Chinh Nhân Oán Ca Chương 32

Chương 32
Mẹ Bàn Kế, Con Báo Tin

Đinh Hiến bày ra kế hiểm khiến Dương phi rất vừa bụng. Bà ta nhìn Đinh Hiến đang khúm núm chờ đợi thì cười nhạt, nói thầm:

- Tên nhát gan này cốt yếu chỉ muốn An Định Hầu chết để không làm lộ chuyện hắn gắp lửa bỏ tay người! Kể ra hắn cũng có chút tài năng nhưng lại thiếu đảm lược! Thảo nào trước đây Nam Việt Vương hết lời tiến cử, bệ hạ vẫn không chịu dùng!

Dương phi lựa lời lên tiếng khẩn khoản vô kể:

- Vậy đành trông đợi hết vào ngài! Khi chuyện đã thành, ta nhất định ghi nhớ công lao để ngày sau còn báo đáp!

Đinh Hiến mừng rỡ quỳ lạy:

- Hạ thần chỉ dám xả thân vì lệnh bà, nào to gan đòi kể lễ công đức!

Đôi bên kẻ tâng người hứng thêm vài bận thì đều đẹp dạ. Đinh Hiến cố nấn ná hi vọng được trông dung nhan của công chúa Bảo Ngọc. Thường vào khắc này, công chúa hay đến vấn an Dương phi. Tuy nhiên, hắn uống cạn mấy lượt trà lại tán hưu tán vượn đủ chuyện vẫn chưa ngó thấy khuôn mặt người đẹp. Hắn nào hay, công chúa Bảo Ngọc đã đến từ lâu. Chỉ vì nghe tổng quản Trịnh Quý báo có Đinh Hiến bên trong nên nàng lánh đi chưa vào thăm Dương phi. Từ khi hay tin An Định Hầu lập phu nhân, lại nghe Thác Hoa trí tuệ vượt trội, công chúa Bảo Ngọc ngày đêm u sầu thảm nảo. Trong mắt nàng ngoài An Định Hầu, có ngó nghiêng ngó dọc đốt đuốc tìm cũng không ra một tướng lãnh nào được oai phong độ dũng tương tự. Vì thế, nàng đâu thèm đặt một quan văn dáng dấp nhỏ bé như Đinh Hiến vào trong mắt. Mặc dầu nghe đồn phong phanh Dương phi đã hứa hôn nàng với Đinh Hiến, nàng cũng để ngoài tai. Công chúa Bảo Ngọc đã tự tính, nếu mẫu phi nhất định ép nàng thì nàng tự vẫn là xong. Phải biết công chúa bẩm sanh có lá gan to hơn kẻ thường rất nhiều.

Phen này công chúa Bảo Ngọc hay tin An Định Hầu lâm vào trọng tội thì trong lòng như có lửa đốt. Tuy nhiên, Đinh Tiên Hoàng Đế đã hạ lệnh nội cung không được can sâu vào chuyện triều chính thành ra công chúa có hỏi cũng chẳng có ai dám kể chi tiết sâu xa. Nàng tìm đến hoàng hậu Đan Gia, bà ta cũng không biết rõ. Nàng đến tìm hoàng hậu Ca Ông lại bị mai mỉa đại ý nên về hỏi chủ cung Lạc Hoa. Hoàng hậu Ca Ông vốn là người kiệm lời nhưng cũng không kềm được giận mà mai mỉa khiến Bảo Ngọc hoang mang trong lòng. Công chúa Bảo Ngọc tuy là con đẻ của Dương phi nhưng lại được các hậu, phi khác rất yêu thương. Âu là nhờ dạ thơ ngây thành thật của nàng. Như hoàng hậu Kiều Quốc vốn ưa tị hiềm với Dương phi nhưng vẫn yêu thương Bảo Ngọc nhất mực. Bảo ngọc hỏi hai hậu kia chẳng được gì, cũng không dám đến hỏi hoàng đế hay Kiều Quốc, lại bấm bụng đến hỏi hoàng hậu Cồ Quốc. Hoàng hậu Cồ Quốc lại mượn lời hậu Ca Ông diễn giải thêm, kết cuộc khuyên nên về hỏi Dương phi sẽ cặn kẽ nhất. Bảo Ngọc chán nản đành cúi đầu quay về. Nàng thừa biết thân mẫu lâu nay vẫn âm thầm bày ra nhiều trò để lôi kéo bè cánh. Chuyện mặc hôn cho nàng với An Định Hầu ngày trước cũng chính là chủ ý của Dương phi mớm ý hòng kéo vương hầu cùng phía. Bà ta nào hay con gái mình thật lòng yêu thích cho nên lúc biết An Định Hầu dùng Thác Hoa làm cớ từ hôn cũng không khiến bà buồn phiền. Công chúa Bảo Ngọc không giỏi suy nghĩ thấu đáo bèn quyết đến gặp Dương phi để hỏi rõ thật hư. Nếu quả nhiên phi mẫu nhúng tay dàn xếp thì nàng sẽ đòi sống đòi chết để bắt phải cứu An Định Hầu cho bằng được.

Tuy nhiên, vừa toan vào thì hay tin Đinh Hiến đang ở bên trong phòng, công chúa Bảo Ngọc bèn nấp vào một góc bên ngoài, cốt yếu để tên Đinh Hiến xong việc đi ra cũng không phải giáp mặt. Nhờ vậy, nàng vô tình nghe thấu bao nhiêu chuyện toan tính của Đinh Hiến dâng lên cho Dương phi. Công chúa ngầm hiểu phi mẫu dính líu ít nhiều vào cớ sự của An Định Hầu thì lòng đau như cắt. Nàng rình nghe tuy đoạn được đoạn mất nhưng may mắn lúc Đinh Hiến nói chuyện phao tin mượn tay Đinh Thương, Lý Phương dấy binh thì lại rõ mồn một. Công chúa Bảo Ngọc tức thì quay gót trở ra ngoài hành cung. Nàng cố giữ nét mặt thản nhiên như chưa từng hay biết chuyện gì. Tổng quản cung Lạc Hoa nhìn thấy cũng chẳng phòng ngừa. Lão đoán chừng công chúa không muốn giáp mặt Đinh Hiến nên bỏ ra về.

Công chúa Bảo Ngọc tuy chẳng được trí tuệ thiên bẩm nhưng bù lại lá gan cực kỳ lớn. Nửa canh giờ sau, nàng đã hóa thành một vệ binh rồi âm thầm theo ngõ nam ra khỏi hoàng cung. Sau đó, nàng đổi bộ dạng thành khách buôn chọn lấy một con ngựa tốt mà cưỡi. Từ Hoa Lư đến đất Thạch Xuyên đang quản thúc An Định Hầu dài hơn một trăm hai mươi dặm, nếu đi ngựa tốt từ sáng thì quá chiều tối mới đến nơi được nhưng đó là theo lối con đường cái quan mà đi. Đinh Tiên Hoàng Đế lên ngôi việc đầu tiên chính là tu bổ đường sá. Hoàng đế cho dựng đường cái quan lớn để tiện bề thông thương khắp cả nước đồng thời lại ngầm hạ lệnh cho dựng những đường tắt nhỏ chạy song song hai bên. Con đường tắt này dùng cho quân thám mã đưa tin cấp báo hoặc chiếu chỉ hỏa tốc của triều đình xuống các châu quận xa. Vì vậy, nếu theo đường tắt tự nhiên khoảng cách từ Hoa Lư đến đất Thạch Xuyên rút ngắn còn độ ba canh giờ. Tuy nhiên, đường tắt này cấm dân thường đi vào lại cứ mười dặm lập một trạm canh vừa có chức năng canh gác vừa là nơi đổi ngựa. Công chúa Bảo Ngọc được Đinh Tiên Hoàng Đế cưng chiều nên mấy bận được cùng hoàng đế thân chinh nhiều nơi. Nàng rất thông thuộc quy tắc cũng như đường lối. Hoàng đế biết con gái ưa hiếu động nên từng tặng cho nàng lá cờ thông quan. Công chúa Bảo Ngọc chỉ việc cắm cờ thông quan trên đầu ngựa rồi đi băng băng vào đường tắt. Bọn lính gác ngó thấy không hề dám ngăn cản. Dẫu Bảo Ngọc giả dạng khách buôn mà đi cũng chẳng khiến lính gác ngạc nhiên. Thông thường quân thám mã lúc đưa tin hỏa tốc từ triều đình đều phải cải dạng như vậy, cho nên công chúa Bảo Ngọc cứ hai mươi dặm lại tấp vào một trạm gác đổi ngựa mới, nàng chạy một lèo đến đất Thạch Xuyên dễ dàng vô cùng.

Bây giờ đang tiết đông tháng mười, trời mau tối hơn thường lệ. Công chúa Bảo Ngọc đến được đất Thạch Xuyên, tìm ra thành Thạch Đài thì trời đất đã tối bưng giơ tay nhìn không rõ năm ngón. Thạch Đài được gọi là thành trì cho thêm phần long trọng thực chất chỉ là năm gian nhà lớn trên khoảng đất rộng chừng năm mẫu vuông có tường cao gấp mười đầu người bao bọc xung quanh. Nhưng hóa ra Thạch Đài này lại vững chắc. Dọc theo tường lớn hướng ngoài là con hào vừa sâu vừa rộng, bốn cửa thành cũng như tường đều làm bằng đá khối nguyên chất không sợ lửa cũng không sợ các loại máy bắn đá công kích. Dẫu chỉ là nơi đồn trú lương thảo quân bị nhưng khi xây dựng, thái sư Lưu Cơ đã chừa đến sáu đường thoát hiểm, gọi là thoát hiểm thực chất lại là đường cho quân tiếp viện tiến vào trong phòng ngừa đất Thạch Xuyên bị giặc chiếm giữ vây hãm Thạch Đài.

Công chúa Bảo Ngọc đến được Thạch Đài thì đoán chừng cung Lạc Hoa đang náo loạn tung người đi tìm kiếm. Nàng không thể giấu kín được hành tung. Căn bản, bất kể văn quan võ tướng nào đi vào đường tắt nối Hoa Lư với các châu quận khác đều được lính canh cấp báo về kinh. Chí ít lúc này, Đinh Tiên Hoàng Đế đã biết con gái yêu tự tiện dùng cờ thông quan làm bừa. Công chúa Bảo Ngọc lường trước được hậu quả nên chẳng hề sợ hãi. Nàng thản nhiên thúc ngựa đến thẳng cửa thành phía bắc được thắp đuốc sáng trưng. Tên lính gác tức thì nhảy ra chặn đầu ngựa:

- Là thám mã của lộ quân nào, đến đây làm gì?

Bảo Ngọc thản nhiên rút trong người một cái lệnh bài bằng vàng đưa ra. Tên lính gác nheo mắt nhìn kỹ vội vàng quỳ xuống hành lễ:

- Tham kiến công chúa!

Bảo Ngọc ra hiệu cho hắn đứng lên rồi hỏi:

- An Định Hầu đang bị quản thúc ở đâu?

Tên lính liền ấm ớ không dám đáp. Bảo Ngọc phải cau mày quát lớn, hắn mới đáp:

- Bẩm, bệ hạ ra lệnh không kẻ nào được phép gọi tước hầu! Công chúa hỏi làm sao bọn hạ thần dám trả lời!

Bảo Ngọc hừ nhạt:

- Vậy Đinh Quan Viễn đang bị quản thúc ở đâu?

Tên lính đáp:

- Bẩm, ngài ấy đang ở biệt viện phía nam!

Bảo Ngọc thấy An Định Hầu tuy sa cơ nhưng đến một tên lính gác cửa cũng chẳng dám mở miệng gọi xúc xiển thì đoán chừng ông vẫn bình yên vô sự nên an tâm. Nàng ra lệnh:

- Mau ra hiệu mở cửa thành! Ta phụng mệnh đến hỏi Đinh Quan Viễn vài chuyện!

Tên lính gác tuy đã xác định thân phận của Bảo Ngọc nhưng vẫn không dễ dàng nghe theo. Hắn cẩn trọng hỏi:

- Xin cho thần hỏi công chúa đã phụng mệnh của ai? Có mang theo chiếu chỉ hay tín vật gì không? Thái sư có căn dặn ngoài chỉ dụ của bệ hạ, bất kỳ ai cũng không được vào gặp!

Bảo Ngọc thấy hắn kiên quyết dẫu có dọa dẫm cũng chẳng được tích sự gì, chưa kể để bọn quân lính kéo đến đây đông đúc, đừng hòng gặp được An Định Hầu, bao nhiêu công sức hóa ra theo sông theo biển. Nàng thừa hiểu chưa được phép của hoàng đế mà dùng đường tắt đã phạm phải tội, Đinh Đế dầu cực kỳ yêu quý nàng nhưng nhất định sẽ phạt để thị uy, chí ít phải hai mươi côn đánh đau. Nàng nhẩm tính đằng nào cũng phạm tội, có phạm thêm một hai ba tội cũng có khác gì nhau. Nàng liền nói:

- Ta theo khẩu dụ của bệ hạ đến để tra xét! Tín vật ta đang cắm trên đầu ngựa!

Tên lính gác nghe vậy thì nheo mắt nhìn kỹ. Hắn nhận ra lá cờ thông quan được thêu bằng chỉ vàng, đây là loại cờ chỉ riêng Đinh Tiên Hoàng Đế được dùng. Hắn liền tin thật nên vái lạy Bảo Ngọc rồi đi đến sát cửa thành. Hắn đánh một cái chiêng đồng được đặt sẵn nơi đó. Sau ba tiếng chiêng, cánh cửa bằng đá khối từ từ dịch chuyển. Bảo Ngọc thong thả đợi cổng thành mở rộng mới thúc ngựa chạy vào trong. Thành này có cả thảy bốn trăm lính canh gác tuy nhiên vòng ngoài đã hơn hai trăm người, hai trăm người còn lại chia ra bốn cửa mỗi cửa hết hai mươi lính, chưa kể phải đặt hơn năm mươi người đứng gác trên mặt tường những chổ then chốt, tính ra số lính đi tuần chỉ còn bảy mươi người. Bảy mươi tên lính này phải chia bớt năm mươi tên coi ngó tiền viện, thành ra chỉ còn hai mươi lính lo nhiệm vụ tuần tra. Thật sự bố phòng bên trong vô cùng lỏng lẽo.

Đây là nguyên do Ngoại Giáp Công Đinh Điền muốn giam An Định Hầu ở Thạch Thành. Canh phòng lỏng lẻo để những kẻ muốn cứu vương hầu sẽ dễ bề hành động. Đinh Điền đã tính, nếu An Định Hầu vô tội thì giam giữ sơ sài, ông ta cũng không thèm trốn, một khi sợ tội bỏ trốn, thì canh gác cẩn thận đến đâu cũng khó qua nổi cái đầu lắm mưu kế của ông ta. Cho nên, giam An Định Hầu ở Thạch Đài là vẹn toàn nhất. An Định Hầu chẳng ngu dại mà bỏ trốn đi nhưng tướng lãnh dưới trướng thật giả bất phân nhất định đem quân đến cứu, như vậy đủ cớ binh biến làm loạn, vương hầu muốn cải chính cũng không có miệng để biện giải. Đinh Tiên Hoàng Đế khi đó muốn khép tội dễ dàng vô cùng, các phe cánh thân An Định Hầu trong triều cũng chẳng thể lên tiếng xin xỏ được.

Thật bụng Ngoại Giáp Công Đinh Điền bày ra cục diện trên không phải cố tình ép An Định Hầu vào chổ chết. Ngoại Giáp Công chỉ muốn thử xem vương hầu ngay thẳng trung nghĩa đến đâu. Ngoại Giáp Công và An Định Hầu là mối quan hệ đứng từ xa kính trọng nhau. An Định Hầu giữ ải phía bắc. Ngoại Giáp Công Đinh Điền thân hành khắp các châu huyện để chỉnh trang hành chính, chẳng mấy khi về kinh thành. Hai vị công hầu này mười năm dài qua chỉ nghe tiếng nhau là chính, gặp mặt quá hai lần đã nhiều. An Định Hầu từng mở miệng khen Ngoại Giáp Công là đại hiền bậc nhất của Đại Cồ Việt. Vương hầu chẳng mấy khi bình phẩm kẻ khác nhưng nói về Đinh Điền mười lời hết mười đều khen tặng. Phần Ngoại Giáp Công Đinh Điền chỉ ngầm cảm tạ. Ngoại Giáp Công với An Định Hầu nào có thân thích gì cho nên muốn khen đáp lễ cũng chẳng biết khen thế nào phải đạo. Ngoại Giáp Công tính nết thâm trầm như bụng dạ, làm gì cũng cẩn thận chu toàn. Lần hoàng đế phong hầu cho An Định Hầu, Ngoại Giáp Công mới gặp gỡ nói chuyện được đôi ba câu. Lời ít ý nhiều, cả hai đều ngầm biết trí tuệ đối phương tự đâm ra mến phục nhau.

Phàm gặp hung hiểm khó khăn mới tỏ đường ngay nẻo thẳng trong dạ người. Ngoại Giáp Công thừa biết An Định Hầu chẳng ngu ngốc đến độ đầu độc hoàng tử Đinh Hạng Lang ngay tại Quỷ Môn Quan. Lòng dạ vương hầu trung nghĩa nhưng phàm bị hoàng đế một hai cố áp thì lòng trung đến đâu cũng si suyễn ít nhiều. Ngoại Giáp Công Đinh Điền kiến nghị giam An Định Hầu ở Thạch Đài chính là lẽ trên. Ngoại Giáp Công muốn thử bụng thần hầu có phải là gang là thép. Tuy nhiên, thâm ý của ông ta lại bị Thái Sư Lưu Cơ cùng hoàng đế dùng vào mục đích cố gép tội cho An Định Hầu. Ngoại Giáp Công không khỏi hối hận vì trót góp phần hại vương hầu.

Thái Sư Lưu Cơ theo chủ kiến của Ngoại Giáp Công đã bày biện canh gác sơ sài quá đổi thiếu điều Thạch Đài khác gì nhà trống. Cho nên công chúa Bảo Ngọc tuy bị hạch hỏi ở cửa thành nhưng đi vào trong hơn nửa khắc cũng chẳng có ai chận lại kiểm tra. Công chúa Bảo Ngọc lựa một góc vắng liền bỏ ngựa nhảy xuống đất. Nàng men theo các gian nhà lớn lần đến hướng nam vừa kịp thấy có hai bóng đen đang lấp ló. Bảo Ngọc ngơ ngác:

- Đã ở trong Thạch Đài làm gì có người lén lút thế kia?

Bảo Ngọc không dám đến gần. Nàng nấp vào một góc tường quan sát. Hai bóng đen kia cứ luân phiên ngóc đầu lên nhìn trên mái căn biệt viện đang quản thúc An Định Hầu, như chừng bọn chúng biết chắc có kẻ sẽ xuất hiện trên nóc nhà. Bảo Ngọc phải căng mắt trông kỹ mới phát hiện cứ cách chừng mười bước chân thì có hai bóng đen như vậy. Bọn chúng kẻ nấp vào gốc cây, kẻ nấp vào giả sơn, kẻ nấp vào kẹt tường, chỉ vì cứ phải thay phiên ngóc đầu nhìn lên mái biệt viện nên Bảo Ngọc mới thấy được. Bảo Ngọc quan sát một hồi mới nhận ra hơn hai mươi bóng đen kia đều đồng loạt nhìn chăm chăm vào chiếc lồng đèn đang treo ngoài cửa sổ phía tây của biệt viện. Nàng không đủ trí óc để kịp hiểu đang xảy ra chuyện gì nên cứ im lặng quan sát. Đột nhiên, chiếc lồng đèn phụt tắt. Công chúa Bảo Ngọc kịp thấy có vật gì như viên sỏi ném xuyên qua lồng đèn dập tắt cây nến đang cháy bên trong. Lúc đó, những bóng đen kia liền rì rầm:

- Đến rồi! Đến rồi! Mau mau chuẩn bị!

Bỗng nhiên phát ra những thanh âm như có người bị đánh trúng. Có thêm một bóng đen mập mạp đột ngột xuất hiện. Hắn cứ nhè đến những bóng đen đang lấp ló mà ra đòn. Lúc quyền, lúc cước, hắn to béo nhưng di chuyển vô cùng nhanh nhạy, bọn người kia tự động ngã ra đất bất tỉnh nhân sự. Bóng đen to béo kiểm tra cẩn thận mới an tâm phủi tay. Hắn lúc này đứng cách nơi công chúa Bảo Ngọc nấp chỉ quá hai mươi bước chân nên nàng ta nhìn thấy kỹ lưỡng. Nàng liền đưa tay che lấy miệng mình để không bật ra tiếng kêu lớn kinh ngạc:

- Chẳng phải là tổng quản điện Vĩnh Tường Đinh Phúc đó sao?

Thường ngày trong cung, Đinh Phúc lúc nào cũng tỏ ra chậm chạp có phần đểnh đoảng. Các thái giám cung khác thường hay ở sau lưng hắn không thôi mai mỉa. Bảo Ngọc cũng có bụng xem thường. Nàng đoán chừng chỉ vì hắn là thân tín của An Định Hầu nên mới được trọng dụng leo lên chức tổng quản. Giờ thấy Đinh Phúc ra tay đánh ngất gần hai mươi người dễ dàng vô chừng, đòn thế vừa nhanh vừa cực kỳ chuẩn xác, công chúa Bảo Ngọc nhủ thầm trong bụng:

- Thì ra hắn rất giỏi giả vụng về để che giấu bản lĩnh! Ta nghe ngày trước hắn từng đánh bại cả đại tướng quân Lê Hoàn, cầm hòa với Định Quốc Công chắc không phải lời đồn bậy bạ!

Công chúa Bảo Ngọc vừa nói thầm đến đây thì Đinh Phúc đã biến mất. Nàng liền ngơ ngác nhỏm người dậy nhìn bốn phía:

- Hắn…hắn đâu rồi? Tên mập như hắn sao lại mau lẹ đến vậy!

Bỗng nhiên, Bảo Ngọc cảm giác hụt hẫng dưới chân. Nàng đã bị một người từ đằng sau túm lấy cổ áo mà nhấc lên. Chính là Đinh Phúc. Hắn nghe công chúa Bảo Ngọc nói tên mập này tên mập nọ thì tức giận:

- Tên mập là ta đang ở đây! Các ngươi dám lén lút dọ thám ư?

Bảo Ngọc nghe tiếng gió liền hoảng hồn đoán chừng Đinh Phúc ra tay. Nàng tự biết trúng một quyền của hắn không gãy xương thì cũng bị mê mang bất tỉnh bèn la lên:

- Hỗn láo! Một tên tổng quản nho nhỏ như ngươi dám đánh ta ư? Ta chính là công chúa Bảo Ngọc đây! Ngươi dám làm ẩu?

Đinh Phúc nghe ra giọng của công chúa Bảo Ngọc thì giật mình. Quyền vừa tới sát má công chúa tự nhiên dừng lại. Đinh Phúc vội lôi Bảo Ngọc ra nơi có ánh sáng nhìn kỹ. Hắn nhận đúng là nàng liền hỏi:

- Công chúa…sao ăn vận thế này? Công chúa đến Thạch Đài làm gì?

Vốn Đinh Phúc được lệnh An Định Hầu canh gác bên ngoài. Hắn phát hiện có hơn hai mươi tên lính mặc toàn đồ đen lấp ló nghe ngóng động tĩnh nên ra tay. Hắn đánh cả bọn bất tỉnh nhân sự, toan phủi mông bỏ đi thì phát hiện còn một người nấp gần đó. Hắn nhanh chân lẻn vào màn đêm rồi vòng ra sau lưng người này toan đánh ngất. Kịp lúc người đó mở miệng gọi hắn là tên mập, Đinh Phúc giận quá mắng lại một câu rồi mới ra đòn. May sao hắn nhận ra giọng nói công chúa Bảo Ngọc nên dừng tay. Ví như vừa rồi công chúa không lỡ miệng gọi, hắn cứ âm thầm ra tay tự nhiên rước họa lớn. Chuyện công chúa Bảo Ngọc được Đinh Tiên Hoàng Đế cưng chiều nhất hạng thì toàn Đại Cồ Việt ai ai cũng biết. Đinh Phúc đánh một quyền, nhẹ thì làm công chúa bất tỉnh, nặng thì sưng đầu mẻ trán, thân phụng bị hề hấn gì mười cái đầu của Đinh Phúc cũng chẳng đủ đền tội.

Đinh Phúc phát hiện ra công chúa Bảo Ngọc thì sợ hãi vô kể. Hắn nhẩm tính chẳng được phương thức gì bèn tự nhủ:

- Thôi thì cứ đem vào cho vương hầu xử lý! Nếu ông ấy muốn cứ để ông ấy ra tay! Ta chưa có lá gan giết hoàng thân quốc thích!

Thực ra Đinh Phúc cũng có dự tính riêng. Hắn nhìn công chúa giả trang khách buôn đoán chừng đã lẻn khỏi cung đến đây. Nếu đã lẻn đi thì mấy ai tường tỏ, bí thế phải xuống tay thì có trời lần ra được, Đinh Phúc yên tâm trong bụng nên cắp công chúa bên hông chạy như bay vào phòng.

Lúc này Thác Hoa được lệnh của An Định Hầu đã nằm trên giường giả vờ ngủ say. An Định Hầu đang ung dung ngồi uống trà. Ông chỉ đợi trên nóc nhà có tiếng động sẽ hỏi chuyện. Đột nhiên Đinh Phúc băng băng đi vào còn cặp theo một người. An Định Hầu nhìn kỹ thì giật mình:

- Công chúa…sao lại cải dạng như vậy?

Công chúa Bảo Ngọc thường ngày quen nếp được những người hầu hạ chiều chuộng. Nàng bị Đinh Phúc bắt vào trong phòng, lại nhìn thấy nét mặt khẩn trương của hắn cùng An Định Hầu, thầm đoán mình đã xuất hiện không đúng lúc. Nàng từng biết An Định Hầu khi cần thiết xử việc tàn nhẫn vô cùng. Đến Nam Việt Vương nổi tiếng hành sự hay tàn bạo cũng phải kiêng nể vương hầu về khoản này. Công chúa Bảo Ngọc cũng vài lần nghe các tướng lãnh bên ngoài triều về kinh nhận thưởng. Cả bọn nhân chén rượu ưa bàn chuyện về kẻ khác nhưng đố tướng lãnh nào dám động đến An Định Hầu. Âu vì uy dũng cộng thêm tánh tàn nhẫn của ông ấy đã thành danh cho nên các tướng khác ngán ngại chỉ dám oán thán hay mai mỉa thầm.

Nguồn: truyen8.mobi/t124804-chinh-nhan-oan-ca-chuong-32.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận