!
Ông ta âm thầm dặn dò Đinh Phúc và Thác Hoa mới chỉnh trang y phục, đeo mặt nạ ngạ quỷ bước ra ngoài. Tên lính hầu cúi người vái chào:
- Xin lượng thứ cho tôi bất kính! Chiếu chỉ bệ hạ không thể không nghe theo!
An Định Hầu ngó hắn thấy mặt mũi lạ hoắc không khỏi thắc mắc:
- Ta bây giờ là tội nhân, ngươi không cần giữ lễ! Ngươi đã từng gặp qua ta?
Tên lính nghe ông hỏi liền ngoái đầu ngó sau nhìn trước cẩn thận rồi quỳ sụp xuống dập đầu:
- Mạc tướng là Trương Tự ở Lục Ngạn đã may mắn được phụng sự dưới trướng hầu! Ngài đối đãi như tình thâm, mạc tướng không sao quên được!
An Định Hầu ngơ ngác:
- Trương Tự đất Lục Ngạn ư? Trương Tự…Trương Tự… chẳng phải là Tả Quân Trương Tự lộ Hồng Hà đây sao?
Tên lính hầu mừng rỡ đáp:
- Bẩm, chính là mạc tướng! Không ngờ ngài vẫn còn nhớ đến!
Thác Hoa cùng Đinh Phúc nghe hắn thừa nhận không khỏi giật mình:
- Tả quân ư?
Quân đội nhà Đinh vốn ảnh hưởng cấp bậc của nước lớn phương bắc thành ra gần như tương đồng nhau. Tuy nhiên, Đinh Tiên Hoàng Đế còn phân định ra bốn cấp riêng là Tả Quân, Hữu Sứ, Trung Tướng, Tiền Quân. Bốn cấp này hiển nhiên vẫn dưới quyền đại soái thống lãnh nhưng gần như là riêng biệt. Thường thì trên lính trơn sẽ là đội phó, đội trưởng, đô úy, đại đô úy, phó tướng, tướng quân mới đến phó soái, đại soái, đại tướng quân. Như Đinh Quan Viễn giữ tước An Định Hầu là hơn cấp Đại Tướng Quân một bậc. Bốn tước Tả Quân, Hữu Sứ, Trung Tướng, Tiền Quân chính là dưới trướng tước hầu. Nói như vậy không có nghĩa bốn cấp trên ngang hàng với đại tướng quân. Ví như Lê Hoàn giữ chức Thập Đạo Đại Tướng Quân hiển nhiên đứng đầu hết thảy binh tướng. Ông ta quyền hành chỉ thua kém hoàng đế. Đinh Tiên Hoàng Đế vốn có lòng đa nghi. Cho nên hoàng đế nghĩ ra bốn tước trên bản chất để kềm kẹp tước hầu. Như trước đây dưới trướng An Định Hầu có Lê Mục là Tả Quân, Lý Hoan làm Hữu Sứ, Trần Biền làm Trung Tướng, Đinh Thương làm Tiền Quân.
Ban đầu, hoàng đế có chủ ý kềm kẹp. Nhưng Đại Cồ Việt chỉ có mỗi một Đinh Quan Viễn giữ tước hầu. Vị thân gia này lại đối xử với bốn cấp kia thâm tình khiến chuyện kềm kẹp trở nên vô nghĩa. Vì vậy sau này, hầu như chẳng còn bốn tước vị trên nữa.
Muốn làm được Tả Quân, Hữu Sứ hay Tiền Quân, Trung Tướng chí ít phải kinh qua trận mạc mười năm, đã từng nắm binh mã không dưới một vạn. Thác Hoa và Đinh Phúc thấy Trương Tự tuổi cùng lắm chỉ ba mươi, vóc người lại thấp bé càng không biết vì sao hắn lại từng giữ được tước Tả Quân. Hơn nữa, từ Tả Quân binh quyền hơn vạn giờ lại thành một lính hầu, cả hai không khỏi giật mình khó hiểu.
An Định Hầu vội dìu hắn đứng dậy:
- Mau, nếu để người khác nhìn thấy ngươi khó tránh bị khép tội chết! Đừng gọi ta là tước hầu nữa! Ngươi vì sao lại thành một tên lính hầu như vầy?
