Chinh Nhân Oán Ca Chương 51

Chương 51
Vô Tình Được Dạy Thần Công

Hỏi Xem Mắt Liễu Mấy Phần Long Lanh

Nhà sư Giác Minh dìu An Định Hầu vào trong liền kiểm tra cẩn thận. Phần vì nể ơn tình nữ đạo Hạnh Nguyên, phần vì tiếc một bậc kiêu dũng, nhà sư dốc cả tâm lực để chữa trị. Tuy nhiên, khí huyết An Định Hầu bị xung đột quá độ. Nhà sư Giác Minh vận công dưỡng thương cho ông ta hơn hai khắc vẫn không sao điều hòa mạch tượng cho được. Nhà sư nhớ lại năm xưa bản thân cũng bị nhập ma đạo được Viễn Giác Thiền Sư không tiếc công lực ra tay cứu mạng. Giác Minh ngẫm chuyện cũ tự nhiên cười mỉm:

- Ân sư của lão nạp có hiệu Viễn Giác, thí chủ đây tự xưng tên cũng là một chữ Viễn. Phải chăng do ân sư quá cố độ duyên cho thí chủ gặp lão nạp chăng?

Nhà sư Giác Minh vội đặt An Định Hầu nằm ngay ngắn lại trên giường. Nhà sư suy ngẫm một lúc, cười mỉm nói:

- Nếu đúng là nghiệp chỉ mong lão nạp không vô tình tạo ra ác nghiệp!

Nhà sư niệm chú từ bi hơn một khắc mới từ tốn vận công áp tay lên huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu An Định Hầu. Huyệt Bách Hội được xem là yếu huyệt bậc nhất, phàm chỉ cần ra lực, nhẹ sẽ khiến đối phương chấn động trí não, nặng tự nhiên sẽ khiến đối phương mất mạng. Tuy vậy, huyệt Bách Hội cũng là nơi dễ dàng chữa trị chuyện rối loạn khí huyết. Chỉ các bậc danh y trong thiên hạ hay những phường võ sư tuyệt đỉnh mới biết cách dùng. Nhà sư Giác Minh luyện thành bộ nội công Vi Đà Phổ tự nhiên am hiểu cách chữa trị trên.

Dẫu vậy, nội công Vi Đà Phổ là tuyệt học của nhà Phật, so bì uy lực không có bất kể món nội công thượng thặng nào bì lại được. Nhà sư Giác Minh có bụng muốn học theo ân sư Viễn Giác ngày trước nên không khỏi do dự. Ví như nhà sư truyền cho hai mươi năm công lực giúp An Định Hầu giữ mạng tất nhiên là chuyện tốt. Nhưng An Định Hầu muốn dùng được buộc phải biết yếu quyết vận khí bên trong. Ngộ nhỡ An Định Hầu rành rẽ lại tác yêu tác quái thì hậu hoạn khôn lường. Nhà sư Giác Minh ngẫm đến đây liền buột miệng:

- Hạnh Nguyên Nữ Hiệp chỉ sơ giao đã dám đem bộ Tán Cốt Thủ truyền cho người này, rõ ràng đã nhìn ra được tâm tính bên trong! Xem như ta học theo nữ hiệp, chỉ mong ông ấy được thân nội công sẽ không trở tâm tính!

Nhà sư Giác Minh vận công điểm lên huyệt Bách Hội của An Định Hầu. Chỉ thấy ngón tay nhà sư tự nhiên phát ra luồng kim quang sáng chói. Nhà sư lại đặt một tay lên thái dương An Định Hầu, miệng không ngừng thì thầm:

- Duy trì hơi thở đừng loạn, thả lỏng toàn thân dẫn khí!

Nhà sư vừa truyền công còn dùng thêm thuật Định Tâm. Thuật này so với Mê Tông Pháp của Ân Bích Câu đại khái giống nhau đều dùng để nhiếp hồn người nghe. Nhưng Mê Tông Pháp của Ân Bích Câu khiến đối phương bộc phát dục tâm sanh điên cuồng si dại, thuật Định Tâm của nhà sư lại khiến người nghe tâm thần thư thái tự nhiên phải làm theo lời nói. An Định Hầu đang mê mang bất tỉnh nghe chỉ dẫn của nhà sư Giác Minh liền răm rắp tuân theo. Hai mươi năm công lực của nhà sư Giác Minh như cơn lũ lớn chảy đều khắp huyệt đạo trong người An Đình Hầu rồi dồn về tụ lại ở đan điền. Nhà sư Giác Minh luyện võ đã được hơn bảy mươi năm bỏ chừng ấy công lực để cứu mạng chẳng hề có chút ảnh hưởng. Riêng An Định Hầu có được công lực của nhà sư như ruộng khô gặp mưa lớn, mạch đang loạn nhịp tự động trở lại như bình thường. Nhà sư Giác Minh dẫn nội công xuyên qua hai huyệt Nhâm Đốc của An Định Hầu không khỏi ngạc nhiên trong bụng. Hai huyệt này đã được thông suốt từ trước.

Phải biết trong võ học, hai huyệt Nhâm Đốc được coi là sanh tử huyền quan. Kẻ luyện võ không ai lại không mơ ước được khai hóa hai huyệt đạo trên. Tuy nhiên, nếu nội công tu luyện chưa đủ, liều lĩnh dẫn khí công phá Nhâm Đốc chính là con dao hai lưỡi. Thông suốt được thì chẳng sao còn giúp bản thân thăng tiến tột độ nhưng không may chẳng khai được hai huyệt Nhâm Đốc khiến khí lực suy yếu không chết thì thân thể cũng kiệt quệ trở thành phế nhân nằm liệt suốt đời. Bản thân An Định Hầu chưa luyện qua nội công thì sanh tử huyền quan không thể tự động thông suốt được. Nhà sư Giác Minh càng nghĩ càng thấy lạ liền dồn thêm nội lực thông qua hai huyệt Nhâm Đốc phen nữa mới hay trong thân thể An Định Hầu đã có sẵn một nguồn nội lực ước chừng hai mươi năm tu luyện. Dẫu vậy, nguồn nội lực này lại âm nhu khác biệt với nguồn nội lực chí dương của nhà sư Giác Minh.

Nhà sư Giác Minh phát hiện ra điều trên tức thì đổ mồ hôi hột. Nhà sư vì cứu mạng An Định Hầu mới đem hai mươi năm công lực bản thân truyền sang, ngờ đâu thân thể ông ta đã có sẵn nguồn nội lực tương tự. Nguồn nội lực đó lại là chí âm, nhà sư truyền nội công chí dương sang khác nào dùng lửa ném xuống nước thành ra sự giao tranh dữ dội. An Định Hầu đang mê mang gặp phải sự giao tranh trên tính mạng càng hung hiểm. Nhà sư Giác Minh định bụng phải đem hết thảy nội công bản thân mới thuần hóa được nội lực chí âm trong người An Định Hầu. May thay, nguồn nội lực kia gặp nội lực chí dương của nhà sư liền trung hòa chẳng có chút đối kháng. Nhà sư Giác Minh mừng rỡ vô độ gia tăng nội công giúp hai luồng khí lực âm dương hòa quyện thành một. Quả nhiên, An Định Hầu tự động trở mình ú ớ như mê ngủ. An Định Hầu đã thoát hết hung hiểm.

Nhà sư Giác Minh chữa trị cho An Định Hầu xong liền xếp bằng vận công để điều hòa bản thân. Chừng ổn thỏa, nhà sư trầm ngâm suy ngẫm:

- Lẽ thường nội công chí âm phải khắc nội công chí dương! Trên đời này làm gì có nội công chí âm lại tự động trung hòa luồng nội công đối nghịch khác cho được!

Nhà sư nghĩ hung chợt ồ lên:

- Phải lắm! Nhất định người truyền nội công chí âm vào thân thể trại chủ có nội công vô cùng thâm hậu hơn hẳn ta. Thành ra, luồng nội công chí âm kia mới trung hòa nội công chí dương của ta dễ dàng đến vậy! Nhất định là Hạnh Nguyên Nữ Hiệp dạy võ nhân tiện truyền thêm công lực để trợ giúp!

Nhà sư Giác Minh đã đoán không hề sai. Nữ đạo Hạnh Nguyên khi dạy quyền Thoái Cốt Long đã âm thầm truyền thêm nội lực giúp An Định Hầu. Bản thân An Định Hầu chớ hề có chút công lực, quyền Thoái Cốt Long lại uy mãnh vô song. Nữ đạo đem quyền dạy khác gì trao cho kẻ vụng về thanh thép tốt bắt y gò lưng luyện thành kiếm quý. An Định Hầu có chuyên cần tập luyện đến hết đời cũng khó thành được. Cho nên nữ đạo dạy xong lại bắt An Định Hầu giơ ngực cho bà ta đánh quyền biểu diễn. Kết cuộc, An Định Hầu phải đem hết thần lực bẩm sinh gồng mình trợn mắt chịu đựng để nữ đạo Hạnh Nguyên vỗ bôm bốp lên ngực. Bà ta đã khéo léo nhân đó truyền phần nội công chí âm tương đương hai mươi năm tu luyện vào thân thể An Định Hầu. Nhờ đó về sau, An Định Hầu mới luyện thành Thoái Cốt Long, Trụy Cốt Thủ cùng bộ đao pháp biến chuyện từ Tán Cốt Thủ. Ông ta giao chiến trên sa trường thắng thế vô kể lại cho do võ công của nữ đạo Hạnh Nguyên cao thâm nào hay biết căn nguyên bên trong.

Nhà sư Giác Minh đoán được cớ sự liền cười mỉm:

- Hạnh Nguyên Nữ Hiệp so bề võ công hay phẩm hạnh đều vượt trội hiếm có! Nữ hiệp đã không e ngại truyền nội công thì ta còn sợ gì!

Nhà sư Giác Minh xòe tay vỗ nhẹ lên huyệt Bách Hội của An Định Hầu. Tức thì An Định Hầu mở mắt tỉnh dậy. Ông ta tỉnh giấc nhưng toàn thân đều tê liệt không sao cử động, đến lưỡi cũng cứng đờ như đúc chì. Nhà sư thấy An Định Hầu hoang mang liền cười hiền nói:

- Trại chủ lao lực quá độ nên nhất thời chưa thể cử động được, chỉ cần ngủ ngon một giấc tỉnh dậy sẽ bình thường như cũ!

Nhà sư Giác Minh nói đến đây thì không mở miệng nhưng An Định Hầu lại nghe giọng nhà sư vang vang trong đầu:

- Lão nạp sẽ chỉ cho trại chủ một ít bí pháp dẫn khí. Về sau, trại chủ chí ít một ngày phải luyện tập theo bí pháp này một lần sẽ giúp thân thể tráng kiện không sợ bị bệnh tật xâm nhập!

An Định Hầu không sao mở miệng để cảm tạ nhà sư đành chớp mắt mấy cái. Giọng nhà sư lại vang tiếp trong đầu An Định Hầu:

- Thí chủ phải nhớ thật kỹ, bí pháp này mỗi ngày phải tập một lần, nhớ rằng không được tự ý truyền lại cho bất kỳ kẻ nào dầu là thân thuộc!

Lúc nữ đạo Hạnh Nguyên dạy võ cho An Định Hầu cũng bắt thề độc không dạy cho kẻ nào khác. Ông thầm hiểu võ công một bang phái có nhiều ẩn họa khôn lường còn thêm nhiều quy tắc ràng buộc không dễ đường đột truyền ra ngoài. Phen này nhà sư Giác Minh lại nhắc nhở chẳng khác gì nữ đạo Hạnh Nguyên, An Định Hầu liền chớp mắt đồng ý. Nhà sư Giác Minh bắt đầu chậm rãi từng câu từng chữ như khắc vào trí óc của An Định Hầu. Vi Đà Phổ là nội công thượng thặng của nhà Phật không phải vì sự độc đáo mà vì uy lực khiếp hồn bạt vía. Tăng lữ chưa đủ uyên thâm về lòng từ bi thì không được học, tránh lúc ra tay lạm sát vô cớ. Thành ra chỉ có hàng cao tăng đắc đạo hoặc giả là trụ trì Thiếu Lâm Tự mới được học đến. Thêm một điểm khác lạ của Vi Đà Phổ chính là được truyền miệng từ đời này sang đời khác giữa các vị cao tăng chân tu đích thực. Cho nên kẻ nào có muốn học trộm cũng đành chịu.

Nhà sư Giác Minh muốn truyền cho An Định Hầu nhưng sợ những người đang gác bên ngoài phòng nghe thấy nên dùng thuật Định Tâm truyền lời nói vào trí óc. An Định Hầu cả đời cũng chẳng quên được nửa lời. An Định Hầu nghe toàn là cách điều dưỡng hơi thở lại mường tượng trong đầu ra muôn vàn hình ảnh nhà sư đang ngồi thiền nhiều tư thế khác nhau. Các tư thế về sau càng kỳ quái như thể đang cố hành xác. An Định Hầu không thể mở miệng hỏi đành cố ghi nhớ. Nhà sư Giác Minh truyền xong Vi Đà Phổ lại dùng thuật Định Tâm thêm lần nữa hòng chắc chắn khắc vào tâm trí An Định Hầu.

Chừng truyền xong, nhà sư Giác Minh thu lại thuật Định Tâm, mở miệng nói với An Định Hầu:

- Trại chủ phải nhớ luyện tập đều đặn nhất định thành tựu về sau rộng lớn vô kể! Ví như có dịp về cố quốc gặp lại Hạnh Nguyên Nữ Hiệp, xin chuyển thay lão nạp lời thăm hỏi và kể lại cuộc hạnh ngộ hôm nay!

Nhà sư muốn để cho nữ đạo Hạnh Nguyên biết chuyện đã truyền Vi Đà Phổ cho An Định Hầu nên căn dặn cẩn thận. Hàm ý của nhà sư là nhờ nữ đạo Hạnh Nguyên dùng nội công thâm sâu chỉ dẫn thêm để An Định Hầu dễ dàng đạt thành tựu. Tiếc thay, An Định Hầu đi sứ Đại Lý đã có bụng chết tha hương làm sao còn về lại Đại Cồ Việt để tìm gặp nữ đạo Hạnh Nguyên cho đặng. Nhưng An Định Hầu không thể mở miệng nói đành chỉ biết chớp mắt cho nhà sư Giác Minh yên dạ.

Nhà sư Giác Minh nói xong lại vỗ một cái lên huyệt Bách Hội của An Định Hầu. An Định Hầu liền chìm vào giấc ngủ. Nhà sư nhìn ông ta ngon giấc, bất giác cười hiền nói:

- Hạnh ngộ hôm nay không biết sau này còn có dịp gặp mặt! Chỉ mong ngài thành tựu đem lòng từ bi quảng độ tránh xa con đường lạm sát của đồ tể!

Nhà sư lại dùng thuật Định Tâm truyền cho An Định Hầu một đoạn kinh phật để giúp khai giảng đạo từ bi. Nhà sư yên tâm liền quay gót ra ngoài căn dặn bọn Cố Ngạn, Điền Lực, Mộc Hành, Cung Mẫn canh gác cẩn thận. Nhà sư lại dặn riêng Song Mai Hiệp Nữ ở lại coi ngó An Định Hầu, riêng Đào Gia Tam Tuyệt thì tùy ý. Nhà sư đã nhận ra tình ý của Lục Phương Mỹ trong Song Mai Hiệp Nữ nên muốn tác hợp để xem duyên quả ra sao, coi như làm một chuyện tốt. Đào Gia Tam Tuyệt đang có chuyện riêng nên cũng theo gót nhà sư Giác Minh xuống núi. Bọn tiểu tốt vây hãm rút đi hết. Núi Thanh Ngưu chỉ còn hai chị em Song Mai Hiệp Nữ cùng người Thiên Ngưu Bang.

Bốn tay phó trại chủ cùng Song Mai Hiệp Nữ tự động chia nhau canh gác theo từng canh giờ. Bắt đầu là Cố Ngạn tuần tự đến cuối là Lục Phương Mỹ. An Định Hầu nửa đời chinh chiến chớ hề có được mấy giấc mộng yên nay được nhà sư Giác Minh truyền công lực khai hóa, lại trúng thuật Định Tâm nên ngủ ngon vô cùng. Đến cuối lượt gác của Lục Phương Mỹ thì trời đã sáng bạch, An Định Hầu vẫn nằm yên trên giường, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn không hề có chút loạn nhịp. Lục Phương Mỹ có biết chút ít về y thuật nên thử nắm lấy cổ tay to lớn của An Định Hầu để dò mạch. Bà ta không phải là danh y nên mất hơn một khắc mới nghe được mạch đập của hầu gia bình thường. Lục Phương Mỹ yên bụng toan đặt tay An Định Hầu xuống giường nhưng lại chợt ngẫm nghĩ một lúc lại kéo giang rộng cánh tay ông ta. Lục Phương Mỹ hóng tai nghe ngóng cẩn thận mới từ từ ngã đầu gối má lên bắp tay rắn chắc của An Định Hầu.

Thuở tấm bé, Lục Phương Mỹ được cha cưng chiều nhất hạng nên hay vòi vĩnh được ngủ lên tay thân sinh. Cha bà là Thần Quyền Lục Nghị, thân thể vạm vỡ rắn chắc không thua gì An Đình Hầu. Ví thử bắt cả hai xoay lưng để nhìn từ phía sau, e rằng khó mà phân biệt được. Vốn Lục Thanh Trì là người phát hiện ra điểm này đầu tiên. Phương Mỹ thấy chị từ lúc gặp An Định Hầu cứ rũ mày điểm buồn liền gặng hỏi. Nhờ chị nói, bà ta mới nhận ra được. Thành thử suốt phiên canh gác cho An Định Hầu, Lục Phương Mỹ không ngừng quan sát, càng lúc càng nhận ra ông ta cùng thân phụ có nhiều nét tương đồng về vóc dáng. Lẽ thường con trai hay thân cận với mẹ, con gái thường yêu kính cha, Lục Phương Mỹ nhìn An Định Hầu không khỏi nhớ lại cảm giác được gối đầu lên tay cha ngủ thuở tấm bé liền rón rén làm thử. Bà ta thực bụng chớ hề có ý mộng ảo tình xuân nhưng gối má phấn lên tay An Định Hầu thay vì có cảm giác ấm áp như thuở bé lại là cảm giác yên bình kỳ lạ. Tự nhiên trong đầu Lục Phương Mỹ nhớ lúc vòng tay ôm lấy thân thể An Định Hầu không khỏi lâng lâng thẹn thùng trong mắt.

Đột ngột Công Tôn Uyển xô cửa bước vào. Nàng ta cứ nghĩ đang phiên canh gác của Cố Ngạn hoặc Cung Mẫn nên chẳng thèm gõ cửa. Trong Thiên Ngưu Bang, Công Tôn Uyển chính là trời. Nàng muốn cái gì thì đến mười Cố Ngạn hay một trăm phó trại chủ như Cung Mẫn cũng chẳng dám cãi nửa câu. Công Tôn Uyển cả đêm lo lắng cho An Định Hầu nên chớm sáng đã xăm xăm sang thăm. Dè đâu thấy Lục Phương Mỹ đang gối má lên tay ông ta, nàng không khỏi ngơ ngác. Phần Lục Phương Mỹ thì hoảng hồn vội vàng đứng dậy. Bản lãnh của bà thừa sức phát hiện ra bước chân của Công Tôn Uyển cách mấy trăm thước nhưng do đang thả hồn bướm mơ hoa nên tâm trí có phần xao lãng. Tuy nhiên, Lục Phương Mỹ nhanh chóng giữ nét nghiêm nghị vốn có trên mặt, hỏi Công Tôn Uyển:

- Ngươi vào đây làm gì?

Song Mai Nữ Hiệp là bậc trưởng thượng có vai vế trong giang hồ. Tính ra Công Tôn Uyển chỉ là hàng hậu sanh. Nàng nghe Lục Phương Mỹ hỏi liền cúi đầu vái chào, đáp:

- Tiểu nữ chỉ muốn thăm hỏi sức khỏe trại chủ!

Lục Phương Mỹ chỉ ừ một tiếng. Bà ta đã tính toán trong đầu tránh để chuyện vai kề má ấp với An Định Hầu bị truyền ra ngoài. Bà ta bèn nói với Công Tôn Uyển:

- Nhất định ngươi thấy lạ về việc vừa rồi ta đã làm! Đêm qua trại chủ phát sốt, sớm nay ta đã dùng bí pháp gia truyền của họ Lục để kiểm tra sức khỏe ông ấy! Cách này rất hiệu quả, nếu ngươi muốn ta sẽ truyền lại!

Công Tôn Uyển đầu óc không được nhanh nhạy nên nghe được truyền bí pháp thì mừng rỡ vâng dạ liên hồi. Lục Phương Mỹ cười thầm trong bụng rồi bịa đại khái mấy câu yếu quyết quái dị thủy chung chỉ việc áp má lên bắp tay đối phương. Công Tôn Uyển mừng rỡ làm thử. Nàng áp má lên tay An Định Hầu quả nhiên nhận ra hơi ấm. Lục Phương Mỹ thấy dễ dàng lừa được tiểu thư của Thiên Ngưu Bang nên yên tâm. Dè đâu, Công Tôn Uyển vờ cười tươi vâng dạ liên hồi nhưng trong bụng lại nghĩ:

- Trên đời này làm gì có chuyện thăm bệnh phải áp má, rõ ràng là lường gạt! Bà cô họ Lục tưởng dễ gạ gẫm ta hay sao? Rõ ràng bà cô này có ý với trại chủ!

Thông lệ Thiên Ngưu Bang, nếu trại chủ mới không có thân bằng quyến thuộc thì sẽ cưới con gái trại chủ cũ để lập làm trại chủ phu nhân. Thông lệ này là muốn giữa hai vị trại chủ gắn bó với nhau tránh cảnh tranh giành quyền lực gây mất đoàn kết trong hàng ngũ phó trại chủ hay tiểu tốt. An Định Hầu làm trại chủ tất nhiên sẽ cưới Công Tôn Uyển. Công Tôn Uyển có muốn hay không thì ghế trại chủ phu nhân đã nghiễm nhiên thuộc về nàng. An Đình Hầu bị dị tướng âm trên mặt nên chẳng dễ gì lọt được vào mắt ngọc của nàng tiểu thư bạo gan của Thiên Ngưu Bang. Tuy vậy, uy dũng của ông ta lại thừa lấp đi khiếm khuyết nọ, Công Tôn Uyển từ lúc rời rừng trúc trong đầu đã dệt nên giấc mộng hoa, cứ nghĩ An Định Hầu xấu xí dữ tợn nên không lo bị nữ nhân khác dành mất. Chẳng ngờ đùng đùng xuất hiện một Ân Bích Câu rồi tự nhiên trên trời rơi xuống một Lục Phương Mỹ. Ví có chia sẻ ghế trại chủ phu nhân cho Ân Bích Câu thì vẫn chấp nhận được nhưng về phần Lục Phương Mỹ thì có chết Công Tôn Uyển cũng không muốn thờ chung một chồng.

Căn nguyên do bọn giang hồ thường coi khinh Thiên Ngưu Bang là trại thổ phỉ nên liệt luôn vào hàng tà đạo xấu xa. Theo chiều ngược lại, người của Thiên Ngưu Bang hễ cứ nghe danh đại hiệp hay hiệp nữ thì ghét cay ghét đắng chẳng kém cạnh gì. Hai chị em họ Lục nổi danh hành hiệp trượng nghĩa mấy mươi năm dài, mặc dầu chưa hề mở miệng chê bai Thiên Ngưu Bang nửa lời nhưng vẫn bị gộp đũa nguyên nắm. Cho nên Công Tôn Uyển tự nhiên căm ghét Lục Phương Mỹ. Nếu không phải Lục Phương Mỹ vừa là trưởng thượng lại có bản lãnh cao cường, Công Tôn Uyển nhất định khinh bỉ ra mặt.

Công Tôn Uyển thiếu khôn ngoan về trí óc nhưng quen thói lớn gan nên đáo để cũng chẳng kém. Nàng ta cứ vờ tin lời của Lục Phương Mỹ, áp má lên tay An Định Hầu để xem bệnh. Hết áp má phải xong thì chuyển sang má trái, hết tay lại chuyển lên ngực, Công Tôn Uyển cứ vậy mà gối đầu kề má với An Định Hầu trước mặt Lục Phương Mỹ. Quả nhiên Lục Phương Mỹ chẳng thể giữ được nét mặt nhản nhiên bao lâu. Bà ta thấy Công Tôn Uyển toan cởi bỏ mặt nạ ngạ quỷ của An Định Hầu rồi áp má liền hầm hầm nổi giận:

- Ngươi…ngươi thật không biết giữ ý tứ!

Lục Phương Mỹ giận đến cành hông vẫn chẳng thể thốt lời khó nghe đành quay lưng bỏ đi. Công Tôn Uyển chỉ chờ có vậy liền đứng dậy cười khanh khách đắc ý. Vừa sao, Cố Ngạn lại đủng đỉnh đi vào. Hắn thấy Công Tôn Uyển cười đoán chừng An Định Hầu đã khỏe mạnh. Họ Cố chưa kịp mở miệng đã bị Công Tôn Uyển quát tháo rân trời rân đất. Chỉ tội cho Cố Ngạn, hắn mếu máo nghe không dám cãi nửa câu nhưng bụng bảo dạ chẳng hiểu ai đã chọc nàng tiểu thư lớn gan của Thiên Ngưu Bang tức giận.

Công Tôn Uyển trút giận lên Cố Ngạn cũng hả hê lại tươi cười phởn chí đi khỏi. Cố Ngạn lắc đầu ngán ngẩm vội xem thương thế của An Định Hầu. Hắn dò mạch thấy khí huyết trong người An Định Hầu đã bình ổn thì mừng rỡ liền cho gọi mấy tên tiểu tốt chuẩn bị cơm nước phòng ông ta tỉnh dậy còn có thứ để lót dạ.

Nguồn: truyen8.mobi/t126084-chinh-nhan-oan-ca-chuong-51.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận