Chinh Nhân Oán Ca Chương 33

Chương 33
Trinh Minh Hoàng Hậu Ra Tay

Đinh Phúc kề tai An Định Hầu to nhỏ. Bảo Ngọc thấy nét mặt An Định Hầu lộ nét đăm chiêu tự nhiên sợ hãi. Nàng thầm nghĩ:

- Phi mẫu bày trò hại, ông ta tất có lòng oán! Lỡ như ông ta trút hết lên người ta thì sao?

Nàng không khỏi hối hận khi lẻn ra khỏi cung một mình. Vào lúc này An Định Hầu nổi trận thịnh nộ giết bỏ nhất định không một ai lần ra được. Bảo Ngọc sợ hãi một lúc lại thấy trong lòng ấm áp. Nàng nhìn ông ta, nhủ thầm:

- Mình vì ông ấy mà phá hỏng kế sách của thân mẫu là phạm bất hiếu, lại giả truyền chỉ ý của phụ hoàng là bất trung bất đạo! Mình phạm ba tội lớn trên tự nhiên cũng khó sống yên được, chi bằng chết trong tay ông ấy còn hơn để phụ hoàng đánh chết! Đời này sống không giúp ông ấy được thì chết đi làm ma vẫn có thể âm thầm phù trợ! Chỉ mong ông ta sau này thoát mọi kiếp nạn sống đầu bạc răng long với phu nhân đáng ghét kia thỉnh thoảng nhớ đến công chúa khờ dại là mình đây thì an ủi lắm rồi!

Bảo Ngọc nghĩ thông có phần chua chát nhưng lòng đã nguyện để An Định Hầu muốn chém giết thế nào cũng được. Nàng nhìn ông ta đang lộ nét do dự thì hít một hơi lấy can đảm mà nói:

- Thiếp tự biết đã xuất hiện không đúng lúc, lại làm liên lụy đến ngài! Xin ngài rộng lượng bỏ qua cho thiếp! Ví như ngài muốn trút oán mà giết bỏ, thiếp cũng không thán một lời!

An Định Hầu thực chất chưa biết xử lý nàng ra sao nên vội xua tay nói:

- Ta đã không còn là tước hầu, công chúa không cần phải cẩn ngôn! Ta đang là tội nhân thật sự nhận không nổi!

Bảo Ngọc liền đáp:

- Ngài nhận nổi! Có gì mà không nổi, có bắt thiếp suốt đời làm trâu làm ngựa cho ngài thiếp nào có dám oán thán một tiếng, còn ngoan ngoãn cam chịu! Chỉ là ngài không để thiếp vào trong mắt đó thôi!

Nàng nói đến đây, trong lòng tự nhiên dâng lên ấm ức, lệ ngọc rơi lả chã xuống má. Đinh Phúc trợn mắt chẳng biết nên khuyên can hay không. Hắn đoán chừng Thác Hoa đã nghe tường tận. Vị vương hầu phu nhân này thích nhất là ghen hờn. Bảo Ngọc cảm xúc nhất thời bày tỏ tình ý khác nào đẩy An Định Hầu và hắn phải làm bia trút giận của Thác Hoa. Hắn chỉ sợ Thác Hoa nhịn không nổi bật dậy khóc kể theo, An Định Hầu dẫu có đem hết tài thao lược cũng khó bình định được lòng dạ hai nữ nhân này.

An Định Hầu thấy công chúa bật khóc, nỗi mấy phần xót thương trong dạ. Tuy nhiên, ông ta vẫn giữ giọng điềm tỉnh mà đáp:

- Ta tự biết công chúa có lòng để mắt, nhưng ta chỉ là võ phu thật sự không hợp với công chúa! Ta nào dám trèo cao!

An Định Hầu lựa lời nói khéo càng khiến Thác Hoa nằm trên giường cào chăn vò gối ấm ức:

- Ví như ả ta chẳng phải công chúa thì ngài đâu còn mang tiếng trèo cao? Vậy là ngài có thể lấy ả phải không?

An Định Hầu đoán chừng Thác Hoa đang nổi cơn tam bành. Ông chưa biết phải xử lý công chúa Bảo Ngọc ra sao nên cốt lựa lời hòng mong nàng ta đừng châm thêm dầu vào lửa. Ngờ đâu, Bảo Ngọc nghe nói xong chẳng những không nguôi mà còn khóc nức nở:

- Nam nhân đầu tiên thiếp để vào ánh mắt là ngài! Ngài thừa biết lại cứ giả vờ không hay! Lúc hoàng mẫu ép thiếp lấy ngài, dẫu biết mẹ còn toan tính khác nhưng lòng thiếp vui sướng biết bao! Thiếp ở cấm cung ngày ngày chỉ mong tròn mười tám để được ngài đưa kiệu lớn đến rước! Chẳng ngờ ngài lại dẫn một nữ nhân khác về rồi lập thành phu nhân! Ngài có biết, đến tận bây giờ thiếp đều âm thầm khóc mỗi đêm hay chăng?

Lời này đã đem hết sầu khổ tận tâm cang mà nói ra, Bảo Ngọc dầu gì cũng chỉ mới mười tám tuổi, An Định Hầu thấy nàng ôm mặt khóc rưng rức như đứa trẻ con tự động có thêm mấy phần ngậm ngùi. Ông toan lên tiếng an ủi thì Bảo Ngọc đã lau nước mắt rồi nói:

- Hôm nay thiếp đến đây không phải để kể lể lòng dạ! Thiếp tự tiện dùng đường tắt lại dùng cờ thông quan của phụ hoàng!

An Định Hầu cùng Đinh Phúc đều trợn mắt. Cả hai la thầm trong bụng:

- Cô công chúa này thật lớn gan phạm cả cấm kỵ của bệ hạ!

Đinh Đế nổi tiếng nghiêm hình, phàm những ai đã phạm húy bất kể thân thích hay thường dân đều bị xử nặng. An Định Hầu dù biết hoàng đế cưng chiều Bảo Ngọc hết mực nhưng không khỏi lo lắng. Vào năm thái bình thứ tư, Đinh Đế nạp một thứ phi. Thứ phi này vừa xinh đẹp vừa giỏi lấy lòng nên được hoàng đế ân sủng hết mực. Thứ phi vì đó càng đắc ý thêm hống hách tự đắc. Kết cuộc nàng ta đã làm một chuyện hết sức ngu ngốc. Thứ phi cậy được Đinh Đế sủng ái nên có lần ngang nhiên đến điện Kiến An. Nàng ta cốt chỉ muốn tìm hoàng đế nhưng lại không thấy. Điện Kiến An là nơi mật họp riêng của Đinh Đế với quần thần, cũng giống như điện chính Kiến Xương, nơi này cũng có đặt một chiếc ngai vàng. Thứ phi kia tự nhiên tò mò lại leo lên ngai vàng ngồi thử vừa lúc Đinh Tiên Hoàng Đế cùng thái sư Lưu Cơ bước vào. Thứ phi kia dám rời hậu cung đến điện Kiến An đã phạm vào húy kỵ hậu cung không được can dự vào triều chính, nàng ta lại còn ngồi lên ngai vàng phạm vào khinh quân, Đinh Đế tức thì ra lệnh đem thứ phi kia ra chém trước điện Kiến Xương thị uy. Văn quan võ tướng khi đấy vừa tan chầu đang còn nấn ná đều trông thấy. Thứ phi gào khóc nức nở vẫn không khiến Đinh Tiên Hoàng Đế đổi ý. Hoàng đế hạ lệnh chém trong lòng cũng đau đớn vô kể. Tuy nhiên, nhờ vụ án thứ phi kia, trên dưới triều đình đều khiếp đảm tự bụng bảo dạ không dám khinh nhờn phép tắc.

An Định Hầu ngầm so sánh, Đinh Đế chiều chuộng Bảo Ngọc chưa bì được ba phần chiều chuộng với thứ phi trước đây, một khi hoàng đế theo tội xử phạt khó mà nương tay cho được.

Công chúa Bảo Ngọc nói tiếp:

- Ta đến đây để báo tin, ngài phải cẩn trọng phòng bị! Tên Đinh Hiến và mẹ của ta đang bày kế ép ngài vào tội tạo phản!

Bảo Ngọc liền đem hết những lời đã nghe thấy ở cung Lạc Hoa kể lại. Nàng rất thận trọng, gặp phải đoạn chẳng nhớ rõ ràng thì dừng lại để suy ngẫm tường thuật hòng mong không thêm bớt một từ một chữ nào. Âm mưu của Đinh Hiến thì An Định Hầu, Thác Hoa và Đinh Phúc đã có bụng đoán ra trước nên cũng không bất ngờ. Tuy vậy, ba người thấy công chúa Bảo Ngọc kể chậm rãi chi tiết đều phải cảm kích trong bụng. Đinh Phúc nhiều năm hầu hạ ở cấm cung đã quen nhìn nét mặt người khác để đoán ý, hắn tức thì hiểu ra tấm lòng sâu nặng của công chúa đối với An Định Hầu. Hắn lẩm bẩm trong bụng:

- Dương phi một hai mượn tay Đinh Hiến để ép chết vương hầu, công chúa Bảo Ngọc lại liều mình giả mạo thánh ý để đến báo tin hòng cứu mạng! Mẹ bày kế, con phá bĩnh, thật là cảnh trớ trêu! Xem ra trong lòng công chúa đã nguyện sống chết với vương hầu rồi! Hỡi ôi tình nhi nữ, trung trinh làm sao!

Hắn toan khen thầm An Định Hầu thật sự có phước bỗng nhớ đến Thác Hoa đang giả vờ nằm ngủ trên giường, tự nhiên lạnh hết gáy. Hắn đoán vị vương hầu phu nhân đang cố dằn lửa giận, đợi công chúa Bảo Ngọc đi khỏi mới nổi trận lôi đình. Hắn bèn tính mượn cớ đưa tiễn công chúa để lặn đi khuất mắt khỏi phải làm bia trút giận của Thác Hoa. Nghĩ được như vậy, Đinh Phúc hớn hở trong bụng.

Riêng Thác Hoa lại có suy nghĩ khác. Nàng ban đầu nằm nghe Bảo Ngọc bộc lộ chân tình thì toàn thân nóng bừng như phát sốt, chỉ muốn bật dậy tát tai nàng ta mấy cái để hạ hỏa. Thường, vợ nghe nữ nhân khác bày tình cảm với chồng mình thì đố có ai không nổi giận cho được. Nhưng chỉ một lát sau, nàng tự nhủ:

- Nếu ta đùng đùng thịnh nộ khác gì nghi ngờ vương hầu không thủy chung? Ta nổi cơn ghen cũng giống như những nữ nhân thường tình khác! Vương hầu đâu phải kẻ tầm thường lý nào lại có một người vợ tầm thường được!

Thác Hoa nghĩ vậy, lại thêm thân phận là nữ vương tương lai của Chân Lạp, đem so đo với một công chúa thật sự có phần không hợp với địa vị. Thác Hoa bèn cố kềm lòng. Nàng cứ vậy mà nằm nghe Bảo Ngọc thuật lại âm mưu của Đinh Hiến dâng cho Dương hậu. Nàng cứ ngẫm, Bảo Ngọc mạo chỉ dụ hoàng đế dùng cờ thông quan đi gần trăm dặm để báo tin, tự nhiên nguôi đi ghen hờn còn có phần cảm kích.

Bảo Ngọc thuật xong thì tiến đến gần An Định Hầu mà nói:

- Ngài mau ra tay đi! Ta thà chết trong tay ngài còn hơn! Đằng nào thì phụ hoàng bắt ta về cũng sẽ trừng trị nghiêm khắc! Ta không sao chịu được hai mươi côn đánh đau! Ngài mau giết ta thì hơn!

An Định Hầu chần chừ thở dài:

- Ta…ta giết công chúa làm gì?

Bảo Ngọc không còn thấy sự giận dữ trong mắt vương hầu bèn nói tiếp:

- Thiếp đã từng nghe hoàng mẫu nói với tổng quản Trịnh Quý, An Định Hầu có thói quen treo lồng đèn để mật đàm với phe cánh riêng! Thiếp đoán mình đã đến không đúng lúc, ngài nhất định không để thiếp yên ổn đi được!

An Định Hầu sớm đoán Dương phi đã biết chuyện dùng lồng đèn làm tín hiệu từ lâu nên cũng không ngạc nhiên. Lúc này Đinh Phúc kề tai An Định Hầu mà nói:

- Công chúa dùng đường tắt đến Thạch Đài thì tin tức đã đến tai bệ hạ! Nhất định lúc này đang có quân mã đến tìm công chúa đem về kinh, ngài nên tự liệu trước!

An Định Hầu trầm ngâm rồi nói với Bảo Ngọc:

- Tạ ơn công chúa đã đến báo tin! Tuy nhiên phen này, bề trên nhất định sẽ trách tội công chúa! Không biết, công chúa có tính toán gì để phòng hậu?

Bảo Ngọc nghe An Định Hầu không có ý làm khó dễ mình thì thở phào nhẹ nhỏm. Nàng ta thản nhiên đáp:

- Cùng lắm phụ hoàng sẽ đem ta ra Chính Môn phạt hai mươi côn là cùng! Ta không tin ông ấy nỡ đánh chết ta!

Bảo Ngọc trong bụng tuy sợ Đinh Đế trừng phạt nhưng vẫn ỷ y được cưng chiều nên cho rằng dẫu có phạt, hoàng đế cũng không nặng tay. An Định Hầu than thầm trong bụng, tự hiểu nàng công chúa lớn gan này quen làm liều chẳng hề tính toán trước sau kỹ lưỡng, ngẫm cũng vì lo lắng cho an nguy của ông nên không tiếc gì. Bản thân An Định Hầu chưa chắc thoát qua được cơn nguy biến thành ra đâu còn tâm tư lo lắng cho người khác. Tuy nhiên, nếu để Bảo Ngọc bị phạt hai mươi côn thật tính ra cũng có dính dáng đến ông. An Định Hầu bèn thầm tính rồi nói:

- Ta có một cách giúp công chúa không bị bề trên phạt đòn, cùng lắm chỉ là trách mắng mấy câu mà thôi!

Bảo Ngọc mừng rỡ hỏi:

- Là cách gì?

Nàng ta vui mừng không phải vì sắp thoát khỏi trận đòn của Đinh Đế, nàng mừng khi thấy An Định Hầu vì nàng mà tính kế, hiển nhiên trong lòng ông ta đã quan hoài đến nàng. Bất kể kế sách đưa ra có dùng được hay không thì Bảo Ngọc vẫn sướng rơn trong bụng cảm kích vương hầu vô kể.

An Định Hầu nói:

- Công chúa chỉ cần nói với bề trên, vì muốn biết rõ có phải ta đã cố tình độc chết Đinh Hạng Lang hay không nên mới đến Thạch Đài để tra khảo! Bề trên sẽ nghi ngờ nên hỏi, vậy ta trả lời thế nào? Công chúa lúc đó hãy nói, ta nhất định không chịu nhận còn kêu oan lại còn nói, bệ hạ muốn lấy lại tước hầu thì cứ lấy ta chẳng muốn làm nữa!

Đinh Phúc là kẻ nhanh nhạy tự nhiên thấu rõ bụng dạ An Định Hầu. Hắn liền cười hì hì nói với Bảo Ngọc:

- Đây là cách vẹn toàn, công chúa sẽ không bị bệ hạ phạt nặng!

Bảo Ngọc cơ trí không được minh mẫn nên hỏi:

- Lỡ như ta nói như vậy, thượng hoàng lại hỏi tiếp thì ta biết trả lời như thế nào?

An Định Hầu đáp chắc nịch:

- Chỉ cần công chúa thuật lại đúng lời trên, bệ hạ nghe xong sẽ tự động không hỏi thêm gì nữa!

Công chúa nghe An Định Hầu khẳng định thì an tâm. Nàng lúc đầu đã tính cùng lắm bị Đinh Đế đánh hai mươi côn, làm hồn ma cũng chẳng dám oán thán gì, cốt yếu chỉ muốn giúp tình lang trong mộng, nhưng lúc này được gặp An Định Hầu thì dũng khí cảm khái đó đã tiêu tán hết, nàng không khỏi sợ hãi. Thân hình nàng nhỏ bé chịu chừng mười côn thì đã nát thịt tan xương làm sao thấu đến côn hai mươi được. Dầu gì còn sống ngày đêm vọng tưởng đến An Định Hầu vẫn hơn. Bảo Ngọc đã không còn sợ bị Đinh Đế phạt đòn trong bụng tự nhiên nảy sanh chủ ý. Nàng bèn hỏi:

- Ta sau này có thể nhờ ngài làm một việc?

An Định Hầu gật đầu:

- Công chúa không xá thân phận cao quý đến báo tin, đại ơn này ta sẽ tạc dạ! Sau này nếu công chúa cần ta làm gì thì cứ lên tiếng hoặc cho người truyền tin, ta nhất định không chối từ!

An Định Hầu nói xong thì hối hận. Lỡ như nàng công chúa to gan này đùng đùng muốn ông cưới làm thiếp thì chẳng biết phải làm sao. Tuy nhiên, lời cũng đã lỡ hứa, An Định Hầu không thể thu lại hay đính chính nên đành thôi.

Bảo Ngọc nghe xong tự nhiên hai mắt rạng rỡ:

- Ngài đã nói như vậy thì tốt! Ta trở về Hoa Lư đây!

An Định Hầu đứng dậy vái chào, Đinh Phúc thì tiễn nàng ra đến tận cửa. Đợi công chúa đi khỏi, hắn lật đật chạy ngược vào trong phòng cười hì hì:

- An Định Hầu thật sự anh minh!

An Định Hầu rót một chén trà uống cạn rồi nói:

- Công chúa phen này về tất nhiên thuật lại lời ta nói, bệ hạ nghe tự biết ẩn ý bên trong sẽ không còn muốn làm khó! Ngày trước bệ hạ phong tước hầu cho ta cốt dùng ta răn đe chư tướng, chẳng ngờ thanh thế của ta ngày một lớn trở thành mối đe dọa! Nếu bệ hạ đã e ngại cân nhắc, chi bằng ta trả lại tước hầu là xong! Bây giờ chúng ta chỉ cần chờ hoàng hậu Trinh Minh ra tay!

An Định Hầu ngớt lời, ngước lên trần nhà, cất tiếng hỏi:

- Ngươi nghe hết rồi phải không?

Trên nóc nhà tức thì có tiếng đáp:

- Bẩm, nghe rất rõ!

An Định Hầu lệnh:

- Ngươi cấp tốc lên đạo Lâm Tây tìm Đinh Thương truyền khẩu dụ của ta, dầu có nghe bất kỳ tin đồn nào cũng không được động binh làm càn! Ngươi vốn là kẻ học võ, có được khinh công nhanh nhạy nhất định sẽ đến gặp Đinh Thương trước bọn người tung tin.

Người trên nóc nhà đáp:

- Bẩm, đã rõ! Không biết ngài còn căn dặn gì?

An Định Hầu nói:

- Sau khi đến đạo Lâm Tây xong, ngươi hãy đến Hoa Lư, nhất định hoàng hậu Trinh Minh sẽ cho gọi!

Người kia liền nói:

- Bẩm, ba ngày trước hoàng hậu Trinh Minh đã cho treo đèn để gọi nhưng vì chưa có lệnh của ngài nên thuộc hạ không dám tự tiện!

An Định Hầu đáp:

- Ngươi cứ đến gặp mặt, chỉ cần không nói gì ngoài lề là được! Ngươi đi đi!

Người kia dạ một tiếng rồi nhẹ nhàng đạp ngói đi biệt.

Lại nói công chúa Bảo Ngọc vừa ra khỏi Thạch Đài thấy liền một toán lính ngự lâm phi nước đại đón đầu. Thường lính ngự lâm chỉ ở trong cấm cung ít khi công vụ bên ngoài, Bảo Ngọc đoán Đinh Tiên Hoàng Đế nóng lòng mới phát lệnh bọn họ đến tìm. Nàng thản nhiên theo cả bọn quay trở lại Hoa Lư. Bọn lính ngự lâm sợ công chúa nửa đường bày trò bỏ trốn nên rất cẩn trọng không dám khinh suất. Cả đoàn người ngựa đi đến trời ửng sáng mới về lại kinh thành. Dĩ nhiên, Đinh Tiên Hoàng Đế nổi trận lôi đình không ngớt trách phạt. Bảo Ngọc vẫn còn đang mơ màng nhớ đến giọng nói đầy lo lắng của An Định Hầu nên đâu còn tai để nghe hoàng đế quở mắng. Hoàng đế cứ việc giảng giải hả hê nguôi giận, mới hỏi:

- Rốt cuộc con đến Thạch Đài làm gì?

Bảo Ngọc nhớ lời mách của An Định Hầu, liền đáp:

- Con ngày ở cung cấm nghe chuyện vương hầu đầu độc Hạng Lang! Con là thân làm chị sao có thể nhắm mắt ngồi yên được! Con nóng lòng nên chạy đến Thạch Đài để hỏi vương hầu xem sự thể ra sao?

Quả nhiên Đinh Đế nghe xong tự nhiên chột dạ. Hoàng đế ngần ngừ hỏi:

- Vậy ông ta trả lời thế nào?

Bảo Ngọc không khỏi mừng thầm trong bụng, An Định Hầu tiên liệu không hề sai lệch. Bảo Ngọc lại theo ý ông ta mà đáp:

- Con gặng hỏi mãi ông ta cũng không nhận! Ông ta còn nói bản thân bị oan, rồi nói bệ hạ muốn lấy tước hầu thì cứ việc lấy, ông ta chán nản không muốn làm nữa!

Nàng nói xong thì trái tim trong lồng ngực cũng đập loạn như trống. Ví như, hoàng đế hỏi thêm, nàng chẳng biết phải trả lời thế nào. Nàng hồi hộp nhìn nét mặt giận dữ của Đinh Đế bỗng nhiên dịu xuống. Hoàng đế lẩm bẩm:

- Ông ta…ông ta mở đường cho ta đó ư?

Hoàng đế lẩm bẩm quá nhỏ cho nên Bảo Ngọc không hề nghe rõ. Hoàng đế thả người ngồi xuống ngai vàng chau mày nghĩ ngợi. Bảo Ngọc chẳng đủ cơ trí để đọc thấu tâm tư người khác nên chỉ biết hồi hộp đứng đợi. Một lát sau, Đinh Tiên Hoàng Đế trầm giọng nói với nàng:

- Niệm tình con vì nóng lòng muốn tra chân tướng lo lắng cho em nên ta bỏ qua! Nhưng có tội thì vẫn phải chịu phạt! Ta phạt con tự giam mình trong điện Khánh Phong một tháng mà ăn năn!

Điện Khánh Phong nằm cách biệt ở phía tây cấm cung, là nơi thanh tịnh nhất trong kinh đô Hoa Lư. Bảo Ngọc quen được kẻ hầu người hạ, bày lắm trò đủ chuyện tìm vui, nàng đến điện Khánh Phong sám hối tất nhiên sẽ buồn rầu vô kể nhưng nhẩm ra so với việc chịu đánh hai mươi côn thì chẳng hề hấn gì. Nàng liền dập đầu tạ ơn rồi nhanh chân chạy khỏi điện Kiến An, sợ hoàng đế bỗng đổi ý thì không khỏi mang họa. Nàng vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Vương hầu quả thật lợi hại! Chẳng uổng mình đã liều vì ông ấy!

Nàng ta lại tự nhủ:

- Nếu ta để vuột một đức lang quân như vậy không phải tiếc nuối lắm sao!

Hai má công chúa liền ửng hồng tự dệt bao chuyện mơ mộng. Ngày trước, các giấc mộng tự dệt của nàng đều hoàn mỹ, tuy nhiên từ lúc hay tin An Định Hầu lập Thác Hoa làm chánh thất phu nhân, các giấc mộng hoan ái đều bị hình ảnh Thác Hoa đột ngột xuất hiện phá ngang. Bảo Ngọc tự biết so bì cơ trí chẳng bằng Thác Hoa nên cứ nghĩ đến lại thấy buồn tủi. Nàng trong bụng u uất nên không quan tâm đến đoàn tỳ nữ đang hộ tống một người đi phía trước mặt, kết cuộc đã va vào người đó. Bảo Ngọc tỉnh mộng ngơ ngác nhìn liền vội vàng quỳ xuống dập đầu sợ hãi:

- Nhi thần không biết hoàng hậu…

Ngươi kia liền xua tay nói lạnh lùng:

- Miễn lễ! Ta không trách tội, công chúa không cần sợ hãi! Mau đứng lên cho ta xem công chúa có bị gì hay không?

Bảo Ngọc càng sợ hãi cúi đầu đáp:

- Nhi…nhi thần không dám! Xin …hoàng hậu rộng lượng tha thứ…!

Nàng chưa nói dứt câu thì người nữ kia liền đến gần nâng đứng dậy. Hóa ra người nữ này tuổi còn khá trẻ, đó là nhờ giọng nói mà đoán ra được, khuôn mặt người nữ này có dùng tấm lụa xanh che ngang chỉ để chừa sống mũi thanh tao cùng đôi mắt tròn. Người nữ này vỗ về Bảo Ngọc mà nói:

- Công chúa được các hậu khác thương yêu, lẽ nào hoàng hậu Trinh Minh ta đây không thương yêu hay sao?

Người nữ chính là hoàng hậu Trinh Minh. Công chúa Bảo Ngọc nghe giọng nói của hoàng hậu tuy vẫn lạnh lùng nhưng gần gũi thì yên trong bụng. Vốn, hoàng hậu Trinh Minh chỉ ở cung Vi Điền. Bà ta quanh năm suốt tháng không bao giờ lộ mặt. Đến các yến tiệc lớn nhỏ cũng chỉ xuất hiện đôi chút rồi cáo lui. Hoàng hậu bản tánh cô độc không kéo bè cánh cũng không thích những nơi đông người. Vì thế, từ lúc bà ta nhập cung đã nhanh chóng chịu nhiều lời đồn đại ác ý.

Hiển nhiên, những lời đồn đại này đa phần từ miệng của các thái giám ở cung khác. Căn bản đều do thói quen dùng khăn che mặt và giọng nói lúc nào cũng lạnh lùng, cộng thêm từ ngày hoàng hậu ở cung Vi Điền, tất cả bọn chó mèo chim chóc nuôi làm cảnh tự nhiên lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử, sau có vài ba thái giám tự nhiên nửa đêm ngã lăn đùng giữa điện mà chết. Vậy là miệng bọn thái giám rảnh hơi lại có thêm điều đồn đại. Có kẻ còn nói hoàng hậu mang mạng sát tinh nên những ai thân cận đều không gặp may. Chẳng có ai có thể kiểm chứng điều trên nhưng vì thế từ tỳ nữ thái giám hầu hạ đến các phi tần và hoàng hậu khác đều để bụng e dè hoàng hậu Trinh Minh. Phàm đến mẹ của thánh hiền Tăng Sâm nghe ba kẻ rao tin con mình giết người cũng phải vứt cả khung dệt để chạy đi nghe ngóng thì còn nói được ai. Các hoàng hậu cung phi ngày ngày nghe bọn thái giám, tỳ nữ bàn chuyện mua vui dần dà tự nhiên tin là thật. Đến cả Đinh Tiên Hoàng Đế cũng kính trọng bà ta ra mặt càng khiến cả thảy nội cung chẳng dám xem thường.

Nguồn: truyen8.mobi/t124805-chinh-nhan-oan-ca-chuong-33.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận