Chinh Nhân Oán Ca Chương 38

Chương 38
Ải Tây Kinh Phá Kế Trí Trá Đất Thanh Ngưu Vướng Nợ Giang Hồ

An Định Hầu cứ thế không kèn không trống đi sứ, đến độ quân giữ ải Ứng Kê của Ngoại Giáp Công Đinh Điền hay chuyện thì ông ta đã đi vào địa phận Đại Tống gần năm sáu mươi dặm đường trường.

Từ Đại Cồ Việt muốn sang Đại Lý chỉ có hai con đường. Một đường từ ải Ứng Kê của Đại Cồ Việt rẻ hướng tây đi sáu trăm dặm đường rừng hiểm trở, hai là từ ải Ứng Kê đi thẳng đến ải Tây Kinh của Đại Tống rồi rẽ hướng tây đi bốn trăm dặm đường trường. Hai lối này đều gặp nhau ở thôn Tịnh Trúc cách thành Đại Lý hai mươi dặm. An Định Hầu tính chọn đường đi thứ nhất hòng dễ dàng đến được nơi đóng quân đội riêng để giám sát tình hình. Tuy nhiên, ông lo ngại Đinh Tiên Hoàng Đế ngấm ngầm cho người theo sát, nếu hành động có gì sơ suất làm lộ chuyện giấu quân nhất định gây họa tày trời. Vì thế, An Định Hầu chọn đi theo lối thứ hai.

An Định Hầu rời khỏi Ứng Kê thì dẫn hai mươi quân tùy tùng đi thẳng một nước đến ải Tây Kinh. Đoạn đường này chỉ có năm mươi dặm hơn, lại không hề có bóng người ở, thành ra An Định Hầu xuất hành sớm tinh mơ đến gần trưa đã thấy ải Tây Kinh trước mặt. Ông theo đúng lệ cho lính đi gởi bái thiệp cùng văn thư đi đường. Quan giữ ải Tây Kinh của Đại Tống là Quách Thái. Y vốn đã biết danh An Định Hầu từ lâu. Năm xưa vương hầu đem quân đánh phá ải Đông Môn xong đã vây đánh Tây Kinh hơn nửa ngày, khi đó Quách Thái chỉ đang giữ chức tiên phong, hiển nhiên đã bại dưới đao của An Định Hầu. Lần đó vương hầu không tha mạng thì làm gì còn một Quách Thái đại tướng quân trấn ải bây giờ. Cho nên, Quách Thái nhận được văn thư đi đường của An Định Hầu Đinh Quan Viễn thì vội vàng bày cờ xí nghinh đón trọng thể. Lính giữ ải Tây Kinh đa phần đều là lính mới nhưng các phó tướng chỉ huy toàn là những kẻ đã bị ông ta khiếp uy ngày trước. Cả bọn nhác thấy An Định Hầu đeo mặt nạ ngạ quỷ cùng bảy lính hổ đầu cưỡi ngựa chậm rải tiến đến, tự nhiên ớn lạnh trong bụng.

Quách Thái ra tận cổng ải nghinh đón. An Định Hầu chỉ chào hỏi lấy lệ rồi xin thông quan. Hiển nhiên, Quách Thái chẳng dại gì bày cớ ngăn cản. An Định Hầu vái chào đúng lễ rồi đủng đỉnh ra hiệu cho lính hổ đầu đi tới. Cả đoàn vừa mới vào cổng thành lại theo hướng tây nam để hòng vào đất Đại Lý. Chừng gần ra khỏi ải, cả đoàn người nghe tiếng mắng chửi sa sả:

- Thằng giặc kia có giỏi thì sống chết với ta một phen!

Lính đầu hổ không rành âm ngữ hán nên không sao hiểu được. Riêng An Định Hầu mấy phe giao tranh với nước Tống đã thuộc làu giọng nói. Ông liền kềm cương ngựa nhìn sang. Hóa ra là một gã trung niên chừng bốn mươi tuổi đang mặc áo tù bị nhốt trong xe cũi. Hắn cứ hướng về An Định Hầu mà mắng chửi sa sả. Quách Thái sợ An Định Hầu nổi giận vội quát lính canh đẩy xe tù đi hướng khác. Chẳng ngờ đâu, tên tử tù thét lớn một tiếng đã phá vỡ xe củi thành bốn năm mảnh văng đi tứ phía. Hắn vội vàng chộp lấy một cây thương của lính canh nhằm thẳng về hướng An Định Hầu ném tới. Diễn biến chỉ chừng chưa quá ba cái nháy mắt, quân đầu hổ của Đại Cồ Việt lẫn lính gác ải Tây Kinh của Đại Tống đều la hoảng chẳng kịp ra tay ngăn cản. Tuy nhiên, An Định Hầu chỉ khẽ nghiêng đầu đã né được. Mũi thương theo đà lao tới cắm thẳng vào thân một tên lính gác ải Tây Kinh khiến hắn ngã vật ra sau chết tốt.

Quách Thái tức thì quát lớn cho lính gác giữ chặt lấy tên tử tù. Y quay sang An Định Hầu không ngớt xin lỗi. An Định Hầu chỉ gật đầu không đáp. Ông hướng về tên tử tù dùng tiếng hán mà hỏi:

- Ta và ngươi không thù oán, cớ gì lại muốn lấy mạng ta?

Hắn liền đáp:

- Ngươi giết cha và anh cả của ta, sao nói không thù oán? Có giỏi thì cùng ta đấu một phen!

Quách Thái liền nạt lớn rồi lại giả lả tạ tội với An Định Hầu. An Định Hầu ngó thái độ của y đoán chừng bên trong có ý sắp đặt cục diện này. Ông ta khẽ đảo mắt một vòng quan sát. Hết thảy hai mươi viên phó tướng nét mặt đều lộ sát khí. An Định Hầu nửa đời ngồi lưng ngựa chinh chiến, ví thử về trí trá thì chẳng còn thuật trí trá nào ông ta chưa từng biết đến hay nhìn thấy. Đạo lý thợ săn lâu năm chỉ cần trông dấu vết đã ước lượng được liền loại thú đó lớn nhỏ ra sao, là loại thú nào. An Định Hầu chẳng phải thần thánh thấu hiểu mọi chuyện nhưng do bọn tướng giữ ải Tây Kinh quá sơ suất nên dễ dàng bị bại lộ. Ông ta nhắm chừng không thể tránh được đụng độ bèn hướng về tên tử tù gằn giọng:

- Ta ngồi trên lưng ngựa suốt mấy mươi năm, giao tranh với Đại Tống không dưới mười lần, ngươi nói ta giết cha cùng anh cả của ngươi, ta không sao nhớ ra nổi! Lâm trận không phải ta chết thì người chết, kể thù tính oán làm gì? Hay chăng ngươi muốn lộng thần giả quỷ kiếm cớ sanh sự? Ngươi đòi nợ giết cha giết anh, thử hỏi năm xưa mười vạn quân Tống lén đánh Ứng Kê, ta cùng quân lính và thường dân ở hai đạo Hải Đông, Lâm Tây tử chiến chẳng còn sống được mấy ai. Vậy món nợ đó ta phải đi đòi ở đâu? Thường dân Đại Cồ Việt chúng ta phải đi đòi ở đâu?

Lời này thật sự đánh động tâm cang hết thảy tướng giữ ải Tây Kinh. Cả bọn đoán chừng An Định Hầu đã thấu hết mưu chước bên trong, lại nghĩ vương hầu như cá nằm trên thớt thì chẳng gì phải sợ hãi. Từ tướng lãnh đến tiểu tốt giữ ải Tây Kinh đưa mắt nhìn nhau ngầm chờ đợi. An Định Hầu thấy sát khí ngày một nặng nếu kéo dài lâu sẽ sanh biến cố khôn lường. Ông tức thì rút thanh trường đao đang cặp sát bên hông ngựa, nói:

- Ngươi muốn đòi nợ thì mau đến đây, còn là phường chỉ giỏi tài rung cây dọa khỉ thì đừng cản bước đi sứ của ta!

Tên tử tù không đợi An Định Hầu nói thêm tiếng thứ hai, hắn đoạt lấy một cây thương khác trong tay lính gác tức thì lao đến.

Vốn, hắn tên là Lưu Đại. Năm xưa, An Định Hầu vây công ải Đông Môn đã giết đi tướng tiên phong giữ ải là Lưu Nhân cùng phó tướng Lưu Ngôn, chính là cha và anh cả của tên Lưu Đại này. Khi đó Lưu Đại đang dẫn quân tây chinh, hay tin liền vội vàng quay về ứng cứu. Tuy nhiên, An Định Hầu chiếm xong Đông Môn, thuận đà chiếm luôn năm sáu châu huyện gần đó lại đánh nốt ải Tây Kinh cắt đôi con đường binh vận nhà Tống. Lưu Đại mang quân trở về lại bị quân Tây Hạ truy sát gắt gao phía sau. Hắn trước không thể tiến, sau chẳng thể lùi khiến mười vạn quân tây chinh bị thảm sát quá nửa. Ví như hoàng đế nhà Tống không vì Lưu Đại lập nhiều công lao trước đó nhất định đã hạ chỉ tru tộc. An Định Hầu thị uy xong thì dẫn quân rút về ải Ứng Kê trấn giữ. Nhà Tống có ý hòa hoãn nên không truy cứu, Lưu Đại vì thế không sao trả được thù mất cha, mất anh. Hắn dâng tấu xin hoàng đế cho trấn giữ Tây Kinh, lòng chỉ chờ có dịp nam tiến tử chiến với An Định Hầu một phen cho sạch hờn. Chẳng may, nhà Tống và Đại Cồ Việt sau đó ký hiệp ước hòa hoãn ngưng chiến, Lưu Đại ở Tây Kinh ôm hận chẳng biết trút vào đâu cho đặng.

Thông lệ đi sứ sang nước khác trước hết đều phải gởi công văn đến các ải của nước lân bang, vì thế, An Định Hầu trên đường từ Thạch Thành về Hoa Lư nhận chỉ thì Lưu Đại ở Tây Kinh đã biết chuyện vương hầu sẽ thông quan ở Tây Kinh. Hắn mừng rỡ đến phát điên nhưng cũng kịp suy tính trước sau cặn kẽ. Hoàng đế Đại Tống đã hạ mật lệnh không được tự tiện gây sự với Đại Cồ Việt, nếu để An Định Hầu chết ở đất Tây Kinh tất nhiên sẽ gây mâu thuẫn cực lớn giữa hai nước. Lưu Đại bèn họp hết thảy chư tướng lại để nghị đàm. Kết cuộc, phó tướng giữ ải là Quách Thái hiến được kế hay. Cho Lưu Đại đóng giả tử tù gây sự để phát sinh giao tranh với An Định Hầu. Nếu Lưu Đại thắng giết được vương hầu, Đại Cồ Việt có trách khứ, hoàng đế Đại Tống có hạ chỉ tra vấn, cùng lắm đem đại một tên tử tù nào đó chặt đầu thế mạng, có bị khiển trách tội quản tù không nghiêm là đến cùng. Nỗi thống hận An Định Hầu thì từ hàng sĩ tốt đến hoàng đế nhà Tống đều ngấm ngầm trong lòng, một khi vương hầu tử nạn, Hoàng đế Đại Tống tất nhiên sẽ chỉ trách cho có lệ. Đại Cồ Việt là nước nhỏ, vua tôi mất An Định Hầu tự nhiên mất một tướng giỏi giữ ải Ứng Kê ngăn bước quân Tống, hiển nhiên càng không dám làm căng oán trách.

Nhược bằng, Lưu Đại thua thì cũng không sợ vạ lây đến chư tướng giữ ải Tây Kinh. Thật bụng quân tướng ở Tây Kinh đều âm thầm toan tính, chẳng may Lưu Đại sa cơ, cả bọn nhất định ùa ra chém giết. Qua đất Tây Kinh là đất Thanh Ngưu toàn bọn cướp bóc lập bang lập hội. Giết An Định Hầu rồi ngụy tạo đổ tội cho thổ phỉ cũng chẳng khó khăn là bao. Đường đi nước bước coi như tính toán khá toàn vẹn, tiến lui đều đủ cả. Lưu Đại cùng đám thuộc tướng hể hả chừng như phen này có thể đem bao oán hận trút lên An Định Hầu một thể đòi sạch bao tráng chí bị đánh mất ngày trước.

An Định Hầu thừa hiểu được kế trên. Thực tâm ông cũng không muốn cảnh đổ máu nhưng tình hình trước mắt buộc phải răn đe để tự mở đường sống cho bản thân.

An Định Hầu ung dung ngồi trên ngựa chờ đợi. Lưu Đại nắm chặt trường thương lao tới như gió thổi. Y tự biết bản thân yếu thế nên đòn đâm tới chỉ là hư chiêu, căn bản đợi đến gần An Định Hầu sẽ hoành trường thương quét vào chân ngựa. Vương hầu dẫu có uy mãnh đến đâu nếu té từ trên ngựa xuống tự nhiên thành ra thất thế. Lúc đó Lưu Đại tha hồ trả hận cũ. Trường thương có điểm lợi hại là đánh gần đánh xa đều được, Lưu Đại lại quen dùng thương nên nắm chắc mấy phần lợi điểm. Hắn đến cách An Định Hầu chừng mươi bước chân liền trở thương nhằm vào chân ngựa vương hầu đang cưỡi quét tới. Ngờ đâu trường thương đi được nửa đường thì phía trước mặt Lưu Đại tự nhiên trống trải. An Định Hầu cùng ngựa chiến đột ngột biến mất như có tà phép. Chư tướng giữ ải Tây Kinh đồng loạt la hoảng, tay kẻ nào cũng nắm chặt binh khí toan xông vào trợ chiến.

Lưu Đại quét mắt thấy bốn bề không có bóng người ngựa tự hiểu tình thế hung hiểm. Hắn vội ngước mặt nhìn lên trên, đồng thời xốc ngược mũi thương đâm liên hồi mấy mươi nhát. Thì ra An Định Hầu ung dung đợi Lưu Đại ra đòn, ngay khắc đó lại thúc chặt hai bên sườn ngựa. Chiến mã theo An Định Hầu xung pha chiến trường từ lâu nên quen tính chủ liền dựng bốn vó nhảy ngược lên không né đòn. Khi Lưu Đại kịp hiểu thì bóng đao xanh lè đã chụp trúng. Thanh trường đao của An Định Hầu nặng bảy mươi cân, cộng thêm sức lực như tướng trời của ông ta, một đao chém xuống đã chặt gãy trường thương của Lưu Đại làm hai khúc.

An Định Hầu cùng ngựa đáp xuống đất thì Lưu Đại chỉ còn hai nửa máu me bê bết. Căn bản, Lưu Đại có sức mạnh không kém An Định Hầu là bao, nhưng một là trường thương của hắn không đủ ngăn độ bén của thanh trường đao vương hầu đang dùng, hai là hắn chẳng ngờ ông ta có thể ép ngựa đứng ngay một chổ nhảy ngược lên không được. Diễn biến xảy ra chỉ chừng chưa quá năm sáu cái chớp mắt, một chút không ngờ của Lưu Đại đã khiến hắn phải đem mạng ra đánh đổi giữa đường trường.

Quách Thái tái mặt sợ hãi. Nhưng hắn nhìn chủ tướng bị chết thảm thì chẳng cần cân đo nặng nhẹ, rút lấy hai chùy lớn, thét:

- Mau, mau giết hắn cho ta!

An Định Hầu đã ngừa trước tình huống. Quách Thái vừa thét chưa dứt lời thì đầu bị chém văng qua một bên nằm lăn lóc. Tấm thân của y vẫn còn đứng vững co giật liên hồi mới chịu ngã sấp xuống đất. Tướng sĩ Tây Kinh tay nắm chặt binh khí nhưng chỉ biết trợn mắt đứng nhìn. An Định Hầu hai đòn chém chết cả chủ lẫn phó soái, chư tướng đều khiếp đảm. Ông ta hít hơi chống đao xuống đất thét lớn:

- Ta đã thông quan được chưa?

An Định Hầu bao năm chinh chiến đã quen chuyện áp đảo sĩ khí đối phương. Ông giết chủ soái phó soái còn thêm tiếng thét dữ tợn, những kẻ yếu vía phải buông vũ khí dùng tay ôm chặt lấy hai tai. Tướng sĩ Tây Kinh không còn hồn vía nào ngăn cản. An Định Hầu chỉ việc ung dung thúc ngựa qua ải. Ông ra dáng đủng đỉnh nhưng vừa qua khỏi ải Tây Kinh đã ra hiệu cho cả đoàn phi nước đại. Chừng hai mươi dặm không nghe tiếng vó ngựa đuổi theo, ông ta mới yên tâm ra hiệu chạy nước kiệu. Ông tập hợp bảy lính hổ đầu lại phân chia làm hai tốp. Một tốp sẽ theo đường núi quay ngược về lại ải Ứng Kê đem chuyện vừa xảy ra ở Tây Kinh thuật lại cho Ngoại Giáp Công Đinh Điền để phòng ngừa quân Tống bất ngờ tập kích đánh ải. Tốp còn lại sẽ cải dạng làm thương buôn đi nhanh đến thành Đại Lý để báo tin. Bản thân An Định Hầu cũng tìm một góc khuất mà cải hình đổi dạng. Ông ta cởi bỏ mặt nạ ngạ quỷ lẫn giáp phục đang mặc trên người thay bằng quần áo bình thường của nông dân. An Định Hầu đoán chừng đoạn đường trước mắt còn biết bao hung hiểm rình rập, thành thử để đến được thành lớn Đại Lý, rõ ràng, kế trá hình là vẹn toàn nhất.

Tuy nhiên, An Định Hầu mang khuôn mặt âm dương rất ma quái không dễ che giấu. Đang lúc phân vân, ông vô tình thấy ở gốc cây gần đó có chiếc nón tre rộng vành rách tơi tả, đoán chừng bị một lão nông chê hỏng vứt bỏ. An Định Hầu mừng rỡ nhặt lên, tiện tay xé vải trên y phục khéo léo sửa sang thành ra một chiếc nón tạm được. An Định Hầu đội thử, quả nhiên chiếc nón tre trên đã che khuất được khuôn mặt âm dương.

An Định Hầu thay đổi hình dạng xong chỉ còn là trung niên ăn vận quê mùa cỡi ngựa thong thả trên đường lớn. Thanh trường đao được giấu sau mấy lớp vải quấn kỹ lưỡng dắt bên hông ngựa, nhìn qua cũng chẳng gây chú ý cho ai được. Đi khỏi ải Tây Kinh bắt đầu bước vào địa phận của đất Đại Lý. Địa hình nơi đây chổ bằng phẳng, chổ ghồ ghề tuy nhiên so với núi đá cheo leo ẩn khuất hai bên thì tương đối dễ đi hơn nhiều. An Định Hầu giục ngựa chạy đến chiều tối đã bước vào địa phận đất Thanh Ngưu. Nơi này hầu như hoang vắng dấu chân người, ông do dự nhìn bốn bên bèn chọn lấy một gốc cây lớn cách đường chính hơn sáu trăm thước để nghỉ chân.

Quanh thân cây lớn nằm la liệt không biết bao nhiêu là cành khô. An Định Hầu thả ngựa tự do ăn cỏ, đi một vòng đã gom được đống củi to. Ông dùng mồi lửa mang theo trong người châm lửa rồi ung dung ngồi dựa vào gốc cây để ăn uống. Do quanh năm chinh chiến nên hành trang bao giờ cũng thủ sẵn lương khô cộng thêm bản tính An Định Hầu không nề hà cao lương mỹ vị thành ra ăn uống rất thoải mái. Đột nhiên, ông ta cảm thấy bàn tay mình nóng hổi. Ông vẫn giữ thái độ bình thản chỉ khẽ liếc mắt nhìn. Trên mu bàn tay trái có một giọt máu đỏ tươi, đoán chừng là rơi từ trên tán cây xuống. An Định Hầu không tin thần thánh càng không sợ ma quỷ. Ông tự luận, cây không thể nhỏ ra máu tất nhiên giọt máu đó phải là từ kẻ nào đang nấp bên trên. Tâm trí ông chỉ muốn mau đến thành Đại Lý nên không muốn chuốc chuyện rắc rối vào thân bèn tản lờ như không hay biết, tiếp tục ăn uống cho xong. Chừng đã vững bụng, ông liền vươn vai mấy cái rồi ngã người nằm dài trên đất chợp mắt.

Thường chinh chiến nên An Định Hầu có mắt tinh tai nhạy. Ông vờ ngủ chừng nửa khắc quả nhiên đã nghe trên tán cây có tiếng người thì thầm. ông dóng tai nghe kỹ ra tiếng của một nam một nữ. Người nữ nói:

- Tên nông dân kia nằm bên dưới, chúng ta làm sao có thể đi được?

Người nam đáp:

- Quanh đây mấy mươi dặm đều vắng bóng người, từ đâu lại có một tên nông phu như vậy? Rõ ràng có điềm trí trá bên trong! Chúng ta cứ chịu khó ở yên trên này quan sát động tĩnh thì hơn!

An Định Hầu nghe vậy thầm khen người nam đầu óc nhạy bén. Ông vẫn nằm yên nghe ngóng tiếp. Giọng người nữ có phần lo âu:

- Lỡ như chúng ta nấn ná thêm, bị bọn người kia đuổi kịp thì làm thế nào?

Người nam im lặng một lúc, lại đáp:

- Ta đang bị nội thương, có chạy cũng chỉ đi thêm vài ba dặm đường! Bọn người kia sớm muộn gì cũng bắt kịp! Chi bằng nấp ở đây chờ đợi thời cơ vẫn hơn!

An Định Hầu lại nghe người nữ hạ giọng thủ thỉ:

- Thiếp thấy con ngựa của tên nông dân này là ngựa tốt, chi bằng chúng ta cứ âm thầm trộm đi! Nếu phi nước đại chí ít cũng đi được mấy chục dặm đường!

Người nam liền nạt khẽ:

- Chúng ta tuy đang lâm nguy nhưng sao có thể trộm đồ của người khác! Huống hồ gì tên nông dân này nhìn điệu bộ không hề có chút bản lãnh! Quanh đây lại hoang vắng, chúng ta trộm ngựa của hắn, hắn làm sao có thể đi khỏi chốn này được! Ta thà chết chứ không giở thói trộm đạo.

Người nữ liền hờn dỗi:

- Giờ khắc này rồi mà chàng còn giữ đạo nghĩa! Kẻ nào gặp nguy cũng chỉ đều chăm bẳm lo an toàn bản thân trước! Chúng ta làm vậy thì có gì sai? Không còn mạng thì giữ đạo nghĩa làm gì?

Người nam lại nghiêm giọng:

- Kẻ trong sạch dầu chết chìm giữa sình lầy vẫn không bị dơ bẩn! Nếu lấy cớ nguy nan để dễ dàng làm điều sằng bậy sao còn khí khái ngẩng đầu nhìn trời xanh cho được! Ta nhất quyết không làm!

An Định Hầu nằm dưới gốc cây nghe đôi nam nữ bên trên đối đáp, gật gù khen thầm:

- Tên này quả thật là kẻ khí khái! Không biết vì sao lại bị truy sát đến nổi mang thương tích?

Vương hầu chưa kịp nghĩ xong thì từ xa đã nghe tiếng vó ngựa dồn dập chạy đến. Đôi nam nữ nọ tự nhiên thôi đôi co qua lại. An Định Hầu đoán chừng kẻ truy sát của hai người này đã đến nơi. Ông vẫn vờ nằm yên ngủ như không hay biết gì.


Chừng cạn nửa chung trà nóng, một đoàn người ngựa chừng hai mươi tên đã đến sát gốc cây lớn. Một tên đi đầu hướng về An Định Hầu quát:

- Tên nhà quê! Có thấy hai người chạy qua đây hay không?

An Định Hầu vờ không nghe thấy vẫn nằm yên như đã ngủ say. Tên kia quát đến bốn năm lần, ông mới trở mình lấy tay xoa mắt mấy cái nhìn cả bọn. Dẫn đầu là hai kẻ mặc áo một trắng một đen, khuôn mặt, hình dạng giống nhau như tạc. An Định Hầu điểm thử, không mặt chuột mũi cú cũng là hạng tai dơi mắt ó, đa phần đều chẳng có tên nào mang bộ dạng đàng hoàng. An Định Hầu nằm ngủ sát gốc cây thành thử ánh lửa không rọi đến. Do đó bọn người kia không thấy rõ khuôn mặt âm dương, bằng không đã sợ đến mất mật làm sao còn dám ngông nghênh.

Tên kia lại quát:

- Tên nhà quê! Có thấy một nam một nữ chạy qua đây không?

An Định Hầu nhìn hắn cùng lắm chỉ hai mươi ba hai mươi bốn tuổi, lời lẽ đều chẳng chút lễ nghĩa, bèn đáp:

- Ta đã bốn mươi tuổi, ngươi chỉ là chú nhỏ chưa sạch mùi sữa mẹ! Chút lễ phép ngươi cũng không biết hay sao?

Tên kia tức thì nổi giận. Hắn liền nhảy xuống ngựa đi băng băng đến cạnh An Định Hầu không nói không rằng tung một cước. An Định Hầu vẫn ngồi yên. Ông đợi chân của hắn vừa chạm tới thân người thì giơ tay trái ra chụp lấy. Tên kia đá một cước gần hết sức bình sinh thầm tính sẽ khiến lão nhà quê bị văng đi năm sáu bước, chẳng ngờ đối phương chỉ một tay đã giữ chặt. Hắn còn đang phân vân chưa biết phản ứng thế nào thì thấy dưới đất tự nhiên hụt hẫng. Vốn, An Định Hầu đã dùng tay phải chụp lấy cả chân trụ của hắn rồi nhấc lên mà ném đi. Sức lực ông ta như tướng trời, cộng thêm bao năm quen cận chiến, tên kia dầu nặng hơn năm mươi cân vẫn bị ném đi nhẹ nhàng như ném một khúc củi. Hắn chỉ biết la oai oái khiếp đảm. Tiếng la chưa dứt thì đầu đã đập vào một tảng đá gần đó, hắn ngã vật ra đất bất tỉnh nhân sự. An Định Hầu cũng đã mấy phần nương tay bằng không tên kia nhất định đã vỡ sọ chết chắc.

Tên đầu lãnh mặc áo đen nhìn An Định Hầu một lượt rồi hừ nhạt:

- Đâu ra tên nhà quê chán sống dám trêu gan hùm? Chọc phải Thiên Ngưu Bang thì đừng mong còn đường sống!

Nguồn: truyen8.mobi/t125152-chinh-nhan-oan-ca-chuong-38.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận