An Định Hầu cười hà hà:
- Chiếu chỉ lạ đời như vậy để sau này chỉ có mình nàng được khóc mà thôi! Nàng khóc âm thanh thánh thót như chuông ngọc ngân vang, đem tất cả các loài chim hót hay nhất trần gian cũng khó bì lại! Nếu để những nữ nhân tầm thường kia khóc, khác gì xem thường tiếng khóc của nàng! Ta thật là may mắn, phu nhân của ta đẹp thì đẹp hơn vạn ngàn người đẹp khắp thiên hạ, đến khóc cũng khóc êm tai và hay hơn những nữ nhân khác trong thiên hạ! Viễn này phước thật lớn quá đỗi!
Thác Hoa nghe xong tự nhiên phì cười mát lòng mát dạ. An Định Hầu có bao đời rặn ra mấy câu nịnh vợ ngọt ngào đến thế, rõ ràng là thủ pháp của Đinh Phúc. Thác Hoa chưa hết ấm ức nhưng thấy vương hầu đã chịu xuống nước thì thôi làm mình làm mẩy. Nàng vội lau nước mắt ràn rụa trên mặt, hỏi:
- Nhưng thật sự hoàng hậu Trinh Minh có thể giúp chúng ta thoát qua được nạn này?
An Định Hầu nói giọng chắc nịch:
- Chỉ cần việc đến tai hoàng hậu, nhanh thì hai ngày, chậm thì bốn ngày, ta sẽ đưa nàng bình an ra khỏi nơi đây! Triều đình dẫu có nhiều kẻ muốn ta chết cho khuất mắt nhưng nàng yên tâm, vương hầu của nàng được bề trên cùng hoàng hậu Trinh Minh chiếu cố nên chẳng thể chết được!
Thác Hoa nghe vậy tự nhiên càng muốn biết chân tướng bên trong như thế nào. Nàng dùng cả nhu lẫn cương vẫn không ép An Định Hầu nói ra được thì liếc nhìn ông ta sắc lẹm:
- Thiếp không tin lại nghĩ không ra được cớ sự bên trong!
An Định Hầu cười hà hà nói lảng:
- Nàng cứ từ tốn mà ngẫm nghĩ, thong thả mà ngẫm nghĩ! Chỉ e nàng chưa nghĩ ra thì chúng ta đã bình yên vô sự, lúc đó, có nghĩ ra hay không cũng chẳng còn can hệ gì!
An Định Hầu có ý cười nhạo khiến Thác Hoa lại nổi cơn ấm ức. Nàng chẳng thèm đoái hoài đến ông, nằm xuống giường giả vờ ngủ, trong lòng tự hỏi:
- Đinh Tiên Hoàng Đế chẳng phải kẻ ngốc sao lại ngoan ngoãn chịu bị kiềng vào kế sách của Đinh Phúc? Rốt cuộc hoàng hậu Trinh Minh có lai lịch thế nào?
An Định Hầu biết vợ vẫn dỗi hờn, lại sợ lòng nữ nhi nghe nhắc đến nữ nhân khác bênh chồng dễ sang ghen hờn mù quáng, bèn nhỏ nhẹ vỗ về:
- Ta có mạng Hổ Tinh đứng đầu các thiên mạng khác. Mạng Hổ Tinh tự thân đã át uy kẻ khác nên dễ gây oán hận nơi lòng người nhưng chẳng sợ bị người vu hại! Nàng chớ lo lắng quá nhiều!
An Định Hầu toan dẫn dắt từ tốn nhưng chưa dứt lời đã bị Thác Hoa hờn giọng vặn ngang:
- Chàng chớ nói càn! Thiếp thừa biết chàng đâu tin chuyện chiêm thuật bói tướng! Chàng càng nói càng giống như lời dối gạt mà thôi! Thiếp không thèm nghe!
An Định Hầu cười hà hà:
- Đây không là mê tín dị đoan! Có nữ nhân đã diễn giải cho ta nghe về lẽ hưng vong thịnh suy của trời đất! Không phải là lời luyên huyên sàm bậy của bọn buôn thần bán thánh! Tâm tính ta cũng nhờ được điểm hóa phen ấy mới trở nên thông suốt hơn!
Trong bụng Thác Hoa đang ấm ức chuyện về hoàng hậu Trinh Minh, giờ nghe An Định Hầu nhắc thêm về nữ nhân khác, giọng lại thành kính quá độ có chiều vương vấn chút tình riêng, liền òa lên nức nở:
- Lại thêm nữ nhân nữa! Rốt cuộc ngài còn giấu bao nhiêu nữ nhân trong bụng?
Thường An Định Hầu sẽ cuống cuồng hạ mình dỗ dành ngay, nhưng phen này Thác Hoa làm dữ, An Định Hầu lại nghiêm giọng nạt:
- Nàng chớ suy càn diễn bậy! Bà ta tu đạo đến viên mãn, còn lớn tuổi hơn ta! Ta sao dám mạo phạm đem tình trần làm ố bẩn bà ấy! Nàng cũng không được mạo phạm đạo hạnh bà ấy!
Thác Hoa mở tròn đôi mắt còn đương ngấn lệ như nạm từng viên ngọc quý trong suốt quanh viền mắt, ngơ ngác:
- Tu đạo? Bà ấy là đạo nhân ư?
An Định Hầu thừa cơ càng nghiêm giọng lập uy:
- Chẳng những là đạo nhân mà còn là đạo nhân tu hành viên mãn. Nhân tình thế thái, bụng dạ trí trá con người đều khó qua được tuệ nhãn bà ta! Nàng cũng như Đinh Phúc lần đầu ngó thấy khuôn mặt âm dương của ta đều có phần khiếp đảm! Bà ta ngó thấy thì cười khanh khách xem như không. Ta hỏi: “ Vì sao không sợ lại cười?”. Bà ta đáp: “ Lòng dạ trí trá ham hiếu sát của ngài còn đáng sợ hơn khuôn mặt dị tướng kia nhiều. Ta còn chưa sợ bụng dạ ấy, lẽ nào lại sợ khuôn mặt này chăng?”. Những lời đó có thể thốt ra từ miệng một người thường hay sao?
Thác Hoa quen thói hễ khóc là được An Định Hầu chiều chuộng hạ mình nài nỉ. Nay dẫu nàng biết lòng ghen đã sai trái nhưng bị vương hầu to tiếng thì ấm ức, ngượng ngùng dỗi:
- Nào có biết chàng thật lòng hay giả dối! Hễ chàng gặp nguy biến càng lớn thì lại lộ ra thêm một nữ nhân! Đến hoàng đế chàng còn dám giấu có binh mã riêng, biết đâu chẳng gạt thiếp lập bốn năm vị An Định Hầu phu nhân khác! Thiếp làm sao chẳng ngờ cho đặng?
An Định Hầu đương thắng thế toan làm căng hòng thuận dịp uốn nắn tính ưa ghen hờn của Thác Hoa. Tuy nhiên, ông thừa hiểu đấu lý đấu tình chẳng thể bì lại đôi vành môi cong cong sắc sảo kia bèn chột dạ, lại sợ cuối cùng thua sạch sẽ đến mức cứng họng thì từ giờ về sau chớ hòng lập uy trước mặt phu nhân. Cho nên ông ta khôn khéo đấu dịu tức thì:
- Nàng chớ giận ta vừa to tiếng! Vốn nữ đạo ấy thật sự như thần tiên tái sinh, ta nể trọng bà ấy vô cùng. Nàng mạo phạm bà ấy nên ta không thể nhịn được!
Thác Hoa từ thế thua chắc tự nhiên thấy cửa thắng mở rộng thênh thang liền dỗi tiếp:
- Chỉ là chàng khéo nói đó thôi! Thiếp có biết chàng gặp bà ấy ra sao, sự tình thế nào? Chàng một thân tướng giỏi lại kiêu dũng, nữ nhân nào chẳng thích!
Thác Hoa cuối lời lại gán một câu tâng bốc An Định Hầu tận mây xanh như thầm cảm ơn đấng phu quân oai hùng kia cam tâm chịu đựng sự ghen hờn quá đáng của mình. Đôi bên ngầm hiểu nhau đều đẹp dạ. Ấy là thuận đạo vợ chồng khôn khéo nhường nhịn nhau.
An Định Hầu thấy vợ đã mớm ý, bèn kể lại:
- Mười năm trước đây lần đầu lên đạo Lâm Tây dẹp loạn, ta chưa rành địa thế nên để đại quân ở lại, chỉ dẫn theo một phó tướng là Võ Quảng đi dò đường chẳng may lạc đến núi nọ có tên là Yên Tử!
Thác Hoa nghe đoán chừng đến đoạn li kỳ liền dỏng tai hóng. An Định Hầu kể tiếp:
- Ta đến trước một đường núi thoai thoải nhìn thấy chuyện lạ. Có nữ nhân tầm hơn bốn mươi tuổi đang thoan thoắt đi trên đường gồ ghề như bay. Trên tay bà ấy lại vác thân gỗ bằng mấy người ôm! Ta tự cho bản thân có thần lực hơn người nhưng cũng chẳng thể vác thân gỗ to đến thế mà an nhiên đi như chạy được! Ta thấy lạ lùng quá đỗi bèn chận lại vặn hỏi. Bà ấy ném thân gỗ xuống, bảo: “Nếu ngài chịu cho ta đánh mấy cái vào ngực mà vẫn đứng vững thì ta sẽ trả lời cặn kẽ!”. Bà ấy thân liễu dáng đào so với ta như thân cỏ bì đại thu, như cuội nằm cạnh núi cao. Ta có bụng khinh khi nên ngoan ngoãn giơ ngực cho bà ấy đánh. Dè đâu!..
An Định Hầu ngưng kể tự nhiên rùng mình mấy bận. Thác Hoa đang nằm trong lòng ông ta nhận ra, càng hiếu kỳ hỏi:
- Lẽ nào bà ấy đánh ngã chàng ư?
An Định Hầu lắc đầu:
- Không! Ta nào dễ để một nữ nhân đánh ngã cho đặng!
Ông kéo áo để lộ tấm ngực vạm vỡ chi chít sẹo lớn nhỏ, chỉ cho Thác Hoa:
- Nàng có thấy vết hằn này không?
Thác Hoa nhổm người ngồi dậy để nhìn kỹ. Quả thật dù bị nhiều vết sẹo khác chồng chéo lên nhau vẫn thấy rõ dấu bàn tay hằn lên lồng ngực An Định Hầu. Thác Hoa ướm thử lại vừa vặn như in, đoán chừng nữ đạo nọ có vóc dáng không hơn nàng là mấy. Nàng tự nghĩ có thể đánh hằn lên da thịt thành dấu thì xương cốt phải đau đến cùng tận. Nhưng một thân nữ nhân cớ gì có sức lực kinh hồn như vậy. Nàng liền chăm chú nghe An Định Hầu kể:
- Bà ấy đánh ba cái, cái sau nặng hơn cái trước gấp trăm lần. May trời sanh cho thần lực hơn người nên ta cắn răng thừa chịu nổi. Thực bụng bà ấy đánh xong, ta đau đến trợn mắt. Cái đau thể xác chẳng bì nổi sự kinh sợ trong tâm trí, ta chẳng dám khinh nhờn bèn cung kính xin hỏi căn nguyên sức lực của bà ta! Dường như bà ta ưng bụng nên diễn giải. Hóa ra thứ sức lực ấy không do bẩm sinh mà do quá trình tu luyện võ công mới thành. Nó được gọi là nội công!
Đến giờ An Định Hầu vẫn không rành rẽ chuyện giang hồ lục lâm. Phần Thác Hoa đã từng bỏ nhiều công sức nghiên cứu võ học nên biết được ít nhiều. Nàng liền chắc mẩm:
- Nhất định nữ đạo kia là bậc cao thủ nội công thượng thừa. Nhưng chàng nói lúc gặp bà ấy chỉ hơn bốn mươi tuổi thì khó lòng luyện thành nội công cao đến vậy được. Thiếp nghe trong giới giang hồ hay đồn thổi về loại nội công thượng thừa, phàm luyện thành sẽ giữ sắc xuân còn có thể cải già thành trẻ mãi!
An Định Hầu chẳng hề tin những chuyện viễn vông đến thế nhưng ngẫm lại không khỏi gật đầu:
- Nàng nói có phần đúng! Vì cung cách bà ấy khi gặp ta là cách của người cao tuổi đối với lớp con cháu. Có thể bà ấy đã lớn hơn cái tuổi bốn mươi mấy lần!
Thác Hoa thấy An Định Hầu miên mang suy nghĩ liền giục:
- Chàng mau kể xem sự thể về sau ra sao!
An Định Hầu thực bụng đáp:
- Bà ấy đánh xong nhìn ta vẫn đứng vững thì ưng dạ lắm. Bà ấy thuận miệng diễn giải hằng hà những bí ẩn về nội công. Ta nghe chỉ nhớ được bốn năm phần, vì bụng ta chẳng tinh vào những thứ huyễn hoặc kia. Bà ấy có chút giận liền bắt ta ngồi xuống rồi thử đem đạo lý truyền cho ta hòng khai mở. Nàng thừa biết, ta ghét nhất chuyện nai lưng nghe đạo lý từ sách nhưng lời của bà ấy vừa đơn giản, vừa dễ hiểu. Ta nghe xong tự nhiên tâm tính thay đổi lạ lùng, nhìn chuyện gì cũng thông suốt, ác tính nhờ đó bỏ bớt, không còn ham hiếu sát như cũ! Bà ấy giảng xong đạo lý lại đem lối đánh kỳ lạ trên truyền cho ta. Sau ta ra chiến trường, lối đánh đó vô cùng hữu hiệu, đã cứu mạng ta không ít lần!
An Định Hầu nhắc về nữ đạo thì lòng cảm kích dâng cao, thuận miệng nói thêm:
- Bà ấy còn xem tướng phán ta có mạng Hổ Tinh hay bị người khác ganh ghét vu hại nhưng chớ lo. Vì về sau ta được kết đôi với nữ nhân có mạng cung Sát tương thích mạng Hổ Tinh giúp giải bớt nguy nan!
An Định Hầu nói xong liền tự trách bản thân sao dễ hớ hênh quá đỗi trước mặt Thác Hoa. Ông bảo nữ đạo đoan chắc về sau sẽ kết hôn với nữ nhân cung Sát khác gì chọc giận Thác Hoa hiểu lầm còn vị An Định Hầu phu nhân khác nữa. Chẳng ngờ Thác Hoa nghe chẳng giận lại thảng thốt nắm lấy tay An Định Hầu hỏi dồn:
- Chàng có hỏi nữ đạo kia có đạo hiệu là gì hay không?
An Định Hầu có phần ngạc nhiên nhưng vẫn thật bụng đáp:
- Bà ta tự nói đạo hiệu là Hạnh Nguyên!
Thác Hoa liền mừng rỡ:
- Quả thật là nữ đạo Hạnh Nguyên rồi!
Nàng dứt lời thì phần hớn hở biến mất, chỉ còn nét thẹn thùng dâng tràn trên mặt ngọc, lại bẽn lẽn ôm chặt lấy An Định Hầu thủ thỉ:
- Phải chi từ đầu chàng nói ngay là nữ đạo Hạnh Nguyên thì thiếp nào dám ghen hờn sằng bậy! Thiếp chính là nữ nhân cung Sát mà bà ấy nói với chàng!
Thác Hoa nói xong thẹn quá bèn giấu mặt vào ngực An Định Hầu sung sướng:
- Bà ấy…bà ấy thật đúng là thần tiên tại thế!
Đến lượt An Định Hầu ngơ ngác, phải hỏi vặn mấy lượt. Thác Hoa dằn bớt thẹn thùng, thỏ thẻ đáp:
- Năm thiếp sáu tuổi thì bị bệnh lạ. Các thầy thuốc ở Chân Lạp không sao chữa nổi! Phụ hoàng cho rằng bản thân đã hiếu sát quá độ khiến trời phạt con gái chịu cảnh đớn đau nên bày đàn dâng hương, trai tịnh rất đúng lễ. Phụ hoàng là người kiên định, không làm thì thôi, hễ làm thì kiên quyết làm đến cùng. Có một nữ đạo biết chuyện, khen phụ hoàng có bụng biết tự nhận lỗi mà thức tỉnh nên chịu ra tay chữa bệnh cho thiếp. Bà ấy chỉ cần áp tay lên lưng thì thiếp thấy thân thể khỏe mạnh như cũ, về sau cũng không bị bệnh tật gì!
An Định Hầu gật gù:
- Phải, phải! Ta cũng được bà ấy áp tay lên ngực giúp phục hồi sức khỏe! Quả nhiên từ đó về sau, ngoài thần lực bẩm sinh, ta còn thấy tiềm tàng trong thân còn luồng sức mạnh khác! Nhất định do bà ấy ban phát cho!
Thác Hoa lại kể:
- Phụ hoàng mừng rỡ giữ nữ đạo lại hơn tháng, cung kính tạ ơn thì ít nhưng cầu nghe được giảng đạo lý thì nhiều. Thiếp cũng được ngồi bên cạnh nghe nhưng do tuổi nhỏ vô tri nên không để lọt lời nào vào tai hết. Có phen thiếp ngủ gục liền bị phụ hoàng quở phạt toan đánh roi để răn vì dám khinh khi đạo pháp. Nữ đạo Hạnh Nguyên chỉ cười hiền giang tay che chở cho thiếp. Bà ấy ôm thiếp một lúc, lại bảo: “Nàng công chúa này khi lớn lên có trí tuệ thiên bẩm hơn hẳn người thường. Các đấng nam nhi không sao bì nổi! Nhưng do trí tuệ quá uyên bác nên chẳng để những nam nhi thường vào mắt. Ấy do vận vào cung Sát khắc quá nặng, âu tìm được mạng Hổ Tinh đúng vẹn một cặp trời định sẵn từ tiền kiếp!”. Bà ấy lại quay sang phụ hoàng của thiếp chúc mừng. Phụ hoàng thiếp tưởng bà ấy đang lựa lời để gỡ tội cho thiếp nên nói: “Ái nữ của ta vô tri, xin nữ đạo để ta răn đe! Cứ chiều chuộng sợ thành ra dạy hư nó!”. Nữ đạo Hạnh Nguyên liền đáp: “Ta chúc mừng không phải vì con gái ngài sau này thành tựu hơn người! Ta mừng cho ngài có được con rể uy dũng đứng trên vạn người, như đem hổ bỏ giữa trăm con chó nhà vẫn không bị hòa lẫn. Con rể tương lai của ngài có lẻ khiếp cả quỷ, kinh cả thần, nhất định là chiến tướng có đủ vũ dũng lẫn trí tuệ! Quý lắm!”.
Thác Hoa thẹn quá chẳng sao kể tiếp được. An Định Hầu nhẩm tính nàng ta chỉ mười tám tuổi, độ chừng lúc lên sáu gặp được nữ đạo Hạnh Nguyên là chuyện của mười hai năm trước. Ông nhẩm ra bản thân gặp nữ đạo Hạnh Nguyên sau cả Thác Hoa, tự ngẫm lại hết thảy những lời có phần huyền ảo của bà ta căn dặn ở chân núi Yên Tử, liền sáng tỏ phần nào, càng phục thầm thuật đoán chuyện của nữ đạo Hạnh Nguyên chính xác. An Định Hầu cảm khái lại buột miệng:
- Năm xưa ta đưa Bách Hoa cho bà ấy nuôi dưỡng nhất định đã dạy nên một đấng kỳ tài! Thật là phúc phần cho Bách Hoa!
An Định Hầu cảm khái mấy lượt mới thấy đôi mắt của Thác Hoa đang rơm rớm chuẩn bị khóc kể:
- Bách Hoa lại là ai? Sao càng lúc ngài càng nhắc đến nhiều nữ nhân? Bách Hoa là ai?
An Định Hầu liền cười lớn mấy tiếng đắc ý:
- Lòng nàng thật ưa hờn giận ghen tương! Ai đời lại đi ghen với đứa bé năm sáu tuổi! Trương Bách Hoa chỉ là một bé gái côi cút được ta nhặt trên đường chinh chiến. Cả cái tên Bách Hoa cũng là do ta đặt cho nó! Lúc ấy ta mang nhiều công vụ trên người không thể chăm sóc cho nó, cũng không muốn đem giao đại cho gia đình khác bèn gởi lên núi Yên Tử để nữ đạo Hạnh Nguyên dạy dỗ! Đến giờ cũng trên dưới mười năm dài, mặt mũi nó thế nào ta không sao nhớ nổi!
Thác Hoa nghe vậy thẹn quá nhưng bụng dạ đâu dễ gì yên lặng. Phàm nữ nhân một khi có ý hờn ghen với chồng thì phải tìm trăm phương ngàn kế để biết cho tường tận chân tơ kẽ tóc. Tự nhiên Thác Hoa nghiêm mặt. Nàng nhìn An Định Hầu, trầm giọng:
- Chàng còn chưa trả lời câu hỏi ban đầu của thiếp! Trong lòng chàng còn giấu thiếp bao nhiêu nữ nhân khác nữa?
An Định Hầu vẫn đang đắn đo chưa kịp đáp thì Thác Hoa lại vặn tiếp:
- Chàng phải trả lời thật lòng! Nếu chàng nói dối để thiếp phát hiện ra thì thiếp nhất định chẳng bỏ qua! Chàng nói để thiếp hay, ngoài công chúa Bảo Ngọc, hoàng hậu Trinh Minh, đứa bé gái Bách Hoa gì đó, bụng dạ chàng còn ai nữa?
An Định Hầu thấy phen này nàng quyết liệt thì chỉ cười trừ:
- Trong đời ta phần nhiều chinh chiến sa trường. Ngoài các tướng lãnh sĩ tốt dưới trướng, ta hiếm khi tiếp xúc người ngoài. Nữ nhân càng hiếm hơn gấp trăm lần!
Những lời trên toàn là bao biện. Thác Hoa thừa hiểu đức ông chồng oai dũng kia đầu óc tinh ranh chẳng kém mình là bao. Nàng định khóc một trận nghiêng trời lệch đất hòng biết cho được thảy những nữ nhân ông ta đã quen biết. Tính là vậy nhưng ngẫm một đòn dùng mãi dễ sanh nhờn, Thác Hoa đổi liền cách khác. Nàng thản nhiên đẩy An Định Hầu ra xa rồi từ tốn dùng khăn che khuôn mặt của mình lại. Quả nhiên, An Định Hầu giật mình đến thảng thốt. E, giặc có đem trăm vạn binh mã đến vây khốn cũng không khiến ông ấy kinh hãi bằng khuôn vải đang che mặt Thác Hoa lúc này.
Phải biết Thác Hoa luôn tuân theo lệ của tộc mình. Ngoại trừ An Định Hầu, chẳng mấy khi Thác Hoa chịu cởi khăn che để lộ khuôn mặt trước người khác. Ngay cả thân cận như Đinh Thương, Lý Phương đều chớ hề biết dung nhan nàng tròn méo ra sao. Hay như Đinh Phúc từ biến cố Quỷ Môn Quan đến lúc bị giam lỏng ở đất Thạch Xuyên cũng chỉ ngấp nghé nhìn được mặt mũi nàng một hai lần. Phần là vì khi sau khi hôn mê, hắn là kẻ tỉnh dậy trước, phần là vì trong bụng Thác Hoa cho rằng hắn là thái giám thật nên đôi lúc cũng dễ giãi. Riêng với An Định Hầu thì ngoại cái lệ trên. Phen này Thác Hoa che mặt, ngầm phán, nếu ông ta không thật bụng thì chớ hòng được nàng yêu thương kính trọng như cũ, thậm chí còn muốn bỏ luôn tước vị phu nhân vương hầu. An Định Hầu định lực cao đến đâu cũng phải kinh hãi là vậy.
Bụng dạ Thác Hoa cũng muốn thử xem An Định Hầu yêu thương mình đến độ nào. Ví như ông ta nổi giận lớn tiếng, chứng tỏ địa vị nàng còn thua kém một trong số các nữ nhân đang được giấu kín. Bằng như ông ta nói thật, hiển nhiên là trân trọng nàng nhất hạng trần đời. Thác Hoa làm căng, dạ lại âu lo tột độ, chỉ sợ đúng là An Định Hầu nổi giận hoặc vẫn quanh co che giấu tình riêng thì coi như một tấm chân tình của nàng trôi theo sông bể hết thảy. May thay, vị vương hầu kiêu dũng nọ xuống nước tức thì:
- Nàng thật hay để tính ghen hờn làm mờ trí! Bụng ta mờ tỏ ra sao lẽ nào nàng không hay biết!
Lời nói kể về âm lượng hay tiết chế đều khẩn khoản vô độ. Thác Hoa mừng thầm, nhưng vẫn nghiêm nghị:
- Vậy ngài còn giấu bao nhiêu nữ nhân trong dạ nữa!
Đến nước này thì đố mười An Định Hầu cũng chẳng dám giảo miệng. Ông ta cố vò đầu đáp:
- Còn…còn một nàng tiểu thư nữa! Hình như là họ Ân! Ân…cái gì đó!
Vương hầu thấy ánh mắt vợ tóe lửa liền nói ngay:
- Nàng chớ hiểu lầm! Chuyện đã mười một mười hai năm trước! Ta cải dạng đi thị sát ải Đông Môn của nước Tống trên đường về cứu được tiểu thư ấy khỏi tay bọn bất lương. Cứu xong thu xếp cho tiểu thư kia về lại nhà thì ta đã từ biệt! Đến tên của nàng ấy ta còn không nhớ thì sao mập mờ tình cảm cho đặng!
Thác Hoa nghe lời về sau luống cuống tột độ biết thực An Định Hầu chớ hề có luyến ái gì. Nàng sướng rơn trong bụng, đoán định hết thảy các nữ nhân khác cũng chỉ là khách qua đường trong tâm trí ông ta. Tuy nhiên, dễ bề có dịp bắt bẻ được An Định Hầu nên Thác Hoa vẫn nghiêm ánh mắt xa lạ vô kể. An Định Hầu giỏi yếm trá trong thuật dùng binh đến đâu cũng đành bất lực xoay trở tình thế này. Phước cho ông ta còn tên thuộc hạ chuyên làm mát lòng nữ nhân là Đinh Phúc đang đứng gác bên ngoài.
Vốn Đinh Phúc biết phu nhân làm mình làm mẩy nên vội vàng lui ra để An Định Hầu dễ dàng xoa dịu. Hắn ở trong cấm cung lâu, tai tự nhiên cũng thính hơn người thường. Hắn nghe An Định Hầu mấy phen lỡ miệng thì la thầm trong bụng, lại nghe trong phòng im lặng toàn tiếng thở dài ảo nảo của vương hầu đoán chừng lâm vào tình huống nan giải. Bụng hắn đã tìm được cách nhưng không thế tự tiện chạy vào nhắc cho chủ tướng giải nan. Kịp sao lúc đó, một đàn én di cư về nam bay ngang qua kêu inh ỏi trời đất. Đinh Phúc mượn cớ liền cất cao tiếng ngâm:
- Én kia khản giọng làm chi
Vạn ngàn tiếng hót đâu bì được Oanh!
Tiếng ngâm lọt vào tai An Định Hầu chẳng khác nào giữa lúc bị địch vây khốn bốn bề lộ ra cửa thoát hiểm. Ông ta buột miệng khen liền:
- Hay lắm! Hay lắm!
Hiển nhiên ông ta đang khen Đinh Phúc giỏi hiến kế tốt. Chẳng ngờ Thác Hoa vặn:
- Ngài khen hay cái gì?
An Định Hầu vội nói trớ:
- Nàng giận ta rất hay!
Thác Hoa nheo mắt hỏi:
- Thiếp giận chàng thì hay ở điểm nào?
An Định Hầu đã được Đinh Phúc mớm ý nên đáp liền để dẫn dắt:
- Ta đã thành vợ chồng với nàng nhưng vẫn giấu các nữ nhân khác trong bụng đã là trái đạo. Nàng giận ta chính là khéo nhắc lối ngay đường thẳng tránh cho ta lầm lạc luyến ái không giữ trọn thủy chung!
Hai mắt Thác Hoa bắt đầu long lanh diễm lệ như cũ. An Định Hầu nói tiếp:
- Tuy nhiên, ta với những nữ nhân kia không hề có dây dưa tình cảm. Cho dù trước đây ngoài họ, ta còn có trăm ngàn nữ nhân khác nhưng cả thảy so với nàng chỉ như đom đóm với mặt trăng, đá cuội với ngọc bích, như tiếng hót chim Én với chim Oanh, thật cách biệt một trời một vực! Ta sao còn tâm trí tơ tưởng đến họ làm gì!
Ôi thôi lời lẽ chẳng khác nào lấy từ miệng Đinh Phúc mà ra. Thác Hoa nghe, bụng dạ ngọt ngào vô kể không khỏi liếc tình một cái còn sắc hơn đao bén kiếm tốt mấy trăm bận rồi lại cởi khăn ngả vào lòng An Định Hầu. Nàng đang lân lân hạnh phúc, lại nhớ lời ngâm của Đinh Phúc, hiểu liền tớ tung chủ hứng, không khỏi khen thầm hắn lanh trí.