Lúc bấy giờ tại kinh thành Hoa Lư, nơi hành cung Lạc Hoa, Dương phi đang nổi trận lôi đình. Bà ta không ngừng mắng nhiếc:
- Tên ngu ngốc! Ngu ngốc quá đỗi! Từ đầu sao ta nhìn không ra hắn chỉ có lá gan thỏ đế!
Tổng quản thái giám cung Lạc Hoa là Trịnh Quý túc trực bên cạnh cũng hậm hực lây:
- Hắn thật là tệ hại, chưa chi đã làm lỡ mất mấy bước lớn! An Định Hầu có lòng phòng bị, sau này muốn hại ông ta theo cách ấy sẽ không còn dễ dàng!
Trịnh Quý từ lúc bị An Định Hầu đánh trật chân vẫn còn ôm hận. Hắn nghe ông ta bị Đinh Hiến đẩy vào tình cảnh hiểm nghèo tuy trong bụng hả hê vô kể nhưng ngoài miệng vẫn buông lời trách khứ Đinh Hiến để chiều lòng Dương phi. Thực sự, hắn cũng hậm hực ở điểm Đinh Hiến đã ra tay sao không độc chết An Định Hầu luôn cho rảnh nợ lại chỉ dùng mê dược.
Dương phi hỏi:
- Có phải hôm qua, tên nhát gan đó đã đến Hoa Lư để bẩm cáo tình hình quản thúc Nam Việt Vương?
Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đinh Tiên Hoàng Đế hạ lệnh đóng cửa tự vấn không được rời khỏi Nam Việt Nhị Cung. Vì lẽ trên, mỗi tháng, Đinh Hiến được lệnh về Hoa Lư để bẩm cáo mọi tình hình ở đạo Ái Châu. Dương phi vừa hỏi thì bên ngoài có một tên thái giám vội vàng chạy vào. Hắn vái lạy Trịnh Quý và hoàng phi rồi bẩm:
- Có Đinh Hiến Đinh đại nhân từ châu Ái đang xin được gặp!
Dương phi tìm được căn nguyên cơn thịnh nộ thì mừng rỡ hỏi:
- Đinh Hiến đang đợi ở đâu?
Tên thái giám đáp:
- Bẩm, Đinh đại nhân đợi ở tiền sảnh!
Hoàng phi tức thì tím tái mặt mày:
- Tên ngu ngốc đó…tên ngu ngốc đó ngu đến mức ấy hay sao? Ở tiền sảnh, hắn ở tiền sảnh làm gì? Vào cung Lạc Hoa có trăm phương ngàn cách, sao tên ngu ngốc đó lại chọn tiền sảnh! Không gặp, ta không gặp! Mau bảo hắn cút đi cho khuất mắt ta!
Dương phi nổi giận cực điểm quát mắng, tên thái giám vội vàng vái lạy rồi chạy đi để khỏi phải thành vật tế thần. Vốn lệ từ ngàn xưa, ngoại quan và hậu cung không được tự tiện qua lại. An Định Hầu ngày trước vịn vào cớ này nên các hoàng hậu dầu muốn cầu cạnh ông cũng chẳng thể mời sang hành cung của mình, còn đường hoàng đến gặp khác gì khó bề thổ lộ được tâm sự. Đến như hoàng hậu Kiều Quốc và sứ quân Ngô Nhật Khánh giờ làm tướng trấn ở Đường Lâm cũng không dám tự tiện gặp mặt, phàm đều phải mượn nhiều cớ khác nhau. Một phần do Đinh Tiên Hoàng Đế có lòng sủng ái hoàng hậu Kiều Quốc, một phần hoàng đế ưu ái cho tình nghĩa mẹ con nên đành mắt nhắm mắt mở. Đằng này, Đinh Hiến chỉ là gián quan của Nam Việt Vương ở tận châu Ái xa xôi, tính thân thuộc với Dương phi thì có tra gia phả nửa năm cũng chẳng lần ra được, cũng không có công vụ hợp lệ, Đinh Hiến đường hoàng đến tiền sảnh cung Lạc Hoa xin gặp hoàng phi khác gì công bố cho thiên hạ hay hắn có liên hệ với bà ta. Việc trên truyền đến tai Đinh Tiên Hoàng Đế tất nhiên sẽ khiến Dương phi mất đi phần nào sủng ái.
