An Định Hầu ngủ một giấc đến quá trưa mới tỉnh dậy. Đang phiên gác của phó trại chủ Điền Lực, hắn mừng rỡ vội hô hào bọn tiểu tốt dọn lại cơm canh đã nguội lạnh. An Định Hầu vươn mình mấy cái thấy toàn thân đều khoan khoái tột độ, hiểu ngay đều nhờ nhà sư Giác Minh đã chữa trị. Ông hỏi thăm Điền Lực mới hay nhà sư đã về lại Thiếu Lâm Tự, không khỏi luyến tiếc. Điền Lực cũng lanh lẹ liền bẩm:
- Trại chủ an tâm! Chiều nay thuộc hạ sẽ cho người gởi bái thiếp tạ ơn đến chùa Thiếu Lâm!
Điền Lực nói trúng điềm mong mỏi của An Định Hầu. An Định Hầu cười khà đáp:
- Ngươi thật mau lẹ! Phải lắm, giúp ta chuyển một thiếp tạ ơn đến nhà sư Giác Minh!
Điền Lực vái chào tức tốc đi ngay. An Định Hầu thấy hắn có vẻ bộc trực thẳng dạ chẳng khác gì Đinh Thương nên có phần ưng ý. Mấy tên tiểu tốt cũng vừa dọn thức ăn mới. An Định Hầu đang cơn đói ngồi xuống ăn liền không cần giữ kẽ. Chừng no dạ, An Định Hầu thấy Cố Ngạn đi đầu dẫn bọn Điền Lực, Cung Mẫn, Mộc Hành vào ra mắt. Cả bọn toan dập đầu vái lễ liền bị ông xua tay gạt đi:
- Không cần rườm rà, các ngươi với ta tính ra tuổi tác đều ngang nhau, theo lý là đồng liêu mới đúng. Ta chẳng qua được cái danh trại chủ mà thôi!
An Định Hầu toan nói thẳng bụng chớ hề muốn làm chủ trại nhưng kịp nhớ Ân Bích Câu vẫn còn đang dưỡng thương nên đành nín lại. Ông thì không ngán ngại gì nhưng sợ bọn Thiên Ngưu Bang trở mặt tống khứ ra đường lại khó bề chăm sóc được Ân Bích Câu. Bọn phó trại chủ cho rằng An Định Hầu sảng khoái nên càng phục trong bụng. Cố Ngạn lên tiếng bẩm báo đại khái về tình hình nhân sự cũng như tài bảo trong trại. An Định Hầu chẳng hề chú ý gì nhưng lúc hắn nói tài bảo của Thiên Ngưu Bang hơn trăm vạn lượng khiến An Định Hầu giật thót người. Ông liền gặn hỏi:
- Vùng biên giới này chẳng có được mấy phú hào hay địa chủ, các ngươi đóng trại ở đây làm sao có được khoản vàng bạc lớn đến vậy?
Cố Ngạn không dám giấu bèn thưa hết thảy. An Định Hầu nghe ra toàn là trấn lột thương buôn, không thì hăm he khiến các địa chủ, phú hộ ở xa phải tiến cống thường xuyên để được yên thân. An Định Hầu nổi một trận thịnh nộ đập bàn mắng không tiếc lời. Bốn phó trại chủ sợ hãi cúi đầu im thin thít. An Định Hầu chưa hả giận lại bắt Cố Ngạn đem điều lệ trại quy của Thiên Ngưu Bang đọc ra để nghe thử. Điều lệ Thiên Ngưu Bang chỉ cấm mỗi chuyện phản bội sát hại đồng hữu. An Định Hầu thầm hiểu đám tiểu tốt nhất định quen thói cướp bóc xưng hùng xưng bá chẳng hề biết giữ đạo là gì.
An Định Hầu tính răn dạy một trận nhưng ngẫm lại không có bụng muốn dây dưa với Thiên Ngưu Bang đành im lặng cho qua. Bốn tên phó trại chủ thấy điệu bộ dữ tợn của An Định Hầu đành cúi đầu không dám nói thêm gì. Vừa lúc có mấy tên tiểu tốt chạy vào bẩm báo với Cung Mẫn. Bọn này là thuộc hạ dưới tay Cung Mẫn, chấm được một nàng tiểu thư xinh đẹp nào đó nên xin ý để cướp về. An Định Hầu gióng tai nghe tên tiểu tốt nọ nói thì nổi điên quát tháo ầm ỉ:
- To gan! Đám hồ đồ các ngươi lẽ nào chỉ biết bày ra những chuyện trộm cướp thôi hay sao?
An Định Hầu nạt lớn khiến Cố Ngạn, Cung Mẫn, Điền Lực, Mộc Hành kinh động thiếu điều té xuống đất. Tên tiểu tốt nọ như trúng tà chỉ biết ôm tai trợn mắt sợ hãi. Cố Ngạn đã biết uy dũng của An Định Hầu nên vội lên tiếng:
- Bẩm, trại chủ! Tục cướp dâu vốn là lệ từ xưa đến nay trong Thiên Ngưu Bang! Các trại khác cũng đều có điều lệ này!
An Định Hầu chớ hề muốn can dự sâu vào chuyện bang hội. Ông đành ậm ừ cho qua chuyện. Ông nhìn bốn tay phó trại chủ đều thấy chính khí ngay thẳng, nhìn sao cũng chẳng ra phường đạo tặc hung ác. An Định Hầu tuy không rành chuyện giang hồ nhưng vẫn hay nghe ở nước Tống thường có nhiều kẻ chán ghét triều đình tự tụ tập dựng cờ lập trại. Ông đoán các tay phó trại chủ Thiên Ngưu Bang cũng không ngoại lệ. An Định Hầu có bụng ưa Cố Ngạn cùng Điền Lực, lại thấy Mộc Hành, Cung Mẫn cũng là kẻ trượng nghĩa. Thiên Ngưu Bang bị kẻ thù vây hãm nhưng từ phó trại chủ đến tiểu tốt đều quyết sống chết chớ hề bỏ chạy an thân, hiển nhiên phải là phường nhân nghĩa khí khái.
An Định Hầu ngẫm nghĩ một lúc liền nói:
- Ta không hề muốn làm trại chủ cũng không thể làm trại chủ của các ngươi được!
Bọn phó trại chủ biết nhà sư Giác Minh, Đào Gia Tam Tuyệt, Song Mai Hiệp Nữ trọng vọng An Định Hầu chính là vì nhân vật có hiệu Hạnh Nguyên Nữ Hiệp. Cả bốn tay phó trại chủ chưa hề thấy được mặt mũi cũng như đạo hạnh của nữ hiệp nhưng thầm đoán là nhân vật hiệp nghĩa nhất hạng. An Định Hầu được bà ta truyền dạy võ nghệ dầu ít dầu nhiều tạm xem như là đệ tử chân truyền. Hiển nhiên, đệ tử chân truyền của nữ hiệp nhất hạng sao có thể chịu làm chủ trại đám thổ phỉ được. Muôn đời chánh tà thiện ác vốn chẳng chung đường bao giờ, Cố Ngạn, Điền Lực, Mộc Hành, Cung Mẫn thừa hiểu điều trên nên đã có tiên liệu trước. An Định Hầu mở miệng từ chối ghế trại chủ, bốn phó trại chủ đều thở dài không dám can ngăn. An Định Hầu biết bọn chúng đã hiểu sai ý, lại cười khà nhìn Cố Ngạn mà nói:
- Mau đưa hành lý của ta!
Cố Ngạn chưa biết An Định Hầu muốn gì những vẫn vội vã trở gót, lát sau đã quay lại với bọc vải chứa hành trang. An Định Hầu đón lấy rồi mở ra bày biện trên bàn. Bọn phó trại chủ thấy ngoài giáp phục đầu hổ còn thêm chiếu chỉ, ấn phong, thẻ bài hoàng kim không khỏi giật mình.
An Định Hầu nói:
- Ta họ Đinh, tên Quan Viễn, là dân Đại Cồ Việt ở phương nam. Ở chính quốc, tước của hiệu của ta là An Định Hầu, thống lãnh năm vạn quân đầu hổ. Ta đứng ngang hàng với tước Đại Tướng Quân dưới trướng hoàng đế đương triều! Ta là võ tướng so tình so lý cũng không thể làm chủ trại của Thiên Ngưu Bang!
Cố Ngạn khi thấy An Định Hầu tung hoành nơi rừng trúc đã đoán chừng ông là võ tướng nhưng chẳng ngờ lại giữ đến tước hầu. Cố Ngạn không biết Mông Cổ, Đại Lý, Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Liêu, tước hầu có quyền lực ra sao, riêng ở Đại Tống, phàm đã là hầu gia thì quyền lực địa vị sang trọng bậc nhất. Hắn tính thầm ở Đại Cồ Việt kia, An Định Hầu cũng được địa vị chẳng kém gì tể tướng đương triều. Các phó trại chủ còn lại chẳng ngờ tân trại chủ là quan lớn nước khác, không khỏi bàng hoàng. Cả bọn cứ nghĩ An Định Hầu vì chê Thiên Ngưu Bang là thổ phỉ nên mới kiên định từ chối làm trại chủ, giờ hiểu được căn nguyên tuy trong bụng không vui vẻ gì nhưng cũng đã mấy phần hớn hở. Trong bọn có Mộc Hành từng đi lại vùng rừng núi ven biên giới giữa Đại Cồ Việt, Đại Lý và Đại Tống. Y nghe An Định Hầu xưng tước hiệu liền nhìn chằm chằm vào bộ giáp phục. Mộc Hành trầm ngâm một lúc thì kinh hãi:
- Quân đầu hổ? Có phải chừng mười năm trước, ngài đã dẫn lính thiêu trụi trại Thiên Long?
An Định Hầu gật gù:
- Không sai! Trong đời ta toàn giết địch với phản loạn, đó là lần duy nhất diệt trại thổ phỉ nên vẫn nhớ rõ!
Đó là phen An Định Hầu dẫn quân dẹp loạn ở châu Quan Tế thuộc đạo Lâm Tây. Hầu gia dẹp xong loạn trên đường về mới hay có đám thổ phỉ ở Đại Tống đã âm thầm dựng trại ở núi Thiên thuộc dãy Vân Linh. An Định Hầu thấy chúng dựng cờ hiệu rồng vàng lại tự xưng tước Thiên Long. Phàm được dùng cờ rồng chỉ có mỗi mình hoàng đế, An Định Hầu thấy bọn chúng phạm húy nên đến nhắc nhở. Ngờ đâu bọn kia quen thói làm càn lại ùa ra vây hãm. An Định Hầu đoán chừng bọn chúng chỉ chừng mấy mươi người nhưng chừng hơn ngàn nhân mạng hô hào gióng trống mới giật mình kinh hãi. An Định Hầu cho rằng đã là thổ phỉ thì chẳng thể có được chừng ấy nhân lực nên đoán quân Tống cải dạng hòng trà trộn chờ thời cơ đánh lén. Bọn chúng cật lực vây hãm thì An Định Hầu nào chịu nương tay. Ông dẫn một vạn quân đi đánh châu Quan Tế, dẫu chết trận hơn trăm nhưng vẫn vượt trội đám thổ phỉ Thiên Long. Đôi bên mang tiếng giao tranh nhưng thực ra quân hổ đầu đã dễ dàng chiếm ưu thế. Đám thổ phỉ trại Thiên Long cũng thuộc hạng cứng đầu, thà chết không chịu hàng. An Định Hầu cực chẳng đã đành ra lệnh tận diệt.
Chừng giết sạch người Thiên Long Bang, An Định Hầu lục lọi trong trại không tìm thấy bất kỳ văn kiện thư ấn quân đội nào, lại tìm trong kho tài bảo chứa nhiều vàng bạc đủ loại mới hay bọn này đúng là thổ phỉ. Ông nhẹ lòng nên cho đốt sạch doanh trại rồi rút về Hoa Lư báo công. An Định Hầu nào hay để sót Mộc Hành.
Mộc Hành cùng Thiên Long Bang có giao tình qua lại. Bọn Thiên Long Bang vốn lập trại ở vùng Giang Tô, thế lực lớn mạnh nhất hạng. Bọn này cậy đông người sanh ra to gan chận cướp mấy trăm xe vàng tiền thuế cống nạp triều đình. Quan quân nước Tống truy cùng giết tận khiến chúng phải chia năm xẻ bảy chạy tán loạn, mãi mới tập hợp được lâu la về vùng núi của Đại Cồ Việt lập trại mới. Mộc Hành hay tin liền lân la đến, chưa kịp chúc mừng đã thấy An Định Hầu bày quân đầu hổ dàn trận đánh đến không còn một tên thổ phỉ sống sót. May mắn Mộc Hành có tài khinh công hơn người cho nên kịp chạy thoát thân. Lúc nghe An Định Hầu thét lớn thị uy khi giao đấu với đám vây hãm, Mộc Hành đã ngờ ngợ nhưng không dám nhận bừa. Giờ nghe chính miệng An Định Hầu thừa nhận, nhớ lại chuyện cũ, trời không gió mùa tự nhiên hắn lại thấy ớn lạnh.
An Định Hầu nhìn các tay phó trại chủ, cười khà nói:
- Ta không biết hoàng đế Đại Lý cùng hoàng đế Đại Tống vì sao lại dung dưỡng các ngươi! Nhưng nếu các ngươi dám đến đất của Đại Cồ Việt dựng trại rồi tác yêu tác quái, ta nhất định sẽ không chừa cho tên nào được sống yên ổn!
Cố Ngạn cùng ba tay phó trại chủ thừa hiểu bản lãnh của An Định Hầu thì làm chuyện trên dễ như trở bàn tay. Năm xưa lúc Công Tôn Thừa Chí quyết dời trại khỏi địa phận đất Thiểm Tây, ông ta có bụng muốn chọn một ngọn núi thuộc biên giới Đại Cồ Việt. Phen ấy Cố Ngạn đã hết lời can ngăn nên rốt cuộc Thiên Ngưu Bang chọn núi Thanh Ngưu thuộc đất biên giới của Đại Lý. Vốn Cố Ngạn chưa hề đến Đại Cồ Việt lần nào, nhưng thấy Đại Cồ Việt thường bị Đại Tống xua quân đánh chiếm, cho rằng dân tình vì khổ chiến chinh nên chẳng thể giàu có cho đặng. Thiên Ngưu Bang hành nghề chính là trộm cướp, đem mấy trăm nhân mạng đến nơi khốn khó ấy thì biết trộm cướp thứ gì đây. Cố Ngạn nhớ chuyện cũ, không khỏi tự khen bản thân sáng suốt. Ví phỏng Thiên Ngưu Bang dời trại đến đất Đại Cồ Việt trước sau gì cũng theo gót Thiên Long Bang. Cố Ngạn nhìn An Định Hầu dẫu đối phó với hai trăm người phục kích hay một mình giải vây họa diệt bang của Thiên Ngưu Bang đều uy dũng cơ trí, đoán thầm nếu chỉ huy binh mã càng đáng sợ gấp vạn lần.
An Định Hầu đủng đỉnh gói ghém hành trang trở lại. Ông có bụng muốn thử cải giáo các tay phó trại chủ nên chuyển sang xưng hô không còn kẻ cả:
- Viễn tôi so về tình hay lý đều không thể làm chủ trại Thiên Ngưu Bang. Không phải vì Viễn tôi chê khinh các vị là thổ phỉ, chỉ là thân mang công vụ lại là thần tử dưới trướng hoàng đế nên bất tiện mà thôi!
Bốn tay phó trại chủ Thiên Ngưu Bang biết An Định Hầu thật bụng không hề có ý khinh rẻ lại thêm phần cảm kích. An Định Hầu lựa lời một lúc, lại nói:
- Thiên Ngưu Bang gặp khốn, với bản lãnh của các vị thì chuyện bỏ trốn giữ thân dễ dàng biết bao. Dẫu vậy, các vị vẫn cố sống cố chết liều mình bảo vệ bang, Viễn tôi ngẫm ra thấy đều là kẻ có lòng trượng nghĩa. Có mấy lời riêng, không biết các vị có muốn nghe?
Cố Ngạn, Mộc Hành, Điền Lực, Cung Mẫn thấy An Định Hầu chuyển giọng, vội vái lễ:
- Không dám! Xin trại chủ chỉ dẫn!
An Định Hầu bèn nói:
- Các vị đã quen trộm cướp giống như Viễn tôi quen chinh chiến sa trường. Đột ngột bắt phải thay đổi nhất định không sao đổi được! Tuy nhiên, phàm đã là trộm cướp sớm muộn cũng bị triều đình thảo phạt. Đại Lý ngại nước Tống nên không dám dùng binh nhưng Đại Tống nếu bình định được chiến loạn sẽ có ngày chiếm Đại Lý, các vị lúc đó khó bề yên ổn được! Chưa kể ngày trước, trại chủ quá cố của Thiên Ngưu Bang đã giết không ít những tay giang hồ bốn phương! Thân thích của nhưng kẻ chết oan uổng đó cứ luân phiên tìm đến Thiên Ngưu Bang, các vị cũng hao mòn nhân lực, ngày Thiên Ngưu Bang diệt vong chẳng xa mấy!
An Định Hầu nói đúng bao nổi âu lo trong bụng các tay trại chủ. Cố Ngạn, Điền Lực, Cung Mẫn, Mộc Hành vào Thiên Ngưu Bang cũng đã ba mươi năm. Cả bọn nào có muốn làm trộm cướp nhưng do hoàn cảnh bức bách đành phải nhắm mắt đưa chân. Dần dà thành tính, cả bọn có muốn cũng chẳng biết phải làm gì để sửa đổi. Cộng thêm việc Công Tôn Thừa Chí đột ngột lâm bệnh qua đời khiến mọi chuyện trong Thiên Ngưu Bang đều đè nặng lên vai bốn phó trại chủ. Bọn chúng nghe An Định Hầu nói, đoán chừng ông ta có chủ ý hay liền đồng thanh:
- Mong được nghe lời chỉ dẫn của ngài!
An Định Hầu đáp:
- Tài bảo của Thiên Ngưu Bang dư dả lo cho trại chúng cả đời nhưng rảnh rỗi tay chân thương phát sanh điềm xấu, ta thấy đất đai ở núi Thanh Ngưu toàn đá cứng khó bề trồng trọt nhưng thả dê chăn cừu là tuyệt diệu. Chu vi hai mươi trượng quanh chân núi Thanh Ngưu có nhiều đất đai phì nhiêu, sức trăm người Thiên Ngưu Bang thừa khai khẩn trăm mẫu ruộng để trồng trọt! Thay vì trộm cướp rồi nơm nớp lo sợ bị trả thù chi bằng sống cảnh nông nhàn không lý thú hơn sao? Vùng đất này là biên giới, nếu hay tin các ngươi bỏ nghề thổ phỉ tự nguyện làm lương dân thì hai vị hoàng đế Đại Lý, Đại Tống cũng yên bụng. Chỉ e các ngươi đã quen nghề khó bề chịu cầm cuốc cho đặng!
An Định Hầu đã nói trúng điểm mấu chốt. Bắt thổ phỉ quen tay chịu làm nông khó như thể lên trời. Bốn phó trại chủ tuy đồng tình với An Định Hầu nhưng cũng đành thở dài. Trại chúng của Thiên Ngưu Bang còn lại hơn trăm tên, kẻ nào cũng quen mấy ngày đi làm một vố lớn thu gom vàng bạc đâu dễ gì chịu nai lưng cuốc cày cực nhọc. Ấy là do tâm đa đoan chưa hề được khai hóa. Cố Ngạn đầu óc nhanh nhạy liền nghĩ ra được kế. Hắn vái lễ An Định Hầu, nói:
- Thuộc hạ thấy đức cao trọng vọng như Giác Minh Đại Sư cũng đều luôn miệng ca tụng đạo hạnh của Hạnh Nguyên Nữ Hiệp. Chính trại chủ cũng rất kính nể bà ta! Hiển nhiên, bà ấy có khả năng khai hóa người khác. Chi bằng trại chủ nhọc thân quay về lại Đại Cồ Việt để rước nữ hiệp quá bộ đến núi Thanh Ngưu một phen. Bà ấy chịu đem đạo lý giảng giải cho bọn tiểu tốt tự nhiên sẽ khiến chúng hồi tâm chuyển ý!
An Định Hầu đang trên đường đi sứ đến thành Đại Lý khó có thể đột ngột trở về Đại Cồ Việt. Chưa kể đường lên núi Yên Tử cách trở trăm bề, dẫu có tìm gặp được nữ đạo Hạnh Nguyên chưa chắc bà ấy chịu đi khai giảng cho đám thổ phỉ, An Định Hầu tư lự tính toán đều thấy chuyện mời nữ đạo chẳng dễ dàng gì.
An Định Hầu nói:
- Không được, ta còn công vụ trong người nên chuyện trên khó lòng làm được! Chi bằng ta đưa cho các ngươi một tín vật, các ngươi lựa kẻ khéo ăn nói vượt núi đến tìm gặp, may chăng thành tâm, nữ đạo nhất định sẽ vui lòng mà giúp!
An Định Hầu nói xong tự biết càng làm khó cho người Thiên Ngưu Bang. Nữ đạo Hạnh Nguyên quen nết ẩn dật, đến như An Định Hầu tìm tới cũng phải khó khăn lắm mới gặp được mặt, hồ chi bọn thổ phỉ xa lạ đây. An Định Hầu thấy bốn tay trại chủ đều có ý muốn hướng thiện cũng động lòng. Ông nghiền ngẫm một lúc, lại nói:
- Ngày trước được nữ đạo dạy võ, ta học lóm thêm mấy đạo lý đơn giản! Biết đâu sẽ giúp các ngươi được ít nhiều!
Cố Ngạn, Điền Lực, Cung Mẫn, Mộc Hành mừng rỡ vội ngồi xuống cạnh An Định Hầu. Chuyện được nữ đạo Hạnh Nguyên khai giảng dẫu hơn mười năm dài, An Định Hầu phải đắn đo lựa lời một lúc mới bắt đầu lên tiếng thuật lại.
Đạo giáo phát xuất trong giai đoạn Bách Gia Chư Tử ở phương bắc. So về với đạo lý nhà Phật, đạo Khổng thì Đạo giáo tách biệt rõ ràng. Sau, các triều phương bắc không ngừng đô hộ đất nam nên ba tôn giáo trên tuần tự xâm nhập và khếch trương. Trong đó, Phật giáo và Khổng giáo phát triển rực rỡ hơn hẳn, đặc biệt là tư tưởng nhà Phật vì có nhiều điểm tương đồng với cách sống người phương nam. Ba đạo trên đều ngoại lai nên du nhập vào phương nam tự động được giáo chúng cải biên dần cho hợp lệ, thủy chung vẫn là cành trên thân cây lớn chớ hề xa rời cội rễ. Phần về Đạo giáo kém thế hơn hẳn. Đa phần người tu đạo đều tục thế lánh đời, có vài kẻ còn mượn danh thánh đạo để trục lợi, hoặc giả tu cầu tiên đơn diệu dược trường sanh bất tử, toàn tu luyện lạc lối khác hẳn thuyết Vô Vi. An Định Hầu không hay các triều trước thế nào, riêng từ loạn mười hai sứ quân đến lúc Đinh Tiên Hoàng Đế dựng nước Đại Cồ Việt, đạo Phật vẫn là tôn giáo được thịnh hành bậc nhất. Riêng tư tưởng Khổng giáo phần đông dành cho nho sinh, các bậc văn quan dùng đó làm chuẩn mực để hướng tới. Đại bộ phận bá tánh bình dân không mấy rành rẽ như đạo Phật. Phần An Định Hầu là võ tướng ưa giản tiện, thấy đạo lý của Khổng giáo có nhiều gò bó thái quá nhưng thừa biết chẳng thể nói lý nổi với hết thảy văn quan lẫn nho sinh trong nước đành không dại lên tiếng bình phẩm này nọ.
An Định Hầu biết đến Đạo giáo phần nhiều đều nhờ phen gặp gỡ nữ đạo Hạnh Nguyên. Trong nửa ngày, bà ta đem hết tinh hoa Đạo giáo giảng giải ngắn gọn nhưng dễ hiểu cùng cực. An Định Hầu không ưa chuyện nai lưng nghe giảng nhưng cũng phải gióng tai hết cỡ để không sót lời nào. Phải hiểu nữ đạo Hạnh Nguyên tu luyện lâu năm vừa nhìn đã biết chín phần tâm tính An Định Hầu. Bà ta thực bụng quý mến, sợ An Định Hầu chinh chiến lâu năm khiến chuyện giết chóc trở thành hung tính khó trừ dần dà tự nhiên thành đồ tể, cho nên mới khai giảng tâm thiện giúp bỏ bớt ác nghiệt. Bà ta dùng mấy mươi năm tu luyện đó cô đọng thành bài giảng ngắn gọn, lại đem lối biện chứng đối nghịch dễ hiểu để diễn hóa dễ dàng. Vì thế, An Định Hầu có là gỗ đá cũng phải ghi tâm tạc dạ. Thực sự sau phen gặp nữ đạo Hạnh Nguyên, An Định Hầu xử việc mười phần hết chín đã bớt hẳn tính tàn nhẫn. Văn quan võ tướng Đại Cồ Việt vẫn thường lén lút sau lưng để mai mỉa độ máu lạnh của An Định Hầu, kể ra cũng chỉ toàn đem chuyện trước đó mười năm. Nhờ được khai hóa, An Định Hầu dẹp loạn châu Quan Tế ở đạo Lâm Tây mới tha chết đồng loạt cho hết thảy tộc trưởng, khiến bọn họ một dạ quy thuận triều đình. Ví như trước đây, An Định Hầu sẽ theo lối không dùng lý thuyết phục được sẽ tận diệt thảm khốc để răn đe, kẻ sống thì teo gan vỡ mật, kẻ chết hồn vía vẫn tán loạn không yên. Thành ra, công lao của nữ đạo Hạnh Nguyên cho phúc phần dân chúng ở đạo Lâm Tây to lớn vô kể.
Lúc này An Định Hầu cũng lâm vào tình trạng của nữ đạo Hạnh Nguyên ngày trước. Muốn thuyết giảng trộm cướp đã thành tính chịu phục thiện trong một ngày một buổi thì khó như dùng trăm quân công đánh thành trì do mười vạn quân tử thủ. An Định Hầu phải lựa lời cẩn trọng tránh thuyết lý rườm rà may ra mới không uổng đạo.