Chinh Nhân Oán Ca Chương 47

Chương 47
Một Quyền Địch Trăm Quyền

Bọn đầu lãnh vây hãm thấy An Định Hầu trổ thần lực mấy phen nên đã ngán ngại trong bụng, không còn dám khinh khi. Lão đạo trưởng biết đồng hữu bị uy của An Định Hầu đe nẹt thì cười nhạt. Đạo trưởng thản nhiên đứng lên đối diện An Định Hầu, trong dạ đang bày kế hạ nhục một phen.

Đạo trưởng khinh khỉnh nói:

- Đừng tưởng một chút công phu la thét nơi rừng rú làm ta sợ! Ngươi nếu là hảo hán thì mau mau cởi mặt nạ xuống giao chiến với ta!

Lạo đạo ngó được phần miệng của An Định Hầu không bị mặt nạ ngạ quỷ che mất để lộ hai phần da trắng đen cách biệt. Đạo trưởng cốt ý nói khích để An Định Hầu cởi mặt nạ xuống tạo dịp cho bọn lâu la của đám người đang vây hãm chê cười.

An Định Hầu chẳng để lão đạo nói dứt câu liền cười khà:

- Ta không phải người hán thì cần gì phải là hảo hán! Lẻ nào dưới gầm trời này chỉ có hảo hán mới đáng đội trời đạp đất? Ta thấy lão đã hơn năm mươi cứ ngỡ là bậc đạo gia đích thực! Chẳng ngờ chút đạo lý sơ mọn như vậy cũng không thôn suốt được! Lão đạo đây mỗi lần khấn nguyện trước Tam Đạo Thánh nhất định không thấy được bộ mặt cau có của các bậc thần tiên ấy!

Đạo trưởng bị mai mỉa tức thì đùng đùng nổi giận. Chỉ vì An Định Hầu khéo vịn lý, lão đạo chẳng thể đáp trả được. Lão đạo bèn khẽ giậm mạnh hai chân rồi đủng đỉnh đứng sang một bên. Trên nền đá cứng của núi Thanh Ngưu đã bị lõm xuống hơn tấc vừa vặn dấu chân đạo trưởng. Đạo trưởng nói:

- Ta sẽ đứng trong hai dấu chân này! Nếu ngươi có thể đánh ta xê dịch đi dầu chỉ nửa phân, ta cam lòng chịu thua!

Bọn vây hãm lẫn đám người Thiên Ngưu Bang thấy đạo gia biểu lộ nội công không khỏi sợ thầm trong bụng. Lão đạo đây có hiệu Trường Thanh là bậc trưởng thượng tại Phiên Vân Đạo Quán. Đạo trưởng Trường Thanh thị uy đoán chừng An Định Hầu sẽ kinh hãi. Chẳng ngờ ông ta lại nói:

- Được, được, miệng lưỡi rất đinh thép! Ta muốn xem lồng ngực đạo gia có cứng được như miệng lưỡi hay không!

An Định Hầu dứt lời liền xua đạo trưởng Trường Thanh mau mau đứng vào vị trí. Lão đạo thấy đối phương tự tin không khỏi khó hiểu, tự nói:

- Nếu hắn không phải là kẻ có nội công cao thâm hơn ta thì nhất định là tên lừa đảo. Bằng không sao có thể an nhiên đến vậy!

An Định Hầu chờ lão đạo đứng vào hai dấu chân liền tự lùi lại chừng năm bước chân. Cả bọn chưa kịp hiểu cớ sự thì An Định Hầu đã xăm xăm đi thẳng đến gần đạo trưởng. Một bước chân An Định Hầu đạp lên đá cứng tạo ra tiếng răng rắc. Phần đá đó đã bị vỡ nát thành bụi. Ông đi độ mười lăm bước chân đến gần đạo trưởng Trường Thanh bỏ lại sau lưng đúng mười lăm lỗ sâu hóm trên nền đá. Cả thảy tiểu tốt lẫn đầu lãnh hai phe trên núi Thanh Ngưu đều trợn mắt há hốc miệng nhìn trân trối.

An Định Hầu đến gần lão đạo mới ngoái nhìn lại sau lưng rồi bật cười hà hà. Ông vái đạo trưởng, nói:

- Ta cứ nghĩ việc đạp vỡ đất đá chẳng khó khăn gì nhưng so bì với lão đạo còn kém xa, chẳng để lại được dấu chân nào nguyên vẹn cả!

Vốn An Định Hầu thấy lão đạo dễ dàng in dấu chân lên đá cứng không khỏi phục trong bụng. Ông tự nghĩ, một đạo nhân cao tuổi làm được lẽ nào bản thân mình đương thuở tráng kiện chịu thua. Thành ra, An Định Hầu mới thử dùng thần lực theo đúng lối của đạo trưởng Trường Thanh, vừa đi tới vừa đạp xuống nền đá. Tuy nền đá bị vỡ nhưng thực chất chỉ là một lỗ tròn vừa to vừa thô chớ hề được đẹp như lão đạo.

An Định Hầu khen thực bụng nhưng đạo trưởng Trường Thanh lại cho ông đang giễu cợt. Lão đạo đỏ tía mặt mũi quát:

- Hậu bối chớ ngông cuồng! Còn không mau ra tay?

An Định Hầu liền nghiêm mặt:

- Thong thả! Ta khi ra tay đều dùng hết sức không quen phân lực nặng nhẹ như thế nào! Lão đạo cần cân nhắc cẩn trọng!

An Định Hầu quen sinh tử chiến trường thành thử múa đao hay đánh quyền tung cước đều tận lực. Ông không phải là kẻ luyện nội công, chuyện ra đòn phân lực nặng nhẹ là chuyện bất khả kháng. An Định Hầu tự biết thần lực bản thân cùng quyền sắp đánh nguy hại đến đâu mới chân thành nói nhắc, chẳng ngờ càng khiến đạo trưởng Trường Thanh phát khùng. Lão đạo quát:

- Hậu bối ngươi chớ giở giọng miệt thị! Mau mau ra đòn!

Lão đạo dứt lời đã vận công dồn lên trước ngực. Phần ngực áo của đạo nhân tự nhiên căng phồng như có gió lớn đang thổi bên trong. An Định Hầu không khách khí, nói:

- Ta ra quyền đây, đạo trưởng nên cẩn thận!

Ông ta nói sẽ ra quyền nhưng hai tay vẫn buông thỏng bên mình chẳng hề thủ thế. Đạo trưởng Trường Thanh cho rằng An Định Hầu giở trò trí trá liền chăm chăm theo dõi. Lão đạo cùng bọn vây hãm đoán An Định Hầu nhất định sẽ bất thần xuất quyền. Ai dè chưa nghĩ dứt ý đã thấy An Định Hầu từ tốn cung cao tay trái đánh thẳng vào ngực đạo trưởng Trường Thanh. An Định Hầu giơ tay thì chậm rãi nhưng xuất quyền nhanh như chớp giật. Chỉ nghe tiếng vải bị xé rách, lão đạo Trường Thanh trúng quyền vẫn đứng nguyên không hề xê dịch nhưng ngực đạo bào đã rách tươm không còn hình dạng. Lão đạo đắc ý liền cười hà hà. An Định Hầu cũng bật tràng cười tương tự thu quyền, lão đạo Trường Thanh mới trợn mắt ngã dài trên đất bất tỉnh nhân sự. Bọn vây hãm kinh hoảng không hiểu được căn nguyên.

Quyền An Định Hầu vừa đánh có tên gọi là Thoái Cốt Long. Quyền đánh ra bình thường nhưng dư lực theo sau mang sức công phá vô kể. Ngày trước An Định Hầu gặp nữ đạo Hạnh Nguyên ở núi Yên Tử vốn cũng giơ ngực cho nữ đạo đánh ba quyền, chính là quyền Thoái Cốt Long trên. An Định Hầu thần lực như tướng trời trúng quyền cũng đau thấu trời xanh tưởng chừng tắt thở. May là tấm thân đã quen chinh chiến thành thử khả năng chịu đựng tự nhiên cao thâm, An Định Hầu không bị ngã bất tỉnh nhân sự trước mặt nữ đạo. Bà ta rất vừa bụng. Sau khi chỉ dẫn cách hóa giải nội công thuần dương, nữ đạo Hạnh Nguyên thấy An Định Hầu tay chân cứng cáp hơn người thường nên mới đem quyền trên dạy lại. Bà ta nói trong bảy mươi quyền của phái Yên Tử thì Thoái Cốt Long đứng đầu. An Định Hầu đã biết lợi hại nên mừng rỡ ghi nhớ rất kỹ. Từ lúc bái biệt nữ đạo Hạnh Nguyên, An Định Hầu luôn bỏ thời gian rèn luyện. Tuy xuất thủ không được đẹp nhàn nhã như nữ đạo Hạnh Nguyên nhưng hỏa hầu chẳng hề kém cạnh. Ấy là nhờ có thần lực bẩm sinh hổ trợ. An Định Hầu xông pha trận mạc cận chiến đều chỉ dùng mỗi quyền này. Uy lực tiến triển vô kể.

An Định Hầu đánh quyền vào ngực đạo trưởng Trường Thanh, thần lực chỉ đủ xuyên qua lớp khí hộ thân của đạo nhân. Thành thử đạo bào của lão đạo Trường Thanh mới bị rách nát. Đạo nhân vẫn an nhiên vô sự. Tuy nhiên, lão đạo chưa kịp lên tiếng mỉa mai thì tự nhiên thấy lồng ngực như bị trăm ngàn búa lớn giáng trúng, bao nhiêu nội công từ đan điền dẫn lên để khống chế đều tiêu tán hết thảy. Thành ra lão đạo bị dư chấn của Thoái Cốt Long đánh bất tỉnh nhân sự. May lão là kẻ có chuyên tu công lực thành ra chưa đến nổi dập phổi gãy xương chết uổng mạng.

Các phó trại chủ Điền Lực, Mộc Hành, Cung Mẫn, Cố Ngạn đều bại dưới tay đạo trưởng Trường Thanh. Giờ thấy An Định Hầu dùng quyền pháp quái dị lấy lại được thể diện, cả bốn tên đều ngoác miệng hết cỡ thán phục. Lời lẽ so bì đến miệng lưỡi của Đinh Phúc cũng phải lắc đầu chịu thua.

Lão đạo Trường Thanh so bề vai vế hay công lực đều chỉ kém mỗi nhà sư Giác Minh. Bọn vây hãm thấy An Định Hầu chỉ dùng một quyền đã đánh bại lão đạo thì chẳng còn dám ngang nhiên bước ra giao chiến. Những tên cầm đầu chỉ biết đưa mắt nhìn nhau do dự, bụng cứ khấn vái có tên nào dại dột bất thần nổi hào khí lên tiếng thách đấu. Kết cuộc thì cũng có tên dại dột đó, chính là Âu Dương Chấn Thiên, trại chủ của Địa Ngưu Bang ở Thái Hồ.

Nội công của Âu Dương Chấn Thiên yếu kém nhất trong bọn dẫn đầu vây hãm. Đem so sánh với nhà sư Giác Minh hay đạo sĩ Trường Thanh càng cách xa một trời một vực. Họ Âu Dương chỉ cậy thế ăn hùa tính thừa cơ dậu đổ bìm leo. Hắn không nhìn ra được huyền diệu của quyền Thoái Cốt Long, thành ra tự luận, bốn tên phó trại chủ Thiên Ngưu Bang thi nhau giao chiến tiêu hao sức lực đạo sĩ Trường Thanh để dọn đường. Nhân đó, tân nhiệm trại chủ Thiên Ngưu Bang mới dễ hạ được đạo sĩ. Âu Dương Chấn Thiên ngẫm đạo sĩ Trường Thanh trúng quyền vẫn an nhiên rồi mới tự động té ngã, hiển nhiên là do kiệt sức. Vì vậy, hắn cho rằng bản thân thừa sức đối phó với An Định Hầu.

Âu Dương Chấn Thiên cũng tự tính đường lùi cho bản thân. Hắn xăm xăm ra ứng chiến nhưng đòi được ra tay đánh trước. Hắn nhẩm tính nếu đập An Định Hầu một quyền vẫn không làm được gì thì tự nhận thua là xong. Đến đức cao vọng trọng như nhà sư Giác Minh còn cam chịu cúi đầu, hắn có nhận thua cũng chẳng mất bao nhiêu thể diện, bù lại được đánh một quyền lên ngực tân nhiệm trại chủ Thiên Ngưu Bang ít nhiều có chút hả hê. An Định Hầu thấy đôi mắt lươn của Âu Dương Chấn Thiên ánh lên nét bất chính thì ngầm đoán được gian trá. Tuy nhiên, ông vẫn ngang nhiên đưa ngực chịu đòn.

Âu Dương Chấn Thiên xuất quyền đánh liền. Quyền thế thay vì nhằm vào ngực lại hướng lên đầu của An Định Hầu. Bọn Thiên Ngưu Bang thấy Âu Dương Chấn Thiên phạm luật liền đua nhau la hét phản đối. Âu Dương Chấn Thiên cười thầm trong bụng:

- Các ngươi cứ mắng cho đã miệng! Chờ ta đánh gãy cái đầu tên tân nhiệm trại chủ đây thử hỏi các ngươi còn có đủ đảm khí la hét?

An Định Hầu rành rỏi thuật cận chiến, ngó thấy tay ra quyền của Âu Dương Chấn Thiên tìm ẩn quyền biến thì đoán ngay được kế hiểm. Ông ta thản nhiên không thèm tránh né, chỉ cúi gầm mặt xuống gồng người đón đợi. An Định Hầu đang đeo mặt nạ ngạ quỷ nhe hai nanh nhọn bằng sắt chỉa tới trước. Vương hầu cúi mặt xuống vô tình đẩy Âu Dương Chấn Thiên vào hiểm cảnh. Nếu hắn tiếp tục ra quyền tay chưa chạm đến đầu An Định Hầu thì đã bị hai chiếc nanh nhọn kia đâm thủng. Âu Dương Chấn Thiên kinh hãi đành tự thu lại đòn thế. An Định Hầu chờ vậy liền cười ha hả:

- Hóa ra ngươi lại nhường ta ra tay!

An Định Hầu nói xong chớ để tên Âu Dương đính chính đánh liền một quyền. Thực bụng ông ta chỉ muốn đánh chết hạng gian tà nhưng ngẫm lại giết kẻ tài thấp hơn bản thân chẳng hay ho gì cho nên có phần nhân nhượng. Ông đơn thuần chỉ đấm một cái ngay ngực Âu Dương Chấn Thiên, không hề dùng Thoái Cốt Long. Dẫu vậy, với thần lực có thừa đã đủ hất bay tên Âu Dương. Hắn văng chừng độ hai mươi thước đập đầu xuống nền đá cứng kịp la mấy tiếng kêu cha gọi mẹ mới bất tỉnh nhân sự. Nhà sư Giác Minh ngồi quan sát thấu rõ mọi chuyện bên trong, tân nhiệm trại chủ bị kẻ khác thừa cơ bày trò trí trá vẫn không giận còn nương tay. Nhà sư cười mỉm vẻ đắc ý tự động cúi đầu niệm phật.

Công Tôn Uyển ngồi trên cao thấy An Định Hầu ra tay đã át uy hết thảy địch thủ không khỏi hô lớn:

- Tân trại chủ vạn tuế!

Bọn tiểu tốt Thiên Ngưu Bang được tiểu thư mớm lời liền hè nhau tiếp tục hô vạn tuế. An Định Hầu không nhịn thấu lại phải thét lớn dọa nạt:

- To gan! Hai từ vạn tuế là để các ngươi tung hô bậy bạ ư? Câm miệng hết cho ta!

Công Tôn Uyển vội vàng cúi đầu dạ lớn im lặng. Bốn tay trại phó thấy nàng tiểu thư thường ngày quen thói được chiều chuộng tác yêu tác quái lại ngoan ngoãn nghe lệnh An Định Hầu, thầm hiểu đã có dây dưa tình ý. Cố Ngạn thầm nghĩ:

- Nếu ông ta chịu làm trại chủ thì ta nhất định sẽ ép gả tiểu thư. Có như vậy mới buộc chặt tay chân ông ta với Thiên Ngưu Bang!

Hắn nghĩ đến kết cục viên mãn không khỏi để lộ hớn hở trên mặt.

Lúc này, nhà sư Giác Minh chậm rãi bước đến đối diện với An Định Hầu. Hòa thượng từ tốn nói:

- Đương trường không còn ai dám đối đầu với trại chủ! Bần tăng bản lãnh thấp kém xin được lãnh giáo với ngài đôi ba quyền!

An Định Hầu đã ưa nhà sư khí độ cao tăng của nhà sư. Ông nghe hòa thượng nói năng khiêm nhường càng thêm kính trọng, liền vái lễ đáp:

- Nhà sư tuổi tác cũng lớn hơn ta hiển nhiên bản lãnh cao hơn ta bội phần! Mấy lời cẩn ngôn đến thế ta không nhận nổi!

Nhà sư Giác Minh cười hiền đáp:

- Chúng ta cứ đối quyền một phen! Luật đấu phải thay đổi, ta đánh một quyền, trại chủ phải phản trả một quyền, đánh đến khi nào có kẻ té ra khỏi vòng tròn thì xem như thua cuộc!

Nhà sư nói rồi liền ấn mạnh gót chân, khẽ lay thân thể đã vẽ một đường tròn lên nền đá cứng. So bì công phu ấn chân của lão đạo Trường Thanh, nội lực cùng thân thủ của nhà sư Giác Minh cao hơn mấy phần. An Định Hầu khâm phục vô kể, tự biết không thể khinh thường. Ngày trước An Định Hầu đã từng giơ ngực cho nữ đạo Hạnh Nguyên đánh quyền. Gọi là đánh quyền thực chất nữ đạo chỉ giơ tay vỗ nhẹ một cái đã khiến An Định Hầu đau muốn tắt thở. Ông xem chừng nhà sư Giác Minh so bì khí độ hay thần thái chẳng hề kém cạnh nữ đạo Hạnh Nguyên, đều là bậc chân tu tuyệt thế, bản lãnh càng không thua kém bao nhiêu. Nhà sư nếu thật sự đánh quyền, An Định Hầu khó bề đỡ nổi. Ông ta ngẫm đến đây càng thêm kính trọng nhà sư Giác Minh.

Nhà sư ngồi quan sát đã thầm biết An Định Hầu chỉ có thần lực, bản thân chớ hề có chút nội công nào. Nhà sư tuy được bọn vây hãm kỳ công mời đến để làm chứng nhưng thấy Thiên Ngưu Bang đã có một tân trại chủ uy nghiêm, hành động quanh chính tự nhiên lại ưa thích. Hòa thượng muốn hòa giải hận thù nên tự thân ra tay, vẽ vòng tròn là để không thể thi triển khinh công, chỉ đơn giản dùng quyền định đoạt. Nếu hòa thượng không vẽ vòng tròn, ví như đương đấu bị An Định Hầu dùng quyền vây ép quá cỡ, tự động phải dùng khinh công. Nhà sư dùng khinh công thì mười An Định Hầu cũng khó bề chạm được đến vạt áo, xem như kết cục đã định đoạt. Trong bụng nhà sư đã cầu hòa để đôi bên tiêu tán thù hận. An Định Hầu ngẫm đến đây liền vái lễ với nhà sư Giác Minh:

- Nhà sư thật là bậc cao tăng đắc đạo! Ta đành phải mạn phép!

An Định Hầu không cần nói thêm, cung tay đánh quyền tức thì. Nhà sư Giác Minh điềm nhiên đón đỡ. An Định Hầu đánh hai quyền đều bị nhà sư gạt bỏ. Tay của nhà sư Giác Minh so với tay của An Định Hầu như thân cỏ với đại thụ nhưng đôi tay của hòa thượng lúc thì nhẹ nhàng như nước lúc lại vững chãi tựa núi lớn. An Định Hầu dẫu dồn bao nhiêu thần lực đều không sao chạm được vào thân thể nhà sư. Ông tự biết nếu lơi lỏng để nhà sư Giác Minh phản kích nhất định đại bại, thành ra càng tung quyền nhanh như chớp giật. Quyền càng nhanh thì uy lực càng lúc càng tăng cao. Quả nhiên, nhà sư Giác Minh không thể ung dung nhàn hạ đón đỡ.

Ban đầu An Định Hầu chỉ dùng quyền đơn thuần, đến lúc tốc chiến tự nhiên đổi sang Thoái Cốt Long. An Định Hầu dùng duy nhất quyền này công kích nhà sư Giác Minh liên hồi. Quyền đầu chưa dứt thì quyền thứ hai đã trờ tới. Quyền thứ hai chưa thoát hết uy lực đã nghe quyền thứ ba bồi thêm. Nhà sư Giác Minh bị ép bí đành dùng cả hai tay đánh ra tạo nên một trời bóng ảnh song thủ che chắn hết thảy quyền Thoái Cốt Long của An Định Hầu.

Chiêu nhà sư vừa dùng có tên Phật Múa Nghìn Tay. Đây là quyền tâm đắc nhất của Giác Minh, công thì chắn hết đường lui của kẻ địch, thủ lại kín như tường đồng vách sắt. Nhà sư yên bụng hóa giải được quyền của An Định Hầu, nên bồi thêm một chiêu Dâng Hoa Bái Phật. Tay trái nhà sư xòe ra đánh thốc từ dưới lên toan vỗ vào một loạt huyệt đạo từ đan điền đến cổ họng đối phương. An Định Hầu biết đến lúc cấp bách tự động chùn người xuống tấn bộ. Tay phải ông vẫn dùng quyền nhưng tay trái đã xòe ra thành chưởng. Quyền Thoái Cốt Long không đủ ngăn chiêu Phật Múa Nghìn Tay, An Định Hầu trúng lên vai bốn năm đòn đau đến trợn mắt nhưng bù lại cản được chiêu Dâng Hoa Kính Phật. Kết cục, tay trái của An Định Hầu đã nắm chặt cổ tay trái của nhà sư Giác Minh. Đôi bên chỉ còn dùng tay phải để ra quyền với nhau.

Nhà sư dùng tay phải đánh luôn mười sáu quyền Phục Ma. Bất luận về tốc độ hay uy lực đều đem hết sức thi triển. Tuy nhiên, tay trái nhà sư đã bị An Định Hầu nắm giữ khiến tư thế bị ảnh hưởng không thể thoải mái đánh quyền. Vì vậy dẫu chiêu số thần tốc nhưng uy lực quyền Phục Ma của nhà sư Giác Minh tự nhiên bị giảm sút. Nhà sư dùng tay phải giáng một quyền, An Định Hầu dùng tay phải trả một quyền. Đôi bên cứ đấu qua đấu lại trong vòng tròn chớp mắt đã hơn trăm quyền.

Giác Minh thừa hiểu An Định Hầu không hề có nội công nên vận khí lên cổ tay bị khống chế yên dạ sẽ dễ dàng thoát được. Ngờ đâu nhà sư vận công mấy bận đều vô dụng, hiểu ngay lối khống chế của An Định Hầu còn có huyền cơ bên trong. Trong võ công Thiếu Lâm Tự kể đại cũng ra được năm ba thế cầm nã thủ độc đáo nhất hạng. Tuy nhiên, muốn dùng các thế cầm nã trên chí ít người dùng phải có căn bản nội công. Nội công càng cao đòn cầm nã càng hiệu nghiệm. Nhưng An Định Hầu một là không hề có nội công, hai là cung cách nắm chặt cổ tay trái của nhà sư Huyền Tướng không hề giống bất kỳ thế cầm nã thủ nào. Một thân nội công siêu bạt của nhà sư Giác Minh bộc lộ hết thảy ra ngoài khiến bốn bề tự nhiên nổi gió lồng lộng, thủy chung vẫn bị An Định Hầu nắm chặt cổ tay trái không buông. Nhà sư liền thốt lên khen ngợi:

- Thế khống chế thật hay! Nhất định do danh sư chỉ điểm!

Nhà sư Giác Minh đoán không hề sai. Thế nắm cổ tay của An Định Hầu cũng như quyền Thoái Cốt Long đều do nữ đạo Hạnh Nguyên chỉ dẫn.

Phen đó, nữ đạo Hạnh Nguyên dạy An Định Hầu quyền Thoái Cốt Long xong bèn biểu diễn. Bà ta đánh luôn sáu bảy quyền Thoái Cốt từ nhẹ đến nặng dần lên ngực ông ta. Ông ta không chịu thấu bất quá phải chộp lấy cổ tay nữ đạo để ngăn lại. Bà có ý muốn thử gân cốt An Định Hầu nên cứ thản nhiên để khống chế. Tay chân An Định Hầu cứng cáp nhưng nữ đạo chỉ run cánh tay hai bận đã thoát. An Định Hầu không tin nổi bèn đề nghị thử lại, kết cuộc cả mười lần đều chẳng làm khó nỗi bà ta. An Định Hầu đành cúi đầu nhận thua xin được chỉ dẫn. Nữ đạo Hạnh Nguyên bắt An Định Hầu xòe tay trái để xem xét. Sau mấy phen lật qua trở lại không hiểu bà ta đã xem được gì nhưng lại dạy liền An Định Hầu một thế khóa tay. Bà ta gọi nó là Trụy Cốt Thủ. Bà ta bảo đại ý, chỉ cần luyện tập chăm chỉ dẫu gặp phải cao thủ thật thụ nếu nắm được cổ tay xem như đã cầm được nửa phần thắng. Trụy Cốt Thủ luyện đến cực đỉnh có thể dễ dàng bẻ gãy cổ tay người khác dầu đó là thường dân hay cao thủ nội công nhất hạng.

Chuyện cũng hơn mười năm dài, An Định Hầu đã quên mất cái tên Trụy Cốt Thủ. Riêng đòn khóa tay, ông lại luyện được đến cực đỉnh, khi cận chiến trên sa trường, các bại tướng đều có một cổ tay bị gãy nát. An Định Hầu chẳng những quên nhất tên chiêu thức, còn quên cả công dụng của Trụy Cốt Thủ, cứ nghĩ nhờ thần lực bản thân nên đối phương mới bị bẻ gãy cổ tay. Phần nhà sư Giác Minh bị Trụy Cốt Thủ khống chế hơn bốn khắc đã nghe cổ tay trái bắt đều tê dại. Nhà sư tự biết càng kéo dài thì cổ tay nhất định gãy nát bèn đánh một đòn quyết định phân thắng bại.

Giác Minh toan dùng nội công đánh chưởng lại sợ sẽ gây thương tổn cho An Định Hầu. Nhà sư tư lự phút chốc liền đổi ý.

Nhà sư vận công dồn lên tay phải nhè ngực An Định Hầu tung một quyền. An Định Hầu tức thời dùng Thoái Cốt Long chống trả. Ngờ đâu nhà sư chỉ dùng hư chiêu. Tay nhà sư đang đánh quyền nửa chừng lại xòe rộng năm năm ngón nhè cổ tay An Định Hầu chụp xuống. Nhà sư đã dùng Cầm Long Công, đòn cầm nã thủ thượng thừa trong võ học Thiếu Lâm Tự. Kết cuộc, An Định Hầu nắm cổ tay trái nhà sư không buông thì cổ tay phải lại bị nhà sư kềm giữ. Nhà sư cười hiền, nói:

- Trại chủ! Bần tăng xem chừng trận này đã hòa rồi!

Nguồn: truyen8.mobi/t125234-chinh-nhan-oan-ca-chuong-47.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận