Chinh Nhân Oán Ca Chương 35

Chương 35
Thần Hầu Một Cổ Mang Hai Ách Thù

Đinh Tiên Hoàng Đế một mình trong điện Kiến An u uất cười hận hơn một khắc mới nguôi ngoai. Hoàng đế thở dài ngẫm nghĩ liền cho người chuẩn bị kiệu trướng đến cung Cẩm Tuệ. Bọn tùy tùng đã quen nết hoàng đế nên lúc nào cũng chờ sẵn, nghe triệu vội vàng khênh kiệu lớn đến. Một tốp quân ngự lâm hơn năm mươi người theo chân hoàng đế hướng về hành cung của hoàng hậu Kiều Quốc. Đợi toàn điện Kiến An vắng lặng, viên thái giám đang nấp ở một góc khuất ngoài điện mới lặng lẽ theo cửa sau bỏ đi. Viên thái giám này chính là Đỗ Thích. Hắn lẳng lặng theo các hành lang ngang dọc rối rắm sau điện hướng về hậu cung.

Đỗ Thích bất chợt rẻ trái nhằm hướng tây, chính là hướng đến điện Khánh Phong, nơi công chúa Bảo Ngọc vừa bị hoàng đế phạt phải ở sám hối răn mình. Điện Khánh Phong sau lưng giáp phải phần tường thành xây tựa thế núi Vũ, trước mặt và hai bên chìm khuất trong vườn thượng uyển đủ muôn hoa, khung cảnh tuy tao nhã nhưng cô tịch quá đổi. Công chúa Bảo Ngọc rời điện Kiến An toan chạy về ôm Dương phi khóc kể nhưng nàng ta sực nhớ bản thân đã lén báo chuyện vương mẫu liên kết với Đinh Hiến ám hại An Định Hầu, ví như Dương phi hỏi nàng đến Thạch Xuyên để làm gì thì công chúa chẳng có cách nào đối đáp. An Định Hầu chỉ dạy Bảo Ngọc cách trả lời hoàng đế, nàng tự hiểu bên trong chứa ẩn ý của ông ta. Nếu nàng ta nói ra khác gì đem tâm ý ông ấy kể rõ cho Dương phi. Vì vậy, Bảo Ngọc ngoan ngoãn về hành cung thu xếp đồ đạc lủi thủi một mình đến điện Khánh Phong. Gọi là điện cho thêm phần trang trọng, thực chất chỉ là một gian nhà lớn chia làm ba phần, phần nghỉ ngơi đặt một chiếc giường chăn nệm đều tầm thường, sau chia làm nơi tắm gội và nhà bếp. Thường bất kể phi tần hay hậu bị phạt đến đây đều phải tự tay làm mọi chuyện. Riêng thực phẩm thì mỗi buổi sáng có thái giám đem đến. Điện này nằm ở hướng tây trong vùng trũng nên thường có gió nổi. Hoàng đế lúc dựng điện lại cho đặt nhiều chiếc sáo đồng cùng nhiều chuông nhỏ treo bốn bên, mỗi lần gió nổi, tiếng sáo cùng tiếng chuông cứ ngân réo rắt, tên Khánh Phong cũng vì đó mà ra.

Công chúa Bảo Ngọc vừa bước chân vào điện Khánh Phong đã ủ ê trong bụng. Nàng nhẩm tính phải chịu đựng tròn tháng nơi này thật sự buồn chán vô cùng. May đúng dịp gió nổi, tiếng chuông tiếng sáo ngân khắp nơi, công chúa mừng rỡ bèn thong thả đi dạo một vòng cho vơi u uất. Bỗng nhiên nàng phát hiện mé trái vườn thượng uyển có bóng người đi lại. Nàng liền lẩm bẩm:

- Nơi này chẳng phải cấm kẻ khác bén mảng tới ư?

Công chúa nổi tính hiếu kỳ. Nàng rón rén cúi người dưới những tán hoa rậm theo sát người nọ. Người nọ dừng lại trước một bức tường lớn ngó xung quanh dáo dát. Bảo Ngọc cũng dừng sau một thân cây phong quan sát. Nàng nhận ra người kia thì kinh ngạc:

- Đó là Đỗ Thích thường hầu hạ phụ hoàng! Hắn đến đây làm gì? Lẽ nào cũng bị thượng hoàng phạt?

Đỗ Thích nhìn bốn bên chắc chắn không có ai mới vòng tay ôm lấy một chậu hoa mai nhỏ xoay nhẹ. Tức thì bức tường mở ra một cánh cửa, bên trong bức tường là căn phòng trống. Đỗ Thích vội vàng bước vào, cánh cửa liền đóng trở lại như cũ. Công chúa Bảo Ngọc tò mò quá đỗi bèn nhẹ nhàng đi đến bên ngoài. Nàng áp tai vào trong vách tường, quả nhiên là nghe được giọng nói bên trong. Đỗ Thích đang báo lại chỉ dụ xá tội An Định Hầu cho một kẻ khác. Bảo Ngọc nghe thấy tình lang trong mộng được thoát nạn thì mừng thầm. Chốn hậu cung thường có nhiều bè cánh muốn tranh thủ được lợi, huống hồ chi Đinh Đế có đến năm bà hoàng hậu. Hoàng hậu nào bề ngoài cũng đều giữ lễ hòa hảo nhưng trong bụng tất nhiên ngấm ngầm đố kỵ lẫn nhau. Do đó, muốn yên phận được trong cấm cung phải bỏ tiền mua chuộc các tên thái giám hầu cận Đinh Đế làm tai mắt, phòng có kẻ nào ám hại to nhỏ tấu với điện rồng thì còn biết đường mà liệu thân. Bảo Ngọc đoán chừng Đỗ Thích đang tấu báo với phe cánh nào đó nên cũng không ngạc nhiên. Nàng nghĩ cứ nhắm mắt ngó lơ không nên phá chén cơm người khác, nên toan nhón chân bỏ đi, vừa lúc bên trong phòng có giọng nữ hỏi:

- Rốt cuộc hoàng hậu Trinh Minh đã mật đàm với bệ hạ những gì?

Bảo Ngọc giật thót người sợ hãi. Nàng đã nghe giọng nói này từ tấm bé nên không thể nhầm lẫn được, chính là giọng của vương mẫu Dương phi. Bảo Ngọc đoán chừng mẹ mình toan âm mưu thêm việc gì đó nên nán lại nghe ngóng, chỉ nghe Đỗ Thích đáp:

- Bẩm, hạ quan nấp ở xa nên không nghe được hết nhưng lời của hoàng hậu Trinh Minh! Dường như hoàng hậu Trinh Minh đề cập đến loạn châu Quan Tế ở đạo Lâm Tây rồi thêm cái gì đó liên quan đến một địa danh!

Giọng Dương phi có phần gấp gáp hỏi:

- Là địa danh gì?

Đỗ Thích đáp:

- Địa danh có tên Cổng Trời! Chỉ biết bệ hạ nghe đến tên này thì khuôn mặt biến sắc nửa sợ hãi nửa căm giận! Vì thế bệ hạ mới thuận theo ý của hoàng hậu Trinh Minh xá tội cho An Định Hầu còn phong ông ta làm khâm sứ đại thần đến Đại Lý để tạ lễ việc quốc vương nước này tặng sách kinh ngày trước! Bệ hạ dường như muốn vương hầu đi khỏi để tiện bề thu xếp việc Đinh Hạng Lang lên ngai thế tử!

Dương phi liền lẩm bẩm:

- Cổng Trời ư? Nó là gì lại khiến bệ hạ phải sợ hãi căm tức? Châu Quan Tế đã được An Định Hầu bình định trước đây, làm sao còn loạn lạc?

Địa danh đạo Lâm Tây là nơi được An Định Hầu thông thuộc nhất trong mười đạo chín châu của Đại Cồ Việt. Mười năm giữ tước hầu thay hoàng đế dẹp loạn, không nơi nào An Định Hầu đánh dẹp nhiều như ở đây. Ông dẹp loạn nhiều đến độ lính đầu hổ nghe có chỉ hoàng đế liền rục rịch chuẩn bị hướng lên đạo Lâm Tây. Kể ra các trận có lớn có nhỏ thì An Định Hầu dẫn quân lên Lâm Tây trên dưới năm mươi lần, dẹp nạn phản loạn của các tù trưởng tộc trưởng thì ít, chính vẫn là đánh tàn dư sứ quân còn sót lại tụ tập. Bọn tàn quân kia thừa biết địch không nổi An Định Hầu nhưng vẫn chọn đất Lâm Tây làm tiền đồn, ấy vì nơi này rừng núi trùng điệp, thác cao vực sâu, núi lớn, rừng rậm nhiều vô kể. Chọn chốn ẩn mình chờ thời cơ chẳng đâu qua được chốn này.

Đạo Lâm Tây chia làm ba châu là Quan Tế, Tịnh Sơn, Thác Bản, châu nào cũng như châu nấy, kẻ không rành địa thế một khi lạc thì ba đến năm tháng thoát ra được đã gọi là nhanh. Vì thế sau trận đánh dẹp cuối cùng cách đây hai năm, An Định Hầu đã chia châu Quan Tế làm sáu phủ huyện, cắt đặt binh mã đồn trú, dồn dân thành làng ấp gần gũi nhau để dễ bề kiểm soát. Người ở châu Quan Tế quanh năm sống nhờ rừng núi, cảnh săn bắt hái lượm cực khổ vô kể. Tự nhiên, cả bọn được An Định Hầu triệu về lại dựng sẵn nhà cửa, đào luôn kênh nước, phá sẵn ruộng vuông, chỉ việc canh tác để trồng trọt, chưa kể hàng năm đều được viện trợ thêm lương thực. Nhờ đó bụng dạ ai cũng hoan hỉ không còn ham nghe lời xúi nổi loạn. Thêm một điểm thú vị là sáu phủ huyện trên đều dựng đền ông Hổ để thờ.

Chuyện là sau khi dồn dân dựng làng dựng huyện, An Định Hầu mới phát hiện vùng đất này có giống hổ vằn rất dữ tợn. Vương hầu khai rừng thành đồng trống vô tình chiếm mất lãnh địa loại dã thú nọ. Bọn chúng cứ hầm hè nhau nửa đêm gầm rú inh trời. Bao nhiêu trâu bò dê heo đều sợ đến bỏ ăn lăn đùng ra chết. Nhiều người còn bị hổ vằn lựa chổ vắng tha đi ăn mất xác. Dân chúng rên xiết quá độ khiến An Định Hầu phải điều một ngàn quân đầu hổ lên đánh đuổi. Bọn hổ nhỏ thì tất nhiên co dò chạy thẳng vào rừng sâu trốn biệt chẳng còn dám bén mảng, riêng hai con hổ chúa vẫn cứ ở lại tác quái. Cặp hổ này sống lâu quá thành tinh khôn, bao nhiêu bẫy sập lẫn thế vây hãm đều không đánh lừa được.

An Định Hầu mười phen bày bố đều sổng mất mười phen thì tức khí. Ông ta liền cưỡi trần đóng khố chỉ đeo mặt nạ ngạ quỷ che mặt, lại dùng máu trâu tưới lên thân để làm mồi dụ. Quả nhiên nửa đêm, hai con hổ chúa mò ra. Hai con hổ này đều nặng trên dưới ba trăm cân lại to lớn gấp hai ba lần trâu mộng. An Định Hầu tay không quần thảo với cặp hổ, tiếng gầm rú khắp sáu phủ huyện ở châu Quan Tế đều nghe. Cặp hổ chúa gầm dữ tợn bao nhiêu chẳng át được tiếng gầm của An Định Hầu. Vương hầu có lệnh sợ dân chúng làm ẩu chết uổng mạng nên dặn cả ngàn quân đầu hổ chia ra không cho ai tự tiện đi vào.

Đôi bên quần thảo đến sáng thì tiếng gầm chẳng còn, dân chúng cùng lính đầu hổ kéo đến đông như kiến, chỉ thấy An Định Hầu đang nằm thở dốc bên xác hai con hổ dữ. Thân thể ông ta bị vuốt hổ cào hơn mấy mươi đường tươm máu thịt, bù lại cặp hổ đều bị đánh vỡ sợ chết. Dân chúng châu Quan Tế phần khiếp uy, phần cảm kích đều nhất lòng dựng miếu thờ ông Hổ khắp nơi. Chốn An Định Hầu đánh chết cặp hổ chúa được gọi là đồng ông Hổ. Uy của ông ta đến độ về sau chỉ cần dân chúng làm mặt nạ tương tự như chiếc mặt nạ ngạ quỷ của An Định Hầu, bọn hổ lớn hổ bé nhác thấy đều cong đuôi chạy mất dạng. Vì thế, châu Quan Tế bớt hẳn nạn dã thú hoành hành, dân chúng dần an cư lạc nghiệp, chớ còn chuyện tạo phản hay nổi loạn cát cứ. Cho nên giờ Dương Phi nghe Đỗ Thích thuật lời hoàng hậu Trinh Minh nhắc đến loạn ở châu Quan Tế thì không khỏi chau mày nhíu trán nghĩ nghợi.

Dương phi hạ giọng to nhỏ với Đỗ Thích. Bên ngoài, Bảo Ngọc cố áp tai sát tường vẫn không thể nghe được. Nàng toan tìm kiếm nơi nghe ngóng thích hợp thì huyệt Á Môn sau ót bị điểm trúng. Nàng ta liền nghe choáng váng ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự. Người ra tay đánh mê Bảo Ngọc mặc trên mình giáp phục tướng lãnh. Y vội vàng xoay chậu hoa mai để vào căn phòng mật. Cửa hé mở, Đỗ Thích ngó thấy y chưa kịp vái chào lại thấy Bảo Ngọc nằm dài trên đất thì giật mình kinh hãi:

- Công chúa…công chúa sao…?

Người kia hừ nhạt:

- Ngươi thật bất cẩn! May là công chúa Bảo Ngọc, nếu là người của bệ hạ thì sao?

Đỗ Thích vã mồ hôi hột liền quỳ xuống dập đầu:

- Hạ quan thật vô dụng! Xin đại tướng quân trách tội!

Người kia chính là Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn. Dương phi vốn thường cùng họ Lê qua lại, cung Lạc Hoa tuy kín đáo nhưng không tiện, vì thế bà ta đã lợi dụng điện Khánh Phong vừa cách biệt vừa yên tĩnh để làm nơi hội họp. Chỉ vì công chúa Bảo Ngọc bị Đinh Tiên Hoàng Đế phạt tới đây sám hối mới vô tình phát hiện ra được căn phòng mật.

Lê Hoàn thấy Đỗ Thích dập đầu lia lịa thì xua tay:

- Ngươi mau dìu công chúa vào trong điện bài trí nghỉ ngơi! Độ một canh giờ nửa công chúa tự động tỉnh dậy! Riêng căn phòng này phải lập tức dùng vữa để bịt kín phòng kẻ khác dòm ngó!

Đỗ Thích dạ liên hồi rồi lật đật đứng dậy dìu Bảo Ngọc vào điện Khánh Phong. Lê Hoàn lập tức đóng cửa phòng lại. Căn phòng mật chỉ vừa đủ mười bước chân. Dương phi ấn mạnh lên tay cầm chiếc ghế đang ngồi, bức tường phía sau bà ta tự động sụp xuống để lộ một đường hầm nhỏ. Bà ta cùng Lê Hoàn liền chui vào đường hầm đó. Vừa đi, cả hai không ngừng nói chuyện. Lê Hoàn giọng nói có phần trách móc:

- Nàng có biết con gái của nàng vừa làm việc gì không? Nó đã dùng đường tắt chạy đến Thạch Đài để báo tin cho An Định Hầu về gian kế của Đinh Hiến! Nàng thật khéo biết dạy con!

Dương phi thở dài:

- Đứa con này si mê vương hầu vô cùng! Nhất định lúc nó đến viếng thiếp đã vô tình nghe được những lời Đinh Hiến tấu!

Lê Hoàn đáp:

- Bệ hạ đã ân xá cho An Định Hầu, kế của Đinh Hiến đã không còn dùng được! Ta thấy tên gián quan nhát gan này để cũng bằng thừa! Chi bằng trừ đi hậu hoạn kẻo mọi chuyện đổ vỡ, lọt đến tai Nam Việt Vương thì rắc rối to!

Dương phi cười nhạt:

- Có gì phải sợ Nam Việt Vương? Chàng không cần vội! Đinh Hiến thì khó bề sống sót nhưng thiếp đã định dùng hắn thế mạng cho một chuyện, để hắn chết cũng không oán chúng ta được!

Lê Hoàn liền dừng lại, hỏi:

- Là chuyện gì?

Hoàng phi nói:

- Bệ hạ phong An Định Hầu làm khâm sứ đại thần sang Đại Lý, bệ hạ có ý đẩy ông ta đi khỏi để tiện bề bố cáo việc Đinh Hạng Lang thay Nam Việt Vương Đinh Liễn ngồi ngai thế tử! Một khi chiếu chỉ đã ra, mọi công sức của chúng ta đều ra sông ra biển hết, hoàng tử Đinh Toàn của thiếp chẳng phải sẽ oan uổng lắm hay sao?

Lê Hoàn trầm ngâm đáp:

- Mặc dầu vậy nhưng lòng bệ hạ đã muốn chẳng ai ngăn cản được! Hiện thời chúng ta vẫn vô phương cứu vãn tình thế, chiếu chỉ truyền ngôi có ra hay không đều chẳng có giá trị thay đổi gì!

Dương phi cười khanh khách:

- Thiếp đang chờ lúc bệ hạ ra chiếu chỉ truyền ngôi cho Đinh Hạng Lang!

Lê Hoàn thấy thái độ bà ta đắc ý thì có phần ngờ hoặc trong bụng. Y bèn hỏi:

- Chiếu chỉ truyền ngôi thái tử cho Hạng Lang được công bố người hận nhất chính là Nam Việt Vương Đinh Liễn! Lẽ nào nàng muốn mượn dao giết người?

Dương phi kề miệng sát tai Lê Hoàn thì thầm:

- Chúng ta không hề ra tay! Sao lại nói là mượn dao giết người!

Bà ta liền hồi rót vào tai Lê Hoàn. Lê Hoàn càng nghe nét mặt càng rạng rỡ:

- Hay lắm! Quả là vẹn toàn, cuối cùng tên Đinh Hiến vẫn còn giá trị!

Cả hai đi một lúc đã hết cuối đường hầm. Dương phi theo các bậc tam cấp bằng đá leo lên trên. Đường hầm dẫn đến phòng riêng của bà ta ở cung Lạc Hoa. Cấm cung Hoa Lư do Trịnh Tú một tay thiết kế. Ban đầu ông ta cho xây nhiều đường hầm nối liền các hành cung với nhau hòng làm đường lùi một khi có biến loạn. Tuy nhiên về sau, Trịnh Tú chỉ để lại đường hầm nối liền điện Kiến Xương, điện Kiến An và cung Thái Bảo là nơi trú ngụ của hoàng đế. Hiển nhiên các đường hầm còn lại đều bị lấp mất ở hai đầu. Về sau, Dương phi vô tình biết được bèn cho người lén lút đào lại, nhờ đó, bà ta có thể an nhiên đi khắp cấm cung chẳng sợ ai biết được.

Nhờ những đoạn đường hầm bị bỏ hoang dưới lòng cấm cung, Dương phi cùng Lê Hoàng ung dung hội ngộ không sợ sự dò xét của tai mắt hoàng đế.

Phòng riêng của Dương phi có một cửa bí mật thông với gian chính qua vách tường nơi giường ngủ. Bà ta đưa Lê Hoàn lên khỏi đường hầm liền rũ màn che kín giường mới khẽ đẩy tấm vách, tức thì để lộ ra cánh cửa vừa đủ người chui qua. Cả hai nhanh chóng vào trong căn phòng mật. Lê Hoàn liền nói ngay:

- Về phía vương hầu, ta thật bụng có lòng luyến tiếc! Ông ta như thanh kiếm quý, không dùng thì tiếc nuối nhưng muốn dùng lại chẳng thể dùng!

Dương phi đáp:

- Thiếp cũng có lòng luyến tiếc nhưng chàng thử nghĩ, bệ hạ đích thân lên tiếng nhờ ủng hộ Đinh Hạng Lang, ông ấy còn chẳng đoái hoài! Làm sao ông ta chịu phò trợ Đinh Toàn của thiếp cho được! Kiếm quý nếu không dùng được thì nên phá hủy, tránh cảnh bị nó làm cho mình đứt tay!

Lê Hoàn gật đầu như ưng thuận:

- Phải lắm! An Định Hầu chuẩn bị đi sứ Đại Lý, đây là thời cơ thích hợp! Một khi ông ta bước chân khỏi Đại Cồ Việt gặp bất trắc gì cũng chẳng thể đổ lỗi cho ai được!

Lê Hoàn nói đúng tâm ý của Dương phi. Bà ta cười tươi đáp:

- Muốn đến Đại Lý chỉ có hai con đường! Một là từ ải Ứng Kê rẽ hướng tây lên núi Nghinh Vân theo sáu trăm dặm đường đồi hiểm trở, hai là từ Ứng Kê bước vào địa phận ải Tây Kinh của Đại Tống rồi mới rẽ tây đi bốn trăm dặm đường trường! Hai lối này một bên cheo leo đồi núi, một bên có ao hồ viễn cảnh, thủy chung đều giao nhau ở địa phận thôn Tịnh Trúc cách thành lớn Đại Lý hai mươi dặm! Thiếp đã chọn được nơi an nghỉ tốt cho An Định Hầu!

Lê Hoàn đăm chiêu nói:

- An Định Hầu quen trận mạc, muốn ám hại ông ta không phải dễ!

Dương phi thong thả rót trà ra hai chén ngọc, đáp:

- Ông ấy chỉ quen đối địch chiến trường, nếu dùng quân đội chính quy thì đừng mong thủ thắng được! Tuy nhiên, bọn giang hồ ở Đại Tống và Đại Lý nhiều vô kể, chỉ cần vàng bạc đủ số, sợ gì không có kẻ bán mạng? An Định Hầu không có kinh nghiệm đối phó với bọn này, chúng ta cứ thản nhiên đợi tin tốt!

Bà ta nói xong thì hai tay dâng chén ngọc đến tận miệng Lê Hoàn. Y không hề khách khí tức thì uống cạn, ngoài nét mặt vẫn điềm nhiêm nhưng trong bụng lại âm thầm tính toán riêng. Dẫu vậy, Lê Hoàn không hề để cho Dương phi đọc thấu tâm tư. Đôi bên ánh mắt đều cháy rực lửa tình.

Chuyện Lê Hoàn tư thông với hậu cung của Đinh Tiên Hoàng Đế thì các sử gia đời sau đều có cùng quan điểm chứng thực. Tuy nhiên, lại nảy sinh một vấn đề khó hiểu, Đinh Tiên Hoàng Đế vốn là người cẩn trọng lại hay đa nghi, không biết làm cách nào cả hai có thể dễ dàng qua mặt hoàng đế mà tình tự. Nếu nói hoàng đế không biết thì chẳng đủ thuyết phục. Thủy chung tất cả hành cung của hoàng hậu lẫn phi tần đều có tai mắt hoàng đế ngầm theo dõi. Lê Hoàn cùng Dương phi có trí trá giỏi đến mấy cũng khó bề thoát được. Vì vậy chỉ có thể nghiêng về giả thuyết thứ hai, hoàng đế biết rõ nhưng đành nhắm mắt cho qua, đợi thời cơ chín muồi mới ra tay xử lý. Ấy là vì hoàng đế ngán ngại thế lực Lê Hoàn. Bấy giờ Lê Hoàn nắm trong tay hơn mười vạn tinh binh, một khi y binh biến thật sự là họa khôn cùng. Triều nhà Đinh mới lập còn non yếu, phỏng chừng hoàng đế muốn củng cố chắc địa vị thế tử của Đinh Hạng Lang xong mới tính bề từng bước trừ bỏ thế lực Lê Hoàn, theo kiểu hoàng đế đang dùng với An Định Hầu Đinh Quan Viễn.

Chuyện hoàng đế hạ chỉ xá tội An Định Hầu lại khiến triều chính một phen sóng gió, chẳng khác gì lúc rộ tin đồn vương hầu chuốc độc hoàng tử Đinh Hạng Lang. Phe ủng hộ ông ta thì vui mừng hớn hở khấn thầm trời phật phù hộ người có lòng. Phe hùa định tội ông ta thì mười người hết chín đều tím tái nét mặt phập phồng lo sợ. Hiển nhiên, một khi dậu chẳng đổ mà bìm đã đòi leo thì đòn thù khó lòng tránh khỏi. Thái sư Lưu Cơ vừa thay Đinh Đế hạ chỉ công bố, cung trong điện ngoài đều râm ran bàn tán không ngớt. Bọn thái giám ở điện Vĩnh Tường biết thời cơ chín muồi liền nhanh chân tỏa đi khắp cung cấm. Bọn chúng hóng hớt cẩn thận rồi ghi chép tỉ mỉ, kẻ nghe chiếu chỉ ban bố mừng rỡ hiển nhiên là kẻ có lòng ủng hộ An Định Hầu, bằng ngược lại là phường đối địch. Tuần tự như vậy, đám thái giám trong điện Vĩnh Tường đã ghi chép đầy đủ tên cùng tước vị, đợi dịp Đinh Phúc quay về lại sẽ trình báo để được công. Đinh Phúc cùng An Định Hầu quen rộng tay đối đãi tử tế thành ra rất được lòng bọn thái giám chức vị thấp bé. Đến độ trong cung cấm Hoa Lư còn rỉ tai nhau, thái giám ở điện Vĩnh Tường là sướng nhất trần đời, dẫu chẳng mấy phen được hoàng đế đoái hoài tới nhưng bổng lộc được thưởng chẳng kém các quan đại thần trong triều là bao.

Nói chuyện Đinh Tiên Hoàng Đế đang thẳng đường đến cung Cẩm Tuệ bất chợt lại đổi ý quay trở lại điện Kiến An. Hoàng đế cho người triệu thái sư Lưu Cơ đến nghị sự. Lưu Cơ tức tốc đến điện. Ông ta đẩy cửa bước vào thấy hoàng đế đang quay lưng đứng ngắm nhìn một bức địa đồ được dựng trên giá. Lưu Cơ liếc thử nhận ra địa đồ đang vẽ các quan ải giao nhau giữa Đại Cồ Việt, Đại Tống và Đại Lý. Ông ta liền đoán ra được bụng dạ hoàng đế đang mưu tính việc gì.

Đinh Đế không đợi cho Lưu Cơ hành lễ, hỏi:

- Ta cử An Định Hầu làm khâm sứ đại thần là đúng hay sao?

Lưu Cơ thầm cân nhắc rồi vái lễ đáp:

- Bẩm, là đúng cũng là sai!

Hoàng đế vội xoay người nhìn Lưu Cơ, hỏi:

- Vừa đúng vừa sai ư?

Lưu Cơ đáp:

- Thần có mấy lời nói thẳng chỉ sợ không vừa bụng bệ hạ!

Đinh Tiên Hoàng Đế gật đầu:

- Cứ nói, chúng ta tuy đạo vua tôi nhưng vốn là anh em kết nghĩa, có gì phải ngại lời trực ngôn!

Lưu Cơ vái liền ba cái rồi đáp:

- An Định Hầu là thanh kiếm tốt, nhưng dùng không được trước sau cũng có ngày bị nó làm đứt tay! Phận tôi thần chẳng hết lòng vì bệ hạ là phạm bất trung bất kính, thà bỏ đi thì hơn! Vì thế, bệ hạ cho ông ta làm sứ đi Đại Lý là đúng, là đi không có ngày trở về!

Đinh Đế thở dài:

- Về điểm này thật lòng ta không muốn, mất một tướng tài như An Định Hầu quả đáng tiếc lắm! Phen này ông ta đi sứ, các phe cánh oán hận ông ta nhất định sẽ tranh thủ thời cơ để ám toán dọc đường, chỉ e chưa đến được kinh thành Đại Lý, An Định Hầu đã bỏ mạng dọc đường! Kiếm quý không dùng được dẫu biết bỏ đi là đúng nhưng vẫn đáng tiếc, đáng tiếc lắm thay!

Hoàng đế ca thán một hồi, lại hỏi:

- Vậy sai ở điểm nào?

Lưu Cơ đáp:

- An Định Hầu nhiều phen tử chiến bảo vệ biên ải, lại không ngừng sang đông sang tây dẹp loạn, chỉ vì đa phần đều âm thầm xuất quân nên hoàng triều chẳng mấy ai biết rõ ngọn ngành! Công lao của ông ta thực ra vô kể! Bệ hạ có thể an tâm vững cơ đồ chí ít có ba phần công sức ông ấy bỏ ra! Giờ đây vì tình thế buộc phải mượn tay kẻ khác trừ bỏ, đó là cái sai trong đức đế vương!

Lưu Cơ nói xong tự động cúi đầu xuống, trong lòng có phần sợ hãi hoàng đế nổi giận. Đinh Đế biết ý nên chỉ thở dài, đáp:

- Làm đế vương cũng có việc khó xử của đế vương, không vì chu toàn đại cục ta cũng chẳng đưa ra hạ sách này!

Lưu Cơ chỉ dạ một tiếng không dám nói thêm điều gì. Hoàng đế ra hiệu cho ông ta tiến lên cạnh tấm địa đồ. Hoàng đế hỏi:

- Nếu các phe cánh kia muốn ám hại An Định Hầu thì bọn họ sẽ ra tay ở nơi nào?

Lưu Cơ từ đầu đã đoán ra được tâm tư của hoàng đế. Ông ta giả vờ đưa mắt nhìn tấm địa đồ cơ hồ đăm chiêu nghĩ ngợi rồi đáp:

- Bẩm, từ ải Ứng Kê của chúng ta đến Đại Lý chỉ có hai đường! Bọn người kia khó lòng đoán được An Định Hầu sẽ chọn lối nào nên nhất định chờ ở thôn Tịnh Trúc! Vương hầu dầu đi đường nào cũng buộc lòng phải đến thôn này mới vào kinh thành Đại Lý, cho nên đây chắc chắn là nơi bọn chúng ra tay!

Hoàng đế gật đầu nói:

- Ta cũng nghĩ như vậy!

Lưu Cơ lại dạ một tiếng rồi cúi đầu im lặng. Đinh Tiên Hoàng Đế thấy vậy bèn hỏi:

- Có phải ông đang thấy khó xử vì ta đẩy An Định Hầu vào chổ chết?

Lưu Cơ không đoán được thâm tâm hoàng đế nghĩ gì nên chỉ đành im lặng lắng nghe. Hoàng đế nói tiếp:

- Thật bụng, ta chỉ muốn đẩy An Định Hầu đi một thời gian để tiện cho việc công bố ngai thế tử cho Đinh Hạng Lang! An Định Hầu có lòng phản đối việc đổi ngai thế tử nhất định sẽ không chịu ngồi yên, chưa kể các phe cánh đối nghịch sẽ nhân cơ hội đó té nước theo mưa!

Lưu Cơ định lên tiếng hỏi nếu như vậy sao không mượn cớ mà quản thúc ở Thạch Đài cho đến khi mọi chuyện êm xuôi. Tuy nhiên, thái sư cũng kịp nuốt ngay trở vào trong bụng. Rõ ràng từ đầu, Đinh Tiên Hoàng Đế đã có ý trên, chỉ vì hoàng hậu Trinh Minh đùng đùng đến điện gây sức ép buộc hoàng đế phải nhún nhường. Lưu Cơ nghĩ đến đây càng thêm thắc mắc không hiểu được hoàng hậu và Đinh Đế đã mật đàm những gì.

Đinh Tiên Hoàng Đế nói tiếp:

- Vì thế, ta đành để An Định Hầu đi sứ! Xem như cho ý trời quyết định đến vận mạng của ông ấy! Nếu ông ấy có thể bình an về lại Đại Cồ Việt, lúc đó Hạng Lang đã ngồi yên ngai thế tử! Với tài trí của nó thuyết phục ông ta về dưới trướng sẽ không khó! Chưa kể trong lòng ông ta đã muốn từ quan, con tính nào cũng đều có thâm sâu bên trong! Ông ta nếu không bỏ mạng đất người thì cũng phải thuận theo thời thế lúc trở về đó thôi!

Hoàng đế nói đến đây thì im lặng chăm chăm nhìn lên tấm địa đồ. Lưu Cơ bất giác rùng mình. Ông ta nhận ra trong lời nói của hoàng đế có tiềm ẩn sát khí.

Lưu Cơ tự nghĩ:

- Bệ hạ rõ ràng có bụng muốn giết bỏ An Định Hầu, cớ gì lại vòng vèo không chịu thẳng thắn thừa nhận? Nhất định có can hệ đến việc hoàng hậu Trinh Minh đã gây sức ép! Rốt cuộc lệnh bà cùng An Định Hầu nắm được bí mật gì khiến bệ hạ phải tính đến đường tận diệt như vậy?

Nguồn: truyen8.mobi/t124807-chinh-nhan-oan-ca-chuong-35.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận