An Định Hầu nửa đời ngồi yên ngựa, nói về danh tướng phương bắc, ông ta không biết chín cũng tinh tường bảy tám, về binh lực, sở trường sở đoản càng nắm chắc trong tầm tay. Tuy nhiên, về lục lâm giang hồ thì ông chớ hề rành rẽ. Thiên Ngưu Bang ở đất Thanh Ngưu là đại bang trộm cướp khét tiếng. Bọn chúng cứ nhè thương khách qua lại giữa Đại Lý và Đại Tống trấn lột tài bảo, kẻ nào ngoan ngoãn cống nạp thì còn được tha, cùng lắm chặt một tay hay chọc mù một mắt, kẻ nào chống cự thì tự nhiên chọn đường chết. Đất Thanh Ngưu lại là vùng biên giới, Đại Tống không thể dùng quân đánh tới, Đại Lý cũng không dại dột xuất binh đánh dẹp. Hai nước cứ nương qua kính lại rốt cuộc, Thiên Hồ Bang ở đất Thanh Ngưu hoành hành bá đạo không còn biết trời cao đất thấp là gì.
Bọn Thiên Ngưu Bang quen thói ngang tàng, giờ lại gặp An Định Hầu trong bộ dạng nông dân tự ý gây hấn, bọn chúng đâu dễ bỏ qua. Bọn người này truy sát đôi nam nữ nọ hơn một ngày đều không sao bắt được, trong lòng ấm ức vô kể, nay được dịp trút hận khỏi nói cũng biết oán hận mà An Định Hầu phải chịu lớn đến thế nào.
Tốp người Thiên Ngưu Bang chỉ chừa hai tên đầu lãnh vẫn ngồi yên trên ngựa ra, cả thảy đều nhảy xuống đất lăm lăm khí giới trong tay. An Định Hầu nhìn bọn chúng tay chân tuy to lớn nhưng cầm binh khí lại thiếu sức tự biết chưa từng kinh qua nhiều trận chiến. Ông cười hà hà đứng dậy đội nón tre che mặt:
- Bọn ngươi nếu không muốn mang thương tích thì mau cút đi!
Ông vừa nói thì chân cũng tiến nhanh đến tên lâu la gần đó đánh mạnh một quyền. Hắn chẳng ngờ đối phương lại ra đòn nên không sao tránh kịp. Chỉ nghe tiếng hự lớn, tên tiểu tốt nọ đã té ngửa ra sau hơn mười bước chân bất tỉnh nhân sự. An Định Hầu thuận thế chụp ngay tên đứng kế bên ra đòn. Hắn cũng chịu chung kết cục giống đồng bọn.
Đám lâu la Thiên Ngưu Bang thấy đối phương ra hai đòn đã đánh gục hai tên thì không còn dám khinh nhờn. Bọn chúng tự động chia làm bốn tốp vây quanh, tuần tự chia làm trái phải, trước sau, trên dưới lần lượt vây công. Bọn chúng múa đao múa kiếm hết sức tất nhiên An Định Hầu vẫn không coi ra gì. Tuy nhiên bốn phương tám hướng đồng loạt đánh tới, ông ta dầu giỏi cận chiến đến đâu cũng chẳng thể ung dung đối phó được. Ông càng đánh càng lui dần về phía gốc cây lớn toan tính lấy trường đao mà dùng. Bọn tiểu tốt Thiên Hồ Bang đoán được ý định tưởng đối phương toan tẩu thoát liền hò nhau cố vây hãm. An Định Hầu nhắm bề kéo dài nhất định sẽ nguy hiểm bèn gồng người thét vang một tiếng lớn.
An Định Hầu Đinh Quan Viễn năm xưa còn là một đội phó nhỏ nhoi vốn chưa hề được sứ quân Kiều Công Tiễn đoái hoài đến. Căn bản trong các sứ quân, thế lực của Kiều Công Tiễn lớn nhất, thành thử chẳng có mấy ai dám động binh kiếm chuyện. Cả Đinh Tiên Hoàng Đế cũng phải đánh dẹp các sứ quân nhỏ trước, khi tích trữ đủ quân lực mới dám công kích họ Kiều. Do đó, Đinh Quan Viễn dẫu có muốn cũng không tìm ra được cơ hội thi triển đảm lược. Mãi cho đến khi Kiều Công Tiễn bị Định Quốc Công Nguyễn Bặc đột ngột vây hãm ở Lư Châu. Binh mã họ Kiều chỉ mang theo một vạn, Nguyễn Bặc dùng hai vạn quân phục kích đã nhanh chóng đẩy Kiều Công Tiễn vào động Thích Bố tử thủ. Đinh Quan Viễn đang vận chuyển quân lương gần đó hay tin tức tốc đến cứu. Ông ta chỉ dẫn theo năm trăm quân lại ngang nhiên xông thẳng vào trận địa của Nguyễn Bặc. Ông ta dùng tiếng thét khiến ba quân của họ Nguyễn đều giật mình kinh sợ. Không ai biết lúc võ tướng Trương Phi thời Tam Quốc bên phương bắc ở cầu Trường Bản đã hét như thế nào để uy hiếp được ba quân Tào Tháo, nhưng thiết nghĩ, có lẽ cũng không hơn được uy lực của Đinh Quan Viễn là bao.
Đinh Quan Viễn cứ thẳng tiến chém giết, lại đơn đấu chém chết mười một phó tướng của Nguyễn Bặc tại đương trường, chính Nguyễn Bặc cũng bị trúng hai đao bên hông phải tức tốc rút quân. Nhờ trận chiến đó, Đinh Quan Viễn được Kiều Công Tiễn nhấc thẳng một bước lên làm Bắc Soái, sau về đầu dưới trướng Đinh Tiên Hoàng Đế thành nên An Định Hầu lẫy lừng. Từ thuở theo Kiều Công Tiễn đến Đinh Tiên Hoàng Đế, Đinh Quan Viễn đã không biết bao lần dùng ít địch nhiều, một mình tung hoành giữa ba quân đối thủ. Kẻ địch với ông khiếp đảm nhất vẫn là tiếng thét. Tính các đời tướng quân nhà Tống đem binh đánh xuống Ứng Kê, bại trận trở về kẻ nào cũng thất kinh thần sắc đến một chiếc tách bể cũng đủ khiến giật mình sợ hãi. Âu cũng từ những trận cận chiến bị tiếng thét của An Định Hầu át uy mà nên.
Tướng quân chinh chinh chiến sa trường lâu năm còn khiếp đảm huống hồ chi đám lâu la đầu trộm đuôi cướp quen thói đe nẹt chưa được mấy lần giao tranh thực thụ. An Định Hầu hét lớn, mười phần hết bảy đều kinh động tự đánh rơi vũ khí ôm tai khiếp đảm. Chừng gần mười tên yếu vía liền té bịch xuống đất. Không biết bọn trộm cướp có bao nhiêu kẻ són ra quần nhưng mùi xú uế càng lúc càng nồng. Hai tên đầu lãnh mặc áo trắng áo đen đều hoa mày chóng mặt nhảy vội khỏi lưng ngựa. Người đã như vậy thì đám ngựa cởi còn thê thảm hơn. An Định Hầu thét xong, tất cả đám ngựa đều khua loạn vó chia nhau bốn phương tám hướng chạy loạn. May sao lũ ngựa được thuần dưỡng thành quen nết, dẫu sợ hãi bỏ chạy nhưng chừng nửa khắc sau lại hùa nhau chạy về.
An Định Hầu thấy đủ khiếp uy đám trộm cướp thì cười ha hả:
- Bọn ngươi tự xưng trâu trời trâu đất gì đó, hóa ra chỉ là đám nghé con mới dứt sữa!
Hai tên đầu lãnh đám trộm cướp nghiến răng ken két. Bọn chúng toan mở miệng mắng chửi bỗng cười hề hề ngó chăm chăm sau lưng An Định Hầu. Vốn, ông ta thét lớn, không chỉ bọn cướp khiếp vía, đôi nam nữ đang trốn trên cây cũng chẳng chịu nổi đồng loạt té bịch xuống đất. Người nam ứng biến vô cùng nhanh nhạy. Chàng ta tuy bị kinh động nhưng vẫn kịp đưa tay đón lấy người nữ rồi nhẹ nhàng chạm đất. Hai tên đầu lãnh trộm cướp thấy đôi nam nữ nọ thì chẳng thèm đoái hoài đến An Định Hầu làm gì:
- Hóa ra hai ngươi trốn ở đây!
Vừa lúc đó, An Định Hầu nghe từ xa có tiếng người la lớn:
- Tìm được chưa? Tìm được chưa? Tìm được rồi phải không? Các ngươi không được làm ẩu!
Tiếng la chưa dứt đã thấy một người chạy như bay đến cạnh hai tên đầu lãnh trộm cướp. Hai tên đầu lãnh mặc áo trắng áo đen thấy người kia liền cúi đầu vái lễ trịnh trọng:
- Tham kiến phó trại chủ!
An Định Hầu ngó nhìn tên phó trại chủ thì không khỏi chột dạ. Hắn ta tướng người tầm thước khuôn mặt cũng dễ nhìn. Khác hẳn hai tên đầu lãnh trộm cướp, tên phó trại chủ lại toát ra chính khí không giống kẻ gian ngoa xảo quyệt.
Phó trại chủ nhìn toàn cục thấy bọn thuộc hạ ba phần còn té xỉu, bảy phần hồn vía đều tán loạn liền hướng về An Định Hầu, hỏi:
- Không biết tôn giá xưng hiệu thế nào? Ta từ hai dặm đã nghe được tiếng thét, đoán chừng tôn giá phải xuất thân từ danh môn chánh phái!
An Định Hầu không quen khẩu khí giang hồ. Ông nghe phó trại chủ nói một loạt danh xưng lạ tai bèn xua tay:
- Ta không hề có danh môn chánh phái gì gì đó! Ta đang nằm nghỉ thì bị mấy chú nhỏ không biết kính trọng người lớn đây phá đám còn ra tay đánh ta! Ta chỉ tự vệ!
Phó trại chủ nghe vậy đoán chừng An Định Hầu có ý che giấu thân phận. Đấy là thông lệ thường thấy ở các bậc cao thủ nhất hạng. Thông thường một kẻ học nghệ thành tài khi rời khỏi sư môn lang bạt trượng nghĩa đều cố để lại tên tuổi, để thiên hạ biết mình là phụ, cái chính là muốn tên tuổi môn hộ được vang danh. Tuy nhiên, đấy chỉ là những kẻ có chút bản sự háo danh. Riêng cao thủ chân chính chẳng những cố che giấu thân phận lại còn cải dạng tầm thường hết cỡ. Phó trại chủ thấy An Định Hầu ăn bận không khác gì nông dân cộng thêm chiếc nón tre che đầu đã ba phần rách nát, càng chắc thầm là cao thủ của danh môn chánh phái nào đó.
Phó trại chủ quay sang nạt lớn hai tên đầu lãnh dò hỏi. Hai tên này thường ngông nghênh khinh khỉnh nhưng xem chừng rất sợ tên phó trại chủ. Bọn chúng kể lại không sót chi tiết nào, cả lời nói của An Định Hầu cũng được tường thuật tường tận, không thêm một từ không sót một tiếng. An Định Hầu ban đầu có ác cảm, nghe hai tên đầu lãnh kể xong, tự nhiên gật gù thầm trong bụng:
- Tuy là hàng trộm cướp nhưng thật khí khái!
Hai tên đầu lãnh kể dứt, phó trại chủ biết ngay cả bọn đã tự động xúc phạm rồi gây hấn An Định Hầu. Y trong bụng đã cho rằng An Định Hầu là cao thủ chân chính không thèm lưu danh nên đã thầm kính trọng trong bụng. Y cũng tự ước lượng, An Định Hầu chỉ thét một tiếng đã có thể khiếp đám lâu la khiếp đảm thì việc ra tay giết chóc dễ dàng biết bao, tuy nhiên ông ta không hề làm vậy rõ ràng là kẻ biết phân phải trái. Phó trại chủ nghĩ vậy càng thêm quý trọng liền chắp tay vái lễ An Định Hầu:
- Bọn thuộc hạ đã lỗ mãng. Tại hạ xin thay mặt Thiên Ngưu Bang tạ lỗi cùng tôn giá!
Y nói xong xá liền ba cái.
An Định Hầu chẳng hề muốn vướng vào chuyện rắc rối, bèn cười hề hà xua tay:
- Khỏi, khỏi! Ta không để bụng! Mấy lời tôn giá, tại hạ này nọ rườm rà quá cỡ không cần dùng nhiều! Các ngươi không làm phiền giấc ngủ của ta thì được rồi!
An Định Hầu dứt lời liền quay lại gốc cây nằm nghỉ. Ông thầm nghĩ, tên phó trại chủ này biết trước biết sau nhất định không để bọn thuộc hạ làm càn, thành ra yên tâm nằm ngủ. Một là ông ta thực sự mỏi mệt, hai là ông muốn nghe xem bọn Thiên Ngưu Bang vì sao lại đuổi theo đôi nam nữ kia. An Định Hầu vừa nằm xuống đã nghe đôi bên đối đáp.
Phó trại chủ là kẻ lên tiếng trước. Y hướng sang người nữ đang sợ hãi nép sau lưng nam nhân nọ, nghiêm giọng:
- Tiểu thư! Ngươi lẽ nào phải trốn đi mới được?
Người nữ kia sau một lúc định thần, lí nhí đáp trả:
- Ta…ta đã quyết, các người…các người nếu dám ngăn cản ta sẽ tự vẫn!
An Định Hầu đoán chừng nàng này là tiểu thư của tên chủ trại Thiên Ngưu Bang. Có lẻ nàng ta si tình tên nam nhân lại không được cha chấp thuận đã lén bỏ trốn. Chuyện nam nữ tư tình rồi hẹn nhau cao chạy xa bay xây tổ uyên ương không phải là hiếm. An Định Hầu cho rằng có thể tên nam nhân nọ chỉ là nho sinh nghèo khó không xứng địa vị trâm anh nên mới bị khinh rẻ. Ông giở khẽ nón tre nhìn thử, quả nhiên người nam kia vận y phục nho sinh, mặt mũi sáng sủa. An Định Hầu nói thầm trong bụng:
- Chuyện nhà người cứ để người giải quyết! Ta chẳng nên bận tâm làm gì!
An Định Hầu nhẩm chừng nàng tiểu thư kia nói kiên quyết như thế, tên phó trại chủ nhất định sẽ xuống nước năn nỉ ỷ ôi hoặc giả làm giọng nghiêm đem tam tòng tứ đức ra thuyết phục. Dè đâu, phó trại chủ chỉ thở dài mấy lượt rồi nói:
- Tiểu thư địa vị cao quý, ta chỉ là phó trại chủ không đủ sức quản nổi. Tiểu thư nếu yêu thích hắn thì cứ tự tiện. Ta nhất định không cản. Tuy nhiên, cớ sao tiểu thư còn đem theo Âm Dương Pháp? Tiểu thư trốn cùng tình nhân lại còn lén mang đi vật trấn bang của Thiên Ngưu Bang, chuyện này để lọt ra ngoài giang hồ khác gì biến thành trò cười cho thiên hạ? Tiểu thư lẽ nào để lão trại chủ nơi chín suối cũng phải đau lòng ư?
An Định Hầu nghe đến đây thì hiểu ra phần nào cớ sự. Lão trại chủ Thiên Ngưu Bang đã tạ thế từ lâu thành thử người nữ kia tha hồ tác quái không sợ bị ai quản thúc. Nàng ta lén trốn cùng tình nhân, tiện tay mang theo vật gia bảo. An Định Hầu ước lượng món Âm Dương Pháp kia phải là thứ trân quý tột độ. Hiển nhiên, nàng ta quen sống nhung lụa giàu sang giờ lang bạt cùng tình nhân nghèo kiết xác tự nhiên phải cầm theo vài thứ giá trị để phòng thân mà tiêu xài lúc cần.
Lúc này, phó trại chủ Thiên Ngưu Bang đã nghiêm giọng:
- Xin tiểu thư đưa ra Âm Dương Pháp?
Nàng tiểu thư kia liền kiên quyết đáp:
- Ta không đưa! Đây là bảo vật của cha ta, theo lý hiển nhiên thuộc về ta! Ngươi muốn đòi phải chăng định chiếm làm của riêng?
Phó trại chủ điềm tĩnh hỏi:
- Trại chủ trước lúc tạ thế đã dặn dò phải bảo quản Âm Dương Pháp không để lọt ra ngoài! Tiểu thư có nhớ không?
Nàng tiểu thư đáp:
- Ta nhớ!
Phó trại chủ lại hỏi:
- Tiểu thư có biết vì sao trại chủ lại dặn dò như vậy?
Nàng tiểu thư liền lắc đầu:
- Ta không biết! Nhưng chàng muốn xem ta sao có thể từ chối được!
Nàng ta nói xong thì biết đã lỡ miệng đành cúi mặt xuống đất hổ thẹn. Vốn nàng ta đem theo Âm Dương Pháp cũng chỉ vì tên nam nhân kia đòi hỏi. An Định Hầu không khỏi thấy lạ trong bụng. Khi vờ ngủ dưới gốc cây, ông đã nghe nàng tiểu thư kia toan bày trò cướp ngựa để tẩu thoát nhưng tên nam nhân đã hết lời can gián. An Định Hầu thầm khen không ngớt còn cho rằng hắn đúng là nho sinh thanh bạch. Giờ hóa ra tên nam nhân nọ có tâm muốn chiếm món Âm Dương Pháp nên đã dẫn dụ nàng tiểu thư Thiên Ngưu Bang. An Định Hầu chau mày ngẫm nghĩ liền hiểu ra, mắng sa sả trong bụng:
- Thằng nhãi đó thật khéo dối trá! Nó chẳng biết ta như thế nào nên mới không dám cướp ngựa, sợ đụng phải kẻ có bản lãnh sẽ ẩu đả gây tiếng động khiến đám người Thiên Ngưu Bang đang lùng sục bốn phía phát hiện ra!
An Định Hầu nổi giận nghiến răng ken két toan nhảy ra đập tên nam nhân một trận. Tuy nhiên, ông không muốn vướng rắc rối đành dằn bụng nằm yên.
Phó trại chủ Thiên Ngưu Bang đã hiểu ra cớ sự. Y nhìn tên nam nhân, gằn giọng:
- Vạn sự cũng từ ngươi mà ra!
Lời còn chưa dứt, thân hình tên phó trại chủ đã đến ngay trước mặt đội nam nữ kia. Nàng tiểu thư sợ tình nhân bị hại vội giơ tay đứng chắn nói lớn:
- Ngươi không được làm ẩu!
Tên phó trại chủ bốn năm lượt định ra tay túm lấy nam nhân đều bị nàng tiểu thư ngăn cản. Y sợ vô tình đả thương nàng ta đành phải thu tay lại. An Định Hầu nhìn thấy không khỏi khen thầm thân thủ tên phó trại chủ nhanh nhẹn. Ông nào biết y có hiệu là Không Ảnh tên Cố Ngạn vốn là cao thủ lừng danh về khinh công. Trại chủ Thiên Ngưu Bang mất, một tay Cố Ngạn lo lắng mọi bề trong ngoài. Y lại cẩn mực chăm sóc tiểu thư, định bụng chờ khi nàng ta thấu hiểu mọi lẽ sẽ giao lại bang hội. Chẳng ngờ, nàng ta lén lút tư tình còn trộm mất Âm Dương Pháp. Cố Ngạn tức tốc cho người lùng sục, may sao lại tìm gặp được cả hai tại nơi này.
Nàng tiểu thư Thiên Ngưu Bang mang họ Công Tôn, tên Thanh Hoa. Vốn tấm bé, nàng ta hay đau bệnh ốm yếu, lão trại chủ Thiên Ngưu Bang chữa chạy không dứt bèn tìm thầy bói một quẻ mới hay do đặt tên dông dài ảnh hưởng đến vận mạng. Lão trại chủ nghe vậy liền đổi tên con gái thành Công Tôn Uyển. Không biết quẻ bói nọ linh thiêng bao nhiêu nhưng từ ngày đổi tên thành Công Tôn Uyển quả nhiên nàng ta đã khỏe mạnh bớt đi bệnh vặt. Từ đó mọi người trong Thiên Ngưu Bang đều gọi nàng là Công Tôn Uyển không mấy ai nhớ đến cái tên Công Tôn Thanh Hoa.
Công Tôn Uyển biết bản lãnh Cố Ngạn cao thâm. Y thực bụng ra tay thì tình nhân của nàng khó bề trốn khỏi. Một khi bị bắt trở lại, nàng là tiểu thư cao quý nên không sao nhưng tình nhân nhất định bị chém chết. Công Tôn Uyển liền hô to với nam nhân:
- Chàng mau chạy đi! Bọn chúng không dám làm khó dễ gì thiếp, chàng chớ lo!
Người nam thấy tình nương liều mạng vì mình thì nói:
- Nàng mau chạy đi! Bản lãnh của ta có thể giữ chân bọn chúng ở đây đủ thời gian cho nàng chạy thoát!
An Định Hầu nghe đôi bên đáp qua đối lại dùng dằng không ngớt, tình ái chừng như nặng nghĩa thừa ân, quyến luyến không dứt. Ông thấy lạ liền nhổm dậy để nhìn cho tường tận. Chừng thấy ra chổ khuất tất, ông nghiến răng trèo trẹo:
-Thằng nhãi khốn kiếp!
An Định Hầu hét vừa dứt tiếng đã nhảy vọt đến bên cạnh Công Tôn Uyển cùng nam nhân kia. Ông vốn chẳng hề có khinh công nhưng do chinh chiến lâu năm thành thử bước nhảy vừa xa vừa mau lẹ cực kỳ. Tên nam nhân nhác thấy, chưa kịp xoay trở đã bị An Định Hầu nắm chặt cả hai bàn tay của y đang đặt sau lưng Công Tôn Uyển. Hóa ra, tay trái của hắn đã lẳng lặng tháo bọc vải đeo bên hông của Công Tôn Uyển xuống, tay phải đang lăm lăm một con dao nhỏ. Rõ ràng hắn mở miệng nói lời ân nghĩa thực bụng muốn cướp túi đồ rồi đâm Công Tôn Uyển một dao. Công Tôn Uyển nếu trúng dao, Cố Ngạn cùng hai tên thủ lãnh mặc áo trắng áo mặt đen nhất định sẽ ở lại để chữa trị, nam nhân kia rảnh tay thừa cơ chạy mất. Hắn toan tính thế chẳng qua nổi mắt An Định Hầu.
Công Tôn Uyển thấy tình lang bị khống chế ngỡ ngàng xoay người nhìn lại. Nàng trông rõ tình hình tức thì nước mắt rơi lã chã:
- Chàng…chàng muốn giết thiếp ư?
Cố Ngạn hiểu ra cớ sự khí giận xông lên mờ mắt:
- Giỏi cho tên lừa gạt!
Tên nam nhân thấy sự việc đã vỡ lỡ liền tìm cách thoát thân. Hắn ngầm vận công cố giật gãy cổ tay của An Định Hầu. Ngờ đâu, hắn càng vận lực thì bàn tay của An Định Hầu như gọng kiềm siết mỗi lúc thêm chặt. Phải biết, tên nam nhân nọ có hiệu là Bạch Diện Lang Tử, là một gã sở khanh khét tiếng giang hồ. Hắn nhờ có bộ dạng nho sinh đoan chính nên đã lừa gạt không biết bao nhiêu khuê nữ trâm anh trao thân. Phen này, Bạch Diện Lang Tử thân cận Công Tôn Uyển mục đích cốt chiếm lấy Âm Dương Pháp. Hắn trổ tài tỉ tê đã dẫn dụ Công Tôn Uyển bỏ nhà chạy theo, định bụng đến nơi thích hợp sẽ ra tay vừa được người đẹp lại được bảo vật. Hiển nhiên xong việc, Công Tôn Uyển thành ra chết mất xác vô phương đối chứng.
Bạch Diện Lang Tử có hai ngón thành danh, một là khinh công, một là nội lực. Như phó trại chủ Thiên Ngưu Bang Cố Ngạn từ khi hiểu ra cớ sự đã phỏng đoán được thân phận Bạch Diện Lang Tử, họ Cố tự ngẫm chẳng thể địch lại được. Cố Ngạn thấy An Định Hầu chộp lấy hai tay Bạch Diện Lang Tử không buông hiểu ngay cả hai đang đấu nội lực. Y thấy Bạch Diện Lang Tử càng lúc càng nhăn nhó mặt mũi khó coi nhưng An Định Hầu vẫn thản nhiên giữ chặt. Cố Ngạn phục thầm trong bụng, cho rằng An Định Hầu quả thật là cao thủ nhất hạng về nội công.
Thực chất An Định Hầu nào biết nội công là gì. Chẳng qua ông ta có thể lực cường tráng cộng thêm sức khỏe như tướng trời. Ông đã siết tay dầu tên Bạch Diện Lang Tử kia có nội công cao cường cũng khó bề chịu thấu. Hắn vận công một lúc không thoát ra được còn thấy hai cổ tay bị An Định Hầu siết chặt ngỡ đang dần gãy nát thịt xương. Bạch Diện Lang Tử nhắm chừng khó thoát liền chuyển hướng bất ngờ nhấc chân đá một cước vào hạ bộ An Định Hầu. An Định Hầu cười hà hà:
- Thuật cận chiến của chú nhỏ còn kém lắm!
An Định Hầu là chiến tướng lừng lẫy sa trường đã quen cận chiến đối địch, thành ra khả năng ứng phó cấp tốc thuần thục nhất hạng. Bạch Diện Lang Tử vừa nhấc chân lên tự nhiên há miệng kêu la đau đớn. Hóa ra, An Định Hầu nhanh hơn một bước dùng chân quét mạnh vào ống quyển của hắn. Ông cận chiến mãi thành quen như ăn cơm uống nước, bất kể là sức lực hay tốc độ đều mau lẹ cùng cực, đã quét gãy chân Bạch Diện Lang Tử. Bạch Diện Lang Tử nào có phải tay vừa. Hắn thực bụng la đau nhưng mở miệng đã phóng một cây châm nhỏ như kim thêu giấu giữa kẻ răng nhằm thẳng vào mắt An Đình Hầu. An Định Hầu ngó thấy đành phải buông tay xoay người né tránh. Bạch Diện Lang Tử mừng rỡ cố nhịn đau chạy trốn. Chẳng ngờ vừa chuyển thế, hắn đã thấy má bên trái mát lạnh. An Định Hầu đang lúc xoay người vẫn kịp tung một quyền đánh thẳng. Bạch Diện Lang Tử trúng quyền văng đi hơn ba chục bước chân nằm thẳng cẳng chẳng rõ sống chết thế nào.