Chinh Nhân Oán Ca Chương 46

Chương 46
Núi Thanh Ngưu Trổ Thần Uy

An Định Hầu ngẫm Ân Bích Câu ra cớ sự hôm nay tự bản thân ông cũng có một phần trách nhiệm. Ân Bích Câu gặp lại cố nhân trong mộng thuở nào, chợt thấy mười năm như thể mới hôm qua không tránh khỏi tủi hờn. An Định Hầu không quen vỗ về đành để Ân Bích Câu phục lên chân mà khóc thỏa thê.

An Định Hầu chờ Ân Bích Câu bình tâm mới hỏi:

- Ta đến giờ vẫn chưa biết danh tính của nàng!

Ân Bích Câu thuận miệng đáp liền:

- Bọn giang hồ gọi thiếp là Dâm Nương Ân Bích Câu!

An Định Hầu nghe xong lại nổi một trận thịnh nộ. Ông quát:

- Nàng…nàng thật hồ đồ! Sao lại tự tiện chịu để kẻ khác miệt thị đến vậy? Hay chăng nàng thật sự đã trở nên dâm loạn như tên hiệu? Nàng bị kẻ khác làm nhơ nhớp chưa đủ ư?

Ân Bích Câu khó một lời lý giải đành cúi đầu dạ liên hồi. An Định Hầu gọi năm tên Thất Sát. Chờ cả bọn đến gần, ông lại hỏi tên tuổi lẫn ngoại hiệu. Ông ta nghe nào là Ác Ni, Ma Tăng thì đùng đùng nổi giận:

- Chùa chiền nào lại có loại ni cô hòa thượng như vậy! Thật hồ đồ!

An Định Hầu quay sang hỏi lão đạo. Lão ta đáp đạo hiệu không chút che giấu. An Định Hầu gật gù:

- Thâu Âm Tử, cái hiệu tuy quái đản nhưng chí ít không có chút gì tà đạo!

Lão Ma Tăng bị An Định Hầu quát mắng nên thấy lão đạo được khen bèn không nhịn được, nói:

- Ơn công chớ bị lừa! Lão mũi trâu đó chuyên dụ dỗ khuê nữ hút lấy âm khí của họ để tu luyện nội công nên mới có cái hiệu Thâu Âm. Hắn thêm một chữ Tử cho ra vẻ đạo gia để che mắt đó thôi!

An Định Hầu hiểu ra cớ sự thì nghiến răng ken két. Ông tuy không hiểu kiểu hút âm khí luyện công như thế nào nhưng nghe chuyện dụ dỗ khuê nữ đoán ngay không phải chuyện tốt lành gì. Lão đạo thấy An Định Hầu nghiến răng sợ hãi vội nói:

- Ta đã bỏ lối luyện công ấy rồi! Lão đầu trọc chớ đổ dầu vào lửa!

An Định Hầu chỉ trừng mắt nhìn sang tên thư sinh. Hắn thấy ánh mắt như lửa đỏ tức thì cúi mặt nói hiệu. An Định Hầu nghe xong lại hỏi:

- Hiệu của ngươi là Bách Thủ Thư Sinh là gắn với món nội công tàn ác nào đó chăng?

An Định Hầu đã nghi oan. Trong đám Thất Sát, Bách Thủ Thư Sinh là kẻ đoan chính nhất bọn. Tên Thư Sinh nghe hỏi vội giải thích cặn kẽ. An Định Hầu gật gù rồi đáp:

- Ta thấy các ngươi nếu đồng loạt vây hãm thì ta nhất định đã khó sống nổi. Tuy nhiên, các ngươi vẫn chỉ đấu đơn lẻ, chứng tỏ trong bụng còn chút khí khái! Các ngươi từ giờ phải hồi tâm, chớ tạo nghiệt thêm. Bằng không nhất định có ngày bị kẻ khác giết hại!

Năm tên Thất Sát trong lòng đã coi An Định Hầu chẳng khác gì cha mẹ sống dậy thành ra ông ta nói đến đâu, cả bọn đều thưa dạ cẩn kính cẩn. Cố Tự Thành chờ An Định Hầu dứt lời liền lên tiếng:

- Ơn công có muốn biết ai đã thuê bọn ta giết hại ơn công?

An Định Hầu liền cười hà hà:

- Người muốn ta chết nhiều vô kể! Bọn chúng không chỉ bỏ tiền cho các ngươi, nhất định còn không ít người mai phục trên đường ta đi sứ!

Cố Tự Thành thấy tính khí An Định Hầu hào sảng, cử chỉ lại rõ ràng, ngầm hiểu ông ta nhất định làm hầu gia nghiêm minh. Chuyện bè phái trong triều thanh trừng nhau tất nhiên phải trừ kẻ không thể lôi kéo ngã về cùng hướng. Lão càng ngẫm càng thấy mến phục vị hầu gia có khuôn mặt quái dị trên. Lão nhìn cả bọn. Ác Ni, Ma Tăng, Thâu Âm Tử, Bách Thủ Thư Sinh hiểu ý đồng loạt quỳ xuống hướng về An Định Hầu vái liền chín cái. Cố Tự Thành nói:

- Bọn tôi năm xưa đều là kẻ lương thiện. Chẳng may bị bọn Lục Khiếu Tử đồng loạt gây mấy án mạng khiến thân thích đều chết thảm. Bọn tôi từ đó không ngừng tập luyện võ nghệ để trả thù thành ra lệch đường sai hướng. Nay gặp được ơn công lại tha cho bọn tôi một mạng, xin ơn công chứng giám, bọn tôi từ đây sẽ sống lương thiện không còn dám giết chóc bừa bãi!

An Định Hầu cười khà khà nâng cả bọn đứng dậy:

- Phải lắm! Phải lắm! Chúng ta nào phải thánh nhân tránh sao không lầm lỗi cho được! Các ngươi cứ sống tử tế, bao nhiêu tội lỗi ngày xưa tự nhiên sẽ được hóa giải!

An Định Hầu khi giao chiến với bọn Thất Sát nương tay cốt yếu không chỉ muốn gieo thêm oán thù, nhờ vậy vô tình cảm hóa được cả bọn. Ông ngẫm lại lời giảng dạy của nữ đạo Hạnh Nguyên mới hay chừa cho kẻ khác một đường sống quả thật sẽ bớt được không ít kẻ xấu.

An Định Hầu thấy Công Tôn Uyển vẫn đang ngồi chờ đợi mới nhớ chuyện cấp tốc lên núi Thanh Ngưu. Ông liền từ biệt bọn Thất Sát để lên đường. Ân Bích Câu đêm mong ngày nhớ mới gặp được cố nhân dễ gì chịu ly biệt. Nàng ta đòi sống đòi chết theo An Định Hầu cho bằng được. Trong lòng An Định Hầu đã ăn năn chuyện bỏ mặc Ân Bích Câu ngày trước nên gật đầu ưng thuận. Ông toan cưỡi ngựa đi thì Ân Bích Câu liền la bài hãi. Nàng ta thấy Công Tôn Uyển ngang nhiên được đi ngựa nên không khỏi ganh tị. An Định Hầu chẳng thể để Công Tôn Uyển đi bộ, cũng không nỡ để Ân Bích Câu chạy theo, kết cuộc đành cùng hai người đẹp cưỡi ngựa chạy thẳng lên núi Thanh Ngưu.

An Định Hầu khi nhận chỉ dụ đi sứ đã không hề có bụng sống để trở về. Thành thử tâm tính tự nhiên thông thoáng. Ví như trước đây, An Định Hầu dễ gì chịu để kẻ khác ngồi sau yên ngựa. Ông chinh chiến sa trường tất phải hiểu cái gọi là yếm trá. Tuy nhiên, An Định Hầu như kẻ đã nhận trước án tử, chỉ ung dung chờ cái chết giáng xuống, bao nhiêu điều trước đây thường được phòng hờ, ông đều bỏ ngoài hết thảy. Đừng nói là Công Tôn Uyển hay Ân Bích Câu, như việc chớ hề biết Thiên Ngưu Bang đang gặp đại nạn gì, ông ta vẫn điềm nhiên nhận lời chớ hề do dự. Ông suốt bao năm trên ngai hầu bị bốn phương tám hướng toàn ánh mắt dè chừng, nay được dịp tung hoành trước khi chết, chỉ muốn được thoải mái một phen. Công Tôn Uyển chỉ mới biết An Định Hầu nên cứ cho rằng ông tánh tình hào sảng. Riêng Ân Bích Câu đã gần gũi từ trước, nàng nhẩm tính sau mười năm dài, tính cách An Định Hầu rõ ràng đã khác biệt, không khỏi hoang mang đoán thầm trong bụng.

Đường lên núi ngang qua một tảng đá lớn giống tạc hình đầu trâu nổi giữa bốn bề rừng trúc xanh mướt. An Định Hầu đoán chừng vì tạo vật thú vị trên nên núi này mới có tên Thanh Ngưu. Dọc đường ông ngó cứ cách độ sáu trăm bước chân có dựng một canh gác nhưng đều bị bỏ trống, thầm hiểu người của Thiên Ngưu Bang đã tập trung hết trên đỉnh núi. An Định Hầu nhìn dấu chân của người lẫn ngựa in loạn trên vài chổ đất mềm càng chắc doanh trại Thiên Ngưu Bang đang bị vây hãm.

Ngựa chưa lên đến đỉnh núi, An Định Hầu đã thấy đông người tụ tập trên một khoảng đất rộng chừng hơn mẫu vuông. Ông chưa kịp nhìn rõ liền nhận ra bóng dáng của phó trại chủ Cố Ngạn. Không biết Cố Ngạn vừa trúng quyền hay cước, thân thể hắn bị đẩy ngược ra sau trượt dài trên nền đá cứng. Cố Ngạn gắng gượng vận công cố đứng vững nhưng bất lực. An Định Hầu nhìn phía sau Cố Ngạn là một tảng đá lớn. Nếu hắn cứ bị trượt như vậy hiển nhiên sẽ đập đầu vào đá nguy hiểm tột độ. Ông không chần chừ tay nắm trường đao nhún người nhảy vọt khỏi lưng ngựa. Bọn người vây hãm đang chăm chú theo dõi bất ngờ thấy có kẻ nhảy vào trợ giúp Cố Ngạn không khỏi giật mình. Chân An Định Hầu chưa chạm đất tay đã phóng trường đao cắm xuống mặt đá hơn hai thước. Ông một tay nắm chặt thân đao, một tay tóm lấy cổ áo Cố Ngạn nương theo đà văng xoay vòng quanh trường đao hai bận hóa giải hết lực đẩy. Bọn người vây hãm cùng người của Thiên Ngưu Bang nhìn ông ta phóng đao xuống đá cứng dễ như trở tay đều phục thầm. Bọn Thiên Ngưu Bang đang sợ Cố Ngạn thua thảm, đột ngột xuất hiện một kẻ quái dị đeo mặt nạ ngạ quỷ giải được nguy liền thi nhau hô vang dội khắp núi.

Cố Ngạn nhận ra được An Định Hầu thì mừng rỡ tưởng như phát khóc. Hắn vội vàng quỳ xuống chắp tay vái lễ hô lớn:

- Cung nghinh tân nhiệm trại chủ đăng sơn!

Hắn hô xong thì lớn tiếng gọi:

- Phó trại chủ Mộc Hành, phó trại chủ Điền Lực, phó trại chủ Cung Mẫn, trại chúng của Thiên Ngưu Bang mau mau hành lễ với Đinh trại chủ!

Cố Ngạn dứt lời, An Định Hầu nghe phía trước tiếng hô cung nghinh chẳng khác nào sấm dậy.

Cố Ngạn về núi đã đem chuyện gặp gỡ An Định Hầu kể ra với mọi người trong Thiên Ngưu Bang. Cố Ngạn đem chuyện bị trúng phục kích ở rừng trúc kể ra, đám trại chúng cùng các phó trại chủ khác tặc lưỡi khen không ngớt. Dẫu vậy, bọn chúng không khỏi có phần nghi hoặc trong bụng. Chừng thấy An Định Hầu ra tay cứu Cố Ngạn, bọn Thiên Ngưu Bang mới tin tưởng thật lòng. Thành ra Cố Ngạn bảo hành lễ, cả bọn tức thì quỳ xuống khấu đầu cung kính vô kể.

An Định Hầu đã dự tính trước. Ông nhận lời giúp Thiên Ngưu Bang nên dẫu tự nhiên được phong thành trại chủ cũng chẳng có gì bất tiện. Đợi giải quyết xong nạn trong bang, An Định Hầu tùy ý lựa đại trong đám phó trại chủ một người thay thế hoặc giả giao hẳn cho Cố Ngạn là êm chuyện.

Bọn người Thiên Ngưu Bang bị vây khốn hơn nửa ngày, các phó trại chủ đều bị đánh bại nên nhuệ khí suy giảm cùng cực. Giờ xuất hiện một tân nhiệm trại chủ trên trời rơi xuống khiến cả bọn hăm hở xốc lại đảm lược. An Định Hầu chẳng đợi người Thiên Ngưu Bang tung hô hai lần liền cười hà hà ra hiệu miễn lễ. Cố Ngạn cung kính đi trước mở đường đưa An Định Hầu lên ngồi trên một chiếc ghế tạc từ đá nguyên khối đặt trên bệ cao, hiển nhiên là ghế dành cho trại chủ. An Định Hầu vừa ngồi yên thì thấy Cố Ngạn cùng ba người khác đồng loạt quỳ xuống vái lễ. Ba người nọ chính là các phó trại chủ của những trại Mộc, Điền, Cung. Công Tôn Uyển được một tên tiểu tốt dìu đến ngồi xuống một ghế nhỏ cạnh An Đình Hầu. Nàng ta vênh mặt nhìn Cố Ngạn, rõ ràng đang đắc ý vì đã đưa được ông ta lên núi còn chịu nhận ghế trại chủ.

An Định Hầu nhìn các phó trại chủ Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn đều là kẻ vai u thịt bắp nhưng khuôn mặt chẳng có chút máu, đoán chừng đã bị người khác đánh thương. Ông chưa kịp hỏi thì một đạo nhân tầm thước trong đám vây hãm liền bước ra. Lão đạo xá An Định Hầu một cái rồi nói:

- Chúc mừng Thiên Ngưu Bang đã có tân trại chủ. Đúng là trại của trâu nên trại chúa chẳng khác gì con trâu to xác!

Lão đạo nói xong, bọn vây hãm hùa nhau cười vang chế giễu. Một trung niên tầm bốn mươi đứng gần lão đạo cũng lên tiếng:

- Ta nghe tiền nhiệm trại chủ có để di thư quyết chọn trại chủ kế vị phải là kẻ có dị tướng khuôn mặt âm dương như bọn đầu trâu mặt ngựa nơi âm tỳ. Tân nhiệm trại chủ mau cởi cái mặt nạ kia cho bọn ta được xem rõ có đúng là giống đầu trâu mặt ngựa nơi âm tỳ chăng?

Có thêm mấy người cả nam lẫn nữ thay nhau lên tiếng, nghe ra toàn châm biếng cùng cực. Bọn Thiên Ngưu Bang tức khí tràn ngoài mặt nhưng vốn đã bị những người kia làm át vía nên chỉ đành chịu nhục.

An Định Hầu thản nhiên bảo với Cố Ngạn:

- Mau mau bịt tai lại!

Cố Ngạn biết ý tức thì hô to:

- Tân trại chủ có lệnh, trại chúng Thiên Ngưu Bang mau mau bịt tai!

Cố Ngạn khi trở về kể chuyện gặp gỡ tân nhiệm trại chủ, ngoài trí tuệ và thần lực, điều hắn ca tụng nhiều nhất chính là tiếng thét không khác gì bậc cao tăng Thiếu Lâm thi triển món nội công Sư Tử Hống. Người của Thiên Ngưu Bang đều được căn dặn từ trước thành ra nghe lệnh tự động bịt chặt hai tai. An Định Hầu thong thả đứng dậy hít một hơi căng đầy lồng ngực tức thì thét một tràng như sấm dậy. Trong đời An Định Hầu thù nhất là bị người khác đem dị tướng khuôn mặt âm dương của bản thân ra trêu chọc. Cho nên lần thét này, ông ta đem hết sức lực thi triển. Bọn người vây hãm đang vênh mặt chẳng kịp phòng bị nên trở tay không kịp. Đương trường có chừng độ hơn trăm tên, An Định Hầu thét xong thì những người đứng vững trong bọn vây hãm còn không quá mười người, mười phần hết chín đều té bịch xuống đất trợn mắt. Có nhiều tên yếu vía tự nhiên tiểu tiện ra quần. An Định Hầu có bụng muốn xem địch thủ mạnh yếu ra sao nên hít thêm một hơi cất vang tiếng thét lần nữa. Một hòa thượng tức tốc đứng dậy bước ra. Hòa thượng thân gầy như hạc nhưng mở miệng cất lên tiếng rống chẳng thua gì An Định Hầu. Nhờ vậy, đám người vây hãm yếu vía kia mới không bị thêm một phen khiếp đảm.

An Định Hầu nhìn hòa thượng chí ít phải hơn tám mươi tuổi, toàn thân đều toát lên đủ nét từ bi nhà Phật thì hể hả chắp tay vái lễ:

- Nhà sư tuổi cao nhưng sức lực thật tráng kiện!

Hòa thượng cười hiền niệm từ bi phật đáp:

- Xấu hổ! Bần tăng cố hết sức cũng chẳng thể át được tiếng thét của thí chủ! Thí chủ mới là người thắng cuộc!

An Định Hầu liền xua tay, nói:

- Nhà sư đã sai rồi!

Hòa thượng nọ không khỏi ngạc nhiên bèn hỏi:

- Không biết bần tăng đã sai ở điểm nào!

An Định Hầu đáp liền:

- Ta chỉ mới bốn mươi tuổi nên tráng chí vẫn còn vượng nhiều. Ta chắc gì đến năm tám mươi tuổi như nhà sư vẫn có thể hét lớn đến vậy. Chẳng phải nhà sư đã vô tình nói sai đó sao?

Hòa thượng ngẫm ra lý trên thì cười hiền nói:

- Bần tăng thật không dám nhận! Thí chủ đã quá khiêm nhường!

Lão hòa thượng nói xong tự động quay trở lại chổ cũ ngồi xuống. Những người cầm đầu bọn vây hãm đều hết dám để nét mặt giễu cợt. Hòa thượng nọ có phật hiệu là Giác Minh, đương chủ trì Đạt Ma Viện của chùa Thiếu Lâm Tự. Bọn vây hãm hùa nhau sanh sự với Thiên Ngưu Bang để đòi thù cũ nhưng chúng vẫn giữ quy luật trên giang hồ nên cực công mời một cao tăng theo cùng để làm chứng. Vừa rồi nhà sư Giác Minh thấy An Định Hầu thét một tiếng đã làm khiếp vía hết thảy bọn vây hãm. Nhà sư sợ vị tân nhiệm trại chủ kia thét thêm tiếng nữa thì hồn vía bọn người vây hãm nhất định tán loạn, bọn thổ phỉ Thiên Ngưu Bang nếu nhân đó ùa ra chém giết sẽ bày ra trận tắm máu khủng khiếp. Thành thử nhà sư đành bước ra dùng công phu Sư Tử Hống để hóa giải tiếng thét của An Định Hầu. Nhà sư Giác Minh tự biết cục diện hôm nay có được hòa giải hay không chính là từ phen đối đầu này cho nên đã dùng hết thảy công lực cất lên tiếng hống, kết cuộc cũng chỉ ngang bằng không át nổi tiếng thét của An Định Hầu.

Giác Minh đoán vị tân trại chủ thắng thế nhất định sẽ ngạo nghễ mà miệt thị, chẳng ngờ lại được nghe toàn lời hào sảng khiêm nhường. Nhà sư yên tâm trong bụng mới an nhiên ngồi xuống để quan sát cục diện.

An Định Hầu quay sang trung niên vừa buông lời mai mỉa, nói:

- Ngươi muốn ta cởi mặt nạ xuống thì không khó, nhưng còn phải xem tay chân người nhanh nhẹn đến thế nào.

Trung niên thấy nhà sư Giác Minh còn phải nhún nhường nên tự thân không dám khinh địch chỉ im lặng không đáp. Đám trại chúng Thiên Ngưu Bang vừa được chứng kiến tân nhiệm trại chủ trổ thần uy đã phục đến sát đất bèn hùa theo hô vang:

- Muốn xem mặt tân trại chủ thì phải xem tay chân họ Âu Dương ngươi thế nào!

Trung niên nọ họ Âu Dương tên Chấn Thiên chủ trại Địa Ngưu ở Thái Hồ. So bì thù oán thì Địa Ngưu Bang và Thiên Ngưu Bang chưa hề có xích mích, tuy nhiên chỉ vì cái tên trái nghịch nhau đâm ra việc con gà tức tiếng gáy. Âu Dương Chấn Thiên hay tin nhiều người lên núi Thanh Sơn để tầm thù bèn cất công từ Thái Hồ đến để nhập bọn, muốn nhân cơ hội đập tan bảng hiệu Thiên Ngưu cho bỏ tức.

An Định Hầu cứ để bọn trại chúng gây khí thế. Ông yên vị trên ghế trại chủ để nghe Cố Ngạn diễn giải tình hình hiện tại. An Định Hầu làm tướng đã quen nên dẫu trong bộ dạng bần nông nhưng vẫn toát ra uy nghiêm chỉ huy. Lúc này bọn vây hãm đã định thần ổn định lại hàng ngũ. Chúng ngước nhìn An Định Hầu đeo mặt nạ ngạ quỷ ngồi trên cao uy nghiêm, lại nhìn thanh trường đao còn cắm sâu hai thước xuống đá cứng được ánh mặt trời chiếu rọi phát quang sáng lóa tự nhiên ớn lạnh trong bụng.

Cố Ngạn cố nói vắn tắt, An Định Hầu hiểu đại khái bọn người kia đến Thiên Ngưu Bang cốt chỉ vì mối thù của những tiền bối năm xưa bị cố trại chủ Công Tôn Thừa Chí giết hại. Cả hai phe đều không muốn cảnh loạn chiến nên đặt luật lệ, mỗi bên cử một người ra đấu ba hiệp, nếu thắng được hai coi như bên còn lại thua cuộc. Cứ tuần tự như vậy đấu đến hết người thì dừng. Đám tiểu tốt trong Thiên Ngưu Bang đều yếu kém nội lực thành ra bốn phó trại chủ phải lâm trận. Tuy nhiên, Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn, Cố Ngạn đều đã thua cuộc. May, An Định Hầu lên núi vừa kịp lúc. Bằng không Thiên Ngưu Bang chẳng còn ai để đấu tiếp tự nhiên phải đập bỏ bảng hiệu đốt doanh trại thoái ẩn.

Cố Ngạn nói xong, biết An Định Hầu không rành chuyện giang hồ bèn chỉ vào từng người cầm đầu trong bọn vây hãm mà diễn giải xuất thân lẫn võ nghệ. An Định Hầu nghe ra toàn bậc chọc trời khuấy nước lừng lẫy. Cố Ngạn nói xong thì hạ giọng:

- Tuy nhiên, người đáng sợ nhất chính là Giác Minh Đại Sư! Vừa rồi, đại sư đã tự nhận thua tân trại chủ!

Cố Ngạn nói đến đây thì cười bí hiểm. An Định Hầu hiểu ngay bọn cầm đầu còn lại cùng lắm bản lãnh chẳng thể thắng được ông, bèn yên bụng vội quát lớn để bọn trại chúng thôi hò hét. An Định Hầu hướng về nhà sư Giác Minh, nói:

- Nhà sư, ta bản tánh thô lỗ nên không mấy rành lễ nghĩa lại chẳng ưa các luật lệ rườm rà! Ta thấy luật đơn đấu rối rắm chi bằng chúng ta cùng thay đổi một chút!

Nhà sư Giác Minh hỏi:

- Không biết tân trại chủ muốn đổi thế nào?

An Định Hầu đáp:

- Bây giờ ở Thiên Ngưu Bang chỉ còn mình ta ứng chiến nên làm giản tiện thì hơn. Ta sẽ bước ra đấu với từng người. Ta sẽ giơ ngực chịu một quyền trước sau đó sẽ đánh lại một quyền. Cứ như vậy đến khi kẻ nào té ngã sẽ thua cuộc, vừa minh bạch vừa giản tiện lại chẳng mất nhiều thời gian!

An Định Hầu biết những cao thủ trong giới giang hồ thường có khinh công nhanh nhẹn vô độ. Năm xưa đánh nhau với tên cầm đầu Lục Thất Quỷ, An Định Hầu gần mất mạng cũng chỉ vì hắn có khinh công như phép biến hóa. An Định Hầu tính thầm nếu phải đối địch phen nữa nhất định khó thắng nổi mới đặt ra luật trên. Đôi bên đơn giản chỉ dùng quyền để tranh hơn thua thành ra dầu có khinh công tuyệt đỉnh cũng trở nên vô dụng.

Bọn người Thiên Ngưu Bang nghe An Định Hầu đặt luật đấu mới lại cho tân trại chủ muốn thị uy nội công trác tuyệt càng trầm trồ không ngớt. Nhà sư Giác Minh cùng những tên cầm đầu bọn vây hãm cũng có chung suy nghĩ trên, không khỏi nhìn nhau do dự. Tuy nhiên, nhà sư Giác Minh lại đồng thuận:

- Tân trại chủ nói phải lắm! Cứ theo cách trên vừa minh bạch vừa gọn gàng! Nhưng xin được nói rõ, chỉ dùng quyền không được dùng binh khí, khinh công hay tiếng thét. Bên nào vi phạm xem như là thua cuộc!

Nhà sư Huyền Tướng sợ An Định Hầu ỷ vào tiếng thét sẽ làm nguy khốn đối phương. An Định Hầu đoán được thâm ý của nhà sư nên cười khà khà đáp:

- Nhà sư nói phải lắm! Đôi bên chỉ đưa ngực cho đối phương đấm, chỉ được dùng quyền, các món võ công khác đều không được sử dụng!

An Định Hầu nói xong nhảy liền từ trên ghế cao xuống trước mặt bọn vây hãm. Ông ưỡn ngực nhìn cả bọn hỏi:

- Ai là đối thủ của ta?

Bọn trại chúng Thiên Ngưu Bang nhìn tân trại chủ một mình đối địch lại điềm nhiên không tỏ chút kiêng dè liền hùa nhau ca tụng không ngớt. An Định Hầu nghe lời tâng bốc càng lúc càng được tăng lên quá cỡ liền quay lại nạt lớn:

- Bọn ngươi làm thổ phỉ chỉ luyện được mỗi thuật xu nịnh thôi sao?

An Định Hầu nổi giận khiến con mắt đỏ rực như than tựa chừng tóe lửa. Bọn tiểu tốt Thiên Ngưu Bang ngó phải đều tự động rụt đầu im thin thít. An Định Hầu ưng bụng lại quay sang bọn đầu lãnh vây hãm hỏi:

- Kẻ nào trong các ngươi sẽ đấu tiếp với ta?

Nguồn: truyen8.mobi/t125233-chinh-nhan-oan-ca-chuong-46.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận