Thác Hoa ngơ ngác hỏi lại:
- Con thỏ đào hang? Phải chăng muốn nói đến việc con thỏ luôn chừa ba miệng thoát trong một cái hang trú ngụ?
Đinh Phúc đáp:
- Bẩm, phu nhân nói không sai! An Định Hầu chính là con thỏ, ngài chỉ ngừa cho mình được hai miệng hang để thoát hiểm! Hai miệng hang đó nhìn thì chắc chắn nhưng về lâu dài sẽ không còn tác dụng! Vì vậy, hạ quan đã hiến kế cho ngài dựng nên cái miệng hang thứ ba để kiềng bệ hạ vào trong!
Thác Hoa chau mày lẩm bẩm:
- Ba miệng hang thoát hiểm ư?
An Định Hầu được Đinh Đế trọng dụng giao làm nhiều việc riêng tự nhiên sẽ thành kẻ giữ nhiều bí mật, đây cũng là nguyên cớ ông ta không cần sợ kẻ nào gây khó dễ vì được đích thân chí tôn yểm trợ sau lưng. Việc Đinh Đế cần nhất ở An Định Hầu chính là coi ngó ải Ứng Kê và Quỷ Môn Quan. Ải đầu nhằm chống quân phương bắc tràn xuống. Ải thứ hai chính là phòng bị đạo Lâm Tây phát sanh nội loạn, lại là chốt chặng cuối cùng để ngừa mất Ứng Kê. Hơn mười năm ròng lúc công lúc thủ An Định Hầu chẳng bao giờ bại trận lại thường lấy ít địch nhiều, đủ đã chứng minh được giá trị. Các chiến tướng khác của Đinh Tiên Hoàng Đế phần thì không thông thuộc hai ải Ứng Kê và Quỷ Môn Quan, phần thì chẳng có nhiều kinh nghiệm đối địch nước Tống như vương hầu, vì thế, dầu muốn dầu không Đinh Tiên Hoàng Đế vẫn phải trọng dụng An Định Hầu. Thác Hoa đoán chừng đây chính là hai miệng hang thoát hiểm mà Đinh Phúc vừa nói đến.
Nàng tự luận, An Định Hầu nắm nhiều bí mật của hoàng đế lâu ngày tự nhiên thành cái nhọt khó chịu. Đinh Tiên Hoàng Đế một khi muốn bỏ đi sự khó chịu này cũng chẳng khó khăn gì, chỉ cần từng bước cắt giảm binh quyền rồi thuận thế sóng cao đè đất bằng là êm chuyện; về phía quan ải, hoàng đế chỉ việc theo sự sắp đặt trước đây của An Định Hầu rồi cử tướng thiện chiến khác lên thay, dần dà nắm rõ tình hình tự nhiên cũng phần nào ổn thỏa. Hiển nhiên, nếu bất ngờ phế bỏ An Định Hầu sẽ khiến nhiều hàng binh hàng tướng khác trong quân ngũ Đại Cồ Việt ngờ vực oán hận rồi sanh loạn, nhưng nếu khéo léo vỗ về chiêu an, lại thêm nguyên do bế phỏ hợp lý, hoàng đế thừa sức dẹp yên họa tiềm tàng này. Đinh Phúc nói không hề sai lệch, chỉ cần qua thời gian, hai miệng hang phòng bị thoát hiểm của An Định Hầu đều mất tác dụng. An Định Hầu nắm binh quyền cùng tước hầu dưới trướng Đinh Tiên Hoàng Đế cũng gần mười năm, đủ thời gian để hoàng đế xếp đặt mọi chuyện hòng tính đường trừ bỏ sau này nếu tình thế cấp thiết.
Từ lúc biết Đinh Phúc, càng ngày Thác Hoa càng ngầm khâm phục hắn. Bề ngoài hắn cục mịch thô lậu, thêm phần ra vẻ luôn ham muốn hưởng lạc, chẳng ngờ tiềm tàng đằng sau khuôn mặt húp híp ưa xu nịnh bè cánh lại là trí tuệ đôi lúc sáng suốt đến lạ kỳ.
Thác Hoa đột nhiên hỏi:
- Hoàng hậu Trinh Minh phải chăng xuất thân từ đạo Lâm Tây?
An Định Hầu đứng bật dậy trợn mắt. Ông ta miệng cứ mở to nhưng chẳng thể thốt ra thành lời, cứ nhìn vị phu nhân trời ban của mình trân trối. Đinh Phúc như thể bị ong độc đốt. Hắn nhảy nhỏm người vội vàng mở cửa nhìn ra ngoài. Hắn không an tâm, tự thân đi tuần liền hai vòng để chắc chắn chẳng còn ai nghe lén, mới quay lại đóng chặt cửa phòng. Nơi trú ngụ của An Định Hầu là một phòng lớn chia ra ba nơi, phần trước phòng đặt bàn để tiếp khách, lùi vào trong là nơi nghỉ ngơi với giường gấm rèm buông kín đáo, phần phía hông dùng làm nơi tắm gội. Đinh Phúc quay trở lại phòng thì An Định Hầu và Thác Hoa đã lùi vào nơi nghỉ ngơi. Ông ta ra hiệu gọi, Đinh Phúc tất tả đến gần bên, rốt cuộc cả ba người đều ngồi lên giường buông rèm để thì thầm bàn chuyện. Trong mấy mươi năm chinh chiến của An Định Hầu, có lẽ đây là lần duy nhất bàn chuyện lại phải trèo lên giường.
An Định Hầu đã bình tâm trở lại. Ông hạ giọng hỏi:
- Nàng vì sao lại đoán ra được xuất thân của hoàng hậu Trinh Minh?
Thác Hoa đáp:
- Chuyện này rất rõ ràng, ngài làm tước hầu rồi mới thu nạp được Đinh Phúc! Có nghĩa rằng, hai miệng hang phòng bị kia vốn đã được ngài sớm xếp đặt! Đinh Phúc tuy sau này quy thuận làm thuộc hạ của ngài, chí ít phải qua vài ba năm thử thách, ngài mới xem hắn là tâm phúc! Trong vài ba năm đó, hắn tự biết đang bị ngài giám sát chặt chẽ nên nào dám bàn tính kế sách gì ngoài răm rắp dốc lòng thể hiện sự trung thành! Thiếp nhẩm tính thời gian các sự kiện trên, vừa vặn dịp ngài nhận lệnh hoàng đế dẹp loạn lộ Lâm Tây! Đinh Phúc hiến kế sách kiềng hoàng đế vào trong chỉ có thể là sau khi ngài bình định nội loạn ở đạo Lâm Tây xong!
Đinh Phúc đổ mồ hôi hột đáp:
- Phu nhân thật khiến người khác phải giật mình vừa kính nể vừa sợ hãi!
Thác Hoa nghe hắn tán tụng thì thêm phần cao hứng. Nàng bèn nói tiếp:
- Tuy thiếp không rõ kế sách kiềng hoàng đế như thế nào nhưng cũng đoán ra căn bản là chuyện đạo Lâm Tây có yên ổn hay không? Ngài từng nói, cơ mật vốn can hệ đến sự tồn vong của Đại Cồ Việt. Một nước dễ bại vong trước nước khác chỉ có nguyên do từ nội loạn bên trong mà thôi, nội lực yếu nhược còn nói gì đến chuyện chống được ngoại loạn!
An Định Hầu cười hà hà nói:
- Lúc ở thành Định Biên, nàng từng lời từng chữ nói rõ việc suy luận ra kế sách nam tiến đã khiến ta vừa nể phục, vừa sợ hãi! Ta khi đó nghĩ, nếu giết nàng thì thật dễ dàng nhưng giết nàng rồi thì ta càng không an tâm, lỡ như nàng phòng hậu đã nói chuyện trên cho kẻ khác biết thì giết nàng hóa ra vô dụng còn uổng một kỳ tài! Vì vậy ta mới giữ nàng lại cạnh bên! Tuy nhiên, chẳng ngờ nàng còn có thể khiến ta sợ thêm lần thứ hai!
Thác Hoa cười khúc khích:
- Tiếc là ở đây lại không có lưỡi dao nào như khi ở thành Định Biên!
An Định Hầu cười theo Thác Hoa để xoa dịu tình hình rồi hỏi:
- Ta đến giờ vẫn còn thắc mắc, vì sao lúc đó, nàng một mực ngoan ngoãn theo phù trợ cho ta? Ta tính ra chỉ hơn nàng ở điểm thiện chiến sa trường, bì về trí óc, bì về mưu lược, nàng còn hơn ta một bậc, chưa kể suy luận nhanh nhẹn hiếm có vô cùng!
An Định Hầu hỏi xong lại nở nụ cười tươi ôn hòa, hiển nhiên câu hỏi năm phần tâng bốc Thác Hoa, năm phần tỏ ra hồ nghi. Thác Hoa thừa hiểu, đây là khúc mắc ăn sâu vào trí óc của An Định Hầu. Phần tâng bốc nàng rõ ràng đùa vui đánh lãng riêng phần nghi ngờ mới là sự thật. Ông thu nạp nàng rồi vào tình thế ép buộc phát sanh tình cảm kết chăn gối nhưng vẫn có bụng phòng bị trí trá. Vì thế, dẫu một bước đột nhiên thành vương hầu phu nhân, Thác Hoa vẫn hết mực cung kính giữ đạo không hề khiến An Định Hầu chê trách điều gì. Tuy nhiên, kẻ trí một khi đã nghi ngờ thì như trồng cây trên đất tốt, thời gian qua đi khắc nào, cây lớn thêm khắc nào thì nghi ngờ như rễ càng đâm sâu khắc ấy. An Định Hầu thấy Thác Hoa tròn đạo chỉ khiến lòng thêm phòng bị. Nhất là sau chuyện ba tướng Trần, Lê, Lý mưu phản, lòng ông ta lúc nào nặng trĩu những toan tính âu lo.
An Định Hầu nói tiếp:
- Ban đầu ta nghĩ, nàng theo ta hòng để dùng cho nước tính lớn cùng chống Tống! Nhưng về sau càng nghĩ, ta càng thấy không thỏa! Ví như nguyên do trên, người nàng hiệp lực là Đinh Tiên Hoàng Đế mới đúng! Chỉ cần nàng hi sinh lá chắn tiền tuyến là Chiêm Thành rồi liên kết hòa hảo với Đại Cồ Việt trấn giữ cõi phương nam chẳng phải thế vững bàn thạch hay sao?
Đinh Phúc nghe đến đây không khỏi buột miệng:
- Phu nhân sao lại có uy lực quyết định được Chiêm Thành lại còn ngang hàng liên kết với Đinh Tiên Hoàng Đế?
An Định Hầu cười xòa nói với hắn:
- Ngươi còn chưa biết người bấy lâu nay vẫn được gọi là phu nhân vương hầu có thân phận thế nào ư?
Đinh Phúc ngơ ngác:
- Chẳng phải đây chính là nội gián được ngài cài vào nội bộ của Chiêm Thành đó sao?
An Định Hầu xua tay:
- Ta quanh năm suốt tháng coi chừng ải bắc làm gì còn tâm trí xếp đặt trước như vậy! Chỉ là cách nói để hợp lý trước sự hồ nghi của chư tướng đó thôi!
Đinh Phúc run giọng:
- Vậy phu nhân thật sự là ai?
An Định Hầu đáp:
- Nàng chính là nữ vương tương lai của Chân Lạp đó!
Đinh Phúc nghe xong không khỏi bủn rủn tay chân. Hắn té nhào khỏi giường đánh bịch một tiếng lớn trên nền gạch đau thấu xương. Tuy nhiên, hắn chẳng còn tâm trí màng đến đau đớn. Hắn vội vàng bò dậy sợ hãi:
- Nữ vương tương lai Chân Lạp! Hạ quan có nghe lầm không?
So bề với Chiêm Thành, Chân Lạp tính cả quân lực lẫn giàu có hơn gấp mấy mươi lần. Từ xưa Chân Lạp luôn giữ mối giao hảo như tay chân cùng Ai Lao và Chiêm Thành tạo thế kiềng hai chân vây lấy mảng tây và nam Đại Cồ Việt. Ai Lao và Chiêm Thành sở dĩ dám dốc sức quấy phá Đại Cồ Việt suốt nhiều năm đều do được Chân Lạp chống lưng. Đại Cồ Việt vì phải căng sức chống nước Tống ở phía bắc nên chẳng thể chia quân trực chiến. Đinh Tiên Hoàng Đế nhiều phen cử sứ hòa hảo với nước Tống, căn bản để yên bề toàn lực đối phó Chiêm Thành, Ai Lao. Hoàng đế nhà Tống vẫn niềm nở tiếp sứ giả Đại Cồ Việt lại ký cả hòa ước nhưng đôi bên đều ngầm hiểu hết tám phần đều tự dối gạt nhau. Nước Tống muốn mở rộng biên giới xuống phía nam. Cực chẳng đã, Khiết Đan, Tây Hạ, Thổ Phồn ở hai phương đông bắc, tây bắc không ngừng gây chiến, nước Tống không thể đường hoàng mang quân nam chinh, bèn dùng lại kế sách của Thương Ưởng thời Tần, kết giao hảo xa đánh gần
Nước Tống vừa nhận giao hảo với Đại Cồ Việt đồng thời ngầm giao hảo với Chân Lạp, Chiêm Thành. Tống một khi chiếm được Đại Cồ Việt thì chiếm cả hai nước kia thuận tiện vô cùng, bằng ngược lại không chiếm xong Đại Cồ Việt, hai nước kia cứ luân phiên quấy phá, Đại Cồ Việt chẳng thể yên ổn gầy dựng hùng mạnh được, kế hoạch nam tiến của nước Tống chỉ còn vấn đề thời gian. Tính đi tính lại, vua tôi nhà Tống vẫn thấy giao hảo với Chiêm Thành, Chân Lạp là lợi hơn cả, nhưng lợi nhất vẫn là giao hảo luôn Đại Cồ Việt, chẳng những giao hảo ngoài mặt còn cho ký cả văn kiện hòa ước để đảm bảo. Vốn, Đại Cồ Việt yên ổn mặt bắc tất nhiên dốc lòng trực chiến Chiêm Thành cùng Ai Lao vô tình kéo cả Chân Lạp vào cuộc. Nước Tống chỉ cần ung dung rung đùi chờ tàn cuộc, phe nào chột bên nào què đều hữu ích. Nếu xuôi chèo mát mái, nước Tống sẽ cử đại quân một trận quét sạch.
Tuy nhiên, Đại Cồ Việt, Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp cũng không dại dột gì tin tưởng hoàn toàn vào hòa ước của nước Tống. Các bên đều ngầm hiểu, sự lụn bại của nước này sẽ là hệ lụy điêu tàn của các nước còn lại. Thành ra, mối quan hệ giữa triều Tống và các nước phía nam là mối quan hệ hai mặt của lưỡi dao, tùy vào thời thế có thể xoay trở bất kỳ lúc nào.
Trong bốn nước trên, Đại Cồ Việt là yếu thế nhất. Nhà Đinh muốn dẹp yên Chiêm Thành, Ai Lao thì trước hết phải ngừa chuyện nước Tống đục nước béo cò. Đó là nguyên do Đinh Tiên Hoàng Đế trọng dụng An Định Hầu Đinh Quan Viễn. Chí ít từ thời Ngô Tổ xưng quốc quyền chỉ có mỗi mình vương hầu chẳng những đánh bại các cuộc xâm lược từ phương bắc mà còn dám đem quân đánh ngược qua tận Đông Môn khiến quan quân mười hai châu huyện kề cận của nước Tống sợ đến vỡ mật. Vì vậy, nhắm chừng có thể an tâm phía nước Tống, Đinh Tiên Hoàng Đế mới chấp thuận kế sách rèn quân ở Định Biên hòng tính ngày bàn chuyện phải quấy với Chiêm Thành.
Tính đi tính lại, chỉ Chân Lạp là có đủ thiên thời địa lợi lẫn nhân hòa. Đường bộ có Chiêm Thành trước mặt trên hết là Đại Cồ Việt che chắn, Chân Lạp không hao binh tổn tướng giao chiến với nước Tống. Đường thủy, Chân Lạp cách trở trăm ngàn hải lý xa xôi, nước Tống cũng chẳng dại xua thủy quân tập kích làm gì. Chân Lạp nhờ đó thừa sức xây dựng quân đội, tích trữ lương thực, chưa kể đến tài bảo vô giá chất đầy thành trì trong nước. Đại Cồ Việt thì chẳng thể gây nguy hại cho nước Tống, thành ra bài tính của nước Chân Lạp dễ hơn nhiều. Họ chỉ cần không để Đại Cồ Việt suy yếu quá độ bị Tống chiếm làm bàn đạp chinh nam, cũng không để Đại Cồ Việt được yên ổn hùng mạnh đánh bại Chiêm Thành làm mất lá chắn trước mặt. Chính vì thế, những khi Đại Cồ Việt có nạn nội loạn, Chiêm Thành, Ai Lao chẳng mấy khi đưa binh đánh phá biên ải, nhưng vừa lúc Đại Cồ Việt được yên ổn thịnh trị, Chân Lạp tức thì kích động Chiêm Thành, Ai Lao liên tục quấy phá biên giới. Trong mười năm suốt triều nhà Đinh, Chiêm Thành, Ai Lao đều cất binh tiến đánh những lần như vậy, nhiều phen lấn gần ngàn dặm đất vượt qua cả Hoành Sơn. Nước Tống hay tin liền rục rịch điều quân chờ thời nhưng kết cuộc thì thế liên kết không hề bị phá vỡ, lợi nhất vẫn là Chân Lạp được yên bình thịnh trị khiến thế nước ngày một hùng mạnh hơn.
Đinh Phúc vốn từng cùng An Định Hầu nhận định về cục diện đương thời. Hắn và ông ta đều thừa nhận đối phó với Chiêm Thành, Ai Lao không khó, điều hung hiểm nhất chính là nước Chân Lạp âm thầm giấu mặt phía sau. Vì thế Đinh Phúc rất ngán ngại Chân Lạp. Giờ lại nghe Thác Hoa chính là nữ vương tương lai của Chân Lạp, hắn ngẫm lại bao nhiêu bí mật dùng binh, cách bài trí biên ải đều bị thông tỏ thì sợ hãi tột độ. Ví như ngày nào đó nàng về lại Chân Lạp xua quân tiến đánh, mặt nam của Đại Cồ Việt nhất định nguy khốn, chưa kể có thể dẫn đến cảnh mất nước. Hắn càng nghĩ càng khó hiểu chuyện An Định Hầu chọn một nhân vật nguy hiểm như vậy làm phu nhân, lại còn hết lòng sủng ái vô tận.
Thác Hoa đoán chừng nhận xét của mình đã đúng. Nàng càng tò mò muốn biết rõ thực hư bên trong. Nàng định gặng hỏi Đinh Phúc thì An Định Hầu liền lên tiếng:
- Cơ mật này so với mưu đồ nam tiến còn trọng đại gấp trăm lần! Nhược bằng để lộ sẽ khiến triều chính sanh ra một trường tai bay vạ gió, tàn dư của các sứ quân nhất định quật khởi, nguy hại nhất vẫn là nạn ngoại xâm! Nếu nàng can dự vào sẽ giống ta và Đinh Phúc, sống hay chết đều chẳng thể rời! Tuy thật lòng ta hết mực sủng ái nàng nhưng nếu gặp tình thế cấp bách bắt buộc, ta vẫn phải giết nàng trước rồi Đinh Phúc sau! Theo ta, nàng không biết là hay nhất!
An Định Hầu chẳng mấy khi dọa dẫm nhiều đến vậy. Thác Hoa nghe xong thêm háo hức muốn tỏ tường thế kiềng do Đinh Phúc bày ra. Nàng đáp:
- Làm gì có chuyện chàng có nạn mà kẻ làm phu nhân như thiếp đứng ngoài cho yên được?
Đinh Phúc ngầm hiểu lời vừa rồi không phải An Định Hầu dành cho Thác Hoa. Những lời dọa dẫm đó chính là dành cho hắn. Hắn biết thân phận thật của Thác Hoa thì lòng dạ phân vân, nửa muốn giấu kín nhưng lỡ An Định Hầu cho phép thì không thể không nói rõ. Giờ nghe ông ta ngầm căn dặn, Đinh Phúc vội nói:
- Xin phu nhân an tâm! Vương hầu nhất định qua khỏi nạn này! Cùng lắm được bài trí ở một nơi xa lánh an nhàn hưởng thú điền viên!
Thác Hoa chau mày hỏi:
- Ngươi lấy gì để bảo đảm? Hôm nay ngươi cũng đã thấy, hoàng đế mắt nhắm mắt mở cho người hạch hỏi còn muốn làm nhục ta, lỡ như ngày khác hoàng đế cao hứng đem chúng ta ra chém thì sao? Hoặc giả âm thầm ban cho thuốc độc rồi loan tin đột ngột lâm bệnh qua đời, sao có thể bảo đảm được?
Đinh Phúc cười hì hì:
- Đã có đích thân hoàng đế bảo đảm, khắp Đại Cồ Việt này chẳng ai dám giết hại An Định Hầu dầu công khai hay lén lút!
Hiển nhiên, Đinh Phúc nói ẩn ý rõ ràng, chừng nào Đinh Tiên Hoàng Đế còn chưa hóa giải được thế kiềng do chính hắn bày ra thì hoàng đế vẫn phải thành miệng hang thứ ba để An Định Hầu thoát hiểm. Thác Hoa trong lòng cứ như có kiến bò khó ngồi yên được. Nàng liền giục:
- Ngươi mau nói cho ta biết ngươi đã bày ra được kế sách hay gì?
Có cho núi vàng biển bạc vào lúc này, đố mười Đinh Phúc dám hé miệng. Hắn liền cười giả lả hướng sang An Định Hầu:
- Việc này cơ mật nên xin để vương hầu tự thân kể rõ với phu nhân! Hạ quan không dám múa mép!
Rõ ràng hắn đá trách nhiệm sang chổ An Định Hầu. Muốn cạy được miệng An Định Hầu nào dễ dàng gì. Thác Hoa thấy vừa chủ vừa tớ nhất quyết không nói ra thì không khỏi hậm hực. Nàng liền lườm Đinh Phúc một cái:
- Cứ cho hoàng đế Đại Cồ Việt không dám giết ngươi nhưng ta thì thừa sức! Ngươi có tin hay không?
Đinh Phúc cười hà hà:
- Phu nhân tất nhiên thừa sức giết hạ quan! Nhưng tâm tư phu nhân nhơn từ độ lượng, thoáng đạt, thấu tình sẽ không nỡ xuống tay với kẻ một dạ trung thành như hạ quan!
Hắn đã quen miệng lưỡi ngon ngọt nên tâng bốc thêm vài câu thì Thác Hoa chẳng còn bụng muốn ép. Nàng ngó sang An Định Hầu cố bày ra ánh mắt cầu khẩn chân thành vô độ. Ông ta sợ bị dìm chết trong hai hồ thu sâu không đáy ấy tức thì nhìn sang chổ khác cho êm chuyện. Thác Hoa liền khóc ầm lên:
- Được, được! Chủ tớ các người cứ đem cơ mật đó mà nuốt vào trong bụng! Ta không thèm nữa!
An Định Hầu ra hiệu cho Đinh Phúc đi canh gác bên ngoài. Đinh Phúc nhắm chừng vị thần hầu oai phong chuẩn bị phải xuống nước nài nỉ phu nhân nên tự biết thân phận đi thẳng không dám ngoái nhìn. Thác Hoa càng khóc lớn:
- Thiếp thật là ngu ngốc! Từ bỏ vương vị, từ bỏ hoàng cung lặn lội ngược nam xuôi bắc theo ngài! Kết cuộc thật thê thảm, ngài đến lúc bị nạn vẫn nghi ngờ thiếp! Vậy thiếp sống còn ý nghĩa gì?
An Định Hầu đã quen với thủ đoạn nước mắt của Thác Hoa. Lần nào muốn ép uổng, nàng đều dùng cách này. Lạ ở chổ rằng dẫu đã quen, đã ngừa trước, An Định Hầu hễ nghe Thác Hoa khóc thì lòng dạ đều rối bời vô kể. Ông bèn hạ giọng nói:
- Ta thật tình không chịu nổi mỗi lần nàng khóc! Nhưng chuyện cơ mật này liên quan đến an nguy cả một triều đại nhà Đinh, ta không thể cẩu thả…
Ông nói chưa dứt đã bị tiếng khóc của Thác Hoa át đi. Nàng ta ba hồi kể lể cực khổ, ba hồi đòi sống đòi chết. Đinh Phúc gác bên ngoài cửa đoán chừng An Định Hầu khó bề tìm ra cách đối phó được với phu nhân quỷ quyệt nên thầm tính kế. Hắn ở cung cấm lâu năm nên công phu chiều lòng người khác đã đến ngưỡng thành tựu hiếm có. Hắn vội vàng mở cửa bước vào phòng đến cạnh bên vương hầu thì thầm. Thác Hoa vì đang giả vờ kêu khóc nên chẳng thể nghe rõ cả hai đang thì thầm điều gì. Chỉ thấy An Định Hầu nhăn mặt:
- Ta sao có thế….?
Đinh Phúc liền giục:
- Lẽ nào ngài định để phu nhân khóc đến đêm hay sao?
An Định Hầu toan đáp, làm sao có đủ nước mắt mà khóc đến trời tối được, nhưng nghĩ lại để Thác Hoa nghe lời này khác gì châm thêm dầu vào lửa nên vội nuốt vào trong bụng. Ông ta nhẩm chừng không hạ mình bày trò thì không được. Ông vội xua Đinh Phúc ra ngoài rồi cứ để Thác Hoa khóc kể thêm một hồi, liền hỏi:
- Ở Chân Lạp của nàng có phải nữ nhân đều khóc giống nhau?
Thác Hoa khóc kể cũng đã khản cổ bèn dừng lại để lấy hơi. Nàng nghe hỏi dẫu chẳng ăn nhập gì đến chuyện cơ mật trên nhưng vẫn đáp:
- Nữ nhân mỗi người một vẻ, làm gì có chuyện khóc giống nhau được!
An Định Hầu ra vẻ tư lự:
- Ra là vậy! Hay lắm!
An Định Hầu lặp lại câu nói đến bốn năm lần. Thác Hoa đang thút thít phải hỏi:
- Ngài khen hay lắm cái gì? Ngài đừng hòng đánh trống lảng với thiếp!
An Định Hầu đáp:
- Sau này nếu về đến Chân Lạp, lại thuận tiện được làm phò mã nắm lấy ngôi cao, chiếu chỉ đầu tiên ta ban ra là cấm nữ nhân khắp bốn bề không được khóc nữa, dẫu có khóc cũng không được khóc ra thành tiếng!
Thác Hoa ngơ ngác:
- Làm gì có chiếu chỉ lạ đời đến thế!