Lão Thâu Âm Tử thường ngày hay châm chọc Ân Bích Câu. Giờ nghe ả đề nghị được xem thân thể An Định Hầu, lão tuy đang bị thương vẫn cười lớn mai mỉa:
- Ân muội, có phải muội thấy ông ta vừa kiêu dũng vừa nhân từ nên đã động lòng rồi phải không? Hay muội thấy ông ta tha chết cho bọn ta nên muốn hiến thân đáp tạ chăng?
Ân Bích Câu tức thì liếc xéo lão hét lớn:
- Hàm hồ!
Tiếng hét tuy êm tai nhưng lão Thâu Âm Tử tự động trợn mắt ói liền ngụm máu tươi. Nếu không vì nể tình đồng hữu, Ân Bích Câu nhất định đã dùng tiếng hét mà giết chết Thâu Âm Tử. An Định Hầu đứng gần nàng ta thành thử cũng bị tiếng hét công tâm. Ông phải gồng người mới định thần được. An Định Hầu thầm đoán công lực của Ân Bích Câu cực kỳ thâm hậu, giật mình ví thử nếu nàng này cùng lão nhất Thất Sát đồng loạt ra tay thì ông nhất định nguy khốn.
Ân Bích Câu lại dập đầu liên tục van nài:
- Thiếp không hề có chút tà tâm nào! Chỉ xin được nhìn sáu vết thẹo trên người ngài!
Công Tôn Uyển ngồi ở xa không rõ thực hư câu chuyện. Nàng ta sợ An Định Hầu bị Ân Bích Câu lừa gạt nên la lớn:
- Tân trại chủ cẩn thận! Coi chừng trúng gian kế của ả dâm phụ đó!
Ân Bích Câu đang dập đầu cầu cạnh vẫn nhặt lẹ một viên sỏi ném về phía Công Tôn Uyển. Nàng ra tay nhanh đến độ An Định Hầu kịp nhìn ra thì viên sỏi đã ném trúng phiến đá bên cạnh Công Tôn Uyển. Phiến đá nọ liền bị lỏm một lổ sâu chừng ba đốt tay. Công Tôn Uyển nếu bị viên sỏi ném trúng tự nhiên sẽ chết không kịp trối. Ân Bích Câu chỉ muốn dằn mặt. Công Tôn Uyển bị một phen khiếp vía không dám mở miệng nói thêm tiếng nào.
An Định Hầu thấy bản lãnh của Ân Bích Câu cao thâm đến vậy bèn nói:
- Nếu nàng muốn hại ta thì dễ dàng biết bao, cần gì phải bày trò hạ mình cầu cạnh rườm rà! Được, ta cho nàng xem!
An Định Hầu liền vén cao áo thô để lộ phần hông chằng chịt những vết sẹo. Cố Tự Thành ngó thấy nhẩm đến cũng ra được gần năm mươi vết thương không khỏi tặc lưỡi:
- Ông ta thật lớn mạng!
Ân Bích Câu chớ hề quan tâm đến các vệt sẹo khác trên người An Định Hầu. Nàng chăm chăm nhìn vào hông trái của An Định Hầu vẫn còn nguyên sáu vết sẹo đều tăm tắp thì rú lên bật ngửa ra sau. An Định Hầu hoảng hồn vội cúi xuống vòng tay sau lưng Ân Bích Câu để giữ lại. Nàng ta thở hổn hển nhìn, nài nỉ:
- Xin ngài…xin ngài cởi bỏ mặt nạ cho thiếp nhìn dị tướng được chăng?
An Định Hầu không giỏi đoán định tâm tư nhi nữ nên đáp thực bụng:
- Chỉ sợ làm nàng kinh hãi! Thường thì chưa có ai dám nhìn trực diện vào khuôn mặt ma quái của ta!
An Định Hầu chưa nói xong thì Ân Bích Câu đã thò tay giật chiếc mặt nạ ngạ quỷ ném xuống đất. Năm tên Thất Sát ngó thấy khuôn mặt âm dương đều trợn mắt tự động té bịch xuống đất. An Định Hầu lường trước cả bọn sẽ phản ứng như vậy nên cũng không buồn lòng. Ông đoán chừng Ân Bích Câu nhất định rất sợ hãi. Ai dè Ân Bích Câu thấy được bộ mặt âm dương chẳng những không sợ còn dùng cả hai tay ôm lấy khóc kể:
- Đúng là khuôn mặt này! Đúng là khuôn mặt này!
Nàng ta khóc kể mếu máo liên hồi liền ôm chặt lấy An Định Hầu ré lên:
- Ơn công! Thiếp tìm gặp được ngài rồi!
An Định Hầu giật mình tức thì đứng dậy. Ngặc nổi, Ân Bích Câu cứ ôm chặt cứng không chịu buông tay. An Định Hầu từ lúc có Thác Hoa đã biết tính phu nhân ưa ghen hờn nên không khỏi la thầm trong bụng liền đẩy Ân Bích Câu ra xa. Ông ta đẩy người đẹp xong mới chợt nhớ đây là đất của Đại Lý chẳng phải ải Quỷ Môn hay điện Vĩnh Tường ở Đại Cồ Việt nên không lo bị đôi mắt như dao sắc của Thác Hoa cạnh khóe. Ân Bích Câu nét mặt hân hoan tột độ khóc kể liên hồi:
- Ơn công không nhận ra thiếp ư?
An Định Hầu vắt nát óc nhất thời không hiểu được vì sao tự nhiên thành ơn công của Ân Bích Câu. Bản thân ông khi còn trẻ cũng đã mấy lần cải dạng đi vào đất Đại Tống để thị sát tình hình biên ải, về phần Đại Lý thì đây là lần đầu tiên đặt chân đến. An Định Hầu mỗi lần cải dạng đi đều rất bí mật tránh xa can dự vào chuyện bên lề thành ra không sao nhớ đã từng giúp Ân Bích Câu lúc nào. Ông ta nhẩm cơ hội thành ơn công của Ân Bích Câu rõ ràng là không thể, chắc mẩm ả này đã nhận lầm người.
An Bích Câu thấy An Định Hầu đứng ngẩn ngơ liền hỏi:
- Ơn công không nhớ thiếp ư?
An Định Hầu lắc đầu đáp:
- Nàng nhất định đã nhầm lẫn! Ta không thể nào làm ơn công của nàng được!
Ân Bích Câu tức thì xõa tung áo ngoài. Nàng ta cởi ngược yếm trong để lộ thân thể tựa được tạc từ khối ngọc thạch. Công Tôn Uyển đỏ mặt nhắm chặt mắt không dám nhìn. Năm tên Thất Sát đứng sau nên chỉ thấy được phần lưng trắng ngần không khỏi thần hồn loạn nhịp. An Định Hầu trợn mắt thấu hết chân tơ kẻ tóc đôi khuôn ngọc tưởng chừng đến nín thở. Ông liền quay sang hướng khác, gằn giọng:
- Ta ngỡ ngươi thật tâm hóa ra lại bày chuyện vô luân đến vậy! To gan!
An Định Hầu tức giận gằn giọng đến cuối lại thành quát to. Ân Bích Câu khóc nức nở mà đáp:
- Ngài…ngài nhìn đi đâu vậy? Ngài không thấy vết thương trên người thiếp ư?
An Định Hầu chột dạ nhưng chẳng dám ngó nhìn thử. Ông cố mường tượng nhưng trong đầu chỉ toàn là khỏa thể đẹp như ngọc của Ân Bích Câu, chớ hề nhớ được vết thương tròn méo thế nào. Ân Bích Câu liền nói:
- Ngài đã chăm sóc thiếp hơn nửa tháng, lẽ nào ngài không nhớ ư?
An Định Hầu tức thì xua tay lia lịa:
- Nàng mau mau mặc lại y phục! Ta thật tình không sao nhớ nổi!
Ân Bích Câu không dám trái ý vội chỉnh trang y phục. Nàng lại lấy trong tay áo lụa ra một chiếc khăn màu đen đã ố màu. Xem chừng vật này đã có từ lâu, nhờ Ân Bích Câu bảo quản cẩn thận nên mới còn nguyên vẹn. Cả năm tên Thất Sát lẫn Công Tôn Uyển đoán chừng là tín vật ghi tình. Cả sáu người không khỏi chột dạ đoán già đoán non vì sao một vị hầu gia xấu đến độ cả quỷ ma thần thánh đều kinh sợ lại được lòng một mỹ nhân như Ân Bích Câu.
An Định Hầu biết Ân Bích Câu đã chỉnh lại y phục mới an tâm ngó thử. Ông thấy chiếc khăn đen liền nhíu mày ngó chăm chăm vào góc phải, quả nhiên có thêu nổi hình đầu hổ. An Định Hầu có thói quen dùng đồ rất cẩn trọng thành ra mỗi một món vật dụng đều được ghi nhớ cẩn thận. Ông nhìn chiếc khăn đen đoán chừng là vật được dùng cách đây chừng mười năm. An Định Hầu liền hỏi Ân Bích Câu:
- Nàng đã bao nhiêu tuổi?
Ân Bích Câu đáp:
- Thiếp vừa tròn hai mươi tám!
An Định Hầu lẩm bẩm:
- Nếu ta từng gặp nàng này thì đã là chuyện của mười năm trước! Nàng ta lúc đó tầm mười tám tuổi, ta cũng chỉ tầm vừa ba mươi! Phen đó ta đã từng đến ải Đông Môn để thị sát chuyện bố phòng của nước Tống! Nàng ta đến giờ vẫn nhớ rõ khuôn mặt âm dương mà không hề sợ hãi hiển nhiên trước đây cũng chớ hề sợ!
An Định Hầu gõ tay lên trán mấy cái để hồi tưởng. Trong đời ông chẳng mấy khi tiếp xúc với nữ nhân, lại là nữ nhân không hề sợ dị tướng khuôn mặt âm dương thì càng dễ nhớ. An Định Hầu tức thời trợn mắt nhìn Ân Bích Câu nghiêm giọng:
- Chẳng phải nàng là cô tiểu thư có mùi xạ hương kỳ quái đó ư? Ngươi…ngươi tại sao lại thành ra như vầy?
An Định Hầu nhớ được khuôn dung thùy mị đoan chính lẩn khuất trong ký ức mười mấy năm dài đem đối chiếu với sự lã lơi cợt nhã của Ân Bích Câu bây giờ thì đùng đùng nổi giận:
- Mười năm qua ngươi đã làm gì để ra nỗi này!
Ân Bích Câu ôm mặt khóc nức nở:
- Vì sao ngày ấy ngài chẳng cho thiếp theo cùng? Chỉ vì ngày ấy ngài chẳng cho thiếp theo cùng mà thôi!
Năm tên Thất Sát cùng Công Tôn Uyển mắt tròn mắt dẹt không hiểu cớ sự gì. Trong bọn Thất Sát, lão nhất Cố Tự Thành có kinh nghiệm lang bạt giang hồ hơn hết thảy. Lão lẩm nhẩm một lúc thì hô lớn:
- Sáu vết thương đó chẳng phải do Lục Khiếu Quỷ gây ra ư?
Lão hô lớn xong thì mừng rỡ xăm xăm tiến về phía An Định Hầu luôn miệng hỏi:
- Mười năm trước Lục Khiếu Quỷ chết dưới đao ngài ư?
An Định Hầu nghe cái tên Lục Khiếu Quỷ tự nhiên rùng mình nhớ lại chuyện cũ. Ông nghiến răng đáp:
- Ta đã giết chúng!
Ông điểm giận khiến khuôn mặt âm dương càng trở nên dữ tợn quá độ. Cả thảy đám Thất Sát chẳng người nào dám nhìn thẳng. Công Tôn Uyển tuổi còn nhỏ nên không hề biết đến ngoại hiệu Lục Khiếu Quỷ. Riêng bọn Ác Ni, Ma Tăng, Thâu Âm Tử, Bách Thủ Thư Sinh nghe Cố Tự Thành nhắc đến, lại nghe chính miệng An Định Hầu thừa nhận, tức tốc dắt dìu nhau đến cạnh bên. Cả bọn tự động quỳ xuống vái lễ, hỏi:
- Ngài đã giết Lục Khiếu Quỷ ư?
An Định Hầu nổi một trận sát khí trong mắt xong tự nhiên thở dài ngao ngán:
- Khi đấy ta còn trẻ tuổi chưa biết kềm sát tính! Tuy nhiên nếu bây giờ để ta gặp lại bọn chúng, ta cũng thẳng thừng chém chết cả thảy. Sáu tên yêu nghiệt đó dẫu chết trăm lần chẳng đền được hết tội!
Năm tên Thất Sát tự nhiên chảy dài hai dòng nước mắt dập đầu lia lịa:
- Ơn công! Ngài đúng là ơn công của chúng tôi! Chúng tôi không biết còn muốn chận đường giết ngài, thật không bằng được cầm thú!
Công Tôn Uyển ngồi từ xa không khỏi giật mình:
- Ngài ấy chẳng phải làm hầu gia ở phương nam xa xôi ư? Sao tự nhiên đều thành ơn công của bọn Thất Sát!
Công Tôn Uyển từ lúc biết An Định Hầu, bất kể khi trúng mai phục ở rừng trúc hay đối đầu với Thất Sát đều không thấy ông sợ hãi, nhưng nhắc đến chuyện của mười năm trước, ông ta phải rùng mình mấy bận. Công Tôn Uyển đoán chừng phải là chuyện cực kỳ khủng khiếp. Nàng ta liền bạo gan đến gần để hóng tai nghe.
An Định Hầu thấy cả bọn thay nhau dập đầu liền xua tay lia lịa:
- Các ngươi chớ rườm rà lễ nghĩa! Ta sao là ơn công của các ngươi được?
Cố Tự Thành đáp:
- Lục Khiếu Quỷ đã giết hại vợ con của ta!
Lão nhất chưa dứt lời thì lần lượt Ác Ni, Ma Tăng, Thâu Âm Tử, Bách Thủ Thư Sinh thay nhau kể tội. An Định Hầu nghe ra bọn Lục Khiếu Quỷ không giết vợ con thì hại thân thích hoặc ân sư của Thất Sát. Khi đó những tay Thất Sát này còn trẻ tuổi, bản lãnh yếu kém nên chẳng thể địch nổi Lục Khiếu Quỷ đành chỉ biết ôm hận. An Định Hầu vô tình giết Lục Khiếu Quỷ nên tự động trở thành ân nhân cả bọn. Ông nhìn Ác Ni, Ma Tăng, Thâu Âm Tử, đoán chừng những ni, sư, đạo đây vì để trả thù cho ân sư nên từng bước dấn thân vào con đường sai trái, không khỏi phải chạnh lòng.
Lục Khiếu Quỷ là sáu tên ác ma chuyên cưỡng dâm cướp bóc. Thủ đoạn bọn chúng tàn độc lại thêm bản lãnh tài giỏi đến độ quan quân nhà Tống không hề dám truy cứu đành nhắm mắt cho qua. Năm xưa An Định Hầu cải dạng sang Đông Môn vô tình giáp mặt cả bọn ở ngoại thành. Ông thấy thảm cảnh do Lục Khiếu Quỷ gây ra không nhịn được liền đùng đùng vác đao ra tay. An Định Hầu kịch chiến hơn một ngày mới chém chết được cả sáu tên ác ma. Phen đó bản thân ông bị thương phải dưỡng hơn nửa tháng mới lành lặn. Ví như trên thân thể An Định Hầu có hơn trăm vết sẹo thì một phần chính là từ trận chiến với Lục Khiếu Quỷ năm xưa.
An Định Hầu nhìn Ân Bích Câu vẫn đang ôm mặt khóc thảm vội xua năm tên Thất Sát cùng Công Tôn Uyển ra xa. An Định Hầu biết Ân Bích Câu trong trận đụng mặt với Lục Khiếu Quỷ. Ông muốn hỏi chuyện nhưng sợ bị bọn kia nghe thấy. Lục Khiếu Quỷ nổi tiếng thích cưỡng dâm, thành thử năm tên Thất Sát sẽ đoán ra ngay được Ân Bích Câu từng bị sáu tên ác ma cưỡng đoạt. An Định Hầu thấy điệu bộ Ân Bích Câu lúc này chẳng khác gì phường lẳng lơ vô đạo nhưng vẫn cố giữ thể diện cho nàng ta. Năm tên Thất Sát được ông ta tha mạng đã kính phục lòng trượng nghĩa, nay biết ông tay giết Lục Khiếu Quỷ giúp trả mối thù chung càng kính trọng tột độ. An Định Hầu nói một tiếng, bọn chúng liền nghe theo không dám cãi lại. Công Tôn Uyển rất muốn nghe ngóng nhưng trong bụng sợ Ân Bích Câu cũng đành miễn cưỡng tránh đi xa.
An Định Hầu vừa dẹp trận mai phục ở rừng trúc, lại đụng phải đám Thất Sát nên sức lực không khỏi suy giảm. Ông nắm thanh trường đao ấn sâu vào đá thêm một thước cho chắc chắn rồi ngồi bệch xuống dựa lưng vào thân đao nghỉ ngơi. Ân Bích Câu vẫn còn khóc tấm tức không ngớt. An Định Hầu đợi nàng ta nguôi ngoai rồi ra hiệu cùng ngồi xuống. Ông dịu giọng hỏi:
- Ta nhớ mười năm trước, nàng vốn là một trâm anh khuê các, cớ gì hôm nay chẳng khác gì hạng gái phong trần? Ẩn khúc như thế nào?
Ví thử như trước đây, An Định Hầu đã chẳng được bình tâm đến thế. Vốn ông tính khí bộc trực, gặp hạng phản loạn hay phường ác bá một thì làm ngơ chớ hề đoái hoài, hai là ra tay tận diệt không bao giờ chịu bỏ thời gian nghe lời diễn giải. Âu cũng nhờ lần gặp nữ đạo Hạnh Nguyên ở núi Yên Tử. Nữ đạo dùng đức hạnh cùng lời đạo cao thâm đã điểm hóa khiến An Định Hầu thay tâm đổi tính dần trở nên biết suy xét mọi chuyện khách quan không còn phiến diện như trước.
Ân Bích Câu nghe An Định Hầu hỏi bèn đem bao nhiêu tủi nhục trong mười năm dài gục lên chân ân nhân nghẹn ngào:
- Ngài năm đó sao đành đoạn bỏ lại thiếp? Sao không cho thiếp theo cùng! Ngài có biết thiếp đã sống tủi khổ đến dường nào không?
An Định Hầu thấy Ân Bích Câu khóc thảm không khỏi động lòng nhớ lại chuyện cũ.
Mười năm trước thuở Đinh Tiên Hoàng Đế mới thống nhất được loạn mười hai sứ quân lên ngôi xưng đế, An Định Hầu nhận được mật chỉ thám thính bố phòng biên ải của Đại Tống để ngừa nạn ngoại xâm. An Định Hầu không thể công khai chiêng trống đi sứ, đành phải cải dạng làm thường dân để trà trộn. Ông đến gần ải Đông Môn liền đem ngựa và trường đao giấu kín trong góc rừng rồi mới ung dung thám thính. Độ chừng ba ngày sau khi xong chuyện, An Định Hầu tức tốc rời ải Đông Môn để trở về Đại Cồ Việt. Chẳng ngờ đến được nới giấu ngựa, An Định Hầu kinh hoàng nhận ra một trường thảm kịch tột độ. Trên phần đất rừng kéo dài chừng năm sáu mươi thước ngỗn ngang chừng hai mươi xác người. Nam thì bị mổ bụng phanh thây. Nữ thì không một mảnh vải che thân, đoán chừng bị cưỡng bức tàn bạo rồi mới bị chặt đầu moi ruột giết bỏ. An Định Hầu chinh chiến lâu năm đã quen nhìn cảnh giết chóc nhưng ngó thấy thảm cảnh phải rùng mình kinh sợ. Thuở này tính khí của ông còn nóng như lửa bèn thúc ngựa chạy sâu vào rừng xem thử. Dọc đường đi, An Định Hầu thấy thêm độ mười thi thể nữ nhân cũng bị cùng thủ đoạn tàn độc trên giết hại. Ông nhìn máu vẫn chảy ra đỏ thẫm đoán chừng hung thủ chưa đi được xa càng thêm sôi gan truy tìm.
Quả nhiên ở cạnh một con suối nhỏ, An Định Hầu gặp sáu tên mặt mày hung ác đang thi nhau cưỡng bức một thiếu nữ. Ông nhìn y phục của nàng bị vứt vương vãi đoán chừng là bậc trâm anh khuê các. An Định Hầu giận mờ mắt tức thì quát lớn xách đao nhảy bổ vào cả bọn. Sáu tên kia bị phá đám chẳng những không sợ còn khinh khỉnh nói : “ Khôn hồn thì cút đi, Lục Khiếu Quỷ bọn ta đang cao hứng”. An Định Hầu nhìn cả bọn dễ dàng tránh được loạt đao liền biết là những tay có bản lãnh. Nhưng ông ngó người nữ nằm dài dưới đất chẳng rõ sống chết thế nào, trên thân ngọc lại hằn đầy những vết tím bầm biết chừng đã bị sáu tên kia đua nhau đày đọa thì khí giận át cả lý trí. An Định Hầu cười nhạt đáp: “Lục Khiếu Quỷ ư? Bộ mặt của các ngươi có gì đáng sợ lại dám tự nhận là quỷ? Để quỷ lớn ta hôm nay đưa những đứa quỷ con các ngươi về đầu với Diêm Chúa!”. An Định Hầu dứt lời liền cởi bỏ lớp ngụy trang để lộ khuôn mặt âm dương. Sáu tên Lục Khiếu Quỷ đởm hồn la hét kinh động cả góc rừng. An Định Hầu chiếm được tiên cơ vội vàng múa đao chém dữ dội. Bọn Lục Khiếu Quỷ là tay cứng cựa dầu kinh sợ dị tướng của An Định Hầu nhưng chẳng hề bị lép vế. Bọn chúng chia nhau luân phiên vây đánh dữ dội. An Định Hầu tuy là kẻ thiện chiến sa trường nhưng đối đầu với chúng không khác gì đang bị hai ba trăm quân vây hãm nên dù chiếm tiên cơ vẫn lâm vào thế trận xa luân chiến.
Đôi bên chém qua đâm lại đến chiều vẫn không phân được thắng thua. Lục Khiếu Quỷ có nội công cao thâm nên điềm nhiên giữ được lợi thế. An Định Hầu có thần lực như tướng trời nhưng nếu càng kéo dài thì ít nhiều cũng phải suy giảm sức lực. Ông nhắm bề cứ loạn chiến thế này trước sau gì cũng chết ở đất người bèn dùng phương cách chia để trị. Ông hoành đao đánh dạt sáu tên quỷ ra xa rồi bất thần thét lớn. Cả bọn chẳng ngờ An Định Hầu còn có ngón đòn lợi hại này nên không khỏi bất ngờ. An Định Hầu đảo mắt tìm ngay được tên yếu nhất trong bọn đang run rẩy tay chân, bèn múa đao nhè tên đó mà dốc chiến. Những tên còn lại sau khi định thần vội lao vào giải cứu đồng bọn. An Định Hầu lường trước nên chỉ việc thét thêm một tiếng khiến những tên kia phải lùi lại. Kết cuộc An Định Hầu cũng chém chết được một tên. Lục Khiếu Quỷ thiếu một tự nhiên rối loạn trận thế. An Định Hầu xoay chuyển được cục diện mừng rỡ múa đao càng hăng.
An Định Hầu theo cách trên tuần tự giết được năm tên trong Lục Khiếu Quỷ. Căn bản bọn chúng so bì nội lực hay khả năng cận chiến đều chỉ hơn không kém An Định Hầu. Tuy nhiên, một là An Định Hầu có sức lực như tướng trời cộng thêm thanh trường đao vừa sắc bén vừa nặng nề, hai là bọn chúng đã kinh sợ dị tướng trên mặt An Định Hầu nên khi đến gần tên nào cũng tự động khiếp thầm trong bụng đâm ra sơ suất, ba là tiếng thét của An Định Hầu thực sự có uy lực bạt vía, thành ra cuối cùng đều thành oan hồn dưới đao.
An Định Hầu giết được năm tên Lục Khiếu Quỷ, sức lực gần như đã suy kiệt. Ông đã quen chuyện kịch chiến với quân địch mấy ngày mấy đêm liền trên sa trường nên sức chịu đựng tự nhiên được tôi luyện hơn hẳn những kẻ khác. Dẫu vậy, đèn đã khô dầu thì bấc tự nhiên bị cháy lụi hồ chi sức lực con người. Tên cầm đầu Lục Khiếu Quỷ biết An Định Hầu kiệt sức nên cứ chạy vòng vòng lựa thời cơ đâm lén. Hắn có khinh công cực cao, An Định Hầu mấy phen cài thế chém đao đều bị trượt ngược lại còn bị hắn dùng vuốt sắt có sáu cạnh đâm mấy mươi nhát lên thân thể. Hắn dùng kế mèo vờn chuột đợi lúc An Định Hầu cạn hơi sẽ lao vào phanh thây hòng trả thù cho đồng bọn. An Định Hầu đoán được ý trên bèn cố để hắn vần vũ thêm mấy phen mới vờ buông đao điệu bộ như sắp ngã xuống đất. Tên kia mừng rỡ vội nhảy xổ tới đâm một vuốt vào hông trái An Định Hầu toan sẽ lôi hết ngũ tạng địch thủ ra ngoài. Ngờ đâu vuốt vừa đâm vào hông An Định Hầu thì cổ họng của hắn đã bị ông nắm chặt. Lúc này bao nhiêu khinh công của hắn đều trở nên vô dụng. An Định Hầu chỉ việc nén đau dồn hết thần lực vào tay còn lại nhè đầu hắn đánh một quyền. Tên cầm đầu Lục Khiếu Quỷ bể óc chết liền không kịp la trối một tiếng.
An Định Hầu giết xong Lục Khiếu Quỷ thì ngã vật ra đất bất tỉnh nhân sự. Ông nằm mê mang đến nửa đêm mới có thể cựa mình tỉnh giấc. Các vết thương trên thân thể tuy nhức buốt vô kể nhưng đều đã khô máu. An Định Hầu loay hoay tự cứu chữa vết thương xong mới nhìn nàng tiểu thư kia vẫn nằm dài trên đất mà chạnh lòng, nói: “Ví như ta đến sớm hơn thì chí ít cũng cứu được mạng của nàng!”. Ông chắc rằng nàng ta đã chết nên càng tự trách liên hồi không ngớt. Chừng nguôi ngoai, ông bước đến cạnh bên nàng ta dập đầu vái ba cái, khấn vái: “ Nàng sống đã bị kẻ khác làm ô nhục thì chết đi nếu để thân thể dơ bẩn, hồn vía nhất định không sao siêu thoát cho đặng!”. Khấn vái xong, An Định Hầu liền bế xác nàng kia xuống con suối tắm rửa cẩn thận. An Định Hầu đoán nàng đã chết nên chẳng hề kiêng dè chuyện nhìn khỏa thể trần truồng. Chẳng ngờ mới tắm rửa được một lát, nàng kia không chịu thấu dòng nước đêm lạnh buốt liền rùng mình.
Vốn nàng ta không hề chết, chỉ là bị bọn Lục Khiếu Quỷ đua nhau đày đọa, lại thấy An Định Hầu mặt mũi hung tợn chém giết cứu nguy. Nàng ta vừa nhục nhã vừa khiếp đảm nên bất tỉnh nhân sự. Khi nàng ta tỉnh lại đúng dịp An Định Hầu đang dập đầu khấn nguyện. Nàng ta biết ông không tiết tính mạng đã ra sức giải nạn toan nhổm người dậy cảm tạ. Nghiệt nỗi, thân thể không hề có mảnh vải che thân, lại chưa biết tâm tư ơn công thế nào, ví như tỉnh dậy gặp phải kẻ có tà tâm khác nào lại tự chuốc thêm cái họa nhục nhã phen nữa. Thành ra, nàng vẫn giả vờ như đã chết để xem xét. Trên người nàng tiểu thư bất hạnh nọ bẩm sinh đã toát ra thứ xạ hương đặc biệt. Phàm đã là nam nhân ngửi phải xạ hương trên đều phải nổi nhục tính. An Định Hầu trước khỏa thể của nàng không thôi tự trách rồi dập đầu khấn vái kể ra đến lúc bế nàng xuống suối tắm rửa đã hơn hai khắc, mũi ngửi được không ít mùi xạ hương trên nhưng chớ hề động lòng. Nàng biết ông đích thực là quân tử chân chính định lực vững vàng cộng thêm bản thân bị ngâm trong dòng nước lạnh buốt bèn cựa quậy run rẩy. An Định Hầu nhận ra hoảng sợ tột độ vội nhắm chặt mắt bế nàng lên ngay trên bờ.
An Định Hầu sợ bị nàng ta hiểu lầm bèn nói: “Ta cứ nghĩ nàng đã chết nên thật bụng chỉ muốn tẩm liệm chớ hề có ý xúc phạm thân thể!”. Nàng ta bị Lục Khiếu Quỷ cưỡng dâm đã có ý quyên sinh thành thử mặc kệ An Định Hầu nói gì chỉ một mực đâm đầu vào gốc cây cạnh suối để tự kết liễu. An Định Hầu hoảng hồn vội nhanh tay giữ lại. An Định Hầu lựa lời khuyên giải hơn hai canh giờ mới khiến nàng nguôi ngoai thôi có ý quyên sinh. Nàng tiểu thư bất hạnh dẫu đang khỏa thể cộng thêm mùi xạ hương gợi dục tính vẫn không khiến An Định Hầu phát sanh tà ý đã mến mộ trong lòng. Nàng vì thế không còn thấy sợ khuôn mặt âm dương của An Định Hầu. Trong bụng nàng chỉ muốn được theo làm nô bộc để tạ ơn bèn cầu cạnh. An Định Hầu có công vụ trong người nên nhất mực từ chối. Ông hỏi han nhà cửa của nàng rồi tự thân cưỡi ngựa đưa về. Đoạn đường đi ba ngày, nàng tiểu thư bất hạnh khóc kể liên hồi chỉ xin được theo cùng. An Định Hầu đương lúc tráng niên nên không khỏi động lòng nhưng chực nhớ binh vụ còn đè nặng trên vai chỉ đành gạt đi tình riêng mà khước từ. Đoạn đường ba ngày đưa tiểu thư bất hạnh về nhà thực chất là đoạn đường toàn nước mắt thê thiết
An Định Hầu đưa nàng tiểu thư bất hạnh đến nơi, không nói rõ tên tuổi cũng chẳng hỏi han người ngọc danh tính thế nào, thúc ngựa đi vội về đất Đại Cồ Việt. Nghiệp binh trăm công ngàn việc, An Định Hầu dần dà quên mất chuyện trên.
An Định Hầu thấy Ân Bích Câu như thể thấy lại tráng chí năm xưa, lòng dạ tự nhiên dâng tràn ngỗn ngang xúc cảm. Ông liền hỏi:
- Ta lần đó đã đưa nàng về lại bên song thân, lẽ nào gia thế sanh biến nên mới lưu lạc thành ra thế này ư?
Ân Bích Câu đã bình tâm. Nàng cười chua chát đáp:
- Ngài nào có hay cha thiếp vốn đã có tà tâm. May nhờ mẹ không thôi bảo vệ nên thiếp mới không bị làm hại. Sau, thân mẫu qua đời, cha thiếp nhân cơn rượu đã làm nhục thiếp. Thiếp vừa thẹn, vừa nhục nhã đã lén ra bờ sông sau nhà trầm mình tự vẫn!
An Định Hầu nghiến răng tức giận bèn đánh một quyền xuống nền đá:
- Trên đời có hạng làm cha cầm thú thế ư?
Ân Bích Câu cười thảm:
- Thiên hạ này nam nhân nào chẳng có thú tính! Ngoại trừ ngài có định lực vững vàng, phàm kẻ nào ngửi được mùi xạ hương của thiếp đều muốn bày trò dâm loạn mà thôi!
Ân Bích Câu bị Lục Khiếu Quỷ cưỡng dâm sống dỡ chết dỡ. An Định Hầu cứu được nàng nghĩ trả về cho song thân sẽ yên ổn ngờ đâu vô tình hại nàng bị làm nhục thêm phen nữa. An Định Hầu không khỏi tự trách trong bụng.
Ân Bích Câu gạt lệ kể tiếp:
- Thiếp trầm mình tự vẫn chẳng chết lại được một đạo sĩ cứu được. Người này đạo hạnh uyên thâm lại có võ công cao cường. Thân thiếp đã bị hai phen ô nhục nên xin đạo trưởng nhận làm đệ tử. Thiếp chỉ mong được đạo pháp dẫn độ để có thể sống yên bình đến cuối đời!
An Định Hầu nghe vậy liền mừng rỡ:
- Người xưa dạy, đại nạn không chết tất gặp hậu phước! Nàng thật may mắn!
Ân Bích Câu không nỡ cắt ngang niềm vui của ông ta. Nàng đợi nét mặt hớn hở kia nguôi xong mới rớt lệ thổn thức:
- Thiếp cứ tưởng phen này đã được yên thân! Biết đâu lão đạo sĩ kia cố dùng đạo hạnh thâm nghiêm để che giấu tà tâm! Lão chịu đựng được ba tháng rồi lộ khuôn mặt cầm thú. Lão ta có võ công cao cường, thiếp không sao kháng cự nổi chỉ biết cắn răng chịu đựng. Lão dày vò thiếp một tháng, thiếp đã hơn bốn mươi lần muốn tự vẫn!
An Định Hầu ngỡ hai tai như bị ù đi, tức giận nghiến răng trèo trẹo:
- Sự đời sao còn lắm kẻ đốn mạt đến vậy?
An Định Hầu lại đánh một quyền xuống nền đá. Mấy tên Thất Sát cùng Công Tôn Uyển ngồi đằng xa không sao nghe rõ mấy lời kể lễ thì thầm của Ân Bích Câu. Cả bọn thắc mắc không hiểu Ân Bích Câu nói gì lại khiến An Định Hầu lúc giận lúc vui cứ đánh quyền thình thịch xuống đá cứng. Bọn chúng nhìn nền đá trong chốc lát vỡ tan tành như bị búa lớn nện xuống chỉ biết chặt lưỡi lắc đầu thán phục thần lực của An Định Hầu.
Ân Bích Câu gắng gượng kể lại nổi tủi nhục. Nàng cố bình tâm không òa khóc, nghẹn giọng căm phẫn:
- Về sau thiếp tự nghĩ, nếu vì hạng đốn mạt đó mà chết thì thật uổng mạng. Cho nên thiếp đã dùng thân thể để đổi lại được lão dạy võ công. Thiếp cắn răng chịu đựng hơn bảy năm kết cuộc đã giỏi hơn lão.
An Định Hầu nhìn ánh mắt Ân Bích Câu ánh lên sát khí đoán chừng nàng ta đã ra tay thành toàn cho lão sư phụ cầm thú. An Định Hầu liền đánh một quyền gật gù:
- Giết hay lắm! Nhưng với hạng đốn mạt đó đánh một quyền hay đâm một kiếm giết bỏ vẫn còn dễ dãi!
Ân Bích Câu chẳng đủ định lực để kềm chế bèn bật khóc thảm nảo. Nàng ôm lấy khuôn mặt âm dương của An Định Hầu, nghẹn giọng:
- Suốt những ngày tủi nhục đó, mỗi lần thiếp muốn tự vẫn, mỗi lần thiếp nản chí đều nhớ về khuôn mặt của ngài. Có như vậy thiếp mới can đảm sống tiếp!
Ân Bích Câu khóc thảm đến độ bọn Thất Sát lẫn Công Tôn Uyển nghe thấy tức thời mềm lòng. An Định Hầu có bụng tự trách bản thân ngày trước vô tâm, nghe hết biến cố trong mười năm tủi hổ của Ân Bích Câu thêm thương cảm. Ông ngẫm lại bao chuyện hồng trần Ân Bích Câu đã trải qua, càng thấy sự đời lắm nẻo trái ngang trí trá không thua gì đạo điều khiển binh mã trên chiến trường, chẳng tìm được lời nào khuyên giải cho đặng đành mặc người ngọc dựa vào thân mình khóc kể.