Dương phi đang nổi giận đột nhiên gọi lớn. Tên thái giám kia vừa chạy quá khỏi cửa hành cung chừng năm sáu bước chân lại phải vội vàng quay trở vào trong. Bà ta hỏi:
- Đinh Hiến có mang theo vật gì hay không?
Tên thái giám đáp:
- Bẩm, Đinh đại nhân có mang theo hộp quà lớn muốn dâng tặng cho công chúa Bảo Ngọc! Đinh đại nhân nói, chỉ còn mấy hôm là đến sinh phần của công chúa nhưng vì châu Ái cách trở ngàn dặm không thể về dự nên trao quà trước!
Dương phi hừ nhạt:
- Cái cớ cũng không tệ! Ít ra tên nhát gan này cũng còn có đầu óc! Mau triệu hắn vào đây!
Tên thái giám vái lạy bà ta cùng Trịnh Quý lại tất tả chạy đi. Hắn hầu hạ lâu năm nên biết ý, ra đến ngoài cửa liền nấn ná thêm ít lâu lỡ như hoàng phi có kêu thì còn kịp quay trở lại. Chờ chừng một lúc không nghe tiếng triệu, hắn ba chân bốn cẳng chạy vội ra ngoài tiền sảnh.
Lúc này Trịnh Quý mới ghé tai Dương phi mà nói:
- Bẩm lệnh bà, không ổn rồi!
Dương phi cười nhạt đáp:
- Ta biết! Rõ ràng là không ổn!
Trịnh Quý nói tiếp:
- Tên Đinh Hiến này thường hành sự cẩn thận chẳng dại dột gì tự nhiên công khai đến thăm! Hắn không sợ chuyện lọt đến tai Nam Việt Vương ư?
Dương phi đáp:
- Hắn không sợ! Hắn có thể lấy cớ tặng quà cho công chúa Bảo Ngọc! Nếu Nam Việt Vương nghi ngờ, hắn sẽ lại có thể nói rằng đến để dò xét xem bụng dạ của ta thế nào! Nam Việt Vương từ lúc bị cắt bớt binh lực cộng thêm lệnh quản chế, tâm tư bị ảnh hưởng nặng nề không còn minh mẫn được như trước sẽ dễ dàng bị Đinh Hiến che mắt !
Trịnh Quý chau mày tư lự:
- Bẩm, vậy hắn công khai đến cung Lạc Hoa nhằm mục đích rêu rao cho toàn triều đình biết chăng?
Dương phi đã điềm tĩnh trở lại. Bà ta thong thả nhấp một ngụm trà từ chiếc ly làm bằng ngọc rồi đáp:
- Hắn đang dọa nạt ta đấy!
Bà ta nói xong thì cười khanh khách. Trịnh Quý hiểu ra liền cười họa theo:
- Bẩm, lệnh bà đã có phần trách oan hắn! Ít ra hắn cũng còn lá gan lớn này!
Dương phi gật gù:
- Phải lắm! Hắn nhất định có kế hay bày ra! Hắn đầu độc An Định Hầu nhưng lại không độc chết! Vương hầu là người cơ trí, một khi ông ta tỉnh táo sẽ biết ngay hung thủ! Tên Đinh Hiến chỉ là gián quan nhỏ nhoi trực thuộc Nam Việt Vương! Trong mắt An Định Hầu, Nam Việt Vương còn chưa có chút trọng lượng nói gì đến tên gián quan bé nhỏ! Hắn sợ không chịu nổi đòn thù của vương hầu thành ra công khai đến thăm ta! Nếu lúc này ta không tiếp hắn, hắn sẽ nghĩ ta qua cầu rút ván, tất nhiên đành phải đến đầu thú với An Định Hầu để ông ta chuyển oán hận lên ta! Còn nếu ta chịu cứu hắn, hắn tự nhiên sẽ bày ra cách vẹn toàn! Thành ra ta cứ tiếp, xem kế sách của hắn ra sao! Nếu chỉ là kế vô dụng như tính thỏ đế của hắn, ta diệt trừ cũng không muộn! Ta muốn xem hắn cứu nước cờ An Định Hầu đã lỡ bước này ra sao!
Trịnh Quý bật tràng cười hi hí:
- Lệnh bà thật anh minh!
Sự thật Đinh Hiến công khai đến cung Lạc Hoa là có chủ ý. Ở Quỷ Môn Quan, hắn bị Đinh Phúc hù dọa sợ hãi quá độ nên đầu độc cả vương hầu, vương hầu phu nhân cùng hoàng tử Đinh Hạng Lang sớm hơn mấy bước khiến bao toan tính của Dương phi bị dang dở. Hắn tự biết vô tình chọc Dương phi nổi cơn tam bành, cũng tự biết An Định Hầu dễ dàng truy ra được chân tướng sẽ tìm đến để trả thù. Trên dưới Đại Cồ Việt các văn quan võ tướng mười phần hết mười đều ngán ngại vương hầu vô kể. Lấy việc vương hầu cùng phu nhân và hoàng tử Đinh Hạng Lang trúng độc, triều đình tuy chia hai phe tranh cãi gay gắt nhưng những quan lại gán An Định Hầu chủ mưu đầu độc cũng chỉ dám bóng gió xa gần, chẳng có ai thẳng thừng công khai. Âu cũng vì sợ một khi ông ta trong sạch thoát tội sẽ trừng trị thói dậu đổ bìm leo, nhẹ thì con đường quan lộ của bọn họ coi như hết cửa thăng tiến, nặng thì nguy hiểm đến tính mạng. Đinh Hiến chỉ là gián quan nhỏ nhoi hiển nhiên còn sợ đến trăm vạn lần. Phen này hắn muốn kéo cả Dương phi vào cuộc. Dương phi nếu không qua cầu trút ván, hắn nhất mực trung thành đưa ra kế hay để cứu vãn đại cuộc. Nhược bằng bà ta tráo nước trở cờ, hắn vì giữ mạng tất nhiên sẽ dìm bà ta xuống bùn trước mặt An Định Hầu để đoái công chuộc tội. Vì nguyên do ngừa họa đó, Đinh Hiến chỉ chuốc mê dược thay vì độc dược, ẩn ý chỉ để An Định Hầu bị mê mang không mất mạng, sau này hắn có lê gối đến van xin thì còn có cớ khiến ông ta xiêu lòng.
Đinh Hiến đứng đợi ở tiền sảnh cung Lạc Hoa hơn hai khắc vẫn chưa thấy động tĩnh trong bụng như có lửa đốt. Hắn thừa hiểu bản tánh An Định Hầu cương nghị võ đoán. Hắn đã hại ông ta mang tiếng khinh quân phạm thượng nên muốn được ông ta tha thứ khác gì chuyện tát nước biển đông. Thành ra, tuy bụng phen này kiến giá có phần uy hiếp Dương phi nhưng thâm tâm hắn vái trời khấn phật cho vị lệnh bà được tiếng hiền lành này từ tâm chớ nghịch nước đổi thuyền. Cho nên, hắn nghe tên thái giám báo hoàng phi cho triệu thì mừng đến phát khóc. Đinh Hiến chỉnh trang quan y cẩn thận rồi bê hộp quà lớn theo tên thái giám kia vào trong hành cung Lạc Hoa.
Dương phi niềm nở tiếp đón khiến Đinh Hiến ngơ ngác. Hắn cứ nghĩ sẽ bị bà ta trách mắng thậm tệ nên thần trí cứ mơ hồ đoán không ra được thâm ý bên trong. Hắn ngẫm nghĩ đợi bị trách chi bằng cứ dập đầu tạ tội trước là hơn. Thành ra, không đợi Dương phi hỏi han, hắn quỳ sụp xuống vái lạy:
- Hạ quan đã làm lỡ hết bao toan tính! Xin lệnh bà trách tội!
Dương phi liền vội cúi người đỡ hắn đứng dậy. Bà ta cười hiền vỗ về:
- Ta đoán nếu không phải tình huống bức bách, ngài nhất định không làm như vậy! Có trách thì trách An Định Hầu quá lợi hại! Ta sao có thể trách ngài được!
Dương phi lựa lời chiêu an, Đinh Hiến ngỡ rằng thật lòng bà ta rộng lượng càng rơm rớm nước mắt cảm động. Hắn bèn kể lại những lời dọa nạt của Đinh Phúc chẳng dám thêm thắt hay bớt đi chữ nào. Dương phi và Trịnh Quý nghe xong ngầm đưa mắt nhìn nhau. Cả hai dễ dàng hiểu ra Đinh Phúc đã bày trò rung cây nhát khỉ hòng khiến Đinh Hiến để lộ sơ suất. Khi đó Đinh Hiến sợ hãi tột độ nên nào thấu được quỷ kế trên. Dương phi giận đến run người nhìn Đinh Hiến mà mắng thầm trong bụng:
- Ngươi đúng là tên nhát gan vô dụng!
Dẫu vậy, ngoài mặt bà ta vẫn cười hiền xem như không có chuyện gì. Dương phi đợi Đinh Hiến kể xong thì thở dài nói:
- Chuyện đã lỡ ngài đừng nên tự trách làm gì! Tuy nhiên, ngài đường đột đến hành cung của ta sẽ khiến kẻ khác có lòng dị nghị!
Đinh Hiến thấy Dương phi chẳng hề trách mắng câu nào càng thêm vững dạ. Hắn vội hạ giọng:
- Hạ quan đã tính ra một kế để cứu vãn đại cuộc, thành ra đành phải mạo hiểm đến gặp để trình lên cho lệnh bà!
Dương phi ra hiệu. Trịnh Quý liền cúi đầu vái lễ rồi đi khỏi. Lão ta nhủ thầm trong bụng:
- Đinh Hiến ơi là Đinh Hiến! Ngươi muốn toàn mạng thì mau bày được kế hay, bằng không lão đây sẽ tự tay tống tiễn ngươi lên đường! Nhưng dầu có đúng là kế hay, thì sớm muộn ngươi cũng sẽ được lên đường!
Trịnh Quý vẫn ấm ức chuyện Đinh Hiến đã không độc chết Ab Định Hầu để giúp lão trả cái thù bị trật chân. Lão ngẫm nghĩ nếu Đinh Hiến khiến Dương phi phật ý mà hạ lệnh diệt khẩu, lão giết hắn xem như cũng hạ được mấy phần oán hận. Lão càng nghĩ càng thấy hả dạ nên cười rất tươi. Đinh Hiến nào đọc thấu được. Hắn chỉ thấy Dương phi luôn miệng cười hiền không vứt bỏ hắn thì đã mừng chết đi sống lại. Hắn đợi Trịnh Quý ra ngoài bèn đến gần Dương phi mà nói:
- Bẩm, tình hình này nếu An Định Hầu không chết thì hạ quan nhất định sẽ bị tra ra chân tướng, lệnh bà cũng khó thoát khỏi liên lụy! Nhưng theo hạ quan được biết, bệ hạ cùng các vị đại thần họp kín mấy ngày liền vẫn chưa dám thẳng tay với vương hầu! Hoàng tử Đinh Hạng Lang vẫn khỏe mạnh không hề hấn gì, khó lòng quy tội ông ta có bụng nghịch sát, cùng lắm chỉ là quản thúc kiểm điểm, nặng hơn là cắt tước hầu! Tính ra đều không có lợi cho lệnh bà!
Dương phi hạ giọng hỏi:
- Ngài muốn khép tội để bệ hạ có thể công khai chém đầu ông ta?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, lệnh bà thật sáng suốt!
Dương phi liền xua tay:
- Không, không, An Định Hầu nhất định sẽ phải chết nhưng chưa đúng lúc này! Bây giờ ông ta chết đi khiến các hàng binh hàng tướng cộng thêm binh lính tín cẩn của ông ta oán hận bệ hạ, sớm muộn cũng nổ ra nạn nội loạn! Theo lý thì Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn sẽ đi đánh dẹp nhưng mấy năm nay, bệ hạ có lòng phòng bị nên không muốn Lê đại tướng quân được dịp mở rộng thanh thế! Vì vậy, nội chiến xảy ra, bệ hạ tất nhiên sẽ dùng Nam Việt Vương! Đây chính là chuyện trong nhà phải để người trong nhà xử lý! Bản lãnh chinh chiến của Nam Việt Vương chẳng kém gì đại tướng quân Lê Hoàn nếu không muốn nói còn hơn một bậc! Nam Việt Vương vừa bị khiển trách quản thúc, giờ được dịp lập công chuộc tội nhất định sẽ bán mạng! Đám ô hợp kia thiếu An Định Hầu khác gì rắn mất đầu tất nhiên khó chống lại Nam Việt Vương. Hóa ra, chúng ta ép chết vương hầu lại để cho Nam Việt Vương được dịp làm đẹp lòng bề trên đó ư?
Đinh Hiến cười hiểm trá, đáp:
- Bẩm lệnh bà, là một ná hai chim! Kẻ được lợi nhất vẫn là lệnh bà!
Dương phi liền hỏi:
- Cái gì là một ná hai chim? Ta lại được lợi thế nào?
Đinh Hiến lý giải:
- Bẩm, ví như Nam Việt Vương chẳng thể dẹp được phản loạn! Bệ hạ nhất định sẽ cho đại tướng quân Lê Hoàn xuất chinh! So bì kinh nghiệm trận mạc cùng chiến tích, khó có ai bì lại Lê tướng quân! Đại tướng quân thắng trận khác gì uy thế sẽ bao trùm khắp Đại Cồ Việt, triều đình có ai dám không nể nang! Có đại tướng quân hổ trợ, chuyện kế vị ngai thái tử phía hoàng hậu Kiều Quốc sẽ thua thiệt muôn phần! Bệ hạ dầu có lòng sủng ái hoàng tử Hạng Lang nhưng đại tướng quân phản đối, triều đình phản đối thì bệ hạ sao có thể không đắn đo được! Đây chính là cái lợi thứ nhất!
Dương phi suy ngẫm có vẻ ưng bụng nên nói:
- Vậy cái lợi thứ hai là gì?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, ví như Nam Việt Vương dẹp loạn thành công tự nhiên sẽ có uy tín mạnh mẽ! Bệ hạ muốn phế ngôi thái tử của ông ấy để truyền cho hoàng tử Hạng Lang càng khó khắn gấp bội lần, vô tình đẩy phe hoàng hậu Kiều Quốc và Nam Việt Vương đấu đá lẫn nhau! Lệnh bà chỉ việc ung dung chờ đợi thời cơ, kẻ nào chột, kẻ nào què cũng đều có lợi! Lợi nhất là đôi bên đấu đá sẽ khiến triều đình chán nản, thử hỏi quan văn võ tướng nào dám ủng hộ kẻ có bụng nồi da xáo thịt lên ngai thế tử! Kết cuộc chẳng phải lợi cho lệnh bà đó ư?
Dương phi tấm tắc khen:
- Hay lắm! Hay lắm! Đúng là lợi lớn lợi nhỏ, toàn đại lợi!
Vốn phải diễn giải một chút về nỗi vui mừng của Dương phi. Chuyện Đinh Tiên Hoàng đế muốn truyền ngai thế tử đã râm ran từ lâu. Hoàng đế có ba con trai, anh cả là Nam Việt Vương Đinh Liễn, kế đến là hoàng tử Đinh Toàn của Dương phi, sau cùng là hoàng tử Đinh Hạng Lang của hoàng hậu Kiều Quốc. Theo lẽ nếu phế trưởng lập thứ, bỏ Nam Việt Vương thì ngôi thế tử phải để Đinh Toàn ngồi mới đúng, đằng này hoàng đế bỏ qua cả Đinh Toàn để trao ngai thế tử kế vị cho hoàng tử út là Đinh Hạng Lang. Nam Việt Vương bị mất ngôi vị lý ra thuộc về mình tất nhiên sẽ nổi trận lôi đình. Đinh Hạng Lang còn nhỏ lại được ngôi cao hiển nhiên khó lòng yên lành ngồi được, hoàng hậu Kiều Quốc phải bày đủ chuyện để con thơ yên lòng chấp chính. Tuy nhiên, oán hận nhất lẽ ra phải là Đinh Toàn của Dương phi, oán cha không đoái hoài đến, oán em giành mất địa vị. Triều đình từ khi hay tin đổi ngôi thế tử đều thầm đoán sẽ chia ra ba bè cánh đấu đá lẫn nhau kẻ chết người bị thương. Văn quan võ tướng càng nghĩ càng không khỏi chán nản. Phải biết, Đinh Tiên Hoàng Đế nhờ dẹp loạn hết thảy mười hai sứ quân mới được lòng mọi người tôn suy đế hiệu. Đạo nhân gian, hợp ý trời hợp lòng người mới danh chính ngôn thuận, đó là lý lẽ của kẻ ngồi ngai đế vương. Đằng này, cả ba hoàng tử trên đều đấu đá lẫn nhau tạo cảnh nồi da xáo thịt. Sau này bất kể ai trong số họ lên ngôi khó tránh miệng thế gian dèm pha chuyện hại anh giết em dành ngôi.
Tuy nhiên, từ lúc tin đổi ngai thế tử xảy ra, triều đình đều chỉ thấy nam Việt Vương và phe hoàng hậu Kiều Quốc hầm hè lẫn nhau, hoàng tử Toàn đều không hề tỏ ra bất kỳ thái độ nào. Dương phi cũng chẳng lập phe kéo cánh như thể chấp nhận quyết định của hoàng đế. Riêng điểm này đã khiến, hoàng tử Toàn được lòng quan lại triều đình. Ví như Nam Việt Vương và Đinh Hạng Lang mãi mê đấu đá phát sanh chuyện lỗi đạo nghịch luân thường, lẽ tự nhiên khiến triều đình chán nản quay sang ủng hộ cho hoàng tử Đinh Toàn. Dương phi cắn răng im hơi lặng tiếng tránh đấu đá cũng vì lẽ trên. Dẫu vậy, phe của Nam Việt Vương lẫn phe hoàng hậu Kiều Quốc vẫn ngán ngại nhiều chuyện nên chưa thể công khai đối đầu nhau, khiến chuyện anh em chém giết lỗi đạo nghịch luân thường kia chưa thể xảy ra. Dương phi vì vậy càng nóng lòng vô kể, sợ kéo dài, hoàng tử Đinh Hạng Lang được hoàng đế và bốn đại thần trụ cột ủng hộ tạo nên chổ đứng vững chắc khó lòng hạ bệ được.
Cho nên bấy giờ, Dương phi nghe Đinh Hiến bày kế ép đôi bên công khai đấu đá lẫn nhau, trong bụng mừng vô kể. Bao ngày cắn răng nín nhịn của bà ta chính là chờ đợi giờ khắc này.
Dương phi hỏi:
- Ta xem bệ hạ cũng không muốn ép tội An Định Hầu khinh quân nghịch sát mà chém đầu! Ngươi có kế gì ép chết vương hầu?
Đinh Hiến đáp:
- Bẩm, bản thân An Định Hầu minh mẫn lại đầy trung kính với bệ hạ. Khó lòng ép ông ta làm loạn được! Hơn nữa vương hầu tự biết bệ hạ không thể bắt tội ông ta, đúng hơn là có muốn cũng không thể bắt tội ông ta!
Dương phi hiểu ý, cười nhạt hỏi:
- Phải chăng ngài muốn lợi dụng các tướng dưới trướng hầu?
Đinh Hiến vái đáp:
- Lệnh bà thật anh minh! Sau khi ba tướng Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục làm binh biến khiến An Định Hầu nổi giận chém đầu cả bọn, giờ ông ta chỉ còn Đinh Thương và Lý Phương! Hai ngươi này đang bị bệ hạ điều lên tận trên đạo Lâm Tây xa xôi mà trấn thủ, thực chất là đi đày! Đạo Lâm Tây từ lúc được An Định Hầu bình định làm gì còn có nội phản mà phải nhờ hai tướng trên điều bốn vạn quân đầu hổ lên làm gì?
Dương phi gật gù tính toán:
- Châu Quan Tế ở đạo Lâm Tây cách Quỷ Môn Quan sáu ngày đi ngựa, lại cách Hoa Lư mười hai ngày đường dài, tin tức tự nhiên cũng sẽ chậm trễ ít nhiều!
Đinh Hiến cười hiểm trá tiếp lời:
- Chỉ cần cho người phao tin An Định Hầu cùng phu nhân sắp bị bệ hạ xử chém! Hai tướng kia cùng bốn vạn quân đầu hổ nhất định không chịu ngồi yên! Bọn họ kéo binh về cứu An Định Hầu, đường thủy đụng phò mã Ngô Nhật Khánh, đường bộ đụng Định Quốc Công Nguyễn Bặc, ví như vượt qua hiển nhiên sẽ chạm trán đại tướng quân Lê Hoàn! Bốn vạn quân đầu hổ dầu tinh nhuệ đến đâu đụng hai trận liền sẽ hao hụt lực lượng, Lê đại tướng quân dễ dàng đánh dẹp biết bao! Khi đó, triều đình sẽ vịn cớ An Định Hầu dấy binh biến để giải nguy bản thân! Nếu ông ta không có tội thì làm sao phải động binh? Hiển nhiên, hai tướng Đinh Thương, Lý Phương một khi phát binh thì mặc định An Định Hầu có tật giật mình! Bệ hạ không chém ông ta ư? Chỉ sợ dù không muốn chém thì toàn triều kiến nghị, bệ hạ cũng buộc phải chém!
Dương phi mỉm cười tưởng thưởng Đinh Hiến, trong bụng thầm nghĩ:
- Tên thỏ đế này rốt cuộc cũng có được con tính tạm chấp nhận!
Hoàng phi vui mừng không phải vì việc có thể công khai ép chết An Định Hầu. Đối với bà ta, từ lâu An Định Hầu đã chẳng còn là sự đe dọa. Điều bà ta vui mừng chính là một khi Đinh Thương, Lý Phương dẫn binh về Hoa Lư sẽ chạm trán Ngô Nhật Khánh trước nhất. Trong mắt hoàng hậu, Ngô Nhật Khánh cùng hoàng hậu Kiều Quốc là cái gai cần nhổ bỏ, chỉ vì Ngô Nhật Khánh đóng quân ở Đường Lâm coi ngó thượng nguồn Hồng Hà, quanh năm suốt tháng không có dịp gì phải động đến binh đao nên thế lực càng ngày càng mạnh. Nếu dịp này mượn được bốn vạn quân đầu hổ của An Định Hầu mà đánh giết với quân họ Ngô một phen, kẻ nào chết kẻ nào bị thương cũng đều làm Dương phi hả dạ, tốt nhất là bốn vạn quân hổ đầu kia giết sạch hết quân họ Ngô là vẹn toàn. Khắp Đại Cồ Việt chẳng có ai lại không biết quân hổ đầu của vương hầu kiêu dũng thế nào. Dương phi nghĩ đến viễn cảnh bốn vạn quân hổ đầu do Đinh Thương, Lý Phương chỉ huy làm cỏ Đường Lâm khiến Ngô Nhật Khánh tử trận thì lòng dạ sướng rơn khó tả. Quân hổ đầu vượt qua được Đường Lâm thì dầu đi thủy hay bộ cũng phải chạm mặt với quân của Định Quốc Công Nguyễn Bặc. Dương phi không tin An Định Hầu vắng mặt, Đinh Thương và Lý Phương có thể thắng nổi được Nguyễn Bặc, cho dù có thắng thì cũng đã sức cùng lực kiệt, nhất định khi đại tướng quân Lê Hoàn ra trận sẽ đánh dẹp dễ dàng. Thắng trận này, uy thế của Lê Hoàn càng nổi trội. Đây chính là thứ hoàng phi mong đợi nhất.