Chinh Nhân Oán Ca Chương 49

Chương 49
Phải Chăng Những Bậc Thuyền Quyên Xả Thân Vì Khách Anh Hùng Mới Cam?

An Định Hầu đang công kích trước mặt bất chợt lại múa đao chém ngược ra sau. Đao chưa chém hết thế, ông chùn người nhè vào toán ni cô bên phải quét luôn một cước. Cả hai đòn vừa nhanh vừa bất ngờ, đám ni cô bên phải đang đà lao đến không sao phòng được phía dưới đồng loạt bị cước của An Định Hầu quét ngã chỏng chơ trên đất. Bọn họ chỉ là nữ nhi yếu đuối đem bì gân cốt cứng như thép của An Định Hầu tự nhiên la thét đau đớn vô kể, đoán chừng không ít ni cô đã bị gãy lìa chân. Riêng toán ni cô phía sau thấy thế đao chém ngược vội vàng giơ cao kiếm đón đỡ. Kiếm mỏng manh không bì được lưỡi trường đao vừa nặng vừa sắc bén. Các ni cô này chưa đến nổi nguy hiểm tính mạng nhưng hoặc là bị lưỡi trường đao tiện gãy kiếm, hoặc là kiếm bị đánh văng xuống đất, dư chấn khiến cổ tay cả bọn đều tê rần.

An Định Hầu đánh xong không đợi các ni cô khác ập vào phản kích, nhè ngay hướng lão ni Vô Định đang đứng mà lao đến. Ông cười khà nói lớn:

- Điểm yếu lớn nhất của trận thế này chính là vị trí chỉ huy! Ta không biết sư thái Vô Bức kia cầm trận thế nào, về lão ni đây chủ huy thì để lộ sơ hở vô độ!

Lão ni Vô Định chưa kịp đáp trả đã thấy mấy tia chớp xanh lè giáng từ trên cao xuống. An Định Hầu đã múa đao chém phủ đầu như một trận mưa tuôn xối xả. Nhà sư Giác Minh đứng ngoài quan sát không khỏi tấm tắc khen thầm. Bọn ni cô kia thấy sư phụ bị vây liền hò nhau nhằm vào An Định Hầu đâm liên hồi chẳng còn ra hàng ngũ trận thế. Cả bọn vướng phải lão ni Vô Định nên chỉ đành chia ba hướng trái, phải, sau lưng An Định Hầu công kích. An Định Hầu cứ nhè lão ni Vô Định chém ba thế lại trở đao quét ngược một vòng. Thanh trường đao nặng hơn tám mươi cân được ông ta dùng cả hai tay xoay trở vô cùng khéo léo, đòn thế cứ biến đổi kỳ ảo đến chóng mặt, miên miên bất tận toàn thế công kích vũ bão. Trong võ lâm đương thời chẳng hề có kẻ nào dùng trường đao làm binh khí lập thân, bọn người vây hãm lẫn người của Thiên Ngưu Bang lần đầu được thấy một người dùng trường đao tài tình đến thế đều trợn mắt nín thở đứng nhìn.

Kiếm trận của ni cô am Nê Lâm do Vô Bức Sư Thái sáng lập nên. Khác xa điều An Định Hầu đã nói, vị trí mạnh nhất trong kiếm trận chính là vị trí chỉ huy. Mỗi phen bày trận, sư thái Vô Bức tự tay điều khiển. Có cửa nào lộ sơ hở, sư thái Vô Bức liền xuất kiếm công kích phụ họa để che lấp đi. Lão ni so bì kiếm pháp hay nội lực đều đã viên mãn. Thành ra hơn mười năm qua, kiếm trận trên chưa hề có đối thủ. Riêng phen này, kiếm trận lại do lão ni Vô Định điều khiển. Lão ni Vô Định tuy cũng hạng cao thủ nhất nhì nhưng sánh với Vô Bức Sư Thái kém xa vời vợi, tự nhiên cũng không hiểu được điểm trọng yếu trong kiếm trận. An Định Hầu quen nhìn trận đồ liền thấy ngay điều khiếm khuyết. Ông ta nhè ngay lão ni Vô Định múa đao như chớp giật khiến kiếm trận tự động rối tung.

Lão ni Vô Định cậy nội công cao cường nên thản nhiên đảo chân né tránh thế đao rồi dùng tay phát chưởng phản đòn. Tuy nhiên, An Định Hầu múa đao cực kỳ tài tình, nhìn qua ngỡ lộ vô vàng sơ sót nhưng khi đánh vào mới hay điểm sơ sót nọ đã được trường đao che chắn kỹ lưỡng. Kình lực chưởng pháp của lão ni Vô Định tuy ép được An Định Hầu nhưng căn bản chẳng thể đụng vào người ông ta thì thần công lợi hại đến đâu đều trở nên vô dụng. Mấy bận ông ta bày ra sơ suất dụ dỗ. Lão ni hăm hở giáng chưởng nhằm vào. Nửa chừng kịp thấy lưỡi trường đao xanh lè như ánh chớp, lão ni hoảng hồn kịp hồi chưởng bằng không đã bị chặt lìa cả hai tay.

Lão ni Vô Định nhắm chừng khó bề dùng chưởng thủ thắng liền rút trường kiếm đeo trên lưng xuống. Cùng lúc đó, những người đứng ngoài quan sát đều la hoảng:

- Nguy hiểm!

Vốn An Định Hầu vừa đánh ngược một đao gạt văng hết thảy binh khí trên tay đám ni cô đang vây hãm ba bên. Ông chém xuống lão ni Vô Định bốn thế đao vũ bão lại chém ngược thêm một đao khác. Năm đường đao này vừa nhanh vừa mạnh. Lão ni Vô Định dễ dàng tránh khỏi nhưng đám đồ ni kia tay không tất sắt nhất định sẽ bỏ mạng dưới lưỡi trường đao sắc bén của An Định Hầu.

An Định Hầu gia nghe tiếng la hiểu liền cớ sự. Ông vội vàng trở tay toan dùng sóng đao nhưng tự nghĩ đám ni cô kia thân thể mềm yếu trúng phải sóng đao không gãy xương cũng rách da nát thịt. Ông đành trở tay thêm bận nữa dùng ngay bản đao. Thanh trường đao có phần bảng rộng chừng vừa hai bàn tay, quét trúng các ni cô kia cùng lắm chỉ đánh ngã cả bọn chớ hề hung hiểm đến tánh mạng. Nhờ vậy, mấy chục ni cô thoát chết ngã văng bốn phía. Các ni cô thoát được phen hung hiểm hồn vía đều điên đảo chẳng tin bản thân còn sống nổi. Nhất là ni cô Chiêu An. Nàng ni cô tục gia này đứng gần thanh trường đao của An Định Hầu nhất, vừa thấy lưỡi đao xanh lè giáng tới đã chắc mẩm đầu sẽ bị chém rời khỏi cổ chỉ biết đứng như trời trồng. May sao, An Định Hầu một tay trở đao lại kịp tung chân quét vào bên gối Chiêu An, nàng ta tự động té khụy xuống đất vừa thoát được đao lại tận mắt thấy An Định Hầu trở tay hai lần cứu mạng cả đám ni cô. Nàng không khỏi hỏi thầm trong bụng:

- Bọn ta…bọn ta mắng chửi ông ấy không ngớt, sao ông ấy không thừa cơ chém giết cho hả giận?

Những kẻ đứng ngoài thấy An Định Hầu nương tay liền bật lên lời khen ngợi không ngớt. Cả bọn chưa khen dứt lời lại đồng loạt thoát mạ liên tục:

- Đồ hạ lưu ti tiện! Phường tiểu nhân chẳng biết đạo nghĩa! Đồ tặc ni!

Phải biết An Định Hầu hai phen trở đao khiến đòn thế chậm đi mấy nhịp. Lão ni Vô Định không còn bị ánh đao vây hãm bèn nhân thời cơ đâm liền một kiếm vào hông trái An Định Hầu. Lão ni dù biết An Định Hầu vừa cứu mạng đám đồ ni nhưng thừa hiểu không nhân cơ hội này thì khó bề đánh hạ. Lão ni đâm một chiêu, bóng kiếm đã tỏa ra man mát thành vô vàng ánh bạc xuyên vào thân thể An Định Hầu. Quần hào thấy ông ta vẫn bận trở đao nên biết khó bề tránh khỏi đòn hiểm. Theo lý hai bên đang giao chiến sống chết nếu thấy đối phương nương tay thì kẻ còn lại chẳng ai nhân đó chiếm lợi thế. Lão ni Vô Định lẽ ra phải cảm kích An Định Hầu mấy mươi bận mới phải đạo, đằng này còn thừa cơ đâm một nhát chí mạng. Bọn đồng đạo chẳng ưa gì Thiên Ngưu Bang hay An Định Hầu nhưng vẫn đồng loạt mắng chửi lão ni Vô Định không tiếc lời.

Phần An Định Hầu không phải là bậc thần thánh kịp xoay người tránh né. Ông đoán chừng phen này chí ít cũng trúng hơn mười nhát kiếm vào hông. Tình thế hung hiểm cực độ chẳng đủ thời gian phân vân, ông vô phương ứng phó đành trở ngược trường đao hòng có mất mạng vẫn khiến lão ni ác độc kia chết theo. Bọn người vây hãm lẫn người của Thiên Ngưu Bang thấy tình thế cả hai nhất định chết cùng không khỏi trợn mắt. Ngờ đâu, chợt có một người nhảy lên dùng thân che kiếm cho An Định Hầu. Diễn biến nhanh như chớp mắt. An Định Hầu kinh hãi vội buông đao đỡ lấy người đó. Thì ra là Ân Bích Câu. Nàng ta đứng trên cao thấy An Định Hầu gặp hung hiểm bèn không cần tính toán dùng khinh công chạy đến che chắn. Ân Bích Câu nội công cao cường nên lấy hết sức bình sinh quả nhiên là kịp cứu một mạng. Nàng bị chiêu kiếm của lão ni đâm luôn ba nhát lên phần bụng. Lúc An Định Hầu đỡ lấy thân hình thì nàng ta chỉ kịp trăn trối nửa câu đã bất tỉnh nhân sự. An Định Hầu ngó xuống vết thương của Ân Bích Câu thấy máu đỏ vừa chảy ra đã tím đen, biết ngay mũi kiếm của lão ni Vô Định có bôi chất kịch độc.

Lão ni Vô Định cứ ngỡ đâm chết An Định Hầu chẳng ngờ bị Ân Bích Câu phá ngang. Lão ni toan múa kiếm đâm thêm mấy đường thì toàn thân tự nhiên như trúng phải gió lạnh run lên cầm cập. An Định Hầu thấy Ân Bích Câu xả thân chịu kiếm đã nổi giận cùng cực. Ông nghiến răng gồng người khiến mặt nạ ngạ quỷ rơi xuống đất để lộ khuôn mặt âm dương. Lão ni Vô Định ngó thấy dị tướng nọ tự nhiên sợ hãi đến tím mặt. Thường bậc chân tu đắc đạo dẫu gặp ma quỷ cũng chẳng hề động lòng. Ví như nữ đạo Hạnh Nguyên năm xưa nhìn thấy bộ mặt âm dương của An Định Hầu cũng chỉ cười khanh khách xem như không có chuyện gì. Đó là vì tâm thanh bạch lương thiện chẳng bị điều hung ác làm kinh sợ. Phần lão ni Vô Định còn nặng sân si đâu ra cung cách đắc đạo trên tự nhiên bị khuôn mặt âm dương làm cho bạt vía. An Định Hầu đang giận nên khuôn mặt âm dương càng trở nên kinh đởm. Bọn người vây hãm lẫn người Thiên Ngưu Bang được thấy dung mạo của tân trại chủ kia đều tán hồn. Chỉ bọn Thiên Ngưu Bang vốn lấy họa đồ âm dương cùng trâu thần để thờ cúng, giờ thấy được tân trại chủ mang dị tướng trên đều cho rằng là điềm trời cao muốn phục hưng Thiên Ngưu Bang, đám trại chúng tự động quỳ xuống dập đầu như tế sao.

An Định Hầu chộp lấy trường đao gằn giọng:

- Con mụ ác độc này sống cũng chỉ để gieo thêm nghiệt ác mà thôi!

An Định Hầu một tay bế Ân Bích Câu, tay kia lộng trường đao chém liên hồi vào lão ni Vô Định. Đao pháp An Định Hầu khác hẳn ban đầu, cộng thêm bước chân di chuyển qua trái sang phải linh hoạt khác thường. Không còn ai thấy được thanh trường đao trên tay An Định Hầu đánh thế ra sao, chỉ thấy bốn bên quanh lão ni Vô Định đã bị bóng đao phủ dồn che cùng trời kín đất. Uy lực đao pháp lan rộng bốn bề khiến những kẻ đang đứng gần tự động dạt ra để khỏi uổng mạng. Nhà sư Giác Minh thấy đao pháp An Định Hầu hung hiểm vô lường lại nhìn quen mắt bèn chăm chú quan sát. Độ chừng đã nhận ra chân tướng, nhà sư thốt lên:

- Chẳng phải bộ đao pháp dựa trên chiêu thức của bộ Tán Cốt Thủ đó ư?

Nhà sư tức thì hô lớn:

- Trại chủ Thiên Ngưu Bang là môn đồ của Hạnh Nguyên Nữ Hiệp!

Nhà sư Giác Minh hô xong, năm tên đầu lãnh trong bọn vây hãm vội vàng hỏi dồn:

- Đại sư có chắc không?

Nhà sư Giác Minh đáp:

- Không nhầm lẫn được! Tuy trại chủ Thiên Ngưu Bang đang dùng đao nhưng từ bước chân đến phương vị ra đòn đều giống Tán Cốt Thủ như đặt! Nhất định là môn đồ của Hạnh Nguyên Nữ Hiệp!

An Định Hầu đang nổi giận chỉ chú tâm muốn giết lão ni Vô Định nên không hề hay biết. Năm đầu lãnh kia nghe nhà sư khẳng định liền tự động rút binh khí hô hào bọn tiểu tốt. Đám Công Tôn Uyển, Cố Ngạn, Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn ngỡ cả bọn toan đục nước béo cò chừng định thần đã thấy bọn người vây hãm chia ra vây kín lấy mấy mươi ni cô am Nê Lâm. Bọn người Thiên Ngưu Bang chưa kịp hiểu cớ sự gì lại nghe đám đầu lãnh bọn vây hãm hướng về An Định Hầu hô lớn:

- Trại chủ cứ an tâm đánh bại mụ tặc ni nọ! Có bọn tôi ngó chừng không còn sợ bị kẻ khác bày trò ám muội! Bọn tôi nhất định cùng sát cánh với anh em Thiên Ngưu Bang!

Bọn người vây hãm trong chốc lát từ thù địch trở thành đồng minh, người Thiên Ngưu Bang đoán ngay ra cớ sự cũng từ cái tên Hạnh Nguyên Nữ Hiệp. An Định Hầu lúc cấp bách không kềm được sát tính tự nhiên dùng bộ đao pháp do nữ đạo Hạnh Nguyên chỉ dẫn. Nhà sư Huyền Tướng đã có dịp được thấy nữ đạo Hạnh Nguyên dùng Tán Cốt Thủ giải nguy, đương trường hôm ấy có cả năm tên đầu lĩnh đám vây hãm. Bọn họ thấy An Định Hầu dùng võ công của nữ hiệp Hạnh Nguyên chắc thầm là đệ tử chân truyền. Ân tình của nữ hiệp Hạnh Nguyên sâu rộng vô kể thành ra bọn họ tuy không muốn gây hấn với am Nê Lâm nhưng sẵn sàng ra tay giúp sức.

Trong đời An Định Hầu được gặp nữ đạo Hạnh Nguyên hai lần. Lần đầu khi gặp ở chân núi Yên Tử, nữ đạo đã dạy cho An Định Hầu Thoái Cốt Long, Trụy Cốt Thủ cùng kiến thức thâm sâu của đạo gia. Lần thứ hai là An Định Hầu đem một bé gái lên nhờ nữ đạo nuôi nấng. Nữ đạo Hạnh Nguyên nhân dịp thử tài An Định Hầu thấy hai đòn thế trên đã được luyện thành thục thì vui mừng khôn kể. Bà ta toan dạy thêm bộ Tán Cốt Thủ nhưng ngẫm lại nếu bắt An Định Hầu chỉ học quyền pháp có phần uổng phí. Thành ra nữ đạo dựa theo Tán Cốt Thủ chuyển thành đao pháp mới dạy cho An Định Hầu. An Định Hầu đã có tài múa đao nên tiếp thu rất nhanh. Nữ đạo mừng rỡ vô kể, ví như An Định Hầu không phải mang nhiều công vụ nhất định đã bị bà ta giữ lại bắt dập đầu bái sư. Trước khi từ biệt, nữ đạo không ngừng căn dặn tai hại của bộ đao pháp trên, răn An Định Hầu chớ lạm dụng. Ông ta tuy chỉ luyện nửa ngày đã biết đòn thế hung hiểm toàn triệt mạng đối phương cho nên ghi khắc lời răn trong dạ. Thậm chí về sau lâm trận nếu chẳng vào tình huống sống chết cách gang tấc, An Định Hầu không bao giờ dùng đến. Chỉ vì bây giờ thấy lão ni ra tay ti tiện lại khiến Ân Bích Câu bất tỉnh nhân sự, An Định Hầu chẳng kềm nổi lửa giận, quyết giết chết lão ni mới để lộ đao pháp trên. Nhờ đó, nhà sư Giác Minh cùng năm tên đầu lãnh vây hãm mới nhận ra chân tướng bèn giúp sức.

An Định Hầu chẳng rõ cớ sự nhưng vẫn yên bụng chú tâm đối đầu với lão ni Vô Định. Ông biến đao càng lúc càng hung hiểm. Lão ni dẫu có bước chân linh hoạt nhưng đến cùng bốn bên đều thấy ánh đao xanh lè chộp xuống liền nao núng để lộ sơ hở. An Định Hầu bất kể sơ hở đó là vô tình hay cố ý dụ dỗ vẫn công kích mười sáu thế đao liên hoàn. Lão ni Vô Định không đỡ nổi tự động buông kiếm trúng luôn hai đao lên bả vai. May nhờ một thân nội công cao thâm thành ra lão ni chưa đến độ bị trường đao An Định Hầu chém lìa phần vai. Tuy nhiên, lưỡi thanh trường đao của An Định Hầu đã kề ngay lên cổ lão ni. Lão ni chỉ đành cúi đầu chịu thua cuộc.

An Định Hầu nghe hơi thở Ân Bích Câu nặng nề, liền gắt:

- Thuốc giải độc đâu?

Lão ni Vô Định không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt âm dương của An Định Hầu, nên vẫn cúi mặt. Tâm khảm mụ sợ hãi tột độ nhưng vẫn cứng miệng, khinh khỉnh:

- Muốn lấy thuốc giải độc chí ít cũng phải biết hạ mình nài nỉ!

Lão ni lần đầu thua trận, lại thua một vô danh tiểu tốt nhục nhã chẳng để đâu cho hết. Cho nên nghe An Định Hầu một hai hỏi thuốc giải, đoán chừng Ân Bích Câu rất được coi trọng, lão ni bèn vịn thế để lấy lại thể diện. Trong bụng lão ni còn tính bắt An Định Hầu phải dập đầu vái lạy mới hả được cơn giận. Ngờ đâu mụ chưa nói dứt lời thì la lên đau đớn. An Định Hầu đã bất thần múa đao chém đứt lìa bàn tay cầm kiếm của mụ. Ông ta chém xong lại kề đao lên cổ lão ni, gằn giọng:

- Mỗi lần ta hỏi, mụ không trả lời thì ta sẽ chặt từng phần trên thân thể! Nói mau, thuốc giải độc đâu!

An Định Hầu thừa biết có xuống nước chưa chắc lão ni Vô Định đã chịu đưa thuốc giải cho nên nhất quyết không chịu bản thân bị khống chế. Lão ni vừa đau, vừa giận lại nhục nhã càng kiên quyết không mở miệng. Nhà sư Giác Minh thấy An Định Hầu toan chặt đứt cả cánh tay phải của lão ni vội lên tiếng:

- Trại chủ chớ trúng kế! Độc kia vốn không có thuốc giải, nếu rề rà lâu, độc ngấm sâu vào thân thể thì vô phương cứu chữa! Mau mau đưa nữ thí chủ ấy cho lão nạp!

An Định Hầu được nhà sư mách nước hiểu liền kế hiểm ác của lão ni Vô Định. Ông nghiến răng định chặt rớt đầu mụ nhưng ngẫm lại an nguy của Ân Bích Câu quan trọng hơn thảy. Ông ta vội vàng bỏ mặc lão ni Vô Định, bế Ân Bích Câu đến cạnh nhà sư Giác Minh. Nhà sư dựng Ân Bích Câu ngồi yên trên đất điểm luôn bốn huyệt lớn trên người rồi áp tay lên đan điền nàng ta vận công. An Định Hầu không hiểu thủ pháp trị thương bằng nội công nên chẳng dám mở miệng hỏi bừa. Chừng thấy nét mặt Ân Bích Câu có chút tươi tỉnh, ông liền hớn hở mừng thầm.

Nhà sư Giác Minh vận công hơn khắc khiến Ân Bích Câu thổ ra mấy ngụm máu đen. An Định Hầu đoán chừng độc trong người nàng đã được đẩy hết ra ngoài nên mừng rỡ vái lễ nhà sư. Nhà sư Giác Minh chỉ cười trừ đứng lên rồi đáp:

- Một canh giờ sau lão nạp phải vận công thêm phen nữa mới trục hết chất độc trong người nữ thí chủ này!

Nhà sư nói đến đây bất thần vung tay đánh một chưởng vào ngực An Định Hầu. An Định Hầu chẳng ngờ tới chỉ biết trợn mắt nhìn nhà sư trân trối. Ông đoán chừng với thân thủ nhà sư đánh chưởng chí ít phải khiến lồng ngực bản thân phải đau đớn vô kể. Tuy nhiên bàn tay nhà sư Giác Minh chạm lên ngực, An Định Hầu cảm thấy một nhu lực xuyên qua bản thân. Chừng nghe một tiếng keng như thể binh khí rơi xuống đất, nhu lực kia mới tự động tiêu tán. An Định Hầu vội nhìn lại sau lưng mới hiểu ra cớ sự.

Lão ni Vô Định bại trận lại bị An Định Hầu chặt tay thì chẳng còn mặt mũi để sống. Mụ nhân cơ hội ông ta chăm chăm ngó chừng nhà sư Giác Minh chữa thương cho Ân Bích Câu bèn lén lút nhặt kiếm. Mụ nhè khi An Định Hầu đang vái lễ Giác Minh phóng liền một kiếm chí mạng. May nhà sư kịp thấy đã đánh một chưởng phát ra nhu lực che chắn phần lưng An Định Hầu. Chỉ cần nhà sư chậm tay hay phát lực không đủ, An Định Hầu dẫu chẳng bị kiếm đâm xuyên người thì cũng bị chất độc trên kiếm gây hại.

Giác Minh không đơn thuần ra tay cứu An Định Hầu. Nhà sư đảo chân đến trước mặt lão ni Vô Định, nói:

- Kẻ tu phật sao còn bày chuyện ám muội! Mau về sám hối dưới trướng từ bi!

Nhà sư nói xong đã chộp lấy vai phải của mụ rồi vận lực ném đi cực kỳ mau lẹ. Quần hào trên núi Thanh Ngưu khi định thần thì lão ni Vô Định đã mất hút dưới lưng chừng núi. Cả bọn thấy Huyền Tướng vừa vận công trị thương cho Ân Bích Câu xong lại còn đủ khí lực đánh văng lão ni Vô Định, đều phục nội công cao thâm tựa biển lớn.

Nhà sư Giác Minh biết bọn ni cô ở am Nê Lâm ưa ghi thù. Nhà sư sợ về sau am Nê Lâm tiếp tục quấy phá Thiên Ngưu Bang nên mới ra tay với lão ni Vô Định. Hiển nhiên, am Nê Lâm có muốn oán thán thì chỉ thể oán thán nhà sư . Giác Minh là chủ trì Đạt Ma Viện ở Thiếu Lâm Tự. Am Nê Lâm kia đem so với Thiếu Lâm Tự như cỏ dại với đại thụ trăm năm, bọn ni cô có hận cũng chẳng dám kiếm cớ sanh sự.

Đám ni cô am Nê Lâm thấy sư phụ bị đánh văng xuống núi liền tất tả dắt díu nhau bỏ đi. An Định Hầu đoán được nguyên cớ nhà sư Giác Minh ra tay càng thêm phục trong bụng. Ông vái lễ nhà sư mấy lượt, chẳng hỏi han rề rà liền ra lệnh cho Cố Ngạn dọn một phòng lớn để Ân Bích Câu dưỡng thương, tiện thể cho nhà sư Giác Minh điều trị. Thiên Ngưu Bang một phen thoát được nạn lớn, lại thấy những tên đầu lãnh vây hãm đột ngột chuyển sang thành bạn hữu đều cho rằng nhờ phước của An Định Hầu. Thành thử vị tân nhiệm trại chủ chưa dứt tiếng, Cố Ngạn đã cho người mau chóng thu xếp. Hắn coi quản chuyện trong trại đã lâu nên đám tiểu tốt đã quen lệnh. Kẻ nào phận nấy nhanh chân xếp đặt mọi chuyện, không quên bày tiệc sẵn để đón tân nhiệm trại chủ từ trên trời rơi xuống kia

Nguồn: truyen8.mobi/t125236-chinh-nhan-oan-ca-chuong-49.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận