Thiên Ngưu Bang thoát được nạn diệt vong khiến tất thảy trại chúng lẫn phó trại chủ đều hăm hở tột độ. Bọn người vây hãm ban đầu đòi đấu sống chết giờ quay sang thành đồng minh cùng đám tiểu tốt Thiên Ngưu Bang chia nhau canh giữ khắp núi Thanh Ngưu. An Định Hầu không còn bụng dạ coi quản chuyện khác chỉ chăm chăm ngó chừng thương thế của Ân Bích Câu. Nhà sư Giác Minh vận công chữa thương cho nàng ta, An Định Hầu đứng cạnh bên chớ rời xa nửa bước. Người của Thiên Ngưu Bang chăm chăm dọn dẹp để bày tiệc, chừng mấy tên tiểu tốt hè nhau vác thanh trường đao của An Đình Hầu để lau chùi mới hay nặng trên dưới tám mươi cân. Thanh trường đao vừa dài vừa nặng làm hai tên tiểu tốt một phen xanh mặt. Cả bọn lại thêm ớn lạnh thần lực của ông ta.
Nhà sư Giác Minh chữa thương cho Ân Bích Câu xong lại thuận tay chữa nốt bọn Cố Ngạn, Điền Lực, Mộc Hành, Cung Mẫn. Giác Minh không nề hà dâm nữ hay thổ phỉ, ra tay đều tận lực. Bọn Thiên Ngưu Bang cảm kích hiệp khí của nhà sư vô kể. An Định Hầu đứng bên quan sát, thầm nghĩ thần thái của nhà sư so với nữ đạo Hạnh Nguyên đều toát nét từ bi như đúc. Ông cho cả hai đúng là bậc chân tu viên mãn.
Đến sụp tối, núi Thanh Ngưu đỏ rực ánh lửa, tiệc tùng rôm rả động cả đất trời. An Định Hầu không hề muốn ngồi trên ghế trại chủ nhưng thấy ai ai trong Thiên Ngưu Bang cũng thành tâm nên chẳng nỡ làm cả bọn cụt hứng. Chừng Cố Ngạn đem y phục trại chủ dâng lên tức thì bị An Đình Hầu mắng cho một trận. Y phục trại chủ được làm bằng vải nhất hạng màu vàng thêu viền hai con rồng nhỏ ôm lấy một con trâu đen to tướng phía trước. Áo vàng lại thêu rồng chỉ dành cho bậc đế vương, An Định Hầu nào dám phạm thượng. Ông mắng Cố Ngạn một hồi khiến hắn hồn vía kinh đảo vội vã thay ngay y phục mới. Cố Ngạn lựa mãi mới được ông ưng bụng.
An Định Hầu bước ra khỏi trại đã thấy nhà sư Giác Minh cùng năm đầu lãnh bọn vây hãm ngồi quanh một bàn lớn. Ông ngó nhìn còn một ghế trống đoán ngay dành cho mình liền bước đến vái lễ cả bọn mới thong thả ngồi xuống. Cả bọn đã biết uy hầu lại cho rằng ông là môn đồ của Hạnh Nguyên nên càng trọng thị, lời ăn tiếng nói cung cách cư xử đều kính nể. An Định Hầu thấy lạ bèn gặn hỏi. Cả bọn khó một lời lý giải tường tận nên nhường cho nhà sư Giác Minh.
Nhà sư Giác Minh hỏi:
- Phải chăng đao pháp của trại chủ dựa trên bộ Tán Cốt Thủ của Hạnh Nguyên Nữ Hiệp?
Nữ đạo Hạnh Nguyên khi dạy đao pháp cho An Định Hầu không hề nói tên. Dẫu bà ta có nói thì đã là chuyện của chín mười năm trước, bao nhiêu binh vụ bận rộn dồn dập, dẫu có trí nhớ tốt đến đâu An Định Hầu khó bề nhớ nổi cái tên. Ông bèn đáp:
- Bộ đao pháp đó do một nữ đạo tục thế tên Hạnh Nguyên dạy! Bà ấy còn dạy cho Viễn tôi thêm bộ quyền cùng thủ pháp khóa tay đối thủ!
Cả bọn đều thấy ông ta dùng một quyền duy nhất lại đánh ngang ngửa hơn trăm quyền biến hóa của nhà sư Giác Minh càng thêm phục võ học của nữ đạo Hạnh Nguyên. Ai ai cũng thầm nghĩ ví như An Định Hầu được bà ta chỉ điểm tận tình nhất định thành tựu còn to lớn vô kể. Phần An Định Hầu nghe cả bọn một hai xưng tụng nữ đạo Hạnh Nguyên là nữ hiệp bèn gặn hỏi tiếp. Nhà sư Giác Minh liền diễn giải:
- Đã là chuyện của hai mươi năm trước! Khi đó, bần tăng cùng năm vị đây đang trên đường áp tải một món bảo vật về Thiếu Lâm Tự!
Nhà sư thuận miệng giới thiệu năm tên đầu lãnh bọn vây hãm với An Định Hầu. Năm người này gồm ba nam hai nữ đều ở độ tuổi từ ba mươi lăm đến bốn mươi. Ba người nam là Đào Bách Phong, Đào Đại Hải, Đào Nhân Tú. An Định Hầu nhìn ba người họ Đào đều có nét hao hao giống nhau đoán chừng là ba anh em ruột. Ba người họ Đào được giới giang hồ mé tây bắc xưng tụng là Đào Gia Tam Tuyệt, sở trường dùng đao. Đào Gia Tam Tuyệt tung hoành miệt tây bắc mấy mươi năm có thể coi hùng bá một cõi cộng thêm đao pháp họ Đào có nhiều điểm độc đáo vượt trội cho nên bì danh tiếng hay thế lực đều lớn mạnh. Tuy nhiên, ba anh em họ Đào thấy An Định Hầu dùng trường đao tài tình đều tự thầm không sao bì lại. Bọn họ chẳng những không tị hiềm đố kỵ còn đâm ra kính trọng. Kẻ nào cũng ước chừng có dịp phải nài nỉ An Định Hầu chỉ dẫn.
Nhà sư Giác Minh lại chỉ sang hai người nữ giới thiệu. An Định Hầu nghe một người tên Lục Thanh Trì, một người tên Lục Phương Mỹ lại đoán chị em một nhà. Khuôn mặt hai chị em họ Lục vẫn còn nhiều nét đài các hơn người. Bọn họ khi trẻ đều là phường khuynh thành khuynh quốc. Đồng hữu giang hồ gán cho hai chị em họ Lục hiệu Song Mai Hiệp Nữ. An Định Hầu không mấy rành rẻ chuyện diễn từ giải nghĩa nhưng ngẫm chị em họ Lục mặt thanh mày tú thầm đoán tuổi cũng gần bốn mươi nhưng nhan sắc vẫn đủ khiến khách phong lưu động lòng nên hiểu ngoại hiệu trên hàm ý tán tụng nét đài các. Ông tuy liếc nhìn chỉ một cái vẫn tự động gật gù:
- Đem hoa mai để ví thì hợp lắm! Hoa mai không sắc cũng chẳng có hương nổi trội nhưng càng ngắm càng bị khí tiết tao nhã thu hút!
An Định Hầu chỉ thuận miệng khen, dứt lời mới sợ bị hai chị em họ Lục hiểu lầm ý cợt nhã, liền cười khà:
- Viễn tôi thô lỗ nên lời lẽ không giữ được ý tứ! Xin hai vị chớ để vào trong lòng!
Lục Thanh Trì, Lục Phương Mỹ chỉ cười mỉm cúi đầu nói không dám mấy tiếng. Hai chị em họ thừa hiểu An Định Hầu tính thẳng thắn nên những lời trên hiển nhiên là lời khen. Hai bà từ thuở trẻ tung hoành khắp nơi đến nay đã bốn mươi tuổi, tai nghe không ít lời tán tụng hoa mỹ. Âu cũng vì trời phú cho nhan sắc vượt trội. Hai bà bị nhiều khách phong lưu vây quanh nên đâm ra ngán ngẩm thành thử tuổi đã bốn mươi vẫn chưa chấm được đấng hào kiệt nào để nâng khăn sửa túi. Phần An Định Hầu khi nghe nhà sư Giác Minh giới thiệu thì chỉ nhìn hai chị em họ Lục một lần chớ hề liếc mắt đến cái thứ hai. Hai bà thấy An Định Hầu không bị nhan sắc tầm thường bên ngoài làm xao động đâm ra mến phục trong lòng.
Nhà sư Giác Minh nói tiếp:
- Năm đó bần tăng cùng Đào Gia Tam Tuyệt, Song Mai Hiệp Nữ bảo vệ một bộ tàng thư trở về Thiếu Lâm Tự! Bọn tà ma cùng những tên phản trắc âm thầm bày bố dọc đường hòng chiếm đoạt. May bần tăng cùng năm đồng hữu đây liều chết mới giữ được vẹn toàn! Chẳng ngờ đến cùng lại bị bọn Thập Tam Sát mai phục! Mười ba tên ác ma ấy võ nghệ thượng thặng! Bần tăng tuổi còn trẻ, tu đạo chưa lâu, võ nghệ thô sơ chẳng sao địch lại. Năm vị đồng hữu đây cũng bị đánh bại! Cứ ngỡ phen đó chết thảm, may sao Hạnh Nguyên Nữ Hiệp ngang qua bèn ra tay giúp đỡ!
An Định Hầu liền chen ngang:
- Nhà sư thứ lỗi! Viễn tôi có chút khó hiểu!
Nhà sư Giác Minh hỏi:
- Không biết trại chủ khó hiểu ở điểm nào?
An Định Hầu đáp:
- Viễn tôi được nữ đạo Hạnh Nguyên dạy võ cách đây mười năm! Khi đó, bà ấy cùng lắm chỉ hơn bốn mươi tuổi! Nếu chuyện bà ta giải cứu các vị xảy ra cách đây hai mươi năm thì lý nào bà ấy chỉ vừa hai mươi tuổi đã có võ nghệ giỏi đến vậy?
Nhà sư cùng Đào Gia Tam Tuyệt, Song Mai Hiệp Nữ tự động kêu úi chao một tiếng. Lục Phương Mỹ trong Song Mai Nữ Hiệp vội nói:
- Trại chủ đã nhầm! Hạnh Nguyên Nữ Hiệp phen đó đã ngoài bảy mươi tuổi! Nếu tính đến đây nữ hiệp cũng phải hơn chín mươi tuổi!
An Định Hầu trợn mắt:
- Lẽ nào…lẽ nào lúc dạy võ cho ta, bà ấy đã tám mươi tuổi có hơn ư!
An Định Hầu bèn đem dáng vóc của nữ đạo Hạnh Nguyên tả lại. Nhà sư Giác Minh cùng năm đồng hữu nghe xong đều tấm tắc gật đầu không ngớt. Cả bọn quay sang diễn giải cho hầu gia tường tận. An Định Hầu hiểu đại khái, nữ đạo Hạnh Nguyên luyện được món nội công có tác dụng giữ mãi nét xuân. Bà ấy luyện thành năm bốn mươi tuổi thành ra suốt đời đều có sắc vóc như nữ nhân bốn mươi tuổi. Ông ngẫm ra trong giới giang hồ còn nhiều thứ kỳ ảo khôn tận nên chẳng buồn hỏi han thêm.
Nhà sư Giác Minh diễn giải thêm:
- Hạnh Nguyên Nữ Hiệp chỉ dùng một bộ Tán Cốt Thủ do chính bà ấy sáng tạo đã đánh bại mười ba tên ác ma. Bần tăng đến giờ vẫn nhớ như in mười sáu thế quyền ấy!
Nhà sư nói xong liền bước ra đánh một lèo đúng mười sáu quyền đem so bì với đao pháp An Định Hầu sử dụng đều chẳng hề sai lệch. Tuy nhiên, nhà sư không nắm được yếu quyết bên trong nên dầu đúng thế lại chẳng có chút uy lực nào. An Định Hầu nhìn nhà sư múa quyền, tự hỏi:
- Vậy là nữ đạo Hạnh Nguyên đã biến đổi quyền thành đao pháp để dạy cho ta! Khi đó, bà ấy có nói hàm ý bên trong còn nhiều điều huyền biến phải chăng muốn nhắc nhở cho ta không nên chỉ khư khư bó hẹp trong phạm vi dùng đao?
An Định Hầu ngẫm nghĩ đến độ xuất thân ngồi bất động như tượng. Bọn Đào Gia Tam Tuyệt ngó thấy toan đánh động thì Lục Phương Mỹ trong Song Mai Hiệp Nữ vội can ngăn. Giác Minh đã ngừng múa quyền. Nhà sư liền ra hiệu cho bọn người Thiên Ngưu Bang đang tiệc tùng rôm rả xung quanh im lặng. Nhà sư nói:
- Trại chủ đang nhập định, chớ làm phiền!
Quả nhiên An Định Hầu ngồi bất động hơn một khắc. Đột ngột, hầu gia phóng người ra giữa sân rộng, tiện tay chộp lấy một thanh kiếm của tên tiểu tốt đặt gần đó. An Định Hầu dùng kiếm để múa lại bộ đao pháp biến chuyển từ Tán Cốt Thủ. So với trường đao, kiếm nhẹ hơn mấy mươi phần nên dễ dàng biến chuyển. An Định Hầu quen vận lực để múa đao nặng nay như chim ưng lớn thoát khỏi gông cùm tự nhiên múa kiếm nhanh như gió nổi. Song Mai Hiệp Nữ có thể được xem là cao thủ về kiếm nhất nhì nhưng nhìn An Định Hầu múa liền mấy mươi thế kiếm liên hoàn đều chỉ biết trợn mắt, tự ngẫm nếu đối đầu chưa chắc đã hóa giải được. Nhà sư Giác Minh đứng quan sát liền buột miệng nói:
- Không xong! Ông ấy nhập ma đạo rồi!
Phải biết chuyện luyện võ ngoài chuyên cần thì tính giác ngộ được đặt lên hàng đầu. Có kẻ chăm chăm luyện quyền mấy mươi năm vẫn không hề tiến bộ, bù lại có người chỉ trong một khắc thức tỉnh đã tìm ra con đường để tự bản thân thăng tiến võ công. Những vị sư phụ dạy võ có được đồ đệ giỏi giác ngộ thì sung sướng còn hơn nhặt được vàng. Họ sẽ không ngừng bồi đắp và dành thời gian quan sát để chỉ dẫn khi cần thiết. Ấy là vì ngộ tính trong võ học tức thời nên điều mà người giác ngộ cũng tức thời không tròn vẹn đầy đủ, như kẻ đói ăn lâu ngày tự nhiên thấy được nồi cơm lớn tự nhiên sẽ ăn lấy ăn để kết cuộc khiến bản thân đột tử vì bội thực. Đấy được gọi là ma đạo trong giác ngộ võ học. Các bậc tôn sư đều chí ít trải qua trong đời họ một lần giác ngộ như vậy. Kẻ nào khéo biết kềm chế thoát khỏi hay được thầy cứu chữa kịp lúc về sau thành nên một thân tuyệt thế trên đời. Ví như nhà sư Giác Minh ham mê luyện quyền, luyện đến độ vô tình nhập định thấu tỏ hết thảy ưu khuyết bên trong của quyền thuật nhà Phật dẫn đến hoang mang khí huyết trong người đảo lộn. May được sư phụ là Viễn Giới Thiền Sư phát hiện kịp lúc đem truyền cho hai mươi năm công lực để cứu chữa, nhà sư Giác Minh mới qua được nạn đó. Hay như hai chị em họ Lục của Song Mai Hiệp Nữ, bọn họ vì ngộ ra kiếm pháp tuyệt luân trong lúc nhập định chẳng kềm nổi giết chết mấy mươi người. Sau khi thức tỉnh, cả hai chị em hối hận không nguôi nên quyết định dấn thân hành hiệp để bù đắp lại lỗi lầm.
Lục Thanh Trì, Lục Phương Mỹ ngó An Định Hầu múa kiếm sát khí tỏa ra nặng dần lên liền nhớ lại thuở trước bản thân nhập ma đạo, tự nhiên rùng mình sợ hãi. Lục Phương Mỹ e để An Định Hầu thoải mái múa kiếm nhất định sẽ gây ra cảnh giết chóc nên không ngần ngại phóng người đến ngăn cản. Bà ta cốt yếu chỉ ngăn An Định Hầu giết loạn nên kiếm pháp mười phần hết mười đều cố kéo mũi kiếm của An Định Hầu nhắm về phía mình. Bộ kiếm pháp mà hai chị em họ Lục ngộ ra ngày trước có tên gọi Tùng Vân thành thử thế kiếm uyển chuyển nhẹ nhàng như mây trôi bềnh bồng, Lục Phương Mỹ lại đoan trang xinh đẹp nức tiếng khiến kiếm pháp thêm bội phần diễm lệ. An Định Hầu đánh kiếm dữ dội như vũ bão. Lục Phương Mỹ thì từ tốn chống trả, chiêu kiếm mênh mang bất tận nhìn chậm rãi nhưng mỗi thức đều bao bọc hết thảy chiêu kiếm của An Định Hầu. Bọn Thiên Ngưu Bang cùng Đào Gia Tam Tuyệt không mấy khi được thấy Tùng Vân Kiếm của hai chị em họ Lục cho nên buột miệng tán thưởng không ngớt.
Lục Phương Mỹ định bụng chừng thêm nửa canh giờ thì An Định Hầu nhất định kiệt sức mà buông kiếm. Bà ta không muốn làm hầu gia bị thương nên chiêu kiếm chẳng hề có chút uy lực sát thương nào. Ngược lại, An Định Hầu đang chìm trong cơn mê loạn nên múa kiếm uy lực vô kể, lại thêm bộ Tàn Cốt Thủ kia chiêu nào cũng toàn dồn địch thủ vào thế chết. An Định Hầu không còn đủ tỉnh táo để kềm tính hiếu sát thành ra tận lực đấu kiếm với Lục Phương Mỹ thêm hai khắc đã ép bà ta vào tình thế chống trả nghẹt thở. Lục Phương Mỹ không sao toan tính kịp đành dốc hết thực lực bản thân giao đấu. Kiếm chiêu rờn rợn sát khí khiến đôi bên chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ mất mạng. Nhà sư Giác Minh hoảng sợ toan nhảy vào để can ngăn nhưng đành bất lực. Hai bộ kiếm pháp đan vào nhau kín không một kẽ hở. Nếu nhà sư dại dột chen vào sợ chưa kịp ra tay đã bị loạn kiếm chém chết.
Nhà sư Giác Minh bất lực đành đứng ngoài. Bọn Cố Ngạn, Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn càng không dám tự tiện hành động. Đào Gia Tam Tuyệt thì chỉ biết trợn mắt nhìn. Riêng Lục Thanh Trì tuy thân phận là chị nhưng về kiếm thuật cũng như nội lực đều thua kém Lục Phương Mỹ thành ra đành mím môi tính kế cứu vãn. Kết cuộc cả bọn để Lục Phương Mỹ cùng An Đình Hầu đấu qua đánh lại hơn một canh giờ vẫn chưa ngã ngũ. Ban đầu Lục Phương Mỹ còn chiếm ưu thế, về sau bị An Định Hầu dồn ép đâm ra thua sút vô kể. Căn nguyên, bà ta không hề có ý làm An Định Hầu bị thương nên kiếm pháp hoàn toàn nhân nhượng, phần An Định Hầu nhập ma đạo đem hết cả thần lực trong người ra trút lên đầu Lục Phương Mỹ. Lục Phương Mỹ có nội công cao đến đâu nhưng hết phen này đến phen khác nượng tay thành ra dần yếu thế. An Định Hầu đánh thêm mười chiêu đã khiến Lục Phương Mỹ phải buông kiếm không đỡ thấu. Mọi người đứng ngoài thấy muôn vàn ánh kiếm chụp xuống đầu Lục Phương Mỹ thì đồng loạt kêu la khiếp đảm. Bản thân Lục Phương Mỹ cũng cho rằng phen này khó sống nổi. Bà ta nghĩ:
- Đằng nào cũng chết chi bằng giúp ông ấy một phen! Ta có ra sao cũng chẳng oan uổng gì!
Ban đầu biết An Định Hầu là tân trại chủ Thiên Ngưu Bang, Lục Phương Mỹ chớ hề xem trọng còn để bụng khinh khi. Bà ta cho rằng Thiên Ngưu Bang là trại thổ phỉ thì trại chủ cũng không tốt đẹp gì. Cộng thêm An Định Hầu tướng tá thô to, giọng nói điệu bộ đều dữ tợn càng gây nhiều phản cảm cho Lục Phương Mỹ. Nho sinh thì khó bề ưa người thô lỗ, văn quan khó bề hòa hợp với võ tướng, Lục Phương Mỹ nhan sắc tú lệ đến những hào kiệt văn võ song toàn còn chưa lọt vào tầm mắt hồ chi một tân trại chủ thổ phỉ thô lậu. Tuy nhiên, Lục Phương Mỹ nhìn An Định Hầu giao chiến với đám người vây hãm rồi đánh nốt ni cô am Nê Lâm mười phần hết chín đều nương tay không muốn bày ra cảnh chết chóc, uy dũng ngợp trời hơn đứt bọn phong lưu nho nhã ngày ngày vẫn lân la tụng hoa tán nguyệt. Lục Phương Mỹ không hay đã có thiện cảm với An Định Hầu tự lúc nào. Bà ta lại nhận ra ông là đệ tử của nữ đạo Hạnh Nguyên tự nhiên tăng thêm mấy phần mến mộ. Bụng là nghĩ vì coi trọng nữ đạo Hạnh Nguyên nên có thiện cảm với An Định Hầu nhưng thâm tâm Lục Phương Mỹ đâm ra ưa kề cận. Bà ta thấy ông nghiệm kiếm thuật nhập ma liền vội vàng ứng cứu không hề nề hà chuyện sống chết.
Lục Phương Mỹ nghĩ bụng liều mình giúp An Định Hầu, có chết dưới kiếm của ông cũng chẳng hề oán thán. Nghĩ đến đây, bà ta tự nhiên lại thấy ấm áp kỳ lạ. Lục Phương Mỹ sống đến bốn mươi tuổi lần đầu mới biết ngoài thân sinh còn có nam nhân khác tạo nên sự ấm áp trong tâm trí đến vậy.
Lục Phương Mỹ tự nhiên long lanh đôi mắt. Bà ta không hề quan tâm mấy mươi chiêu kiếm của An Định Hầu giáng xuống đầu vẫn băng băng lao tới. Bà ta dự tính dùng công lực điểm lên mấy đại huyệt lớn trên người An Định Hầu để khống chế. Hiển nhiên, bà ta làm thế đã tự đưa mình vào chổ chết. Nhà sư Giác Minh thấy tình thế hung hiểm tột độ vội la lớn:
- Lục thí chủ cẩn trọng!
Nhà sư nói xong vận liền công lực tạo nên lớp kim quang nhà Phật hộ thân rồi nhảy bổ vào sau lưng An Định Hầu toan vỗ một cái lên ót. Mọi người đứng quanh quan sát không khỏi ớn lạnh trong bụng. Hồ như nhà sư vỗ kịp sẽ khiến An Định Hầu bất tỉnh như vậy sẽ cứu được Lục Phương Mỹ, bằng không trể một nhịp, loạn kiếm của An Định Hầu giết chết nàng họ Lục xong sẽ tiện thể trở đòn đâm ngược vào nhà sư. Tình thế đang diễn biến hung hiểm đột nhiên có tiếng An Định Hầu ngơ ngác:
- Ta…ta làm gì thế này?
An Định Hầu nhập ma đương hăng chém giết nhưng may nhờ định lực bản thân mạnh mẽ nên dần hồi tỉnh. Ông thấy tay đang múa kiếm chém như mưa xối lên đầu Lục Phương Mỹ thì ngơ ngác, lại nhìn Lục Phương Mỹ chẳng những không tránh còn băng băng áp sát, nhìn nét mặt nàng họ Lục đầy nét an nhiên như thể chấp nhận cái chết càng kinh hãi. An Định Hầu liền buông tay phóng kiếm sang một góc. Uy lực kiếm pháp cộng thêm lực ném của ông khiến thanh kiếm bay như tên bắn cắm sâu vào thân cây Tử Đinh cách đó chừng hai mươi thước. Lục Phương Mỹ biết An Định Hầu đã thoát cơn mê loạn thì mừng rỡ. Bà ta vội vàng thu hồi nội công tránh gây thương tích. Nhưng do đã đến quá gần, Lục Phương Mỹ tự triệt tiêu công lực khiến bước chân loạng choạng theo đà chạy ngã liền vào người An Định Hầu. An Định Hầu vội vàng giơ tay toan đỡ lấy ngờ đâu khí huyết trong người nhộn nhạo. Ông vừa đưa hai tay đã ôm chặt người đẹp vào lòng, bản thân ú ớ mấy tiếng rồi bất tỉnh nhân sự. May Lục Phương Mỹ nhận ra kịp vội giữ lại. Lục Phương Mỹ dìu An Định Hầu đứng yên trên đất. Thân trúc mai chẳng sao ôm gọn được tùng bách, giai nhân thanh tao như Lục Phương Mỹ càng khó giữ yên dáng người khôi vỹ của An Định Hầu mà không đụng chạm thân thể.
An Định Hầu vừa nhập ma đạo mê sảng chém giết nên khí lực toàn thân đều căng tràn. Ông tỉnh mộng thoát mê khiến khí lực bị xung đột. Đến như bậc có nội công thượng thừa còn không chịu nổi huống hồ kẻ chỉ có sức mạnh cơ bắp thông thường. Thành ra đỡ được Lục Phương Mỹ khỏi ngã, An Định Hầu liền trợn mắt bất tỉnh nhân sự. Nhà sư Giác Minh đến kịp lúc vội dìu lấy An Định Hầu. Nhà sư cứ nghĩ thân thể An Định Hầu vừa to vừa nặng gây khổ sở cho Lục Phương Mỹ. Nhà sư biết Lục Phương Mỹ không thích nam nhân nên đoán bà ta tự dưng phải giang tay đỡ lấy An Định Hầu trong bụng sẽ khó chịu vô kể. Dè đâu lúc đỡ An Định Hầu, nhà sư mới thấy đôi mắt ngọc của Lục Phương Mỹ mơ màng như thể mơ hoa. Nhà sư hiểu ra liền cười mỉm.
Giác Minh dò mạch nghe khí huyết trong người An Định Hầu mạnh yếu bất thường biết ngay tình hình cấp bách. Nhà sư tức thì đưa An Định Hầu vào phòng trong. Bốn tay phó trại chủ biết ý liền chia nhau canh gác bên ngoài không để ai quấy phá. Đào Gia Tam Tuyệt cũng giúp một tay canh phòng. Riêng Lục Thanh Trì bước đi mấy bước theo gót cả bọn lại thấy Lục Phương Mỹ vẫn đứng như trời trồng không khỏi làm lạ. Bà ta bèn đến cạnh mới hay cô em còn đương mơ màng. Lục Thanh Trì phải lay mấy bận mới khiến Lục Phương Mỹ giật mình tỉnh mộng. Bà ta thấy chị đang lăm lăm nhìn liền tự thẹn, hỏi chữa:
- Chàng ấy…ông ấy sao rồi?
Lục Thanh Trì làm vẻ ngơ ngác hỏi lại:
- Em của ta đang hỏi là chàng hay ông? Ta chỉ thấy trại chủ Thiên Ngưu Bang mà thôi! Nếu gọi trại chủ là ông thì rõ ràng hơi quá, trại chủ cùng lắm lơn hơn chị em ta một hai tuổi! Nếu gọi là trại chủ là chàng thì càng không thỏa đáng, trại chủ và chị em ta chỉ vừa gặp mặt trước đây làm gì có giao tình qua lại mà gọi thân mật vậy?
Lục Phương Mỹ bị chị bắt bí chẳng biết phải đáp thế nào. Lục Thanh Trì nhìn thái độ khác thường đoán ngay được giấc mộng xuân của cô em vốn hay dè bỉu nam nhân càng thêm cớ để châm chọc. Bà ta hạ giọng hỏi nhỏ:
- Phải chăng có người đã chán làm nữ hiệp muốn được làm trại chủ phu nhân đó chăng?
Lục Phương Mỹ liền giãy nãy:
- Chị chớ…chớ…!
Bà ta định bụng sẽ nói, chị chớ hàm hồ nhưng nhớ lại bản tính của Lục Thanh Trì liền nuốt ngay hai chữ hàm hồ vào bụng. So bề lãnh đạm với nam nhân thì Lục Thanh Trì vượt xa còn có phần kiên định hơn hẳn Lục Phương Mỹ. Lục Thanh Trì thừa biết cô em gái vẫn còn thừa mộng xuân nên thường kèm cặp răn đe. Âu cũng vì thuở trẻ, Lục Thanh Trì đem lòng yêu phải một khách chơi hoa lại quen tính bẻ cành bán rao. Từ đó bà ta càng trở nên lạnh nhạt chuyện luyến ái. Lại thêm xung quanh toàn thấy những phường háo sắc lân la khiến Lục Thanh Trì thêm quyết tâm lãnh đạm. Lục Phương Mỹ có chị làm gương, thường nghe Lục Thanh Trì ảo nảo than thở dần dà cũng theo tính trên. Chỉ vì hôm nay gặp phải An Định Hầu kiêu dũng quá độ, hơn nữa mấy mươi năm mới được một lần vô tình tay kề má ấp nam nhân xa lạ, Lục Phương Mỹ không khỏi động lòng.