Chinh Nhân Oán Ca Chương 37

Chương 37
Bí Mật Cổng Trời

Hoàng hậu Trinh Minh buột miệng nói xong mới thấy đôi mắt An Định Hầu đã hóa như hai viên than đỏ lửa quắt nhìn. Bà ta khiếp đảm tự hiểu đã nói điều không nên nói. Thác Hoa có trí tuệ nhanh nhạy nên hiểu ra phần nào. Nàng tư lự hỏi:

- Có phải vì Cổng Trời nên Đinh Tiên Hoàng Đế buộc phải nhượng bộ? Cổng Trời đó là lối đường tắt để vào Đại Cồ Việt từ châu Quan Tế đó ư?

Hoàng hậu Trinh Minh trót mở miệng chẳng thể nói khác đi đành gật đầu xác nhận, thừa biết An Định Hầu đang khó chịu đầy bụng:

- Phu nhân nói không hề sai! Hoàng đế vì thế buộc phải nhún nhường!

Khi ở thành Định Biên, An Định Hầu nghe Thác Hoa leo lẻo kể lại việc suy ra kế hoạch đồn binh lẫn mưu đồ nam tiến đã biết đầu óc của nàng lanh lẹ hiếm có. Về sau tuy thành chồng vợ, thật dạ chung tình, ông ta đều dè chừng. Phàm chuyện cơ mật liên can đến quốc sự, ông đều khéo léo tránh né không lọt vào tai Thác Hoa. Phen này, mối quan hệ trói buộc giữa An Định Hầu, hoàng hậu Trinh Minh, Đinh Tiên Hoàng Đế lần lượt bị Thác Hoa tường tỏ. An Định Hầu thừa hiểu căn nguyên thâm sâu bên trong trước sau gì cũng bị bóc mẽ, không khỏi thầm tính kế.

Thác Hoa lại nhìn hoàng hậu Trinh Minh mà hỏi:

- Phải chăng chỉ có mình hoàng hậu mới biết cách sử dụng Cổng Trời?

Hoàng hậu Trinh Minh tròn mắt nhìn Thác Hoa sửng sờ một lúc mới thở dài. Hoàng hậu cười mỉm mà đáp:

- Không ngờ Thánh Đế phu nhân có trí tuệ vượt bậc đến vậy! Không sai, bí mật Cổng Trời chỉ có tộc trưởng cùng thánh nữ tộc Thiên biết rõ được! Ta chính là thánh nữ tộc Thiên!

Đạo Lâm Tây chia làm ba châu, lớn nhất là châu Quan Tế. Châu Quan Tế bao gồm mười hai dãy núi to, mỗi dãy núi chu vi hơn mấy trăm dặm. Tuy đa phần tộc người Dao sinh sống tại đây nhưng càng lên cao về biên giới phía tây bắc còn có các tộc Miêu, Ưng, Chỉ, Thiên. Trong số các tộc trên, tộc Thiên cách biệt nhất. Bọn họ cách biệt với các tộc khác đến độ tưởng như không hề tồn tại. Mãi đến cách đây năm năm, An Định Hầu dẫn binh đi phạt châu Quan Tế một trận lớn mới khiến tộc Thiên xuất hiện. Tộc Thiên thờ phụng chim ưng trắng, tộc trưởng tự xưng Thiên Vương Thánh Đế. Tuy nhiên, mấy mươi đời xưng hiệu này bị bỏ trống vì tộc trưởng đều do nữ nhân đảm nhiệm. Nữ tộc trưởng nếu còn đơn thân sẽ được xưng tụng Thánh Nữ. Điều khắc nghiệt là vị thánh nữ này lại không được lấy chồng sanh con, sống đơn độc cả đời chết lại truyền ngôi cho một thánh nữ khác. Hoàng hậu Trinh Minh là một thánh nữ như vậy.

Thác Hoa không biết được các điều trên. Ví như nàng biết, nhất định sẽ không còn có bụng ghen tuông. Hoàng hậu Trinh Minh dầu có nặng tình với An Định Hầu đến đâu cũng chẳng thể kết đôi với ông ta được. Bằng không, nàng ta sẽ bị cả tộc Thiên nguyền rủa thậm chí còn tìm cách giết bỏ vì đã phạm húy kỵ của thánh nữ. Thác Hoa càng không biết điều này. Bụng dạ vương hầu phu nhân lại đoán, An Định Hầu dẹp loạn làm đẹp lòng bệ hạ, đẹp luôn cả lòng nữ trưởng tộc mỹ miều rồi phát sinh tình cảm. Lửa ghen trong bụng Thác Hoa vì thế càng bốc lên ngùn ngụt. Tuy vậy, nàng vẫn cố giữ nét mặt bình thản. Nàng toan hỏi thêm nhưng thừa biết hoàng hậu Trinh Minh đã bị An Định Hầu đe nẹt nên có chết cũng chẳng dám mở miệng. Với Đinh Phúc thì dẫu trời gầm đất lở vẫn quyết câm như hến, dẫu có nói chỉ toàn là lời lấp liếm hòng che đậy. Cho nên Thác Hoa lại quay sang An Định Hầu chờ đợi. An Định Hầu thấy đôi mắt ngọc kia tự nhiên như tấm gương trong suốt ngầm ngấm đỏ lửa bên trong nên tự thân kể tiếp, bụng toan tính đường lùi:

- Ta sau khi biết chuyện đã dẫn quân đi thẳng đến Cổng Trời! Người của tộc Thiên tuy ít nhưng đều là kẻ thiện chiến, còn được địa thế ủng hộ! Ta vây đánh ba ngày trời chẳng thể làm gì được! Cho nên, nhân nửa đêm một mình ta lẻn vào chổ tộc trưởng của họ mà thích sát!

An Định Hầu kể chuyện nét mặt nửa phần cau có, nửa lại đầy đăm chiêu. Thác Hoa thừa biết ông ta đã cố tình lược bớt mấy phần hung hiểm nên liền hỏi:

- Vậy kết cuộc thế nào?

Nàng buột miệng hỏi xong thì ngớ người cười trừ, hiển nhiên nếu An Định Hầu không thành công thì làm sao còn có thể ung dung ngồi đây để kể chuyện.

An Định Hầu đáp:

- Ta đã gặp được tộc trưởng nhưng chẳng thể xuống tay, đành phải mang về cho bệ hạ phong hậu!

An Định Hầu nói xong liền cười hà hà sảng khoái. Tuy nhiên, Thác Hoa lại ngấm ngầm thở dài. An Định Hầu thường vẫn hay xưng Đinh Tiên Hoàng Đế là bề trên, phen này mấy bận ông chỉ gọi là bệ hạ. Thác Hoa thừa hiểu vương hầu đã có phần oán thán hoàng đế cư xử bạc bẻo. Nàng toan mở lời an ủi bỗng nhiên lại đứng phắt dậy nhìn An Định Hầu trân trối:

- Thiếp…thiếp đã hiểu ra! Đã hiểu ra được rồi!

An Định Hầu ngạc nhiên hỏi:

- Nàng đã hiểu chuyện gì?

Thác Hoa không đáp. Nàng quay sang nhìn Đinh Phúc nghiêm giọng đầy uy quyền:

- Ngươi mau an trí nơi nghỉ ngơi cho hoàng hậu Trinh Minh! Ta có việc riêng muốn bàn với vương hầu!

Thác Hoa từ lúc làm An Định Hầu phu nhân chẳng mấy khi nghiêm giọng ra uy. Phen này nàng vừa chau mày còn gằn giọng quả quyết, Đinh Phúc tự biết có chuyện quan trọng nên không dám rề rà. Hắn mời khéo hoàng hậu Trinh Minh ra ngoài rồi tự thân đứng gác ngoài cửa, bụng thấp thỏm không biết vị phu nhân vương hầu này lại phát hiện ra việc gì. Ngờ đâu, Thác Hoa đợi hoàng hậu Trinh Minh đi khỏi lại cất giọng gọi Đinh Phúc. Hắn tất tả mở cửa bước vào trong. Đinh Phúc thấy Thác Hoa buông rơi cả khăn che mặt đã ngạc nhiên, chưa kịp vái lễ thì bị Thác Hoa tát liền mấy cái. Đinh Phúc sợ hãi vội quỳ sụp xuống dập đầu lia lịa:

- Hạ quan đã biết tội! Hạ quan đã biết tội!

Thác Hoa nghiêm sắc mặt hỏi:

- Ngươi có tội gì?

Đinh Phúc chỉ thuận miệng nói để Thác Hoa nguôi giận, thực bụng không biết phải trả lời làm sao. An Định Hầu cũng chẳng thể hiểu sự thể ra sao bèn toan mở lời can ngăn. Chẳng ngờ, ông chưa kịp mở miệng đã bị Thác Hoa quay lại hỏi:

- Chàng nói thật cho thiếp biết, vì sao chàng lại chọn một nơi hẻo lánh ở Đại Lý mà đồn trú binh mã? Binh mã của chàng ở đó làm gì?

Đinh Phúc đang quỳ sát người dưới đất sợ hãi đột nhiên nhảy dựng như bị con gì đốt. An Định Hầu cũng không khỏi giật mình nhìn Thác Hoa, rung giọng :

- Nàng…nàng…lẽ nào…!

Thác Hoa gằn giọng:

- Chàng một hai luôn miệng nói đồn trú quân ở Đại Lý để phòng hậu mà dùng! Toàn là lời dối gạt! Thiếp thừa biết lòng trung của chàng nhưng vì không thấu nổi lý giấu quân của chàng khiến bụng dạ có phần lệch lạc. Chàng hại thiếp phải ngờ vực chẳng giữ tròn đạo làm vợ, chàng thật là…thật là…!

Nàng lại quay sang Đinh Phúc trừng mắt:

- Nhất định là do tên ngu ngốc này bày tính!

Thác Hoa giận đến độ không sao nói được nên lời. An Định Hầu cùng Đinh Phúc liền hiểu nàng đã thấu được hết chân tướng sự việc nên tự đưa mắt nhìn nhau dò ý. Thác Hoa lại đoán chừng cả hai toan tính chuyện dối gạt càng thêm giận dữ. Chỉ vì khí giận lên cực độ chẳng thể mở miệng nói được đành giậm chân tức tối.

An Định Hầu biết không thể che giấu nổi đành cười hà hà tiến đến dìu Thác Hoa ngồi xuống. Ông nói:

- Nàng đã đoán đúng, ta đã nói dối chuyện quân lính đồn trú ở ngoại thành Đại Lý! Cách đây ba năm, đường Cổng Trời hướng ra Ai Lao đã bị một cơn động đất đánh sập. Vì thế, muốn vào Đại Cồ Việt chỉ có thể đi qua ngõ Đại Lý! Binh lính ta cho đồn trú ở Đại Lý chính là để án ngữ con đường này, phòng ngựa hậu hoạn!

An Định Hầu thong thả nói tiếp:

- Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của sáu ngàn quân đóng ở Đại Lý chính là ngày đêm luân phiên phá sập đường hầm thông với cổng trời! Việc này chỉ có ta và Đinh Phúc biết! Bọn Đinh Thương, Trần Biền, Lý Hoan, Lê Mục đều không hay! Bệ hạ cũng không hề hay, đến cả hoàng hậu Trinh Minh chẳng có ngoại lệ!

Thác Hoa lúc này đã lấy lại được bình tĩnh. Nàng ta ôm chặt lấy An Định Hầu mà nói:

- Ngài cam chịu mang tội khi quân chỉ vì điều đó ư? Có đáng hay là không?

An Định Hầu vỗ về an ủi nàng một lúc rồi đáp:

- Nàng đã thông suốt được mọi chuyện nên ta không cần phải lấp liếm. Tuy nhiên, nàng chỉ nên biết đến vậy, phàm còn thêm căn nguyên bên trong, ta không thể đáp ứng!

Thác Hoa chẳng ngờ đến phen này An Định Hầu vẫn để bụng phòng hờ. Nàng liền khóc nấc:

- Chàng…chàng còn ngờ vực thiếp ư? Thiếp bỏ cả vương vị, một lòng một dạ yêu kính lẽ nào còn chưa đủ để chàng tin?

Đinh Phúc không thể nín nhịn thêm. Hắn bèn lên tiếng:

- Xin phu nhân tâm tư! Cớ gì hạ quan phải chịu cung cúc ở điện Vĩnh Tường làm một thái giám? Cớ gì được vương hầu tín cẩn như Đinh Thương vẫn không hề hay chuyện trên? Vương hầu yêu chiều phu nhân nhất mực, càng yêu chiều càng không muốn phu nhân thấu đáo cặn kẽ là vì sao? Phu nhân trí tuệ uyên bác, lẽ nào không thấy bụng dạ của vương hầu ư?

Lời của Đinh Phúc như tiếng chuông đánh động. Thác Hoa sợ hãi nhìn An Định Hầu, hỏi:

- Chàng không muốn thiếp biết vì không muốn tự tay giết bỏ thiếp đó ư?

An Định Hầu chỉ tay vào Đinh Phúc, nói:

- Trước đây ta đã có thể kéo hắn về bên cạnh nhưng rốt cuộc lại bắt hắn làm tổng quản thái giám điện Vĩnh Tường! Không phải vì muốn hắn dò thám tình hình trong cung! Nhiệm vụ của hắn chính là theo dõi động tĩnh của hoàng hậu Trinh Minh!

Thác Hoa ngờ ngợ nhận ra điều An Định Hầu sắp nói. Nàng không khỏi kinh động chờ đợi. Ông ta nói tiếp:

- Một khi sáu ngàn quân kia phá sập được đường hầm, Cổng Trời đã thành vô dụng thì tất cả những ai liên quan đến nó đều phải chết! Sáu ngàn quân kia sẽ tự tận! Tự tay ta phải giết không chừa kẻ nào, kể cả Đinh Phúc, hoàng hậu Trinh Minh! Bản thân ta cũng tự sát! Có như vậy đời đời về sau không cần canh cánh hiểm họa từ châu Quan Tế! Đại Cồ Việt không lo chuyện bị tập hậu ở mé tây!

An Định Hầu lời lẽ cảm khái nhưng khuôn mặt đanh lại đầy nét dữ tợn. Thác Hoa run rẩy đáp:

- Chàng tự vẫn ư? Chàng…chàng không được làm như vậy! Thiếp không cho phép!...Chàng toan tính giết cả thiếp ư?

An Định Hầu liền dịu sắc mặt, ôm lấy Thác Hoa mà đáp:

- Ta ban đầu thực sự có ý này nhưng ta không nỡ! Ta thật lòng không nỡ xuống tay với nàng! Ta đã sai người chuẩn bị từ lâu, chỉ cần ta gặp chuyện, nàng sẽ được hộ tống an toàn mà về lại Chân Lạp! Là nàng đã xui xẻo phải làm phu nhân một vương hầu đoản mệnh như ta!

An Định Hầu cố châm chọc nhưng lời lẽ có phần chua chát khôn kể. Ông ta không để cho Thác Hoa ca thán, nói tiếp:

- Bệ hạ cử ta làm sứ đến Đại Lý, thật bụng chỉ mong ta vắng mặt để tiện bề đổi ngai thái tử! Tuy nhiên, các phe cánh khác trong triều sẽ nhân cơ hội này bày không ít trò tiêu khiển dọc đường dành cho ta! Ta đã có suy tính từ trước, Đinh Phúc, mau mau nghe lệnh!

Đinh Phúc liền dập đầu dạ lớn.

An Định Hầu nói:

- Ngươi cầm Lệnh Đầu Hổ của ta trong đêm hộ tống An Định Hầu phu nhân về Định Biên, lệnh Chinh Nam Đại Tướng Quân Trần Thành mở cổng, bày trăm lính hầu cung nghinh phu nhân sang Chiêm Thành để hồi hương! Dọc đường kẻ nào ngăn cản cứ giết không cần do dự!

Đinh Phúc cung kính đưa hai tay đón nhận lệnh bài bạch kim tạc đầu hổ dạ lớn hai tiếng nhận mệnh.

Thác Hoa tức thì òa khóc:

- Thiếp không đi, có chết thì thiếp chết cùng chàng!

An Định Hầu ra hiệu, Đinh Phúc biết ý vội vàng vái lạy cáo lui ra bên ngoài. An Định Hầu từ tốn dìu Thác Hoa ngồi xuống ghế lớn. Ông nói:

- Nếu ta lớn mạng qua khỏi, sau khi đi sứ Đại Lý, ta nhất định viết cáo từ quan để sang Chân Lạp tìm nàng! Bằng ngược lại…

Thác Hoa liền bật khóc:

- Chàng…chàng không được nói gỡ!

An Định Hầu tự nhiên trầm nét mặt:

- Nếu không may gặp bất trắc, ta chỉ xin nàng một chuyện!

Thác Hoa nghe vậy liền khóc òa lên nức nở. An Định Hầu chẳng thể dỗ dành cho nguôi được bèn đặt nàng ngồi yên trên ghế. Ông quỳ sụp xuống trước mặt Thác Hoa mà vái lạy. Thác Hoa kinh hãi vội vàng đứng dậy toan quỳ xuống theo:

- Chàng…chàng làm vậy có ý gì?

An Định Hầu liền kéo nàng ta ngồi xuống ghế mà nói:

- Ta trước giờ chỉ lạy cha mẹ, tuy nhiên ta là côi nhi nên chưa hề biết mặt mà lạy họ bao giờ. Lúc đầu quân cho Kiều công ta cũng chỉ vái lễ, làm vương hầu của bệ hạ ta cũng chỉ vái lễ! Nay ta xin đem ân nghĩa phu thê quỳ lạy chỉ xin nàng hứa cho ta một chuyện!

Thác Hoa nghe lời lẽ trịnh trọng tự nhiên kềm nước mắt. An Định Hầu vẫn quỳ trước mặt nàng mà nói:

- Ta chỉ xin nàng một điều duy nhất! Không may ta bất trắc, xin nàng ở Chân Lạp đừng phát binh gây hấn với bệ hạ! Bản tính của nàng quật cường quá đỗi, nhất định sẽ đem oán hận trút hết lên bệ hạ! Nàng phát binh thì Chiêm Thành, Ai Lao cũng sẽ đồng loạt phất cờ hưởng ứng! Đại Cồ Việt nhất định lâm nguy! Ta không dám ép buộc nàng, chỉ mong chí ít trong vòng mười năm sau khi ta mất, nàng chớ động can qua, tránh cảnh ba nước lao đao chinh chiến! Ta nơi chín suối sẽ cảm kích nàng khôn nguôi!

Khuôn mặt diễm kiều của Thác Hoa liền chảy dài hai dòng nước mắt. Nàng run run giọng đáp:

- Chàng…chàng đến cùng cũng chỉ biết nghĩ cho người khác! Chàng thà mang tiếng bất trung vẫn khư khư đóng quân ở Đại Lý! Bệ hạ nghi ngờ toan tính mưu hại chàng, chàng vẫn không màng! Bây giờ…bây giờ chàng thà chết chứ không để người khác thiệt thòi! Thiếp…thiếp ở đâu trong lòng chàng đây?

An Định Hầu gượng cười chua chát:

- Ta từ lúc xông pha chiến trận đến nay, lòng chỉ mong được thấy cảnh thái bình! Vì nó, ta sẵn sàng đánh đổi tất cả, sá chi một tấm thân con này! Ta chỉ xin nàng một điều như vậy! Về đạo vợ chồng ta không trọn, chỉ xin kiếp sau làm thân trâu ngựa để đáp ơn cho nàng!

An Định Hầu nói xong liền dập đầu binh binh mấy cái. Thác Hoa tự nhiên cười mỉm. Nàng vội dìu ông đứng dậy, đáp:

- Thiếp cũng chỉ xin chàng một chuyện! Dầu có biến cố gì, chàng nhất định phải quay trở về bên cạnh thiếp! Thiếp sẽ ngoan ngoãn ở Chân Lạp chờ đợi! Chàng mau mau hứa với thiếp!

Trong lòng Thác Hoa đau đớn vô kể. Chỉ vì nàng tự biết An Định Hầu một khi đã quyết thì không sao có thể lay chuyển được, cho nên nàng không muốn làm ông bận tâm đành phải gắng gượng cười. An Định Hầu thừa hiểu điều trên, càng thêm yêu Thác Hoa muôn phần. Ông ta ôm chặt nàng vào lòng, nói:

- Ta dầu chết cũng nhất định sẽ về chết trước mặt nàng!

Thác Hoa nghe đến đây thì dầu cứng cỏi đến thế nào cũng phải bật khóc nghẹn ngào. Đinh Phúc đứng gác bên ngoài cũng rơi nước mắt cứ liên hồi dùng tay áo quệt lên mặt. Bất giác hắn nhận ra hoàng hậu Minh Trinh cũng đang đứng cách đó không xa nghe ngóng. Hoàng hậu nhìn Đinh Phúc khẽ ra hiệu, hắn lật đật chạy đến. Hoàng hậu Trinh Mình nói khẽ:

- Đi mau, cứ để cho họ yên tĩnh!

Đinh Phúc ngẫm thấy có lý nên cúi đầu tuân lệnh. Hắn liền dìu hoàng hậu về phòng riêng mới vừa chuẩn bị cho nàng ta nghỉ ngơi.

Sáng sớm hôm sau, Đinh Phúc nhận lệnh mang năm mươi quân đầu hổ hộ tống Thác Hoa thẳng tiến về nam. An Định Hầu đã ngầm chỉ dụ hắn phải ở lại bên cạnh nàng ta đến khi ông quay trở về từ Đại Lý. An Định Hầu bảo đại ý phải coi ngó Thác Hoa cẩn thận nhưng Đinh Phúc tự biết vương hầu sợ khó lòng qua khỏi nạn lớn, sợ hắn không còn chổ dựa bị kẻ khác tìm cách trả thù nên mới mở con đường sống. Hắn liền khóc rống lên nức nở. An Định Hầu phải răn nạt mấy lần mới khiến hắn dứt khoát lên đường. Hai đoàn người ngựa, một xuôi nam, một ngược bắc đều cấp tốc phi nước đại, tuy nhiên lòng dạ ai nấy cũng nặng nề vô kể.

An Định Hầu dẫn quân về Hoa Lư. Ông ta vào điện diện kiến hoàng đế, nhận lấy chiếu chỉ cùng văn thư đi đường. Cổ kim có lẻ chỉ chuyến đi sứ này là độc nhất vô nhị, vương hầu được cử đi sứ nhưng chỉ được dẫn theo hai mươi người, hoàng đế vừa ban chỉ dụ, An Định Hầu phải lên đường tức thì không được nấn ná ở thêm. Người ngoài dù khờ khạo đến đâu cũng thấy chuyện đi sứ thực chất chẳng khác gì đi đày. Hoàng hậu Trinh Minh đích thân ra tiễn An Định Hầu trước ngõ thành bắc. Vương hầu thầm dặn dò vài điều, không bái biệt cùng Đinh Thương, Lý Phương giục ngựa chạy hướng về Quỷ Môn Quan.

Một nhóm người đang tụ tập ở quán nước gần cổng thành bắc kịp ngó nhìn rồi chụm đầu thì thầm bàn tán:

- Có đúng người đó hay không?

Một tên lật tấm vải lụa trắng có hình họa tỉ mỉ xem xét rồi gật gù:

- Là hắn!

Một lão già bị chột mắt trái ngồi hướng ra cửa hất hàm hỏi:

- Hắn giữ chức vụ gì ở Đại Cồ Việt?

Tên kia đáp:

- Theo lời thuật là An Định Hầu Đinh Quan Viễn!

Lão già liền vuốt chòm râu lưa thưa cười hăng hắc:

- Thảo nào tiền đặt đến mười hai vạn lượng, mạng của tước hầu đúng là không rẻ một chút nào! Thôi, mau lên đường!

Lão già cùng cả bọn lục đục kéo nhau lên ngựa. Cả thảy hai mươi sáu người nhằm hướng cửa bắc đi thẳng.

An Định Hầu về đến Quỷ Môn Quan liền hạ lệnh cho Đinh Thương, Lý Phương cấp tốc quay lên châu Quan Tế trấn thủ. Hai tướng định bụng sẽ được ông ta chọn lấy một người cùng đi sứ, giờ nghe chỉ dụ không khỏi ngơ ngác. Tuy vậy, cả hai vốn kiệm lời nên cũng chẳng mở miệng hỏi. An Định Hầu chỉ giữ lại bảy lính hổ đầu rồi đi thẳng đến ải Ứng Kê nghỉ một đêm đợi sáng mai bắt đầu chuyến đi sứ. Hành tung của vương hầu đều được quân thám mã báo về Hoa Lư không sót một chi tiết nào. Tin chia làm bốn hướng, một vào thẳng điện Kiến An thuật lại cho Đinh Tiên Hoàng Đế, một về cung Lạc Hoa rót vào tai Dương phi, một lại về trướng của Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, tin còn lại thì đến cung Cẩm Tuệ cho hoàng hậu Kiều Quốc được rõ. Ba chốn trên biết tin đều trầm ngâm tư lự, phần ở cung Cẩm Tuệ, hoàng tử Đinh Hạng Lang hay chuyện An Định Hầu đi sứ liền ôm mặt khóc nức nở, quyết liệt chạy liền đến điện Kiến An. Hoàng hậu Kiều Quốc hoảng hồn, giữ thì không được, theo lại chẳng kịp đành ngồi ở cung chẳng hiểu được cớ sự.

Hoàng tử Đinh Hạng Lang bị quân ngự lâm giữ lại bên ngoài điện Kiến An. Nó khóc kể sầu thảm quá đổi khiến quân canh giữ phải vội chạy vào cắt ngang cuộc nghị sự giữa Đinh Tiên Hoàng Đế cùng bốn đại thần Định Quốc Công, Ngoại Giáp Công, Nội Giáp Công, Thái Sư. Hoàng đế và các đại thần lấy làm lạ. Chỉ riêng Ngoại Giáp Công Đinh Điền không nói lời nào. Hoàng đế cho triệu, Đinh Hạng Lang nước mắt ngắn dài chạy vào trong phòng mật nghị mà dập đầu vái lễ. Hoàng đế hỏi:

-Ai làm con phiền lòng nên muốn đến mách ta chăng?

Đinh Hạng Lang lau nước mắt đáp:

-Thưa phụ hoàng, có thể cho con mượn cờ thông quan của phụ hoàng được không?

Đinh Tiên Hoàng Đế ngạc nhiên hỏi:

-Con cần cờ thông quan của ta làm gì?

Hạng Lang bèn đáp:

-Bẩm phụ hoàng, chỉ có thể dùng lối đường tắt mới kịp nên con muốn mượn cờ thông quan. Bằng không, chẳng thể tiễn An Định Hầu đi sứ!

Hoàng đế liền chiêu an nó:

-An Định Hầu đi sứ chỉ chừng tháng sẽ trở về Đại Cồ Việt! Con cần gì sợ không còn dịp gặp mặt!

Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú cũng góp thêm lời an ủi. Dè đâu Đinh Hạng Lang nghe xong lại khóc òa nức nở:

-Phụ hoàng cùng các vị sao lại gạt con! An Định Hầu đi sứ phen này là xác bỏ tha hương không đường về cố quốc! Phải chăng mọi người đều cho rằng con chỉ là thằng nhỏ năm tuổi nên không biết gì hết chăng?

Nó chẳng dám trách hoàng đế, bèn đưa ánh mắt bi thương nhìn bốn vị đại thần mà rằng:

-Các vị tiếp tay đưa ta lên ngai cao là công, lại hùa nhau đưa vương hầu vào chổ chết là tội. Công và tội ấy luận sao cho đặng? Ta chưa ngồi ngai thế tử khắc nào nhưng trước mắt đã vô tình hại chết một tướng tài đến thế, mặt mũi nào ta còn ngồi ngai thế tử đây? Phụ hoàng ơi là phụ hoàng!

Đinh Hạng Lang khóc đến nghẹn giọng cộng thêm thân thể còn suy nhược tức thì mê mang. Hoàng đế phải triệu ngự y đến khám rồi cho người đưa về cung Cẩm Tuệ để nghỉ ngơi. Đinh Hạng Lang đi mất, phòng mật nghị ở điện Kiến An chỉ còn hoàng đế cùng bốn đại thần. Tai kẻ nào cũng văng vẳng tiếng khóc của Hạng Lang như bị bùa yểm.

Nguồn: truyen8.mobi/t125151-chinh-nhan-oan-ca-chuong-37.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận