Chinh Nhân Oán Ca Chương 36

Chương 36
Thiên Vương Thánh Đế

An Định Hầu ở Thạch Đài nhàn hạ như thể đương an dưỡng. Ông ta cứ cùng Thác Hoa và Đinh Phúc bày đủ thú tiêu khiển giải khuây. Ngày đầu tiên, bọn lính gác ở Thạch Đài còn làm khó dễ nhưng chỉ sang hai ngày sau thì tình thế đã đổi khác, An Định Hầu muốn gì đều được đáp ứng đầy đủ, thậm chí chưa kịp mở miệng đã có kẻ cung cúc dâng đến tận nơi. An Định Hầu cùng Đinh Phúc ngầm hiểu hoàng hậu Trinh Minh đã ra tay ép Đinh Đế phải nhượng bộ. Cả hai thở phào nhẹ nhỏm lại càng thản nhiên ở Thạch Đài không lo lắng gì. Thác Hoa thấy vậy càng thêm tò mò về hoàng hậu Trinh Minh. Nàng ba lần bốn lượt tìm cách vặn hỏi, An Định Hầu tất nhiên chẳng bao giờ hé môi chỉ cười trừ cho qua, Đinh Phúc dẫu được tặng hết thảy vàng bạc trong quốc khố cũng không dám trả lời. Thác Hoa liền hiểu bí mật mà An Định Hầu, hoàng hậu Trinh Minh cùng Đinh Phúc đang giữ vô cùng quan trọng. Thỉnh cũng không xong, cầu cũng chẳng được, Thác Hoa chỉ còn nước cùng vương hầu và Đinh Phúc bày trò tiêu khiển ở Thạch Đài đợi chiếu chỉ của hoàng đế tới.

Hoàng hậu Trinh Minh sau khi rời điện Kiến An toan bụng lên ngựa chạy đến Thạch Đài để công bố chiếu chỉ của hoàng đế. Bà ta về cung Vi Điền thu xếp thì tự nhiên thấy vội vàng quá thường gây hỏng việc, cho nên bình tâm suy tính kỹ lưỡng. Kết cuộc bà ta lại phải đi thêm một vòng tìm gặp hoàng đế xin cho triệu Đinh Thương và Lý Phương từ châu Quan Tế dẫn một trăm lính hổ đầu về để hộ tống An Định Hầu. Hoàng đế đã xá tội cho An Định Hầu hiển nhiên sẽ cho ông ta khôi phục binh quyền, liền chấp thuận. Vậy là hoàng hậu Minh Trinh phải đợi ở cấm cung thêm bốn ngày chờ Đinh Thương, Lý Phương về hội kiến.

Từ lúc bị hoàng đế hạ chỉ bắt điều quân lên giữ châu Quan Tế, Đinh Thương cùng Lý Phương đã ngầm hiểu tình thế hung hiểm khó lường. Cả hai đều tự bảo nếu không phải An Định Hầu hạ lệnh, dẫu hoàng đế có giáng chỉ dụ thế nào cũng sẽ vịn cớ làm ngơ, tuyệt đối không động đến binh mã tránh thành công cụ của kẻ khác mưu hại vương hầu. Hai tướng cũng đã có toan tính riêng nên luôn đặt bốn vạn quân đầu hổ vào tình thế cảnh giác như thể sắp xảy ra chiến loạn. Ví phỏng An Định Hầu thật sự lâm nguy, chỉ cần kẻ báo tin xuất hiện, hai tướng nhất định bất chấp sống chết mượn đường Ai Lao xuống Thạch Đài ứng cứu. Ai Lao với Đại Cồ Việt thương hay giao tranh nhưng các tộc Ai Lao lại vô cùng kính nể An Định Hầu. Nguyên do từ việc mấy năm trước An Định Hầu bình định phản loạn ở châu Quan Tế thuộc đạo Lâm Tây, thông thường dẹp loạn xong sẽ chém đầu hết tộc trưởng phản loạn để thị uy và ngừa họa về sau nhưng vương hầu lại hành xử khác. Ông ta chẳng những không giết và còn thay các tộc trưởng này dâng biểu lên hoàng đế xin ân xá. Hoàng đế tất nhiên là ưng thuận. Các tộc trưởng ở châu Quan Tế cảm tạ lòng khoan dung của An Định Hầu nên cung cúc thành kính. Châu Quan Tế mặt phía tây bắc và tây nam đều có cùng biên giới núi rừng trùng điệp với các tộc ở Ai Lao, tự nhiên có liên quan phần nào về huyết thống. Tính cả thảy cứ ba tộc trưởng ở châu Quan Tế lại có một tộc trưởng cùng máu mủ ở Ai Lao. Như vậy dọc theo biên giới kéo dài từ châu Quan Tế đến đất Thạch Xuyên đang quản thúc An Định Hầu được chừng hai trăm tộc trưởng Ai Lao có máu mủ thân thuộc như vậy. Cho nên, một khi An Định Hầu có chuyện mượn đường, coi như hơn một trăm dặm đường núi này đều được thông quan dễ dàng.

Đinh Thương và Lý Phương càng ngày càng nghe nhiều lời đồn thổi về việc hoàng đế xử trí An Định Hầu. Cả hai trong bụng bất an nhưng chẳng dám làm ẩu cứ ráng nín nhịn chờ đợi. Quả thật mấy hôm sau đã có người đến báo tin. Kẻ này truyền lại không sai một chữ nào từ khẩu dụ của An Định Hầu. Hai tướng bèn yên tâm trong bụng. Chỉ mấy canh giờ sau lại có chiếu chỉ hoàng đế tới ra lệnh Đinh Thương, Lý Phương dẫn một trăm quân đầu hổ về Thạch Đài đón An Định Hầu. Tất nhiên cả hai chẳng dại dột gì tuân chỉ bèn vịn cớ không thể để bốn vạn quân đồn trú mà không có chủ tướng, xin được ở lại. Quan truyền chỉ dường như đã đoán trước bèn lấy trong người ra một cây trâm ngọc. Lý Phương mới thân cận An Định Hầu chưa được bao lâu nên chẳng hề nhận ra, riêng Đinh Thương ngó thấy tức thì dập đầu tạ ơn hoàng đế rồi ra lệnh điều động binh mã. Hắn chọn lấy mười phó tướng uy dũng nhất hạng, mỗi phó tướng lại chọn chín tên lính ở các vị trí giáp, bính, đinh để đủ số trăm người như chiếu chỉ của hoàng đế. Đinh Thương giao số quân đầu hổ gần bốn vạn còn lại cho mười phó tướng tín cẩn khác. Hắn dặn dò cực kỳ thận trọng, không có lệnh của An Định Hầu dẫu trời sập cũng chẳng được tự động điều quân. Dặn dò xong, hắn liền cùng Lý Phương theo quan tuyên chỉ tức tốc lên đường về Hoa Lư.

Chức vị Lý Phương dưới Đinh Thương một bậc cho nên Đinh Thương ra lệnh, Lý Phương nghe theo chớ hề hỏi lại nửa câu. Cả hai trên đường về kinh nhân lúc nghỉ ngơi, Lý Phương liền hỏi:

- Đinh tướng quân có thể giúp mạc tướng được rõ một chuyện?

Đinh Thương đáp:

- Chúng ta đều là thuộc tướng của An Định Hầu, không nên giữ lễ! Ngươi cứ hỏi!

Lý Phương vái tạ rồi hỏi:

- Vì sao tướng quân vừa thấy trâm ngọc thì tức thời dẫn quân, không sợ trúng kế trí trá ư?

Đinh Thương hạ giọng đáp:

- Đó là mật hiệu của hoàng hậu Trinh Minh! Bà ta nhất định đã ra tay giải được nguy biến cho An Định Hầu!

Lý Phương chột dạ toan hỏi thêm thì Đinh Thương đã nói:

- Trong hàng ngũ quân đầu hổ, ai ai cũng biết ta được vương hầu coi trọng nhất và được ông ấy tín cẩn lên hàng đầu! Vì thế nhiều người lầm tưởng ta biết rất nhiều chuyện kín bên trong! Tuy nhiên, thật lòng ta chẳng hề biết nhiều! Chính vì sự không biết nhiều này nên ta càng được vương hầu coi trọng! Ngươi đã hiểu chưa?

Lý Phương giật mình hiểu ra. Hắn liền vái Đinh Thương một cái:

- Đa tạ tướng quân đã nhắc nhở!

Đinh Thương gật đầu đáp:

- Ngươi hiểu rõ thì tốt, nhớ chớ làm trái! Việc gì vương hầu muốn chúng ta biết thì tự thân ông ấy sẽ nói! Chuyện gì ông ấy không nói thì không nên hỏi! An Định Hầu không thích để bụng nghi ngờ thuộc tướng dưới trướng. Vì vậy ông ta sẽ hạn chế không cho các thuộc tướng biết nhiều chuyện kín tránh sự việc vỡ lở khỏi phân dạ suy xét! Đạo làm tướng biết nhiều là chuyện đúng nhưng phải biết cái nên biết mới là chánh đạo!

Lý Phương được Đinh Thương chỉ đường lối nên trong bụng yên tâm thôi còn đặt nặng ngờ vực. Cả hai tướng tức thì thúc ngựa lên đường hướng về Hoa Lư. Binh lính đầu hổ nhiều năm cùng An Định Hầu chinh chiến đã quen hành quân đường dài, chưa kể cả bọn chỉ có một trăm người. Ngày trước An Định Hầu không chỉ huấn luyện lính hổ đầu thành thục kỵ binh mà còn không ngừng thuần dưỡng ra các giống ngựa tốt. Tuy chưa đến độ ngày chạy ngàn dặm nhưng ngựa mà quân đầu hổ cưỡi chỉ cần được nghỉ ngơi một canh giờ mỗi ngày thì có thể đi liên tục hai ba ngày đường. Vì thế, theo lịch trình từ châu Quan Tế về Hoa Lư phải mất bốn ngày theo lối đường tắt đã rút xuống chỉ còn hai ngày. Cả bọn vừa đến ngoại thành liền thấy hoàng hậu Trinh Minh cùng tùy tùng chờ sẵn. Vừa lúc trời sụp tối, hoàng hậu ra lệnh cả bọn dựng trại qua đêm sáng sớm lên đường. Đinh Thương đã biết hoàng hậu Trinh Minh từ trước nên không làm lạ tính nết, chỉ Lý Phương lần đầu được gặp mặt, lại thấy hoàng hậu dùng khăn lụa che đi nửa mặt liền liên tưởng đến Thác Hoa thường ngày vẫn che kín mặt mũi, không khỏi tự nhủ:

- Nữ nhân thân cận vương hầu thật lạ, người nào người nấy cũng đều giấu khuôn mặt không cho kẻ ngoài trông thấy được!

Trời chưa mờ sáng, hoàng hậu Trinh Minh đã ra lệnh lệnh đường. Bà ta bỏ tất cả tùy tùng ở lại, cắm cờ thông quan của hoàng đế trên đầu ngựa rồi dẫn Đinh Thương, Lý Phương cùng một trăm quân đầu hổ hướng thẳng về đất Thạch Xuyên. Suốt đường đi, hoàng hậu luôn cưỡi ngựa dẫn đầu. Thuật cưỡi ngựa của bà ta không kém bất kỳ tướng lãnh dày dạn trận mạc nào. Lý Phương tự nhiên phục thầm trong bụng. Hắn ngẫm nghĩ những người thân cận bên cạnh An Định Hầu đều có tài năng hơn người, càng chẳng dám để mắt xét nét điều gì. Cả bọn đi liên hồi đến tối đã vào Thạch Đài. An Định Hầu cùng Thác Hoa đang chơi trò đố chữ với Đinh Phúc đột nhiên nghe tiếng chiêng tiếng trống vang lên dòn giã. Vương hầu liền cười tươi nét mặt:

- Hoàng hậu Trinh Minh đã đến!

Đinh Phúc cũng hớn hở đứng dậy chỉnh trang y phục cẩn thận. Hắn hướng về phía Thác Hoa, nói:

- Khi hoàng hậu bước vào đâu sẽ xảy ra nhiều chuyện bất thường, xin phu nhân chuẩn bị trước để khỏi ngỡ ngàng!

Thác Hoa ngơ ngác:

- Hoàng hậu thì làm được chuyện khác thường gì?

Nàng hiển nhiên chẳng để dạ ghen hờn, trong bụng càng háo hức muốn được nhìn tận mắt vị hoàng hậu bí ẩn này như thế nào.

Một lát sau, bên ngoài đã nghe tiếng bước chân hấp tấp đi đến. Đinh Phúc chờ sẵn liền mở rộng cửa, Thác Hoa thấy một nữ nhân dùng khăn lụa xanh che kín nửa khuôn mặt bước vào, theo sau là Đinh Thương và Lý Phương. Hai tướng ngó An Định Hầu cùng phu nhân Thác Hoa vẫn khang kiện tự động mừng rỡ quỳ sụp xuống dập đầu vái lễ. An Định Hầu cười hà hà ra hiệu đứng lên. Hoàng hậu Trinh Minh liền nói:

- Hai ngươi mau ra ngoài chia một trăm quân đầu hổ thành bốn đội canh gác cẩn thận khu vực này cho ta! Tuyệt đối không được để kẻ khác bén chân vào!

Đinh Thương và Lý Phương dạ lớn nhưng chưa vội đi ngay. Cả hai liếc nhìn An Định Hầu chờ đợi. Vương hầu gật đầu đồng ý, hai tướng mới xăm xăm quay trở ra điều động binh lính sắp xếp. Đinh Phúc biết ý liền đóng chặt cửa lại. Hoàng hậu Trinh Minh hướng về phía An Định Hầu cùng Thác Hoa đang ngồi quỳ xuống dập đầu vái lễ. Thác Hoa tròn mắt kinh ngạc. Bà ta thân phận hoàng hậu đương triều lại hành đại lễ với vương hầu đã là chuyện khó hiểu, vương hầu chẳng những không ngăn cản còn nghiễm nhiên nhận lễ khiến Thác Hoa khó hiểu thêm gấp bội.

Hoàng hậu Trinh Minh dập đầu tung hô rất lạ tai:

- Thần dân xin ra mắt Thiên Vương Thánh Đế! Nguyện Thánh Đế phúc thọ bình an!

Thác Hoa chẳng kềm nổi quay nhìn sang An Định Hầu kêu lên:

- Sao…sao có chuyện lạ đời như vậy? Thiên Vương Thánh Đế ư? Chàng…tự xưng hiệu đế vương ư?

An Định Hầu Đinh Quan Viễn giơ tay ra hiệu cho Thác Hoa im lặng. Hoàng hậu Trinh Minh lại dập đầu mấy cái mà nói:

- Thần dân nghe tin Thánh Đế bị nạn lại không kịp cứu giá, xin được chịu tội!

An Định Hầu cười hà hà đáp:

- Không muộn, vẫn phải nhờ hoàng hậu ta mới thoát nổi cơn nguy biến này! Mau đứng lên!

Hoàng hậu Trinh Minh dạ lớn rồi dập đầu thêm mấy cái mới đứng dậy. Bà ta cởi khăn lụa che mặt xuống. Thác Hoa thấy được rõ diện mạo của hoàng hậu càng tròn mắt kinh hãi. Hóa ra hoàng hậu Trinh Minh chỉ là cô gái chưa quá hai mươi. Hoàng hậu Trinh Minh ngồi xuống trước mặt An Định Hầu, đưa ánh nhìn đầy tha thiết bày tỏ tình cảm. Thác Hoa nổi liền cơn ghen tức. Công chúa Bảo Ngọc vì muốn đưa tin nên không ngại đường xa liều mình đến báo, tính ra một lòng lo lắng cho vương hầu nên Thác Hoa còn cảm thông được. Đằng này một thân đã là hậu của Đinh Tiên Hoàng Đế còn dám bày tỏ tư tình với An Định Hầu, Thác Hoa khó bề kềm lòng cho đặng. Nàng vội vàng đứng dậy trừng mắt nhìn Đinh Phúc mà quát:

- Ngươi cuối cùng đã bày ra kế gì? Vì sao hoàng hậu phải quỳ lạy An Định Hầu? An Định Hầu còn dám tự xưng đế hiệu?

An Định Hầu vội lên tiếng:

- Nàng chớ hiểu lầm…!

Thác Hoa chẳng mấy khi dám nổi giận với An Định Hầu. Riêng phen này một phần vì hoàng hậu Trinh Minh bày nhiều chuyện khó hiểu, một phần vì cơn ghen từ công chúa Bảo Ngọc gộp chung với lửa ghen bấy giờ, Thác Hoa thản nhiên nhìn sang ông ta, nói:

- Chàng luôn miệng trách Dương không tròn đạo lén tư tình! Chàng tự cho mình làm việc gì cũng lấy đạo nghĩa quân thần lên làm đầu! Thiếp vì vậy lúc nào cũng kính nể! Chẳng ngờ hôm nay chàng lại…!

Thác Hoa nổi giận cực độ nên nghẹn tiếng, mấy lời cuối cùng cứ tưởng phải bật khóc. Hoàng hậu Trinh Minh liền lên tiếng:

- Thánh Đế phu nhân xin đừng hiểu lầm! Ta tuy mang tước hậu nhưng từ lúc nhập cung đến nay chưa từng chung chăn gối với hoàng đế! Cả tước Thiên Vương Thánh Đế của An Định Hầu, bệ hạ cũng biết! Ta ở lại trong cung chỉ là con tin của Thánh Đế đối với bệ hạ mà thôi!

Thác Hoa đoán chừng nàng hoàng hậu này nói lời trí trá, nên hừ nhạt:

- Làm gì có chuyện bệ hạ không chung chăn gối với hoàng hậu của mình? Cái gì là con tin Thánh Đế, đừng hòng gạt ta!

An Định Hầu xem chừng Thác Hoa bị lửa ghen làm mờ lý trí chẳng thể dùng lời lẽ nhẹ nhàng mà khuyên giải được. Ông bèn nghiêm giọng nói với Đinh Phúc:

- Kế là do ngươi bày ra, mau mau nói rõ cho phu nhân hay, kẻo ta lại thành kẻ vô đạo bất trung tư thông với hậu cung!

An Định Hầu nói, đôi mắt nhìn chăm chăm vào Đinh Phúc. Hắn bao năm hầu hạ đã hiểu được ánh mắt này. Ông ta bảo kể rõ, tức chỉ kể những đoạn làm rõ thắc mắc của Thác Hoa, những phần còn lại phải giấu kín.

Đinh Phúc cúi người dạ lớn. Hắn đến bên cạnh Thác Hoa dìu nàng ngồi xuống:

- Bẩm, phu nhân chớ ngờ oan vương hầu! Ông ấy đến khi bạc tóc có được nữ nhân vừa trẻ trung xinh đẹp lại thông minh như phu nhân kề cận thì còn lòng dạ nào tơ tưởng đến nhi nữ thường tình khác! Tất cả đều là do hạ quan bày trò, xin được chịu tội với phu nhân!

Đinh Phúc dẫu lúc vui mừng thái quá cũng chẳng bao giờ dám đem vương hầu ra mà nói phiếm. Đằng này hắn thản nhiên dèm pha để lấy lòng Thác Hoa, nàng nghe bèn hiểu thâm tâm của hắn rất coi trọng mình. Căn bản Đinh Phúc sau mấy ngày hầu hạ đã tự biết vị An Định Hầu uy vũ kia rốt cuộc cũng chịu lép vế dưới phu nhân thân thể nhỏ nhắn. Thác Hoa nói một thì đố vương hầu dám nói hai. Đinh Phúc tự biết chủ hầu đã phu nhân khéo dùng trò để nắm gọn trong tay. Chỉ cần Thác Hoa khóc lên một tiếng, mười An Định Hầu lừng lẫy sa trường cũng đành bó tay chịu trói hạ mình hết cỡ để nài nỉ. An Định Hầu phu nhân đẹp dạ thì An Định Hầu đẹp dạ, phu nhân trái gió trở trời thì đố vương hầu yên thân cho được. Vì thế, Đinh Phúc tự biết phải cúc cung tận tụy với Thác Hoa hơn mấy mươi lần.

Đinh Phúc miệng lưỡi quen ton hót nên chưa đầy hai câu đã khiến lửa giận trong bụng Thác Hoa nguội đi mấy phần. Thác Hoa vẫn làm ánh mắt tức giận hỏi:

- Ngươi cuối cùng đã bày ra trò gì?

Đinh Phúc liền đáp:

- Bẩm, mọi chuyện bắt đầu từ lúc châu Quan Tế ở đạo Lâm Tây có loạn!

Thác Hoa đang nóng lòng muốn biết rõ liền gắt:

- Châu Quan Tế có loạn, An Định Hầu đem quân đi dẹp thì xảy ra chuyện gì? Ngươi mau nói rõ cho ta!

Đinh Phúc luôn miệng dạ liên hồi rồi kể:

- Thực ra, loạn là do tàn binh các sứ quân ngày trước họp lại được sự ủng hộ của hơn hai mươi tộc trưởng ở châu Quan Tế, tính cả thảy binh lực chưa tới hai vạn. Vì thế, vương hầu đem quân đi là thắng như thể chẻ tre! Lúc bình định hết phản loạn, vương hầu khoan dung nên dâng biểu về Hoa Lư xin bệ hạ tha chết cho các tộc trưởng, vì vậy được các tộc trưởng hết sức kính trọng. Tộc trưởng đã kính trọng thì những người trong tộc càng kính trọng gấp bội!

Thác Hoa nghe hắn kể lễ dong dài toan gắt thêm phen nữa nhưng đành bấm bụng lắng nghe cho rõ đầu đuôi.

Đinh Phúc kể tiếp:

- Vừa lúc đó, quân Đại Tống cho tướng Thạch Bảo bất ngờ đột kích chiếm mất ải Ứng Kê, dồn quân ta phải lui về Quỷ Môn Quan trấn thủ! Lạ lùng ở chổ, Thạch Bảo chiếm xong Ứng Kê theo lý phải thừa thắng đánh chiếm luôn Quỷ Môn Quan mới phải, đằng này hắn ta chỉ chiếm Ứng Kê rồi gia cố quan ải như thể đang chờ đợi thời cơ!

Thác Hoa liền chen lời:

- Hắn làm sao biết vương hầu đem quân dẹp loạn châu Quan Tế mà động binh? Nếu chờ đợi, chẳng phải chờ đợi vương hầu thất thủ, các tộc trưởng sẽ kéo quân từ châu Quan Tế cùng hợp sức đánh ư?

Hoàng hậu Trinh Minh nghe Thác Hoa nói vậy bèn bật ra lời khen ngợi:

- Thánh Đế phu nhân quả thật có trí tuệ hơn người, chẳng kém gì Thánh Đế khi đó!

An Định Hầu được nghe kẻ khác khen phu nhân của mình dẫu không có gì làm lạ nhưng vẫn thấy hả hê trong bụng.

Đinh Phúc nói tiếp:

- Năm đó, vương hầu cũng nghĩ như phu nhân! Nhưng thực tế dựa vào thực lực của các tộc trưởng cùng tàn quân sứ quân cũ chẳng thể đánh bại được quân đầu hổ, vậy thì bọn họ dựa vào cái gì?

Thác Hoa đang chú tâm nghe chẳng thể phân tâm nghĩ ngợi cho được. Nàng liền gắt:

- Ngươi đang kể chuyện hay đang đánh đố ta?

An Định Hầu cười hà hà đáp:

- Nàng chớ nóng giận! Để ta nói thay hắn! Ta khi đó bình định xong mới hay tin ải Ứng Kê bị chiếm mất! Ta toan dẫn quân ngược về thì đã ngẫm ra chuyện trên. Ta bèn họp tất cả các tộc trưởng lại mà tra hỏi! Bọn họ vì kính trọng ta đã tha chết nên thật lòng kể rõ! Căn bản đều tự địa danh có tên Cổng Trời mà ra! Nàng phải biết, trước khi châu Quan Tế nổi loạn, phía nam thì Chiêm Thành đã động binh gây hấn buộc Lê Hoàn và Nam Việt Vương phải tử chiến, ngược lại phía tây, Ai Lao vẫn im lặng không hề có động tĩnh gì. Chiêm Thành và Ai Lao bao năm vẫn ngầm liên kết, hễ tiến đánh Đại Cồ Việt thì đồng loạt ra tay! Đằng này Ai Lao lại ngấm ngầm điều mười vạn quân tập kết ở ngoài Cổng Trời chờ đợi!

Lúc đó Thác Hoa còn đang ở Chân Lạp làm một hoàng chúa uy nghi. Chính nàng đã hiến kế cho Chiêm Thành cách dàn trận, cũng vì Lê Hoàn giỏi dùng quân cộng thêm Nam Việt Vương tử chiến quyết liệt mới đẩy lui Chiêm Thành. Phen đó nàng có biết cha mình là quốc vương Chân Lạp cùng mật đàm với quốc vương Chiêm Thành và Ai Lao về địa danh có tên là Cổng Trời. Chỉ vì khi đó, Thác Hoa dầu có trí tuệ thông suốt vẫn chỉ là cô hoàng chúa mới mười ba tuổi, thành ra quốc vương Chân Lạp không cho nàng can dự nhiều vào chính sự. Giờ nghe An Định Hầu diễn giải, Thác Hoa liền hiểu ra phần nào:

- Có phải châu Quan Tế nổi loạn, hoàng đế chỉ có thể cử Nguyễn Bặc và ngài đi phạt! Ngài vì phải giữ ải Ứng Kê nên Nguyễn Bặc nhất định được chọn! Thủy chung, vẫn muốn chính ngài đi dẹp loạn!

An Định Hầu gật đầu:

- Không sai! Ban đầu bệ hạ cử Nguyễn Bặc đi, lại lệnh cho ta điều hai vạn quân đầu hổ giáp trợ giúp. Tuy nhiên, quân đầu hổ bao năm chỉ quen nghe lệnh mật bằng ám hiệu của ta trên chiến trường, thành ra Nguyễn Bặc chẳng thể chỉ huy được. Kết cục, bệ hạ đã phải hạ chỉ cho ta đi dẹp loạn! Tuy ta chinh chiến nhiều năm có tài lấy ít địch nhiều, nhưng thủy chung không nắm rõ được địa thế của châu Quan Tế, cộng thêm nếu bất thần mười vạn quân Ai Lao xuất hiện vây hãm, ta nhất định bại trận! Châu Quan Tế có một ngõ bọc hậu phía sau Quỷ Môn Quan. Nàng tính xem, Thạch Bảo dẫn năm vạn quân Tống đánh từ Ứng Kê xuống, các tộc trưởng dẫn đường cho mười vạn quân Ai Lao trợ công, chẳng phải Quỷ Môn Quan đã mất rồi đó sao, mười lăm vạn quân này thừa sức đánh thẳng xuống chiếm lấy Đại La. Khi đó Đại Cồ Việt đã dồn ba phần binh lực tử chiến với Chiêm Thành ở phía nam, làm sao trở tay cho kịp! Ta đến giờ nhớ lại tình hình hung hiểm khi đó còn phải đổ mồ hôi sợ hãi!

Thác Hoa tức thì nhận ra có chổ khuất tất. Nàng liền nói:

- Khoan đã, châu Quan Tế vốn cách trở với biên giới Ai Lao bởi dãy Trường Sơn, làm sao mười vạn quân Ai Lao có thể dễ dàng vượt qua được, cho dù qua được, nhanh cũng hơn một tháng, chậm thì hai ba tháng, binh lính qua được thì lương thảo phải vận chuyển thế nào! Lương thảo nuôi mười vạn quân này không phải là con số nhỏ, lẽ nào phải bỏ sức người phá núi mở đường thông thương ư? Như vậy không hợp lý!

Hoàng hậu Trinh Minh lúc này bèn lên tiếng:

- Đó là nhờ Cổng Trời! chỉ cần mất nửa ngày, bất kể binh mã của Ai Lao hay Đại Lý, Đại Tống đều dễ dàng đột nhập vào châu Quan Tế rồi tấn công xuống Đại Cồ Việt!

Nguồn: truyen8.mobi/t125150-chinh-nhan-oan-ca-chuong-36.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận