Chinh Nhân Oán Ca Chương 43

Chương 43
Đường Về Thiên Ngưu Bang Nạn Cũng Qua Một Bận

An Định Hầu thấy Công Tôn Uyển không còn đòi tự vẫn thì mừng rỡ gật đầu:

- Phải, phải! Nếu là việc có thể làm được ta nhất định sẽ tận lực!

Cố Ngạn đã dặn trước Công Tôn Uyển phải tìm cách lôi kéo An Định Hầu giúp sức Thiên Ngưu Bang. Công Tôn Uyển không giỏi tính kế nên vẫn lo âu trong bụng. Giờ được dịp An Định Hầu tự mở miệng, nàng thầm nghĩ:

- Tiết hạnh bản thân là nhỏ, sự sống còn của Thiên Ngưu Bang mới lớn! Ta không được làm càn bậy!

Công Tôn Uyển nhìn An Định Hầu nói:

- Ta muốn ngài giúp Thiên Ngưu Bang vượt qua đại nạn. Bọn Cố Ngạn, Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn không đủ sức để chống chọi. Ngài chịu giúp sức thì Thiên Ngưu Bang mới không bị diệt vong!

An Định Hầu dầu không muốn cũng đành gật đầu đồng ý:

- Được, được, ta nhất định dốc sức. Tuy nhiên, mười lăm tháng này ta phải đến kinh thành Đại Lý không được chậm trễ!

Công Tôn Uyển nhẩm tính hôm nay chỉ mới ngày mồng năm nên ưng bụng. Nàng chợt nhớ ra chuyện cũ, liền nói:

- Ngài phải hứa với ta một chuyện!

An Định Hầu hỏi lại:

- Là chuyện gì?

Công Tôn Uyển nghiêm mặt đáp:

- Chuyện vừa rồi ngài không được nói cho ai hay!

An Định Hầu chẳng dại chọc nàng ta thêm giận liền gật đầu hớn hở:

- Được, được, ta nhất định không hé miệng!

Công Tôn Uyển nhìn khuôn mặt ông ta hớn hở liền gắt:

- Ngài cũng không được nghĩ tới hay nhớ tới!

An Định Hầu lại gật đầu:

- Ta nhất định không được nghĩ hay nhớ tới!

Công Tôn Uyển lúc này mặt đối mặt với An Định Hầu nhưng không còn bị bộ mặt âm dương làm cho kinh sợ. Nàng tự nhiên hạ giọng nói:

- Ngài…ngài về sau không được…ức hiếp ta!

Công Tôn Uyển nói xong thì vội vàng tự lấy tay che miệng lẩm bẩm:

- Ta…ta lại nghĩ đến chuyện bậy bạ?

An Định Hầu chỉ biết gật đầu đáp:

- Về sau, ta nhất định sẽ không ức hiếp nàng!

An Định Hầu đáp thật lòng đã khiến cô nàng tiểu thư vừa bạo gan vừa ưa nghĩ đến chuyện tình ái đỏ thẹn. Nàng ta thôi không bắt ông hứa hẹn. Ban đầu, Công Tôn Uyển vốn tính chuyện bỏ trốn nên có gói ghém theo ít quần áo. Lúc này nàng vội vàng bày ra. An Định Hầu biết ý liền đi khỏi rừng trúc. Ông ta mới bước ra chừng hơn hai mươi thước đã nghe giọng Công Tôn Uyển gọi ý ới, đành vội vàng quay trở lại. Chân của Công Tôn Uyển trúng tên chẳng thể đứng lên mà thay y phục. Nàng ta bí nước đành nhờ An Định Hầu. Công Tôn Uyển bắt ông ta đứng quay lưng, nàng dựa vào làm điểm tựa mới có thể thay xong y phục. An Định Hầu lần đầu vướng phải chuyện khó xử đến vậy nhỡ bị đồn ra ngoài tất nhiên mất hết uy phong đại tướng. Ông ước chừng cô nàng tiểu thư lắm sự sẽ còn gây nhiều rắc rối về sau. Ông chắn mẩm trong bụng mau mau đưa Công Tôn Uyển về Thiên Ngưu Bang rồi dùng cách đã từng đối đãi với hậu cung của Đinh Tiên Hoàng Đế, tránh càng xa càng tốt.

Thành ra chờ Công Tôn Uyển thay xong y phục, An Định Hầu liền bế nàng đặt lên lưng ngựa. Ông ta cởi bỏ giáp phục mặc lại đồ nông dân, một tay ôm lấy Công Tôn Uyển, một tay cầm cương thúc ngựa phi nước đại. Trong một đêm, Công Tôn Uyển đã mấy phen khiếp sợ còn gặp chuyện hổ thẹn nên chỉ lí nhí chỉ đường rồi giả vờ ngủ gục cho yên chuyện. Chẳng hiểu bốn vó ngựa chiến quen chạy đường trường nên êm như nước chảy hay lồng ngực An Định Hầu chắc nịch vững vàng, Công Tôn Uyển từ giả vờ đã thành ra ngon giấc, lại là giấc mộng xuân đầy hư ảo ngọt lịm vô cùng. An Định Hầu mấy phen thấy nàng ta nằm trong lòng mình tự dưng cười mỉm dâng hồng đôi má không khỏi làm ngạc nhiên, lại nhớ đến Thác Hoa đang ngày đêm ủ dột ở Chân Lạp xa xôi trông ngóng tin tức, không khỏi ngậm ngùi.

Ngựa chạy chừng hai mươi dặm đã vào địa phận thôn Tịnh Trúc. Gọi là thôn nhưng thực chất địa giới Tịnh Trúc rộng bằng cả hai huyện lớn gộp lại. Do nơi này nửa phần đồng bằng nửa phần rừng núi cộng thêm nơi nơi đều có trúc mọc lúc dày thành rừng, lúc lại thưa thớt như tạo cảnh. Dân cư vì thế cũng không quá mấy chục nóc nhà quanh khu đồng bằng để gieo trồng chăn nuôi. Đất tuy bằng hai huyện lị nhưng chẳng đủ dân nên đành gọi là thôn, hoàng đế Đại Lý đã nhiều lần kêu gọi di dân tự nguyện nhưng dẫu có tặng trăm lượng vàng ròng cũng chẳng mấy ai muốn đến thôn Tịnh Trúc vừa heo hút vừa gần các trại thổ phỉ để ở. Vì vậy suốt nhiều triều đại họ Đoàn cai trị Đại Lý, Tịnh Trúc vẫn chỉ là thôn làng.

An Định Hầu chạy vào đất Tịnh Trúc, nhớ lời chỉ dẫn của Công Tôn Uyển bèn điều ngựa rẽ sang hướng bắc để đến núi Thanh Ngưu. Ngựa chạy thêm chừng hai dặm, ông ta tức tốc kềm cương. Công Tôn Uyển giật mình tỉnh dậy chưa kịp lên tiếng đã bị An Định Hầu dùng tay che miệng:

- Có mai phục!

Công Tôn Uyển vừa tận mắt thấy An Định Hầu đánh tan mai phục ở rừng trúc nên rất yên dạ. Nàng thản nhiên thì thầm:

- Có gì phải sợ! Bọn chúng có một trăm tên thì ngài giết một trăm tên! Bọn chúng có hai trăm tên thì ngài giết hai trăm tên!

Công Tôn Uyển thì thầm xong nhìn ra phía trước. Phần đất trống trước mặt đã có bảy người đang ung dung đứng hàng ngang chờ đợi. Công Tôn Uyển liền phì cười:

- Chỉ là bảy tên ốm tong teo như tre! Ngài bất quá vung đao chém một cái là xong.

An Định Hầu hừ nhạt:

- Bọn chúng chỉ có bảy người nhưng ngang nhiên đứng đợi không hề bày trò ẩn thân, hiển nhiên, chúng ỷ vào bản lãnh đã nắm chắc phần thắng!

An Định Hầu chẳng nói càn. Căn bản ông cưỡi ngựa đến núi Thanh Ngưu chỉ vì nhận lời ủy thác của Công Tôn Uyển. Bảy tên kia không thể nào là thần thánh ngồi yên một chổ đoán ra trước được. Chỉ có thể do lúc ở rừng trúc, cả bọn đã ẩn thân quan sát hết thảy diễn tiến nên mới ung dung chạy đến đây chờ đợi. Lẽ thường muốn giết một ai đó lại ngang nhiên đứng chận đường không bày trò mai phục trí trá thì hiển nhiên bản lãnh hơn hẳn đối phương nên mới tự tin đến thế. An Định Hầu ngẫm vậy, càng để bụng dè chừng. Công Tôn Uyển nghe ông khẳng đinh, chẳng còn dám xem thường. Nàng căng mắt nhìn cả bảy người rồi nói:

- Trong những kẻ đến Thiên Ngưu Bang đòi thù chưa từng có bảy tên ốm yếu này!

An Định Hầu cười hà hà:

- Tất nhiên, vì bọn chúng không phải muốn ám toán nàng hay đòi nợ với Thiên Ngưu Bang!

Công Tôn Uyển ngơ ngác hỏi:

- Bọn chúng không phải muốn bắt ta để đòi đổi lấy bộ Âm Dương Pháp ư? Lẽ nào chúng muốn hại ngài ư?

An Định Hầu gằn giọng:

- Bọn chúng đang đợi để ám toán ta!

Công Tôn Uyển chẳng hề hay biết thân phận của An Định Hầu. Trong mắt nàng, ông ta cùng lắm chỉ là kẻ lang bạt giang hồ. Công Tôn Uyển nghe An Định Hầu chắc chắn bảy người nọ chận đường để gia hại liền chau mày ngọc nghĩ ngợi. Chừng nguội nửa chén trà nóng, nàng kêu lên:

- Ta biết bọn này! Chúng có hiệu là Thất Sát! Bọn chúng chuyên nhận tiền để giết thuê cho người khác!

An Định Hầu nghe vậy liền hỏi:

- Bản lãnh bọn chúng thế nào?

Công Tôn Uyển ngẩn người như thể đang hồi tưởng, đáp:

- Cha ta lúc còn sống từng bình về Thất Sát. Cha ta nói, bảy tên Thất Sát bụng dạ hiểm ác, võ công lại kinh dị, thủ đoạn lại hạ tiện đê hèn. Dẫu chê cùng cực nhưng cha vẫn thừa nhận so về kiếm pháp thì bọn Thất Sát xứng liệt vào hàng cao thủ trong giới kiếm đạo trên giang hồ!

Công Tôn Uyển nói xong tự nhiên ngẩng mặt nhìn An Định Hầu đăm đăm. An Định Hầu thấy lạ, hỏi liền:

- Vì sao lại nhìn ta?

Công Tôn Uyển không đáp mà hỏi lại:

- Ngài thật sự là ai? Bọn Thất Sát này có lệ tiền thuê nếu dưới mười vạn lượng vàng thì không bao giờ ra tay! Ngài là ai lại khiến người khác sẵn sàng bỏ từng ấy vàng để giết bỏ?

An Định Hầu cười hà hà:

- Mười vạn lượng vàng ư? Hóa ra mạng của ta đáng giá đến thế! Xem chừng đầu của ta rất được giá!

An Định Hầu phóng mắt nhìn cả bảy tên Thất Sát. Có già, có trẻ, có nữ nhân, có đạo sĩ, có cả thầy chùa lẫn ni cô, An Định Hầu liền bật tràng cười ha hả. Tiếng cười tức thì đánh động. Lão già râu bạc lớn tuổi nhất trong bọn Thất Sát liền lên tiếng hỏi:

- Ngươi cười cái gì?

An Định Hầu không đáp thủng thẳng thúc ngựa đến gần hơn. Ông nhìn cả bọn thêm lần nữa rồi bật thêm một tràng cười ha hả khác. Lão già râu bạc nóng mặt gắt:

- Con bà ngươi, ngươi cười cái gì?

An Định Hầu cười ngớt đáp:

- Lão đã lớn tuổi chớ nên học tính bọn trẻ động chút là chửi rủa. Lão chửi tổ tiên ta nhưng ta vốn lọt lòng đã là côi nhi. Đến cha mẹ ta có mặt mũi thế nào ta còn chưa thấy huống hồ chi tổ tiên! Lão chửi vậy không sợ uổng lời ư?

An Định Hầu cười thêm một tràng rồi nói:

- Xem ra có cả già, trẻ, nam, nữ, tăng lữ, đạo sĩ chỉ còn thiếu một âm hồn là đủ bọn để đến trướng Như Lai sám hối!

Lão già biết đang bị cười ngạo liền cười ha hả đáp lại:

- Phải lắm! Phải lắm! Bọn ta đang đợi âm hồn của ngươi để đưa về trướng Như Lai sám hối!

Một tên trẻ tuổi mặt trắng như bôi sáp đứng gần lão râu bạc tức thì chen lời:

- Lão nhất việc gì phải dông dài! Cứ giết quách hắn để còn kịp về nhận vàng!

Lão nhất Thất Sát xua tay:

- Ngươi đừng nóng vội! Cứ thong thả để khỏi nhầm người!

Lão ta nhìn An Định Hầu hất hàm hỏi:

- Ngươi có phải là An Định Hầu Đinh Quan Viễn trên đường từ Đại Cồ Việt đến Đại Lý để đi sứ?

An Định Hầu sớm đoán cả bọn Thất Sát đã nhận ra lai lịch nên không thèm che giấu. Ông đáp:

- Chính là ta! Các ngươi đến hộ tống ta kinh sứ chăng?

Công Tôn Uyển ngồi trong lòng ông nghe xưng danh liền kêu thầm trong bụng:

- An Định Hầu ư? Ngài ấy mang chức hầu gia ư? Đinh Quang Viễn, cái tên thật đầy chính khí!

Tuy đầu óc Công Tôn Uyển không được lanh lẹ nhưng chẳng phải kẻ ngu khờ. Nàng tự luận, hầu gia một nước đi sứ lại cải trang bộ dạng nông phu tầm thường hiển nhiên là tránh tai mắt dọc đường. Công Tôn Uyển đoán chừng vị hầu gia kiêu dũng mà nàng đang tựa lưng vào nhất định tại chính quốc có nhiều kẻ thù vô kể, một trong số kẻ thù đó đã ra vàng bạc để thuê bọn Thất Sát ám hại dọc đường. Nàng nghĩ được đến đây thì than thầm:

- Ngài ấy làm tước hầu quyền cao chức trọng nhất định không thèm đoái hoài gì đến chức trại chủ thổ phỉ! Phen này ta biết làm thế nào mới thỏa?

Công Tôn Uyển yểu xìu nét mặt thảm não. Trong dạ nàng ta rối tung như tơ vò đoán chừng bọn Cố Ngạn, Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn khi biết được thân phận thật sự của An Định Hầu thì gan trời cũng chẳng dám mời ông ta ngồi lên ghế trại chủ.

Lúc này lão nhất Thiên Sát đã nhìn tên trẻ tuổi trong bọn nói:

- Thất đệ, ngươi mau mau thành toàn cho hắn! Nhớ phải cẩn trọng, ta nghe lời đồn hắn là chiến tướng lừng lẫy sa trường!

Tên trẻ tuổi cười đáp:

- Lão nhất đã lo xa. Hạng tướng tá ở nước man di thì có được bao nhiêu bản lãnh!

Nước Tống luôn cho mình là trung tâm của trời đất. Đối với bọn họ chỉ có dân Tống là văn minh còn các sắc dân khác ngoài Đại Tống đều bị coi là rợ, man di, những từ ám chỉ sự thấp kém lạc hậu về văn hóa. An Định Hầu nghe tên trẻ tuổi mạ lỵ chính thể quốc gia thì hừ nhạt:

- Chú nhỏ có bao nhiêu bản lãnh cứ đem hết ra đây! Nếu là hạng thùng rỗng kêu to thì liệu hồn với thanh trường đao của ta!

An Định Hầu nghe lời nhắc nhở của Công Tôn Uyển nên chú tâm phần lớn vào những tên lấy kiếm làm binh khí trong Thất Sát. Ông thấy chỉ có lão nhất Thất Sát cùng một mụ ni cô mang kiếm trên người. Như tên trẻ tuổi mặt trắng nọ có binh khí là đôi song câu. An Định Hầu chú ý bước chân di chuyển đoán chừng hắn là kẻ có khinh công giỏi. Tuy nhiên, hơi thở của hắn trầm bổng dị thường. An Định Hầu không mấy rành y thuật nhưng thừa biết là do bản thân hắn tráng táng khiến khí lực có phần suy kiệt.

An Định Hầu ước lượng đối thủ xong thì thản nhiên châm chọc:

- Đám các ngươi nhìn mặt đã biết bản tánh. Già tham lam, trẻ trác táng, nữ dâm ô, tăng độc ác, đạo hung tàn!

An Định Hầu dùng kế khích tướng ngờ đâu vô tình đã nói sở trường cả bọn. Lão nhất Thất Sát Cố Tự Thành ham mê nhất là vàng bạc. Mụ ni cô có hiệu Ác Ni đứng thứ nhì. Nữ nhân lúc nào cũng điểm nụ cười gợi tình trên môi đứng hàng thứ ba là Dâm Nương Ân Bích Câu. Lão hòa thượng hiệu Ma Tăng đứng hàng thứ tư. Lão đạo sĩ tướng tá mười phần vẹn mười giống ác tặc là Thâu Âm Tử đứng hàng thứ năm. Tên trung niên ra dáng nho sinh đứng hàng thứ sáu hiệu Bách Thủ Cuồng Sinh. Tên trẻ tuổi mặt trắng như sáp đứng hàng thứ bảy là Bạch Mao Cơ Phát. Trong Thất Sát, nổi tiếng hiếu sát là Ác Ni, Ma Tăng, ham trác táng thì có Thâu Âm Tử, Bách Thủ Cuồng Sinh, Bạch Mao Cơ Phát, dâm loạn thì nhất định thuộc về Dâm nương Ân Bích Câu. Sáu tên Thất Sát nghe An Định Hầu mai mỉa liền điểm giận lên mặt. Riêng Ân Bích Câu lại cười cợt nhã:

- Đúng là chẳng có gì giấu được mắt nhà quan! Quan gia đây nói nữ dâm ô phải chăng là khen tặng ta đây?

Ả nói xong thản nhiên trước bao nhiêu cặp mắt kéo trễ cổ áo, vén yếm hồng để lộ ra nửa vòng ngực căng tròn. Công Tôn Uyển dẫu là nữ nhân cũng phải đỏ mặt xấu hổ. An Định Hầu thản nhiên như không:

- Hóa ra không những dâm loàn còn đầu óc thấp kém! Cả lời chê tiếng khen vẫn không phân biệt được, thật đáng thương!

Ân Bích Câu thích thú bật lên tràng cười vang:

- Miệng nhà quan nói sao chẳng được! Quan gia cứ thong thả, lát nữa ta nhất định đưa ngài lên tận Vu Sơn rồi mới giết bỏ. Ngài chết như vậy mãn nguyện vô cùng!

Ả nói thêm một loạt những câu rất êm tai. Công Tôn Uyển nghe ra toàn khơi gợi chuyện nam ân nữ ái càng thêm thẹn đỏ mặt.

Bạch Mao Cơ Phát không muốn rề rà. Hắn múa tít đôi câu phát ra âm thanh vù vù lao thẳng đến An Định Hầu. An Định Hầu vẫn hoành đao điềm nhiên không động đậy tỏ ý xem thường. Cơ Phát tức khí càng lao đến nhanh gấp bội, chỉ còn thấy được bóng đen đi như chớp. An Định Hầu kinh qua nhiều chiến trận nên bất kể tai hay mắt đều tự nhiên thành ra nhanh nhạy khó ai bì nổi. Ông chờ Cơ Phát đến cách hai mươi thước tức thì cung tay ném mạnh một cái. Thanh trường đao nặm hơn tám chục cân bay thẳng ra như mũi tên xé gió. Bạch Mao Cơ Phát cười hì hì khinh khi nhưng giật mình nhận ra trường đao kia đã ở ngay trước ngực. Căn bản khinh công hắn cực nhanh cộng thêm tốc độ ném của An Định Hầu chẳng hề thua kém tự nhiên khiến người và đao đồng loạt chạm mặt. Cơ Phát không thể né được liền múa đôi câu toan mượn lực đả lực hất thanh trường đao bay ngược về hướng An Định Hầu.

Cơ Phát tính toán chắc nước, mới dùng cặp câu kẹp vào thanh trường đao đang đà lao đến. Đột nhiên hắn thấy hai tay đau nhói, trước ngực lại mát lạnh. Thanh trường đao nặng hơn tám mươi cân được An Định Hầu trổ hết thần lực ném đi thế mạnh như phá núi. Bạch Mao Cơ Phát sức lực không đủ ngăn nổi đã bị lưỡi trường đao cắm xuyên qua ngực găm cả thân người xuống nền đất chởm chơ đá sỏi chết ngay tức thì. Sáu kẻ còn lại trong Thất Sát cả kinh chẳng ngờ An Định Hầu mới ra tay giết liền một tên trong bọn. Công Tôn Uyển mừng rỡ toan thốt lên lời khen. Nàng quay người lại mới hay An Định Hầu đã không còn ngồi sau lưng. Ông ta ném đao giết chết Cơ Phát tức thì nhảy vọt khỏi ngựa nắm lấy thanh trường đao rút lên khỏi mặt đất xông vào sáu tên Thất Sát.

Phải biết ở Đại Lý có hai loại đá vô cùng cứng rắn đều được gọi là thiết thạch. Loại thiết thạch ở núi Thanh Sơn có màu trắng bạch nên thường được đẽo về để dựng hòn giả sơn hoặc khảm vào chân tường đế cột để tăng phần tao nhã. Loại thiết thạch thứ hai thì chẳng có màu sắc gì đặc biệt nên không mấy ai dùng, chính là loại đá nằm đầy ở thôn Tịnh Trúc. Sáu tên Thất Sát còn lại thấy An Định Hầu phóng đao đã giết chết Cơ Phát, dư lực còn khiến thanh trường đao cắm sâu vào đá thiết thạch thì tròn mắt kinh hãi. Cả bọn chưa hoàn hồn lại thấy An Định Hầu thản nhiên nhổ thanh trường đao lên nhẹ như không thì thêm phen tởn vía. Kẻ nào cũng cho rằng ông ta có được nội công thâm hậu vô kể nên ra tay mới lẹ làng đến thế.

Năm tên Thất Sát thấy An Định Hầu lao đến tự động dạt ra hình nửa vòng cung đón đợi. Riêng Dâm Nương Ân Bích Câu lại nhảy vọt lên một tảng đá cạnh đó đủng đỉnh chỉnh trang y phục ngồi xuống. Lão nhất Thất Sát liền gắt:

- Tam muội, ngươi làm trò gì vậy?

An Định Hầu đón chừng ả ta đứng ngoài để bày trò ám toán nên hừ nhạt không thèm hỏi han đến. Ân Bích Câu đợi lão nhất hỏi bốn năm lần mới đáp:

- Ân Bích Câu ta đánh nhau với một người hay mười người đều chỉ đơn thân ra tay. Ta không ưa kiểu lấy đông hiếp ít!

Mụ Ác Ni cười lạt:

- Bọn ta giết hắn nhận vàng sẽ khỏi chừa phần ngươi, ngươi có chịu không?

Ân Bích Câu cười ngất:

- Cứ tự tiện! Cứ tự tiện! Nhưng hãy giết hắn trước đã!

An Định Hầu nhân cả bọn đối đáp đảo mắt quan sát cẩn thận một lượt, đoán chừng năm tên Thất Sát mỗi người đều có ngón nghề riêng. An Định Hầu giết xong tên Cơ Phát toan loạn chiến nhưng ngẫm lại có phần thua thiệt nên hoành đao cười khà, nói:

- Các ngươi muốn lên một lượt để mang tiếng cậy đông ép kẻ cô thế hay đơn đấu với ta?

Ân Bích Câu biết ông đang mượn lời nói của mình thì thích thú:

- Trời ơi, quan gia! Ngài lại khen ta đó sao? Đúng là miệng nhà quan khen người khác cũng thâm sâu khôn kể!

Ả xuống giọng khiến lời nói như có mê lực rót vào tai người nghe. Năm tên Thất Sát đang vây quanh An Định Hầu tức thì quát tháo om trời:

- Con mụ điên kia, ngươi là đồng bọn của chúng ta hay là của tên hầu gia này! Mau mau thu lại Mê Tông Pháp!

Hóa ra, Ân Bích Câu đang thi triển món nội công chuyên thôi miên trí óc người khác. Năm tên Thất Sát biết sự lợi hại của Mê Tông Pháp tự nhiên phải thi nhau quát tháo để ngăn cản. Ân Bích Câu chẳng những không dừng còn tiếp tục nói:

- Quan gia có nói tiếng nào đâu, các ngươi ý kiến cái gì?

Quả thật, An Định Hầu vẫn hoành đao đứng điềm nhiên chẳng hề hấn gì. Ân Bích Câu tức thì hạ giọng tăng thêm uy lực Mê Tông Pháp. An Định Hầu nhiều năm chinh chiến tai mắt đều nghe thấy tường tận cảnh giết chóc cho nên định lực cực kỳ thâm hậu. Những thảm kịch như máu chảy thành sông hay xác phơi đầy đồng còn chưa khiến ông ta chau mặt huống hồ chi là Mê Tông Pháp. Năm tên trong đám Thất Sát tuy la hét om trời nhưng cũng vội tự điều công để chống lại tiếng nói mị hồn của Ân Bích Câu. Riêng Công Tôn Uyển nội lực yếu kém vô kể, nàng nghe Ân Bích Câu nói tự nhiên đờ người như trúng tà té khỏi lưng ngựa rơi xuống đất. An Định Hầu liếc thấy thì không dám khinh thường giọng nói quái lạ của Ân Bích Câu. Ông sợ nếu phải nghe thêm một khắc thì bản thân không khác Công Tôn Uyển là mấy.

An Định Hầu chống đao gồng người thét lớn một tiếng. Năm tên Thất Sát đang bị Mê Tông Pháp làm khổ trúng phải tiếng thét đồng loạt nhảy lùi về sau, khí huyết trong thân đều nhộn nhạo. Riêng Ân Bích Câu bị tiếng thét của đánh động đành phải thu lại Mê Tông Pháp. Ân Bích Câu hết còn nét mặt cợt nhã lẳng lơ, tự nói:

- Hắn nghe Mê Tông Pháp vẫn không bị mị hồn ư? Là định lực cao thâm hay tâm tư hắn chẳng có chút tà dâm nào?

Nguồn: truyen8.mobi/t125230-chinh-nhan-oan-ca-chuong-43.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận