Chinh Nhân Oán Ca Chương 41

Chương 41
Nơi Rừng Trúc Tỏ Thần Uy

An Định Hầu biết chuyện liên quan đến Âm Dương Pháp cực kỳ cơ mật nên ra hiệu cho Cố Ngạn và Công Tôn Uyển đến cạnh bên. Ông hạ giọng hỏi nhỏ cả hai:

- Bộ Âm Dương Pháp trên phải chăng do lão trại chủ quá cố đoạt từ nơi khác? Nó vốn không phải là vật có sẵn của Thiên Ngưu Bang?

Phen này Cố Ngạn lẫn Công Tôn Uyển la hoảng thành tiếng lùi lại liên hồi mấy bước chân mới đứng vững. Tất cả thuộc hạ trong Thiên Ngưu Bang dẫu chức vị cao đến đâu đều chỉ biết Âm Dương Pháp là vật trấn bang tồn tại gần trăm năm, chớ hề có bụng nghi ngờ ám trá bên trong. Vốn, lão trại chủ quá cố một bận tự nhiên tự tập trại chúng hớn hở thông báo đã khai quật được tàng thư của tiền nhân ngày trước, tìm ra Âm Dương Pháp. Thiên Ngưu Bang thờ trâu thần cùng họa đồ âm dương, nay có thêm Âm Dương Pháp khác gì là điềm may mắn. Thành ra người trong bang đều hớn hở vô độ nào có nghĩ lão trại chủ quá cố đã tìm thấy ở đâu hay của tiền nhân nào. Thực hư về Âm Dương Pháp chỉ có lão ta biết. Mãi đến trước lúc mất, lão ta mới kể lại ngọn ngành cho Cố Ngạn cùng Công Tôn Uyển hay.

Lão trang chủ quá cố của Thiên Ngưu Bang tên gọi là Công Tôn Thừa Đức. Công Tôn Thừa Đức tiếp nhận Thiên Ngưu Bang từ tay cha lại gầy dựng thanh thế cực kỳ lớn mạnh ở vùng Thiểm Tây bên đất Đại Tống. Công Tôn Thừa Đức nhờ lúc trẻ gặp kỳ ngộ lại được thầy hay nên sớm có một thân nội công thượng thừa. Ông ta lang bạt bốn phương tám hướng tuy nghề chính vẫn là trộm cướp nhưng là tên trộm hào hiệp. Công Tôn Thừa Đức thường chọn những điền chủ ác bá, quan lại gian tham để trộm tài sản phân phát những dân đói khổ cùng đinh. Thành ra, Công Tôn Thừa Đức được đồng hữu giang hồ gán hiệu Hiệp Tẩu.

Năm Công Tôn Thừa Đức bốn mươi tuổi tự dưng nghe tin ở quan ngoại có một kho tàng cổ mới được phát hiện. Ông ta liền một thân chạy đến nơi xem rõ thực hư. Khi đến điểm khởi phát tin đồn, Công Tôn Thừa Đức thấy vô vạn cao thủ đang đấu nhau sống chết giành giật một bộ sách, trong khi bao nhiêu vàng bạc châu báu nằm ngổn ngang bốn phía đều bị xem thường. Ông ta lấy làm lạ bèn bắt một tên tra hỏi, mới hay bộ sách kia có tên gọi Âm Dương Pháp. Công Tôn Thừa Đức đoán chừng là sách ghi chép võ học kinh điển nên mới khiến nhiều kẻ bán mạng đến thế. Ông ta không có bụng tranh đoạt nên chỉ lẳng lặng gói ghém vàng bạc toan đem về Thiên Ngưu Bang để tìm cách phân phát khắp nơi. Tuy nhiên đương trường vì tranh đoạt nên kẻ chết ngày một nhiều, mùi tanh hôi nồng đến độ ruồi bọ không dám bẻn mảng đến, Công Tôn Thừa Đức không nhịn được tấn tuồng tham si đó bèn ra mặt. Ông ta một thân đánh bại năm mươi cao thủ nhất hạng, an nhiên đoạt lấy Âm Dương Pháp.

Côn Tôn Thừa Chí đoạt được sách tò mò giở ra xem thử. Không rõ Âm Dương Pháp ghi chép điều gì nhưng Công Tôn Thừa Đức đọc chỉ mới nửa quyển thượng đã tự nhiên lạnh hết gáy. Ông ta không cần nghĩ ngợi vội vàng chạy theo năm mươi kẻ sống sót kia mà ra tay giết người bịt miệng. Bí mật về Âm Dương Pháp bị chôn vùi từ đó. Giang hồ về sau nhắc lại chuyện bảo tàng năm xưa chỉ cho rằng cao thủ vì hám vàng bạc mà chém giết lẫn nhau đến tận kiệt. Riêng Công Tôn Thừa Đức lẳng lặng đem Âm Dương Pháp về cất tại kho tàng của Thiên Ngưu Bang. Tự thân ông ta cũng không dám giở xem thêm lần nào nữa. Sau phen đó, Công Tôn Thừa Đức dời trại Thiên Ngưu Bang từ vùng Thiểm Tây bên Đại Tống đến đất của Đại Lý, tất nhiên là hòng chôn giấu việc trên.

Công Tôn Thừa Đức vang danh hiệp nghĩa nên chuyện ông ta đoạt sách giết người bịt miệng bị đồn ra ngoài khác gì lấy trấu bôi lên mặt mũi. Thành ra bí mật đó chỉ đến chết, Công Tôn Thừa Đức mới kể cho con gái ruột là Công Tôn Uyển và phó trại chủ Cố Ngạn nghe tường tận.

Công Tôn Uyển cùng Cố Ngạn khi nghe lời trối kinh ngạc đã đành, giờ lại nghe An Định Hầu hỏi một câu cơ hồ bao quát hết thảy bí mật trên càng kinh hãi tột độ, thiếu điều muốn té xỉu tại chổ.

An Định Hầu nhìn vẻ hoảng hốt của cả hai thì ra hiệu cho họ đến gần. Ông đưa trả di thư của Công Tôn Thừa Đức cho Cố Ngạn, hỏi:

- Lẽ nào hai ngươi còn chưa hiểu thâm ý của lão trại chủ quá cố ư?

Bức di thư nọ Công Tôn Uyển lẫn Cố Ngạn đọc đi đọc lại nhiều lần đến độ thuộc nhàu nhưng nào biết ẩn ý bên trong. Cả hai thấy An Định Hầu chỉ cần đọc qua di thư một lần lại hỏi ra những câu đoán định hết thảy cớ sự, liền nhìn nhau thầm nói:

- Người này trí tuệ thật vượt trội, xứng mặt tân nhiệm trại chủ lắm!

Hai người liền chấp tay vái lễ trịnh trọng:

- Xin được chỉ dẫn!

An Định Hầu ngó điệu bộ đoán chừng Công Tôn Uyển lẫn Cố Ngạn chỉ biết cúc cung nghe theo di huấn của lão trại chủ quá cố, chớ hề động não để thấy rõ tâm tư thì không khỏi ngao ngán. An Định Hầu tự nhiên nhớ lại chuyện ba tướng Lý Hoan, Lê Mục, Trần Biền chỉ vì không hiểu rõ tâm tư của ông mà làm phản, bất giác thở dài thườn thượt. Ông bèn đáp:

- Ta không biết Âm Dương Pháp kia ghi chép những gì nhưng đoán chừng thứ được viết trong đó rất kinh thiên động địa, sẽ khiến kẻ có lòng tham sẽ nổi máu tranh đoạt mà chém giết tràn lan. Lão trại chủ quá cố có được nó nên cất kỹ. Ta vì thế đoán ra bản tính hiệp nghĩa cẩn trọng của lão!

Công Tôn Uyển đưa mắt nhìn Cố Ngạn thầm phục trí tuệ suy luận của An Định Hầu. Quả thật từ lúc có Âm Dương Pháp, Công Tôn Thừa Đức tuy rêu rao cho tất cả thuộc hạ trong Thiên Ngưu Bang biết nhưng chớ hề có ai từng được thấy nó tròn méo ra sao. Bản thân Công Tôn Thừa Đức lại cất kỹ Âm Dương Pháp không bao giờ nhìn đến.

Công Tôn Uyển vội vái lễ hỏi:

- Ngài từ đâu lại suy ra cha của ta là người hiệp nghĩa cẩn trọng?

An Định Hầu đáp:

- Trong di thư ông ấy để lại mệnh lệnh rõ ràng, các người không thấy hay sao?

Công Tôn Uyển cùng Cố Ngạn đồng loạt kêu lớn ngỡ ngàng:

- Mệnh lệnh? Mệnh lệnh ư? Là mệnh lệnh gì?

Cố Ngạn liền tức tốc đọc lại bức di thư của Công Tôn Thừa Đức. Công Tôn Uyển cũng ghé mắt xem. Cả hai xem lại năm lần bảy lượt đều lắc đầu ngán ngẩm vội vàng vái lễ An Định Hầu:

- Xin ngài chỉ dẫn!

An Định Hầu đã quen khi bàn việc có Thác Hoa hoặc Đinh Phúc. Chỉ cần ông ta mở miệng mớm đôi ba ý, mọi chuyện tức thì được hai cái đầu nhanh nhạy kia hiểu ra. Đằng này, An Định Hầu đã ba lời bảy tiếng nhưng bọn Công Tôn Uyển, Cố Ngạn đều đực mặt ngớ ngẩn. An Định Hầu nghĩ chuyện của Thiên Ngưu Bang phải để người của Thiên Ngưu Bang tự hiểu lấy, ông chỉ là người ngoài tận miệng nói ra thì có phần không đạo. Tuy nhiên tình theo tình thế hiện tại, An Định Hầu cũng đành diễn giải:

- Bức di thư căn dặn sau mười năm nếu không gặp kẻ nào mang khuôn mặt âm dương thì lệnh các ngươi phải đốt bỏ. Ta hỏi các ngươi, ngươi mang dị tướng âm dương trên mặt có dễ gặp hay không? Chưa kể bức di thư còn miêu tả tường tận kỹ lưỡng. Thành ra chủ ý của lão cố trại chủ không phải là bắt các ngươi chờ người có khuôn mặt âm dương. Chủ ý của ông ta chính là nhờ tay các ngươi tiêu hủy món Âm Dương Pháp kia! Bản thân ông ta muốn tiêu hủy nhưng không nỡ mới muốn mượn tay các ngươi đó thôi!

Công Tôn Uyển, Cố Ngạn hiểu ra không khỏi thán phục An Định Hầu. Lúc Công Tôn Thừa Đức lâm bệnh gần mất, ông ta luôn giữ kè kè ba bộ sách Âm Dương Pháp bên người. Công Tôn Uyển nuôi bệnh đã mấy phen thấy cha đứng trầm ngâm bên lò lửa lớn dùng để sưởi ấm. Giờ này nàng hiểu, đoán ngay lúc đó Công Tôn Thừa Đức toan ném bộ Âm Dương Pháp vào lửa nhưng đắn đo không nỡ đành thôi.

Cố Ngạn suy nghĩ thấu đáo hơn. Kẻ có khuôn mặt âm dương vốn hiếm còn hơn nhân sâm ngàn năm tuổi. Trong mười năm dài sau khi Công Tôn Thừa Đức tạ thế, Cố Ngạn luôn tung tiền của cho người dọc ngang trung nguyên để tìm kẻ có dị tướng. Kẻ dị tướng thì nhiều nhưng dị tướng có khuôn mặt âm dương lại chẳng mấy ai. Cố Ngạn cũng tìm được vài tên nhưng khi thì phần trắng trên mặt nhiều hơn, lúc thì phần đen trên khuôn mặt chiếm quá nửa không giống như miêu tả. Rõ ràng Công Tôn Thừa Đức sợ ra lệnh đám thuộc hạ đốt bỏ Âm Dương Pháp sẽ khiến bọn chúng tò mò xem trộm, lại dậy nên một trận tranh đoạt tanh máu khác. Vì thế, Công Tôn Thừa Đức mới bịa đại chuyện mười năm sau có người mang khuôn mặt âm dương tìm tới. Lão còn cẩn thận miêu tả chi tiết, phòng ngừa lỡ như có kẻ mặt nửa trắng nửa đen thật cũng không đáp ứng đủ yêu cầu. Cố Ngạn cùng Công Tôn Uyển vốn nhất mực nghe lời, thành ra Công Tôn Thừa Đức an tâm cả hai sẽ chờ đúng mười năm rồi đốt bỏ. Như vậy mối nghi ngờ thúc giục chuyện xem lén Âm Dương Pháp tự nhiên không còn.

Cố Ngạn hiểu ra mọi chuyện tự nhiên không khỏi tò mò, lẩm bẩm:

- Cố trại chủ tin tưởng ta bậc nhất vẫn không dám nói thẳng chủ ý, hiển nhiên để bụng phòng hờ! Tuy nhiên, Âm Dương Pháp viết gì khiến cố trại chủ phải cẩn trọng đến vậy?

Hắn đang miên mang nghĩ thì giật mình vội tự giơ tay tát mình một cái:

- Ta giờ đây mới biết đã tò mò đến Âm Dương Pháp viết gì. Nếu cố trại chủ lúc chết nói ta đốt bỏ Âm Dương Pháp, ta nhất định lật liền ra để đọc! Cố trại chủ để bụng phòng hờ thật đúng!

Công Tôn Uyển không hiểu Cố Ngạn vì sao tự tát bản thân. Nhưng An Định Hầu đoán nhanh được ý không nhịn được liền vỗ vai Cố Ngạn mấy cái cười hà hà khen:

- Hay lắm! Hay lắm! Đúng là thủ hạ trung thành! Lão trại chủ quá cố nhất định khi sống đã tận tình với ngươi nên dẫu mất đi ngươi cũng một lòng một dạ trung thành! Đáng mặt anh hào lắm lắm!

Cố Ngạn biết ông ta đọc được suy nghĩ của mình tự nhiên đỏ mặt xấu hổ:

- Thật không dám nhận lời khen của tôn giá!

Cố Ngạn ngước nhìn Công Tôn Uyển rồi nhìn hai tên đầu lãnh mặt. Cả ba đều khẽ gật đầu tức thì quỳ xuống hướng về An Định Hầu dập đầu liên hồi không dứt. An Định Hầu đoán chừng cả bọn nhờ vả chuyện gì đó không khỏi chau mày. Ông đợi cả bọn vái lạy chán chê liền hỏi:

- Các ngươi muốn nhờ ta chuyện gì?

Cả bọn đồng thanh hô lớn khẩn khoản:

- Xin ngài giúp Thiên Ngưu Bang thoát khỏi kiếp nạn! Bằng không, bọn chúng tôi nhất định sẽ bị xóa sổ!

An Định Hầu ngạc nhiên:

- Ta nghe khẩu khí các ngươi đoán chừng Thiên Ngưu Bang cũng có địa vị vai vế. Lẽ nào không đủ nhân lực giải quyết nạn hay sao?

Cố Ngạn liền đáp:

- Bẩm tân nhiệm trại chủ, ngài không biết đó thôi! Cố trại chủ vì chuyện tranh đoạt Âm Dương Pháp khi xưa đã thọ thương nặng lâm bệnh qua đời! Sau khi trại chủ mất, không biết kẻ nào phao tin khiến võ lâm bốn phía đều hay chuyện tranh đoạt năm xưa! Cho nên những con cháu đệ tử của năm mươi cao thủ chết dưới tay cố trại chủ liền tìm đến Thiên Ngưu Bang đòi thù. Mười năm đăng đẳng chém giết khiến nhân lực của Thiên Ngưu Bang chỉ còn không quá một trăm. Những cao thủ trong bang chín phần đều vong mạng, chỉ còn tại hạ cùng phó trại chủ Điền Lực, phó trại chủ Mộc Hành, phó trại chủ Cung Mẫn!

An Định Hầu không chờ Cố Ngạn nói dứt liền cười hà hà chen vào:

- Khoan đã! Ta phải nói trước với các người một chuyện, ta không phải là tân nhiệm trại chủ, càng không có ý muốn làm trại chủ của các ngươi!

Hiển nhiên, An Định Hầu Đinh Quan Viễn giữ bảy vạn quân hổ đầu lừng lẫy một phương sao có thể làm trại chủ đám thổ phỉ được. Về tình hay lý ông ta cũng phải từ chối. Ông ta không đợi Cố Ngạn, Công Tôn Uyển cầu cạnh thêm, nói tiếp:

- Dụng ý của lão cố trại chủ thì các ngươi đã rõ. Vì vậy điều quan trọng không phải chuyện tìm tân nhiệm trại chủ! Các ngươi cứ đốt bỏ thứ gây hại kia xem như đã thành toàn ý nguyện! Ta còn bận việc riêng không thể nấn ná thêm! Ta cũng không muốn can dự vào chuyện giang hồ chém giết!

Tuy An Định Hầu nói giọng bình thường nhưng hai mắt lại toát ra uy lực. Cố Ngạn, Công Tôn Uyển, hai lão đầu lãnh mặc áo trắng áo đen tự động sợ hãi không dám van nài thêm. Cố Ngạn có đầu óc nhanh nhạy liền hỏi:

- Không biết ngài định đi về đâu? Đường này dẫn đến kinh thành nước Đại Lý, ngài muốn đến đó chăng?

An Định Hầu bị Cố Ngạn chặn đầu không thể nói khác đành đáp cho xong:

- Ta có người bà con ở thành Đại Lý nên muốn đến đó thăm hỏi!

Cố Ngạn mừng rỡ nói:

- Vậy thì chúng ta cùng đường. Trại của Thiên Ngưu Bang nằm ở núi Thanh Ngưu thuộc đất Tịnh Trúc cách thành Đại Lý chỉ hai mươi dặm đường! Xin được đưa tiễn ngài một đoạn!

Hắn nói rồi không chờ An Định Hầu đồng ý liền quát tháo. Hai tên đầu lãnh vội chuẩn bị ngựa. Đám tiểu tốt đang đứng ngồi nhốn nháo xung quanh được lệnh chạy trước mở đường. An Đình Hầu biết Cố Ngạn lấy cớ đi chung hòng tìm cách thuyết phục. Ông cười nhạt không nói thêm gì. Ông huýt một tiếng sáo. Con ngựa chiến đang ở gần vội vàng chạy đến. An Đình Hầu nhảy lên ngựa chớp mắt đã chạy đi biệt dạng. Công Tôn Uyển cùng hai lão đầu lãnh hối hả lên ngựa chạy theo. Cố Ngạn có khinh công cao nên chẳng cần ngựa, hắn nhấc chân đã đuổi cách An Định Hầu tầm mấy chục thước. Cả bọn cứ thế phi ngựa xuyên đêm.

An Định Hầu thúc ngựa phi nước đại. Ngựa chiến nhiều năm quen chinh phạt nên vừa bền sức lại chạy nhanh hơn ngựa thường năm sáu lần. Nhưng vương hầu càng thúc ngựa, Cố Ngạn càng chạy theo gần hơn. An Định Hầu thầm khen khinh công của họ Cố. Thêm chừng mười dặm, ông ta kềm cương cho ngựa phi nước kiệu. Cố Ngạn tức thì đuổi kịp. Thêm chừng nửa canh giờ, Công Tôn Uyển cùng hai lão đầu lãnh mới song hành. Đột ngột An Đình Hầu kìm cương ra hiệu. Bọn người Thiên Ngưu Bang đồng loạt dừng lại ngơ ngác nhìn nhau không hiểu vì sao.

An Đình Hầu hừ nhạt:

- Có mai phục!

Cả bọn nghe vậy liền đưa mắt nhìn ra trước, chỉ thấy một rừng trúc đang đưa qua đưa lại trong gió. Lúc này trời đã gần sáng, rừng trúc càng được trông thấy rõ ràng. Cố Ngạn vận nội công để nghe ngóng nhưng đành bất lực. Do đang đứng trước rừng trúc lại có gió lớn nên họ Cố không sao thám thính được. Hắn bèn hướng về An Định Hầu, hỏi:

- Vì sao ngài cho rằng phía trước có mai phục?

An Định Hầu đáp:

- Ngươi tinh mắt nhìn kỹ những bụi trúc ven rừng. Gió lớn như vầy nhưng vẫn đứng nguyên không động đậy, nếu có động đậy cũng rất nặng nề! Rõ ràng có người đang leo lên đó ẩn mình. Thân trúc nhỏ chịu thêm lực nặng thân thể kẻ ẩn nấp thành ra gió có to cỡ nào cũng ngã nghiêng rất gượng gạo như bị giữ lại!

Cố Ngạn, Công Tôn Uyển, hai lão đầu lãnh căng mắt nhìn theo lời ông ta, quả nhiên đúng như lời nói. Cả ba buột miệng khen không ngớt. An Định Hầu chinh chiến nhiều năm, chưa có kế trí trá mai phục nào chưa từng thấy. Như thợ săn lâu năm chỉ ngó sơ đã biết nơi nào có thú ẩn nấp, con thú to nhỏ thế nào. Cố Ngạn nhìn một lúc liền kinh hãi:

- Chí ít có gần một trăm người mai phục!

An Định Hầu gật gù:

- Không sai! Ta đoán chừng một trăm tên không hơn không kém!

Cố Ngạn hốt hoảng ra mặt toan quay ngựa. Công Tôn Uyển cùng hai lão đầu lãnh vội vàng làm theo. An Định Hầu liền hừ nhạt, mắng ngay:

- Các ngươi lập trại thổ phỉ chí ít cũng phải biết phương pháp đánh trận! Kẻ địch dám bày trăm quân mai phục phía trước hiển nhiên đã mai phục chừng đấy kẻ ở phía sau! Các ngươi nếu ngoan ngoãn đi tới cùng lắm chỉ đương đầu với một trăm tên! Nếu các ngươi hốt hoảng quay đầu sẽ bị trước sau hợp công! Các ngươi chống một trăm tên không lại lẽ nào thắng được hai trăm tên?

An Đình Hầu nói xong cười khề khà chẳng hề có chút sợ hãi. Cả bọn ngẫm ra thấy chí lý càng phục An Định Hầu vô kể. Công Tôn Uyển liền nói:

- Biết đâu bọn chúng mai phục kẻ khác không phải chúng ta? Chúng ta chỉ cần điềm nhiên đi qua sẽ êm chuyện!

An Định Hầu chau mày đáp:

- Con bé này thật ngốc nghếch! Ngươi nhìn lại dưới đất xem!

Công Tôn Uyển chột dạ ngó xuống. Nàng thấy mấy chục dấu chân ngựa chạy đến đây tự nhiên biến mất. Hiển nhiên đám tiểu tốt của Thiên Ngưu Bang chạy trước mở đường đã bị giết hại tại đây. Xác người lẫn ngựa đều bị giấu nhẹm. Cố Ngạn hiểu ra liền nói:

- Là cung tiễn!

An Định Hầu gật đầu:

- Đồng loạt giết mấy chục người tại chổ thì chỉ có thể dùng cung tiễn bắn loạn từ xa!

Ông nhìn cả bọn hỏi:

- Trong các ngươi kẻ quen đối đầu với cung tiễn?

Cố Ngạn, Công Tôn Uyển, hai lão đầu lãnh đưa mắt nhìn nhau đồng loạt lắc đầu. An Định Hầu không hiểu rốt cuộc bọn chúng dám lập trại thổ phỉ dựa trên bản lãnh gì. Tuy nhiên, ông đã nghe Cố Ngạn kể qua biến cố của Thiên Ngưu Bang, đoán chừng kẻ có thực tài đều đã chết chừa lại một đám thuộc hạ yếu kém sống sót vất vưởng. Về phần Cố Ngạn, ông ta đoán chừng vị trí của hắn là quân sư ở Thiên Ngưu Bang cho nên chuyện lâm trận cận chiến không mấy thành thục. Còn nàng tiểu thư to gan Công Tôn Uyển thì miễn bàn đến. An Định Hầu ngó nhìn quanh quất mấy thân cây gần đó còn loang lổ vết tên bắn thầm ước lượng. Cố Ngạn nhanh trí vội vàng lùng sục. Hắn xoay trở một lúc đã tìm được một thân tên nằm trong bụi cây bên trái dâng lên cho. An Đình Hầu gật gù:

- Ngươi thật lanh lẹ!

An Định Hầu cầm lấy mũi tên nhìn ngắm cẩn thận. Ông ta xem xong liền cười hà hà. Công Tôn Uyển lạ bụng vội hỏi:

- Bị trúng mai phục ngài không sợ sao còn cười?

An Định Hầu vứt mũi tên xuống đất đáp:

- Ta chỉ sợ bọn mai phục là quân đội chính quy thành ra còn chút e dè. Nhưng nhìn cách làm ra mũi tên cùng vết tên bắn loạn thì ra bọn mai phục không phải là quân lính! Ta việc gì phải sợ!

An Định Hầu thầm đoán bọn mai phục cốt yếu muốn giết bỏ người Thiên Ngưu Bang. Ông vô tình đi cùng đường tất nhiên cũng bị giết để bịt miệng. An Định Hầu thừa hiểu chuyến đi sứ này chẳng còn mạng để trở về Đại Cồ Việt nhưng lại chẳng muốn chết mất xác theo lối này.

An Định Hầu vội cởi túi đồ đang buột trên mông ngựa rồi nhảy xuống đất. Cố Ngạn, Công Tôn Uyển, hai lão đầu lãnh thấy An Định Hầu mặc giáp phục in nổi đầu hổ, đeo mặt nạ ngạ quỷ uy lẫm tự nhiên sợ hãi. Cả bọn thầm đoán An Định Hầu là tướng lãnh nhưng do giáp phục lạ lẫm nên chẳng ai đoán được chân tướng. An Định Hầu lấy thanh trường đao đeo bên hông ngựa xoay vài vòng rồi nhìn cả bọn, nói:

- Ta bây giờ chạy ra thu hút bọn mai phục! Các ngươi chờ thế mai phục của bọn chúng rối loạn thì tốc lực chạy vào rừng trúc, các ngươi tự biết lo cho thân mình! Ta chỉ giúp được đến đó!

Bọn Thiên Ngưu Bang nghe ông ta liều thân mở đường máu đều cảm kích khôn kể. Công Tôn Uyển vội hỏi:

- Bọn ta chạy rồi còn ngài thì sao?

An Định Hầu cười ha hả vọt lên ngựa đáp:

- Nếu bị đám ô hợp này giết dễ dàng đến thế thì ta đã chết từ hai mươi năm trước đây rồi!

Ông ta nói rồi thúc ngựa chạy băng băng đến rừng trúc. Cố Ngạn vội nói lớn:

- Người này không hề quen biết Thiên Ngưu Bang lại vì trại chúng Thiên Ngưu Bang mà xả thân! Chúng ta sao có thể nhát gan chạy trốn cho được!

Công Tôn Uyển nói theo:

- Cùng lắm chỉ là chết mà thôi! Người của Thiên Ngưu Bang tuy yếu kém nhưng không phải là kẻ sợ chết!

Nàng ta băng băng thúc ngựa chạy theo An Định Hầu. Tên đầu lãnh mặc áo trắng lấy một pháo hiệu bắn vội lên trời rồi cùng đồng bọn chạy thẳng tới trước.

An Định Hầu thúc ngựa chạy cách rừng trúc chừng năm mươi bước chân quả nhiên đã thấy hàng loạt thân cung giương lên. Một rừng tên bắn ra như vãi trấu, là đồng loạt cùng bắn một thể. Ông ta cười nhạt lẩm bẩm:

-Dỡ quá! Lý ra phải bắn từng đợt mới đúng. Đem bao mũi tên bắn ra cùng lúc thật phí phạm! Ví như địch thủ là tay khéo xoay trở chẳng phải đã uổng bao mũi tên hay sao?

An Định Hầu quen nhìn trận thế thấy bọn vây hãm sai đường không khỏi chê trách. Ông ta chẳng phải chủ quan nhưng thực tế chỉ cần xoay tay đã múa đao che kín cả người lẫn ngựa. Bao nhiêu mũi tên nhằm vào đều bị gạt văng ra bốn phía. Bọn Cố Ngạn, Công Tôn Uyển cùng hai lão đầu lãnh định bụng giúp An Định Hầu kết cuộc đều phải núp sau lưng ông mới thoát được trận mưa tên. Dẫu vậy, hai tên đầu lãnh không quen loạn chiến đã trúng mấy mũi tên trên đùi.

An Định Hầu liếc thấy đoán chừng cứ đà này bản thân ông sẽ thoát được nhưng bọn Thiên Ngưu Bang nhất định sẽ trúng tên chết thảm. Ông không đành lòng bèn gồng người. An Định Hầu thét lớn một tiếng như sấm động giữa trời đêm. Quả nhiên trong rừng trúc đã nghe nhưng tiếng bịch bịch liên hồi, đoán chừng bọn mai phục khiếp đảm té xuống đất. Vì thế, tên bắn ra cũng thưa thớt hơn. Ngựa của bọn Thiên Ngưu Bang nghe phải tiếng thét hoảng loạn dựng vó lên cao. Công Tôn Uyển cùng hai lão đầu lãnh chẳng ứng phó kịp té chỏng chơ trên đất. Rủi thay kịp lúc có mấy chục mũi tên bay đến. Cố Ngạn vẫn bị tiếng thét làm kinh hoàng nên chỉ chận được chừng mười mũi. Số tên còn lại nhằm phía Công Tôn Uyển cùng hai tên đầu lãnh phóng tới. Hai tên đầu lãnh nhanh trí lăn mấy vòng trên đất tránh khỏi. Riêng phần Công Tôn Uyển nghe tiếng thét của An Định Hầu đã mất vía cộng thêm vừa té đau, nàng ta chỉ biết múa kiếm loạn lên vẫn bị trúng một mũi tên bên đùi trái. Công Tôn Uyển là tiểu thư quen được chiều chuộng, giờ bị thương liền mở miệng hết sức la hét như thể sắp chết.

Nguồn: truyen8.mobi/t125228-chinh-nhan-oan-ca-chuong-41.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận