Một Mai Bên Suối Gót Sen Vẫn Hồng
An Định Hầu lựa lời xong bèn đem đạo lý của nữ đạo Hạnh Nguyên thuật lại. Cố Ngạn là kẻ học cao hiểu rộng, về Đạo giáo có nhiều điểm tường tận. Nhưng hắn nghe An Định Hầu giảng lại cách biệt một trời một vực. Người phương bắc tu Đạo phần đông theo thuyết Vô Vi đều muốn ẩn dật sống hòa cùng vạn vật giữa đất trời, riêng thuyết của An Định Hầu thì ngược lại, trước ẩn để tu thân sau được dịp sẽ dùng đạo quán thế hiện hữu ở đức tính nhân cách bản thân tu luyện để độ cho người khác. Đấy là tư tưởng kẻ thành dẫn cho nhiều người chưa thành hòng cùng đắc đạo, rõ ràng mang nhiều nét tương đồng với Phật giáo. Cố Ngạn vốn xuất thân từ nho sinh nhưng lại hâm mộ Lão Trang chẳng kém gì Khổng Mạnh. Hắn theo thói nhà nho ưa đọc sách, nhiều lúc ý nghĩa chỉ nắm được sơ sài nhưng vẫn thuộc làu. Giờ, An Định Hầu càng nói càng rời xa sách vở, đem điều hiển nhiên thường thức hàng ngày để viện dẫn rồi khai giảng, Cố Ngạn không khỏi phục trong bụng. Cung Mẫn, Mộc Hành, Điền Lực chữ nghĩa không bao nhiêu. Tuy nhiên, một là cả ba đều kính phục An Định Hầu, hai là đạo lý của nữ đạo Hạnh Nguyên được ông ta thuật lại thâm thúy dễ hiểu vô tận chăm chút khai giảng tính thiện trong tâm cang người nghe, ba tay phó trại chủ này nghe An Định Hầu giảng giải chưa hết một khắc tự nhiên thấy trong trí óc sáng suốt lạ lùng.
Tâm có ý hướng thiện nghe điều hay lẻ phải như ruộng hạn gặp mưa rào. Như chuyện ông Tiêu Diện sống ở rừng sâu một mình học dã thú ăn cả thịt đồng loại. Nhờ gặp nhà sư dùng lời thức tỉnh liền đắc đạo thành Phật. Bốn tay phó trại chủ Thiên Ngưu Bang chưa đến mức ăn thịt đồng loại nhưng giết người cướp của đốt nhà không chuyện gì lại không từng làm. May thay, gương đồng dầu bị bụi phủ vẫn sáng, gót sen đầm bùn lâu vẫn còn ửng hồng, lời của An Định Hầu như tiếng chuông thức tỉnh dần tính thiện. Thần thái của ông lúc này chẳng khác gì nữ đạo Hạnh Nguyên năm xưa đem đạo lý ra khai hóa. An Định Hầu đem một chuyện hiển nhiên sai đặt cạnh một chuyện hiển nhiên đúng để cả bọn tự luận rồi thêm thắt lời diễn giải. Cách truyền đạt đạo lý biện chứng mạnh mẽ này có công hiệu tức thì. Cung Mẫn nghe đến cao trào liền đứng dậy, vái An Định Hầu một cái, nói:
- Xin trại chủ chờ một lát!
Hắn không chờ An Định Hầu đồng ý, băng băng mở cửa ra ngoài gọi lớn. Một tên tiểu tốt đứng gác gần đó vội vàng chạy đến nghe lệnh. Cung Mẫn căn dặn mấy lời, tên tiểu tốt liền chạy đi lát sau đã thấy hai tên đầu lãnh mặc áo trắng áo đen cùng ba đầu lãnh khác đã đến. Cung Mẫn gọi năm tên đầu lãnh bước vào trong phòng. Hắn vái lễ An Định Hầu, nói:
- Xin trại chủ nhọc công giảng lại phen nữa!
Nếu An Định Hầu giảng tiếp khiến năm tên đầu lãnh mới đến khó bề hiểu kịp. Thành ra dầu muốn dầu không, An Định Hầu đành nói lại từ đầu. Tuy vậy, ông ta khéo léo cùng lý thuyết cũ nhưng đổi bằng dẫn chứng mới. Cố Ngạn, Cung Mẫn, Điền Lực, Mộc Hành nghe càng thêm thấu hiểu. Năm tên đầu lãnh hơi ngẩn người chưa thông kịp nhưng vẫn chú tâm. Chừng hơn canh giờ, chín tay cầm đầu Thiên Ngưu Bang tự nhiên mở miệng cười. Chính bọn chúng cũng khó hiểu vì sao lại cười. Âu do trong dạ đang hớn hở nên không ngăn nổi để lộ ra ngoài mặt. Ấy là điều kỳ diệu của khai hóa, năm xưa An Định Hầu nghe nữ đạo Hạnh Nguyên giảng xong cũng đã cười thành tiếng.
Ví như bây giờ nữ đạo Hạnh Nguyên ngồi đây giảng đạo, chưa chắc đã được thành tựu như An Định Hầu. Thường muốn bắt người chịu nghe trước hết phải khiến người nể nang, An Định Hầu không ngại khó ra mặt giúp Thiên Ngưu Bang giải được cái nạn diệt vong, bất kể phó trại chủ hay đầu lãnh lẫn tiểu tốt đều kính nể vô độ. Cộng thêm việc mang dị tướng âm dương trên mặt lại hợp với việc Thiên Ngưu Bang thờ bát quái đồ, thành ra, An Định Hầu được người Thiên Ngưu Bang kính trọng chẳng khác gì từng kính trọng trại chủ quá cố Công Tôn Thừa Đức, e còn có phần hơn hẳn. Cho nên, An Định Hầu nói một lời chẳng khác gì là lệnh. Bọn cầm đầu Thiên Ngưu Bang không hiểu cũng phải lắng nghe ghi nhớ trong bụng. Chưa kể đạo lý của nữ đạo Hạnh Nguyên quảng đại chuyên giúp người mê muội thức tỉnh. Bọn cầm đầu Thiên Ngưu Bang toàn tay trộm cướp khét tiếng nhưng trong dạ vẫn đầy nghĩa khí lương thiện. Thành ra cả bọn dễ dàng tham thấu hết giáo lý về Đạo Gia được biến chuyển khác lạ của nữ đạo Hạnh Nguyên.
An Định Hầu nói hết ba canh giờ liền thấy sự biến đổi khác lạ trên khuôn mặt của bốn phó trại chủ cùng năm tên đầu lãnh. Cố Ngạn quay sang hội ý với Cung Mẫn, Điền Lực, Mộc Hành. Năm tên đầu lãnh vốn dưới phó trại chủ một bậc nên chẳng dám ho he can dự. Chừng được đồng tình, Cố Ngạn liền vái tạ An Định Hầu rồi dẫn cả bọn ra ngoài. An Định Hầu không biết hắn toan tính gì nhưng cũng chẳng màng dò thử. Ông thuyết đạo chỉ cầu giúp bọn thổ phỉ bỏ thói trộm cướp để hoàn lương, chuyện thành hay không còn tùy vào giác ngộ từng người. An Định Hầu đủng đỉnh uống mấy ngụm trà rồi vội tìm đường đến thăm Ân Bích Câu.
Ân Bích Câu vừa trúng kiếm bị thêm độc dược nên hôn mê lâu hơn An Định Hầu. Ông đến thăm ngồi gần hơn canh giờ mới thấy nàng ta cựa mình kêu đau. Ân Bích Câu một thân liễu yếu phiêu dạt bao hồng trần nên ruột gan dạ sắt hơn hẳn phận nữ tầm thường, đến các bậc hào kiệt cũng chưa chắc bì lại. Nhưng nàng ta hé mắt bắt gặp An Định Hầu, bao nhiêu tủi hờn tự nhiên trổi dậy liền rên rỉ như thể gần chết. An Định Hầu đối với Công Tôn Uyển thì một lòng xa cách giữ kẽ, riêng đối với Ân Bích Câu thì cưng chiều hết dạ. Ông cho rằng một xử nữ đoan thục hóa ra dâm nương nức danh như Ân Bích Câu có phần từ cách hành xử không cẩn trọng của bản thân ngày trước. An Định Hầu càng nghĩ về Ân Bích Câu càng hối hận khôn tả. Cho nên nàng ta có làm nũng đến đâu, An Định Hầu vẫn tìm cách an ủi. Tuy nhiên, An Định Hầu rất giữ ý, bất kể lời nói hay hành động đều đương hoàng rõ ràng. Ân Bích Câu nửa đời bị chà đạp trong tay người khác đến nay được dịp yêu chiều đâu dễ bỏ qua. Ôi thôi, bao nhiêu trò nũng nịu mà dạ mỹ nhân kịp nghĩ ra đều đem hết để dùng. An Định Hầu chỉ cười khà tận tụy vỗ về.
Lại vừa dịp Công Tôn Uyển hớn hở bước vào. Nàng tiểu thư Thiên Ngưu Bang quen nết nên chẳng hề chịu gõ cửa, nhờ vậy mới thấy được cảnh Ân Bích Câu làm mình làm mẩy để An Định Hầu chiều chuộng. Mắt người đẹp tự nhiên tóe lửa. Rõ ràng Ân Bích Câu đang dùng lại thủ đoạn Công Tôn Uyển đã đem để đối phó với Lục Phương Mỹ. An Định Hầu cùng lắm chỉ xem Công Tôn Uyển chỉ là cô bé mới lớn như công chúa Bảo Ngọc. Riêng Ân Bích Câu từng trải giang hồ nên hiểu chuyện rộng rãi hơn. Nàng thừa biết một khi An Định Hầu làm trại chủ Thiên Ngưu Bang thì Công Tôn Uyển tự nhiên thành trại chủ phu nhân. Ân Bích Câu thấy Công Tôn Uyển trừng mắt cong mày càng chắc nàng tiểu thư này có tình ý với An Định Hầu. Ân Bích Câu đâu dễ cam chịu. Nàng ra bề làm nũng hết cở buộc An Định Hầu phải sốt sắng. Công Tôn Uyển giận chỉ muốn mắng một trận nhưng kịp nhớ so cả nhan sắc lẫn bản lãnh đều kém xa Ân Bích Câu nên đành nín nhịn. Nàng tiểu thư lớn gan lẩm bẩm:
- Con ả kia cứ đợi đấy! Khi ta đây làm vợ cả thì ngươi giỏi đến đâu chỉ phận tỳ thiếp. Ta tha hồ hành hạ vẫn chưa muộn!
Công Tôn Uyển nghĩ vậy nên hớn hở trọng bụng, miệng liền cười tươi vái chào cả An Định Hầu lẫn Ân Bích Câu. Nàng ta cung kính nói:
- Bẩm, xin mời trại chủ ra phân xử chuyện trong bang!
An Định Hầu an ủi Ân Bích Câu thêm mấy lời liền đứng lên đi theo Công Tôn Uyển ra ngoài. An Định Hầu muốn nhân dịp bọn trại chúng tập hợp đông đủ sẽ trả lại ghế trại chủ. Chừng ra đến sân lớn, ông thấy Cố Ngạn, Cung Mẫn, Điền Lực, Mộc Hành cùng năm tên đầu lãnh đang đứng trước mười hòm lớn đựng đầy vàng bạc, hết thảy tiểu tốt lẫn phu nhân hay đứa hầu con ở đều tề tựu đầy đủ. Công Tôn Uyển cung kính mời An Định Hầu ngồi lên ghế cao, bản thân nàng cũng ngồi xuống bên cạnh rồi ra hiệu. Bốn tay phó trại chủ cùng hết thảy trại chúng đều quỳ xuống dập đầu hô lớn:
- Tham kiến trại chủ, tham kiến trại chủ phu nhân!
Công Tôn Uyển nghe mấy lời trại chủ phu nhân nét hoa liền rạng ngời như có nắng ửng. Phần An Định Hầu thì giật nảy người toan lên tiếng đính chính thì bị Công Tôn Uyển thì thầm đe nẹt:
- Ở rừng trúc ngài đã thề không được ức hiếp thiếp, ngài quên rồi ư? Hóa ra ngài cũng chỉ là phường tráo trở không giữ tín nghĩa!
Công Tôn Uyển nhắc chuyện rừng trúc, An Định Hầu nhớ lại cảnh tréo ngoe đành bấm bụng ngồi yên. Ông thầm tính cứ mặc kệ bọn Thiên Ngưu Bang xưng tụng loạn lên, chừng thoát đi như chim biệt chân đèo còn sợ gì ràng buộc. An Định Hầu thấy ngồi bên trái còn có Song Mai Hiệp Nữ liền chắp tay vái lễ. Hai chị em họ Lục ngó thấy tự động cười mỉm đáp. Đây là lần thứ hai An Định Hầu nhìn Lục Thanh Trì, Lục Phương Mỹ, nhìn xong tự động đưa ánh mắt ngó cục diện bọn Cố Ngạn đang bày ra mà đăm chiêu chớ hề liếc thêm. Hai chị em họ Lục tự biết An Định Hầu chỉ kính nhi viễn chi, tự ngẫm nhan sắc bản thân đều hoa nhường nguyệt kính lại không được một vũ dũng ngó ngàng thì có chút phật ý. Lục Thanh Trì chẳng mấy để điềm phật ý lâu trong bụng, riêng Lục Phương Mỹ ngó Công Tôn Uyển đang hả hê nét mặt bên cạnh An Định Hầu thì điềm phật ý kia càng lớn hơn bội phần. Tuy nhiên, bà ta là bậc trưởng thượng nên đành nín nhịn cho xong chuyện.
Cố Ngạn đợi An Định Hầu cùng Công Tôn Uyển yên vị mới chắp tay vái lễ cả hai cùng Song Mai Hiệp Nữ rồi dõng dạc:
- May mắn có tân trại chủ không quản an nguy bản thân chèo chống qua được nạn lớn, lại thêm các bậc trưởng thượng trợ giúp, Thiên Ngưu Bang mới không bị diệt vong! Nay, trại chủ còn đem đạo lý phục thiện uyên bác của Hạnh Nguyên Nữ Hiệp khai giảng, ngẫm ra như điềm trời muốn Thiên Ngưu Bang hồi tâm hướng thiện. Bọn ta được trại chủ cải huấn liền đồng tâm đưa ra quyết định, người của Thiên Ngưu Bang từ nay không làm nghề trộm cướp, nam thì khai khẩn trồng trọt, nữ thì chăn nuôi dệt vải, sống kiếp nông nhàn!
Hóa ra Cố Ngạn cùng các phó trại chủ đã quyết ý theo lời An Định Hầu sống lương thiện. An Định Hầu khi khai hóa chẳng mong được thành tựu đến như vậy, tự nhiên cười khà thành tiếng. Phần đám tiểu tốt thì lao nhao nghị luận loạn lên. Phần Song Mai Hiệp Nữ nghe Cố Ngạn nói xong liền thốt lên thành tiếng sửng sốt. Vốn lúc đầu cùng bọn vây hãm đến Thiên Ngưu Bang, nhà sư Giác Minh cũng đã lựa lời khuyên nhủ. Tuy nhà sư đức cao vọng trọng, tính từ bi thâm sâu còn hơn cả võ công nhưng bọn Thiên Ngưu Bang thà chết nhất chí không thay đổi. Cả hai chị em học Lục không hiểu vị tân trại chủ xấu ma chê quỷ hờn kia làm cách nào khiến bọn chúng tức thì cải tà phục thiện. Tuy Thiên Ngưu Bang suy yếu nhiều nhưng thế lực giao hảo vẫn còn rất lớn, bọn này chịu phục thiện rõ ràng là phúc cho thường dân lẫn thương buôn qua lại vùng biên giới Đại Lý và Đại Tống.
Cố Ngạn chờ đám tiểu tốt nghị luận một hồi, lại dõng dạc nói:
- Tuy nhiên, các anh em đã quen sống đời lục lâm, bắt một ngày một bữa thay đổi tự nhiên không sao chịu. Bọn ta cũng không ép uổng. Ai muốn cải tà phục thiện thì ở lại trại. Người nào không chịu xin cứ bước ra nhận vàng bạc làm lộ phí để lên đường! Phần ai đã ở lại từ đây không được tiếp tục chuyện đốt nhà cướp của! Thiên Ngưu Bang từ khắc này không còn là trại thổ phỉ!
Bọn tiểu tốt lại nổi thêm một trận tranh loạn loạn xạ. Kết cuộc phân nửa trại chúng Thiên Ngưu Bang quyết định nhận vàng bạc để tự tìm đường đi riêng. Cố Ngạn, Điền Lực, Cung Mẫn, Mộc Hành đã lường trước nên thản nhiên không hề ngăn cản. Năm mươi tên tiểu tốt nhận lộ phí xong đồng loạt vái chào bốn tay phó trại chủ cùng An Định Hầu kéo nhau xuống núi. Trải qua một phen hung hiểm, thâm tâm bọn chúng chẳng còn màng đến chuyện làm thổ phỉ nhưng bắt nai lưng cấy cày thì nhất định không chịu. Phàm kẻ đã quen vung đao vơ được ngay vài trăm lượng vàng dễ dầu gì chịu cảnh cực thân nhặt từng hào lẻ. An Định Hầu nhìn năm mươi tên tiểu tốt đa phần đều thiếu nét cương trực trên mặt nên chẳng hề tiếc. Ông lẩm nhẩm đếm thử trên sân lớn còn chừng bốn mươi tám nhân mạng, tuy không được vai u thịt bắp như quân đầu hổ dưới trướng nhưng khuôn mặt đều lỳ lợm, độ chừng thừa can đảm.
An Định Hầu suy tính một lúc, dõng dạc nói:
- Ta chỉ lưu lại Thiên Ngưu Bang cùng lắm đến chiều mai, phải lên đường đến thành Đại Lý không thể rề rà thêm! Tuy ta đã giúp được các ngươi giải một hạn lớn nhưng từ giờ về sau sẽ còn nhiều kẻ đến gây hấn! Các ngươi muốn sống yên ổn, ngoài tu tâm dưỡng tính tự thân phải biết chút đấu pháp phòng ngừa!
An Định Hầu suy bụng, đưa thuyền không bỏ giữa sông, thành ra học theo nữ đạo Hạnh Nguyên khai hóa xong còn dạy võ học. An Định Hầu giỏi nhất là dàn trận giao chiến dùng ít địch nhiều. Thành ra ông định dạy bọn Thiên Ngưu Bang cách dàn trận. Người Thiên Ngưu Bang đã thấy uy dũng của An Định Hầu nên nghe được chỉ dẫn liền mừng rơn trong bụng. An Định Hầu bắt cả bọn dàn thành hàng ngang, đích thân bước xuống xem xét từng người. Ông theo sức vóc mỗi tên tiểu tốt mới xếp thành đội riêng. Cộng cả năm tay đầu lãnh, An Định Hầu xếp thành năm đội, mỗi đội mười người. An Định Hầu bắt Cố Ngạn phải đứng trên cao quan sát kỹ lưỡng cách bày trận, tiến thủ, giáp công, thoái lui, mai phục. Người của Thiên Ngưu Bang đã quen chuyện bày bố nên dễ dàng tiếp thu. Chừng qua hai canh giờ, tuy chưa đạt đến độ của quân đầu hổ nhưng khí thế cả bọn đã dần bộc lộ. Song Mai Hiệp Nữ thấy An Định Hầu chỉ dẫn người Thiên Ngưu Bang, liền khẳng định phải là hàng đại soái quen cầm đại binh chinh chiến mới tường tỏ đến thế.
Hai chị em họ Lục của Song Mai Hiệp Nữ xuất thân từ nhà của danh tướng nên hiểu rất rõ tướng lãnh của Đại Tống. Cả hai bà chau mày ngẫm nghĩ vẫn không biết An Định Hầu là đại soái phương nào. Lục Phương Mỹ quay sang thì thầm với Lục Thanh Trì:
- Tướng soái Đại Tống không có ai mang dị tướng âm dương trên mặt! Nếu ông ấy chỉ là phó tướng thì không đúng! Uy dũng như vậy thấp nhất phải là đại soái mà thôi!
Lục Thanh Trì đáp:
- Ta thấy ông ấy không giống thần dân Đại Tống, nhìn cũng không giống người nước Liêu, Thổ Phồn hay Đại Lý!
Lục Thanh Trì nói đến đây tự nhiên trợn mắt run rẩy:
- Khoan đã, ông ấy tự xưng mình tên Viễn! Ta biết có một đại soái tên Viễn thường hay đeo mặt nạ ngạ quỷ! Là An Định Hầu Đinh Quan Viễn của Đại Cồ Việt!
Đôi mắt của Lục Phương Mỹ bỗng sáng rực. Bà ta hỏi chị:
- Là tên hầu gia đó ư?
An Định Hầu mãi mê chỉ dẫn bọn tiểu tốt Thiên Ngưu Bang nào hay đang có hai đôi mắt rực lửa giận đang chăm chăm nhìn sau lưng. Chỉ có Công Tôn Uyển vô tình ngó thấy, bụng bảo dạ phải dè chừng hai chị em họ Lục của Song Mai Hiệp Nữ.
Lại nói từ lúc An Định Hầu đi sứ Đại Lý, Đinh Tiên Hoàng Đế cùng Thái Sư Lưu Cơ, Ngoại Giáp Công Đinh Điền, Nội Giáp Công Trịnh Tú ở điện Kiến An ngày đêm tính toán chuyện bố cáo chiếu chỉ đổi ngai thế tử. Chiếu chỉ nọ chưa ban ra nhưng hoàng đế đã phát ba chiếu chỉ đi trước. Chiếu chỉ thứ nhất, điều Định Quốc Công Nguyễn Bặc đem quân từ Đại La về trấn ở ngoại thành Hoa Lư. Chiếu chỉ thứ hai điều Thập Đạo Đại Tướng Quân Lê Hoàn chia quân làm ba hướng nhằm ải Quỷ Môn Quan, đạo Lâm Tây, đạo Hoan Châu để kiểm tra chuyện phòng thủ. Chiếu chỉ thứ ba, hoàng đế lấy cớ Chinh Nam Đại Tướng Quân Trần Thành có công giữ thành Định Biên chống được nạn xâm lược của nước Chiêm nên phải dẫn bốn vạn quân về Hoa Lư để nhận khen thưởng. Hoàng đế có bụng sợ nội loạn do chuyện đổi ngai thế tử nên mới bày bố hết thảy những đại soái tướng lãnh thân cận về Hoa Lư để phòng họa. Nước tính của hoàng đế sâu sát đến nổi mối họa do mười vạn quân của Lê Hoàn cũng bị chia ra làm ba hướng riêng biệt. Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn dẫu có nhân tình hình rối loạn cũng không đủ binh lực làm phản. Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giam lỏng ở Ái Châu, trước mặt có một vạn quân trấn giữ Định Biên của Trần Thành, sau lưng bị ba vạn quân của Lê Hoàn dòm ngó xem như cá chậu chim lồng.
Đinh Tiên Hoàng Đế bày bố xong, mới yên bụng thảo chiếu đổi ngai thế tử cùng ba đại thần Lưu Cơ, Trịnh Tú, Đinh Điền. Đang lúc bàn luận sôi nổi, viên thái giám gác ngoài điện Kiến An là Đỗ Thích lên tiếng bẩm báo:
- Khải bẩm bệ hạ, có tên thái giám ở điện Vĩnh Tường đem một món đồ của An Định Hầu đến dâng!
Đinh Tiên Hoàng Đế cùng ba đại thần không khỏi ngạc nhiên. Hoàng đế vội triệu. Tên thái giám nọ là Võ Quảng. An Định Hầu tuy rất tin tưởng Đinh Phúc nhưng vẫn cài tai mắt để theo dõi ngừa hậu hoạn. Kẻ đó chính là Võ Quảng. Võ Quảng là một trong hai mươi phó tướng quân đầu hổ của An Định Hầu ngày trước, không may bị thương ở chiến trường tật chân trái. An Định Hầu định cho hắn xuất ngũ nhưng ngẫm Võ Quảng không còn thân thích, thân thể thương tật khó có được cuộc sống tốt nên dàn xếp thành thái giám phục vụ ở điện Vĩnh Tường. Trước khi đi sứ, An Định Hầu đã gọi riêng Võ Quảng để căn dặn. Võ Quảng biết chuyện hệ trọng nên nín lặng đợi đúng dịp mới đến gặp hoàng đế. Dễ thường Đinh Tiên Hoàng Đế mấy khi cho các thái giám nhỏ bé được diện kiến, nhưng Võ Quảng báo có đồ vật của An Định Hầu đã động đến mối lo lớn trong lòng thiên tử, hoàng đế liền triệu kiến. Tuy nhiên, chỉ có mỗi mình Đỗ Thích cúi đầu bước vào trong điện. Trên tay Đỗ Thích đang cầm một túi gấm nhỏ màu đen thêu nổi hình đầu hổ bằng chỉ bạc ở góc bên trái. Rõ ràng là tín vật của An Định Hầu.
Đỗ Thích quỳ lạy hoàng đế, thưa:
- Bẩm bệ hạ, tên thái giám kia đưa vật này xong thì đi mất!
Đinh Tiên Hoàng Đế liền quát lớn:
- Mau, cho lính chặn hắn lại. Nếu hắn chống cự thì giết ngay không cần đợi lệnh!
Hoàng đế tuy chưa xem thử trong túi gấm chứa điều gì nhưng đoán ngay là thứ không được để người ngoài biết. An Định Hầu hiểu tánh hoàng đế sau khi mở túi sẽ giết ngay kẻ đưa để bịt miệng nên căn dặn Võ Quảng phải trốn liền. Võ Quảng bị thọt một chân nhưng là dũng tướng nên chuyện ẩn thân không khó khăn gì. Chưa kể Đinh Phúc từ trước đã dọn sẵn đường thoát thân ngừa An Định Hầu lúc về điện Vĩnh Tường bị ám hại. Đường là dọn cho vương hầu nhưng kết cuộc lại là lối thoát hiểm của Võ Quảng. Hắn ra khỏi cung lại giả thành một người ăn mày gù lưng nằm ngủ vất vưởng bên góc chợ. Quân ngự lâm lùng sục trong cung không thấy bèn hạ lệnh đóng cửa thành để truy xét. Thành Hoa Lư được một đêm náo động nhưng chẳng ai ngờ đến tên gù rách rưới hôi hám đang ngủ ngon lành bên đường. Võ Quảng chỉ việc vất vưởng thêm mấy hôm đợi tình hình lắng dịu rồi la lết theo đám ăn mày ra khỏi kinh thành.
Chừng đi xa Hoa Lư hai dặm, Võ Quảng cải dạng thành thương buôn thuê lấy cổ xe ngựa nhằm thẳng hướng bắc mà tiến. Hắn đến ngoại thành Đại La liền mua một thuyền lớn ngược dòng Hồng Hà. Võ Quảng định đến nước Đại Lý tìm An Định Hầu nhưng không dám đi qua cửa Quỷ Môn Quan và Ứng Kê, chỉ còn đường lên thượng nguồn Hồng Hà để vượt núi qua biên giới Đại Lý. Vùng núi đồi này trùng điệp, đường đi gian khó vô kể, may Võ Quảng ngày trước đã mấy phen cùng An Định Hầu dẹp loạn nên có mấy phần rành rẽ. Chừng bảy tám ngày sau, hắn đã đến được địa phận đạo Lâm Tây dò dẫm lối cũ sang Đại Lý.