An Định Hầu thấu hiểu tánh Đinh Tiên Hoàng Đế bao nhiêu thì hoàng đế rõ bụng dạ của vương hầu bấy nhiêu. Hoàng đế nghe thông báo không tìm ra được Võ Quảng chỉ đành trách phạt mấy câu lấy lệ, ngầm hiểu An Định Hầu đã có xếp đặt từ trước. An Định Hầu giao túi gấm cho Võ Quảng căn dặn khi nào hoàng đế điều Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn ra khỏi kinh thành thì phải tức tốc tìm gặp hoàng đế. Ông ta lường trước được hết thảy con tính của thiên tử càng khiến bụng dạ đế vương có chổ không thoải mái.
Đinh Tiên Hoàng Đế trầm ngâm nhìn túi gấm một lúc mới ra hiệu cho Thái Sư Lưu Cơ mở niêm. Lưu Cơ xé rách niêm ấn dốc ngược túi gấm rớt ra ba vật. Vật thứ nhất là một cái thẻ quân mạ hoàng kim khắc nổi sáu chữ An Định Hầu Đinh Quan Viễn ở mặt trước, mặt sau khắc ngày tháng được hoàng đế phong tước hiệu. Vật thứ hai là đoạn sáo gió vẫn thường hay buộc dưới chân chim. Khi con chim bay đi, gió sẽ luồng vào đoạn sáo phát ra âm thanh réo rắt, đây là một dạng truyền tín hiệu. Vật thứ ba thì chỉ là thỏi bạc tròn được tiện vừa đúng cỡ ngón tay trỏ. Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú không hiểu hai vật sau hàm ý gì, riêng nhìn thẻ quân của An Định Hầu liền đồng loạt kêu lên:
- Vương hầu tự tận ư?
Vốn mỗi một người vào quân ngũ đều được phát thẻ quân. Hạng tiểu tốt đều dùng thẻ quân bằng tre, lên chức vị cao hơn sẽ được thay thế bằng các loại thẻ quân gỗ, sắt, bạc, mạ hoàng kim. Phàm hễ còn trong hàng ngũ, ai nấy cũng giữ thẻ quân như tính mạng, cả khi xuất ngũ vì tuổi cao hay thương tật vẫn mang theo không rời. Thẻ quân chỉ trả lại khi kẻ đó đã tử trận sa trường. An Định Hầu giao thẻ quân của mình cho hoàng đế hàm ý biết rõ chuyến đi sứ Đại Lý sẽ không còn sống quay trở về Đại Cồ Việt. Thật sự thâm tâm ông ta muốn nhắn gửi sẽ chết tha hương để khỏi làm bận tâm đế vương. Tuy nhiên, hoàng đế cùng Lưu Cơ lại hiểu rằng An Định Hầu có ý trách quân vương đẩy bản thân mình vào chổ chết. Trịnh Tú cùng Đinh Điền tính hay thâm trầm nên suy tư điều gì cũng không để lộ trên mặt. Nhưng cả hai đại thần này đều phải đồng loạt chau mày. Ai ai cũng thoáng ân hận vì đã góp ý hiến kế cho đế vương ra lệnh An Định Hầu đi sứ Đại Lý.
Đinh Tiên Hoàng Đế ra lệnh cho Lưu Cơ:
- Ngươi mau mở thỏi bạc ra xem!
Lưu Cơ thấy thỏi bạc được đúc liền lặn không một khe hở, chẳng biết phải mở thế nào. Y loay hoay một lúc mới phát hiện trên đầu thỏi bạc chỉ được trám lại bằng sáp rồi mới phủ lớp bạc mỏng lên trên. Lưu Cơ liền nhấn mạnh. Quả nhiên đáy thỏi bạc rơi xuống đất để lộ một tấm giấy làng Hương được quấn nhỏ. Làng Hương cách thành Đại La năm dặm về hướng Tây nổi tiếng nghề làm giấy cói. Cây cói sau khi phơi khô được bỏ vào cối đá nghiền thành bột mịn. Thứ bột này được trộn cùng một loại cao đặc chế của dân làng Hương, sau được cán mỏng phơi hơn chín ngày dưới nắng gắt thành nên loại giấy vừa mỏng lại mịn dai vô kể. Thứ giấy này có bị thấm nước hay hơ qua lửa đều không hề hấn gì. Tuy nhiên mỗi năm, dân làng Hương chỉ sản xuất được không quá ba trăm thước giấy nọ. Thành ra phần lớn đều dâng vào cung để hoàng đế dùng làm thiếp hoặc thư dùng trong ngoại giao với các nước lân bang. Chính bốn đại thần Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Đinh Điền vẫn chưa hề được hoàng đế ngự bang cho dùng giấy làng Hương. Nay Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú thấy tín vật của An Định Hầu lại chứa giấy làng Hương thầm đoán thỏi bạc là cách hầu gia và hoàng đế liên lạc bí mật với nhau. Cả ba đại thần càng không dám suy đoán bừa bãi. Lưu Cơ cầm cuộn giấy trên tay nhưng vẫn cúi đầu chờ Đinh Tiên Hoàng Đế ra lệnh.
Đinh Tiên Hoàng Đế không muốn bụng dạ các đại thần nghi kỵ liền chỉ Lưu Cơ cách đọc. Lưu Cơ mở cuộn giấy ra vừa vặn trong lòng bàn tay khắc chi chít nhưng chữ nhỏ. Văn tự được khắc không dùng chữ Hán, là chữ Khoa Đẩu. Đặc biệt các dòng Khoa Đẩu được khắc lên giấy bằng đầu kim để lại những lổ nhỏ li ti. Lưu Cơ có căng mắt cũng không sao đọc nỗi. Hoàng đế chỉ dẫn, Lưu Cơ mới hay tác dụng của đoạn sáo gió kia. Vốn trong sáo gió được nghệ nhân cẩn thận nạm một viên ngọc quý. Chỉ cần đưa mắt nhìn qua sáo gió, những chữ Khoa Đẩu được khắc trên giấy làng Hương tự nhiên rõ ràng vô cùng. Đinh Tiên Hoàng Đế nói:
- Mau đọc lớn cho mọi người cùng nghe!
Lưu Cơ liền đọc:
- Dập đầu lạy tạ thánh ân bề trên! Thần từ lúc theo bề trên tự biết bản thân thô lậu khiến đế vương không khỏi phật lòng. Duy, đầu vẫn hướng về nam, lòng chinh chiến vẫn đem trung nghĩa đặt nặng, chưa hề dám để bụng khinh nhờn. Nay thân đi sứ xa, tự biết khó toàn mạng, đành đem hết ruột gan xin dâng bề trên ba điều nguy to vẫn canh cánh trong bụng. Bề trên dẹp nội loạn, chinh chiến hơn mười năm dài toàn thắng như chẻ tre. Ấy là vì bề trên có cả uy dũng lẫn trí tuệ, đời sau không hiểu còn minh quân như thế chăng nhưng những tiền nhân đất nam chớ hề có ai sánh kịp. Bề trên chính là phúc phần của Đại Cồ Việt. Tuy nhiên…
Lưu Cơ đọc đến đây thì ngước nhìn Đinh Tiên Hoàng Đế chờ đợi. Hiển nhiên đến đoạn An Định Hầu phê phán hoàng đế, văn là của vương hầu nhưng Lưu Cơ đọc thì khác gì cũng chung lòng phê phán hoàng đế cho nên phải im lặng. Đinh Tiên Hoàng Đế gật đầu:
- Cứ đọc, ta không trách tội!
Lưu Cơ cúi dạ, lại đọc tiếp:
- Tuy nhiên, bề trên dựng nước lại dùng pháp trị có phần hà khắc quá độ. Đấy là mối nguy thứ nhất. Đạo thánh nhân từ ngàn xưa vẫn đem nhân nghĩa để trị quốc lánh xa những lề luật khắc nghiệt quá đỗi. Đây là họa tiềm tàng, mong bề trên suy xét!
Quả thật, Đinh Tiên Hoàng Đế dựng nước từ đống ngổn ngang của loạn mười hai sứ quân cát cứ bốn phương. Phần lòng dạ dân chúng còn phân chia, phần thì tàn binh các sứ quân vẫn ngấm ngầm tạo phản, phần những kẻ mang dã tâm lợi dụng thời cuộc hỗn loạn bày đủ trò mị dân đa đoan, hoàng đế cực chẳng đã đành phải dùng pháp trị hà khắc để hành xử việc trong nước. Đinh Tiên Hoàng Đế đặt ra mười tội đại nghịch, tội nào cũng quy vào hình phạt chặt đầu giữa chợ răn đe. Chỉ cần chưa đến hai năm, trên dưới Đại Cồ Việt đã vào đúng nề nếp. Bản thân đế vương thừa biết phương cách trên gây nhiều oán hận nhưng cũng đành chịu vì chưa thể thay đổi được. An Định Hầu nhắn gởi cũng là nổi lòng của Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú. Chỉ khác, ba đại thần trên không dám mở miệng nói ra, phần An Định Hầu chẳng chút kiêng dè.
Lưu Cơ đọc xong điều An Định Hầu phê phán Đinh Tiên Hoàng Đế đã sợ trong bụng. Y vội thầm đọc điều phê phán thứ hai, toàn thân đổ mồ hôi kinh hãi, tức thì quỳ xuống dập đầu không dám mở miệng. Đinh Tiên Hoàng Đế đoán được phần phê phán này nặng nề nhưng vẫn trầm giọng nói:
- Cứ đọc, ta không hề trách tội!
Lưu Cơ nghe hoàng đế ra lệnh, đành phải đọc tiếp:
- Bề trên chinh chiến nhiều năm, thắng lợi vô kể khiến có chút chủ quan. Thân đế vương phải biết tự răn khi thành công, phải kiên định khi thất thế, đó là đạo thường có ở minh quân. Bề trên lại khuyết mất chuyện tự răn, phàm chuyện gì cũng tự tin…
Lưu Cơ không dám đọc tiếp, dập đầu ba cái nói:
- Xin bệ hạ phạt tội! Thần không thể đọc thêm được!
Tuy Lưu Cơ chưa được tâm trí như An Định Hầu nhưng chuyện hiểu tánh tình đế vương thì không hề kém. Y tự hiểu hoàng đế bắt đọc chính là cách thử lòng. Lưu Cơ thừa biết Đinh Tiên Hoàng Đế ưa nghi kỵ càng phải tìm cách vỗ an lòng dạ đế vương. Y không đọc tiếp chính là điều Đinh Tiên Hoàng Đế mong chờ.
Đinh Đế thấy Lưu Cơ hành xử thuận đạo nên vừa bụng, lại nhìn sang Trịnh Tú, nói:
- Thái sư không dám đọc đành nhờ Nội Giáp Công thay thế!
Trịnh Tú liền quỳ xuống, tâu:
- Đạo thần tử phàm nghe lời nghịch đạo với đế vương thì phải bỏ ngoài tai! Thần cũng như Thái Sư không dám phạm thượng!
Đinh Tiên Hoàng Đế không làm khó, đành cho qua. Hoàng đế chưa kịp nhìn Ngoại Giáp Công Đinh Điền thì chính vị đại thần này đã bước ra cúi đầu nói:
- Nếu Thái Sư cùng Nội Giáp Công không dám đọc thì để thần bạo gan thuật lại lời của An Định Hầu!
Ngoại Giáp Công Đinh Điền tính tình như bụng dạ đều thâm trầm cực độ. Ông ta làm bất cứ chuyện gì cũng tính toán cân nhắc cẩn trọng. Hiển nhiên, ông thừa biết hoàng đế đang thử đại thần nhưng vẫn không ngại mất lòng thiên tử. Phàm đạo thần tử không chỉ tận trung và còn sẵn sàng can giám đế vương khi phạm lỗi. Đinh Điền biết An Định Hầu để lại điều can gián quan trọng lại có phần hợp bụng liền thẳng thắn đứng ra xin đọc lại.
An Định Hầu có lần về điện Vĩnh Tường nhận chỉ phong hầu, cao hứng luận bàn với Đinh Phúc về hết thảy văn quan võ tướng trong triều Đại Cồ Việt. An Định Hầu nói về Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lê Hoàn chỉ vài ba lời ngắn gọn, riêng nói đến Ngoại Giáp Công Đinh Điền thì hơn hai khắc vẫn chưa hết. Cả chủ lẫn tớ đều khen Đinh Điền hết mực. Phải biết An Định Hầu chẳng mấy khi ca tụng ai. Thành ra một khi đã khen, ông ta không tâng bốc vì nể nang. Chuyện nghị luận trên không may bị một tên thái giám nhỏ ưa mách lẻo đem truyền ra ngoài. Thật bụng hắn nào có ý xấu. Vốn hắn thấy An Định Hầu không hay giao hảo với các đại thần nhất là Ngoại Giáp Công Đinh Điền nên mới nhân dịp trên hòng đẹp dạ Đinh Điền. Vì thế, hắn thuật lại không dám thêm bớt lời nào đặc biệt là lời tổng kết của An Định Hầu về Đinh Điền, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ rất đáng mặt trung thần đại hiền.
Đinh Điền cầm lấy cuộn giấy cùng sáo gió rồi đọc:
- Bề trên khuyết mất phần tự răn, phàm việc gì cũng tự tin quá độ! Ví như chuyện chia phe cánh của hậu cung hay các tướng lãnh đương triều, bề trên đều cho rằng có thể nắm chặt trong lòng bàn tay! Than ôi, đó là mối nguy thứ hai khiến thần ngày đêm đau đáu! Mong bề trên tâm tư nghĩ lại!
Các sử gia đời sau có vài người đều đồng tình về chuyện Đinh Tiên Hoàng Đế tự tin thái quá về bình ổn cục diện. Họ cho rằng việc Lê Hoàn tư thông Dương phi, việc các tướng ngấm ngầm ngả nghiêng bè cánh đều được Đinh Tiên Hoàng Đế biết rõ. Đinh Đế chưa thể ra tay một phần do thời cơ chưa đến nhưng phần chính vẫn tự tin nghĩ có thể dễ dàng xử lý. Âu con chim ưng bị nhốt lâu trong lồng nào hẳn mai một vuốt nhọn, cánh bằng, đợi khi sơ sẩy thoát tù túng nhất định vỗ cao cánh cưỡi gió lướt mây. Thời gian càng lâu, họa càng lớn dễ gì dẹp bỏ cho đặng.
Đinh Điền không muốn xem thái độ Đinh Tiên Hoàng Đế ra sau, đọc tiếp:
- Vì tự tin thái quá khiến bề trên tự rước mối nguy thứ ba, chính là chuyện đổi ngai thế tử! Trưởng chưa hề phạm lầm lỗi vô đạo, còn theo bề trên chinh đông dẹp tây tính ra dựng nước cũng có vài phần công trạng cao lớn. Thứ tuổi nhỏ, trí tuệ dẫu uyên bác nhưng thủy chung chưa hề làm nên công trạng vinh hiển gì. Nay bề trên phế trưởng lập thứ phạm phải bất tín, bất nghĩa. Tội thần không thể trơ mắt nhìn bề trên tự phạm hai lỗi nọ đành dốc ruột gan can ngăn!
Ngoại Giáp Công Đinh Điền chớ hề ngờ An Định Hầu càng viết càng dùng lời lẽ nặng nề. Đinh Điền không khỏi dừng lại đắn đo, lòng tự hỏi:
- Lời thẳng thường khó nghe, bản tánh vương hầu khôn khéo lẽ nào lại chẳng hiểu điều trên! Với tài năng của ông ấy thừa sức tìm cách diễn giải khác cần gì nặng lời thế này? Ông ta đương thử đạo đế vương của bệ hạ ư?
Ngoại Giáp Công Đinh Điền trầm ngâm suy tư. Đinh Tiên Hoàng Đế ngỡ ông ta ngại miệng, liền gằn giọng:
- Mau, đọc cho ta nghe An Định Hầu luận ta bất tín, bất nghĩa thế nào!
Ngoại Giáp Công Đinh Điền trầm giọng, tiếp:
- Ngày trước khi bề trên phong cho hoàng tử Đinh Liễn tước Nam Việt Vương, đã nghiễm nhiên chấp nhận Nam Việt Vương là thái tử, sau kế vị ngai rồng. Các nước lân bang đều rõ. Bách tính khắp Đại Cồ Việt đều rõ! Nay vì tình lòng yêu chiều với hoàng tử Đinh Hạng Lang, bề trên lại muốn đổi ngai thế tử. Đây chính là bất tín. Theo lẻ dầu phế trưởng lập thứ, trước nhất phải lập hoàng tử Đinh Toàn mới phải. Bề trên phế trưởng, bỏ qua thứ chính tôn kế tiếp mà lập Hạng Lang, là điều bất nghĩa thứ nhất. Một khi ngai thế tử đổi ngôi, ngoài sẽ bị Đại Tống vịn cớ đem quân chinh phạt kéo các nước Ai Lao, Chiêm Thành thừa cơ hùa cùng, trong khiến bè cánh các văn quan võ tướng chia nhau làm loạn. Đổi ngai thế tử làm thù trong giặc ngoài quật khởi, bách tính cuốn theo vòng chinh chiến khổ ải, là điều bất nghĩa thứ hai. Bậc đế vương vì sao có thể để lòng riêng yêu thích tạo họa cho trăm họ như vầy? Tội thần chết tha hương, dưới tuyền đài cũng khó yên lòng đau đáu cho đặng. Ngàn lạy từ đất khách, mong bề trên đoái hoài!
Ngoại Giáp Công Đinh Điền đọc dứt, mồ hôi tự nhiên đổ ra đầy lưng. Ông ta không phải sợ vì An Định Hầu dùng lời lẻ cứng rắn. Âu, Đinh Điền thấy cuối cuộn giấy còn khắc thêm mấy dòng:
- Viễn tôi đoán chỉ có Ngoại Giáp Công mới dám đọc hết những lời ruột gan kia! Mong Ngoại Giáp Công vì an nguy Đại Cồ Việt, vì trăm họ để hết lời can ngăn chuyện đổi ngôi của bề trên. Viễn tôi chỉ sợ, ngai thái tử bị đổi khiến triều cang lọt vào tay thần tử vô đạo, triều Đinh nhất định diệt vong! Cầu mong Ngoại Giáp Công có cùng bụng lo với Viễn này!
An Định Hầu liệu trước, Võ Quảng dâng túi gấm giữa lúc Đinh Tiên Hoàng Đế đang mật nghị với các đại thần, theo bản tánh hoàng đế sẽ mở túi gấm trước mặt đại thần hòng tránh điềm dị nghị. An Định Hầu đoán hoàng đế sẽ bắt các đại thần đọc để thử đạo quân thần của họ. An Định Hầu thầm tính Lưu Cơ, Trịnh Tú hoặc kiêm cả Nguyễn Bặc đọc xong điều phê đầu tiên nhất định không dám đọc tiếp, chỉ Ngoại Giáp Công mới đủ gan. Thành ra An Định Hầu đã viết thêm mấy dòng trên nhắn gửi cho Đinh Điền. Quả nhiên như An Định Hầu dự tính, Đinh Điền đọc hết những dòng trên, trong bụng vừa sợ vừa kính nể An Định Hầu tột độ. Ông liền thấy thẹn, nghĩ thầm trong bụng:
- An Định Hầu biết đi sứ sẽ chết vẫn không từ nan, biết dùng lời ruột gan can ngăn khiến bệ hạ phật lòng, vẫn không từ nan. Ta đem phận tôi trung so bì với ông ấy, thật còn kém xa vạn phần! Ta biết chuyện đổi ngai thế tử là sai, chỉ vì dạ quân vương đã kiên định không sao thay đổi được, đành lòng phải cùng tính kế vẹn toàn! Ta làm vậy là đúng hay sai? Liệu có gây một trận kinh biến khiến đổi triều thay vua như An Định Hầu tiên đoán không? Nếu thật như vậy, tội của ta lớn vô kể, xuống tuyền đài mặt mũi nào dám nhìn An Định Hầu? Than ôi!
Đinh Tiên Hoàng Đế cau mày giận dữ:
- Ông ta đến cùng vẫn muốn can chuyện đổi ngai thế tử! Ta làm vua một nước, muốn chọn ai kế vị cũng không được quyền ư?
Lưu Cơ, Trịnh Tú thấy mặt rồng thịnh nộ, không dám lên tiếng can ngăn. Duy, Ngoại Giáp Công Đinh Điền liền đáp:
- Bẩm bệ hạ, An Định Hầu nào chỉ can chuyện đổi ngai! Ông ấy đang tỏ lòng trung đấy thôi! Thường nghe, người sắp chết tự nhiên nói lời thật lòng, An Định Hầu thừa biết đi sứ sẽ chết vẫn không hề khước từ, còn trút ruột gan dâng biểu can gián. Lòng trung của ông ấy, thần tự thẹn không bì lại! Lòng thần xấu hổ cùng cực!
Đinh Tiên Hoàng Đế hiểu rõ bụng dạ của An Định Hầu trung thuận ra sao. Hoàng đế tự biết chuyện đổi ngai thế tử kèm nhiều hung hiểm khôn tận thế nào. Tuy nhiên, hoàng đế vẫn kiên định giữ nguyên ý chỉ. Không ai biết tâm tư của Đinh Tiên Hoàng Đế đã tính toán như thế nào. Cả các sử gia đời sau suy già đoán non vẫn không sao giải thích cho thỏa. Có lẻ đúng như điều phê phán thứ hai của An Định Hầu về Đinh Tiên Hoàng Đế, quân vương đã tự tin thái quá khả năng bình ổn cục diện, nào hay bao kinh biến động trời khiếp đất sắp giáng xuống triều đại ngắn ngủi này.
Về phần Võ Quảng đến được đạo Lâm Tây liên theo đường hành quân ngày trước băng núi tìm sang đất Đại Lý. Tuy nhiên do nhiều năm cảnh vật đổi khác, Võ Quảng đi vòng vèo hơn năm ngày lại lạc hướng không sao tìm ra lối thoát. Hắn đành chọn một đỉnh núi cao, trèo lên đó nhìn bốn phía may thay thấy được núi Yên Tử. Ngày trước Võ Quảng đã cùng An Định Hầu hai phen lên núi Yên Tử gặp nữ đạo Hạnh Nguyên cho nên tính ra cũng có mấy phần thân thiết với đạo quán nơi này. Hắn mừng rỡ bèn lên núi Yên Tử, định bụng tìm nữ đạo Hạnh Nguyên trước hỏi thăm sau nhờ chỉ đường. Núi Yên Tử có bốn đỉnh riêng biệt. Các đỉnh núi này tuần tự theo đông tây nam bắc có tên gọi Vô Ưu, Tĩnh Tâm, Ngộ Thức, Hành Vân. Bốn đỉnh núi bao lấy một thung lũng nhỏ chừng mười mẫu vuông dưới chân. Đạo quán của nữ đạo Hạnh Nguyên nằm ở trung tâm của thung lũng nọ.
Võ Quảng nhận ra lối cũ nhưng do chân trái bị tật nên cà nhắc đi hơn canh giờ mới đến được thung lũng. Hắn thấy mái đạo quán thấp thoáng toan bước tới thì nghe bên mé trái có tiếng động lạ. Võ Quảng đưa mắt nhìn sang không khỏi giật mình. Một chàng trai trẻ chừng mười bảy mười tám tuổi đang hè sức đập tay vào tảng đá to bằng mấy người ôm. Chàng trai trẻ này không dùng búa cũng chẳng dùng công cụ nào, đơn thuần xếp bàn tay thành quyền đánh lên đá cứng. Quyền giáng vào chổ nào thì phần đá đó bị vỡ tan thành bụi nhỏ rơi hết xuống đất. Võ Quảng nhìn thấy quanh chàng trai đã có mấy đống cát bụi như vậy, đoán chừng nhiều tảng đá to bị đánh tan, càng kinh hãi trong bụng. Mười năm trước theo An Định Hầu đến viếng núi Yên Tử, Võ Quảng đã gặp chàng trai này. Tuy nhiên lúc đó chàng ta chỉ là thằng nhỏ ốm yếu không được tướng tá khôi vỹ như bây giờ.
Võ Quảng ngẫm một lúc mới nhớ được tên liền gọi lớn:
- Có phải là Phương Chí Trung đó chăng?
Chàng trai nọ nghe có người gọi tên liền quay lại nhìn. Chàng ta ở núi Yên Tử từ bé, nữ đạo Hạnh Nguyên lại không mấy quảng giao thành ra khách khứa đến viếng đếm được trên năm đầu ngón tay. Vì thế dẫu đã mười năm dài, Phương Chí Trung vẫn nhận ra được Võ Quảng, vội vã chạy đến vái chào. Phương Chí Trung nhấc chân đã phóng thân mình mấy chục trượng dài. Võ Quảng thấy khinh công cao cường đến vậy càng phục nữ đạo Hạnh Nguyên khéo dạy đồ đệ.
Phương Chí Trung đến trước mặt Võ Quảng, nói:
- Ân sư đã chờ ngài năm hôm, định bụng ngày này không thấy sẽ rời núi Yên Tử để đi tìm. May mắn ngài đã đến!
Võ Quảng tròn mắt kinh hãi:
- Nữ đạo chờ ta ư? Bà ấy chờ ta làm gì?
Phương Chí Trung cung kính đáp:
- Tại hạ không hề biết rõ! Cách đây nửa tháng, ân sư gieo quẻ đoán có khách tìm đến nhờ cậy! Ân sư lệnh, hễ là người của An Định Hầu thì mau mau đưa vào, còn kẻ khác miễn tiếp! Tại hạ cùng sư huynh theo lời của ân sư luyện võ nơi này chờ đón khách!
Võ Quảng không ngờ nữ đạo Hạnh Nguyên chẳng những biết có thân cận của An Định Hầu tìm đến mà còn biết cả hướng đi, thêm kinh hãi trong bụng. Hắn nghe Phương Chí Trung nói, liền nhìn sang bên trái. Đúng là dưới ngọn thác nhỏ còn một chàng trai trẻ khác đang ngồi tọa thiền luyện công. Người này là đệ tử thứ hai của nữ đạo Hạnh Nguyên, tên Phạm Văn Đại. Ngọn thác tuy nhỏ nhưng gieo từ trên cao xuống, Phạm Văn Đại ngồi dưới đưa thân chịu nước chảy xiết vẫn bình thản cúi đầu vái chào Võ Quảng. Phạm Văn Đại ngồi cách chổ Văn Quảng, Phương Chí Trung hơn năm sáu trăm thước, giọng nói vẫn rõ mồn một:
- Tam đệ mau đưa phó tiền quân đi gặp ân sư! Tứ muội Bách Hoa hẳn đang sốt ruột sốt gan chờ nghe tin tức!
Ngày trước dưới trướng An Định Hầu, Võ Quảng giữ tước phó tiền quân. Phạm Văn Đại nhớ vậy nên xưng hô như cũ. Võ Quảng nghe Phạm Văn Đại gọi tên Bách Hoa hiểu ngay chính là cô bé Trương Bách Hoa được An Định Hầu nhặt được đem lên núi Yên Tử giao cho nữ đạo Hạnh Nguyên dạy dỗ mười năm về trước. Hắn thấy hai đệ tử của nữ đạo tuổi còn trẻ đã có võ nghệ hơn người, lại tò mò không biết mười năm qua, cô bé Bách Hoa nọ đã học thành những gì, liền mau chân theo Phương Chí Trung vào đạo quán.