Ân Bích Câu nổi danh Dâm Nương chính vì ngón nội công Mê Tông Pháp. Thường đã là người đều phải có tà ý hoặc ít hoặc nhiều, Mê Tông Pháp dựa vào điều trên sẽ dẫn dụ khiến tâm trí người nghe dần dần mê mị cuối cùng tự động cởi bỏ hết thảy y phục chăm chăm muốn làm chuyện hoan ái. Thiên hạ đều đồn Ân Bích Câu trước khi giết ai thì sẽ ái ân với người đó trước. Căn bản cũng vì nạn nhân của ả đều chết trong tư thế trần truồng như nhộng, dương khí lại tràn ra hết thảy bên ngoài. Dần dà, Ân Bích Câu được gán ghép ngoại hiệu Dâm Nương. Miệng đời ưa thêm thắt khen ít nhưng chê bai thì nhiều vô kể, Ân Bích Câu được gán là Dâm Nương chẳng những không giận còn lại ăn mặc khiêu gợi cợt nhã để thiên hạ thêm chắc dạ tính dâm loàn. Ví thử trong hằng hà những kẻ mai mỉa đó, có mấy ai từng thấy nàng ta dâm loạn tròn méo thế nào.
Mê Tông Pháp tiêu tán, Công Tôn Uyển tỉnh hồn ngẩn ngơ thấy mình nằm dưới đất không hiểu cớ sự gì. Nàng ta ngước nhìn ra phía trước nhìn An Định Hầu đang giao chiến với lão hòa thượng trong bọn Thất Sát.
Lão hòa thượng có hiệu Ma Tăng dùng một cây côn được đúc bằng sắt làm vũ khí. Thân hình lão tuy ốm yếu nhưng vung côn sắt đánh một gậy là nát đá tan vàng. An Định Hầu múa đao đôi công mấy bận không khỏi phục trong bụng. Kể về thần lực, lão Ma Tăng chớ hề thua kém An Định Hầu bao nhiêu. Thuật đánh côn của lão không có gì đặc sắc, căn bản đều cậy vào thần lực cùng côn sắt nặng trăm cân. An Định Hầu múa trường đao đỡ chừng mươi côn thì cười hà hà. Ông đỡ thêm mười côn nữa càng cười lớn. Lão nhất cùng mụ Ác Ni không khỏi ngơ ngác tự hỏi:
- Hắn lý ra đã bị Ma Tăng đánh cho tan xác, vì sao còn cười hớn hở đến vậy?
Vốn An Định Hầu càng đánh càng biết được căn nguyên thần lực của lão Ma Tăng. Ông ta không rành các loại võ công nhưng tự cho thiên hạ không có chuyện kẻ ốm yếu lại thản nhiên dùng được cây côn sắt nặng trăm cân, đoán chừng lão Ma Tăng gầy nhom an nhiên múa côn nhất định có thuật riêng.
Năm xưa dẫn quân đánh loạn châu Quan Tế ở đạo Lâm Tây, An Định Hầu đã gặp một nữ nhân đi băng băng trên đường lởm chởm đá. Bà ta thân thể như liễu nhưng lại vừa đi như bay vừa vác một thân gỗ lớn tầm ba bốn người ôm. An Định Hầu nhìn thấy khâm phục vô kể bèn chặn lại hỏi thử căn nguyên. Bà ta cười khanh khách thách đố nếu chịu nổi một quyền thì sẽ trả lời cặn kẻ. An Định Hầu chẳng tin bèn giơ ngực chịu một đấm đau tưởng chừng tắt thở. Bà kia thân liễu, bàn tay vừa đẹp vừa nhỏ nhắn lại có sức lực kinh hồn. An Định Hầu tuy đau thấu trời xanh nhưng vẫn an nhiên đứng vững. Bà ta vừa bụng bèn chỉ dẫn, thần lực bản thân có được gọi là nội công, càng tu luyện cao tự nhiên càng thâm hậu, sức lực theo đó tăng lên cùng cực.
An Định Hầu nhớ lại chuyện cũ, đoán chừng lão Ma Tăng vác được cây côn sắt trăm cận mà đánh là nhờ có nội lực cao cường.
Lần đó, An Định Hầu nhờ nữ nhân kia chỉ dẫn thêm về nội lực. Tuy nhiên, chuyện binh đang cấp bách không thể rề rà lâu, chưa kể bàn về nội công thì sâu rộng như biển lớn, bà ta đành chỉ dẫn cho An Định Hầu về thuật khắc chế công lực của đối phương. Bà ta nói đại khái nội lực chia ra thuần dương hoặc thuần âm. Kẻ luyện nội công thuần dương thì đòn thế uy mãnh vô cùng, nếu dùng kèm vũ khí sẽ thường chọn món binh khí to lớn hoặc nặng nề. Kẻ luyện nội công thuần âm thì ngược lại hoàn toàn. Sau, bà ta lại chỉ dẫn cho An Định Hầu cách tìm ra điểm yếu để phá bỏ bớt công lực đối phương. Phen đó, An Định Hầu nghe nữ nhân nọ thao thao bất tuyệt nhẩm ra toàn là phương cách đối phó với kẻ luyện nội công thuần dương. Ông có trí nhớ rất tốt nên bà ta nói đến đâu đều được ghi nhớ không sót một lời nào. An Định Hầu chờ bà ta nói xong mới hỏi về thuật khắc chế công lực thuần âm. Bà kia chỉ cười trừ căn dặn nếu gặp cao thủ luyện nội công thuần âm thì tốt nhất chỉ nên chạy trốn. An Định Hầu biết bên trong lời nói còn nhiều ẩn khúc nhưng quân cơ đang bận nên đành thôi. Trước khi từ biệt, An Định Hầu có hỏi tên, nữ nhân kia đáp đạo hiệu Hạnh Nguyên. Lúc này vương hầu mới hay đã gặp được nữ đạo tục thế. Phen đó, An Định Hầu đã giữ nữ đạo Hạnh Nguyên cùng hành quân thêm ba ngày để được nghe bà ta luận về đạo pháp. Nhờ đó, tâm tính ông không còn hiếu sát như trước, nhìn việc tự nhiên lại minh mẫn tột độ. Thành ra nếu để An Định Hầu kể ra những người khiến ông ta tâm phục nhất trong đời, nữ đạo Hạnh Nguyên hiển nhiên đứng đầu.
An Định Hầu liên miên nhớ lại lời nữ đạo Hạnh Nguyên bèn chăm chăm quan sát đoán chừng tử huyệt của lão Ma Tăng. Nữ đạo Hạnh Nguyên tuy chỉ dẫn kỹ lưỡng nhưng một là An Đình Hầu không rành về trí huyệt đạo trên người, hai là chuyện kia đã xảy ra gần hai mươi năm, An Định Hầu trí nhớ tốt đến đâu cũng bị trăm công ngàn chuyện làm cho mai một. Ông hừ nhạt trong bụng:
- Ta nhớ bà ấy nói huyệt Nhũ Trung là một trong các tử huyệt của kẻ luyện nội lực thuần dương! Ta cứ tìm cách đánh vào huyệt này trên người lão hòa thượng ác ôn. Lão không chết thì cũng tiêu tán mấy phần công lực!
An Định Hầu hoành đao gạt một côn đang đập tới rồi phản kích. Từ lúc giao chiến, An Định Hầu chỉ chăm chăm thủ thế né tránh khiến lão Ma Tăng sanh chủ quan. Ma Tăng an tâm chỉ việc đập thêm chừng mươi gậy nhất định đánh chết An Định Hầu. Chẳng ngờ An Định Hầu phản kích chém một đao ngang hông, Ma Tăng khinh khỉnh dùng côn sắt đỡ lấy. Nét mặt lão hòa thượng liền biến đổi lạ lùng, bao nhiêu nét kinh hãi đều dần dần lộ ra hết thảy. Đao của An Định Hầu bị chận lại nhưng dư chấn truyền sang cây côn sắt khiến hai cổ tay Ma Tăng đau nhức vô kể. Lão nhủ thầm trong bụng:
- Một tên tướng quân lại có nội lực kinh người như vậy ư?
An Định Hầu chém một đao đã phần nào đoán được chênh lệch giữa hai bên. Ông an tâm không thèm thủ thế chém liền mười sáu mười bảy đao đều chỉ một hướng từ trên xuống dưới. An Định Hầu ra đòn nhanh như chớp, kẻ đứng ngoài chỉ thấy thanh trường đao của ông ta như tia chớp xanh lè cứ thi nhau nhè đỉnh đầu của lão Ma Tăng. Ma Tăng hoảng loạn chỉ biết đưa côn sắt lên chống đỡ. Thuật dùng đao này tương tự chuyện dồn đá lấp sông. Sông dẫu lớn đến đâu nhưng nếu bị đá cứ lấp dần từng từng phần thì kết cuộc dòng nước cũng bị chặn lại. An Định Hầu chém xuống mười đao thì lão Ma Tăng hầu như quỳ sụp xuống đất mới chống đỡ nổi. Căn bản, nhát đao đầu tiên chưa tiêu tán hết uy lực đã được nhát đao thứ hai bồi thêm giúp sức. Cứ thế đến nhát đao thứ mười, một đao An Định Hầu chém xuống giống như núi lớn đè đất bằng. Lão Ma Tăng nội công tuy cao thâm nhưng chưa từng bị kẻ nào áp đảo đến thế nên càng lúc càng lúng túng.
An Định Hầu chém đến đao thứ mười ba thì hai đầu gối của lão Ma Tăng đã bị lún sâu vào đất không còn thấy rõ. An Định Hầu cười hà hà:
- Chịu được mười ba đao của ta vẫn không sao thì sức lực của lão thật tốt! Giỏi lắm! Giỏi lắm!
Lão Ma Tăng ngỡ An Định Hầu ngơi tay nên mừng rỡ tranh thủ điều khí để phản kích. Lão chưa kịp bật dậy thì nghe hai bên tai đau nhói tựa thể màng nhĩ đã bị xuyên rách công vào não khiến đầu óc quay cuồng như trúng tà. Là An Định Hầu đã hoành đao hét lớn. Khoảng cách gần, uy lực tiếng thét lại dữ dội, Ma Tăng sợ An Định Hầu thừa cơ chém bồi nên hai tay vẫn giữ nguyên côn sắt giơ ngang che chắn đỉnh đầu. Lão ngầm vận lực để định thần nhưng hai tai chỉ còn nghe tiếng ù ù như có gió bão rít bên trong.
An Định Hầu thấy lão Ma Tăng đã thua thế liền vung đao lấy hết sức lực chém bồi một nhát. Ma Tăng kinh hãi vận lực dồn hết vào hai tay đưa côn sắt đón đỡ. Chỉ nghe binh khí chạm nhau kêu ngọt một tiếng, cây côn sắt của lão ma đã bị lưỡi đao An Định Hầu chém đứt thành hai khúc. Theo đà lưỡi đao chém xuống nhất định sẽ chẻ đôi đầu của Ma Tăng. Lão ma hai chân đang quỳ trên đất không cách nào xoay trở nổi đành chỉ biết nhắm mắt chờ chết. Những tên còn lại trong Thất Sát đều trợn mắt kêu la khiếp đảm. Tên Bách Thủ Thư Sinh tức thì nhè lưng An Định Hầu đánh liên tiếp mấy quyền giải nguy. Hắn ngẫm dầu không cứu được Ma Tăng chí ít cũng đánh gãy lưng đối phương để trả thù cho đồng bọn.
Quyền của tên Thư Sinh chưa đến nhưng An Định Hầu đã nghe có lực ép chặt sau lưng. Hầu gia không dám xem thường liền ứng phó. An Định Hầu thuận chân đá mạnh lên ngực lão Ma Tăng nhân đó làm điểm tựa nhảy vọt ra sau. An Định Hầu vẫn quay lưng nhưng thanh trường đao đang chăm chăm chém xuống đầu Ma Tăng liền được đổi thế quét ngược. Kẻ luyện võ đều biết đến bậc cao thủ thượng thừa cũng chẳng thể vừa dùng cả tay lẫn chân ra đòn cùng lúc. An Định Hầu vừa tung cước vừa quét đao chém hậu nhanh như thể đồng loạt, tên Bách Thủ Thư Sinh thấy vậy không khỏi kinh hãi đoán chừng đã gặp cao thủ nội công đích thực. Hắn tự biết nếu chẳng nhân cơ hội An Định Hầu đang quay lưng mà đánh bại thì khi ông ta phản kích nhất định khó chống đỡ nổi. Thành ra, tên Thư Sinh dồn hết thảy công lực ra quyền tới tấp.
Bách Thủ Thư Sinh quả nhiên đánh trúng vào lưng An Định Hầu hai quyền nhưng ngược lại đã bị thanh trường đao của ông ta quét ngược nhằm ngay sườn trái. Hắn đinh ninh một khi trúng quyền, An Định Hầu nhất định sẽ buông đao té bịch xuống đất tại chổ nên không hề phòng bị. Tên Thư Sinh luyện được bộ quyền Thạch Cương Đầu, mỗi chiêu mỗi thức đều có uy lực rất lớn. Thường khi giao chiến, Bách Thủ Thư Sinh cùng lắm chỉ phải đánh đến hai quyền thì đối phương đã gãy xương nát thịt chết thảm. Phen này hắn đã tận lực đánh trúng lưng An Định Hầu chẳng những không khiến ông té ngã còn bị thanh trường đao quét ngang hông. Hắn kinh hãi la lớn chắc rằng thân thể nhất định bị chặt đứt thành hai khúc. An Định Hầu nghe tiếng Bách Thủ Thư Sinh thảm não đột ngột xoay tay trở đao. Thành ra, Bách Thủ Thư Sinh thay vì chết thảm chỉ bị sóng đao đánh trúng phần cơ mềm bên hông. Dư lực của đao khiến hắn văng ra hơn năm thước nằm dài trên đất, tưởng chừng nội tạng đều bị dập nát.
An Định Hầu chưa kịp xoay lưng đã thấy bốn bề toàn ánh kiếm loang loáng. Mụ Ác Ni cùng lão đạo Thâu Âm Tử đồng loạt nhảy vào vây hãm. Mụ Ma Ni dùng kiếm rất quái dị. Thanh kiếm trong tay mụ uyển chuyển nhưng phát ra ánh ngân quang làm lóa mắt An Định Hầu. Đấy là Quang Dương Kiếm. Kiếm đánh ra hợp cùng ánh mặt trời phát quang làm lóa mặt địch thủ. Mụ Ma Ni nhờ Quang Dương Kiếm đã tắm máu hằng hà vô số nhân mạng. Cao thủ dẫu đến đâu nếu phải nhắm mắt mà giao chiến khác gì tự chặt tay chặt chân của mình. An Định Hầu không phải là cao thủ hiển nhiên khó khăn còn gấp bội. Chưa kể lão đạo Thâm Âm Tử chuyên dùng ám khí. Lão đoán An Định Hầu bị Quang Dương Kiếm làm lóa mắt nhất định đã hoảng loạn thần trí nên tức tốc phóng liền mấy loạt kim châm nhỏ xíu. Thâu Âm Tử cho rằng An Định Hầu dầu múa đao giỏi đến đâu cùng lắm đỡ được vài chiêu kiếm của Ma Ni nhưng khó bề tránh khỏi ám khí bay đến như vãi trấu.
Mụ Ma Ni biết Bách Thủ Thư Sinh, Ma Tăng, Bạch Mao Cơ Phát thua thảm phần lớn vì khinh địch. Hiển nhiên mụ không muốn dẫm lên vết chân của đồng bọn. Thành ra, mụ dùng Quang Dương Kiếm đến cực đỉnh để khiến An Định Hầu bị lóa mắt, sau đánh liên hồi hơn chục chiêu kiếm đều nhắm vào các nơi yếu nhượt như cổ họng, hạ bàn, đôi mắt, quyết một lần là diệt gọn. Kiếm của mụ chưa đến nơi thì ám khí của Âm Thâu Tử đã chụp tới. Cả hai đinh ninh phen này đã thay đồng bọn để trả thù.
Ma Ni hăm hở dùng kiếm áp sát An Định Hầu đột nhiên thấy trước mặt có vô số chấm sáng li ti như hạt gạo. Mụ kinh hãi vội chuyển kiếm đánh văng hết thảy. Khi định thần, Ma Ni mới biết những chấm sáng nhỏ đó chính là ám khí của Thâu Âm Tử. Mụ nhớ lại đồng bọn thì phần cổ của Thâu Âm Tử đã bị bàn tay cứng như thép nguội của An Định Hầu siết chặt. An Định Hầu điềm nhiên một tay nắm cổ họng Thâu Âm Tử, tay kia dùng trường đao kề lên vai Ma Ni. Thanh đạo nặng tám chục cân cộng thêm thần lực của An Định Hầu khiến Ma Ni gồng mình ngỡ đang vác hơn ba trăm cân nặng tự nhiên càng lúc càng quỳ người xuống chống chịu. May An Định Hầu chỉ dùng phần sóng đao thành ra Ma Ni dẫu thua thiệt cùng lắm chỉ bị gãy xương vai chưa đến nổi rách nát thịt da chết thảm.
Mụ ta trợn mắt lắp bắp hỏi:
- Ngươi…ngươi lẽ nào có thần nhãn nên mới thoát được Quang Dương Kiếm của ta?
Mụ nói xong tự nhiên toàn thân sợ hãi toát cả mồ hôi lạnh. Kiếm pháp của mụ tuy không đâm trúng An Định Hầu nhưng đã chém rớt chiếc nón tre trên đầu ông ta. Từ khi dẹp thế phục kích ở rừng trúc, An Định Hầu vẫn đeo mặt nạ ngạ quỷ, nón tre có rớt mất cũng chẳng ai thấy được khuôn mặt âm dương. Tuy nhiên, mụ Ma Ni ngẩng lên bắt gặp hai con mắt của ẩn sau mặt nạ thì sợ hãi đến run rẩy:
- Mắt ngươi…mắt ngươi…!
Mụ thấy con mắt trắng dã của An Định Hầu như nhìn thấy hết mọi ngóc ngách trong tâm cang tự động cúi gầm mặt không sao mở miệng được. Thâu Âm Tử thì bị con mắt đỏ rực như than đỏ của An Định Hầu làm cho hồn vía đều tán loạn. Cổ họng lão bị nắm chặt, đoán chừng An Định Hầu mạnh tay thì khác gì bóp vỡ một quả trứng, đơn giản vô cùng.
An Định Hầu nhờ có đôi mắt khác lạ người thường cho nên dầu bị món kiếm pháp Quang Dương quái dị của Ma Ni làm lóa mắt nhưng vẫn nhìn được rõ ràng. Cho nên ông ta dễ dàng múa đao gạt hết ám khí của Thâu Âm Tử. An Định Hầu nhiều phen dẫu đầu quân lính công phá địch nên chuyện gạt loạn tiễn đã thành thục thành bản năng. Kể ra ám khí của Thâu Âm Tử với tên bắn loạn trên chiến trường có nhiều khác biệt nhưng đại khái đều là vật phóng tới. An Định Hầu chỉ việc múa đao che kín kẽ là giải nguy được. Mụ Ma Ni trúng mớ ám khí do An Định Hầu gạt ra đành phải chuyển thế kiếm chống đỡ. An Định Hầu chỉ đợi thế liền ra tay khống chế cả hai. Trên chiến trường một chút sơ suất đã phải đổi bằng mạng sống, cho nên An Định Hầu một khi đã tận dụng thời cơ nhất định chẳng để sổng đối thủ bao giờ.
Công Tôn Uyển thấy An Định Hầu đánh bại năm tên trong bọn Thất Sát dễ dàng như trở bàn tay thì phấn khích la hét:
- Ngài thật là oai phong!
Nàng tiểu thư ưa nghĩ đến chuyện tình ái lại lim dim mơ màng:
- Ngài ấy nếu chịu làm tân trại chủ Thiên Ngưu Bang có khi nào thấy ta nhan sắc mặn mà rồi đòi làm phu nhân thì…
Nàng ta nghĩ đến đây tự nhiên đỏ hồng hai má e thẹn. Vốn bọn thổ phỉ thường có thông lệ gọi là áp trại phu nhân. Có nghĩa, nếu trại chủ chọn cô nương nào dẫu là trâm anh khuê các hay bình dân thôn nữ, cả bọn nhất định bắt cóc mang về. Ngoài thông lệ trên, còn một tục nếu tân trại chủ lên nắm quyền ngó thấy nữ giới thân thích của trại chủ cũ vừa mắt thì người nữ đó sẽ nghiễm nhiên thành phu nhân. Thiên Ngưu Bang vốn là trại thổ phỉ nên hai tục trên tự nhiên thành lệ bắt buộc. Ví như An Định Hầu Đinh Quang Viễn làm tân nhiệm trại chủ, đừng nói chuyện nạp Công Tôn Uyển làm phu nhân, ví như ông ta có chọn hết mỹ nhân ở Đại Lý thì bọn Thiên Ngưu Bang nhất định tận mạng đáp ứng.
Công Tôn Uyển tuy khiếp sợ khuôn mặt âm dương của An Định Hầu nhưng nhìn ông uy phong lẫm liệt, chánh khí ngợp trời thì thích chí cười híp mắt mơ màng. Nàng ta từ bé đến lớn quanh đi quẩn lại chỉ thấy mấy phó trại chủ trong Thiên Ngưu Bang. Mấy trại chủ này cũng là kẻ có dũng mãnh nhưng Công Tôn Uyển đem cả bọn so bì với An Định Hầu liền thấy khác biệt nhau như trời cao đất thấp. Không ai biết trong cái đầu luôn thêu dệt bao chuyện phong tình kia đã dệt mộng đến tận đâu nhưng khuôn mặt Công Tôn Uyển càng lúc càng chín đỏ như đào mọng.
Lúc này, An Định Hầu đã rút đao khỏi vai Ma Ni. Mụ cứ chắc sẽ bị cắt cổ hoặc không thân thể thành hai khúc máu me nên ngoan ngoãn chịu chết, chẳng ngờ được tha. Ma Ni không khỏi ngỡ ngàng:
- Ngươi…ngươi tha cho ta ư? Ngươi không giết ta thì ta cũng sẽ giết ngươi mà thôi!
An Định Hầu chẳng thèm đáp chỉ cung tay đang nắm cổ Thâu Âm Tử ném mạnh. Lão ta liền bị văng đi nằm cạnh Bách Thủ Thư Sinh cùng Ma Tăng. Thâu Âm Tử bị siết cổ đã nghạt thở thành ra hầu như không còn sức kháng cự. May, Bách Thủ Thư Sinh tuy bị thương nhưng vẫn gắng gượng vận công đón lấy nên Thâu Âm Tử không bị va vào nền đá cứng. Lão bàng hoàng lẩm bẩm:
- Hắn…hắn vì sao không giết ta?
An Định Hầu nhắm chừng năm tên Thất Sát không còn khả năng gây hại mới nhìn lão nhất Cố Tự Thành, hỏi:
- Ngươi còn chờ gì lại không ra tay?
Trên mặt Cố Tự Thành đầy nét bàng hoàng, bàng hoàng vì sợ thì ít, bàng hoàng vì kinh ngạc thì hiện rõ mồn một. Lão hất hàm hỏi An Định Hầu:
- Vì sao ngươi không giết lại tha cho các đệ muội của ta?
An Định Hầu đáp thản nhiên:
- Bọn các ngươi đến chừng này tuổi có được một thân công phu như vậy hiển nhiên đã chịu nhiều cực khổ. Nếu bị ta một đao giết bỏ thật uổng biết bao. Coi như ta cho các ngươi cơ hội sống mà hoàn lương. Liệu mà sống tốt!
An Định Hầu nói xong ấn mạnh tay một cái. Thanh trường đao bị cắm sâu xuống nền đá hơn thước. Cả bọn Thất Sát đều giật mình thán phục.
Lão Ma Tăng liền đứng dậy thở dài:
- Bỏ đi! Bỏ đi! Ông ấy đã tha cho ta lẽ nào ta không biết phải trái! Lão nhất, vụ làm ăn này ta không muốn làm nữa!
Bách Thủ Thư Sinh cũng đứng lên, nói:
- Nếu ông ta không động lòng trở đao, ta đã bị chết thảm! Ta tuy ưa giết chóc nhưng cũng biết đạo lý ơn nghĩa rõ ràng. Ta không muốn theo vụ làm ăn này nữa! Lão nhất thứ lỗi cho ta!
Mụ Ma Ni siết chặt tay cầm kiếm chừng như suy ngẫm rất hung mới ném thanh kiếm xuống đất:
- Ta cũng bỏ vụ làm ăn này! Xem như ta không có số được mười hai vạn lượng vàng. Ta định bụng giết người này xong khi nhận vàng sẽ âm thầm ra tay giết cả thảy các ngươi để chiếm một mình. Số vàng đó không nhận thì hơn!
Mụ nói xong liền cười khanh khách bước đến cạnh lão đạo sĩ Thâu Âm Tử xem xét thương tích. Hiển nhiên lời vừa rồi của mụ chỉ là đùa nơi cửa miệng. An Định Hầu thấy mụ cùng mấy kẻ trong Thất Sát khí khái như vậy thì cười xòa:
- Tâm của các ngươi vẫn còn sáng lắm!
Lão nhất Cố Tự Thành trong Thất Sát bật tràng cười ha hả:
- Bỏ thôi! Bỏ thôi! Ta cũng tính xong vụ làm ăn này sẽ treo kiếm thoái ẩn. Mười hai vạn lượng vàng đủ cho bảy anh em ta tráng táng phủ phê đến cuối đời. Nhưng xem chừng, bọn Thất Sát chúng ta gieo nhiều nghiệp ác nên cuối đời phải sống cảnh bần hàn!
Lão nói xong liền lấy trong người ra một phong thư. An Đình Hầu nhìn lão chỉ siết nhẹ tay thì phong thư đã bị nát vụn thành bụi không khỏi giật mình kinh ngạc. Ông đoán chừng công lực của Cố Tự Thành cao thâm nhất bọn, tự lượng nếu lão thật sự giao chiến chưa chắc bản thân có thể thắng được. Bức thư lão ta vừa hủy chính là bản giao ước giết An Định Hầu. Lão hủy xong giao ước bèn nhìn Ân Bích Câu, hỏi:
- Ngươi cũng nên bỏ đi thôi!
Ân Bích Câu không đáp nhảy liền khỏi tảng đá đang ngồi. Ả xăm xăm chạy đến cạnh An Định Hầu, giọng run rẩy hỏi:
- Ngài…ngài có phải mang dị tướng trên mặt?
An Định Hầu nghe giọng nói Ân Bích Câu như thể mừng rỡ quá độ thì ngạc nhiên đáp:
- Phải, ta có mang dị tướng trên mặt! Các ngươi đã biết ta là An Định Hầu của Đại Cồ Việt thì lẽ nào không hay việc trên? Khắp Đại Cồ Việt ai cũng biết ta mang dị tướng này!
Ân Bích Câu tức thì xuống giọng van nài:
- Ta…ta xin ngài một việc! Cầu xin ngài một việc!
Ả nói xong tự động quỳ xuống trước mặt An Định Hầu dập đầu lia lịa. An Định Hầu thấy sự thể quái lạ không khỏi chau mày nghĩ ngợi. Tuy nhiên, Ân Bích Câu từ giọng nói đến hành động đều thực tâm van nài thê lương tột độ. An Định Hầu liền cúi xuống ngăn nàng ta lại, nói:
- Ngươi không cần dùng đại lễ đến vậy! Ngươi cần ta làm việc gì?
Ân Bích Câu run giọng đáp:
- Xin ngài…xin ngài cho thiếp hỏi, có phải…có phải bên hông trái của ngài còn sáu vết thẹo do vuốt sắt gây ra!
Năm tên Thất Sát nhập bọn cùng Ân Bích Câu đã mười năm chớ hề nghe ả nói lời dịu dàng đoan chính đến thế. Cả bọn đều đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác. An Định Hầu chinh chiến lâu năm nên thân thể mang chi chít không biết bao nhiêu vết sẹo. Ân Bích Câu hỏi khiến An Định Hầu tự động đưa tay lên hông trái rờ thử. Quả nhiên có sáu vết sẹo. Ông ta liền gật đầu:
- Phải, có những vết thẹo đó nhưng ta không nhớ là do vuốt sắt hay do binh khí gì gây ra!
Ân Bích Câu lúc này đã rơi lệ lã chã xuống đất, van nài:
- Xin ngài…ngài cho thiếp xem được không?
An Định Hầu chau mày hỏi:
- Ngươi…nàng muốn xem làm gì?