Trương Tự cười chua chát:
- Chỉ trách mạc tướng không biết xu nịnh hùa phe kéo cánh!
An Định Hầu hiểu ra liền vỗ vai hắn:
- Thật uổng cho cái dũng của ngươi!
An Định Hầu quay sang Đinh Phúc mà hỏi:
- Ngươi có nhớ trận Tát Bà Nhai hay không?
Đinh Phúc trợn mắt hỏi lại:
- Bẩm, tên này chính là tả quân lừng lẫy năm đó ư?
Tác Bà Nhai là địa điểm nằm sâu hơn hai trăm dặm đường núi của đạo Lâm Tây. Các động chúa, tộc trưởng nổi loạn đã dùng kế dụ quân Đại Cồ Việt vào đến đây rồi mai phục. An Định Hầu từ Quỷ Môn Quan hành quân ngày đêm tới Tác Bà Nhai thì đương trường đã thất thế. Chỉ thấy Tả Quân Trương Tự còn hai ngàn tàn binh đang quyết tử mở đường máu. Trương Tự lúc dẫn quân thì tự mình đi đầu làm tiên phong, lúc rút lui lại một mình đoạn hậu. Vương hầu nhìn Trương Tự dùng thanh trường đao vũng vẫy giữa hơn năm sáu vạn quân phiến loạn uy thế dũng mãnh chẳng khác gì Đinh Phúc năm xưa đoạn hậu cho Nguyễn Khoan mà chận đường Đinh Tiên Hoàng Đế. Rốt cuộc, An Định Hầu đem binh tiếp viện thì Trương Tự một mình đã chém chết gần mười tộc trưởng động chúa còn giết hơn ba trăm quân nổi loạn. Lần đó bên cạnh vương hầu còn có Lê Hoan, Lý Mục toàn là tướng giỏi nhưng cả hai đều phục Tả Quân Trương Tự sát đất.
An Định Hầu bình định châu Quan Tế xong lại phải ngày đêm kéo quân đầu hổ về cứu nguy Ứng Kê đang bị giặc chiếm. Sau, ông ta còn đem quân đánh tới Đông Môn của nhà Tống, chiếm luôn mười mấy quận quanh đó. Tả Quân Trương Tự đều theo sát lập không ít chiến công lừng lẫy. An Định Hầu có bụng muốn giữ Trương Tự dưới trướng nhưng Đinh Tiên Hoàng Đế lấy cớ quân đội của tước hầu đã đủ thành thử không đồng ý. An Định Hầu đành đoạn phải để Trương Tự được rút về mà trong lòng tiếc nuối đến mất ăn mất ngủ hơn tháng ròng. Ông ta cứ nghĩ Tả Quân Trương Tự về sau đã có được vị thế lẫy lừng hoặc ít ra cũng đã là hàng phó soái. Chẳng ngờ bây giờ hắn chỉ còn là tên lính hầu thấp bé, vương hầu càng nghĩ càng không khỏi ngậm ngùi:
- Nếu năm xưa ta kiên quyết xin bề trên thì ngày nay ngươi đâu đến nổi như vầy!
Trương Tự cười gượng:
- Đa tạ ngài quan tâm! Chỉ hận là không phùng thời! Mạc tướng dầu bị chèn ép phải xuống làm lính hầu nhưng vẫn mong chờ có loạn để được dịp vùng vẫy một phen! Được như vậy, chết cũng không cần hối tiếc!
An Định Hầu toan lựa lời an ủi hắn nhưng ngẫm lại bản thân còn chưa lo được sao có thể cáng đáng thêm phần người khác nên im lặng. Thác Hoa nghe Trương Tự nói chỉ muốn được phen vùng vẫy lần cuối chết không hối tiếc tự nhiên sợ lạnh cả người. Câu này đã điểm trúng tâm tư An Định Hầu. Ông ta bao năm yên vị giữa ganh ghét của bách quan tướng đồng liêu âu cũng chỉ chờ một lần tắm máu sa trường. Giờ thành ra tội nhân bị quản chế hiển nhiên ít nhiều không khỏi phẫn chí. Thác Hoa tự nhiên đến cạnh nắm chặt lấy bàn tay to bè của ông ta. Ông ta thấu hiểu bụng dạ người ngọc đang an ủi bèn nhìn nàng chỉ cười gượng chua chát. Đinh Phúc ngó thấy không khỏi ngậm ngùi thêm. Tình cảnh của Tả Quân Trương Tự hôm nay chính là An Định Hầu ngày mai. Chỉ sợ, An Định Hầu còn lâm thảm cảnh hơn họ Trương nhiều.
Trương Tự dẫn đường đưa ba người đi vòng vèo mấy đoạn hành lang rộng. Thác Hoa không ngừng quan sát. Quả nhiên, chỉ có lác đác vài ba lính già canh gác. Đinh Tiên Hoàng Đế hạ lệnh quản chế An Định Hầu nhưng lại canh chừng lỏng lẽo tất nhiên có dụng ý dụ ông ta bỏ trốn hoặc giả là kẻ cùng phe ông ta đến cứu.
Vòng vèo thêm hai đoạn hành lang là ra điện trước. Nơi này binh lính hơn năm trăm đeo kiếm vác thương chỉnh tề. Bọn lính này thấy An Định Hầu thì tự nhiên cúi gầm mặt xuống không dám ngước nhìn. An Định Hầu liếc mắt ngó qua cả bọn thì chỉ hừ nhạt khinh bỉ. Đinh Phúc càng ngông ngênh biểu lộ khinh rẻ ra mặt, thiếu điều muốn dùng đế giày đạp dí từng tên xuống đất. Thác Hoa tò mò bèn hỏi nhỏ:
- Đây là binh lính của tướng quân nào?
Thác Hoa hỏi nhỏ nhưng Đinh Phúc thì đáp dõng dạc, cốt cho bọn lính nghe thấy:
- Phu nhân không biết ư? Năm trăm binh lính đây lừng lẫy khắp Đại Cồ Việt! Là những kẻ đã cắt đầu chủ cũ để dâng cho An Định Hầu lập công! Vương hầu chỉ tiếc khoản đất chôn xác bằng không đã xử tử hết thảy bọn phản chúa cầu vinh này!
Đinh Phúc nhân tiện rủa xả không tiếc lời. Bọn lính càng nghe càng đỏ bừng mặt hổ thẹn.
Vốn vào năm Thái Bình thứ hai tức Đinh Triều năm thứ tư, có một nhóm tàn binh của các sứ quân ngày trước tập trung ở đất Thạch Cố thuộc châu Phiên kề cận đạo Lâm Tây. Bọn tàn binh này tôn Trần Dự làm chúa mưu toan tạo phản. Châu Phiên chỉ cách ải Quỷ Môn Quan một ngày một đêm đi ngựa thành ra Đinh Tiên Hoàng Đế hạ lệnh cho An Định Hầu dẹp loạn. An Định Hầu chỉ dẫn một ngàn quân đầu hổ, tự thân tiên phong đánh ba trận liền giết không biết bao nhiêu người ngựa. Bọn tàn binh vừa đánh vừa lui chẳng ngờ trúng kế bị ép vào một góc ba bề là núi đá không thể vượt qua được. An Định Hầu an nhàn đóng quân trấn giữ đường thoát duy nhất, lệnh cho người ngựa nghỉ ngơi nửa ngày rồi mới công phá. Ngờ đâu mới đến trưa, có năm trăm tên tàn quân cưỡi ngựa chạy ra đem theo cái đầu của Trần Dự. Bọn chúng vốn thấy khó bề sống nổi nên lén tạo phản mà chặt đầu chúa dâng An Định Hầu lập công mong yên thân.
An Định Hầu không nói tiếng nào bèn ra lệnh an táng đầu lâu Trần Dự đúng lễ. Sau, ông ta bắt trói hết thảy năm trăm tên lính phản loạn đó lại. Cả bọn cứ ngỡ sẽ được biệt đãi hậu hĩnh chẳng ngờ bị vương hầu giữa ba quân mắng một trận về tội bất trung. An Định Hầu mắng xong, mới hạ lệnh chiêu an đám tàn quân còn trấn thủ phía trong. Tuy nhiên, tàn quân đó nhất định không chịu hàng. An Định Hầu chiêu an ba lần chẳng thành đành phải cất binh tiến đánh. Đám tàn binh còn lại lớp quyết tử, lớp tự vẫn hơn một ngàn người. An Định Hầu đều cho an táng cẩn thận rồi giải năm trăm tên lính nọ về Quỷ Môn Quan.
An Định Hầu triệu tập hết thảy lính đầu hổ lại, đem chuyện năm trăm tên lính phản loạn này kể ra. Bốn vạn quân đầu hổ đồng loạt rủa sả thậm tệ. Tiếng hô chém đầu vang xa mười dặm còn nghe rõ chẳng khác gì sấm rền. Bọn lính phản loạn nửa nhục nhã nửa hối hận chỉ mong vương hầu hạ lệnh giết cho rảnh nợ. Ngờ đâu An Định Hầu lại cười khinh bỉ hỏi lớn:
- Đất Đại Cồ Việt chúng ta có dư để chôn những tên bất trung như vầy hay không?
Bốn vạn quân hổ đầu lại cùng nhau cười ha hả đắc ý hô không. Năm trăm tên lính phản loạn bị đày tu sửa đường cái quan nối dài từ Quỷ Môn Quan đến thành Đại La. Sau, Lưu Cơ trong lúc dựng thành ở quận Vị Châu lại hụt mất lính gác bèn trưng dụng bọn chúng. Bọn chúng đối với An Định Hầu vừa căm hận vừa hổ thẹn. Tuy nhiên, phần hổ thẹn nhiều hơn cả cho nên giáp mặt vương hầu khiến nhớ lại chuyện cũ, tên nào cũng chỉ biết cúi gầm mặt không dám ngẩng đầu lên nhìn.
An Định Hầu, Thác Hoa cùng Đinh Phúc theo Trương Tự bước vào trong điện. Chỉ thấy hai bên lính gác tuốt gươm sáng rực. Ngồi trên là một tướng quân gương mặt nhỏ thó, mũi bè môi mỏng đang lườm mắt hặm hực. An Định Hầu nhìn hắn rồi cười nhạt:
- Hổ sa cơ chó nhà cậy chủ!
Tên tướng quân đó tên Trần Nghiêm. Trước đây hắn là phó soái của An Định Hầu chỉ vì ham chè chén làm lỡ công vụ đã bị phạt đánh năm mươi gậy đuổi đi. Hắn vốn là cháu họ xa của Thái Sư Lưu Cơ, do đó ưa cậy quyền thế chẳng ngờ vương hầu không hề nể mặt còn dùng hình. Hắn oán hận An Định Hầu cùng cực. Thành thử được lệnh tra hỏi, Trần Nghiêm mừng rỡ có dịp rửa hận cũ.
Trần Nghiêm ngồi trên trướng cao khinh khỉnh nói:
- Tội nhân vào gặp bổn tướng sao không quỳ xuống?
An Định Hầu thản nhiên:
- Cái quỳ lạy của tước hầu, chút tước phó tướng nhỏ nhoi của ngươi có nhận nổi hay không?
Trần Nghiêm cười rộ:
- Bệ hạ có chỉ dụ ngài đã nghe qua chưa? Có cần ta đọc lại hay không? Cái gì là tước hầu? Mau quỳ xuống cho ta!
An Định Hầu đáp:
- Chỉ dụ nói tạm thời đình chức hầu! Nhưng ngày trước giữa bá quan nơi điện Kiến Xương, trước cả khi phong tước hầu, bệ hạ đã nói miễn ta không cần dùng đại lễ khi tiếp kiến! Ngươi muốn ta quỳ phải chăng muốn bệ hạ làm kẻ nói không giữ lời? Hay ngươi cho địa vị bản thân còn cao hơn cả bệ hạ?
An Định Hầu lôi cả Đinh Tiên Hoàng Đế vào cuộc. Trần Nghiêm vốn muốn làm nhục một phen chẳng ngờ bị bắt lý lẻ không sao đối đáp được. Hắn giận đến đỏ mắt bèn quay sang Đinh Phúc đang đứng khinh khỉnh mà quát thị uy:
- Còn ngươi gặp bổn tướng quân sao không quỳ xuống!
Đinh Phúc tức thì ôm bụng cười rũ rượi. Hắn cười đến chảy cả nước mắt khiến Trần Nghiêm tím tái mặt mày, quát:
- Hỗn láo! Ngươi cười cợt cái gì?
Đinh Phúc thôi cười, đáp:
- Tướng quân khắp Đại Cồ Việt này ta biết không sót mặt người nào. Ngươi lúc nào cũng tự xưng bổn tướng quân không biết là do ai phong tước? Nếu ngươi là tướng quân thì ta nhất định phải biết mặt, còn nếu chỉ là hạng phó tướng nhỏ nhoi hênh hoang thì nên thận trọng cái đầu trên cổ của ngươi! Ngươi tự gia phong tước vị chiếu theo luật định là xử tử! Ngươi nói xem, ngươi là tướng quân nào đây?
Trần Nghiêm giật mình kinh sợ. Vốn Đinh Tiên Hoàng Đế dùng luật trị nước rất nghiêm, phàm đã phạm vào luật định, mười tội đều xử tử cả mười. Các sử gia đời sau dù khách quan hay chủ quan cũng đều chung nhận định, đây là cách trọng dụng pháp hình quá mức đến cứng nhắc của Đinh Đế. Pháp nghiêm có thể chấn chỉnh quốc thể tức thời nhưng dần lâu dài hiển nhiên đều phải trọng nhân nghĩa. Đinh Tiên Hoàng Đế dựng nước trên đống đổ nát của loạn mười hai sứ quân nên phải đành dùng pháp trị nghiêm ngặt. Thành thử, từ quan tướng đến thường dân thời này nghe nhắc đến luật định đều có mấy phần sợ hãi. Trần Nghiêm cũng không ngoại lệ. Hắn muốn thị uy nên đều xưng hô là tướng quân đã phạm vào điều húy kỵ trong thứ tự cấp bậc. Đinh Phúc nhân đó dọa thêm một chút đã khiến hắn sợ hãi lắp bắp:
- Ta…ta là phó tướng! Bổn phó tướng xưng hô rõ ràng tước vị chỉ là…chỉ là tai ngươi nghe lầm đấy thôi!
Đinh Phúc cười khẩy đáp:
- Ta đến giờ vẫn là tổng quản điện Vĩnh Tường! Ngươi chỉ là phó tướng nhỏ nhoi dám bắt ta quỳ ư? Cũng được, ngươi cứ về Hoa Lư xin chiếu chỉ bệ hạ giáng chức của ta, ta khi đó từ động sẽ quỳ lạy ngươi!
Quả thật, chỉ dụ Đinh Tiên Hoàng Đế chỉ đề cập đến việc đình tước cắt bỏ binh quyền của An Định Hầu, không hề đá động gì đến Đinh Phúc. Phan Nghiêm hai phen thị uy đều bị bắt bẻ đuối lý vừa tức giận vừa xấu hổ vô kể. Hắn liền nhìn sang Thác Hoa mà cười hiểm:
- Còn ả này thì sao? Ả này gặp bổn phó tướng sao không quỳ xuống?
An Định Hầu Đinh Quan Viễn bị đình tước hầu hiển nhiên Thác Hoa không còn là vương hầu phu nhân. Nàng chẳng kém thường dân là mấy. Theo lệ, thường dân bị triệu gặp quan tướng đều phải khấu đầu quỳ lạy. Thác Hoa thân là hoàng chúa Chân Lạp dễ dầu gì bắt nàng phải hành lễ. Chưa kể đến chuyện tên Phan Khiêm chèn ép. Hắn càng nói, Thác Hoa càng điềm nhiên đứng không thèm đối đáp.
Phan Nghiêm hô đến mấy lần, Thác Hoa vẫn đứng trơ như đá. Hắn tức thì quát lớn:
- Người đâu, mau dụng hình ả này cho ta!
Hắn ngó thấy Thác Hoa quấn một tấm vải lớn chen mặt càng điên tiết:
- Mau dụng hình với ả này! Bắt ả phải tháo khăn che xuống cho bổn phó tướng!
Thác Hoa định bụng đang tình thế hạ phong thì đấu dịu quỳ lạy để khỏi gây khó dễ cho An Định Hầu cũng không sao. Tuy nhiên, bắt nàng phải tháo khăn che mặt cho kẻ khác ngó nhìn thì phạm vào đại kỵ. Nàng càng kiên quyết không chịu.
An Định Hầu thấy có hai tên lính hầu toan đến gần Thác Hoa thì tức thời quát lớn:
- Hỗn láo! Tên nào dám làm càn với phu nhân của ta!